Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
23/11/2021
Thiện Chí

CHÍN QUẺ TIẾN ĐỨC TU NGHIỆP


Đàn số: 11R

TTM, Ngày 10, tháng 10 năm Ất Tỵ 21g

ĐT: Liên Hoa

 

(02-11-1965)

Bản Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương ...

. . . . . Đã Chính Trung thì làm thế nào cho ra Chính, cho phải Trung? Nên “dung ngôn” cần phải Tín, dung hành cần phải Cẩn. Tín và Cẩn là bước đầu của người quân tử xây dựng bản thân, để đủ chí thành bên trong, nuôi giữ cái tâm háo đức lạc thiện, lộ cái chí cao khiết ra bên ngoài, làm thước mực cho con người.

Chẳng những Tín và Cẩn, mà trong lúc nào cũng hết sức nuôi giữ cái tâm, không để vọng tà, tưởng sai, nghĩ quấy, tham cầu ra ngoài đạo nghĩa, mà trong lúc rảnh rang mới lâm vào cái bịnh sai lầm, nên có câu: “nhàn cư vi bất thiện”.

Vì thế mà người quân tử luôn luôn quý chuộng cái tâm chí thành bất tức, không dám để khách khí xen vào làm loạn động, nên cốt là “nhơn dục tịnh tận” thì “thiên lý lưu hành” gọi là “nhàn tà tồn kỳ thành”. Ngôn được Tín, hành được Cẩn, nhàn tà tồn kỳ thành, thì giữ được đức Chính Trung.

Đức đã sáng tỏ, tài đã vang dậy, mà người quân tử không vì đó tỏ ý khoe khoang, lòe ra ngoài cho thiên hạ biết, gọi “thiện thế nhi bất phạt”. Phạt là khoe lòe, cũng có nghĩa là quở trách.(...)

Người quân tử suốt ngày chăm chăm không nghỉ, từ sớm đến chiều, lúc sớm mới mở mắt cho đến khi vào ngủ, lòng cứ run sợ, không dám lơ đễnh, run sợ chỗ bất giác khởi lên[1]  khiến cho mắt thấy sắc mà đắm mê; tai nghe thinh mà quyến luyến, mũi ngửi hương mà tình ý khởi; lưỡi nếm vị gây cho lòng thèm thuồng ao ước; thân xúc chạm với đời lem lấm nhuốc nhơ; ý vì ngũ trần năm thức mà vọng lên; bảy mối thất tình: mừng, giận, ghét, thương, sợ, lo, vui, buồn đủ việc. Nên người quân tử luôn luôn run sợ, đề phòng mỗi ngày, chẳng dám hớ hênh. Nếu rủi một phút lãng lơ, thì khách khí xen vào gây mối ghét thương, làm cho tâm hồn rối loạn. Nên phải từ sớm đến chiều trông (nom) cho “vô cựu”.

Ôi! Sự cẩn mật tư duy của người quân tử đến mực, mà còn chưa dám tự tin ở mình. Huống chi bọn gái đám trai không gắng khép thân trong Đạo pháp, thì mong gì giữ được lương tâm. Dầu ai có giữ được, cũng chớ tưởng vậy là đủ đầy. Khôn ba năm, dại một giờ, thì phẩm giá con người khác chi: đốn củi ba năm, chỉ đốt một giờ là rụi cả!

Người tu nên nớp nớp đề phòng, đó là “kiền kiền dịch” vậy. Nhưng chẳng phải run sợ nơm nớp suốt ngày là được, mà cần phải làm sao để tiến lên bậc đại nhơn, chánh giác, hoàn thiện, để giải thoát cho mình, cứu đời thoát vòng oan trái khổ đau kiếp người vay trả.

     - Thế thì làm gì để hết run sợ?                  

     - Phải theo câu “QUÂN TỬ TIẾN ĐỨC TU NGHIỆP”.

     Tiến Đức” nghĩa là sao? Là phải làm lòng lành được nẩy nở, phải xây dựng bản thân con người đạo đức, để tiến lên bực Thánh Hiền. Bắt đầu phải đi từ 1 đến 10; cần trải qua một chương trình thứ lớp. Phải công phu theo 9 quẻ sau nầy, để tiến đức của người quân tử.

        1- LÝ,        đức chi cơ                       (Thiên Trạch Lý)

        2- KHIÊM,       đức chi bỉnh           (Địa Sơn Khiêm)

        3- PHỤC,  đức chi bản                     (Địa Lôi Phục)

        4- HẰNG, đức chi cố                       (Lôi Phong Hằng)

        5- TỔN,     đức chi tu                       (Sơn Trạch Tổn)

        6- ÍCH,      đức chi vụ                       (Phong Lôi Ích)

        7- KHỔN, đức chi biện                    (Trạch Thủy Khổn)

        8- TỈNH,   đức chi địa                      (Thủy Phong Tỉnh)

        9- TỐN,     đức chi chế                     (Tốn vi Phong)

1/- LÝ là học quẻ Thiên trạch Lý để tiến đức, bằng lòng cung kỉnh, hành chỉ đúng với Đạo lý, hợp với Lễ. Như thế gọi là “, Đức Chi Cơ”.

Đức chi cơ nghĩa là: lấy lễ nghi, Đạo lý làm nền, cho công phu tiến đức. Lễ nghi khuôn phép đã có nền, ví như ta làm nhà phải xây nền móng trước vậy. NỀN đó là Lễ Phép.

2/- Lễ phép phải ở đức KHIÊM TỪ, nhường nhịn, hạ mình mà tôn kỉnh kẻ đạo cao đức lớn, nên gọi “Khiêm, đức chi bỉnh”. Bỉnh là cán cân. Cân cán để làm cái hạnh đạo sâu dày của người quân tử là Khiêm.

Trời nhờ Khiêm mà muôn vật gội ơn hằng sống, như tất cả vật ở trên không đều hướng hạ xuống trần, như: mây mưa, mùa tiết, mặt trời mặt trăng soi rọi cho muôn vật nhuần thấm, ấm áp sanh sôi. Đức Khiêm của đất rộng dày sâu, chứa đựng không từ một vật, dầu sạch hay dơ, kẻ lành hay đứa dữ, mà làm cho nó trưởng dưỡng, đủ sự tiêu dùng. Mặt trời lên cao phải hạ xuống, mặt trăng tròn phải khuyết mà mờ đi, nên đức Khiêm như mặt trăng chịu khuyết mà được tròn; mặt trời lặn mất, nhưng rồi lại lên cao, cao vút. Đức Khiêm hạ mình dưới hết, như biển ở chỗ thấp, nước muôn rạch đều đổ về. Vậy là Khiêm mà bỉnh cán!

3/- Đã có nền, có cán bỉnh, nhưng phải tìm gốc của đức mà quay lại, để đắp bồi gốc của đức là Tâm. Mà Tâm là một điểm sanh cơ vừa phát, là quẻ PHỤC, nên nói “Phục, đức chi bản”. BẢN là cội rễ con người, mà cũng gốc rễ của Thánh nhơn.

Một hạt giống lành đương nứt lên là sơ phục phải cần nuôi dưỡng cái lòng chí thiện, cái bản lai diện mục của mình, để làm căn bản cho công phu tu đức.

4/- Cơ, bỉnh, bản, đã có nhưng phải luôn luôn thường còn bất biến, kiên cố lâu dài, thì học quẻ HẰNG để lập đức chơn thường, an trụ tinh thần vào chỗ bồ đề vô trụ là “Hằng, đức chi cố”. CỐ có nghĩa là: kiên cố, vững chãi.

5/- Đã có bốn đức như trên chưa phải là viên mãn, mà còn một công phu tiếp tục luôn luôn, là ngăn ngừa khí vận, chế ngự tà tâm, dõng mãnh trên đường tu học lập thân bằng sự chí thành, giữ tâm thanh tịnh, gọi là “Tổn, đức chi TU”.

TỔN là trau sửa, ngăn phòng mối dục lên bên trong, bớt điều vui chơi ở tục, là nghĩa chữ Tổn nói đây.

6/- Tu được rồi, Cố có rồi, cần phải lập trên bốn thể như sau: các đức như Bản, như Hằng thì lại làm cho lớn lên, mỗi ngày mỗi lớn, cho cao lên, mỗi ngày mỗi cao; lập kỷ rồi lập nhơn, đạt kỷ rồi lại đạt nhơn. Tinh thần vị tha, luyện kỷ như thế đã gây phản chiếu đức trí ra ngoài, gọi là ÍCH, đức chi vụ”.

Đã cố, mà còn tu, lại được vụ, (kể luôn ba chữ trên cơ, bỉnh, bản), là sáu bước gần đến nơi, cần được xét lại mình thử tâm chí giá sử với nghịch cảnh đã được hanh thông vô sự, hay còn trở ngại khổ tâm. Nếu trong nghịch cảnh, lòng mình thấy chịu đựng được là hay; nếu không chịu được là dở.

7/- Dở cũng phải cố gắng thêm lên, lên một chưa được lên 10, cố gắng để luyện rèn mình trong nghịch cảnh, như vàng vào lửa, vàng còn thêm tươi, lửa đốt vàng, vàng còn mà lửa (theo cây củi) ra tro rồi tắt. Ấy là “KHỔN, đức chi biện”.

Biện là rà soát lại mình, coi đức đã được biện thì lòng được rỗng rang. Như vị Bồ tát đứng trước đám đời, muôn người đục một mình ta trong, muôn người say một mình ta tỉnh.

8/- Trong để làm gì, tỉnh để làm gì?

Phải học quẻ TỈNH, tỉnh là giếng. Lòng mình được như lòng giếng, để nước cho muôn người ăn uống, mặc tình sự tiêu dùng mà lấy, càng lấy càng chảy ra, càng chảy ra lòng giếng càng trong.

Nên người Bồ Tát hay bực Thánh nhơn, không nghèo sự bố thí, cúng dường. Càng bố thí bao nhiêu, càng dòm lại không thấy mất mát, mới lạ không? Giữ mà càng hẹp hòi, cũng không thấy có nên nói: “Tỉnh, đức chi địa”. Địa là Khôn, Khôn tính thuận, mà đức dày bền, nên gọi là đức chi địa.

Mệt chưa?

Thôi chào và ban ơn quý vị.

Thăng 1 giờ 30

 

Đàn số: 12R

TTM, Ngày 12, tháng 10 năm Ất Tỵ 21g30

ĐT: Liên Hoa

(04-11-1965)

Nam nữ đua nhau tiến học hành,

Ngày giờ nhặt thúc, bước lên nhanh.

Đoái trông non nước đương dày xéo,

Hiệp sức chung lo giảng đạo lành.

Bản Thánh Hưng Đạo Đại Vương chào chư Thiên ân và quý liệt vị. Tiếp bài:

9/-. . . . .Việc trong thiên hạ có lúc thường lúc biến, đạo lý có khi kinh khi quyền. Sử lúc biến không như lúc thường, mà tùng quyền phải dựa vào kinh mới không trật ngoài đạo lý. Tùy cơ nghi mà ứng phó, để thông thuận nẻo tới đường lui, nên gọi: “Tốn”. (đọc đoạn đầu)

Đức chi chế”. Đức mà không chế, thì đạo lý không thông. Cũng như vị thuốc sống chưa sao chế, không dùng chữa được bịnh. Đạo lý biết chế biến trong lúc phải tùng quyền, mà xử sự cho được nhanh chóng. Nếu có đức mà để như cục đất khô, làm sao tô tường, làm ra vật này vật nọ? Nên gọi: “Tốn, đức chi chế”.

Đó là chín đức của chín quẻ, để cho ta lấy đó tiến tu về đường đạo hạnh.  Nhưng có đức mà không có tài, khác chi có thuốc mà không có thầy, biết dùng vào đâu để trị cho lành bịnh. Nên đây nói về chín tài của chín quẻ:

                   1- , hòa nhi chí.

                   2- Khiêm, tôn nhi quang.

                   3- Phục, tiểu nhi biện ư vật.

                   4- Hằng, tạp nhi bất yểm.

                   5- Tổn, tiền nan nhi hậu dị.

                   6- Ích, cưỡng vụ nhi bất thiết.

                   7- Khổn, cùng nhi thông.

                   8- Tỉnh, cư kỳ sở nhi thuyên.

                   9- Tốn, xưng nhi ẩn.

Trên kia nói đức của chín quẻ. Đây nói về tài của chín quẻ.

1- Người ta trông thấy vẻ ôn hòa bình dị, ngó cách thường mà không cực chí. Duy quẻ Lý bên ngoài ôn hòa, bình dị, mà nội dung lý đến mực, nên gọi: “, hòa nhi chí”.

2- Người ta ngó thì tự ti, mà dường như không tôn (hèn hạ). Duy quẻ Khiêm thì ứng sự tiếp vật giữ phần ti, mà trái lại được tôn kỉnh, trông càng vẻ vang, nên gọi: “Khiêm, tôn nhi quang”.

3- Quẻ Phục có một hào dương ở dưới 5 âm, coi chừng quá nhỏ thiệt. Nhưng ở trong một cái nhà tối, đốt lên một ngọn đèn, thì vật gì mà không biện biệt được, nên gọi: “Phục, tiểu nhi biện ư vật”.

4- Nếu người ta ở vào cảnh rối loạn thì chán, vật chi đã thường quen thì lờn lã, ngán ngao. Duy quẻ Hằng ở vào cảnh tạp loạn, mà giữ được bình thường, không hề chán ghét, nên gọi: “Hằng, tạp nhi bất yểm”.

5- Tổn là bớt sự tình tư dục. Lúc đầu cố ra làm, nhưng thấy khó khăn, mà làm quen thành tập quán, coi chừng dễ dàng không thấy chi mệt nhọc: “Tổn, tiền nan nhi hậu dị”.

6- Ích là làm cho mỗi ngày mỗi lớn, càng lớn lại lớn thêm, hưng khởi mãi mãi, mà không nhọc công tốn sức, cưỡng vụ bằng cách tự nhiên, đâu cần để tay săn sóc: “Ích, cưỡng vụ nhi bất thiết”.

7- Người mà ở trong cảnh khốn cùng, đâu chịu được mà giữ lòng bình tĩnh. Duy quẻ Khổn xử trong cảnh khổn cùng, mà vẫn được hanh thông. Tuy thân bị cùng, mà đạo lý ở nơi tâm rất là thông thái: “Khổn, cùng nhi thông”.

8- Người ta hễ ở yên một chỗ thì mất sự công dụng lưu hành. Duy quẻ Tỉnh ở một chỗ mà ứng dụng khắp nơi, tánh nước luân lưu thông biến, ai cũng cần dùng được đầy đủ: “Tỉnh, cư kỳ sở nhi thuyên”.

9- Người ta, hễ có tài, thì hay lòe khoe lộ trên vẻ mặt. Duy quẻ Tốn cổ động được muôn vật, vật nào cũng đón tiếp sưởi lòng mát mẻ, tẩy được khí trược bụi trần, mà không một ai thấy hình tướng của nó: “Tốn, xưng nhi ẩn”. (đọc…)

Đó là tài đức chín quẻ, mà Thánh nhơn cần sử dụng thông hành trong thiên hạ, để tiến đức tu nghiệp. Nên sử dụng tài đức theo chín quẻ là:

                   1- , dĩ hòa hạnh.

                   2- Khiêm, dĩ chế lễ.

                   3- Phục, dĩ tự tri.

                   4- Hằng, dĩ nhứt đức.

                   5- Tổn, dĩ viễn hại.

                   6- Ích, dĩ hưng lợi.

                   7- Khổn, dĩ quả oán.

                   8- Tỉnh, dĩ biện nghĩa.

                   9- Tốn, dĩ hành quyền.

Đoạn này dài quá, mất hết nhiều thì giờ, nhưng không nói thì làm sao hiểu được công dụng tiến đức tu nghiệp.

     (Đọc lại quẻ Khổn. Ngài có chữa lại chút ít.)

Đây nói Thánh nhơn sử dụng tài đức của chín quẻ:

1- Dụng tài đức quẻ Lý để diệu hóa thân tâm của mình, trở nên ôn hòa, đúng đắn.

2- Dụng tài đức quẻ Khiêm mà chế ra lễ nghi, khuôn phép, để sửa mình, giúp đời theo đúng đạo lý.

3- Dụng tài đức quẻ Phục mà chủ tri lấy lòng mình, không cho tà tâm, khách khí làm điên đảo tinh thần, mà băng thẳng vào trong để giữ còn cái bản lai diện mục (Chữ tri đây nghĩa như chữ tri ở quẻ Kiền “Kiền tri Thái thỉ”, nên dịch nghĩa là chủ, cũng như tri phủ, tri huyện vậy).

4- Dụng tài đức quẻ Hằng mà làm cho thuần nhứt tâm tánh, không cho vọng loạn.

5- Dụng tài đức quẻ Tổn làm cho bớt táo bạo về khí huyết, xa những tai hại.

6- Dụng tài đức quẻ Ích làm cho hưng khởi nguồn lợi của trời đất, mà giúp đỡ vạn vật.

7- Dụng tài đức quẻ Khổn mà chế ngăn sự phiền não, giảm điều thù oán giữa nhau.

8- Dụng quẻ Tĩnh để biện bạch điều nghĩa. Nghĩa như nước chí công vô tư, không hề dụng tâm. Nếu làm nghĩa mà có lòng xen vào một chút lợi, là không phải nghĩa. Nghĩa không cầu lợi.

9- Dụng tài đức quẻ Tốn để đối phó mọi nghịch cảnh, cho đúng với đạo lý, mà xuôi thuận mọi điều. Nên hành quyền không phải dễ.

Bởi vậy có 9 quẻ, mà quẻ Tốn ở sau cùng, là để sử dụng trong lúc biến. Phải là người đủ tài đức, mới khỏi trật ngoài lẽ Đạo. Vì vậy Luận Ngữ nói: “Người tài đức vừa giữ lấy thân, thì có đủ đâu mà hành quyền trong lúc biến”. (đọc…)

Đó là công phu tiến đức tu nghiệp. Công phu tiến đức tu nghiệp cụ thể là: trung tín nhi tiến đức dã. Nói đến hai chữ trung tín, thật là một giềng mối lớn nhứt của đạo làm người. Người mà mất trung, mất tín, thì làm gì gọi được con người?

Trung là ngay. Làm người mà không ngay thẳng, thì đã mất hẳn chính khí, tinh thần bị sụp đổ. Tuy là người, mà kỳ thật nhân vị không còn; phẩm cách có chăng, cũng như mang mặt nạ để che miệng thế gian. Trung đã không trung, mà tín cũng không còn tín nữa, thì nguy hại biết chừng nào!

Người đã mất lòng tin, thì người đó, nhà đó, nước đó, xã hội đó đã đổ nát ngay bao giờ kìa, chớ đợi chi ngoại xâm, đô hộ? Mình không tin được mình, thì ai tin được? Đã không tin mình, mà cũng không còn tin ai nữa, như vậy đạo nghĩa ở đời còn nói chi?

Cha con, vợ chồng, anh em, trên dưới lòng tin giữa con người đã mất nhau, mới gây ra bao khốn khổ! Đồng bào, xã hội giết hại lẫn nhau đã đành, mà lòng tin cũng bị cắt đứt giữa Trời và người, thì còn biết trông cậy vào đâu để sống, để có sự an lành, no ấm.

Ôi! Cái tai họa to lớn nhứt là tinh thần bên trong của con người đã khô cạn, niềm tin mất đi, còn nói gì đến sự văn minh, hạnh phúc, tự do? Nhà có bị cướp, nước có bị mất, con vợ có bị đoạt, tiền của có bị hết, cũng không hại bằng mất niềm tin, bằng bên trong tinh thần sụp đổ. Nên phải làm sao khôi phục lại lòng tin và tinh thần, thì mới nói bình đẳng, bình quyền, đại đồng, xã hội.

Bản Thánh thấy quan hệ rất lớn lao ở hai chữ đó. Nước còn hay mất, xã hội nguy hay an, đều ở vào đó. Lúc quân Nguyên xâm lăng, cướp lấy Việt Nam, nếu Bản Thánh mất lòng tự tin, đối với mình và đối với quân dân, thì làm sao đuổi được quân thù? Thế giặc quá to, quan quân một số trong nước: kẻ đầu hàng, người lánh mặt, tình thế nước nhà nằm trong tay của phe mạnh.

Nhưng nhờ quân dân nhứt trí, tin ở lòng mình đủ gan đối địch, tin ở lòng quân dân giữa nhau một dạ đấu tranh. Tin kẻ hậu phương đủ tâm tiếp ứng, tin ở tiền tuyến quân sĩ nỗ lực ngăn thù.

Vì vậy, quân kỷ được nghiêm minh, quân tâm đều tin tưởng, mà giữ yên bờ cõi, xua đẩy giặc lui không dám lăm le. Nếu chữ trung không xây dựng được, chữ tín đã mất đi, thì cũng chẳng cần bàn đến ngày mai làm chi vô ích. (đọc…)

Vì vậy chữ trung và chữ tín rất cần thiết để nối với Trời đất làm mối liên lạc giao thông. Tin là một cái thang bắt tận trời xanh, cho ta men về cõi Thánh. Tin là sức mạnh như ngọn thác đổ xuống vực sâu, có ai ngăn được? Nên lấy lòng tin mà gắn chặt giữa người và người, giữa đời và đạo, giữa xưa và nay; đông tây, bốn biển, muốn chung một gia đình đạo đức, không lấy chi quy hợp bằng niềm tin.

Các hiền đệ hôm nay còn quỳ, còn lạy, còn hầu, còn ỷ thiêng liêng, là còn lòng tin làm sợi dây bó buộc giữa kẻ vô hình cùng người ở thế. Nên ân phước đó không sao so sánh với vật gì ở dưới cõi nầy được. Cho nên công phu tiến đức lấy hai chữ Trung Tín làm phương châm tu dưỡng bản thân, để biến trở nên Thánh, nên Hiền, mà cộng sự cùng Trời, để phụ tướng tài thành cho Đạo Trời được trọn.



[1] Chỗ niệm bất giác khởi lên, Phật giáo gọi là “Vô minh”

Thiện Chí


ĐINH VỊ CON NGƯỜI / Thiện Chí







Lý đạo là xuân / Thiện Chí

TANH MANG SONG TU / Thiện Chí

world cup Hòa Binh / Thiện Chí






NHAT KÝ ĐẦU NĂM / Thiện Chí

















NHAT KÝ CUỐI TUẦN / Thiện Chí

NHẬT KÝ CUỐI TUẦN / Thiện Chí




BẢN THỂ HỌC / Thiện Chí

CUỘC THÁCH ĐỐ / Thiện Chí






ƯỚC VỌNG VÀO XUÂN / Thiện Chí




















TÔI LÀ AI ? / Thiện Chí





TIỀM LỰC SÂU THẲM / THiện Chí




















TÂM VẬT BÌNH HÀNH / Thiện Chí

























Dòng thiên ân / Thiện Chí

Suy ngẫm đầu Xuân / Thiện Chí












Minh Lý Đạo Khai / Thiện Chí

Đức tin Cao Đài / Thiện Chí

Đức tin Cao Đài / Thiện Chí



Hãy tự biết mình / Thiện Chí





Ba Dấu Ấn ĐĐTKPĐ / Thiện Chí

Văn Hóa Đạo Đức / Thiện Chí

Chính Long Đức Trung / Thiện Chí





Khai Xuân Tiến Đức / Thiện Chí

Cơ đạo Kỳ Ba / Thiện Chí


Phục sinh / Thiện Chí

Sống tự nhiên / Thiện Chí


Tỳ Thổ / Thiện Chí






Thiên Nhãn / Thiện Chí

Đạo có gì đâu, đạo ấy Trời,
Trời là Tiên Phật, cũng là người,
Người hay giác ngộ thành Tiên Phật,
Tiên Phật vọng tâm cũng xuống đời.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Thiền Điện, 20-10 Quý Sửu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây