

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

-
Quyển kinh Đạo Nam do nhà xuất bản Lao Động xuất bản năm 2007. Nguồn gốc: " Hưng thiện đàn" ở ...
-
Xuân thiên nhiên vẫn đến theo chu kỳ tứ quý. Thiên nhiên thuộc về nguyên lý tự nhiên [1] . ...
-
Mười điều tâm yếu hướng về ngày thành đạo của Đức Phật Thích Ca (08 - 10 - Canh Dần) 1/- ...
-
Ngày nay trên thế giới, hầu hết các nhà khoa học của các ngành Khoa Học Nhân Văn như Lịch ...
-
Những giá trị phổ quát là những tinh hoa tinh thần nâng cao nhân vị vượt không gian và thời ...
-
Đức Ngọc sanh vào ngày 1.9 Canh Dần (1890) tại Cần Giuộc. Từ nhỏ đến khi trưởng thành Ngài sống ...
-
Thiên là từ Hán Việt để diễn đạt TRỜI của chúng ta. Từ lâu Đức Cao Đài dạy: Thầy mong con biết ...
-
Sứ mạng Chung Hòa là trách nhiệm quan trọng của Nữ Phái Tam Kỳ Phổ Độ để góp công quả ...
-
Giê Su ra Dù ngày nay, chuyện đón Giáng Sinh ở nhiều nơi mang nhiều tính lễ hội, thậm chí ...
-
Có một tử tù kia suốt đời làm việc tội lỗi, giết người, trộm cướp, lòng dạ rất xấu xa. ...
-
Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với văn hóa Chăm phát huy mạnh mẽ trong khoảng từ tk.VII đến hết ...
-
Nhiều người cho rằng Thiền Tông khác với Tịnh Độ Tông , vì một bên chú trọng vào tự lực, ...
Thiện Chí
TỰ THẮP SÁNG HIỆN HỮU

TỰ THẮP SÁNG HIỆN HỮU
Thiện Chí biên soạn
“Ta là ánh sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm.” (Ga 12,46)
Một Ki-Tô hữu đã nhắc lại câu Thánh kinh trên để kể chuyện “Làm thế nào sống trong ánh sáng”:
“Một hôm, vị đạo sĩ hỏi đệ tử: làm sao có thể biết được là ngày đã đến và đêm sắp kết thúc. Mỗi đệ tử trả lời một cách khác nhau nhưng không câu nào làm ông hài lòng. Sau cùng ông nói: “Khi chúng ta nhìn vào người bên cạnh, nếu chúng ta có thể nhìn người đó như người anh em của chúng ta, thì lúc đó là ngày đã đến chúng ta, nhưng bao lâu chúng ta chưa đạt được điều này thì chúng ta sống trong đêm tối.” (Góp nhặt)
Chúng ta phải sống như con cái sự sáng, không phải vì ích lợi cho chúng ta, mà còn để cho đời này bớt tối tăm. Thánh Phalô khuyên: “Anh em hãy chiếu sáng như những vòm sao trên bầu trời thế gian.”[1]
Đối với tín hữu Cao Đài, trên đường tu học hành đạo, muốn đạt được kỳ cùng mục đích, điều kiện tiên quyết là phải “tự thắp sáng hiện hữu”.
Thắp sáng hiện hữu có nghĩa là tự nhận thức con người thật mà mình đang sống; tức nhìn thẳng vào giá trị con người mình ở giữa xã hội, không che đậy, không mơ hồ tự dối. Như thế gọi là “tự biết mình”. Biết cái CON lẫn cái NGƯỜI của bản thân, cái “tâm” lẫn cái “thể”, cái “văn” và cái “chất”. Biết “con” là bản năng thú tánh còn lưu lại trên đường tiến hóa; biết “người” là nhân bản, là linh căn bẩm thụ từ Thượng Đế. Biết được rồi mới biết TỰ CHỦ để chế ngự cái “con” và hành sử nhân năng, tức cái “Người”.
Sách Đạo Học Chỉ Nam[2] viết: “Giá trị con người do con người tự tạo. . . Nhưng đứng về cá nhân mà xét, thật hoàn cảnh xã hội và con người hiện nay, nhận thấy có gì xứng đáng đâu? Con người là một hạt sương trên ngọn cỏ, một lượn sóng giữa trùng dương, thoạt mất thoạt còn, yếu ớt đến nỗi một con vi trùng, một ngọn gió phớt qua cũng đủ tiêu diệt trong một giờ hàng trăm hàng vạn người.
Một mặt khác, con người phải luôn luôn nhớ rằng: mình là “âm dương chi giao, quỷ thần chi hội”. Nghĩa là: Mình đứng giữa âm dương, phân nửa là thần, phân nửa là quỷ, có phải mà cũng có quấy, có thiện mà cũng có ác, vậy con người phải chọn con đường mà đi. Đi trúng con đường lành thì lên, bằng sái con đường lành thì xuống. Con người còn có thể tu nên Tiên, nên Phật, làm sư biểu cho muôn đời. Như thế, giá trị con người không phải là con người tự tạo cho mình sao?
Vậy vấn đề nhân bản là vấn đề hóc hiểm mà quan yếu. Nếu bản (gốc) không lập, thì Đạo không sanh. Người không gốc, thì người không đứng vững. Mà người là tâm, gốc của tâm là tánh. Biết vun trồng bản tánh, mới thiệt chỗ căn cơ, tông tổ của người.”
Nên Thánh giáo Cao Đài có dạy:
“Muốn làm người hành giả đi trên Đại Đạo để tìm về nơi nguyên bổn vĩnh cửu trường tồn, thì Bổn Huynh khuyên hãy thắp sáng hiện hữu trước khi để nhận thấy chỗ cứu cánh thật sự của đạo pháp, thì bước đường tu tiến mới vững vàng khi gặp lúc thiên ma vạn chướng ngăn ngõ đón đường, mới không bị chùn bước.”[3]
Thắp sáng hiện hữu không chỉ như thắp ánh đèn mà cả một quá trình chủ động trau dồi trí năng và nhân cách:
“. . .Học đạo rất hữu ích đó chư hiền đệ hiền muội! Học đạo lý bên ngoài để làm sáng tỏ đạo lý bên trong, nên nói học đạo là để làm người chí nhân chí mỹ. Tu công lập quả để đắp xây âm đức. Luyện đạo là chính mình làm sáng cái đạo tự hữu hằng hữu của mình để có một đời sống thực tiễn và ý nghĩa hơn. Như vậy, dầu lớn nhỏ, khi có tâm chí thì tu luyện cũng thành công. Nay được gặp thời kỳ ân xá mở rộng pháp môn, Thiêng liêng chống con thuyền đưa người vượt qua bỉ ngạn, nếu ai không giác ngộ thì khó sang qua đời thánh đức và khó vào cõi an lạc.”[4]
Như thế, thắp sáng bằng công trình đối trị thất tình lục dục; bằng công quả hy sinh giúp đời; bằng công phu quán chiếu nội tâm. Nên thánh giáo đã dạy tiếp:
“Hiện tại (…) lòng người điên đảo, ngoài thì tình thế rối ren, vì thế mỗi vị nên tự thắp sáng chính mình, có như vậy thì giờ khắc công phu cũng như phương pháp thiền định mới hợp với thiên lý và nhơn tâm, thì điển lực diệu dụng mới chan hòa khắp nơi và thắp sáng được hiện hữu, thì người Thiên ân hành giả mới cùng với Thánh Hội đem đến kết quả cho nhơn sanh, vừa tự độ, độ tha.”[5]
Trách nhiệm của người tín hữu bình thường, tự tu, cầu tiến phải rất cần mẫn như thế, còn đối với người hướng đạo giáo dân vi thiện còn nghiêm nhặt hơn nữa:
“Người lãnh đạo Thiên ân phải biết thắp sáng chính mình bằng khắc kỷ phục lễ, dám nhận khuyết điểm của mình trước đại chúng để đánh tan mối hoài nghi trong phần hành sự của mọi người, đó mới thật là sám hối.
Người Thiên ân hướng đạo mà chưa có cái đại hùng đại lực ấy thì chưa thể chấp trì quyền pháp của Đức Chí Tôn.[6]
Thiển nghĩ, bốn câu thánh thi sau đây có thể đúc kết, làm cẩm nang sống đạo cho mọi người giác ngộ đang cố gắng tự thắp sáng hiện hữu trên đường hành đạo cứu đời:
“Một trời, một đất, một lòng tin,
Biết đạo, trước tiên biết được mình,
Mới biết sống đời là sống đạo,
Đại thừa sứ mạng rất phân minh.”[7]
[1] Nguyễn Ngọc Xuân, bài viết “Ánh sáng” từ Fb.
[2] Minh Lý Thánh Hội, Đạo Học Chỉ Nam, Mục “Giá trị con người do con người tự tạo”.
[3] Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 01-5 Đinh Tỵ (17-6-1977).
[4] Ibid.
[5] Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 03-11 Kỷ Mùi (21-12-1979).
[6] Ibid.
[7] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 15-01 Nhâm Tuất (08-02-1982).