Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
" Nền Đạo lập nên là nhờ có lòng đạo đức và tánh khiêm cung của mỗi môn đệ của ...
-
Tam giáo Việt Nam đã có một lịch sử lâu dài, kể từ thế kỷ I, II trở đi, cho ...
-
Qua tham khảo các đề tài nghiên cứu hay thuyết giảng giáo lý đạo Cao Đài, chúng ta có thể ...
-
Nội dung chính của Minh Thiện Chơn Kinh là bốn Bài Sám ( Sám Nhứt Diệu Đề, Sám Nhị Diệu ...
-
Trong các Đạo học gia đời Tống (960-1279), Chu Liêm Khê 周 濂 溪 (1017-1073) và Thiệu Khang Tiết 邵 ...
-
"Nhắc lại đoạn đầu tôi nhập môn rồi, khiến lòng tôi suy nghĩ cuộc đời không thấy ích gì cho ...
-
Tôi cũng có một ước mơ, Mơ mọi người đều có một tấm lòng, Để yêu thương,để sống thật chân tình; Không hơn ...
-
Mới đây, một chiếc trống đồng khá đặc biệt đã được người dân phát hiện, trục vớt từ lòng sông ...
-
Vĩnh Nguyên Tự Ngọ thời, 03-12 Tân Hợi (18-01-1972)
-
TÌM HIỂU Ý NGHĨA " CHƠN THẦN" Về từ ngữ “ Chơn Thần” _ Định nghĩa : _ Chơn thần theo thánh ...
-
Sống Đạo /
Cửa đạo luôn luôn rộng mở, hay nói một cách khác, ngưỡng cửa tôn giáo lúc nào cũng sẵn sàng ...
-
Huyền Cơ /
Huyền cơ là gì? Có khác với thần cơ ra sao? Tuy cũng là Thần Tiên giáng dạy, mà phương pháp ...
Thiện Chí
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 25/02/2011
Phục sinh
Theo cách giải thích trong Catholic Encyclopedia thì sự sống lại của Đức Jesus Christ có những ý nghĩa như sau:
_ Sự Phục sinh ( của J.Christ) hoàn tất sự mầu nhiệm cứu rỗi và cứu chuộc chúng ta; bằng cái chết của mình, J.Christ đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Và bằng sự sống lại Ngài đã để lại cho chúng ta những đặc ân đã mất do tội lỗi. (Romans 4:25)
_ Với sự Phục sinh của Người, chúng ta nhận thức J.Christ như một Chúa bất tử, một nguyên nhân điển hình và có hiệu quả cho sự phục sinh của chúng ta (1 Corinthians 15:21; Philippians 3:20-21); và như một kiểu cách, một sự hổ trợ cho đời sống mới nhờ được ân sũng.(Romans 6:4-6, 9-11)
(Hình trên:Một bé gái Ấn Độ đang cầm nến dự lễ Phục sinh)
Một tác giả đã tham luận về lễ Phục sinh như sau:
"Hàng năm, vào khoảng thời điểm này, các tín đồ Cơ đốc giáo đang ở trong mùa Chay (40 ngày trước Lễ Phục Sinh -16/4/2006-). Mùa Chay, như Đức Giáo Hoàng Benedict XVI ghi nhận là "thời gian chay tịnh, thống hối và suy tư về chính bản thân, trong sự xác tín rằng cuộc chiến chống lại tội lỗi chưa kết thúc, bởi vì cám dỗ vẫn là một thực tại hằng ngày và mỗi nguời đều cảm nghiệm sự dòn mỏng và ảo tưởng của mình." Về ý nghĩa thì cả hai ngày lễ Giáng Sinh và Phục Sinh đều ca tụng sự sống, nhưng mỗi lễ một cách. Giáng Sinh "cử hành" sự sống ở điểm khởi đầu đầy tiềm năng và hy vọng, Phục Sinh "cử hành" sự sống ở độ chín sung mãn cuối cùng. . Mầm non nay đã là cây sum sê hoa trái. Vì thế niềm vui Phục Sinh mang tính khải hoàn. Một số các biểu tượng quen thuộc cho lễ Phục Sinh như lửa phục sinh (easter fire), nến phục sinh (easter candle), trứng phục sinh (easter egg), thỏ phục sinh (easter bunny). Thỏ và trứng làm bằng chocolate được bày bán ở các siêu thị và có lẽ đây là hai hình ảnh quen thuộc nhất trong mùa Phục Sinh.(Lý Lạc Long, http://vnthuquan.net)
* * *
Trên đây là ý nghĩa "phục sinh " theo tinh thần Cơ Đốc giáo mà hầu hết các nước phương Tây đều chịu ảnh hưởng.
Vậy "phục sinh " theo Tây phương có ý nghĩa tôn giáo dựa theo đức tin về sự sống lại của Christ, nghĩa là của một con người, con người "thiên ân".Trong khi đó, theo Đông phương. "phục sinh", từ Lão Tử Đạo Đức Kinh đến Kinh Dịch, đã được xem là một chuyển biến của Qui luật tiến hóa trong vũ trụ và nơi con người.
THEO ĐẠO ĐỨC KINH (ĐĐK)
ĐĐK không nói "phục sinh" mà nói "phản" hay "phản phục". Phản có nghĩa là "quay về"; phục có nghĩa "trở lại", làm cho xuất hiện trở lại. Dưới nhãn quan của Lão Tử, vũ trụ rất động. Và động theo một chu trình nên "phản" trở về khởi điểm, tiếp diễn liên tục những chu trình khác. . . cứ thế không bao giờ ngưng.
Chương 40 ĐĐK viết: " Phản giả, đạo chi động" (Luật vận hành của đạo là quay trở lại). Mà đạo lại là mẹ sinh muôn loài ("khả dĩ vi thiên hạ mẫu ."-ĐĐK.ch.25) trong chu trình khép kín, mà ý nghĩa quan trọng của chu trình nầy nằm ở thời điểm "phản" để trở về bản nguyên. Vì "Đạo sinh chi" ( Ch.51) là nói về căn nguyên vũ trụ, còn "phục" mới nhấn mạnh ý nghĩa tiến hóa của vạn vật, tức " Phục qui kỳ căn " (Ch.16).
Theo Lão Tử, trở về gốc tức là "phục mệnh". Phục mệnh là biết được cái bất biến vĩnh hằng, cái "thường", không còn đeo đuổi cái không thường do vọng thức đưa đến tai họa. Ở đây có thể nhắc đến câu nói của J.Christ ( với bà Magdala, người được Chúa cứu khỏi bệnh tâm thần) khi vừa sống lại: "Đừng đụng đến ta, vì ta chưa lên cùng Cha ta, con hãy về bảo các anh em ta rằng ta sẽ lên cùng Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi." (Giăng, 20:16). Vậy sự sống lại của J.Christ từ nấm mồ hay từ sự chết của xác phàm (tiêu biểu cho cái vô thường) là một bước ngoặc để trở về với Chúa Cha (tiêu biểu cho cái hằng thường). Nhưng cũng cần lưu ý đây là sự "phục sinh" của con người đã "phục mệnh", trọn đời hy sinh đi rao giảng đức tin Thiên Chúa. Và "lên cùng Cha Ta" chính là lúc "Qui căn phục mệnh sau cùng" của Người vậy. Người là bậc mà Lão Tử gọi là sáng suốt (tri thường viết minh), bao dung (tri thường dung), công bình (dung nãi công), bao khắp (công nãi toàn), hợp với tự nhiên (toàn nãi thiên), hợp với đạo (thiên nãi đạo), và trường cửu (đạo nãi cửu) (xem Ch.16, Lão Tử Đạo Đức Kinh,Nguyễn Hiến Lê; nxb. Văn Hóa,1998).
THEO KINH DỊCH
Theo Dịch lý, Âm cực Dương sanh; Duơng cực Âm sanh. Trên vòng Dịch, nửa bên phải là thời kỳ Dương tiêu, nửa bên trái là thời kỳ Dương trưởng.
Sự vận hành thăng giáng của hai khí Âm Dương trong trời đất tạo nên bốn mùa tám tiết. Như vào tháng 10 âm lịch, mùa Đông ứng với quẻ Khôn là quẻ toàn Âm, nhưng đến đông chí vào tháng 11 thì một hào dương xuất hiện dưới 5 hào Âm, gọi là "phục phát", dương sanh. Cho đến khi sanh được tam dương, thuộc quẻ Thái ứng với mùa Xuân.
(Hình 1:Vòng Dịch với hai chiều Âm Dương tiêu trưởng)
(Hình 2: QUẺ ĐỊA LÔI PHỤC (một hào Dương xuất hiện dưới 5 hào Âm )
Chiếu theo quá trình hưng vong của xã hội loài người thì chiều Dương tiêu Âm trưởng là chiều vật chất thịnh, tinh thần suy, nền đạo đức bị mai một.. Nên thời quẻ Bác ở cuối thời kỳ văn minh vật chất cao tột thì đã vào thời hỗn loạn của thế giới. Thời Bác ứng với cơ tận diệt của Hạ nguơn.
Ngược lại là chiều tinh thần thịnh, vật chất suy. Sau thời Bác, chuyển qua thời Phục, nhân lọai khao khát sự phục hồi đạo đức, mong mỏi một ánh sáng cứu tinh để chuyển loạn thành trị, chiến tranh thành hòa bình. Do qui luật đó mà Thượng Đế khai đạo để phổ độ chúng sanh. Khai minh Đại Đạo tức là làm sáng tỏ cái Đạo của trời đất để con người biết phát huy Đạo ấy nơi nội tâm là thiên tánh. Đó chính là "Phản phục kỳ đạo" nhờ đó mà "kiến thiên địa tạo hóa chi tâm."( Dịch, quẻ Địa Lôi Phục, Soán.)
Sách Bản nghĩa của Châu Hi có viết: " Dưới những phần âm chồng chất, một phần dương lại sanh ra. Lòng sanh vật của trời đất đã hầu tắt dứt, đến đó lại thấy hiện lại. Ở người ta (nội tâm) là tịnh cực mà động, ác cực mà thiện. Cái lòng sẵn có của mình hầu tắt mà lại hiện ra. "
Nên về đạo pháp, " muốn trở lại Phục, phải vào nơi yên lặng tợ như thể Khôn để cầu nhứt dương sơ động (tức là Thiên địa chi tâm)"
Vậy theo Kinh Dịch, "phục sinh " chính là làm sống lại tánhTrời, được tượng trưng bằng sự tái xuất hiện một hào dương làm chủ nơi quẻ Phục .
PHỤC SINH TRONG GIÁO LÝ CAO ĐÀI
Đối với Đại Đạo TKPĐ, Đức Thượng Đế mở cơ cứu độ toàn linh cũng do nơi thiên cơ đã đến thời kỳ phục sinh cho nhân lọai: "Thầy mở cơ tận độ kỳ ba này cho các con, cho thế giới nhân loại cũng như mùa Xuân đến với vạn vật. Vạn vật đã trải qua những giai đoạn sanh sôi trưởng thành hoạt động thâu liễm và tàng ẩn để phục sinh [ . . .]"
Đó là thiên lý ứng với chu trình vận hành của Đạo trong vũ trụ mà Đức Giáo Tông Đại Đạo đã giải thích: "Chư hiền đệ hiền muội ! cơ Trời máy Tạo, luật tắc biến thiên, tuy vô hình mà vạn vật đều nương theo đó để hóa sinh bất tận. Tuy nhiên chu trình tam nguơn chuyển thế này, vạn vật đang chuyển mình tiến hóa để tiến hóa đến chỗ cùng cực rồi phục sinh tái tạo cõi đời thượng nguơn thánh đức. "
Và Ơn Trên cũng đã cảnh báo cho nhân sanh qui luật đó của trời đất để tìm ra lý đạo hầu tự ứng dụng để sống còn: "Luật đào thải chí công vô tư. Rồi đây sẽ tan ra tro mạt, sẽ tàn lụn trong cát bụi phong trần. Cái được giữ lại là điểm đạo phục sinh, sự sống còn của nhơn loại ."
Nên đối với bản thân của người học đạo tìm cầu giải thoát, không có gì khác hơn là học và hành phương pháp "phản phục" hay "phục sinh" như lời dạy của Đức Vô Cực Từ Tôn:
"Phục sinh là đạo hằng thường,
Hằng thường trong cõi vô thường là đây ."
"Nay con đã giác ngộ thì phải quay cái dụng vào trong để lấy lại chủ quyền, con có làm chủ được con thì một kiếp nhân sinh mới có nhiều ý nghĩa. Máy tạo vần xây dương cực âm sanh, âm cực dương sanh, lại qua động tịnh, tiêu tức dinh hư. Muốn phục sinh không phải khó, là do bởi con cái không quyết tâm quyết chí phục sinh phục hồi đó thôi."
"Cái dụng" mà Đức Mẹ dạy đã từng được Ơn Trên chỉ dạy cụ thể trong giáo pháp, nhứt là vào mùa tu Đông chí ứng với thời phục phát của trời đất và của nội thể con người: "Trời đất không ngoài lẽ âm dương văn vẻ của nó, nên tiết Đông Chí là mầm sống khởi nguyên, vạn sự vạn vật manh nha ở đó, nên mỗi năm vào mùa tu Đông Chí có một ý nghĩa sâu xa, người hành giả nên suy gẫm cho tường tận nguyên lý."
"Ở trong người cũng như ngoài trời đất, cũng có âm dương tiêu trưởng. Lúc âm cực thì dương sanh. Dương sanh trong người là nhứt tức sanh cơ. Phục là gì ? Phục là phục sinh, phục hồi, phục quyền, phục hưng, phục hoàn bản vị. Phục nghĩa là trở lại cái gốc nguyên đầu, là cái Vô Cực vừa máy động. . ."
" Chúng ta nên căn cứ vào quẻ Phục mà hạ công lập địa hàm dưỡng chơn nguyên. Phục có nhiều nghĩa, nghĩa nguyên thỉ của nó là "không kiếp chi tiền, âm hàm dương dã", hư linh tịch chiếu, nên ta thấy tượng quẻ một dương nằm dưới năm âm, có thể suy luận là lý nhứt dương này là một điểm sinh cơ tiềm phục là chơn ý, là tịnh cơ gồm có năm âm là mắt, tai, mũi, miệng, thân, ngũ quan thanh tịnh, chơn ý sáng soi. Chư hành giả gẫm đó làm công án tu trì."
Tóm lại, đối với phương Tây, hằng năm mừng lễ Phục sinh với ý nghĩa mừng sự sống lại của Đức Christ để " trở về cùng Cha", tiêu biểu cho kết quả vinh quang của con người đã "phục mệnh", đã hồi sinh được đạo lý " Cha ở trong con và con ở trong Cha " sau quá trình hy sinh gian khổ cứu chuộc tội lỗi cho loài người.
Đối với phương Đông, mà ngày nay giáo lý Đại Đạo làm tiêu biểu, đang phục hưng chánh pháp "Phục nguyên ", thì sự đón mừng mùa phục sinh lại được lặng lẽ thực hiện bằng phép hư tĩnh trong ngoài, đúng lúc trời đất máy động một khí dương sanh, để thu liễm cơ nguyên hồi sinh nội lực và phục phát thiên tâm.
Để kết luận, chúng ta hãy ghi nhớ thánh huấn của Đức Mẹ về "Đạo phục sinh" :
"Có cái có trong tình Tạo Hóa,
Không là không đạo cả lưu hành,
Biết đường sanh diệt diệt sanh,
Hoàn nguyên phản bổn nhọc nhành chi con.
……………………………………………
Kìa máy Tạo phát thâu luân động,
Cực âm rồi mầm sống hiển dương,
Phục sinh là đạo hằng thường,
Hằng thường trong cõi vô thường là đây ."