Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
12/05/2007
Tuổi Trẻ Online 12-5-07

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 20/02/2010

Lịch sử triết học Trung Quốc

Nhân dịp cuốn sách mới nhất mà ông dịch sang tiếng Việt vừa ra mắt - cuốn Lịch sử triết học Trung Quốc của Phùng Hữu Lan, một công trình đồ sộ và quan trọng của văn hóa Trung Quốc, được xem như một giáo trình căn bản về triết học Trung Quốc tại các Đại học Tây phương, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông:

* Việc dịch các tác phẩm kinh điển của triết học đang được chú trọng, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của công việc này?

- Dịch giả Lê Anh Minh: Đó là một việc rất đáng mừng. Khi độc giả bắt đầu chịu đọc sách triết tức là đời sống tinh thần của xã hội được nâng lên và sự hiểu biết cũng mở rộng. Thí dụ, đọc sách triết Trung Quốc chúng ta sẽ hiểu nhân sinh quan và vũ trụ quan của người Trung Quốc, và hiểu thêm về văn hóa của họ.

* Được biết, ông biết các ngoại ngữ Hán, Anh, Đức. Vậy theo ông, dịch tiếng Hán sang tiếng Việt có gì khác biệt với dịch các ngôn ngữ của phương Tây không?

- Tôi thấy có sự khác biệt, ít nhất là đối với tôi. Chẳng hạn, ngữ pháp tiếng Đức rất phức tạp, do vậy, muốn dịch một câu sang tiếng Việt cho suôn sẻ thì phải xử lý lại cấu trúc câu. Do đó, nói chung bản dịch từ các ngôn ngữ phương Tây sang tiếng Việt thường thường không được tự nhiên lắm. Trong khi đó, tiếng Hán khá gần gũi với tiếng Việt nên dịch dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vấn đề này còn tùy từng dịch giả nữa.

* Phùng Hữu Lan là một tên tuổi khá quen thuộc ở Việt Nam, vậy ông có thể cho biết trước 1975 có những ai đã dịch và nghiên cứu Phùng Hữu Lan?

- Ở miền Bắc thì tôi không rõ; còn ở miền Nam trước 1975 chưa có công trình nào nghiên cứu Phùng Hữu Lan được xuất bản. Học giả Nguyễn Đăng Thục và học giả Nguyễn Hiến Lê có tham khảo bộ Trung Quốc Triết Học Sử (2 quyển) để viết triết học Trung Quốc. Về việc phiên dịch, dịch giả Nguyễn Hữu Ái lược dịch quyển 1 (NXB Khai Trí, không rõ năm xuất bản). Dịch giả Nguyễn Văn Dương dịch quyển tóm tắt của bộ sử này, tức là quyểnA Short History of Chinese Philosophy, nhưng vì ông không có bản tiếng Anh nên dịch lại bản dịch tiếng Pháp của Guillaume Dunstheimer. Bản dịch của ông nhan đề Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc (Viện Đại Học Vạn Hạnh ấn hành, 1968); gần đây được in lại.

* Như vậy là đã có người dịch tác phẩm của Phùng Hữu Lan sang tiếng Việt, thế thì điểm mới của bản dịch này là gì?

- Phùng Hữu Lan viết ba bộ sử (gọi là Tam Sử). Đầu tiên là Trung Quốc Triết Học Sử (2 quyển); sau đó ông tự viết bằng tiếng Anh rút gọn bộ đó thànhA Short History of Chinese Philosophy; về cuối đời ông viết lại bộ đầu tiên thành Trung Quốc Triết Học Sử Tân Biên (7 quyển). Như nói trên, trước đây có hai người dịch Phùng Hữu Lan, ông Nguyễn Hữu Ái lược dịch phần đầu; ông Nguyễn Văn Dương thì dịch bản rút gọn. Do đó, bản dịch của tôi là mới mẻ hoàn toàn: lần đầu tiên tại Việt Nam có bản dịch trọn bộ Trung Quốc Triết Học Sử (2 quyển).

Tôi dùng cả nguyên tác Hán ngữ và bản dịch tiếng Anh của Derk Bodde. Trong bản dịch Anh ngữ, Derk Bodde và Phùng Hữu Lan có sửa đổi nhiều chỗ, khác với bản Hán ngữ. Tôi linh động dịch cả hai. Thí dụ, tôi dịch cả chương đầy đủ của bản Hán ngữ và chương rút gọn của bản Anh ngữ; chương nào được Derk Bodde và Phùng Hữu Lan sửa đổi thì tôi dịch theo phần đã sửa. Tuy vậy, tiếc phần bị bỏ đi, tôi vẫn dịch nó và ghi là Phụ Chương. Ngoài ra tôi còn bổ sung thêm, như: so sánh giữa Chu Dịch và Thái Huyền Kinh, dịch thêm bài Luận Phật Cốt Biểu của Hàn Dũ, tiểu sử và hình ảnh của các triết gia.

Trong bản dịch này tôi bảo lưu nguyên văn chữ Hán của các đoạn trích dẫn cổ văn trong nguyên tác, đồng thời phiên âm Hán - Việt và chú giải thêm. Bản dịch này có chú thích của Phùng Hữu Lan, chú thích rất kỹ của Derk Bodde, và phần phụ chú riêng của tôi (để độc giả khỏi mất công tra cứu). Tôi còn dịch thêm bài viết của Trương Quý Đồng đánh giá bộ Trung Quốc Triết Học Sử của Phùng Hữu Lan và nêu ra phương pháp đọc bộ sách này. Đây là bài viết quan trọng mà độc giả cần đọc trước tiên.

* Cách đánh giá về các nhà triết học Trung Quốc của Phùng Hữu Lan có điểm gì khác biệt so với các học giả khác?

- Về điểm này bài viết của Trương Quý Đồng phân tích rất rõ. Phùng Hữu Lan vận dụng duy vật sử quan và vận dụng rất linh hoạt chứ không máy móc. Thí dụ ông viết: "Tư tưởng con người đều bị hoàn cảnh tinh thần và vật chất của họ hạn chế". Do đó, trước khi trình bày sự biến hóa tư tưởng triết học thì ông nói về căn nguyên xã hội của nó. Trước khi trình bày tư tưởng của một triết gia thì tác giả thường nói đến hoàn cảnh của người đó. Thí dụ khi nói đến Khổng Tử thì tác giả trình bày trước tiên tình hình văn hóa của nước Lỗ; khi giảng về Mặc Tử thì trình bày trước tiên quan hệ của Mặc Tử với nước Tống và nước Lỗ; khi giảng về Lão Tử và Trang Tử thì trước tiên thuyết minh tình hình văn hóa của nước Sở và tinh thần của người Sở,... Đó là điểm khác biệt của Phùng Hữu Lan so với các học giả khác.

* Ở Trung Quốc người ta đã thành lập hội "Phùng học" để nghiên cứu triết học của Phùng Hữu Lan, ông có nghĩ là mình sẽ tiếp tục dịch các tác phẩm của Phùng tiên sinh sang tiếng Việt không?

- Sau khi dịch xong bộ Lịch sử triết học Trung Quốc của Phùng Hữu Lan, tôi đã dịch tiếp quyển Tinh thần của triết học Trung Quốc của ông. Bản thảo hoàn tất cuối năm ngoái, đã đưa cho nhà xuất bản, hy vọng xuất bản trong năm 2007 này.

Tuổi Trẻ Online 12-5-07
Lịch sử triết học Trung Quốc / Tuổi Trẻ Online 12-5-07

Đạo có gì đâu, đạo ấy Trời,
Trời là Tiên Phật, cũng là người,
Người hay giác ngộ thành Tiên Phật,
Tiên Phật vọng tâm cũng xuống đời.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Thiền Điện, 20-10 Quý Sửu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây