Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Trí và Thức là hai lãnh vực mà có nhiều người học đạo chưa phân biệt được rõ ràng. Thực ...
-
Thiên Trung Dung trong Tiểu Đái Lễ Ký tương truyền là sáng tác của Tử Tư, cháu nội của Khổng ...
-
Quan niệm về Thận của Lãn Ông có thể nói được là hết sức độc đáo. Quan niệm này đã được ...
-
“Bởi quyền Đạo còn yếu nên thế quyền mới lấn được; dầu phải thế quyền cao rộng đến bao nhiêu ...
-
Phật giáo có một lịch sử trên hai ngàn năm, truyền bá đến rất nhiều nước trên thế giới. Ngoài ...
-
Question I am also interested in hearing more about ways in which Caodaism is becoming "globalized"----linked to communities in other countries ...
-
LIỄU giải (1) cho đời nhẹ tội khiên(2 TÂM người Bồ Tát(3) rộng vô biên CHƠN như bất động,(4) chơn như ...
-
Quán Tự Tại Bồ đề tát dã Lúc vào sâu Bác nhã Ba la, Không nhơn không pháp mới là Phát khai trí ...
-
Luật tôn giáo nhằm nâng cao con người lên khỏi thân phận phàm phu tục tử, để trở nên thần ...
-
Bài thuyết minh giáo lý của Giáo Sĩ Huệ Ý, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo. Tháng 3-2007 (Đinh ...
-
Ca dao Việt Nam có câu: “Tu đâu cho bằng tu nhà; Thờ cha kính mẹ mới là chơn tu.” Kinh Tứ ...
-
Nơi cõi thế gian này từ xưa cho đến nay danh xưng “QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT” đã ăn sâu ...
Thiện Chí
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009
Khai Đạo Cứu Độ Vạn Linh Là Một Hi Hữu
Trong một dịp lễ kỷ niệm ngày Khai Minh Đại Đạo, Hội Đồng Tiền Bối Tam Kỳ Phổ Độ đã giáng bút nêu lên nhận định sâu sắc về Cơ đạo Kỳ Ba như sau : "Đức Thượng Đế đến Khai Minh Đại Đạo đã là một hi hữu, mà vấn đề Hoát khai Đại Đạo để cứu độ vạn linh lại là một hi hữu khác". (CQPTGL,14.2.Giáp Dần - 1974)
Lời Thánh giáo nhằm nhấn mạnh tính chất đặc biệt, phi thường hiếm có của công cuộc "Hoát Khai Đại Đạo" để " cứu độ vạn linh".
Là tín đồ Đại Đạo hay hơn nữa, là người hướng đạo, chúng ta cần suy gẫm ý nghĩa của nhận định trên, nhứt là trong mùa Khai Minh Đại Đạo như hôm nay để đức tin càng thêm dũng mãnh và chí nguyện càng thêm vững bền.
I.NHỮNG ĐẶC ĐIỂM HI HỮU TRONG CUỘC HOÁT KHAI ĐẠI ĐẠO :
A.Xây dựng nền Đại Đạo :
Từ xưa khi các Giáo Tổ lập ra một tôn giáo, bao giờ cũng có những điểm đặc thù của tôn giáo đó :
-Một Giáo chủ xuất thân ở một đất nước nào đó.
-Nêu lên tôn chỉ mục đích của tôn giáo.
-Giáo thuyết.
-Giáo pháp.
Tùy theo hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh xã hội và văn hóa của nơi xuất phát. Tùy tư tưởng tư duy của Giáo chủ mà các điểm nêu trên hình thành một tôn giáo đặc thù.
Tuy điểm chung nhứt của các tôn giáo là hoàn thiện con người và giải thoát tâm linh, nhưng mỗi tôn giáo có công dụng ở những mức độ khác nhau trên mục đích đó để thích ứng với hoàn cảnh, với phong tục tập quán với căn trí chung của dân tộc nơi lập giáo.
Đương nhiên Đạo Cao Đài cũng có những điểm đặc thù và mục đích chung của tôn giáo như các tôn giáo khác.
Nhưng chính vì Đức Giáo Chủ muốn xây dựng nền Đại Đạo cho Tam Kỳ Phổ Độ nên phương cách lập thành cơ đạo là một hi hữu.
Trong Kinh Trung Thừa Chơn Giáo, Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ CAO ĐÀI GIÁO CHỦ đã nêu phương cách ấy như sau :
" Hôm nay Thầy chuyển lập Tam Kỳ Phổ Độ để chấn hưng chánh lý đồng nguyên, để xóa bỏ những cạnh khía ngã chấp sắc màu và dung hiệp phần tinh ba cổ kim Âu Á trên lập trường duy nhứt, nghĩa là xóa bỏ cái Dị mà đem lại cái ĐỒNG giữa các sắc giáo để làm phương cứu thế độ hồn cho đẳng chúng sanh thoát vòng mê tân khổ hải " (Trung Thừa Chơn Giáo, Hội Thánh Trung Ương Trung Việt Tam Quan, 1961 ấn tống, tr.17)
Ta thấy xưa nay chưa có tôn giáo nào lập ra với chủ đích "chấn hưng chánh lý đồng nguyên " và dám đề ra lý tưỡng "dung hiệp tinh ba cổ kim Au Á ". Cái tinh thần đồng nguyên, hiệp nhứt đó chính là tinh thần Đại Đạo. Lập ra một Tôn giáo với một tinh thần Đại Đạo là một hi hữu vậy.
Thánh ngôn tiếp theo của Đức Chí Tôn càng làm nổi bật điểm hi hữu này :
"Vậy, tôn chỉ lập giáo của Thầy mà là sứ mạng của mỗi con làm cho đường đạo đức được minh hiện rõ ràng trên phương diện thừa truyền thực thọ, để chỉnh đốn tất cả những gì gọi rằng lầm lạc tội lỗi của thế gian, để nêu cao bức tranh thần hội tổng hợp linh huyền cho giữa các tôn giáo nhìn lại cái huyển ngã của mình mà tầm về sự thật "
(Trung Thừa Chơn Giáo, sđd)
"Bức tranh thần hội tổng hợp linh huyền" chính là "chánh pháp siêu nhiên" là ánh sáng của Đại Đạo chiếu soi vào tất cả tôn giáo làm sáng tỏ chơn lý duy nhứt mà toàn thể nhân sanh đều ngưỡng vọng.
B.Truyền trao sứ mạng cho hàng hướng đạo thiên ân :
Từ tính chất hi hữu, ngàn năm một thuở của tôn chỉ Đại Đạo nêu trên, phát sinh yêu cầu phải có hàng hướng đạo đạt được tâm truyền thiên ý thiên cơ.
Đức Hưng Đạo Đại Vương đã nêu lên đặc ân và những đức tánh, những phẩm chất đặc biệt của người hướng đạo như sau :
" Hướng đạo là người thọ lãnh Thiên ân nơi Thượng Đế để khai hóa thống truyền Đại Đạo và điều độ chúng sanh trong việc xử thế tu thân. Bởi vậy hướng đạo là hiện thân của Thượng Đế nơi trần gian "
Đến đây ta thấy cái hi hữu thứ hai trong cơ lập giáo của Đức Chí Tôn là ban thiên ân cho người hướng đạo.
Người hướng đạo không phải chỉ là người giác ngộ đạo lý thông thường, mà phải có khả năng cải hóa nhân tâm. Công cuộc phổ độ kỳ ba của Đức Chí Tôn không phải đơn thuần là quảng bá giáo thuyết và phát triển hình thức tôn giáo. Nên những hàng môn đồ hướng đạo của Thầy phải là những người "thừa truyền thực thọ" chánh pháp Kỳ Ba. Tức phải có đủ điều kiện thọ nhận Thiên ân.
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có dạy :
"Những môn đệ đầu tiên đã quyết tâm lập thành cơ cứu cánh, chấp nhận vượt qua mọi chướng ngại gian lao mới được Chí Tôn ban trao sứ mạng quyền pháp trong Tam Kỳ Phổ Độ trên mảnh đất này ".
Ta thấy "Thiên ân " bao giờ cũng đi đôi với "sứ mạng ". Cho nên người có ý thức sứ mạng kỳ ba là người ý thức cứu cánh hi hữu của cơ đạo, là cứu cánh Khai Minh Đại Đạo cho mỗi con người trong toàn thể nhân sanh. Đạt đến ý thức đó và có quyết tâm cứu độ mới thọ nhận được thiên ân hướng đạo.
Khai Minh Đại Đạo để phổ độ, nhưng không phải nêu lên danh hiệu, dựng tượng khắp nơi, in nhiều kinh sách mà Đạo thành. Cũng không phải tiền khai hậu tấn, lần lượt suy tôn lý tưởng suông mà cải hóa được cuộc đời. Phải có một dòng thiên ân, phải có một luồng ánh sáng của Thượng Đế tại thế gian. Đó là sức triển dương của Đạo phát xuất từ hàng sứ mạng "thừa truyền thực thọ".
Thế nên muốn bước vào vận hội ngàn năm một thuở của thiên cơ, hành giả phải đạt được thiên lý, phải trở nên "con người Đại Đạo ". Đức Mẹ phán : "Các con phải khải nhập được Đạo ở chính mình rồi mới được sứ mạng thiên ân".
Xây dựng "con người Đại Đạo" cũng chính là một sách lược hi hữu chỉ có trong Tam Kỳ Phổ Độ, để thiết lập thế Thiên Nhơn Hiệp Nhứt có đủ quyền năng đem Đạo cứu đời, tận độ chúng sanh.
Một sứ mạng Thiêng liêng cao cả,
Trong tình thuơng Tạo Hóa hiếu sinh;
Trước tiên mình phải dặn mình,
Dặn mình rồi mới đăng trình thực thi.
* * *
Trên Thượng Đế huyền vi ban bố,
Dưới nhơn sanh muôn ngõ trông chờ;
Thật tâm mới được tri cơ,
Hễ tu thì đắc chớ ngờ ai ôi !
(Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Rằm.2)Đinh Tỵ)
II.NHỮNG ĐẶC ĐIỂM HI HỮU TRONG CUỘC CỨU ĐỘ VẠN LINH :
A.Đối với người tín hữu Cao Đài :
1.Là người tham dự cơ cứu độ Kỳ Ba :
Người tín hữu Cao Đài là người có đức tin nơi Đức Cao Đài Thượng Đế, Đấng Giáo Chủ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức là người đã tiếp nhận một phần ánh sáng Đại Đạo khai minh, tự nguyện bước vào cơ cứu độ Kỳ ba.
Người tín hữu Cao Đài, không phải là người tín đồ tôn giáo thông thường, với lòng sùng tín đơn thuần. Người tín hữu Cao Đài chính danh, đương nhiên trở nên một điện đài thâu phát ân sủng tận độ từ Đức Cao Đài.
Cho nên Đức Cao Đài Khai Đạo, mà toàn thể người Cao Đài hoằng Đạo. Đức Cao Đài đại ân xá, mà toàn thể tín hữu Cao Đài cứu rỗi. Sự hi hữu là :
Các con vốn trong vòng Thánh Thể,
Phép tu vi là kế tu hành;
Mở đường tích cực oai linh,
Cậy phương thuyết giáo vẽ thành kinh chơn.
(Kinh nhập hội)
Hoặc là :
Nhờ Chí Tôn dạy khôn lẽ Đạo,
Phật Thánh Tiên nhỏ máu nhiệt thành;
Vạn linh đã hiệp chí linh,
Hội xong cậy sức công bình Thiêng liêng. (Kinh Xuất Hội)
Và :
Cứ nương dưới máy linh cơ tạo,
Gươm huệ đưa trị xảo trừ tà;
Cửa địa ngục chóng lánh xa,
Mượn hình Thánh Thể cất nhà cõi Thiên .
(Kinh Xuất Hội)
Thế nên Đức Lão Tổ đã dạy : "Mỗi tín đồ là một Thiên ân" trong ý nghĩa đó. Và hơn nữa Đức Chí Tôn Cao Đài dạy : "Thầy là các con, các con là Thầy" để con cái Ngài nhận chân giá trị Bản thể Tiểu linh quang nơi mình hầu có đủ tự tin phản bổn hoàn nguyên, trở về Đại Linh Quang.
Sự hi hữu là Bản thể Tiểu Linh Quang nơi con người từ sơ khai đến hiện đại vẫn có, nhưng chỉ trong Tam Kỳ Phổ Độ, Tiểu linh quang được đặc ân thọ nhận Chơn thần của Thượng Đế mới hoàn nguyên được.
2.Là người tự xây dựng ngôi Cao Đài nội tại :
Chúng ta đã biết rằng, Khai Minh Đại Đạo là mở ra cơ cứu đo Kỳ ba của Đại Đạo, đồng thời Khai Minh Đại Đạo còn có nghĩa mỗi người soi sáng, phát huy cái Đạo tự hữu để tiến hóa.
Nhân cơ hội Tam Kỳ Phổ Độ Đại ân xá này người tín đồ có thể tiến hóa rất nhanh, nếu biết tự sử dụng hành trang trong nội thể của chính mình để đăng trình lên Thiên đạo bằng cẩm nang Chánh pháp.
Để xứng đáng một người tín hữu Cao Đài, phải biết tự xây đắp Cao Đài nội tại. Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn đã nhấn mạnh rằng đó là điều kiện đạt đạo đắc đạo của hành giả.
" Trên đường thế lộ, [các cháu] sáng suốt biết chọn con đường Đại Đạo noi theo, học tu Chánh pháp thì Lão khuyên [các cháu] phải quyết tâm xây đắp cho mình một tòa Cao Đài nội tại uy nghi trang trọng để ở hẳn vào đó, lấy đó làm ngôi vĩnh cửu trường tồn, sẽ vượt qua mọi dông bão nắng mưa.
....Vị chủ nhơn ông kiến trúc là THẦN, vật liệu là KHÍ THỂ, và TINH HOA ."
(CQPTGL,14.3 Mậu Ngọ)
B.Đối với nhân sanh :
1.Khai phóng và phát huy Nhân Bản :
Nếu đối với người tín đồ, sự khai minh Đạo tự thân và xây đắp Cao Đài nội tại là đặc điểm của pháp môn tự độ. Thì đối với nhân sanh, sự cứu độ cũng vận dụng cái sở đắc nguyên sơ của con người là Nhân bản.
Nhân bản là cái bản vị để con người phát huy nhân tính cộng với truyền thống đạo đức gia đình, dân tộc, tín ngưỡng. Tất cả hợp thành phẩm chất cao quí chung từ cộng đồng xã hội rộng ra đến toàn nhân loại.
Đức Lão Tổ dạy : " Giữ gìn nhân bản là quay về với tinh thần đạo đức và nhớ tưởng những hình bóng khuôn mẫu chung cho nhân loại " (CQPTGL, TGST 1971, tr.26)
Và Thầy từng dạy : " Thầy đến lập trong nước các con một nền chánh đạo đủ tư cách độ rỗi chúng sanh. Các con và cả dân tộc các con vì nơi Đạo mà đạt đến phẩm vị cao thượng. Các phẩm vị ấy do đâu mà có ? - Là bởi đạo đức của các con..." (Thánh ngôn Hiệp tuyển, Tây Ninh, Thánh giáo 17.1.1927)
Nhân vị, nhân tính, đạo đức ấy đã gắn liền với tâm hồn con người từ khi lọt lòng mẹ bởi đã thọ bẩm từ quá trình tiến hóa tâm linh và thừa kế huyết thống cha ông bao đời. Nên Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy : "Tấm lòng của nhân loại mới chính là nơi chân lý cứu rỗi phát sinh tạo thế an bình cho nhân loại".
2.Nêu cao lý tưởng đại đồng :
Khai phóng và phát huy Nhân bản nơi mỗi con người chính là mở ra đầu mối để triển khai lý tưởng Đại đồng nhân loại. Đại đồng là mục đích cứu độ toàn diện và toàn thể con người.
Giáo lý Đại Đạo đã soi tỏ nguyên nhân tội lỗi của cá nhân là đánh mất nhân bản và nguyên nhân chia rẽ đối thù giữa các cộng đồng dân tộc, chiến tranh giữa các quốc gia là tham vọng và kỳ thị.
Thế nên đạo lý cứu độ nhân sinh Tam Kỳ Phổ Độ là làm sống lại tình đồng loại và tinh thần hợp tác tương trợ đoàn kết xây dựng đời sống an lạc tiến bộ chung cho mọi dân tộc.
Giáo lý Đại Đạo rất dứt khoát khẳng định giá trị làm người của mỗi con người. Từ một Bản thể Đại linh quang sanh hóa, con người là những chủ thể tiến hóa cao nhứt giữa chúng sanh vạn loại ở trần gian. Con người phải biết tự trọng nhân vị và mặc nhiên thực hiện sứ mạng làm người, vừa trui rèn lột bỏ bản năng thú tính còn sót lại, vừa học hỏi thăng tiến, vừa phụng sự xã hội. Nhờ đó con người tiếp tục tiến hóa. Sự tiến hóa được đánh dấu từ vị kỷ đến vị tha, từ ganh ghét đến thương yêu, từ thụ hưởng đến phụng sự, từ lợi ích quốc gia đến lợi ích thế giới, từ dân tộc đến nhân loại.
Sở dĩ nhân loại chưa đạt đến đại đồng vì con người chưa làm tròn sứ mạng vi nhân. Mà sứ mạng vi nhân không phải là một quyền năng siêu nhiên. Tất cả năng lực để thi hành sứ mạng này đều đã được trang bị sẵn trong bản thể nội tâm. Nếu con người biết khai phóng nó và cùng nhau khai phóng năng lực ấy cho mọi người, mọi nơi, sẽ tạo nên một sức mạnh vô hình đồng cảm đồng ứng trên toàn thế gian, thế đại đồng đương nhiên bùng phát.
Bởi thế, tuy Tam Kỳ Phổ Độ là thời kỳ đại ân xá nhưng sự tận độ vẫn được đặt trên điều kiện tối thiểu mà ai ai cũng có thể đáp ứng được nếu thật sự muốn được cứu độ, là trở về nhân bản, sống đúng đạo làm người và hướng thượng.
Sự hi hữu là cơ tận độ chỉ đòi hỏi con người điều mà con người sẵn có, chỉ muốn con người làm những việc con người đủ khả năng làm. Đức Mẹ dạy :
"Đại Thừa pháp con ôi giản dị,
Do âm dương thần khí vận hành;
Trong cơ động tịnh khinh thanh,
Lắng lòng tư dục đạo lành hoằng dương"
(CQPTGL,14.8. Tân Dậu )
III.KẾT HỢP CÁC TÔN GIÁO THÀNH THỰC THỂ ĐẠO CỨU THẾ LÀ MỘT HI HỮU :
Khi Đức Chí Tôn khai Đạo lần này thì nhiều tôn giáo khác đã được sáng lập khắp toàn cầu. Trong lúc Cao Đài hoằng khai thì các tôn giáo vẫn rao truyền đây đó. Thế nhưng tính chất đặc biệt hi hữu được Đức Chí Tôn giao cho Cao Đài trong kế hoạch cứu độ vạn linh là sứ mạng quyền pháp.
Sứ mạng quyền pháp không phải nhận hay loại bỏ vai trò của các tôn giáo hiện diện từ trước, mà là làm tác năng thúc đẩy vạn giáo đồng tập trung vào cứu cánh phục hồi nhân bản, cải thiện con người. Hai trọng tâm để vạn giáo qui hướng và lập thành sức mạnh Đại Đạo là Thượng Đế và Con người tức là Nguyên bản và Nhân bản. Chủ thể sau là mục tiêu phổ quát đương đại, chủ thể trước là cứu cánh tiến hóa sau cùng.
Chính bởi cơ cứu thế như vậy nên ngay từ buổi sơ khai lập Đạo, khi tôn chỉ mục đích Đại Đạo được khai minh, Ngũ Chi đã phục nhứt : Minh Lý, Minh Sư, Minh Đường, Minh Thiện, Minh Tân hiệp thành cơ cấu ban sơ của Đạo.
Có thể nói đó là sự hình thành "Thực thể đạo cứu thế" đầu tiên.
Thầy đã dạy : " Giờ này Thầy không muốn cho cả thế gian ca ngợi Thầy, hoặc xưng tụng Thầy một cách ảo huyền, mà mong sao tất cả con cái của Thầy đã nhập vào trường Đạo đều lập trọn công tu, đầy lòng Từ Bi, Bác Ái, Công Bình. Không phân chi rẽ phái, không biệt dị giữa tôn giáo này tôn giáo khác, mà quan trọng hóa chánh lý đồng nguyên và khắc mình trong nhiệm vụ thế Thiên hành Đạo [....]" (Trung Thừa Chơn Giáo, sđd, tr.18)
Và : "Khi nay Thầy dạy các con lo xây dựng phần Tôn giáo để phản ảnh cái lãnh vực tinh thần đạo đức của năm lớp học là : Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo..[...] để cứu rỗi phần chơn hồn thì không còn thiên lệch cái danh từ tôn giáo và chi phái nữa, mà chỉ trực nhìn ở chỗ chí yếu là chánh pháp siêu nhiên...." (TTCG, Sđd, 19-20)
Vậy cái phương thức phản bổn hoàn nguyên của mỗi cá thể là xây dựng ngôi Cao Đài nội tại. Phương thức cứu độ nhân sanh là phục hồi Nhân bản, lập thế Đại đồng. Còn công năng thúc đẩy là do các tôn giáo kết thành "thực thể đạo cứu thế"
Kế hoạch cứu độ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã được Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo minh thị như sau :
"Đại Từ Phụ dựng Cao Đài nơi vùng Đông Nam Á này để làm Quyền pháp. Chính sứ mạng Quyền pháp này thúc đẩy mọi sở vật thực tại tôn giáo kết thành thực thể "Đạo cứu thế" trong Tam Kỳ Phổ Độ, cũng như cái ngòi gà trong quả trứng vậy....
"Sứ mạng của dân tộc này to tát như thế; quyền pháp quan trọng như thế, không phải không làm được....
" Quyền pháp thực thể cứu thế phải có trách nhiệm trên toàn thể nhân loại. Không chỉ giải quyết vấn đề tâm linh, chính là giải quyến toàn diện cá thể con người" (CQPTGL, TGST 1968-1969,tr 90-91.)
Đến đây, có thể nhận thấy việc Đức Chí Tôn trao sứ mạng quyền pháp cho dân tộc Việt Nam cũng là một sự kiện hi hữu. Đức Giáo Tông có tiết lộ thêm :
" Không phải Thượng Đế cấy lúa trên tảng đá hay trao quyển binh thư cho người mù chữ. Ngoài ân ban, Đức Thượng Đế còn nhận thấy dân tộc này có thể thực hành sứ mạng " Hảo Nam Bang ! Hảo Nam Bang, Tiểu quốc tảo khai hội Niết Bàn"
(CQPTGL, TGST 68-69, tr.90)
"Trước xây đắp Cao Đài Thánh đức
Dụng Nam Bang làm mức phóng khai;
Dân Nam sứ mạng Cao Đài,
Năm châu bốn bể hòa hài từ đây"
(Đức Chí Tôn, CQPTGL)
KẾT LUẬN :
Thật vậy: "Đức Thượng Đế đến khai minh Đại Đạo đã là một hi hữu, mà vấn đề hoát khai Đại Đạo, cứu độ vạn linh lại là một hi hữu khác ".
- Sự kiện hi hữu thứ nhứt do nơi Đấng Giáo Chủ vô hình là Chúa tể càn khôn vũ trụ lại đích thân lập ra một tôn giáo mới giữa sự tồn tại của vạn giáo có từ trước.
- Sự kiện hi hữu thứ hai do nơi truyền đạo cứu độ vạn linh bằng cách dạy cho vạn linh tự độ.
- Nhưng giữa hai sự kiện này có một sự kiện hi hữu chung đặc biệt của Tam Kỳ Phổ Độ là dòng ân điển thiêng liêng đã được nối kết từ tâm linh Thượng Đế đến tâm linh con người truyền lưu bất tuyệt để Thượng Đế thực hiện cơ qui nguyên của vũ trụ đồng thời vạn sanh phát khởi ước vọng hoàn nguyên. Chiếc đầu cầu linh diệu bằng Chơn Thần từ thượng thiên đã được hạ xuống, ai cũng có thể đón nhận được miễn là phải biết tự khai mở Chơn thần nơi chính mình mỗi cảm nhận ơn cứu độ kỳ ba. Đó chính là :
Thượng Đế từ trên cõi mịt mù,
Người đời thiện nguyện dốc lòng tu;
Tạo cơ cảm ứng thiên nhơn hiệp
Để có thông công có tạc thù.
(Vạn Hạnh Thiền Sư, Minh Lý Thánh Hội,22.7.Tân Hợi-11.9.71)
Thuyết đạo ngày Rằm tháng 10 Tân Tỵ
(29.11.2001)