Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Tóm lược. Dựa trên những nét đẹp đạo đức trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, kết hợp ...
-
Đất nước Việt Nam với dòng giống Rồng Tiên đã sản sinh ra biết bao anh hùng dân tộc hằng ...
-
Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 14 tháng Giêng Kỷ Dậu (2/3/69) ...
-
Hội ý bài kệ “Nhãn thị chủ tâm” của Đức Chí Tôn, thì Chánh pháp này cũng đặt tại Tâm ...
-
Thánh tượng Thiên Nhãn của đạo Cao Đài hiện ra lần đầu cho người đệ tử đầu tiên thấy được ...
-
Biến Hoá kinh, viết vào khoảng năm 612 sau CN (thời Tùy Dạng Đế) cho rằng Lão Tử chẳng những ...
-
Muốn đạt kết quả trên con đường Thiên Đạo Đại Thừa phải giữ lòng thanh tịnh... Tâm thanh tịnh là ...
-
[Ảnh: Miếu Thần Nông tại đình Bình Thủy] Trong quá trình Nam tiến, cư dân từ miền ngoài vào khai khẩn ...
-
Danh từ "Khai Minh Đại Đạo" đã được Ơn Trên sử dụng từ lâu. Cụm từ này, có thể lần ...
-
“Quyền pháp Đạo không là điều cai trị. Quyền pháp Đạo chính là sự thương yêu, giải thoát cai trị ...
-
LẼ MỘT (The Unity – The Oneness ) LẼ MỘT TRONG GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO * * * Ngọc Hoàng Thượng Đế Kim Viết ...
-
Mở đầu Nhìn lại lich sử tôn giáo thế giới, qua Nhất kỳ, Nhị kỳ Phổ Độ, Đức Thượng Đế đã ...
Trích quyển Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009
PHẢN BỔN HOÀN NGUYÊN
1. Hành trình quy nguyên
1.1. Quy Nguyên là Quy Tâm
Phản Bổn huờn Nguyên là trở về với Đạo, với Bản Thể tuyệt đối, Nhân bản tối sơ hay Đại Linh Quang.
Tiểu Linh Quang hoạt động trong con người được gọi là tâm; là linh hồn trong xác thân. Nhờ có tâm, con người biết suy tư, nhận thức, hành động. Tâm điều khiển cuộc sống của nhân thân lẫn phát huy trí tuệ. Nếu tâm có chủ hướng tốt, con người sẽ tiến hóa, thăng hoa; ngược lại, con người sẽ thoái hóa, băng hoại. Vậy muốn quy Nguyên, con người phải quy Tâm, nghĩa là trở về với chính nội tâm của mình để hướng các hoạt động của tâm theo chiều hướng nhân bản, hầu tìm thấy con người chân thật của mình và nâng cao quyền năng ứng phó linh hoạt của tâm. Như vậy quy tâm ở đây là quy về cái Chơn Tâm duy nhất trường tồn bất biến.
Quy tâm còn là một quy luật tự nhiên. Mặc dù con người có tự do lựa chọn và quyết định sự tiến hóa của chính mình, nhưng trong khi chưa tự giác thì luật tự nhiên cũng sẽ tác động dần dần để con người hướng thượng. Đó là "Quy Nguyên theo nẻo quy tâm trong luật tuần huờn."[1]
Tinh thần quy Nguyên cũng dựa trên sự "thống nhất tâm linh", sự "nhất quán nơi mình" để "quy nguyên từ cá thể, tới gia đình, ra xã hội; cuối cùng phổ cập đến nhân loại bằng cái nhìn bao dung từ bi của Chí Tôn quảng đại vô biên."[2]
1.2. Các chặng đường quy Nguyên
Trên con đường phản Bổn hoàn Nguyên tự nhiên, con người cũng phải trải qua nhiều kiếp luân hồi trong vũ trụ – vòng quanh tam thiên thế giới, tứ đại bộ châu, thất thập nhị địa, tam thập lục thiên – mới về được điểm cuối cùng.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mở ra một con đường tắt gồm nhiều giai đoạn tu hành và tiến hóa phù hợp với hoàn cảnh của mọi người. Với con đường này, con người có thể đạt được mục tiêu mong muốn của mình là hiệp nhất với Thượng Đế mà chỉ mất một khoảng thời gian ngắn ngủi là một kiếp sống tại thế gian.
Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Chí Tôn có dạy:
"Tam thừa cửu phẩm cũng do nơi quy luật Tam giáo mà Thầy chế đổi làm một con đường tắt để đưa các con về cựu vị." [3]
Tam thừa bao gồm Hạ thừa, Trung thừa, Thượng thừa. Mỗi thừa lại có ba phẩm: thượng, trung, hạ. Hạ thừa hướng dẫn con người cách sống đúng đạo trong xã hội. Trung thừa hướng dẫn con người tiến lên gánh vác thêm việc tổ chức, điều hành các tập thể trong xã hội theo những nguyên tắc của đạo lý. Thượng thừa hướng dẫn con người đi sâu vào tâm pháp để trực nhận chơn tâm, đạt được sự giải thoát hoàn toàn. Đó là những bước tu hành đưa "một con người phàm phu trần tục trở nên thánh hiền, Tiên Phật. Những nấc thang liên tục không thể rời bỏ được. Như vậy mới đúng với Đạo hay Đại Đạo."[4]
Tam thừa tương ứng với hai lĩnh vực của sự tu hành là Thiên đạo và Thế đạo. Với Thế đạo, con người – qua cuộc sống của mình – sẽ góp công với cuộc đời xây dựng lại sự an lành, tiến bộ từ trong gia đình, đến dân tộc, nhân loại. Sau đó, con người sẽ bước lên Thiên đạo đại thừa, thực hiện công cuộc rèn luyện tâm linh, phục hồi nhân bản tối sơ để làm điều kiện cứu độ người khác.
Thiên đạo và Thế đạo là hai lĩnh vực mà người tu bình thường sẽ lần lượt tu học. Từ Thế đạo bước lên Thiên đạo là một bước ngoặc của người đã phát tâm giác ngộ muốn tu luyện để trở về Bản Nguyên. Tuy nhiên, nếu có hoàn cảnh thuận tiện và nếu muốn đi nhanh hơn nữa (hoặc đi tắt hơn nữa), thì tốt hơn, nên thực hành ở cả hai mặt đời đạo, gọi là phước huệ song tu. Với cách này, người tu có thể đạt được điều gọi là tu nhứt kiếp, ngộ nhứt thời.
2. Phương pháp quy nguyên
2.1. Tâm là căn cơ để quay về Bản Nguyên
Xưa nay, vạn giáo ra đời truyền bá vô lượng pháp môn để dìu dắt nhân sanh đi theo con đường đạo đức chơn chánh, tức là để biết Đạo, hành Đạo. Nhưng người đời thường lầm tưởng kinh sách là Đạo, nghi lễ tôn giáo là Đạo. Ngược lại, các bậc thánh hiền đều cho đó chỉ là phương tiện để thức tỉnh con người sống bằng Tâm, tu bằng Tâm.
Thật vậy, "ngoài Tâm không có Đạo, ngoài Tâm không có Phật Tiên chi cả", "Thiên địa vạn vật, tất cả đều do Tâm."[5]
2.2. Phải dụng tâm để chủ sử toàn diện con người
Tâm không phải là một cơ quan hữu hình nơi con người, mà là chủ thể vô hình, ứng biến tùy duyên tùy cảnh, không ngừng sinh ra tình thức, ý thức, vọng tưởng, niệm lự... tác động liên tục vào cuộc sống. Thế nên, nguyên tắc của tâm pháp là làm chủ cho được thất tình, lục dục, lục căn, lục thức, lục trần, hướng chúng theo đạo lý để chúng giúp cho hành giả tiến hóa. Tâm làm chủ là Chơn Tâm; tâm bị chi phối đảo điên là vọng tâm.
"Hành đạo biết rằng Đạo ở trong,
Biến nên vạn pháp cũng do lòng;
Tam thiên thế giới trong tay nắm,
Chính thị Tâm này đạt lý thông."[6]
2.3. Phá chấp để đạt được thiên địa chi tâm
Quả thật, phải hướng vào nội tâm mới cắt đứt được vạn duyên, không não phiền với ngoại cảnh thì tâm mới thanh tịnh. Đó là diệt trừ chướng ngại bên ngoài. Nhưng chướng ngại vẫn có trong nội tâm do những định kiến, do thiên lệch ta người, tạo thành chấp ngã, chấp pháp, chấp tri kiến... Những chướng ngại này khiến cho tâm nghiêng ngã, hẹp hòi, vướng mắc, không còn linh hoạt biến thông, thì làm sao hòa hợp được với người khác, thông cảm bao dung được thế nhân, nói chi đến đồng nhất vũ trụ. Nên có câu: "Tâm là Tâm, cảnh là cảnh, mới thiệt là Thiên Địa Chi Tâm"[7]. Đây là Tâm của bậc hoàn toàn phá chấp, còn gọi là Tâm vô ngại, Tâm Không.
Đạt được Tâm Trời Đất chính là lúc Tâm với Đạo là một. Tâm ấy có một nguyên lý là làm sao cho mọi sự được quân bình, mọi việc được hài hòa, mọi người đều an lạc. Đó là Tâm chơn thường, ví như tấm gương trong, chiếu soi muôn vật mà không để lại hình bóng vật nào. Được như thế, giáo lý Đại Đạo gọi là Đắc Nhất, Tâm Đắc Nhất là Tâm vô phân biệt, nhờ đó hành giả thực hành được Trung Đạo.
"Đắc Nhất tâm rồi, thế mới yên,
Muốn tâm đắc Nhất phải tham thiền;
Tham thiền tâm sẽ hòa muôn vật,
Hòa ấy làm nên Đạo phối Thiên."[8]
[Trích quyển YĐGLĐĐ/CQPTGLĐĐ_Ch.5, Mục 1]
[1]Đức Quan Thánh Đế Quân; Thánh Giáo Sưu Tập, 1972-1973, tr. 67
[2]Đức Quan Thánh Đế Quân; Thánh Giáo Sưu Tập, 1972-1973, tr. 67
[3]Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 09-8 Bính Tý; Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 23 "Khởi trung tâm Đạo" tr.212.
[4]Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh; Thánh Giáo Sưu Tập 1972-1973, tr.78.
[5]Đức Đông Phương Lão Tổ; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-06 Ất Mão (22-07-1975); Thánh Giáo Nguyên Bổn.
[6]Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 14-10 Bính Thìn (04-12-1976); Thánh Giáo Nguyên Bổn.
[7]Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn; Vĩnh Nguyên Tự, 15-03 Bính Thìn (14-04-1976); Thánh Giáo Nguyên Bổn.
[8]Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-07 Ất Mão (21-08-1975); Thánh Giáo Nguyên Bổn.