Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
03/07/2007
Thiện Quang

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 13/07/2007

Không gian và thời gian trong vũ trụ

1. Con người trong không gian và thời gian


Chúng ta đang sống trong không gian và thời gian. Nhưng chúng ta hiểu gì về không gian và thời gian qua những kinh nghiệm hàng ngày của mình? Khoa học hiểu gì về không gian và thời gian qua những định luật của mình? Đạo học hiểu gì về không gian và thời gian qua những nguyên lý của mình? Thật là kỳ lạ: không một ai có thể nói chính xác rằng không gian và thời gian là gì.

Mặc dầu vậy, không gian và thời gian không phải là những gì trừu tượng, mà ngược lại, rất gần gũi với chúng ta. Chúng ta hãy quan sát những khung cảnh hết sức quen thuộc trong đời sống hàng ngày: một góc nhà hẹp, một dãy phố dài, một khoảng trời bao la. Chúng ta sẽ có những ý niệm về những kích thước khác nhau: "rộng" và hẹp, "lớn" và "nhỏ", "cao" và "thấp",… Đó là những ý niệm sơ đẳng về không gian. Khi sống dưới ánh sáng mặt trời, mặt trăng, hay khi ngắm những vì sao lấp lánh, chúng ta lại trải nghiệm một tính chất khác, tinh tế hơn, của không gian: khi càng mở rộng không gian, sự khác biệt về hình tướng luôn giảm đi, những màu sắc nhanh chóng biến mất và vũ trụ trở nên đồng nhất.

"Không gian diệu diệu huyền huyền

Bức tranh pháp giới họa miền sắc không."[1]

Tiếp theo ý niệm về không gian, là ý niệm về thời gian. Khi nói về quá khứ,  hiện tại, hay tương lai, chúng ta đều nhắc đến thời gian bằng cách này hay cách khác. Ai cũng có thể cảm nghiệm được thời gian trong đời sống của chính mình thông qua thời gian của hiện tại, thời gian của quá khứ, và thời gian của tương lai. Cách dễ dàng nhất để cảm nhận được thời gian hiện tại là… xem giờ trên đồng hồ! Nếu đồng hồ chạy đúng, nó luôn nói với chúng ta về thời gian hiện tại. Thế còn thời gian quá khứ và thời gian tương lai? Thời gian quá khứ xuất hiện trong ký ức, khi người ta nói về những việc đã qua, ví dụ khi người ta nhớ lại thời học sinh áo trắng của mình:

"Ước gì tôi có chiêm bao

Bắt thời gian trả lại màu áo xưa"[2]

So với hiện tại và quá khứ, thời gian của tương lai khó cảm nghiệm hơn, vì tương lai là cái chưa xảy ra. Nhưng trong nhiều trường hợp, ta có thể quan sát được những dấu vết rất cụ thể của nó. Khi tóc đã pha sương, người ta có thể nhìn thấy thời gian tương lai đang kéo đến rất nhanh trên màu tóc đang đổi thay của chính mình:

"Nghe sương một thoáng trắng đầu

Mới hay ngày tháng qua mau lạ lùng."[3]

Ý thức về không gian và thời gian là một thứ ý thức quan trọng thuộc loại bậc nhất đối với một con người, vì trong đời sống thực tế, ý thức đó có liên quan đến sự thành bại, nên hư,… của mỗi con người, mỗi xã hội và mỗi dân tộc. Trong văn hóa của người Việt, ý thức này mạnh mẽ lắm. Nó được thể hiện rõ trong ca dao tục ngữ. "Ăn lúa tháng năm, trông trăng rằm tháng Tám" – đó là một ý thức về thời gian. "Ăn coi nồi, ngồi coi hướng" – đó là một ý thức về không gian. Ý thức về không gian và thời gian đã làm nên sự tinh tế trong cái túi khôn dân dã của người Việt.

Trong đạo học, ý thức này còn quan trọng hơn nữa. Có ý thức về thời gian, con người mới biết học, biết tu, và nhờ đó mà tiến hóa; có ý thức về không gian, con người mới biết mình, biết người, và nhờ đó mà thành công.

Các khái niệm "không gian" và "thời gian" thu hút sự quan tâm của hầu hết các triết gia và khoa học gia. Sự tiến bộ trong nhận thức về không gian và thời gian luôn dẫn tới sự phát triển của tư tưởng nhân loại. Khi Newton tìm được cách mô tả không gian và thời gian "tuyệt đối", ngành cơ học đã phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay. Rồi kể từ khi Einstein khám phá ra rằng không gian với thời gian vốn vẫn hiệp nhất làm một chứ không tách rời nhau, khoa học đã có những bước tiến rất lớn, đạt được những tầm cao mới: thuyết tương đối (relativity) cho phép hiểu thêm về vũ trụ siêu vĩ mô của các các thiên hà, còn thuyết trường lượng tử (quantum field) cho phép hiểu vũ trụ siêu vi mô của các hạt cơ bản.

2. Không gian và thời gian trong các nền đạo học


Trong các nền đạo học trên thế giới, nhận thức về không gian và thời gian giữ một vai trò nòng cốt. Nhận thức này trở thành nền tảng cho các hệ thống giáo pháp ở nhiều tôn giáo khác nhau.

Đạo học Trung hoa đã tìm ra sự hiệp nhất giữa không gian và thời gian. Tương truyền rằng, cách đây hơn 6000 năm, Thánh Phục Hy nhìn thấy một con vật lạ xuất hiện trên sông Mạnh Tân (một nhánh của sông Hoàng Hà), có mình ngựa đầu rồng, nên Ngài gọi đó là con long mã. Trong lối tư duy trừu tượng của Ngài, thì con ngựa là biểu tượng của không gian, còn con rồng là biểu tượng của thời gian, cho nên con ngựa rồng (long mã) là biểu tượng của không-thời hiệp nhất.

Do đó, Kinh Dịch – một phát minh vĩ đại được bắt đầu từ Ngài Phục Hy – đã trình bày một nhận thức luận sâu sắc về không gian và thời gian, theo đó, thời gian và không gian hiệp nhất, đúc kết thành vũ trụ. Căn bản của Dịch là phải nắm cho được "thời", chứng cho được "vị" (ở đây, "thời" tức là thời gian, còn "vị" tức là không gian). Các sơ đồ căn bản của Dịch đều là những sơ đồ không gian và thời gian. Nhờ được đặt trên một nền tảng nhận thức luận sâu sắc về không gian và thời gian như vậy, nên kinh Dịch đã phát triển được một vũ trụ quan và nhân sinh quan đơn giản nhưng hiệu quả. Đơn giản, vì toàn bộ lý luận của kinh Dịch chỉ dựa trên hai khái niệm: "thời" và "vị". Hiệu quả, vì kinh Dịch có thể lý giải hầu hết các hiện tượng trong vũ trụ và nhân sinh.

Tại Ấn độ, một vùng đất khác của châu Á, nhân loại đã khám phá ra nguyên lý nhân quả của thế giới nhị nguyên. Trong dân gian Ấn độ có một câu đố thú vị: quả trứng gà có trước con gà, hay con gà có trước quả trứng gà? Nếu nói rằng trứng phải có trước để mà nở ra gà, thì quả trứng ấy được đẻ ra từ đâu? Còn nếu nói rằng gà có trước để mà đẻ ra trứng, thì con gà ấy do đâu mà nở ra? Xuất phát từ bên nào, ta cũng đi dến một câu trả lời sai. Trong thế giới nhị nguyên, câu đố này là một phương trình vô nghiệm, hàm ngụ một "công án" về luật nhân quả: Nhân sinh ra quả, quả biến thành nhân. Giữa nhân và quả, không thể xác định rằng cái nào có trước, cái nào có sau. Và đạo học Ấn độ nói: không gian và thời gian chỉ là hai phương diện khác nhau của cùng một nguyên lý căn bản hơn, chi phối mọi vận động của thế giới nhị nguyên: nguyên lý nhân quả.

Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, những phát kiến về không gian và thời gian của những nền đạo học trong quá khứ đều được kế thừa. Câu đố về trứng-và-gà của người Ấn độ chứa đựng một công án về luật nhân quả, cũng như hình ảnh con long mã của người Trung hoa là một biểu tượng của vũ trụ, đã được Đạo Học Chỉ Nam diễn dịch lại như sau:

"Trời sinh ta, Trời – ta đồng thể,

Bể khơi dòng, dòng – bể luân lưu;

Đố ai rõ nẻo cuối, đầu,

Khứ lai vô tận, phát thâu vô cùng."[4]

Con đường thiên đạo giải thoát sử dụng nguyên lý nhân quả của đạo học Ấn độ, con đường thế đạo đại đồng sử dụng sự hợp nhất của không-thời gian của đạo học Trung hoa. Nếu nói cho chính xác, đây chỉ là hai làn xe trên cùng một con đường, mà ở phần cuối bài này chúng ta sẽ đi vào các chi tiết. 

Đọc tiếp: http://nhipcaugiaoly.googlepages.com/khongthoigian


[1]Đạo học chỉ nam, chương 4, tiết 1, mục độc nhứt.

[2]Nguyễn Xuân Phương Hà; Chào lớp mười hai, Những vần thơ áo trắng.

[3]Bùi Giáng; Như sương.

[4]Đạo học chỉ nam, chương 4, tiết 2, mục 1.
Thiện Quang

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây