Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
11/01/2008
Đại Khai

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 05/07/2010

Bác Nhã phá vô minh . . .

Hôm nay là Lễ kỷ niệm năm thứ 85 ngày Minh Lý Đạo Khai. Theo truyền thống, Hội Thánh Minh Lý có bài nói chuyện về Đạo học. Chúng tôi xin cám ơn tất cả Quí vị Quan khách đã dành thì giờ quý báu quang lâm tham dự ngày Lễ Kỷ niệm và buổi nói chuyện hôm nay.


Thừa ủy nhiệm của Hội Đồng Hội Thánh, chúng tôi xin trình bày ý nghĩa câu khuyết:


BÁC NHÃ PHÁ VÔ MINH HUỜN NGUYÊN TÁNH MẠNG


TAM TÔNG KHAI CHÁNH PHÁP BẢO HỢP THÁI HÒA.

mà Ơn Trên đã ban cho Tịch Đại. Lần lượt, chúng tôi sẽ cố gắng giải thích ý nghĩa của từng vế trên và mong Quí vị chỉ giáo cho sự nhận thức còn nhiều hạn hẹp và thiếu sót.

Ý NGHĨA CÂU KHUYẾT

I.- Vế thứ nhứt:  Bác Nhã Phá Vô Minh Huờn Nguyên Tánh Mạng

 Bác Nhã nói đây là Trí Bác Nhã. Trí Bác Nhã tức Thật Trí  quán chiếu Thật Tướng, mới phá được Vô Minh, tức Vọng Tâm, đem Tánh và Mạng trở vể gốc xưa, hòa hiệp như có một, về Ngôi Viên Nhứt hay Thái Cực, là "cái điểm nguyên thỉ vạn hữu".

A.- Bác Nhã Phá Vô Minh

Ngài Minh Thiện trong bài giảng năm 1970 có nói: "Ngoài Trí Bác Nhã ra, không có gì trừ nổi Vô Minh". Trong chương thứ nhứt bài Bác Nhã Huyền Môn, phần Tổng Luận, Đức Hưng Đạo Đại Vương cho bốn câu thơ:

Minh Lý Đạo khai môn Bác Nhã,

Để cứu đời diệt phá Vô Minh.

Vô minh tạo nghiệp tử sinh,

Luân hồi thọ lãnh khổ hình triền miên

a.-Bác Nhã: dịch từ tiếng Phạn Prajna, có nghĩa là Trí Tuệ của Tự Tánh, là Thanh Tịnh. Bác Nhã cũng có nghĩa là Đại Giác của Tánh Viên Thuờng (Viên Minh).

Đại Giác của Tánh Viên Thuờng là một giác có ba đức:

1.- Thật Tướng Bác Nhã là Lý thể của Bác Nhã mà chúng sanh vốn từ xưa ai cũng sẵn có. Nó xa lìa nhứt thiết tướng hư vọng, tức là Thật Tánh của Bác Nhã. Đó là Lý thể mà người tu hành cứu cánh đặng chứng.

2.- Quán chiếu Bác Nhã là Thật Trí quán chiếu Thật Tướng,

3.- Phương tiện Bác Nhã là quyền trí phân biệt các pháp, cũng là Văn tự Bác Nhã, là hết thảy kinh luật luận, trong một bộ, một phẩm hay một câu, phàm có danh ngôn , tức là lời nói minh chánh có thể làm thức tỉnh người ta.

Muốn quán chiếu Thật Tướng thì phải phát Bồ Đề Tâm, phải tu thiền định, dẹp trừ thất tình lục dục, các thứ tâm bất chánh, thì Tâm Bác Nhã mới hé mở, nên gọi là Tâm Khai. Nói cách khác phàm tâm chết thì Đạo Tâm mới sanh.

Lục Tổ Huệ Năng lúc nghe Ngủ Tổ nói kinh Kim Cang đến câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", ngay lời nói đó mà đại ngộ, thấy tất cả muôn pháp chẳng lìa Tự Tánh, mới thưa với Tổ rằng:

Đâu ngờ tự tánh vốn thanh tịnh

Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt

Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ

Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động

Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp.

Đức Lục tổ Huệ Năng giảng: "Bác Nhã là từ tự tánh sanh, chẳng từ bên ngoài vào, nên gọi là chơn chánh tự dụng Một chơn thì tất cả đều chơn. Bác Nhã không có hình tướng. Tâm Trí Huệ ấy, khởi hiểu như thế gọi là Trí Bác Nhã".

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh Lục Tổ giảng rõ hơn: "Người tiểu căn vốn có Trí Tuệ Bác Nhã cùng với người Đại Trí không sai biệt, nhơn sao nghe Pháp họ không thể khai ngộ? Vì do tà kiến chướng nặng, cội gốc phiền não sâu, ví như đám mây lớn che kín mặt trời; nếu không có gió thổi mạnh thì ánh sáng mặt trời không hiện. Người Đại Trí biết bản tánh họ tự có Trí Bác Nhã, tự dùng trí tuệ thuờng quán chiếu, thì trong khoảng một sát na vọng niệm đều diệt. Trí Bác Nhã không có lớn nhỏ, vì tất cả chúng sanh tự tâm mê ngộ không đồng, chưa ngộ được Tự Tánh tức là tiểu căn.

Nơi tâm thuờng khởi chánh kiến, phiền não trần lao không bị nhiễm tức là thấy Tự Tánh. Trong ngoài không trụ, đi lại tự do, hay trừ tâm chấp, thông đạt không ngại, hay tu hạnh này cùng Kinh Bác Nhã vốn không sai biệt. Chơn Tánh hay Tự Tánh tức  là Trí Bác Nhã vậy".

Đức Diêu Trì Kim Mẫu giảng: "Chơn Ý là Bác Nhã. Thiền là Tâm. Tâm Diệu Tịnh là Niết Bàn. Ý Diệu Minh là Bác Nhã. Bác Nhã Trí do Tâm Diệu Tịnh gọi là "Chơn Bác Nhã Trí".

b.- Vô Minh:

Thiên thứ năm của Học thuyết Minh Lý viết: Vô Minh là cái Vọng Tâm hậu thiên bị che khuất như mặt trời bị mây che. Vọng Tâm là cái Tâm tư lự (cái Tâm Nhị Nguyên, suy tính riêng tư), trước vốn thanh tịnh, sáng suốt, thuộc về tiên thiên, mà nay đã đổi ra thành hậu thiên, bị bó buộc trong vòng vật chất, nên mất tánh thanh tịnh, sáng suốt khi xưa, tức bị che khuất mà thôi.

Muốn phá Vô Minh thì phải học tu tánh, tu mạng, để trở về cái tâm tiên thiên khi xưa, mới thành Phật tác Tổ, không còn bị vật chất ràng buộc nữa. Ngoài học vấn ra, còn phải quán tưởng và thiền định để nhìn cho rõ Nhứt Lý, Nhứt Tâm, làm tiêu hết tà kiến, quên cả dục tình. Mà tà kiến và dục tình tức là vô minh.

Đức Bác Nhã Thiền sư giảng: "Tâm của kẻ thuờng nhơn làm sao quán chiếu cái Thật Tánh, cái Lý Thể nói trên đó là vô hình, vô tướng được. Trừ phi Đại Trí (tức Trí Bác Nhã) quán chiếu và hiểu biết Thật Tánh, làm cho tiêu hết tà kiến, quên cả dục tình, mà tà kiến, dục tình, có phải là Vô Minh chăng?

Bác Nhã Tâm Kinh có câu: "Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bác Nhã Ba La Mật Đa Thời, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không", nghĩa là Bồ Tát Quán Tự Tại dùng Trí Bác Nhã quán chiếu năm uẩn , thấy nó không thật.

B.- Huờn Nguyên Tánh Mạng:

Như trên đã nói, dùng Trí Bác Nhã quán chiếu Thật Tướng, Thật Tánh, khai mở Tâm Bác Nhã hay Bác Nhã Bổn Giác, đã phá hết vô minh, là trở về (Huờn Nguyên) lại nguồn gốc xưa là Lý Tánh, Thiên Mạng.

  Bạch Tẫn Lão Nhơn trong sách Dưỡng Chơn Tập có giảng về hai chữ Tánh Mạng như sau: "Tánh có nguồn là Tâm Địa, Mạng có gốc là Chơn Tức (hơi thở sâu).

Gốc Mạng phải vững bền, nghĩa là Thần Khí giữ nhau thì được vững bền; nguồn Tánh phải trong sạch, nghĩa là trong ngoài đều quên là trong sạch. Tánh ấy gọi là Thần, Mạng ấy gọi là Tinh với Khí. Khí là Mẹ của Thần, Thần là là con của Khí. Tâm tức tương nhau như con mẹ gặp nhau. Thần Khí dung hòa, thành ra một phiến, khắn khít với nhau, lâu rồi sẽ thành đại định.

Đức Hưng Đạo Đại Vương giải thích Tánh Mạng trong soán truyện Quẻ Kiền như sau: "… Mỗi vật, trước Trời ban cho nó một cái lý vô hình để làm Tánh. Rồi ban cho nó một khí chất hữu hình để cho nó một cái Mạng. Vui với cái Tánh, thuận với cái Mạng, vật nào cũng giữ được cái Nguyên Khí của Trời đã phú mà "chánh" lấy Tánh Mạng (Các Chánh Tánh Mạng)".

Lưu Đức Minh nói: "Mạng là tiên thiên chánh khí, Tánh là tiên thiên ngươn thần. Mạng thuộc Dương, Tánh thuộc Âm. Tánh Mạng hiệp nhau, Âm Dương Một ấy là Kim Đơn kết tụ trong chỗ hư vô".

Muốn trở về nguồn gốc xưa Lý Tánh, Thiên Mạng thì phải Tu Tánh, Tu Mạng. Minh Lý Học Thuyết có nói rõ:

- Phật trị tâm, dạy tu tánh: Phàm nói Tâm, tức là có Tánh ở trong đó, vì tánh là chủ tể của tâm. Tánh tức là Chơn tâm Viên minh, là cái tâm mà tự tánh đặng thanh tịnh. Mặc dù hai chữ nghĩa có khác nhau, nhưng thông tHuờng người ta thuờng coi như một, nên cũng hiệp hai chữ thành chữ đôi: Tâm tánh hay Tánh tâm

- Đạo Lão trị thân, dạy luyện mạng: Trị thân tức là dạy luyện mạng, vì mạng là sự sanh sống của thân. Mạng cũng là tánh tiên thiên, nhưng tánh này đã bị ràng buộc trong khí hậu thiên. Chừng nào khí hậu thiên phản lại tiên thiên rồi thì cái tánh ấy mới hiện ra rõ rệt.

- Nho dạy tồn tâm dưỡng tánh hay cùng lý tận tánh: nghĩa là phải xétlý lẽ, mà kềm chế phàm tâm của mình đừng cho nó phóng túng. Lại phải hàm dưỡng cái tánh lành của mình, tìm phương thế thực hiện nó cho được theo đúng lương tâm, lý tánh nên gọi là tu tánh. 

Tu Tánh nghĩa là trau sửa tâm tánh của mình cho nó trở lại lành phải như xưa. Tánh ta trước là Chơn Như trong sạch, mà vì bất giác động niệm, bị nhốt trong khuôn khổ vật chất, nên bị ô nhiễm thành ra vọng tâm. Nay Tu là phải đem Chơn Như mà xông ướp ngược lại vọng tâm, để đuổi hết các niệm tưởng bất chánh, thì tự nhiên vọng tâm Huờn lại Chơn Như. Phép tu này lấy ý thức làm căn bản. Nếu ý thức hết động niệm, nhìn rõ Nhứt Như, Nhứt Lý, thì tự nhiên tâm được tự tại, khỏi sanh tử luân hồi mà về Niết Bàn, Cực Lạc.

Tu Mạng là Luyện Khí: mà trong Khí có ẩn cái Thiên Mạng, cái vi ý là tánh tiên thiên. Hễ khí trong sạch rồi, không còn ngăn trở sự phát biểu của tánh tiên thiên nữa, thì Tánh đó mới bắt đầu được giải thoát.

Vô Cực Đồ thuyết nói: "Đạo chẳng qua là tánh với mạng. Tánh thì không sanh, không diệt. Còn mạng thì có sanh có diệt. Cho nên mạng ở trong tiên thiên, vì thuận theo tánh luôn luôn, thì cùng đồng một tánh, bởi đó tánh mạng hiệp nhau, thành như có một".

Đức Lữ Tổ nói rằng: "Tu mạng mà không tu tánh, đó là cái bịnh thứ nhứt của người tu hành. Còn tu tánh mà không tu mạng (tu đơn) thì muôn kiếp tánh vẫn còn thuộc âm, không vào được cõi Thánh".

Trong Bát Quái Hậu Thiên có viết: "Tánh Mạng tức là Thần Khí, Thần Khí tức là Thân Tâm. Nếu ta không tu Khí Huờn lại Mạng, Thần Huờn lại Tánh y như ở ngôi tiên thiên xưa, thì cái tánh kia bị kềm hãm, lao lung, bề ngoài mất cả sáng suốt tự nhiên của nó. Cho nên Tiên gia mới có công phu Tu Mạng, là gạn đục lóng trong cốt để giải thoát cái Tánh kia, tức là tu tập Tịnh Luyện".

Vì cớ đó, phải tu cả tánh và mạng: trước tu mạng, rồi sau tu tánh. Bởi tu mạng là bước đầu, nên Đạo gia nói trị thân luyện mạng. Vì tánh lọt trong âm khí, bị âm khí á quyền. Phải đánh tan âm khí thì tánh mới vượt lên cao được. Tánh tuy bị kềm hãm, chớ cũng có lúc khí yên tịnh, nó cũng phát biểu ít nhiều ra ngoài. Phải thừa mấy lúc đó mà xé tan lần lần cái màn khí hắc ám, cho đến khi tánh mình đặng hoàn toàn giải thoát, trở về ngôi cũ là Bát Quái Tiên Thiên. Tới đây tiến lên một tầng công phu Tu Tánh để Huờn về Nhứt Khí Vô Cực. Sau đó tiếp theo một tầng công phu chót là để liễu tánh, phục qui Hư Vô, nghĩa là hiệp Một với Đạo.

Trong công phu tu mạng, không phải là không có phần tu tánh. Nhưng trước hết phải tu mạng, thì nhiên hậu tánh mới đặng vững bền.

Sách Tánh Mạng Khuê viết: "Tu tánh mà lại sót tu mạng, luôn cả cái khiếu diệu của tánh cũng không biết nữa, thì làm sao giữ được tánh? Còn tu mạng mà lại sót tu tánh, luôn cả công phu tạo mạng cũng không biết nữa, thì làm sao giữ mạng được?".

Kinh Dịch lại nói: "Tìm lý tận tánh xong thì  hành giả bước sang tu mạng". Kim Tiên trực chỉ nói: "Công phu tu tánh thiệt là phép rất hay để giúp phép tu mạng".

  Theo thuyết song tu tánh mạng, âm dương, tánh mạng, thần khí quan hệ với nhau mật thiết, không thể tu rời một phép mà đặng thành công. Trong lúc tu mạng, cũng có phần tu tánh, mà cái tánh đó là Thiên phú chi Tánh. Nếu Tánh Mạng đều tu xong, công hành hoàn túc, khí tiên thiên đã đặng bổ túc, phục lại như xưa thì gọi là Huờn Nguyên Tánh Mạng, trở lại Ngôi Viên Nhứt. 

Trong Minh Lý Học Thuyết, Đức Khổng Thánh Tiên Sư có giảng dạy như sau: "Phàm con người muốn trở về quê cũ, trước phải biết mình do nơi nào mà xuống đây, thì phải theo con đường đó mà trở về mới khỏi lạc".

II. Vế thứ nhì:  TAM TÔNG KHAI CHÁNH PHÁP BẢO HỢP THÁI HÒA

Tam Tông là ba tông giáo lớn của Đông Nam Á, tức là Phật Giáo, Đạo Giáo và Nho Giáo, đó là nghĩa hẹp. Và trong cuốn Minh Lý Học Thuyết, diễn giải như sau:

- Tam là Tam thể đồng nhứt, Tam Giáo đồng nguyên, Tam Tài nhứt thể

- Tông là thừa kế, tiếp sau (Tổ là trước, Tông là kế Tổ) để hoàn thành sứ mạng cho công cuộc Thiên Lý kết chung. Tông đây cũng có nghĩa là Qui Gia nhận Tổ.

Ba Tông Giáo lớn Nho, Thích, Lão khai Chánh Pháp, hay "Tân Pháp" với mục đích, tôn chỉ: 

Về mặt đời, xây dựng một thế giới thái bình, đem lại sự đồng nhứt cho loài người, chấm dứt những sự thù ghét, riêng rẻ, giúp nhơn loại sống bằng tình thương, lẽ thật giữa nhau.

Về mặt Đạo, chánh pháp kế thừa tinh thần "Tam Giáo Đồng Nguyên", kết tập giáo lý, học thuyết Đông Tây kim cổ làm một chương  trình để tự tu, tự độ, mà độ dẫn cảm hóa lòng người trở về cùng Chơn Lý Đồng Nhứt, gây thiện duyên cho nhơn loại để nương vào đó mà "Phản Bổn Hoàn Nguyên", giữ cho còn cái nguyên khí Thái Hòa, Âm Dương tương hiệp.

Ơn Trên đã chọn đất nước Việt Nam lập ra Tân Pháp vì tinh thần "Tam Giáo Đồng Nguyên".

Vào năm Ất Tỵ, Đức Đông Phương Lão Tổ đã giảng: "Ngọn triều triết học Á Đông, nhứt là Đạo học Trung Hoa, đã thấm nhuần trong tâm khảm người Việt, trở nên tư tưởng hệ thâm trầm, khoáng đảng, chí công vô tư. Tinh thần đồng nhứt đã ăn sâu vào tâm lý con người, phát xuất ra những ngạn ngữ, ca dao, thi văn, cổ tục, đều là nhả hơi bày ý, khát vọng hòa bình, thì lẽ sống còn ở chỗ tinh thần vô ngã từ bi, không ngoài con đường phục hồi nguyên lý.’’

a.- Tam Tông Khai Chánh Pháp

Minh Lý Chơn Giải có ghi Lời Kêu gọi của Đức Hưng Đạo Đại Thánh như sau:
- Nếu các tông giáo như Phật Giáo, Lão Giáo và Nho Giáo đã hoàn tất sứ mạng cứu rỗi nhơn loại rồi, thì đâu còn cần đến ai làm chi.

- Tân Pháp ra đời với một sứ mạng quan hệ, là để tiếp tục hoàn thành công cuộc cứu rỗi của các nhà đạo học. Sứ mạng có khác thì việc làm không thể giống nhau được.

- Nếu Tân Pháp xuất hiện dưới hình thức một tông giáo như Phật giáo, Khổng giáo, Ấn độ giáo, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo … thì không có ý nghĩa, mà còn bày nhiều khối, nhiều chi, gây thêm rắc rối cho thiên hạ.

- Nếu Tân Pháp ra đời để truyền pháp độ sanh, giải thoát linh hồn cho nhơn loại, thì đã có Tam giáo rồi.

- Nếu Tân Pháp ra đời chỉ lo giải quyết về đời sanh sống, thì đã có các học thuyết, các chủ nghĩa rồi. Nếu cố để trị an thế gian thì đã có các nhà chính trị, đâu cần gì đến ta.

Trên đây là những lý do cần có một nền “đạo mới ra đời”.

Năm Ất Tỵ, Tam Giáo Tổ Sư và Đức Chí Tôn giá lâm ban truyền, ban pháp.

- Đức Khổng Thánh dạy: “Cơ Đạo đang chờ các hiền đồ một công phu trau tâm sửa hạnh, để thừa hành Thiên Đạo”.

- Đức Phật Tổ Như Lai dạy: “Một hồng ân lớn lao cho nhơn loại trong lúc đời loạn Đạo suy, mà được Chánh Pháp tái lập cứu rổi toàn linh”.

- Đức Thái Thượng Lão Quân dạy: “Hôm nay Đức Chí Tôn giá lâm ban truyền, ban pháp cho chư đệ tử đủ sức hầu dẫn bước đưa đường cho nhơn loại trong lúc giao thời, để mở màn một kỷ nguyên an lành cho hậu thế”

- Sau cùng Đức Chí Tôn dạy: “Hôm nay, ngày giờ đã đến, cửa Thánh Đức được khai. Ban cho mỗi trẻ nơi này một quyền pháp, hầu thay mặt Thiêng Liêng mà dìu dắt nhơn sanh ở cõi thế nầy”.

Kể từ đấy, Chánh Pháp hay Tân Pháp Minh Lý Đạo được chánh thức hoằng khai.

Đàn cơ năm Ất Tỵ, Đức Đông Phương Lão Tổ dạy các môn sanh Minh Lý: “Đứng trong hệ thống “Tân Pháp Đại Đạo”, phải có lòng vô tư, coi mọi người như một, đem giáo lý của mình mà khuyên dạy đồng bào nhơn loại, khuyến khích nhau làm những điều hay phải. Hãy khích lệ nhau trên sự hợp tác cộng đồng, đồng dị, riêng tư, làm cho ai nấy cảm thông trên tình linh sơn cốt nhục”.
Chánh pháp gồm có các Kinh sách, Thánh Kinh, Dịch Học, Thập Mục Ngưu Đồ,v.v…là một kho tàng quí giá, mà theo lời dạy của Đức Quan Thế Âm: “Tất cả môn sanh Minh Lý Thánh Hội hãy tùy phương tiện và khả năng cũng như hoàn cảnh, khai thác kho tàng quí giá đó, để phổ truyền, gieo rải giống lành ra ngoài đời, chúng sanh hữu căn duyên cùng học hỏi”, đúng với tinh thần:

VẠN PHÁP NHỨT LÝ,

TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN,

ĐẠI ĐỒNG NHỨT THỂ.

b. –Bảo Hợp Thái Hòa

Kinh Dịch, quẻ Kiền viết: “Kiền đạo biến hóa, các chánh tánh mạng, Bảo Hiệp Thái Hòa, nãi Lợi Trinh”, có nghĩa là Đạo Kiền biến hóa chớ không phải cố định, mỗi người phải tu sửa tánh mạng của mình cho ngay chính, song tu cả hai để hợp lại làm Một. Cái Một này gọi là Khí Thái Hòa.Cái khí này do tánh mạng, tức là âm dương hiệp lại mà thành. Có hiệp như thế mới đặng chánh bền (lợi trinh).

Cũng trong Dịch học, Quẻ Bát Thuần Kiền, phần Soán truyện, giải thích Bảo Hợp Thái Hòa như sau: “Theo đời Thái Hòa là Thái Bình. Còn theo Đạo, là Âm Dương tương hiệp mới có khí thái hòa, là căn bổn của Đạo Trung Nhứt.

-Về phần Đời:

Vân Hương Thánh Mẫu dạy: “Mỗi người Minh Lý phải tu chứng chỗ pháp môn “Trung Nhứt” này để hướng đạo, để tái tạo cho tương lai, quân bình cho thế

giới, điều giải cho mọi sự, mọi giới, mọi ngành đương đường dị biệt, chưa ráp thành một cơ cấu thanh bình cho bốn biển”.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy: “Giữ đúng sứ mạng cứu chuộc lần ba bằng con đường dẫn tới làm cho thế giới đại đồng, người tu được trở về quê xưa vị cũ. Nên giữ trọn lời giao ước cùng Trời”:

- Tâm địa phải bao la, dung chứa rộng lớn,

- Không phân chia màu sắc, nòi giống,

- Không phân biệt tín ngưỡng, xu hướng,

- Không chấp cứ danh tướng hữu vi,

- Không tham cầu riêng tư ích kỷ.

-Về phần Đạo:

Vân Hương Thánh Mẫu dạy: “Khi Tâm mình được hiện, Đạo Trung Nhứt tự bày, thì ngồi một chỗ mà biết được gần xa, nói một lời mà nhơn loại thoát vòng sanh tử, làm một việc mà công đức hằng sa, chủ sự thì an bài bốn biển”.

- Về phần cá nhân:

Mỗi cá nhân tu tập theo chánh pháp đạt được Trí Bác Nhã, phá được Vô Minh, trở về với Tánh Mạng nguyên thủy, an nhiên tự tại, âm dương tương hiệp, Tam Nguyên hỗn Nhứt, Ngủ Khí triều nguyên, thoát ra ngoài vòng kềm tỏa của không gian, thời gian, thì đương nhiên đạt và bảo tồn được khí Thái Hòa trong thân tâm.

Trở lại ý nghĩa của Bảo Hợp Thái Hòa: Khi âm dương tương hiệp mới có khí Thái Hòa. Khí Thái Hòa là do Âm Dương giao kết mà dựng nên vũ trụ. Người nhờ khí âm dương hòa hợp mà thành thai, kết nên hình trong bụng mẹ, liền đó có “bộ tim con đỏ”. Bộ tim con đỏ là khí âm dương của Trời Đất đã thu hẹp vào đó, và sau khi sanh ra mới có linh giác khôn khéo để chống chỏi với hoàn cảnh, thu nhặt kinh nghiệm, tiếp xúc cùng Trời Đất, gọi là lương tri, lương năng.

Nếu con người muốn được nên người để được đứng vào hàng Tam Tài, phối đồng cùng Trời Đất, chỉ có giữ cho còn cái nguyên khí Thái Hòa đó. Nhờ Nguyên Khí Thái Hòa được phát triển sâu rộng mà làm nên Hiền Thánh, Tiên Phật. Muốn được vậy, chỉ có “Các Chính Tánh Mạng, Bảo Hợp Thái Hòa”.

Đức Mạnh Kha nói một câu chứng minh lẽ trên: “Làm một người Đại Nhơn cũng chỉ giữ cho còn bộ tim con đỏ ấy mà thôi (Xích Tử chi Tâm). Mà Xích Tử Chi Tâm là Bảo Hợp Thái Hòa. Khi sanh ra cũng chỉ có nguyên khí Thái Hòa, lúc cuối cùng cũng chỉ Bảo Hợp Thái Hòa mà thôi”.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA MÔN SANH MINH LÝ


Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy: “Này chư môn sanh! Giữa thời nhiễu nhương ly loạn, cuộc phân hóa trầm trọng của nhơn sanh đã thành trường sát kiếp. Chư môn sanh là những con người biết giác ngộ trước cảnh đen tối mờ mịt của trần gian mới được Thượng Đế ban trao sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ, một sư mạng chung cho dân tộc được chọn. Nếu những người được đứng trong khuôn viên tôn giáo đạo đức, đều đồng lòng hòa hợp lại trong tinh thần vô cố, vô chấp, vô ngã, vô công, vô danh thì có lo chi không giải được sự cộng nghiệp của chúng sanh. Đem lại thanh bình an lạc chung cho thế giới nhơn loại”.

“Đã học Đạo, hành Đạo, tất biết Đạo hằng có trong vạn vật. Vạn vật sinh tồn trong lý Đạo. Những phương pháp, phương châm bí quyết để con người được biết rõ chính mình và biết sống trong lẽ Đạo, để bảo trì nhân bản trên xã hội nhơn loại này, đều tóm vào một ý nghĩa của mùa Xuân, bởi Xuân là mùa lập lại cuộc sanh - trưởng - thâu - tàng, biết hòa dịu để lưu hành trưởng dưỡng”.

Đức Hưng Đạo Đại Vương khải thị: “Chư môn sanh trong Minh Lý Thánh Hội phải nhận cho được Mục đích để đến, Tôn chỉ để làm, và Lập trường để đứng vũng”.

Mục đích là để thánh hóa loài người, tự mình được giải thoát, hoàn toàn giác ngộ.

Tôn chỉ là dung hòa tin ngưỡng, xu hướng cộng đồng, tổng hợp một đường lối: chỉ có một Đạo, một Tâm. Nên người Minh Lý phải nới rộng lòng mình, xích lại gần với nhau, không phân chia màu sắc, địa phương. Giữ đúng tinh thần câu:

“Thất MINH LÝ nền chung các Đạo”

Lập trường là thuần túy tu hành, không xen lẫn một tư tình để khiến cho Thánh Đức phải qui phàm.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy: “Hôm nay Minh Lý bước vào giai đoạn “Huyền Công Thần Bí” là phần “Nội Giới Tâm Truyền” để phô trương giáo lý, để giáo hóa mọi tầng lớp người đời để tạo nên một trường công quả cho các con nào chưa đủ sức thọ pháp Thượng Thừa, nên Ngoại Giáo Công Truyền cần được củng cố lớn mạnh để phổ thông hoằng hóa Đạo Trời, phần này cũng một trọng trách tối yếu của Đạo Minh Lý”.

Đức Bác Nhã Thiền Sư dạy: “Minh Lý được Chí Tôn giao cho trọng trách “Qui Nguyên”. Chư đệ muội cố gắng tu chứng, hoát khai trí tuệ, giác ngộ Bồ đề Tâm, thì mới đủ sức đương vi trọng trách… Ai tu nấy được, phải cố gắng gánh mối Đạo mà Ơn Trên đã ưu ái ban cho”.

Tịch Đại đang từng bước kế thừa và tiếp nối con đường của các bậc tiền Khai (Minh – Khai – Tường) để thực hiện sứ mạng quyền pháp của Minh Lý Thánh Hội.

Đức Hưng Đạo Đại Vương giải thích: “Quyền là Tình thương, và Pháp là Sự sống.

- Nếu Tình thương không đủ cảm hóa, thì quyền ấy hóa ra quyền lực thế gian, sẽ làm cho nhơn sanh dưới quyền bị sự đau khổ, gây nên tai hại.

- Nếu Sự sống không chảy đến cho các nẽo mát mẽ ở lòng người, thì tâm linh bị khô héo, mà pháp trở thành yêu thuật bàng môn”.

KẾT LUẬN


Kính thưa Quý vị,

Nhờ Hồng Ân của Đức Chí Tôn và Tam Tông Giáo chủ hoằng khai Chánh Pháp, tức Tân Pháp Minh Lý Đạo, trong buổi Hạ Ngươn, để Bảo Hợp Thái Hòa, tái tạo Thượng Ngươn Thánh Đức, thế giới thái bình, nhơn loại cùng tu tập Chánh Pháp. Mỗi môn sanh Minh Lý Đạo phải tu, tu luyện “Bác Nhã Huyền Môn”, khai Trí Bác Nhã, quán chiếu Thực Tánh, Thực tướng, Phá Vô Minh, trở về quê xưa, khôi phục Lý Tánh, Thiên Mạng, tức là Huờn Nguyên Tánh Mạng.

Lời dạy, nhắn nhũ môn sanh Minh Lý như trên đã nói lên hết ý nghĩa hai câu khuyết mà Ơn Trên dùng để đặt tên cho Tịch Đại:

BÁC NHÃ PHÁ VÔ MINH HƯỜN NGUYÊN TÁNH MẠNG

TAM TÔNG KHAI CHÁNH PHÁP BẢO HỢP THÁI HÒA

Trước khi chấm dứt bài nói chuyện, chúng tôi xin hết lòng cảm tạ tất cả Quí Vị và các đạo hữu đã chú ý lắng nghe. Trước biển Đạo học mênh mông, chúng tôi đương nhiên không tránh được những thiếu sót, chúng tôi thành tâm xin quí vị cao minh chỉ dạy thêm.

Kính chúc Quí Vị hưởng được hồng ân của Thượng Đế, Tam Giáo Tổ Sư , được dồi dào sức khỏe, hanh thông mọi sự và thân tâm an lạc.



Rất lòng thành tín

Đại Khai


Đại Khai

Nên Người chẳng phải dễ gì đâu,
Nên Phật Thánh Tiên lại khó cầu,
Biết sửa một ly là đắc quả,
Con ôi Diêu Điện Mẹ đang sầu.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Thiên Lý Đàn, 01-02 Mậu Thân, 27-01-1968

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây