THƯỢNG ĐỨC VÔ TRANH Trung Hưng Bửu Tòa ngày 27 - 02 Canh Tý (Thứ Năm, ngày 24-3-1960)
LIỄU giải (1) cho đời nhẹ tội khiên(2
TÂM người Bồ Tát(3) rộng vô biên
CHƠN như bất động,(4) chơn như chủ(5)
NHƠN dục(6) bao giờ có thắng Thiên(7).
Chào các đệ. Bản Thánh lấy làm xót thương cho toàn thể đạo tâm đương(8) đứng trong một cảnh tình quá ư gay go. Phần nhiều chưa biết xử làm sao cho êm thuận được lòng mình. Vì lòng mình khi ngộ(9) cảnh khó, quá xúc động mà biến sinh muôn nghìn lý sự, rồi cũng chưa biết phải theo một lẽ nào là đúng.
Bây giờ, ai gặp cảnh ngộ(10) này cũng hóa nên ở lòng mình muôn mối âu lo, không giờ yên ổn. Khi lòng đã xa lẽ thật thì muôn hình bóng bên ngoài lộ đủ màu sắc xinh tươi. Màu sắc ấy, ta nhận nó là sự thật nên còn đeo đuổi, còn mỏi mong thì hình bóng ấy còn dẫn dắt ta mỗi ngày mỗi xa, mỗi ngày không thấy đâu là đâu.
Giờ quay trở lại đã quá tịt mù,(11) và thấy lòng mình rạo rực băn khoăn, không giờ an tịnh, mà cùng bao nhiêu những người bạn chung quanh đều mang mỗi người một màu sắc không giống nhau, nên tình tương thân đã trở ra nguội lạnh. Sự nguội lạnh này nó đem lại cho người một mối thất vọng khô khan. Vì thiên ái,(13) chấp ngã ở mối dục vọng, cho đấy là màu sắc vang bóng của lẽ thật bên trong.
Bây giờ, tất cả ai cũng muốn trở về với thực tại để cầu lấy sự sống an lành. Sự thanh bình trong lòng mẹ của đứa bé vị hài,(14) ở chỗ tình thương bao la mà kín đáo, lẽ sống dồi dào không một chút cầu cạnh hơn thua.
Lẽ thật. Lẽ thật cao quý. Chúng ta ôi! Ai đã đi xa lẽ thật mới thấy mình mang đầy khát vọng đau khổ. Lẽ thật nào khác gì một quả trứng đã rứt khỏi lòng mẹ, lòng những từ lâu mang nặng, không giờ phút lãng quên tình thương ấp ủ. Quả trứng đã chào đời bằng một sự chờ đợi.
Hôm nay, quả trứng đã được ấp ủ, ấp ủ của lòng mẹ chắt chiu, nên lòng của quả trứng đã vữa.(15) Vữa để thành hình hay vữa đấy để ung? Hai lẽ đó, kết quả không phải ở quả trứng, mà ở sự cố gắng của người...
Bị vữa đó chưa phải là hư hỏng đổ nát, mà là sự tiến bộ quá độ(16) của nó. Giữa nó cần có hai sự đối nghịch để trở nên mâu thuẫn, mâu thuẫn dữ dội. Phải đảo lộn từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. Trong ngoài không còn phân hóa mà cả một sự hỗn độn. Bây giờ, trắng đỏ biến mất, còn lại những màu bầm thâm, có những đường gân, những mảnh lợn cợn của hai khối bị tan đổ.
Kết quả của nó cần đòi hỏi một thời gian. Thời gian bao lâu? Nửa bên quả trứng này phải có sự chăm sóc của người mẹ để cho hơi nóng bên ngoài tràn vào mà bên trong mới có thể tượng hình. Nếu mẹ ấy không lưu tình thì quả trứng kia dù có ra khỏi lòng mẹ thì cũng không thành hình [để] trở nên dòng giống ấy. Mẹ là ai?
Thầy đã luôn luôn bảo bọc. Bởi vậy, dù đã thế nào cũng đưa ta vào con đường chắc chắn. Có gì đáng lo? Có lo là ta không còn hơi nóng của mẹ. Hơi nóng đó là mối thông công diệu huyền, lằn điển lành chan trong muôn vật…
Mâu thuẫn làm cho vữa tình thân yêu, đập đổ lòng thuận hòa để cho đen trắng không phân. Nếu trong trường hợp này không giữ gìn mà quả trứng bị vỡ sớm thì không thấy hình thấy bóng của một hiện hữu(17) Nghĩa là giai đoạn cần phải có, có khảo thí, có phân biệt.
Bản Thánh muốn các em ở trường hợp nào cũng nên thính Thiên an mạng(18) là thái bình hơn cả.
Người biết lẽ Trời mầu nhiệm không nên đua chấp(19) một hình sắc nào bên ngoài mà nên quay về với thực tại. Thực tại ở lòng mình có đủ mầu nhiệm. Có được mầu nhiệm mới có thể nói nên lời nói không uổng, việc làm không mất, mới đương(20) được việc người, làm được việc Trời.
Nếu không trở về thực tại, là trở về với lòng mình, cứ đem lòng ra tranh biện hơn thua bên ngoài thì lòng đã ra ngoài, lòng không còn là thực tại.
Vậy ai sao, ai sao, mặc! Các em lo tu cho mình là mọi việc được thành, được ổn. Tu cho mình là tu cho vạn đại, (21) sự nghiệp vạn dân(22) ấm no. Nếu không được lòng như như(23) Tạo Hóa thì cứu mình cũng không xong, mong gì lo gánh việc cho thiên hạ.
Tình hình Hội Thánh ngày nay trông mong ở lòng chân tu thuần chất của các em, nào phải ở tài ở trí mà làm được. Lòng chân tu đứng trong cảnh biến nào cũng có thể dàn xếp được ổn thỏa. Vì đã không ổn thỏa là mối đâm ngờ đâm lo, hay thiên hay ái, rồi tranh hơn giành phải. Hơn hay phải đâu để cho đám tranh giành được nhận, mà người đạo đức đâu có tranh giành gây nên mâu thuẫn.
Vậy, việc sắp tới đây đã đành là thế. Mọi sự chỉ có thế, không sao cưỡng được một giờ của thời gian trôi ngược. Thời gian trôi mà ngày tháng cũng diễn lại những tuồng đau thương. Người ta ai cũng hy vọng ngày mai, muốn ngày qua, ngán ngao ngày hiện tại. Thì lòng người có thế. Việc đời xưa nay đâu khác.
Muốn cải tệ(24) cho đời, không để duy trì tình trạng vô quyền pháp lâu dài. Nhưng quyền pháp lại bị ẩn lút(25) đi là quyền pháp trở về với quyền pháp, để quyền pháp được mạnh mẽ trọn vẹn hơn, để rồi ra hay vào chỗ không quyền pháp. Không ấy trả về cho chỗ ấy.
Vì lẽ trên mà các em nên tu bồi đạo hạnh. Không đi đâu ở đâu, mà giữ nguyên vị mình, tùy thời xử đạo.(26) Các em không quyền cản ngăn một sức mạnh đi tới. Vì nếu [nó] tới [mà] không tránh một bên thì bị chận xẹp. Nhưng sức mạnh ấy khác nào các máy xe trẻ nhỏ chơi, vặn chạy hết dây thì đứng. Vì nào nó có chạy được, mà có người quay dây thiều cho nó chạy vậy.
Thời gian xây dựng còn dài
Ai người để sức ghé vai gánh gồng
Làm sao cho đẹp một lòng
Cho ra hướng đạo(27) tư phong(28) thuần hòa.
Pháp quyền(29) học lấy hạnh Cha(30)
Bao dung, che chở gần xa, trong ngoài
Đừng vì tự ái hẹp hòi
Lóng nghe sứ mạng tiếng còi(31) về đâu.
Giữa tình huynh đệ thâm sâu
Não phiền nào trách với nhau làm gì
Đường Trời dọn sẵn lo đi(32)
Phất cờ gióng trống trong khi rộn ràng.
Đừng cho đạo hữu hoang mang
Đừng cho tai tiếng, bàng quan(33) chê cười
Đừng cho lạm dụng quyền đời(34)
Đưa nhau ra khỏi xa khơi khổ phiền(35).
Ngày mai xây dựng pháp quyền
Ngày nay thời thế tạm yên tu hành
Hễ là thượng đức vô tranh(36)
Lo đường giáo hóa sớm thành cơ quan.(37)
(...) Các thông lệnh cần đòi hỏi để thực hiện, đừng cho chống Thánh ý mà phạm Hồng ân. Vậy nếu việc gì về Thiêng liêng thì phải cầu cho được Giáo Tông mới giải quyết xong mọi việc. Bước Đạo năm nay có phần khó khăn về bên trong và bên ngoài; làm thế nào cũng dung hòa cho được thì toàn Đạo mới tránh sự đau khổ chung. Bản Thánh chào.
HUỆ KHẢI chú thích & LÊ ANH MINH hiệu đính
(1) Liễu giải 了解 (thoroughly understanding): Lĩnh hội 領會, hiểu rõ.
(2) Tội khiên 罪愆: Tội (sins); khiên (faults) là lỗi lầm. Tội khiên như tội quá 罪過 là tội lỗi. Ngụ ý câu 1: Hiểu rõ đạo lý để tu hành hầu bớt tội lỗi. (Đức Chí Tôn dạy: Con biết tu, Thầy thu lại bớt / Tội đủ mười, Thầy sớt còn ba).
(3) Tâm người Bồ Tát rộng vô biên: Lòng người có tâm từ bi không giới hạn của Bồ Tát (Bodhisattva’s limitless mercy).
(4) Chơn như, chân như 真如 (tathāta, thusness, suchness, the ultimate nature): Chơn như đồng nghĩa với Như Lai tạng 如來藏 (Tathāgata nature), Như Lai 如來 (tathāgata), như như 如如, pháp thân 法身 (dharma body), Phật tánh 佛性 (Buddha nature), thực tướng 實相 (true form), Thượng Đế tánh 上帝性 (God nature), tự tánh 自性 (own nature)… Chơn như là cái tánh căn bản và phổ quát mà tất cả chúng sanh đều có sẵn (the fundamental universal nature possessed by all the living). chơn như bất động 真如不 動 (the suchness is motionless): Chơn như không bị bất cứ cái gì chi phối, tác động.
(5) Chơn như chủ 真如主 (the suchness has mastery): Chơn như làm chủ, là chủ nhơn ông (the master: ông chủ).
(6) Nhơn dục 人欲 (human desires): Lòng ham muốn của con người.
(7) Thiên lý 天理 (Heaven’s principle, God’s law): Lẽ Trời, luật Trời.
(8) Đương 當 (just at): Đang, đương lúc, đang khi, hiện thời.
(9) Ngộ 遇 (encountering): Gặp.
(10) Cảnh ngộ 景遇 (circumstances): Hoàn cảnh.
11) Tịt mù (very far): Tít mù, thật xa, rất xa.
(12) Tương thân 相親 (being deeply attached to each other): Gần gũi nhau, gắn bó với nhau.
(13) Thiên ái 偏愛 (being partial towards sth, preferring sth; preference): Yêu thích hơn, thiên vị 偏為.
(14) Vị hài 未骸 (not yet having a body): Chưa có hình hài, chưa thành hình thể. (15) Vữa: Không còn kết dính, bị phân rã ra và chảy nước.
(16) Quá độ 過渡 (transition): Sự chuyển tiếp từ hình thức hay hình thái này sang hình thức hay hình thái khác.
(17) Hiện hữu 現有 (sth currently existing, sth currently available): Cái đang có.
(18) Thính Thiên an mạng (mệnh) 聽聽安命 (accepting one’s situation as dictated by Heaven): Chấp nhận hoàn cảnh Trời đã an bài, đặt để. (Nghĩa đen: Nghe theo Trời mà an lòng với định mệnh, số mạng.)
(19) Đua chấp: ? (chưa rõ nghĩa).
(20) Đương 當 (undertaking): Gánh vác, nhận lãnh.
(21) Vạn đại 萬代 (eternally, forever): Muôn đời, mãi mãi.
(22) Vạn dân 萬民 (all the people): Muôn dân, tất cả mọi người.
(23) Như như 如如: Bất biến, bất nhiễm. Cũng gọi tắt là như, đồng nghĩa chân như 如眞.
(24) Tệ 弊 (detriment): Điều xấu xa, tệ hại. cải tệ 改弊 (correcting the detriment): Sửa chữa những gì xấu xa, tệ hại.
(25) Ẩn lút: Ẩn giấu hoàn toàn.
(26) Xử đạo: Hành xử việc đạo.
(27) Hướng đạo 向導 (those who lead their coreligionists): Người dẫn dắt đạo hữu.
(28) Tư phong: Phong tư 風姿 (manner and attitude), phong thái 風態, phong cách và thái độ. (Đảo ngữ phong tư thành tư phong để hiệp vận theo luật thơ lục bát.)
(29) Pháp quyền 漢 (dharma power): Quyền pháp.
(30) Cha (Father, God): Đức Đại Từ Phụ, Thượng Đế. Trong ba ngôi, Cha là ngôi một. Pháp quyền học lấy hạnh Cha: Thầy (Cha Trời) là Đại Từ Phụ; hạnh Cha là thương 15 yêu. Thầy dạy: Sự thương yêu là cơ thể của Thầy. (Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ; Thứ Tư 08-02-1967) Do đó, bậc hướng đạo khi thi hành quyền pháp hãy biết học theo hạnh thương yêu của Cha Trời; đừng lạm dụng quyền pháp theo nghĩa cai trị. Đức Giáo Tông Vô Vi dạy: Quyền pháp đạo không là điều cai trị. Quyền pháp đạo chính là sự thương yêu, giải thoát cai trị để tiến hóa. (thánh thất Nam Thành, 01-01 Kỷ Dậu; Chủ Nhật 16-02-1969). (31) Còi (sáo tử 哨子: whistle): Thuật ngữ đạo Chúa. Bậc hướng đạo là người chăn chiên, chăn cừu (mục tử 牧子: shepherd); tín đồ là đàn chiên (cao dương 羔羊: sheep). Ngoài gậy (trượng 杖: crook, staff), người chăn chiên còn có còi để gọi những con chó (sheepdogs) đi theo giúp họ canh giữ đàn cừu. Trong thánh giáo, còi là một ẩn dụ (metaphor), nghĩa là lời dạy bảo (instructions) của bề trên. Bậc hướng đạo lắng nghe tiếng còi từ Ơn Trên để thi hành sứ mạng (mission) của mình; tín đồ lắng nghe tiếng còi của bậc hướng đạo để tu hành. (Xem thêm: Huệ Khải, Sơ Khảo Thuật Ngữ Đạo Chúa Trong Đạo Cao Đài. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019.)
(32) Trời đã dọn sẵn con đường (là Đạo), mọi người cứ theo đó mà đi, lo lắng đi cho vững vàng, đúng hướng (tức là tu hành chơn chánh). Tại Sài Gòn (nhà tiền khai Cao Quỳnh Cư), ngày Thứ Tư 21-7-1926 (12-6 Bính Dần), Đức Chí Tôn dạy: Thầy khuyên các con theo sau Thầy mà đến phẩm vị mình thì hay hơn tuông bờ lướt bụi, đi quanh kiếm quất. Nghe à!
(33) Bàng quan 傍觀 (outsiders): Người ngoài tôn giáo Cao Đài, người đời, bá tánh.
(34) Lạm dụng quyền đời (abusing secular power): năm 1927, Tân Luật (Đạo Pháp, Chương VII, Điều Thứ Hai Mươi Tám) quy định: Về đường đời bổn đạo có xích mích nhau, cũng phải đến cho người làm đầu trong họ phân giải. Ngày 25-8-1938, Đức Lý Giáo Tông chú giải: Bổn đạo hoặc còn ở đường đời, ăn ở cùng nhau có điều chi xích mích phải đem đến cho người đầu họ phân giải; không xong sẽ còn chỗ khác, chẳng đặng đem ra tòa đời. Như vậy, nếu có tranh chấp mà người trong đạo không áp dụng quy định này, đem nhau ra tòa đời giải quyết thì mắc lỗi “lạm dụng quyền đời”. Họ khiến người đời chê cười rằng lẽ ra đạo làm gương, hướng dẫn cho đời mà trái lại, phải nhờ đời xử lý giùm đạo. Lâu nay, ở một vài thánh sở Cao Đài xảy ra lục đục, và họ nỡ đem ra chánh quyền kiện cáo, nhờ phân xử. Thường thì chánh quyền trả lại đơn kiện, khuyên rằng việc nội bộ thì nội bộ tự giải quyết, chánh quyền không can thiệp. Thấy vậy, thay vì thức tỉnh, biết xấu hổ mà sửa mình, có người lại đem hồ sơ, tài liệu đưa lên Internet (như Facebook chẳng hạn); rõ là thiếu ý thức, không biết rằng mình làm trái đạo lý, bôi lem danh Đạo danh Thầy.
(35) Xa khơi (the open sea, the sea far from land): Biển khơi. Đưa nhau ra khỏi xa khơi khổ phiền: Dắt dìu nhau thoát xa khỏi biển khổ, tức là giúp nhau giải thoát khỏi phiền não trần gian.
(36) Mượn các chữ in đậm tạm đặt nhan đề cho bài thánh giáo này. thượng đức vô tranh 上徳無爭 (the most virtuous person does not engage in competition): Bậc đạo đức cao tột không tranh giành, hơn thua với ai. Thanh Tĩnh Kinh, 清静經, chương 5, có câu: Thượng sĩ vô tranh, hạ sĩ hiếu tranh. 上士無爭, 下士好爭. (Bậc thượng sĩ không tranh, kẻ hạ sĩ ham tranh.) Thượng đức và thượng sĩ nghĩa như nhau. Điển tích 1: Truyền thuyết bảo ông tiên Phí Văn Vi thường cỡi hạc đến chơi trên một cái lầu ở phía tây 16 huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc. Lầu ấy vì thế được gọi tên là lầu Hoàng Hạc. Vũ Xương ngày nay thuộc Vũ Hán (địa danh kết hợp từ Vũ Xương, Hán Khẩu và Hán Dương). Thôi Hiệu 崔顥 (704-756) là danh sĩ đời Đường đến chơi lầu Hoàng Hạc, cảm tác bài thơ thất ngôn bát cú nhan đề Hoàng Hạc Lâu 黃鶴樓 (Lầu Hạc Vàng) nổi tiếng. Có lẽ bài thơ này được chép lại để treo tại lầu. Truyền thuyết bảo Lý Bạch 李白 (701-762) sau đó ghé chơi lầu Hạc Vàng, thấy cảnh đẹp cũng muốn làm thơ, nhưng rồi thôi, chỉ lưu lại hai câu: Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc / Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu. 眼前有景道不得 / 崔顥題詩在上頭. (Trước mắt có cảnh đẹp mà không tả được / Trên đầu đã có Thôi Hiệu đề thơ rồi.) Chẳng phải Lý Bạch bị “khớp” trước bài thơ của Thôi Hiệu nên không thể làm thơ. Thật ra, ngài không muốn tranh tài với nhà thơ cùng thời với ngài. Nếu có thêm bài thơ của Lý Bạch, thì bá tánh ắt lại rộn ràng nhiễu sự, lắm lời khen chê so sánh hai bậc thi tài. Điển tích 2: Thất Chân Nhân Quả 七真因果, Hồi Thứ 18, kể rằng Lưu Xứ Huyền tu luyện ở núi Thái Sơn ba năm, đắc thành chánh quả, xuất hồn lên thượng giới, dự yến Cung Diêu Trì. Ông Lưu thấy phía sau Tây Vương Mẫu có vài mươi tiên nữ cực kỳ xinh đẹp, bèn khởi vọng niệm; vì vậy, ông bị Tây Vương Mẫu quở, đuổi ngay xuống trần. Hồi Thứ 20 kể thêm rằng ông Lưu quyết lấy sắc trị sắc, nên giả làm khách phong lưu giàu có, lựa chỗ thanh lâu có gái đẹp hạng nhất ở Hàng Châu, mướn phòng ăn ở lâu ngày trong đó. Ông kiên trì luyện tâm, dù các cô cám dỗ thế nào cũng một lòng phẳng lặng. Một bữa, tổ sư Bồ Đề Đạt Ma vân du ngang qua, thấy nơi chốn ăn chơi trụy lạc lại bốc lên luồng hồng quang điển của bậc chân tu đắc đạo thì ngạc nhiên, bèn tìm tới, bước đại vô phòng ông Lưu, thấy các cô đang lột áo ông ra đùa giỡn mà ông vẫn thản nhiên. Bấy giờ cần pha trà, ông Lưu bảo các cô để bình nước lã lên bụng ông, rồi ông vận hỏa hầu, một lúc sau nước sôi sùng sục. Ông lại bảo các cô nhồi bột, để lên bụng ông, một chốc thì bánh được nướng chín nóng hổi. Thấy vậy, Bồ Đề Đạt Ma khen: “Cái phép của ông rất hay, tôi rồi đây cũng học ông chơi!” Nói xong, liền chắp tay từ biệt. Tác giả Thất Chân Nhân Quả bình luận: Đạt Ma vốn xem thế giới này là không, muôn việc đều không để tâm. Bình sinh chẳng muốn hơn người, ông có mười phần tu dưỡng, quảng đại từ bi. Nếu gặp người ham vui háo thắng, thấy Lưu Xứ Huyền trổ một hai phép như vậy, thì cũng trổ vài thuật tranh tài. (Lê Anh Minh dịch. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, 2013, tr. 173.) Bậc thượng đức (hay thượng sĩ) vô tranh là người không ham muốn so tài, nên cứ ung dung ngâm nga hai câu ca dao Việt Nam: Ai nhất thì tôi thứ nhì / Ai mà hơn nữa, tôi thì thứ ba. cơ quan 機關 (mechanism): Guồng máy, bộ máy, hệ thống tổ chức. Lo đường giáo hóa sớm thành cơ quan: Lo đào tạo để có đủ nhân lực ngõ hầu sớm kết hợp thành một guồng máy hoạt động suôn sẻ, hiệu quả.