Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Do bị ảnh hưởng của khuynh hướng thiên tả ở một số nước theo chủ nghĩa xã hội, nên tôn ...
-
Ý NGHĨA CỦA NGUYÊN LÝ Sự khảo sát các mối tương đồng tương quan giữa các phạm trù THIÊN ĐỊA, VẠN ...
-
"Dầu tôn giáo nào cũng đều giáo dân vi thiện, đều áp dụng giới luật quy điều, trì tâm tu ...
-
Buổi đời mạt pháp, nhơn loại tập nhiễm thói hư nết xấu của Đời, từ vô thỉ dĩ lai chồng ...
-
Ý Nghĩa Vu Lan Trần Ngọc Tâm Hằng năm vào dịp Rằm tháng Bảy, là Lễ Trung Ngươn Địa Quan xá tội, ...
-
Nói đến Đao Thầy, tức là nói đến Đao của Thương Đế. Và “nói đến Đao của Thương Đế”, trước ...
-
Vạn lý trường thành dài hơn 6700 km, bắt đầu được xây dựng vào đầu thế kỷ 3 TCNđể ngăn ...
-
I. Vài nét về hành trạng của Đạt Ma Tổ Sư Đức Bồ Đề Đạt Ma 菩提達磨 (Bodhidharma, đầu thế kỷ ...
-
Đức Chí Tôn đã ban cho nhân loại thuật ngữ "Cao Đài" để nhất quán đích điểm tiến hóa của ...
-
Chứng đạo hay đắc đạo được không đều do một chữ Tâm. Hành giả phải giữ tâm chuyên nhứt thanh ...
-
Nhân sinh thành Phật dễ đâu Tu hành có khổ rồi sau mới thành. Hai câu thơ trong thi truyện về cuộc ...
-
Tìm hiểu Kinh Ngọc Lộ Kim Bàn Là người Cao Đài không ai tránh được thổn thức khi đọc hay nghe ...
Thiện Chí
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 24/12/2022
Giêsu Kitô từ máng cỏ đến Thánh Giá
Giêsu Kitô từ máng cỏ đến Thánh Giá
(Bài nói chuyện tại Thánh thất Bàu Sen Lễ Giáng sinh năm 2000)
[Bài viết đăng lại nhân dịp Kỷ niệm Chúa Giê Su Giáng sinh năm 2014]
Hôm nay kỷ niệm lần thứ 2000 ngày Chúa Giáng Sinh, con số 2000 này đem đến cho chúng ta nhiều suy nghĩ.
Thứ nhứt, tuy cuộc đời Đức Giêsu không hơn 1/3 thế kỷ, nhưng ánh sáng Thánh linh của Ngài vẫn còn ghi dấu trên dòng lịch sử, và trong tâm khảm thế nhân hai ngàn năm qua cho đến mai sau. Chứng tỏ Ngài là Đấng Cứu độ, một ân nhân của nhân loại.
Thứ hai, thế kỷ 20 sắp chấm dứt cũng là chấm dứt một thiên niên kỷ để mở đầu thiên niên kỷ mới, trùng hợp với tiên tri của Đức Giêsu rằng Thiên Chúa sẽ tái lâm trong thời đại này.
Thế nên, chúng ta hãy đặc biệt suy niệm về Chúa Giêsu Kitô "từ máng cỏ đến thánh giá" nhân lễ Giáng sinh cuối cùng của thế kỷ để suy niệm và tôn vinh công đức cứu độ kỳ vĩ của Ngài. Đồng thời để nghiền ngẫm, noi gương, nối chí thọ nhận sứ mạng và thi hành sứ mạng thiên ân trong kỳ phổ độ thứ ba này.
Chúa Giáng sinh :
Theo Kinh Phúc Âm của Thánh Luca (Lc2,1-14)
" Thời ấy có sắc chỉ của Hoàng đế Xêgia Augustô truyền kiểm tra dân số…Mọi người đều đi khai tên, ai về thành nấy. Ong Giuse cũng từ thành Nagiarét ở xứ Giudea mà lên thành Belem để khai tên cùng với bà Maria là vợ mình đang có thai. Vậy lúc hai ông bà ở đó thì tới ngày bà Maria sinh con, bà sinh con trai đầu lòng, lấy tả bọc cho con và đặt trong một máng cỏ, bởi vì ông bà không tìm được chỗ trọ trong quán trọ.
Trong vùng ấy có những mục tử sống ngoài đồng và ban đêm canh gác đàn vật. Một Thiên Thần của Chúa xuất hiện trước mặt chúng, vinh quang của Thiên Chúa tỏa ánh sáng bao phủ chúng ta và chúng kinh khiếp sợ hãi.
Thiên Thần bảo chúng : "Đừng sợ, vì này đây tôi đến báo cho anh em một tin mừng, nó sẽ là niềm vui lớn cho toàn dân : hôm nay đã sanh ra cho anh em, trong thành vua Đavít, một Đấng cứu độ, Ngài là Đức Kitô Chúa, và đây là dấu chỉ cho anh em : anh em sẽ gặp thấy một hài nhi bọc trong tả và nằm trong một cái máng cỏ.
Bỗng nhiên cùng với các thiên thần, có đạo binh thiên quốc đông đảo hát bài tán dương Thiên Chúa rằng :
" Vinh quang Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới đất cho người Ngài thương".
Khi các thiên thần từ giã các mục tử mà về trời, những người này bảo nhau : "Nào, chúng ta đến Belem và xem điều đã xảy ra xem điều mà Thiên Chúa cho chúng ta biết".
Họ hối hả đi tới và gặp, thấy bà Maria, Ông Giuse và Hài nhi nằm trong máng cỏ. Sau khi đã xem, họ cho biết điều họ đã được nghe nói về Hài nhi này. Và tất cả những người được nghe kể lại thì đều ngạc nhiên về điều mà các mục tử nói với họ.
Về phần bà Maria, bà giữa lại mọi điều ấy và suy gẫm trong lòng.
Rồi các mục tử trở về, tôn vinh và tán dương Thiên Chúa về mọi sự họ đã nghe và thấy, đúng như đã được loan báo cho họ".
Suy niệm :
Vì sao Hài nhi, con bà Maria được đặt tên là Jesus Kitô.
Trước nhứt bà Maria, một trinh nữ người Israel đã được Thiên thần báo tin rằng :
"Thánh thần sẽ đến trên bà" (Lc 1, 35) Và "Này Bà sẽ thụ thai, sinh ra một con trai và đặt tên là Giêsu" (Lc1, 31).
Trong ngôn ngữ Do Thái (Israel) chữ Giêsu có nghĩa là "Thiên Chúa cứu độ", vì như Thiên thần đã nói với ông Giuse : "Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân người ra khỏi tội lỗi" (Mt.1,21).
Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Kitô (Christe). "Kitô" theo tiếng Hy Lạp đồng nghĩa với tiếng Do Thái là Messia, nghĩa là Đấng được xức dầu (được Thiên Chúa tuyển chọn, tấn phong).
Sự ra đời của Giêsu là một sự kiện trọng đại.
Giữa đêm đông lặng lẽ, trong cánh đồng tối tăm chỉ có các mục tử an phận với đàn chiên, Thiên thần đến báo tin mừng sẽ có một niềm vui lớn "cho toàn dân" là sự sinh ra của một Đấng cứu độ.
Bỗng nhiên ngay lúc ấy các thiên thần cùng với "đạo binh thiên quốc" hát bài tán dương Thiên Chúa.
Sự ra đời của một hài nhi như bao hài nhi khác, mà các thiên thần lại báo trước tin mừng và cùng với đạo binh trời hát vang trong ánh sáng hào quang của Thiên Chúa, cho thấy đây là một sự kiện trọng đại của thiên cơ, là ý Trời, có mục đích cao cả liên quan đến toàn thể loài người.
Cái thánh ý hi hữu này của Đức Chúa Trời, cái quyết định vô song này có tính bức thiết như một sự hy sinh trọn vẹn, đã làm ngời sáng cõi trời, làm nức lòng các Đấng Thiêng Liêng, đến độ bất giác ca ngợi Thiên Chúa vang lừng.
Sự vinh quang này của Thiên Chúa, sự vui mừng này của các Thiên thần không phải chỉ gắn liền với sự ra đời của con Thiên Chúa mà gắn liền với sự "bình an" của người trần thế sẽ được Đức Giêsu cứu độ.
" Vinh quang Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người Ngài thương".
Nên Hội Thánh có bài thánh vịnh ca tụng đêm Giáng sinh lịch sữ này như sau : (người viết có cải biên vài chữ cho dễ ngâm)
Hôm nay trinh nữ hạ sinh Đấng đời đời bất diệt,
Và trái đất dựng hang yên lành cho Đức Thầy siêu xuất,
Thiên thần và mục tử đồng ca hát tung hô
Kìa sao lạ dẫn đường các đạo sĩ tìm vua,
Chính là Ngài, Đấng vì chúng tôi sinh xuống thế;
Thưa Chúa Hài đồng,
Thưa Chúa Trời muôn thuở.
Sao lạ xuất hiện trên trời dẫn đường cho các nhà thông thái đi tìm Đức Giêsu:
Trong Phúc âm, Thánh Mathiơ viết :
" Khi Đức Chúa Jesus đã sinh tại thành Belem, xứ Giu-đê, đang đời vua Hêrôđê, có mấy thầy thông thái ở Đông phương đến thành Giêsu sa lem mà hỏi rằng : Vua dân Giuđa mới sanh tại đâu ? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên Đông phương, nên đến đây đặng thờ lạy Ngài". (Mt,2.1, 2)
- Sự kiện này chứng tỏ Hài nhi Giêsu là một thiên mạng xuống thế, nên có điềm lành thiên văn, và hơn thế nữa đã có tiên tri trong sách Thánh nên các thầy Thông thái mới quyết tâm vượt đường thiên lý đi tìm.
Khi tìm gặp Hài nhi và Bà Maria thì các thầy bèn sắp mình xuống mà thờ lạy Ngài, và dâng các lễ vật quí giá lên gồm vàng, nhũ hương và mộc dược (Mt,2:11)
Vậy là đức tin nơi con Thiên Chúa giáng sinh đã đến với những nhân vật thứ hai, các nhà thông thái, sau khi đến với nhóm người thứ nhứt là các mục tử.
Đến giờ phút đó, mặc dù Đức Giêsu được sanh ra ở nơi hoang vắng tĩnh mịch, nhưng huyền nhiệm của Đức Chúa Trời đã làm cho mọi thành phần dân chúng hay biết : chất phác như mục tử, trí thức như các nhà Thông thái phương Đông, vua chúa như Vua Hêrôđê, các Thầy thượng tế và cả dân thành Giêrusalem.
Chính tin tức đặc biệt này, tin mừng lớn lao này đến với mọi thành phần xã hội sẽ làm thành mối tương quan hàng ngang trên mặt đất giữa Đức Giêsu và nhân loại.
Hài nhi Giêsu sanh ra trong hang lừa và nằm trong máng cỏ.
Phúc âm Luca 2,1.14 :"Bà Maria sinh con trai đầu lòng, lấy tả bọc cho con và đặt trong một máng cỏ".
Suy niệm : Đây là dấu chỉ hy sinh đầu tiên của Đức Giêsu, phải chịu sanh ra ở nơi nghèo hèn , giữa mùa đông rét mướt. Phải chăng đây là ý Thiên Chúa muốn gửi con Người đem tình thương, sự yên ủi đến cho đại đa số chúng dân là hạng nghèo khổ mà có lòng tin Chúa. Đúng thế, nên sau này Chúa Giêsu xác nhận: "Tin mừng được loan báo cho những người nghèo khó" (Mt,11,5)
Ý thứ hai, đây là đức khiêm tốn của Người. Là con Đức Chúa Trời mà phải hạ mình sinh ra trong gia đình hèn mọn, để rồi chấp nhận thân phận nghèo khó mà thi hành một sứ mạng hết sức lớn lao. Ngài từng nói : "Con chồn có hang, chim trời có tổ, còn Con Người không có chỗ ngã đầu " (Mt.8,20)
Đức khiêm tốn hạ mình của Chúa đã thuần thành đến mức trở nên Vô ngã thuần chơn.
Đó là một đức tính quan trọng của người tu thân học đạo mà cũng tối cần cho bậc truyền giáo độ đời. Nên ngay từ lúc bắt đầu khai sáng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Đức Thượng Đế Cha Trời đã đem chính tấm gương hạ mình độ chúng của Ngài để dạy bảo các sứ đồ đầu tiên :
"Các con coi, bậc Chí Tôn như Thầy, mà hạ mình đặng độ rỗi nhân sanh là thế nào, phải xưng là một vị Tiên Ông và Bồ Tát, hai phẩm chót của Tiên, Phật….
Hạnh khiêm nhường là hạnh của mỗi con, phải noi theo gương Thầy mới độ rỗi thiên hạ đặng. Các con phải khiêm nhường sao cho bằng Thầy.
Thầy lại nói, buổi lập Thánh đạo, Thầy đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không tội lỗi đâu đến nhọc công Thầy.
Ấy vậy các con rán độ kẻ tội lỗi, là công lớn làm cho Thầy vui lòng hơn hết" (TNHT, Tây Ninh, 1973, tr.43-44)
Tấm lòng của Đức Giêsu như thế, không đặt vào sự giàu có ở thế gian mà đặt vào sự giàu có ở nước trời và sứ mạng cứu độ của Ngài cũng chính là đem đến cho mọi người thiên hướng ấy. Nên Thánh Phao-lồ nói về Chúa Giêsu rằng :
" Anh em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta : từ chỗ giàu có, Ngài vì anh em mà trở nên nghèo khó để làm cho anh em được giàu có nhờ sự nghèo khó cùa Ngài" ( 2 Cr 8,9)
Đức Giêsu chịu phép rửa tội:
Ai là người rửa tội cho Đức Giê Su ?
Người ấy là Giăng Báp Tít, con cầu khẩn của một thầy tế lễ, được Thiên Chúa ban cho và được ơn từ trong bụng mẹ; vì Thiên sứ đã bảo cùng thầy tế lễ :
"Con trai đó sẽ làm cho ngươi vui mừng hớn hở, và nhiều kẻ sĩ mừng rỡ vì sự sanh ra người.Vì người sẽ nên tôn trọng trước mặt Chúa…và sẽ được đầy dẫy Đức Thánh linh từ khi còn trong lòng mẹ. Người sẽ làm cho nhiều con trai Ysơraên trở lại cùng Chúa, là Đức Chúa Trời của họ"
Bởi vậy sau này Giăng được Thiên Chúa giao cho nhiệm vụ làm phép rửa tội cho mọi người tin Chúa và biết ăn năn để được tha tội.
Và chính Đức Giêsu cũng chịu phép báu trên của Giăng và Ngài cho đó là sự công chính giữa mọi người. Trong Phúc âm (Lc,3:21) có viết : " Đức Giêsu cũng chịu phép báu trên."
Đức Giêsu bắt đầu thi hành Thiên mạng :
Thế là sau khi trải qua đầy đủ các lề luật của một đấng Thiên sứ, thọ nhận đầy đủ Thánh linh của Đức Chúa Trời, Đức Giêsu bắt đầu con đường sứ mạng, đi qua nhiều thành từ Na- xa- rết đến Galilê để rao giảng giáo lý và thu nhận các môn đầu tiên.
Chúng ta có thể ôn lại các bài giảng tiêu biểu của Ngài như sau :
Bài giảng trên núi : Một hôm, các môn ngồi quây quần cùng Đức Giêsu trên núi , Ngài bèn khởi sự giảng đạo cho các môn đồ một bài giảng rất đơn giản mà rất căn bản , sau này người tín hữu nào cũng biết cũng thuộc, gọi là bài giảng trên núi :
- Phước cho những kẻ có lòng khó khăn (poor in spirit), vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!
- Phước cho những kẻ hay thương xót vì sẽ được thương xót !
- Phước cho những kẻ có lòng trong sạch vì sẽ thấy Đức Chúa của những kẻ ấy !
- Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được an ủi !
- Phước cho những kẻ đói khát sự công bình vì sẽ được no đủ !
- Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời !
- Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy". (Mt,5 :2-10)
Hãy chứa của cải ở trên trời, và hãy có đôi mắt sáng láng (Mt,6:19-23)
"Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.
" Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng; nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy nếu sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm,thì sự tối tăm này sẽ lớn biết là dường bao !"
Suy niệm :
Lời dạy của Đức Giêsu khiến chúng ta nhớ lại Thánh giáo Đức Chí Tôn Cao Đài :
" Nhãn (Con mắt) là cửa trái tim, trái tim ấy là Tạo hóa, tức là Thần, mà Thần là Lý Hư Vô, Lý Hư vô tức là Trời vậy". (Đại thừa chơn giáo, 1956, Chiếu minh, mục Thiên nhãn)
Tóm lại, con mắt là ánh sáng của chủ thể con người. Con mắt tối thì con người chịu sự tối tăm. Sự tối tăm đó là sự ngăn cách giữa Người và Trời nên sự tối tăm đó ton vô cùng !
Dạy các sứ đồ:
Đối với các sứ đồ, sau khi chịu chức đi giảng đạo, Ngài dạy rằng :
" Khi đi đàng hãy rao giảng : Nước thiên đàng gần rồi".
"Hãy chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung, và trừ các quỉ.
"Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không" (Mt.10, 7-8)
?……….
" Kìa, ta sai các ngươi đi, khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói. Vậy hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu". (Mt.10:16)
"Ấy chẳng phải tự các ngươi nói đâu, song là Thánh linh của Cha các ngươi sẽ từ trong lòng các ngươi nói ra" (Mt.10:20)
" Ai rước các ngươi, tức là rước ta; ai rước ta tức là rước Đấng đã sai ta" (Mt.10:40).
Suy niệm : Vậy các sứ đồ phải hết sức thánh thiện, minh triết, đầy đủ đức tin để cứu độ kẻ đau khổ về thể xác lẫn tâm hồn, chính là đối tượng của sứ mạng được trao.
. Đức Giêsu chịu nạn trên Thánh giá :
Một ngày kia, khi Đức Giêsu và các môn đệ vào thành Giêrusalem, thì Chúa bị các thầy tế lễ, các thầy thông giáo (đạo Do Thái) và các trưởng lão tố cáo là người xúi dân làm loạn, không đóng thuế cho Xê gia và tự xưng là Đấng Kitô (Đấng cứu độ) và bắt đem đi xử tội.
Đức Giêsu bị kết án và bị đóng đinh trên cây thánh giá.
Ngài đã biết trước sẽ bị tử nạn và cầu nguyện với Đức Chúa Trời, xin vâng ý Cha nếu đó là thiên mệnh.
Suy niệm :
Ngài là con Thiên Chúa mà phải chịu sanh ra trong nghèo khó, và chết thật đau đớn thảm thương. Sử khởi đầu và sự kết thúc cuộc đời Ngài cộng với những năm tháng lặn lội đó đây để rao giảng tin mừng và tình thương, và thâu nhận các sứ đồ, là cả một hy sinh tột bực cộng với sứ mạng cứu độ vĩ đại.
Vì là con Thiên Chúa, cái máng cỏ chứa đựng Ngài là chứa đựng cả nhân loại, cái thánh giá nặng nề là tội lỗi của cả chúng sanh, và dòng máu tuôn chảy từ vết thương của Ngài là máu cả loài người.
Cho nên một mình Ngài sanh ra đã đem Đạo Trời xuống thế gian thì một mình Ngài chết đi (trong hoàn cảnh ấy) sẽ chuộc tội cho biết bao người.
Để chiêm ngưỡng Chúa trên Thánh giá tác giả quyển "Chiêm ngưỡng Thầy chí thánh" (Dịch Văn Trung SJ, 1992) đã viết :
"Chúa Giêsu chịu thọ trên thập giá. Đó chính là trung tâm điểm của kế hoạch cứu chuộc mà Thiên Chúa đã ấn định, là điểm tới và đỉnh ngọn của cả một cuộc đời tận hiến cho Đức Chúa Cha nhằm thực hiện kế hoạch đó, là mở đầu cuộc chiến thắng khiến cho nhân loại được giải thoát khỏi quyền lực Satan" ( Đinh Văn Trung SJ, Chiêm ngưỡng Thầy chí Thánh, 1992, Q.I, tr.156,)
Thập tự giá thân đành chịu đói,
Ta chết vì sự sống loài người;
Chết vì công nghĩa trên đời,
Chết vì sứ mạng Cha Trời phó giao.
Ta chịu đổ máu đào chuộc tội,
Cho nhân loài tự hối ăn năn;
Hồi tâm hướng thiện qui căn,
Trở về Đạo chánh hóa hoằng chơn tâm"
(Huờn Cung Đàn, 25.12.1959)
Bởi Đức Giêsu trước khi thọ nạn đã nói :
" Khi ta được nâng lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta". (Ga.12,32)
Đức Giêsu đã làm xong sứ mạng cứu chuộc bằng sự hy sinh thân mình trên thập giá tức là đã làm xong sự nối kết theo chiều dọc giữa những người con tin nơi Đức Chúa Trời, tạo thành hai chiều dọc ngang của vũ trụ. Đã 2000 năm qua nhưng Hội Thánh và Kinh Thánh vẫn còn lưu truyền quyền pháp cứu độ của Ngài đến ngày nay. Với lời tiên tri Thiên Chúa sẽ tái lâm.
Thật vậy, các bậc Giáo chủ lần lượt đến rồi đi để thắp sáng Đạo Trời nên dù vật đổi sao dời, Đạo vẫn còn mãi để kẻ giữ Đạo biết thương người, kẻ tội lỗi biết ăn năn.
Nhưng lần này Thiên Chúa không sai người đến bằng xác phàm mà chính Ngài đã đến bằng linh điển bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu cần thiết để tiếp tục thực hiện cơ cứu độ của Ngài trong thời kỳ phổ độ thứ ba, là kỷ nguyên cứu độ mới.
Tại Thánh tịnh Huờn Cung Đàn ( Hội thánh Cao Đài Tiên thiên) vào đêm Giáng sinh năm 1959, bộ phận thông công đã được ban ơn tiếp nhận điển lành của Đức Gia Tô Giáo Chủ, Ngài dạy :
" Hôm nay là ngày lễ sanh nhựt của Ta cách đây một ngàn chín trăm năm nươi chín năm, khắp hoàn cầu môn đồ đều hưởng ứng ngày lễ này rất long trọng….
" Ta rất mừng, trên thế giới hiện giờ môn đồ Ta rất đông…Ta vui thấy nước Việt Nam hữu hạnh được ngộ Đạo của Đức Chúa Trời tá danh Kỳ Ba là Cao Đài cứu thế, Đại Đạo phổ truyền khắp cả Ngũ châu vạn quốc….
" Đến nay buổi Hạ nguơn mạt kiếp [mà trước kia lời tiên tri của Ta là tận thế, thì nay, chư môn đồ ai là người hiểu đạo dù trong tôn giáo nào cũng nhìn nhận đời đã đến cuộc giáp mối tuần huờn nên Đức Cha Trời chính mình Ngài xuống trần bằng điển quang lập Đại Đạo Kỳ Ba chơn truyền tại nước Việt Nam….
Tinh thần Đại Đạo Việt Nam nầy,
Tiến triển rất cao hiệp với Thầy;
Ta chứng lòng thành tin tưởng ấy,
Trong ngày sinh nhật được sum vầy ".
* * *
Một đêm Giáng sinh khác, vào năm 1970, tại Thánh Tịnh Bàu Sen này, Đức Giêsu đã giáng lâm bằng điển bút với những lời nhắn nhủ hàng hướng đạo và đạo hữu không khác gì Thánh ngôn của Ngài được ghi lại trong Phúc âm :
"Jesus Thánh chúa đã từ lâu,
Rửa tội nhơn sanh đổ máu đào;
Dựng thế bằng lời thương tất cả,
Ngàn xưa cho đến những ngàn sau !
" Ta vâng lịnh Cha Ta đến trần gian trong mùa Đông giá lạnh, giữa sự ấm áp của vầng Thái dương lồng vào…. Ta để lời nhắn gởi :
Hỡi những sứ đồ của Tam Kỳ Phổ Độ !
Hỡi những chiên ngoan của cuộc diện sau cùng !
Hỡi những thiên mạng tiên tri và cứu rỗi !
….. " Từ giờ này cho tới ngàn giờ sau nữa, tiếng kêu nơi đồng vắng vẫn mãi vang lên. Ai có tai hãy lắng nghe ! Ai có tim hãy rung động ! Ai có khối óc hãy suy tư ! Ai có đôi tay dịu dàng hãy cứng mạnh vươn lên để xây dựng…. Hãy rao lên tiếng nói của mục đồng giữa độ chiều tà đang chực chờ rũ bóng. Chư hiền hãy thế Ta thi hành ước vọng ấy.
" Bất cứ ước vọng nào cũng đều vô ích nếu nó không đạt được mục tiêu cứu rỗi cho nhân loại…. Ta muốn ở chư hiền ý thức thật sự như vậy….
" Cái an lạc và thanh bình không tự nơi nào đem đến, chỉ có bản thân cùng tâm linh mỗi cá nhân gầy dựng khi khai triển đúng mức….Sự chia rẽ là một căn bịnh nan y khó mà tìm được thần y hàn gắn lại, chỉ có phương pháp của Cha Ta ban cho : Thương yêu siêu việt mới đủ điều kiện giải thoát con người ra khỏi chứng bịnh hiểm nghèo đó….
" Ta muốn bảo Thương yêu là cái gì thuần khiết, du lưu trong mọi thời, trong mọi sự kiện chớ không phải tôn ngôi thương yêu lên Thần Thánh cách biệt con người và vạn loại. Quả thật, Ta không bảo chư hiền hằng ngày bái lạy sự thương yêu mà không thực hành thương yêu".
" Đời tận thế (nguơn hạ) bày ra trước mắt,
Hỡi nhân loài có gieo rắc được tình thương;
Ngày tái lâm Cha Ta đã dọn sẵn Thiên đàng,
Đưa tất cả đàn chiên ngoan về đất Thánh.
Hằng nghìn mấy mùa Đông nhiều giá lạnh,
Cùng một mùa Đông Ta hân hạnh trước Cha Ta;
Đến thế gian đầy dẫy cảnh phong ba,
Đầy máu lửa và đầy ma vương ác quỷ !
Hỡi dân tộc được chọn !
Đã có kẻ soi gương Ta mà hy sinh mà vong kỷ,
Hãy nối chân nhìn Chúa Trời để chuẩn bị lập đời mai;
Lập cõi đời không có quốc nạn, không thiên tai,
Không lửa bỏng, không dầu sôi, không máu đổ.
Hồng Lạc ơi !
Ngày tận thế (mạt kiếp) cũng là ngày tận khổ,
Ta chiết thân đến độ khắp nơi nơi;
Cha Ta dựng Đài Cao, cao ngất tuyệt vời
Và rúc tiếng còi gọi tất cả con người trở về đất Thánh.
Bỏ mùa đông giá lạnh,
Đón ánh sáng yêu sinh;
Việt Nam thanh bình !
Thế giới thanh bình !
* * *
Chúng ta vừa suy niệm về Đức Giêsu Kitô, về những ý nghĩa đạo lý và huyền nhiệm của đời thánh hiến của Ngài từ nơi máng cỏ đến thánh giá.
Giờ đây, bước vào Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Cha Trời đã tái lâm bằng thiên điển để hoằng khai Đại Đạo cứu độ chúng sanh ở cuối chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ.
Soi rọi lại những gì Đạo Trời thị hiện từ nghìn xưa đến nghìn sau không có gì thay đổi về cứu cánh , căn cơ.
Mục đích vẫn nhắm sự bình an cho con người, hòa bình cho thế giới, thánh khiết cho tâm linh. Có thay đổi chăng là phương tiên , là pháp môn để phù hợp với hoàn cảnh, với thời kỳ, với trạng huống tâm tư nhân thế thời đại.
Hai ngàn năm trước,. Một Đức Giêsu Kitô đã hiến thân để vừa chuộc tội cho loài người, vừa làm giao điểm nối kết đất với trời mở đường cho vạn linh thăng tiến. Nay Đức Thượng Đế Chúa Trời thân hành chan rười ân điển để mỗi người tự làm một Giêsu cho mình và một Kitô cho thiên hạ. Sức mạnh cứu độ của kỷ nguyên Đại Đạo đối trị với đời mạt pháp là như thế, để cho mỗi người hiệp thông với mọi người, và mọi người hiệp thông cùng Thượng Đế, Vạn linh hiệp với Chí linh tạo thành vũ trụ tâm linh , một bầu Càn khôn thánh hóa, đủ quyền năng tận độ chúng sanh.
Trung tâm ánh sáng của vũ trụ tâm linh chính là Thiên nhãn giũa Càn khôn vậy.
Đó là Cơ Tận Độ kỳ ba nối tiếp Cơ Cứu Độ kỳ nhì mà Chính Đức Giê su Ki tô là một trong các Đấng Giáo Chủ đã thi hành sứ mạng của Thiên Chúa tức Thượng Đế Chí Tôn đã ban trao.,
Nhân lễ Giáng sinh hôm nay và qua những suy niệm chân thành nầy, cuối cùng chúng ta hãy nhắc lại lời Đức Giêsu Kitô : " Hãy lên đường và rao giãng rằng : nước thiên đàng đã gần rồi"