Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Quán niệm về Tâm / Đại Khai (MLTH)

    Ngài Bác Nhã Thiền Sư trong bài Chánh Pháp Nhãn Tạng – Niết Bàn Diệu Tâm đã cho chúng ta ...


  • Ở thánh địa Châu Thành nói riêng, toàn tỉnh Tây Ninh nói chung, có rất nhiều di tích lịch sử ...


  • Dưới đây là bài phát biểu của Giáo Sư Thượng Liêm Thanh vào dịp Lễ Khánh Thành Trung Tông Thánh ...


  • Giáo pháp công phu / Đức Hà Tiên Cô

    Thánh giáo Đức Hà Tiên Cô dạy chư tịnh viên. Đây là bài giáo pháp rất đặc biệt, là một cẩm ...


  • Theo nhiều văn bản của triết học và thần học, hình tròn còn là biểu tượng đặc trưng cho Thượng ...


  • THANH NIÊN và THIÊN CƠ GIÁO ĐẠO Ngày kỷ niệm Khai Tịch Đạo năm Mậu Tuất 1958, Đức Lý Giáo Tông ...


  • Yếu tố quyết định của hạnh là tâm. Sau khi nhập môn, chúng ta phải có ngôn ngữ, cử chỉ khác ...


  • Tiền bối Cao Triều Phát sinh ra trong một gia đình đạo đức, thừa hưởng tính cách nhân hậu của ...


  • Mùa Xuân thắm màu hoa, em áo mới, Hoa tỏa hương, tà áo mới em bay. Bước tung tăng, em đi lễ ...


  • VỀ MIỀN SÔNG HẬU Thuyền rời bến vượt dòng đêm lạnh, Cà Mau ơi, sông lạnh đìu hiu! Nhớ sao…chim Quốc ...


  • THỜI KỲ MẠT PHÁP / Thư viện Hoa sen

    Thời kỳ mạt pháp là thời kỳ được bắt đầu từ sau khi đức Phật nhập niết bàn 1500 năm, ...


  • Tây Minh / Lê Anh Minh trích dịch

    Tây Minh vốn là đoạn văn đầu của thiên Càn Xưng 乾 稱 trong Chính Mông正 蒙 của Trương Hoành ...


09/11/2008
Huệ Ý

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 07/01/2010

Ngũ Chi Hiệp Nhứt Trong Tam Kỳ Phổ Độ

DẪN NHẬP

Hạnh nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là :

" Trần gian vạn khổ còn kia,
Lòng người Bồ Tát đâu lìa chúng sanh"


Đức Bồ Tát dạy : "Chư hiền đệ, hiền muội phải hiểu:

- con đường mình đang đi phải đi về đâu,

- đi đến chỗ nào duy nhứt,

- rồi sẽ định việc làm.

- Trước khi làm phải hiểu việc làm thế nào cho hợp tình hợp lý, có nghĩa, có nhân.

Được như vậy mới dám hy sinh mọi mặt, mới có can đảm vượt qua mọi chướng ngại"

Qua lời dạy này Đức Bồ Tát muốn chúng ta phải biết Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đưa chúng ta đi đến đâu, và bằng cách nào để đi được tới nơi ? Mục đích, tôn chỉ, lập trường của Đại Đạo là giải đáp cho hai vấn đề trên.

I. MỤC ĐÍCH CỦA ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Cốt tủy lời dạy của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát nhằm giúp chúng ta thực hiện được hai mục đích của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là : Thế Đạo Đại Đồng và Thiên Đạo giải thoát.

Đức Bồ Tát dạy :

"Nhìn lên chơn lý Đại đồng,
Thực hành cho đúng mới không tội tình.
Đại đồng bao quát thinh thinh,
Chơn lý lẽ thiệt trung minh Đạo Trời "


Xây dựng thế gian thành cõi thái hòa an lạc, và một ngày kia siêu xuất thế gian ra khỏi luân hồi lục đạo là hai diệu dụng không tách rời nhau của chữ "TU".

Về siêu xuất thế gian Đức Bồ Tát dạy :

"Tâm người là một Cao Đài,
Là Tiểu Thiên Địa, tam tài chí linh.
Xét trong hữu tướng vô hình,
Phải biết thể dụng cho tinh mới thành.
Dụng hình tạm kiếp dương sanh,
Luyện rèn kim thể thoát mành trần la"


II. TÔN CHỈ CỦA ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Muốn thực hiện được hai mục đích cao quý trên, người môn đệ Đức Cao Đài được ban cho tôn chỉ

"Tam giáo qui Nguyên, Ngũ chi Phục nhứt"

Tam giáo là Nho, Thích, Đạo.

Ngũ chi là : Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo. Điều này thường bị hiểu lầm là tinh thần sô vanh nước lớn "Đại Đạo" muốn gom các đạo giáo vào một để chưởng quản.

Người tín đồ Cao Đài được dạy : muốn cho từ cá nhân cho đến xã hội, gia đình, quốc gia, nhân loài được ổn định, phát triển thì phải thực hiện kết hợp được tinh hoa của Nho, Thích, Đạo là :

-  Nho - đạo trị thế ( người hòa hợp với mọi người)

-  Đạo - đạo trị thân (người hòa hợp với thiên nhiên và bản thân)

-  Thích - đạo trị tâm (người hòa hợp với chính mình)

Ba phần này hòa quyện không thể tách rời.

Đạo trị thế gồm : Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, nhằm thực hiện mục đích "thế đạo đại đồng"

Đạo trị thân : Tiên Đạo.

Đạo trị tâm : Phật Đạo. Tiên Đạo và Phật Đạo nhằm thực hiện mục đích "thiên đạo giải thoát".

1.  Nhơn Đạo tập trung vào CƯƠNG THƯỜNG

Trước hết là thực hiện bát điều mục : cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, thiên hạ bình. Từ vua chúa cho đến thứ dân đều lấy việc tu thân làm gốc, hoàn thiện chính mình, rồi lo cho xã hội nhỏ là tiểu gia đình, rồi dòng họ, rồi hàng xóm láng giềng.

2.  Thần Đạo ở hai chữ TRUNG CHÍNH

3.  Thánh Đạo ở hai chữ CÔNG BÌNH

4.  Tiên Đạo ở hai chữ BÁC ÁI

5.  Phật Đạo ở hai chữ TỪ BI.

Tất cả thực hiện trong xã hội với nhân sinh.

Tinh thần qui nguyên, phục nhứt là người tín đồ Cao Đài phải học, tu, hành cho được tinh hoa của Tam giáo và Ngũ chi.

Đức Quan Thế Âm dạy :

" Chư hiền muốn thành Phật ư ? muốn thành Tiên, Thánh, Thần ư ? Được, tốt lắm. Chính trong thâm tâm chư hiền, mỗi người đều có tạm gọi là vốn liếng để thành Phật, Tiên, Thánh, Thần. Miễn chư hiền biết trọn lòng, tư tưởng đến việc làm cùng lời nói.

Loại nào của các bực Phật, Tiên, Thánh, Thần nên nuôi dưỡng mà tiến hành. Còn những tư tưởng, hành động, lời nói nào của ma quỉ phải chừa ngăn. Có như vậy mới sớm toại nguyện.

Thử đặt một câu hỏi : Nếu mình làm đúng, nói đúng, trong lúc đó có người nói ngược lại, mình có bực tức giận chăng ? Nếu có, tức là không được Phật Tánh.

Nếu khi gặp cơn đói lạnh, mình chỉ còn một chén cơm cho cả gia đình, trong lúc đó gặp người hàng xóm xin chia bớt một phần, mình có chia chăng ? Nếu không, tức là thiếu lòng bác ái, chẳng được thành Tiên.

Nếu chẳng nhẫn được, không thành Thánh.

Nếu cần một món tiền chia hai, bên ba phần, bên năm phần, cho thân nhân với một người láng giềng, có ưng lòng chia phần nhiều cho người hàng xóm chăng ? Nếu không thì chẳng được thành Thần.

Những sự kiện nghe qua rất tầm thường, nhưng xét lại thật là khó hành. Mà hễ khó hành thì không thành. Muốn thành phải kiên nhẫn, hy sinh, đức độ. Nếu ngược lại bắt cá hai tay làm sao đắc quả vì câu:

" Thiên đàng thì cũng muốn lên,

Tiếc vì sự nghiệp một bên còn nhiều "

1. NHƠN ĐẠO


Nói về "Đạo làm người" tức là "NHƠN  ĐẠO": -" các nền triết học Đông Tây Kim Cổ đều giải quyết vấn đề làm người. Chung qui các triết thuyết đều khẳng định: "Con người bao gồm hai thành tố:

-Yếu tố sinh học và yếu tố đạo đức, tức là giá trị của con người.

Idogéne giữa trưa cầm đèn đi vô chợ, hỏi ông đi tìm chi ? Ông nói: đi tìm một con người.

Đức Quán Thế Âm Bồ Tát dạy :

" Khuyên người hiểu trí tri đạo lý,
Đạo làm người chung thỉ nhờ thân;
(...)
Khi ở chốn gia đàng cư xử,
Đạo làm cha phụ tử tình thâm;
Cha không tửu sắc sai lầm,
Bạc bài tài phiến là mầm hư thân.
(...)
Đạo làm người tròn vuông sau trước,
Đó là khuôn là thước giữ mình;
Làm người cho trọn nghĩa tình,
Phật, Tiên, Thần, Thánh muốn thành khó chi"


2. THẦN ĐẠO

Lo cho cả nước non dân tộc. Nhân đạo và Thần Đạo cốt ở lời dạy của Đức Khổng Tử "chính danh, định phận" (quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử).

- Trung do hiếu mà ra. (Vua Tự Đức ban thưởng cho mẹ ông Nguyễn Thông).

Các vị trung vơi nước, hiếu với dân : sanh vi tướng, tử vi Thần. Xưa do vua ban sắc. Nay trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn ban ân Thánh Sắc.

Bước lên "Thần Đạo" tập trung vào hai chữ "TRUNG CHÍNH"

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát dạy :

"Phật Tiên Thánh nhiều kỳ giáng thế,
Cũng khuyên đời tín, lễ, nghĩa, nhân;
Hiếu trung, phụ tử, quốc dân,
Phu thê, bằng hữu, bản thân rán hành"
Làm dân cho đáng nên dân,
Làm quan cho đáng tinh thần làm quan"


Chữ TRUNG được hiểu :

"trung với nước: không dời, ý đổi,
Trung cùng người, chẳng dối, chẳng ngoa;
Trung trinh liệt nữ quần thoa,
Trung ngôn thường xử vậy mà cho phân"


Ơn Trên cũng dạy :

"Phận bé nhỏ Đạo nhà nắm giữ,
Vai nặng oằn hai chữ nghĩa nhân;
Có Trời, có nước, có dân,
Dân nguy, nước loạn xả thân giúp đời."


Qua hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp các Bậc Tiền bối :

- Đức Giáo Tông Nguyễn Bửu Tài.

- Đức Tiền bối Cao Triều Phát.

- Đức Tiền bối Tô Bửu Tài.

- Ngài Ngọc Đầu Sư Nguyễn Văn Ngợi.

Cùng nhiều anh lớn Tiền bối khác và đồng đạo tín đồ đã chứng minh tinh thần yêu nước nhân nghĩa nầy.

* Phương châm tu chứng:

Phương châm tu chứng Thần vị, chúng ta học tập kinh nghiệm đời tu của Đức Bão Hiền Thần Nữ. Ngài được ân phê:

"Sanh tiền thiện tâm thủ đạo, vô tác ác nghiệp;

Tử hậu tử tôn tu trì, bồi công lập đức".

Phương châm này gồm hai phần : tự thân Ngài khi sống lòng lành giữ đạo, luôn luôn làm việc thiện từ. Khi Ngài mất, con cháu noi gương liên tục tu thân bồi công lập đức, vừa tưới gốc cho con cháu, vừa hồi hướng công đức cho các Đấng Cửu Huyền Thất Tổ như câu kinh:

"Tu là cứu cửu huyền thất tổ,
Tu là cần phổ độ chúng sanh"
.

3. THÁNH ĐẠO


* Kinh sách.

Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, tinh hoa giáo lý Ngũ Chi Đại Đạo đã được Ơn Trên dung hợp dạy trong Thánh Ngôn Cao Đài. Cho nên các kinh sách đề cập đây chỉ để nghiên cứu tham khảo.

Tứ Thư : 1.Đại Học, (Đại Học chi đạo tại minh minh đức, tại thân dân, chỉ ư chí thiện). 2. Trung Dung, 3. Mạnh Tử, 4. Luận Ngữ,

Ngũ Kinh : Kinh dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu….

* Hy sinh, công bình

Muốn bước lên Thánh Đạo điều kiện tiên quyết là trường chay giới sắc.

Sự hy sinh :"xã phú cầu bần, xã thân cầu Đạo". Một thanh niên đến hỏi Đức Ki Tô "thưa Thầy con phải làm sao để vào được nước Trời". Chúa trả lời "con hãy hiếu với cha mẹ, hoà với anh em, đừng làm chứng dối, đừng phạm tà dâm...". Anh đáp "con đã thực hiện các điều ấy". Chúa dạy "vậy thì con hãy về bán hết tài sản, đem tặng cho người nghèo khó, rồi vác Thánh giá theo Ta." Anh thanh niên tiêu nghỉu trở về, không thấy trở lại.

Thánh đạo tập trung vào hai chữ "Công bình":

Đức Khổng Tử dạy : "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" - (Điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình đừng làm cho người khác)

Đức Ky Tô cùng dạy một ý : "Điều gì anh em muốn người khác làm cho anh em, anh em hãy làm cho người khác".

Đức Khổng Thánh dạy :

"Ai chẳng biết vô tư là quí,
Ai chẳng tường ích kỷ là sai;
Ngặt vì tước lộc tiền tài,
Nhiễm mê hồn tục mắt tai ù lòa.
Rồi đâu thấy người ta đồng thể,
Nên công bình riêng để một bên;
Lợi mình giả ngộ làm quên,
Kém thua chẳng chịu nói lên bất đồng"


Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, đạo trị thế cốt ở đường lối "chính danh định phận" (quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử) và đạo lý "Công Bình".

* Tồn tâm dưỡng tánh.

Thánh đạo, tu chơn đạo trong công thức "tồn tâm dưỡng tánh".Đức Hà Tiên Cô dạy:

"Biết được phép tồn tâm dưỡng tánh,

Thì bước lên làm Thánh, làm hiền".

* Phương châm tu chứng

Phương châm tu chứng thánh vị, chúng ta học của Đức Thiện Minh Chơn Thánh. Ngài thế danh Nguyễn Văn Minh, Thánh danh Chơn Thiện Minh, nguyên Văn Hoá Vụ Trưởng của Cơ Quan. Ngài được ban ân "Tinh thần tu học hành đạo với tâm bất thối chuyển".

Cổ đức dạy "người học Đạo như lông trâu, người thành đạo như lông rùa, vì cuộc đời như Đức Bát Nhã Thiền Sư dạy "ám ảnh và hấp dẩn cuốn lôi". Lực kéo lôi trở xuống đối với người đi tu rất là lớn, vì thế "bất thối chuyển" là một công trình được mọi người trân trọng và Ơn Trên chấm điễm cao.

4. TIÊN ĐẠO

Tiên Đạo = Đạo trị thân.

* Kinh điển

1. Kinh Cảm Ứng "Phù tâm khởi ư thiện, thiện tuy vị vi, nhi thiện thần dĩ tuỳ chi; Hoặc tâm khởi ư ác, ác tuy vị vi, nhi hung thần dĩ tuỳ chi". Nhứt kinh của Chư vị Chiếu Minh là kinh Cảm Ứng, đây là bộ Thiên điều hình luật.

2. Đạo đức kinh : kinh ứng dụng trong tất cả lãnh vực: đạo học, y học, kinh tế, chính trị… "toả kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hoà kỳ quang, đồng kỳ trần). (kinh Dịch của Lão giáo).

3. Thanh tịnh Kinh: "Đạo khả đạo, phi thường Đạo, Danh khả danh, phi thường danh."

3. Huỳnh Đình Kinh : trong Phong Thần, Đức Thông Thiên giáo chủ dạy "Đóng cửa tựng Huỳnh Đình, thiệt bậc cố thành ngôi chánh quả, Tách minh sang tây thổ, là người tên đứng bản Phong Thần"

Đức Hà Tiên Cô dạy :

"Huỳnh Đình trì tụng trước,
Nội cảnh đồ học sau;
Ta chưa biết ta đó,
Thiên môn dễ chi vào".


*.Bác ái

Đức Chí tôn dạy :

"Nếu con giữ lập trường chánh đạo,
Nếu con gìn lời bảo CHÍ TÔN;
Nâng đứa dại, học người khôn,
Nhủ khuyên kẻ quấy, bảo tồn người nguy.
Gìn hạnh đạo từ bi, bác ái,
Thuận lòng Trời, nhơn ngãi thương yêu;
Giữa cơn nắng sớm mưa chiều,
Bao nhiêu gian khổ, bấy nhiêu hợp quần,"


*.Tu tâm luyện tánh

Đức Mẹ dạy :

"Sanh cõi tục nhưng tâm thoát tục,
Lạc chợ đời không chút luyến đời;
Thuyền từ bể hoạn dòng khơi,
Tu tâm luyện Tánh về nơi Đảo Bồng."


Thân tâm con người không thể tách rời nhau, công phu của Đạo Cao Đài là phép luyện thân tâm, luyện thân là luyện mạng, tu tâm là tu tánh. Tu tánh luyện mạng tức tánh mạng song tu.

Ơn Trên dạy :

"Tâm có định rồi thân mới an,
Tâm còn điên đảo ắt nguy nàn;
Công phu là để tâm an định,
Nên đạo, nên đời chốn thế gian".


Con người đứng trước một yêu cầu khẩn thiết và cấp bách. "Mình phải tự biết mình ". Chúng ta đang làm chủ một chiếc xe, không biết cấu tạo của nó, chức năng các bộ phận ra sao, gìn giữ điều khiển nó như thế nào ? Thậm chí còn lấy búa đập phá nó nữa ?

Các bác sĩ cho chúng ta biết: rượu, thuốc lá, thuốc trừ sâu là nguyên nhân của ung thư. Tà dâm là nguyên nhân của sida, chấn thương tâm lý là nguyên nhân cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

"Hay giận dỗi thương Can, tổn Mộc,
Quá mừng vui, Hỏa đốt, Tâm suy;
Buồn thương rất hại thổ tỳ,
Lo nhiều hao tổn, ích gì hành Kim.
Hay sợ sệt thân hình tiều tụy,
Ngũ tạng suy thần khí khó tu.
Người tu nên khá dặn lòng,
Như như mặc mặc luyện công mới thành".


Trong việc luyện thân tâm này - cơ thể con người là tiểu vũ trụ có liên quan đến đại vũ trụ, một năm có bốn mùa Đông chí, Xuân phân, Hạ chí, Thu phân, một ngày có bốn thời tí, mẹo, ngọ, dậu, hành giả hành công nhiếp thâu "Tiên Thiên Khí" mà bồi dưỡng thân tâm để hoằng pháp lợi sinh:

"Ngoài xây thế đạo đại đồng,
Trong cùng Trời Đất cộng thông cơ mầu".


Đức Quan Am Bồ Tát dạy:

"Trời thì có hành tinh nhựt nguyệt,
Có âm dương hàn nhiệt nóng khô;
Con người là tiểu qui mô,
Cũng đều có bản hà đồ lạc thơ.
Đó là máy huyền cơ tạo vật,
Người với Trời thể chất song song,
Nếu mình bền chí gia công,
Tu thân luyện mạng cũng mong thành Trời"


Tôn chỉ của Đại Đạo là "Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhất" là hệ thống chương trình hoàn chỉnh cho chúng ta tu học. Do kết quả tu học công trình, công quả, công phu mà được Đức Chí Tôn ban ơn.

"Sống thì trọn đạo vi nhân,
Thác làm Tiên, Phật, Thánh, Thần khó chi".


*.Phương châm tu chứng

Phương châm tu chứng Tiên vị, chúng ta học của Đức Quãng Đức Chơn Tiên. Cuộc đời hành đạo của Ngài đa dạng phong phú. Chí hướng, hoài bảo, công hạnh, tâm đức của Ngài được Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo công bố bảng Tuyên Dương Công Trạng khi sanh tiền và Đức Chí Tôn cao ban Thánh Sắc Chứng Đạo. Chúng tôi xin chép lại nguyên văn để học tập.

"Trong tiết Thiên Quan này, có một đặc điểm nữa khiến Bần Đạo đến đây để minh giải và ban ơn công trạng cho một trong những sứ đồ trung kiên của Thượng Đế.

Hiền đệ Phối Sư Trần Văn Quế hãy định tâm nghe Bần Đạo tuyên dương công trạng đây :

- Thừa sắc lịnh Ngọc Hư Cung,

- Chiếu đề nghị của Công Đồng Tam Giáo,

- Chiếu sớ biểu của chư Hội Đồng Tiền Khai Đại Đạo,

- Xét vì Phối Sư Trần Văn Quế đã có những đặc điểm sau đây trong Tam Kỳ Phổ Độ.

1.- Đã nhứt tâm, nhứt đức trọn vẹn lòng tin, phụng thừa Thiên mạng truyền bá giáo lý thiên đạo khắp ba miền Nam Trung Bắc.

2.- Đã có tinh thần hòa đồng với quan niệm Tam Giáo Đồng Nguyên, Vạn Giáo Nhứt Lý.

3.- Đã có tinh thần hòa đồng với tôn giáo bạn không phân biệt màu sắc dị đồng tín ngưỡng và phương tiện truyền giáo cũng như hành lễ.

4.- Đã thiết tha với ý niệm nhân loại đại đồng hoài bão tình huynh đệ nơi thế gian sẽ có ngày như tình linh sơn cốt nhục, đồng thọ huyết thống một nguồn cội tối linh.

5.- Đã hoài bão và mong thực hiện tình thương yêu dân tộc không phân biệt địa phương Nam Trung Bắc, hoài vọng ngày thống nhứt đất nước trong tình huynh đệ Lạc Hồng, giữ vững non sông bản đồ chữ S về phương diện nhân sinh thế đạo.

6.- Hoài bão xây dựng một thế hệ trẻ trung, mầm non tiếp nối đời sống tâm linh thánh thiện theo luật tiền tấn hậu kế, tre tàn măng mọc trong tinh thần huynh đệ đại đồng trong mai hậu.

7.- Đã nhứt tâm nhức đức đặt trọn đời mình trong khoảng thời gian còn lại trong sứ mạng thế Thiên hành hóa độ dẫn nhơn sanh trên đường tu học.

8.- Hoài bão xây dựng một Hội Thánh Đại Đạo duy nhứt để truyền bá giáo lý tối thượng khắp nơi.

Do đó, đáng lẽ ra đương sự sẽ được thọ phong vào hàng Thiên sắc tối cao trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nhưng :

- Quyền pháp đạo luật cần được nghiêm minh chấp hành. Bần Đạo không dùng quyền Giáo Tông ban phong Thiên sắc ấy.

Tuy nhiên ngày Đại Hội Thường Niên nơi Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài tại Trung Hưng Bửu Tòa sắp tới đây, Bần Đạo nhường quyền công cử ấy lại cho Hội Thánh lưỡng đài xét công trạng, đức hạnh của vị Chủ Trưởng mình hầu tôn xưng vào chức sắc xứng đáng.


GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Ấn ký :

LÝ THÁI BẠCH



5. PHÂT ĐẠO.

* Kinh điển:

Kinh Kim Cang "nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến như lai"; "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm".

Pháp Bảo Đàn kinh:

"Bồ đề bổn vô thọ,
Minh kính diệc phi đài,
Bổn lai vô nhứt vật,
Hà xứ nhá trần ai"


Đức Bát Nhã Thiền sư dạy:

"Đạo là gì? - Không là gì cả,
Thế cái gì hoá hoá sanh sanh;
Cái không phải, cái vô danh,
Vô danh sanh hoá, hoá sanh muôn lòai.
Nó ở đâu trong, ngoài cho biết,
Chẳng ở đâu kỳ thiệt khắp nơi,
Trong ngoài cũng bặt tăm hơi,
Theo đuôi chẳng thấy, đón đầu cũng không"


Phật Đạo, đạo trị tâm:

*Đức Từ Bi

Đức Ngô Minh Chiêu dạy :

"Đấng Thượng Đế vì tình Tạo Hóa,
Chiết Linh quang xuống ngã hồng trần;
Mượn nơi chí trọng các lân,
Hy sinh phá chấp gieo mầm từ bi.
Chịu khổ hạnh bồ đề tịnh tọa,
Đem huyễn thân túc xá kim thân;
Tây Phương giải thoát nhơn quần,
Nghìn năm lịch sử trọng phần Thế Tôn."


*.Minh Tâm Kiến Tánh

Đức Đông Phương Lão Tổ dạy :

"Minh tâm kiến tánh Hạnh, Cường không,
Khai Ngộ đặng rồi Tánh cũng cũng không;
Tường lãm bao nhiêu tuồng huyễn hóa,
Vườn tiên đất phật rán vun trồng."


*.Phương châm tu chứng

Phương châm tu chứng của Phật Đạo, chúng ta học theo Kinh Xưng tụng công đức của Đức Bát Nhã Thiền Sư, Tam Tông Pháp Chủ Nguyên Quân Bồ Tát.

1.Đầu cúi lạy Tam Tông Pháp Chủ,
Nhớ ơn xưa Sư Phụ dựng gầy;
Cơ đồ sự nghiệp còn đây,
Nhờ Thầy mới có nơi này ngày nay.

2.Tạo giáo sở: pháp, tài, lữ, địa,
Chọn lập trường chính nghĩa chơn tu;
Công trình, công quả, công phu,
Thường hành đạo sự cần cù siêng năng.

3.Thông tam tạng đơn thiền nhứt quán,
Suốt lục kinh tánh mạng tinh tuyền;
Phụng thừa Tam Giáo qui nguyên,
Dung hoà tổng hợp chơn truyền về sau.


(Đức Hưng Đạo Đại Vương)

4.Tâm bình đẳng coi nhau đồng thể,
Hạnh nhứt như từ huệ độ đời;
Đoan trang mẫu mực làm người,
Nằm ngồi đi đứng không ngoài oai nghi.

5.Lịnh Tam Giáo chủ trì Minh Lý,
Từ quan về khắc kỷ tu công;
Gặp hồi bước đạo gai chông,
Bên ngoài áp lực, bên trong bất hoà.

6.Thuyền tế độ phong ba xô xát,
Giữ lái lèo cậy bát một tay;
Gian nan chí cả đâu nài,
Kiến cơ nhi tác sắt mài thành kim.


(Đức Lê Đại Tiên.)

7.Thân hướng đạo ba chìm bảy nổi,
Chí quyết gầy cơ hội trùng hưng;
Tiền phong chiến đấu không ngừng,
Thành công đem lại vui mừng vinh quang.

8.Nay đệ tử trước đàn hiến lễ,
Chạnh thương Thầy giọt lệ trào tuông;
Nhớ câu "cây cội nước nguồn",
Cô đơn chan chứa nổi buồn làm sao!

9.Vui mừng Thầy chứng cao vị quả,
Tối thượng thừa BÁT NHÃ THIỀN SƯ;
Độ đời đến chỗ nhứt như,
Giúp con lái chiếc thuyền từ tam tông.

10.Đệ tử nguyện một lòng tu học,
Để đền ơn bảo bọc dắt dìu;
Nối dòng sử đạo cao siêu,
Đồng tâm nhứt trí là điều Thầy mong.


(Đức Vạn Hạnh Thiền Sư)

III. LẬP TRƯỜNG ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Lập trường của Đại Đạo là "thuần chơn vô ngã". Đứng trên lập trường thuần chơn vô ngã, người môn đệ của Đức Chí Tôn mới tự độ và tận độ được.

Thuần : ròng, không pha tạp .

Chơn: thành thật, chơn chánh, chơn tu.

Muốn thế phải "vô ngã" không còn "cái ta" nữa.

1. Có vô ngã mới tự độ được mình:

Ơn Trên dạy :

"Đã dày dặn công phu chay lạt,
Chấp ngã còn chẳng khác chi đời"


Vô ngã không phải là diệt ngã mà chuyển hóa nó từ hẹp ra rộng, từ riêng ra chung, tiến đến chỗ không bờ mé, không giới hạn.

"Tình dân tộc đổi tình nhân loại,
Nghĩa nước non ra nghĩa đại đồng".


(Đức Lê Đại Tiên)

2. Có vô ngã mới tận độ mọi người:

Đức Trần Hưng Đạo dạy phải vô ngã, mới tận độ được qua câu đối :

" Giáp Tý hiệp không gian, nhượt thiệt nhược hư cảm hóa tam thiên thế giới.

Bính Dần Khai Đại Đạo, vô nhân vô ngã, độ toàn cửu nhị nguyên nhân"

Đức Giáo Tông dạy " Vô ngã" một cách minh bạch và thực tế qua các công thức sau :

a. Vô ngã = mình là mọi người, mọi người là mình.

Khi mình là mọi người, mọi người là mình, thì chỉ còn nhứt thể. Mình bịnh tức người bịnh, ghét người tức ghét mình. Sự cộng thông nàylà hình ảnh "hòa vào đại dương giọt nước sẽ tồn tại". Thất tình lục dục là những chướng đạo ngăn cản sự hợp nhất của ao hồ vào biển cả để không sớm thì muộn sẽ bị khô hạn.

Đức Giáo Tông dạy :

"Tất cả đều do một tâm chuyên nhất bất thối chuyển vượt lên hết mọi phức tạp của cuộc đời thị phi đối đãi. Nếu tâm còn vướng mắc trong sự hạn hẹp cá nhân thì bảo sao thất tình lục dục không kéo lôi trì níu.

Đạo là bao la huyền nhiệm, pháp trường lưu bất tận như biển cả mênh mông, khơi khắp muôn sông ngàn rạch, khi tán muôn phương khi tụ về biển cả nên dòng nước của cơ cứu độ vẫn luôn khơi chảy để đem lại sự mát mẻ cho muôn loài không như nước ao hồ, cũng là nước nhưng nó hạn hẹp trong sự chứa đựng của nó nên không khỏi bị khô hạn bởi sức nóng của ánh thái dương".

Mọi người đều là con của Đức Chí Tôn, không có ai là người thù, không có ai là người ghét của chúng ta.

Đức Giáo Tông dạy :

" Người sứ mạng Thiên ân, thành công được khi nào làm cho kẻ thù trở nên thân, người ghét trở nên bạn, thế thì Xuân mới vĩnh viễn trường tồn trong lòng người Thiên ân sứ mạng, phàm nhân trở nên Thánh nhân trên con đường tự độ.

Xem mình là mọi người, mọi người là mình mới đạt thành kết quả trên đường hành đạo."

Công thức (I) này giúp chúng ta phá bỏ những hàng rào ngăn cách để cùng mọi người anh, em trở thành nhứt thể.

b. Vô ngã = thương yêu mà không có đối lập, trách nhiệm mà không có hậu ý :

Công thức II mang tính chất hành động trong cụ thể đời sống xã hội. Trong quan hệ xã hội :

- một là về mặt chủ thể, người môn đệ của Đức Chí Tôn chỉ được quyền thương yêu mọi chủ thể khác, vì đó là anh em. Anh em ghét nhau thì không thể trở về với cha mẹ. Đức Chí Tôn dạy : " con không thương được kẻ ghét mình thì không gần Thầy".

- hai là chúng ta làm việc cho anh em không tính toán mà với trách nhiệm cao.

Đức Giáo Tông dạy :

" Người tu phải hòa vào mọi cảnh, mọi giới. Có thương yêu mà không có đối lập, có trách nhiệm mà không có hậu ý, dễ thương dễ mến hơn người thì mới độ được người, bằng chẳng được vậy thì không nên được việc gì mà càng thêm mệt mõi".

Một đạo hữu đã nói đến chữ "KHỎE" :

-Khỏe vì lúc nào mình cũng vui .

- Khỏe vì không ai là người thù, nên lúc nào cũng ăn no, ngủ yên.

- Khỏe vì làm việc mà không cầu, không chờ, không muốn có bù đắp, nên lúc nào cũng thanh thản.

Đức Giáo Tông dạy :

" Những người đã giác ngộ thì phải chấp nhận đạo lý thuần chơn để xây dựng cho cuộc đời mà không ranh giới lãnh vực nhân - ngã, làm được như vậy Phật Tiên Thánh Thần cũng không khác".

Công thức (II) vô ngã là phương châm để hòa quang hỗn tục, hòa đời hợp đạo.

c. Vô ngã = vô tư = vong ngã.

Muốn vô tư chúng ta phải học theo trời, đất ,nhựt nguyệt:

" Trời không che riêng

" Đất không chở riêng

" Nhựt, nguyệt không chiếu riêng.

Người vô tư là người học được cái tâm của Trời Đất. Đức Giáo Tông dạy :

" Chư đệ muội hãy lấy tâm thiên địa để mà tu, và hòa mình cùng vạn vật để mà sống".

Có thiên địa tâm thì mới vong ngã, có vong ngã mới vị tha, có vị tha mới tận độ. Như vậy chúng ta có thể phát biểu : điều kiện cần và đủ để tận độ là vô ngã. Có thế mới hoàn thành được sứ mạng mà Đức Chí Tôn giao phó.

Đức Giáo Tông dạy :

" Bảo chư hiền trãi lòng bác ái thiên địa chi tâm, học đạo thời trung mà hành đạo, cho guồng máy Đạo được luân lưu trên dòng đời sâu cạn, thực hiện sứ mạng độ kỷ độ nhân thì chư hiền phải phá chấp, vượt ngoài nhân ngã; có như vậy mới không bị quần ma biến tâm thiên địa thành tâm phàm tục biệt phân, đóng khung vào chỗ chật hẹp ích kỷ, tự cột chân bó gối giải đãi biếng lười, không làm lợi ích gì cho ai, mà chính mình cũng đắc tội cùng Trời đất".

Đức Giáo Tông ban cho chúng ta tâm tương tửu để sáng lòng thấy tánh thực hiện mục đích, tôn chỉ, lập trường của Đại Đạo.

"Tâm tương tửu dễ nhường Tiên tửu,
Biết say men chí bửu Thiên ân;
Giúp cho tánh đạo sạch lần,
Diệt trừ tư hữu ngã nhân pháp quyền".


Cùng với sự ban ơn của Đức Giáo Tông, chúng ta phải phấn chấn tu học, công phu siêng cần để sớm đạt vô ngã hầu "cùng Trời đồng nhứt, cùng Đạo ứng thông". Ai đã thọ pháp và ai chưa thọ pháp xin nghe lời dạy của Đức Giáo Tông :

"Huyền môn ai hỡi có cùng không,
Vượt đến tìm ra đấng chủ ông;
Phá chấp trừ mê lìa vọng ngã,
Nhích chơn liền đến cõi cùng thông".


Công thức (III) vô ngã vừa giải quyết được đạo sự ở thế gian, vừa giúp chúng ta siêu xuất thế gian huyền đồng cùng Trời, đất, nhựt nguyệt.

KẾT LUẬN :

Đức Chí Tôn Khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chọn dân tộc Việt Nam để ban trao sứ mạng "Đại Đạo Hoằng khai" để "Phổ độ chúng sinh" xây dựng "Thiên hạ thái bình" tiến đến hai mục đích : Thế Đạo Đại Đồng và Thiên Đạo Giải Thoát, thực hành tôn chỉ "Tam Giáo Qui Nguyên, Ngũ Chi Phục Nhứt" đó là đường lối chân phước cho cá nhân, gia đình, quốc gia, nhân loại.

Mỗi người và mọi người tuân hành lời dạy của Đức Bồ Tát " hãy tu đi, tu cho thiệt, nghĩ cho thiệt, nói cho thiệt, hành cho thiệt, rồi sẽ đắc vị chắc thiệt".

Mọi người sẽ hưởng cảnh Bồng Lai tại thế và siêu thoát ở mai sau.
Huệ Ý

Các con tuân lịnh của Thầy ban,
Độ thế qua cơn thế khổ nàn,
Đem tiết xuân gieo cùng khắp chốn,
Để đời tận hưởng thú vinh quang.

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây