Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Trí và Thức là hai lãnh vực mà có nhiều người học đạo chưa phân biệt được rõ ràng. Thực ...
-
TTCT - Phát hiện mới về Pétrus Trương Vĩnh Ký một lần nữa lại khẳng định tầm vóc và vai ...
-
GS Trần Văn Khê từng ước ..."được có một nơi trưng bày tư liệu hình ảnh, nhạc cụ mà bấy ...
-
III. NGUYÊN LÝ ĐẠI THỪA CỦA ĐẠO PHÁP ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ. Hội ý qui luật “ Châu ...
-
Cầm thú phải phục tùng bản năng, chúng không có chọn lựa nào khác. Còn con người? Con người phải ...
-
Vạn Quốc Tự (Chơn Lý Đàn) Tuất thời, 14 tháng 8 Quí Sửu (10.9.1973)
-
Khái niệm "Tôn giáo" đã được tranh cãi rất nhiều và vẫn chưa đi đến một kết luận, dù hiện ...
-
Những bậc Vĩ Nhân danh lưu thiên cổ đó toàn là những người có một nội lực vị tha phi ...
-
ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN, Bần Đạo mừng chư hiền đệ hiền muội. Bần Đạo đắc lịnh Tam Giáo Tòa đến khai ...
-
Vũ trụ bao la thiên hình vạn trạng, trước mắt chúng ta thấy được, là do sự cảm nhận; sự ...
-
Đức Lý Đại Tiên Trưởng Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ dạy rằng sứ mạng của ...
-
Trong Tin mừng Thánh Mát-thêu kể lại có một người đến thưa cùng Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, tôi ...
YẾU ĐIỂM GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO
Tổng Quan Vũ Trụ Luận Đại Đạo
Vũ trụ luận Đại Đạo đưa ra các quan niệm về nguồn gốc, sự vận động và biến hóa, sự tiến hóa của vũ trụ trong chiều hướng rút ra các nguyên lý, các quy luật chung của sự tồn tại và tiến hóa của vũ trụ, nhất là các nguyên lý và các quy luật dẫn đạo cho sự tiến hóa của con người đến tầm kích vũ trụ, tức là đưa con người từ vị thế hữu hạn trong không gian, thời gian vượt lên tới vị thế con người muôn thuở muôn phương.
1. Nguồn gốc vũ trụ
Về nguồn gốc vũ trụ, giáo lý Đại Đạo quan niệm rằng trước khi có vũ trụ hữu hình, trong vũ trụ có một Bản thể là thực tại tối sơ. Một động năng ban đầu tự phát sinh làm cơ nguyên của cuộc sinh hóa vũ trụ giữa thực tại ấy. Quan niệm về Bản thể và cơ nguyên sinh hóa vũ trụ của giáo lý Đại Đạo thuộc về siêu hình nhưng có tính nhất quán cho toàn hệ thống giáo lý.
1.1. Khái niệm về vũ trụ
Giáo lý Đại Đạo có những khái niệm về vũ trụ bao hàm những phạm trù thời gian, không gian, âm dương tương đối, và tiên thiên - hậu thiên.
1. Vũ trụ có liên quan đến không gian và thời gian. Đại Thừa Chơn Giáo viết:
"... Sao kêu là vũ trụ, các con có biết chăng? Khắp cả Càn Khôn thế giới là vũ. Cùng chỗ vũ kêu là trụ. Vũ là trùm cả bốn phương và trên dưới. Trụ cũng có nghĩa là xưa qua nay lại. Nên trong chữ "vũ trụ" có gồm nghĩa cả không gian và thời gian."[1]
Vũ trụ có liên quan đến âm dương:
"Âm là vũ, dương là trụ. Vũ thì đóng khép trong gầm trời. Trụ thì mở rộng. Trụ cũng là thời gian, là âm dương nối tiếp nhau. Còn vũ là không gian, là âm dương đồng thời tương đối.
Buớc qua vòng không gian, thời gian, ta còn thấy rộng hơn như trong họa đồ tròn, họa đồ vuông trong Châu Dịch. Tròn (thời gian) vuông (không gian) được đúc kết nên một Thể, nhưng không ngoài sụ tiêu trưởng của âm dương."[2]
3. Khái niệm Tiên thiên-Hậu thiên trong giáo lý Đại Đạo lại củng cố thêm vũ trụ quan bao hàm thực tại Bản thể và thế giới hiện tượng, bao hàm thường hằng và dịch biến, trong đó Thiên (Thái cực) là động năng hóa sanh vạn hữu (Hậu thiên) từ Hư vô (Tiên thiên).[3]
"Nguyên sơ là lúc chưa có Trời Đất, vũ trụ này chỉ là một khí không hư ngưng kết thành một khối hồn nhiên, cực huyền cực diệu. Khối ấy trong Vô Cực hiện ra, gọi là Thái Cực (…) Trước khởi kỳ thỉ, chưa có một tượng hình động tịnh, nên gọi Tiên Thiên (…) Khi Thái Cực phân nghi, âm dương hiển hiện, thì Trời Đất được dựng nên, muôn loài sanh sôi nẩy nở (…)"[4]
1.2. Bản Thể Vũ Trụ
1.2.1. Bản thể vũ trụ là Đạo, là Khí Hư Vô
Theo Đại Thừa Chơn Giáo:
"Đạo là gì? Đạo là Hư Vô Chi Khí. Đạo rất mầu nhiệm sâu kín cao siêu. Trước khi có Trời Đất đã có Đạo. Vậy Đạo đã tạo nên Càn Khôn vũ trụ, hóa sanh vạn vật muôn loài. Muôn loài vạn vật phải thọ bẩm Khí Hư Vô mà sanh hóa mãi mãi."[5]
Vì Đạo có trước Trời Đất (tức vũ trụ vạn vật) và muôn loài muôn vật phải thọ bẩm Khí Hư Vô (Đạo) mà sanh hóa mãi mãi, nên Đạo chính là Bản thể của vũ trụ vạn vật.
Đạo "tạo dựng nên Càn Khôn vũ trụ" và "hóa sanh vạn vật muôn loài" nên Đạo cũng chính là nguồn gốc tối sơ của vũ trụ vạn vật. Như thế, Đạo được coi như một động năng khởi thỉ và vĩnh cửu.
Từ ngàn xưa, các bậc giáo tổ đã dùng chữ Đạo với ý nghĩa rất bao quát, rất hàm súc, nên từ ngữ "Khí Hư Vô" có thể thay thế chữ "Đạo" khi muốn nói đến ý nghĩa "bản thể" của vũ trụ. Thánh ngôn có nói: "Nếu không có Hư Vô Chi Khí thì không có Thầy"[6], "Thầy là Hư Vô Chi Khí thì Đạo cũng đồng nghĩa đó thôi".[7]
1.2.2. Bản thể vũ trụ chính là Vô Cực
Giáo lý Đại Đạo còn đồng nhất Vô Cực với Bản thể vũ trụ:
Vô Cực là khoảng không gian mịt mịt mờ mờ với Khí Hồng Mông có trước Thái Cực:
"Trước khi chưa định ngôi Thái Cực thì trong khoảng không gian ấy còn đương mịt mịt mờ mờ với Khí Hồng Mông, vì đó là còn trong thời kỳ hỗn nguyên vậy. Không gian ấy tức là Vô Cực."[8]
Thái Cực do Nguyên Lý Thiên Nhiên và Nguyên Khí Tự Nhiên trong Vô Cực hợp thành:
"Trong Vô Cực ấy lại có một cái Nguyên Lý Thiên Nhiên tuyệt diệu tuyệt huyền, rồi lại có thêm một cái Nguyên Khí Tự Nhiên nữa. Lý với Khí ấy tức là Âm với Dương trong buổi Hồng Nguyên thời đại. Lý với Khí ấy lại lần lần ngưng kết với nhau mà đông tụ lại lâu đời nhiều kiếp mới thành ra một khối Tinh Quang rất đầy đủ các sự tốt đẹp. Chừng đúng ngày giờ khối ấy mới nổ tung ra (...), bèn có một điểm Linh Quang từ trong tiếng nổ ấy văng ra (...). Ấy là ngôi Chúa Tể của Càn Khôn vũ trụ đã biến hóa ra vậy; mà vũ trụ từ đây mới bắt đầu có ngôi Thái Cực (...)"[9]
1.3. Cơ nguyên sinh hóa vũ trụ
Đạo, hay Khí Hư Vô, là Bản thể vũ trụ vạn vật. Nhưng sự hiện hữu của vạn vật đã phát sinh từ Bản thể theo một nguyên lý và hai quy luật cơ bản sau đây:
Nguyên lý Thái cực – Âm Dương. Nếu bản thể Hư Vô tịch tịnh của Vũ trụ vẫn mãi im lìm, không phát động sinh Thái Cực thì không bao giờ có sự khởi đầu cuộc hóa sinh vũ trụ. Nên Đại Thừa Chơn Giáo viết:
"[Thái Cực] lấy cơ thể Âm Dương mà phân thanh biện trược, làm máy động tịnh để gom tụ cái Khí Hư Vô đặng hóa sanh muôn loài vạn vật."[10]
Như vậy lẽ ra chỉ cần nói nguyên lý Thái Cực là đủ, vì chính Thái Cực đã hàm tàng hai năng lực Âm Dương. Thái Cực là thực tại chuyển tiếp từ ý niệm Bản thể sang ý niệm hóa sinh, nhưng thực chất Thái Cực cũng là Vô Cực.[11]
Luật cơ ngẫu. Nguyên lý Thái Cực -Âm Dương là nguyên lý tất yếu của một động năng nguyên thủy, vĩnh cửu, thống ngự từ nguyên sơ đến bất tận cuộc sinh hóa của vũ trụ.
Còn quy luật cơ ngẫu là nguyên tắc, là điều kiện bắt buộc để làm phát sinh năng lực tạo tác ra vạn vật. Luật cơ ngẫu đòi hỏi bao giờ cũng phải có đủ HAI công năng (để được chẵn: Ngẫu) đối ứng mới phát khởi được vận động sinh hóa; không bao giờ chỉ có MỘT công năng (tức lẻ: Cơ) mà phát động được sức hóa sinh. Sức hóa sinh nầy chính là yếu tố thứ BA của cơ nguyên sinh hóa vũ trụ vậy.
Nên Kinh Đại Thừa Chơn Giáo có viết:
"Đức Thái Cực [mới] vận hành khí chơn dương hiệp cùng khí âm (âm dương là cơ với ngẫu). Khí âm dương hỗn hiệp nhau, đụng chạm mà hóa hóa sanh sanh, là do trong chỗ điều hòa, tương ứng, tương cảm, huân chưng đầm ấm, mới tạo thành nghìn giống muôn vẻ, thiên hình vạn trạng,… không bao giờ ngừng nghỉ. Đó là một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật; nhưng vạn vật cũng phải quầy đầu về một, là vì "nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhứt bổn" (…) Cái lý Thái Cực là Lý Đơn Nhứt, cầm quyền sanh hóa, thống chưởng Càn Khôn."[12]
Luật Trung Hòa. Trong cơ nguyên sinh hóa, đã nêu lên nguyên lý Thái Cực, luật Âm Dương cơ ngẫu mà không đề cập đến luật Trung hòa thì thiếu giai đoạn ba của tiến trình: "Một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật."
Bởi thế Đại Thừa Chơn Giáo nhấn mạnh:
"Luật Trời vô vi, nhưng cũng có hai cái năng lực mạnh bạo phi thường là "nhứt âm nhứt dương" mới tạo nên Càn Khôn võ trụ. (…) Ấy là hai cái năng lực tương phản tương đối mà hóa hóa sanh sanh (…) Vậy thì cái sự sanh đó cũng do nơi hòa mà có. Thế nên Đạo của Trời Đất cũng bất ngoại hai chữ Trung Hòa."[13]
1.4. Đại Linh Quang - Tiểu Linh Quang. Thượng Đế Vô Ngã - Thượng Đế Hữu Ngã.
Trong các đoạn kinh văn liên quan đến bản thể luận, những câu: "Muôn loài vạn vật thọ bẩm Khí Hư Vô mà sanh hóa mãi mãi" và Thái Cực "gom tụ Hư Vô đặng hóa sanh muôn loài vạn vật" cho thấy cơ nguyên sanh hóa vũ trụ vạn vật diễn ra theo nguyên lý Thái Cực - Âm Dương song song với nguyên lý Thiên địa vạn vật nhất thể. Nghĩa là trong Trời Đất, bất cứ nơi vật nào từ nhỏ cực nhỏ đến lớn cực lớn đều có động năng Thái Cực thúc đẩy hóa sanh với Bản Thể Hư Vô Chi Khí hàm tàng trong mỗi vật đó.
Hình tượng hóa tính chất nhất thể của vũ trụ vạn vật bằng "ánh sáng" đồng thời nhấn mạnh tính siêu việt của "ánh sáng" ấy, giáo lý Đại Đạo dùng từ Linh Quang. Một hệ quả của nguyên lý nhất thể này là nội dung của cặp phạm trù Đại Linh Quang – Tiểu Linh Quang:
"Điểm Linh Quang là gì? Là cái yến sáng mà thôi. Thái Cực là một khối Đại Linh Quang, chia ra, ban cho mỗi người một điểm Tiểu Linh Quang."[14]
Như thế mặc dù giáo lý Đại Đạo có quan niệm hữu ngã (đồng thời có quan niệm vô ngã) về nguồn gốc vũ trụ nhưng không quan niệm Hóa Công (Thượng Đế) và tạo vật (vũ trụ) khác biệt nhau về bản thể:
"Đạo là ngôi Nhứt Nguyên Chủ Tể,
Đạo cũng là đồng thể vạn linh;"[15]
hay là:
"Con là một Thiêng Liêng tại thế,
Cùng với Thầy đồng thể Linh Quang."[16]
Khi trình bày về Bản Thể cũng như về cơ nguyên sanh hóa vũ trụ vạn vật, giáo lý Đại Đạo đồng thời cũng nêu lên quan niệm về Thượng Đế Vô Ngã và Thượng Đế Hữu Ngã.
Nếu đơn thuần quan niệm Thái Cực như một động năng siêu việt, nguyên sơ, vĩnh cửu và phổ quát, Thái Cực đồng nghĩa với Thượng Đế Vô Ngã.
Nếu phát biểu:"Ngôi Thái Cực toàn tri toàn năng", "Thái Cực lâm trần buổi hạ nguơn"[17]hoặc quan niệm Thái Cực là một chủ thể, là Thầy[18]thì Thái Cực đồng nghĩa với Thượng Đế Hữu Ngã.
Giáo lý Đại Đạo còn dung hợp cả hai quan niệm này, nghĩa là Thượng Đế vừa Vô Ngã vừa Hữu Ngã.[19]
Qua nguyên lý Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể, ngoài cặp phạm trù Đại Linh Quang – Tiểu Linh Quang, quan niệm Thượng Đế Vô Ngã hiện hữu đồng thời với Thượng Đế Hữu Ngã của giáo lý Đại Đạo đã nêu lên tính nhất thể và nhất nguyên của vạn vật trong vũ trụ.
Đọc tiếp: http://nhipcaugiaoly.googlepages.com/tongquanvevutru
[1] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 23-9 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 43 "Vũ trụ", tr.175.
[2]Đạo Học Chỉ Nam, chương 1, tiết 4, mục 2.
[3] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế (xưng danh Đại Đức Cao Tiên); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 30 "Tiên thiên cơ ngẫu", tr.272, thiên 31 "Hậu thiên cơ ngẫu", tr.280.
[4]Đạo Học Chỉ Nam, chương 3, tiết 3, mục 3.
[5] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 02-8 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 9 "Đại Đạo luận", tr.66.
[6] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 13-06 Bính Dần (Jeudi 22 Juillet 1926); Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.1, tr.32.
[7]Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 29-12 Bính Ngọ (02-02-1967); Thánh Giáo Nguyên Bổn.
[8] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 23-9 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 43 "Vũ trụ", tr.410.
[9] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 23-9 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 43 "Vũ trụ", tr.410.
[10] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 23-9 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 43 "Vũ trụ", tr.410.
[11]Đạo Học Chỉ Nam, chương 1, tiết 2, mục 4, viết: "Vô Cực là Thái Cực, Thiên hay Đế là một. Nên đã nói: một vật hồn nhứt trong Hư Vô." Ngoài ra, cũng có thể tham khảo, ví dụ, Chu Liêm Khê (1017-1073); ông cho rằng: Vô Cực nhi Thái Cực (Vô Cực tức Thái Cực), Thái Cực bản Vô Cực (Thái Cực vốn là Vô Cực).
[12] Đức Đại Đức Cao Tiên; 03-8 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 30 "Tiên thiên cơ ngẫu", tr.274.
[13] Đức Đại Đức Cao Tiên; 05-8 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 31 "Hậu thiên cơ ngẫu", tr.280.
[14] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 03-8 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 32 "Luận về Đại Đạo tâm truyền", tr.300.
[15] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Thiên Lý Đàn, Tuất thời, 14-01 Bính Ngọ (04-02-1966); Thánh Giáo Sưu Tập 1966-1967, tr.35.
[16] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Thiên Lý Đàn, Tuất thời, 14-01 Bính Ngọ (04-02-1966); Thánh Giáo Sưu Tập 1966-1967, tr.36.
[17] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 25-9 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 44 "Địa cầu 68", tr.420. Mệnh đề này xưa nay rất hiếm được dùng. Thường viết: Thượng Đế giáng trần; Thượng Đế lâm phàm. Ở đây từ "Thái Cực" đã được hữu ngã hóa.
[18] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.1, tr.32: "Thầy là Hư Vô Chi Khí thì Đạo cũng đồng nghĩa đó thôi (…)"
[19]Trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo (kinh cúng tứ thời của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ), bài xưng tán Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, có câu: "Đại La Thiên Đế, Thái Cực Thánh Hoàng (…)" Đại La (Lưới Trời, ám chỉ Luật Tạo Hóa) và Thái Cực là quan niệm về Thượng Đế Vô Ngã; Thiên Đế và Thánh Hoàng là quan niệm về Thượng Đế Hữu Ngã.