Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Từ thuở khởi nguyên của đạo tức tôn giáo Cao Đài chúng ra, khi Đức Chí Tôn vừa thâu nhận ...
-
Người đạo Cao Đài phải có ý thức sứ mạng thật sáng tỏ. Theo đuổi mục đích “Thế đạo đại ...
-
Tín ngưỡng và tôn giáo là những đề tài phong phú xưa nay đã thu hút rất nhiều học giả, ...
-
Victor L. Oliver cho rằng đạo Cao Đài chịu ảnh hưởng của ba nền văn hóa: văn hóa Trung Quốc; ...
-
Nhân lễ Kỷ niệm Khánh đản Đức Thái Thượng Đạo Tổ vào ngày Rằm tháng 2 năm Đinh Dậu, một ...
-
Text Box: NGHIÊN CỨU GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO BẰNG PHƯƠNG PHÁP XẾP LOẠI HỆ THỐNGQua tham khảo các đề tài ...
-
ĐẤNG CHÍ TÔN luôn luôn ngự trong tâm thanh tịnh của chư đệ muội. Phật thánh tiên luôn luôn hộ trì, ...
-
Hội Ngộ Liên Tôn chúa nhật 27/10/2013,với chủ đề “Hiệp Tâm vun đắp An Hoà”; tại Trung Tâm Mục Vụ ...
-
Để có thể nói được một cách đầy đủ và có hệ thống về mối tương quan giữa văn hóa ...
-
Tín ngưỡng Việt Nam còn gọi là tín ngưỡng truyền thống hay tín ngưỡng dân gian, là tín ngưỡng của ...
-
Cầm thú phải phục tùng bản năng, chúng không có chọn lựa nào khác. Còn con người? Con người phải ...
-
THANH NIÊN và THIÊN CƠ GIÁO ĐẠO Ngày kỷ niệm Khai Tịch Đạo năm Mậu Tuất 1958, Đức Lý Giáo Tông ...
Thiện Chí
Cơ đạo Kỳ Ba
"Thầy sắp cuộc dinh hoàn tái tạo,
Dụng huyền linh Đại Đạo vận hành."
Hai chữ "dinh hoàn" ám chỉ cuộc tuần hoàn của vũ trụ theo luật doanh hư tiêu trưởng : quá trình phát triển của vạn sự vạn vật không cố định ở một mức độ mà theo chu kỳ như thủy triều đầy vơi, như trăng khuyết lại tròn, như đời người hết bỉ đến thái.
Vậy mở ra Tam Kỳ Phổ Độ Thầy dạy là sắp cuộc "dinh hoàn" tức là đặt mục tiêu phục phát trở lại, làm tăng trưởng lại những gì đã tiêu giảm đến cùng cực từ giai đoạn trước. Nên gọi là "tái tạo". Đó là khởi đầu xây dựng lại kỷ nguyên Thánh Đức và cuối chu kỳ tiến hóa của loài người.
Muốn thế, Thầy vận hành Đại Đạo theo Thiên cơ để đối ứng với cuộc diện nhơn sanh thời mạt kiếp, nên gọi là "Cơ đạo Kỳ Ba".
- Cơ đạo sẽ dung hòa, hiệp nhứt những di sản tinh thần nhơn loại do chấp ngã còn biệt phân kỳ thi.
- Cơ đạo sẽ phục hồi nhân vị, do dục vọng tham tàn khiến loài người chối bỏ, vong thân.
- Cơ đạo sẽ đặt để quyền pháp làm những trung tâm phát khởi động năng vận hành.
Trước khi tìm hiểu sự vận hành cơ đạo đó, chúng ta hãy nhận định thời kỳ Hạ Ngươn của cơ đạo.
I. NHẬN ĐỊNH THỜI KỲ HẠ NGƯƠN :
1.Hạ ngươn và Tam Kỳ Phổ Độ:
- Theo sử quan Cao Đài, lịch sử loài người trải qua ba ngươn, lập thành một chu kỳ : Thượng ngươn, Trung ngươn, Hạ ngươn (hay đời mạt kiếp)
· Thượng ngươn có Nhứt kỳ phổ độ cách đây hơn 4.000 năm.
· Trung ngươn có Nhị kỳ phổ độ cách đây hơn 2.000 năm.
· Hạ ngươn có Tam Kỳ Phổ Độ là thời hiện đại, có những đặc điểm như sau :
- Văn minh vật chất phát triển cực kỳ mạnh mẽ.
- Nền đạo đức sa sút, bạo lực, tội ác gia tăng.(Con người đánh mất nhân bản.)
- Thế giới, dân tộc chia rẻ, thù nghịch trầm trọng.
Một số tôn giáo thất chơn truyền, sa vào cuồng tín, cực đoan, gây ra kỳ thị, đấu tranh, đẩy nhân sanh tín đồ rời xa chánh pháp.
Nên trong Kinh Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Chí Tôn có phê phán thời kỳ đen tối này như sau : " Sự tranh đấu ngày càng ráo riết, dữ tợn, gớm ghê. Nhơn loại chê sức mạnh (thời Trung ngươn = đời Thượng lực) mà dùng não cân nên mới bày ra chước quỉ mưu tà, kế sâu bẫy độc thiệt là khốc liệt".
Bởi thế, do lòng từ bi muốn cứu độ chúng sanh, Đức Chí Tôn mới khai Tam Kỳ Phổ Độ. Thầy dạy :
" Đời cùng cuối Phật Tiên giáng hạ, đem đạo mầu phổ hóa khắp Đông Tây.
Cuối Hạ ngươn, máy tạo vần xoay, nạn tiêu diệt, sự họa tai không tránh khỏI" (ĐTCG)
2. Tam Kỳ Phổ Độ theo Dịch lý :
Nếu Cơ Trời vận chuyển theo luật tuần hoàn thì việc tìm hiểu các thời kỳ biến chuyển nối tiếp nhau không gì bằng dựa vào vòng Dịch để luận giải theo Dịch lý.
Trên vòng Dịch, nếu ta chọn thời điểm khởi đầu lịch sử loài người (loài người sơ khai) là quẻ Cấu thì cuối nữa vòng Dịch của 32 quẻ âm, tượng trưng quá trình phát triển từ sơ khai đến cùng cực của loài người, kết thúc bằng Quẻ Bác, Quẻ Khôn để chuyển hướng sang thời kỳ mới bằng Quẻ Phục.
2.1 Quẻ Thiên Phong Cấu (mở đầu lịch sử loài người). Soán truyện Quẻ Cấu viết :" Thiên Địa tương ngộ, phẩm vật hàm chương. Cương ngộ trung chính, thiên hạ đại hành".Nghĩa là : Khí âm dương của đất trời đã hội ngộ với nhau. Vạn vật nhờ đó mà sinh trưởng (Hàm : hết thảy; Chương : rực rỡ) Con người ở đúng cương vị của mình rồi (trung, chính) thì khởi sự cuộc hành trình.
2.2 Quẻ Sơn Địa Bác. (bước vào Hạ ngươn) Soán truyện quẻ Bác viết " Tiểu nhân trường dã, thuận nhi chỉ chi, quan tượng dã. Quân tử thượng tiêu tức doanh hư; Thiên hành dã".
Nghĩa là Bác là thời kỳ tiểu nhân thắng thế; người quân tử biết thuận theo thời thì nên dừng lại, mà xem tình thế. Và phải nhớ rằng cuộc doanh tư tiêu tức, hết đầy rồi vơi là lẽ trời xưa nay.
Học giả Nguyễn Văn Thọ bình quẻ Bác :
- "Xét về trào lưu lịch sử, thì Bác là lúc mà vật đạo thịnh, thiên đạo suy; bao nhiêu cái hay cái đẹp chạy ra ngoài bì phu, dồn cả vào vật chất.
" Đó là thời kỳ mà nhân loại chạy theo dục vọng, tiền tài, bỏ cái gốc là đức hạnh, mà chạy theo cái ngọn là danh lợi.
Xét về phương diện vật chất, thì đó là thời kỳ vàng son nhất, nhưng xét về phương diện tinh thần thì đó lại là thời kỳ sa đọa nhất. Đó là thời kỳ :
" Hình thời còn, bụng chết đòi nao"
"Đó cũng là thời kỳ mà tiểu nhân thời giống trống phất cờ còn quân tử thời lao đao lận đận, chạy được miếng ăn cũng khó, giữ được thân là may" (Chu Dịch Giảng Bình, Q.3)
2.3. Quẻ Bát Thuần Khôn (cuối hạ ngươn, ứng với lúc mở đầu Tam Kỳ Phổ Độ)
- Về mặt lịch sử xã hội, quẻ Khôn thuần Am, được xem như báo hiệu một thời đại mà vật chất hoàn toàn làm chủ, đa số làm chủ, phân ly gián cách làm chủ. Khi ấy nhân loại sẽ sống một thời kỳ nhiễu nhương máu lửa ngập trời – Hào thượng lục viết : "Long chiến du dã, kỳ huyết huyền hoàng" ám chỉ những cuộc chiến tranh máu lửa ngập đồng của thời mạt kiếp.
2.4. Quẻ Địa Lôi Phục (ứng với thời con người phản tỉnh, tỉnh ngộ, tôn giáo phục hưng Chánh đạo)
Thoán truyện viết : " Phản phục kỳ đạo, thất nhật lai phục, thiên hành dã" và : ….cương trưởng dã, phục kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ?"
Cơ Trời không phải đến Khôn là dứt, vạn vật tiêu vong, mà "vật cực tất phản", mầm sống hay cứu tinh lại le lói dưới chân trời, đó là lẽ đạo. Đạo lý bắt đầu có ưu thế (cương trưởng), lòng người lại tìm thấy thiên tâm.
Học giả Nguyễn Văn Thọ bình luận như sau :
" Thời kỳ phục trong tương lai tức là thời kỳ mà lịch sử nhân loại chuyển hướng, bỏ những thông lệ đấu tranh để quay về những chủ trương nhân ái.
"Lúc đó, con người sẽ quay về thám sát các tầng sâu của lòng người, và sẽ thấy hé mở một vũ trụ bao la vô cùng tận, sẽ nhận ra rằng dưới lớp nhân tâm phù phiếm hạn hẹp, còn có lớp " thiên địa chi tâm" thẳm sâu và không giới tuyến….. "phục kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ"
"Các tôn giáo khi ấy cũng trở nên sâu sắc hơn, khoa học hơn, và sẽ chuộng những phương pháp tu luyện nội tâm hơn là nắm giữ những hình thức bên ngoài…… "Phục sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới " (Chu Dịch giảng bình, Q.3)
3. Đại Đạo khai minh, Đức Chí Tôn mở ra Tam Kỳ Phổ Độ :
Đúng với qui luật của vũ trụ, lịch sử nhân loại đã biến dịch đến "BÁC", hướng ngoại hoàn toàn, chìm đắm trong "KHÔN", thao thức từng giờ, huyết chiến khắp nơi thì :nhân tâm phải chuyển hướng, cơ Trời phản PHỤC.
Vì thế mà Đức Cao Đài khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để phục hưng chơn truyền hầu đủ sức lập đời thánh đức. Kinh Đại Thừa Chơn Giáo viết :
" Đạo phục hưng là vì lòng bác ái, từ bi của Cao Thượng Chí Tôn, thấy cuộc tuần hoàn hầu mãn, cơ dĩ định cận kề, không lẽ để đám con phải chung chịu trong cuộc tang điền thương hải, mà bị chôn lấp cả xác hồn, nên mới giáng thế phục hưng chơn truyền để chỉnh đốn đời u lệ trở lại đời Thuấn Nghiêu" (ĐTCG, 1955, tr.89)
Nhưng cơ "phản phục kỳ đạo" này không chỉ tác động ở một nước Việt Nam, mà toàn thế giới nhân loại đều chuyển mình dưới ân điển của Đức Thượng Đế. Thầy dạy :
"Về đạo pháp các con cũng biết, Thầy đến lần ba này làm cho nhân loại khắp trên mặt địa cầu được sống lại ơn cứu độ lan chảy khắp năm châu. Trước đây (năm sáu mươi năm) các con cũng thấy các tôn giáo như ngủ mê mà từ ngày được đạo Thầy hoằng khai thì các tôn giáo lần lượt chấn hưng. Sự sống đó chẳng những đến cho các con mà đến khắp hoàn cầu, nên phong trào đạo đức đâu đâu cũng sống dậy" (BNTĐ, 13.5.Giáp Dần, 2.7.74)
II. Vận hành cơ đạo ( ĐĐTKPĐ):
Lập Tam Kỳ Phổ Độ, dĩ nhiên là Đức Chí Tôn mở ra một đại cuộc cứu độ toàn nhân loại. Ngài là Đấng toàn tri toàn năng, đại từ, đại bi; nhưng Ngài vận hành cơ đạo theo thiên lý, thiên cơ, thiên điều với đức hiếu sinh của Ngài, chứ không phải làm một phép lạ đổi thay cuộc đời trong phút chốc. Đó là cuộc vận hành cơ đạo.
Cơ đạo Kỳ Ba có thể nhấn mạnh ba trọng điểm sau đây :
1.Thâu liễm tinh hoa nhân loại, tổng hợp văn hóa đạo đức Đông Tây.
2.Xây dựng lại con người chánh danh chánh vị để nhân loại qui nguyên.
3.Thiết lập quyền pháp, tạo thế Thiên Nhân Hiệp Nhất.
1.Thâu liễm tinh hoa nhân loại, tổng hợp văn hóa đạo đức Đông Tây.
Theo đúng thiên cơ, đến cuối Hạ Ngươn, Thầy lập đời Thượng ngươn Thánh đức, đó là cuộc tái tạo nhưng không phải xóa bỏ hủy diệt mọi giá trị tiến hóa của nhân loại. Tam Kỳ Phổ Độ vẫn góp nhặt kết tinh những gì là hoa trái xinh tươi ngon ngọt của khu vườn trí tuệ loài người. Thầy dạy :
" Thầy sắp cuộc dinh hoàn tái tạo,
Dụng huyền linh Đại Đạo vận hành;
Quyền Thầy hiệp cả vạn sanh,
Đông Tây Kim cổ lập thành tương lai"
Đông Tây Kim Cổ bao hàm mọi tinh hoa khoa học, triết học, văn hóa, đạo học, giáo lý dù xưa hay nay dù thuộc khuynh hướng Đông Phương hay Tây Phương sẽ được dung hòa, tổng hợp để hiệp nhứt tư tưởng nhân sanh một cách toàn diện và toàn hảo.
Xin mượn một biểu tượng thể hiện chủ trương này : Bức họa Tam Thánh Bạch Vân Động tại tiền sãnh đền Thánh Tòa Thánh Tây Ninh :
- Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (Văn hào Victor Hugo) tiêu biểu cho tư tưởng Tây Phương.
- Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) tiêu biểu cho tư tưởng Á Đông.
- Đức Tôn Trung Sơn (nhà lãnh đạo Cách mạng dân chủ Trung Hoa ) tiêu biểu cho quyền dân chủ với thuyết Tam dân chỉ nghĩa : Dân tộc – Dân quyền – Dân sinh.
Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn cầm bút lông ngỗng viết lên tấm bia đá các chữ : Dieu et Humanité ( Thượng Đế và Nhân loại)
Amour et Justice (Tình thương và Công bình)
Đức Thanh Sơn Đạo sĩ cầm bút viết các chữ Nho :
Thiên Thượng – Thiên Hạ
Bác Ái – Công Bình
Đức Tôn Trung Sơn cầm nghiên mực sáng chói hào quang tượng trưng cho sự hòa hợp Đông Tây.
Bức tranh trên đây được gọi là tranh "Tam Thánh ký Hòa ước" được giải thích là Đệ Tam Hòa ước giữa Thượng Đế và Nhân loại nhằm thực hiện tôn chỉ Bác Ai – Công Bình cho nhân sanh thời Tam Kỳ Phổ Độ này.
2. Phục hồi, xây dựng lại Con người chính danh, chính vị hay chủ thể Hoàng Cực để nhân loại qui nguyên.
Cơ đạo vận hành là để cứu độ con người, nhưng bí quyết của cuộc cứu độ lại là chính con người phải đảm đương cơ đạo. Đó không phải là nghịch lý, nhưng Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng đều chỉ rõ nguyên nhân tội lỗi và đau khổ cùng bao nhiêu thảm trạng của thời mạt kiếp hạ ngươn là do con người đánh mất chính mình.
Vậy một trong những điểm trọng yếu của cơ đạo Kỳ ba là xây dựng lại con người chính danh, chính vị.
Con người chính danh chính vị là một tiểu thiên địa hội đủ các phẩm chất tiến hóa về cơ thể lẫn tinh thần, xứng đáng đứng trên muôn thú thật xa và tương quan, tương ứng với Trời thật gần.
Đó là con người có bổn tánh là ánh sáng Bản Thể Trời. Có bản thân là cấu thể âm dương ngũ hành điều hòa quân bình linh hoạt. Có năng lực thực hiện sứ mạng vi nhân. Sách Trung Dung gọi đó là người chí thành.
Sách Trung Dung viết : " Duy thiên hạ chí thành……năng tận vật chi tánh, tắc khả dĩ tán thiên địa, chi hóa dục, khả dĩ tán thiên địa chi hóa đạt tắc khả dị dữ Thiên Địa tham hỉ". Con người chí thành là người cố gắng giữ đúng danh nghĩa, cương vị của mình mới phát huy hết cái tánh của mọi vật, tức có thể giúp cho sự hóa dục của Trời đất, tức có thể cùng với Trời đất đồng hàng vậy.
Các Đấng lại nói : "chí thành là chỉ bản thể của con người, còn gọi chí thánh là chỉ công dụng của con người".
Vậy xây dựng con người chính danh cũng là xây dựng con người sứ mạng.
Trời đất người cùng chung nguyên lý,
Gồm âm dương tú khí ngũ hành
Bản lai chơn tánh trọn lành,
Đóng vai phụ tướng tài thành hóa công
(Đạo Học Chỉ Nam)
Chỗ chính vị của con người, đạo học gọi là ngôi Trung Hòa giữa Thiên địa vạn vật, mà thế pháp Di Lạc hạ ngươn sửa loạn thành trị, đổi cùng thành thông, chuyển bỉ thành thới đòi hỏi con người phải đứng ở ngôi Trung Hòa hay ngôi Hoàng Cực mới thực hiện được thế pháp ấy. Nói cách khác, chính mỗi con người phải tìm thấy một Di Lạc Chủ Nhơn Hoàng Cực nơi Chơn Tâm mới được nhận lãnh sứ mạng cơ đạo Kỳ Ba.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy : " Từ bi, bác ái, công bình, chính trực, đại đồng năm căn bản này sẽ thể hiện Di Lạc Thiên Tôn. Nhân nghĩa lễ trí tín đó là ngôi Hoàng Cực….
"Phải nhìn vào chính bản thân của chư đạo hữu, không thiên tả, không thiên hữu, diệt trừ tam độc, thực hành năm căn bản đã nói trên, được vậy sẽ đứng vững trong thế Pháp Di Lặc, cùng dự hội Long Hoa" (TGST, 70-71, tr.56-57)
3. Thiết lập Quyền pháp đạo :
Song song với cuộc dung hòa tổng hợp tinh hoa cổ kim nhân loại, đạo lý Đông Tây, Cơ Đạo Kỳ Ba thiết lập quyền pháp để đặt để những trung tâm hoằng dương Đại Đạo. Thầy đã nêu rõ :
" Trước xây đắp Cao Đài Thánh đức,
Dụng Nam Bang làm mức phóng khai;
Dân Nam sứ mạng Cao Đài,
Năm châu, bốn bể hòa hài từ đây"
Do đó : Cao Đài giáo Việt Nam là một trung tâm quyền pháp, dân tộc Việt Nam là trung tâm sứ mạng quyền pháp; đất nước Việt Nam là một trung điểm quyền pháp.
Mà quyền pháp là gì ? – Là hạt nhân, là khởi động lực, là quyền năng chuyển hóa, là Đạo theo nghĩa phổ quát nhất.
Đối với các tôn giáo, bằng tôn chỉ Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhứt, cơ đạo sẽ tiến tới việc thiết lập quyền pháp cho các thực thể Đạo cứu thế Kỳ Ba là những cộng đồng cứu độ . Các thực thể này sẽ chuyển đưa thiên lý vào vạn giáo vào vạn quốc để lập thành đại cuộc Tam Kỳ Phổ Độ.
Đối với mỗi người môn đệ Đức Chí Tôn, Quyền pháp sẽ được trao cho những ai ý thức được sứ mạng, dám hy sinh để xây đời Thánh đức, vì Thầy đã Khai Minh Đại Đạo :
" Mở cửa Nam Thiên độ khách trần,
Kỳ ba ân xá thoát mê tân;
Xây đời Thánh đức người an lạc,
Trải lắm công phu mới vẹn phần.
***
Thiên đạo trường lưu khắp vạn loài,
Chuyển cơ tiến hóa nhiệm mầu thay;
Đại thừa sứ mạng hành thiên đạo,
Nào quản hè đông nẽo dặm dài.
(Đông Lâm Tiên Trưởng, CQPTGL 15.10. Đinh Tỵ 25.11.77)
III. KẾT LUẬN :
Tiền đồ kỷ nguyên Thánh Đức Cơ Đạo Kỳ Ba được vận hành qua 3 trọng điểm nêu trên, hợp thành 3 động năng để chuyển đưa nhân loại trở về kỷ nguyên Thánh đức (Thượng ngươn), hầu hoàn thành chu trình tiến hóa của các Tiểu linh quang hạ thế đã trãi suốt Tam Ngươn.
Tiền đồ của kỷ nguyên mới có thể phát họa dựa trên hệ quả vận hành 3 động năng đó như sau :
CƠ ĐẠO KỲ BA KỶ NGUYÊN THÁNH ĐỨC
DUNG HÒA TỔNG HỢP
TINH HOA NHÂN LOẠI THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG
XÂY DỰNG CON NGƯỜI CHÍNH DANH NHÂN LOẠI TIẾN HÓA
THIẾT LẬP QUYỀN PHÁP THIÊN NHƠN HIỆP NHứT
Sau cùng xin nhắc lại lời kêu gọi tha thiết của Đức Giáo Tông :
Hỡi sứ mạng Thiên ân hướng đạo
Hỡi bạn trần hoài bão cơ thiên;
Dọn đường mở lối về nguyên,
Đem mình làm ngọn đuốc thiêng cho đời.