Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
08/12/2005
Sưu tầm

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 23/02/2010

Dân ca Nam Bộ

Nói đến nghệ thuật ca hát dân gian cổ truyền Nam Bộ mà chỉ đóng khung trong một số làn điệu vọng cổ hay bài bản cải lương, ca nhạc tài tử, thì quả chưa đầy đủ. Mặc dầu chúng ta không phủ nhận tính hấp dẫn, yếu tố truyền cảm gây xúc động mạnh của các thể loại ca hát đó, nhưng đứng trên góc độ nghiên cứu mà xem xét, thì sự phiến diện nói trên có thể đưa đến những nhận định không toàn diện, và hiện tượng nhầm lẫn giữa ngọn và gốc có thể xảy ra. Nội dung vấn đề trao đổi của bài viết này nhằm tìm hiểu tính chất phong phú của nền dân ca Nam Bộ, một bộ phận trong kho tàng âm điệu dân gian phong phú và quíy bàu của đất nước ta.

Nói đến Nam Bộ, chúng ta nghĩ đến một vùng đất màu mỡ có phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp hữu tình, có tài nguyên giàu có, trù phú. Không thể quên được con người Nam Bộ với tính tình cởi mở, hào hiệp, nặng nghĩa nhiều tình... mà hình như đất nước thiêng liêng đã dành riêng cho mảnh quê phương Nam này! Từ Đồng Nai, Long Khánh, Biên Hòa, Đất Đỏ... với những lô cao su thẳng tắp, bạt ngàn, sừng sững hiên ngang... như muốn vươn lên hàng triệu cánh tay xanh biếc, rậm dày... che kín cả khoảng trời mênh mông... chúng ta đi dần xuống miền châu thổ Cửu Long với những cái tên nghe "là lạ" "dễ thương" như: Mỹ Tho, Bến Tre, Long Xuyên, Cần Thơ, Rạch Giá... băng qua những "tấm thảm vàng tươi" đang óng ánh trĩu cành phơi mình dưới ánh nắng chói chang của miền gấn xích đạo.

Sau đó, chúng ta sẽ được nhẹ nhàng, ung dung khua từng nhịp chèo nhặt khoan trên những dòng kênh lăn tăn gợn sóng, dưới những rặng dừa xanh vào những buổi chiều êm đẹp... rồi để có dịp bâng khuâng nghe những câu hò về đêm ngân vang dòng sông, bến nước... Và khi tới tỉnh Minh Hải lắm cá nhiều tôm, đặt chân lên mũi Viên An, mỏm đất tận cùng của quê hương phương Nam... nghe biển Đông sóng vỗ quanh năm, một lần nữa, chúng ta càng được khẳng định thêm về khả năng vĩ đại chính phục thiên nhiên, cải tạo hiện thực của con người trước bao nhiên biế cố. Phải chăng phong cảnh thiên nhiên của thực tại vốn tràn đầy thơ mộng, nên càng khơi nguồn âm điệu dạt dào cho dân ca Nam Bộ giàu chất trỡ tình, đậm màu thi vị... chắp cánh cho những hoài bão ước mơ sớm trở thành hiện thực...

Chúng ta hãy làm quen với một đoạn hò tâm tình:

... Hò ơi!... Nho nhỏ như ai, chớ còn nho nhỏ như em đây luôn chặt dạ bền lòng. Dẫu cho nước Đồng Nai có chảy cạn, đá Đồng Nai có bị mòn, thì thủy chung như nhứt, trước sau em vẫn giữ sắt son lời nguyền... ơ

(Hò miền Đông Nam Bộ)

Hay những lời "oán trách" nhau trong điệu hò Trà Vinh:

Hò ơi... Tay cắt tay bao nỡ... ruột cắt ruột sao đành! Một lời thề biển cạn non xanh. Chim kêu dưới suối, vượn hú trên nhành, qua không bỏ bậu ơ ơ... mà sao bậu đành bỏ qua ơ ơ...

Cũng như tên nhiều miền của đất nước, hò là một điệu dân ca phổ biến ở Nam Bộ nói riêng. Hò được gắn liền với sông nước, với khung cảnh êm ả, phẳng lặng. Với một âm hưởng phóng khoáng, tự do, mang ít nhiều nhân tố "tự sự", "vịnh thán", hò thường được dùng để ngợi ca hay đề cao một đạo lý tốt đẹp nào đấy như lòng chung thủy sắt son, niềm tin yêu chặt dạ bền lòng... Âm điệu của các thể loại hò ở từng địa phương thường không giống nhau về chi tiết luyến láy, về các xử lý các "âm điệu" giữa câu, hay có đôi khi cũng khác nhau về kết cấu toàn bộ. Thí dụ như, hò Đồng Tháp thì kết ở một nốt thuộc "át âm", nhưng trong lúc đây, tuy cùng một điêu thức "xon", nhưng hò Miền Đông, hò Bạc Liêu, hò Gia Ninh, thì lại dùng nốt chủ âm để kết hoàn toàn.

Việc xử lý kếu cấu này tùy thuộc vào phong cách, vào nội dung của từng vùng, nhằm thể hiện được tính cách riêng biệt, màu sắc độc đáo, chứ không phải là không có dụng ý. Thông thường do ý nghĩa của nội dung lời hò giữ vai trò quyết định, nên giai điệu của hò này được tiến hành theo đường nét bình ổn, "lên dần" hoặc "xuống dần", cố tránh những bước nhảy quãng đột xuất, nhằm tạo ra một phong vị êm đềm, nhẹ nhàng như kiểu "ngân nga, tự sự", nặng đi vào chiều sâu lắng hơn là ầm ĩ, huyên náo. Hoàn cảnh xã hội ngày càng thay đổi, nên nội dung và hình thức hò cũng được cải biên và bổ sung cho thích hợp. Ví dụ như, khi Mặt trận Bình dân bên Pháp chiếm được nhiều thắng lợi trênn địa hạt chính trị, thì ở Nam Bộ, kế bên những loại hò mộc, hò huê tình, hò đối, hò thơ, hò truyện... lại xuất hiện thêm một loại hò gọi là hò quốc sự. Nội dung hò quốc sự đề cập đến những vấn đề chính trị cổ vũ và động viên tinh thần yêu nước của quần chúng. Sau đây là một đoạn của hò quốc sự.

Nữ (vấn):

Hò ơi ! Trên đời mọi vật bẩn nhơ
Đều nhờ rửa nước trở nên trong lành
Đến khi nước phải nhơ tanh
Lấy gì mà rửa xin anh phân cùng...

Nam (đáp):

Hò ơi ! Em ơi trải bao thế hệ oai hùng
Nước nhà lâm nạn anh hùng ra tay
Hi sinh bao quản thân dài
Máu đào từng rửa, "nước" rày thành trong...

Nội dung lới của hò phần lớn dựa trên cơ sở của lối thơ lục bát, nhưng khi xử lý thì có thể giữ nguyên, hoặc có khi lại mở rộng dài hơn để khớp với âm điệu của câu hò. Vì thế việc sáng tác ra những câu hò được đông đảo quần chúng tham gia dễ dàng và nhanh chóng thu hút được sự hâm mộ của quần chúng. Về tháng bảy âm lịch, thường là mùa cấy rộ và cũng là lúc mà các "vạn" cấy (như phường, hội) được có dịp trổ tài vừa cấy giỏi lại vừa hò hay... và dĩ nhiên sau những lần gặp gỡ, biết mặt... biết tài nhau... là đến những lời hò hẹn cho những ngày sau mùa gặt hái...

Kế bên những điệu hò trữ tình, êm dịu, dân ca Nam Bộ còn bao gồm những bài hát lý (hay là nhữngđiệu lý). Lý là những khúc hát ngắn gọn, vui tươi, dí dỏm, mang tính chất lạc quan yêu đời rõ nét với các dịp điệu phong phú và sinh động.

Như bài Lý ngựa ô (Nam Bộ):

Lý con ngựa... ngựa ô (2 lần)
Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen
Búp sen lá đậm - Dây cương đầm thấm
Cán roi anh bịt đồng thà...
Lá anh í a đưa nàng... là anh đưa nàng về dinh (2 lần)

... Nhưng cũng có khi, lý lại được pha lẫn vào chút ít màu sắc trữ tình man mác như bài Lý lu là:

Ai về giòng dứa mà qua truông
Nhắn thăm lu là với bậu ơ bậu ơi !
Bỏ buồn cho nàng ơi ! mà cho ai ?
Bỏ buồn cho nàng ơi ! mà cho anh !

Xét về phương diện âm hưởng nói chung toát ra từ các điệu hò và Lý Nam Bộ, chúng ta rút ra được chất tinh khiết, chân thật, tuy mộc mạc, pha lẫn chút in âm điệu mênh mông của hò, với nhịp điệu sinh động, vui phơi phới đầy tươi mát của các điệu lý. Đặc biệt về mặt kết cấu, lý cũng có những phân biệt câu cú, khúc, đoạn rõ ràng. Sự trình bày phần âm điệu được mạch lạc, có tính nhất quán toàn bộ, và dễ phát hiện, không cầu kỳ, phức tạp, ngổn ngang.

Cách vận dụng và xử lý các hệ thống điệu thức dân gian 5 cung hoặc 7 cung, hoặc 5 cung có thêm bớt bất thường trong thể loại lý, càng tạo thêm được nhiều sắc thái về giọng điệu, càng làm phong phú thêm, mở rộng ra nhiều khả năng kết hợp chặt chẽ giữa âm điệu và ngôn ngữ. Hiện nay, theo chỗ chúng tôi được biết thì các cơ sở nghiên cứu đã sưu tầm và chỉnh lý hơn 40 điệu lý như: Lý con sáo, Lý giao duyên, Lý cây bông, Lý chúc rượu, Lý chia tay, Lý cây gòn, Lý con chuột, Lý bình vôi v.v...

Mỗi điệu lý nói trên đều có một nội dung rõ rệt, hoặc phổ biến những kinh nghiệm sản xuất (như Lý đất dòng chẳng hạn), hoặc ca ngợi những đức tính tốt trong cuộc sống (như Lý Ba Tri), cái đẹp trong thiên nhiên (Lý cây xanh) hoặc oán trách nhau (như Lý lu là) hoặc mỉa mai, châm biếm bọn lý trưởng, cường hào (như Lý con chuột, Lý bình vôi, Lý con sam). Các chủ đề nhạc trong các điệu lý rất nhiều vẻ, dưới những hình thức rất độc đáo, nhưng lại rất quen thuộc với phong vị cổ truyền của quần chúng từ lâu đời.

Trong quá trình cải biên, bổ sung, dĩ nhiên có một số chủ đề trong các điệu lý được sáng tạo, nâng cao. Trong số ấy, chúng ta có thể lấy bài Ru con làm ví dụ. Từ bái Lý giao duyên của vùng Trị Thiên, bài Lý giao duyên của Nam Bộ đã tiến lên trong một quá trình hoàn chỉnh hơn dưới một tựa đề mới là Ru con. Đó cũng là một quy luật, một đặc điểm cần lưu ý khi nghiên cứu vốn dân gian cổ truyền để chúng ta phân biệt được tính giao lưu và tính bổ sung đổi mới luôn luôn của nó.

Lời bài hát Ru con, dân ca Nam Bộ:

Gió mùa thu... Mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ vừa năm
Hỡi chàng... chàng ơi !
Hỡi người... người ơi !
Em nhớ tới chàng... Em nhớ tới chàng !
Hãy nín ! nín đi con !
Hãy ngủ ! ngủ đi con !
Con hời... con hỡi...

Con hỡi... con hời... hỡi con !...
Toàn bộ nội dung của bài hát được diễn tả trong sáu câu. Chỉ với 6 câu thôi, nhưng cũng đủ để vẽ nên một "bức tranh âm thanh" tuyệt diệu:

..."Giữa một đêm thu tĩnh mịch... lắng nghe từng cơn gió lành lạnh nhẹ lướt ngoài khung cửa... người mẹ trẻ ấy... vừa ru con, vừa nghĩ đến người thương... vừa nghĩ đến người thương, vừa ru con!...". Âm điệu đơn giản, lời lẽ ngắn gọn, cô đọng đến mức không thể nào thêm được vào đấy một nốt hay một chữ nào nữa cả...

Sự kết hợp như hình với bóng của âm điệu và lời ca đã thúc đẩy thêm nhanh chóng sự gần gũi giữa hình tượng nghệ thuật và quần chúng. Có những lúc, chúng ta như nghe được cả những nức nở, nghẹn ngào... đang trào lên từng đợt, từng đợt như:

Hãy nín ! nín đi con
Hãy ngủ ! ngủ đi con !
Con hời.. con hỡi

Toàn bộ bài hát được kết thúc bằng một sự đóng lại thư thả trên đường nét đi xuống của giai điệu chậm rãi... nhỏ dần... và chấm dứt... nhưng chúng ta như vẫn còn thấy đọng lại đâu đây hình ảnh người thiếu phụ đêm thu... ru con ngủ..., hình ảnh của một sự đợi chờ... của một lòng sắt son chung thủy !

Chất liệu dân ca Nam Bộ đã được nhiều nhạc sĩ quen biết vận dụng vào những ca khúc hiện đại, và có nhiều ca khúc thành công. Trần Kiết Tường là một tác giả, ngay từ những ngày đầu Kháng chiến chống Pháp, đã có công nghiên cứu và khai thác các chất liệu cổ truyền trong dân ca Nam Bộ. Anh đã thể nghiệm cách áp dụng và xử lý chất liệu dân ca Nam Bộ qua nhiều tác phẩm, nhưng phải nói rằng, trong ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người...

Anh đã thành công nhất qua tác phẩm này. Bắt nguồn từ âm điệu tổng hợp của các điệu hò quê hương, ang đã rút ra được cái nét đơn giản, mộc mạc, bình dị, nhưng lại sáng chói và phong phú trong phong cách xử lý và vận dụng kết hợp chặt chẽ giữa nội dung và hình thức. Anh đã biết thổi vào những hình tượng một hơi thở tràn đầy sinh khí ấm áp, quen thuộc như một mùi hương dìu dịu của đất trời Nam Bộ. Trong tất cả những thứ bề bộn, ngổn ngang này, anh đã biết chọn lọc và gạn ra được những nét điển hình, cô đọng, độc đáo, nhưng lại rất chung, mang sức khái quát cụ thể cho tính cách và yếu tố tâm lý của dân tộc, của địa phương mình. Khi chúng ta nghe những câu hát sau đây:

Tôi hát ngàn lời ca
Nồng nàn hơn nắng ban mai
Đẹp tình hơn cánh hoa mai, v.v...

Làm sao ta không liên tưởng đến phong cách đối tỉ như:

Nho nhỏ như ai... chứ còn nho nhỏ như em đây

(Trong hò Miền Đông)

hoặc:

... Tay cắt tay bao nỡ... ruột cắt ruột sao đành

(Trong hò Trà Vinh)

Hình ảnh Bác được tác giả kính cẩn, trang nghiêm đặt vào trong tim, trong máu của đồng bào Nam Bộ một cách sâu sắc, thâm trầm. Nó gợi một cái gì rất chân tình, rất bao la, phóng khoáng như những cánh cò bay dịu dàng trên nền trời xanh thẳm của quê hương Đồng Tháp.

Chất liệu của âm điệu không cầu kỳ, phức tạp hay vặn vẹo, đã thâm nhập một cách nhanh chóng vào trực giác một lượt với sự chuyển đưa hình tượng trong một nhịp điệu khoan thai, những lời ca mộc mạc, dễ hiểu vào nhận thức, nên ngay từ phút giây đầu đã hình thành được hệ thống thu nhận rung cảm và được nảy nở liên tục một cách tự nhiên thoải máu. Cái đáng lưu ý nhất là sự phát triển lô-gích tính chất nhất quán của toàn bài, dù rằng ở đoạn II, tác giả đã bắt đầu vận dụng sự tái hiện chủ đề có thay đổi, và chuyển dịch giọng điệu ở một quãng 4 trên.

Chính ở đây cũng là trận địa quyết định sự thất bại hay thành công trong việc áp dụng phát triển chất liệu dân ca vào một sáng tác mới. Trần Kiết Tường đã thành công, vì rằng anh đã biết vận dụng các quãng một cách linh động, không chói tai, tuy có sử dụng biến hóa bất thường đối với một số nốt như "xon" thăng, "đô" thăng, nhưng cái chủ yếu là ở cái nét chung, cái dáng dấp, cái hơi thở của tác phẩm, chứ không phải máy móc, đặt vai trò quyết định "tính dân tộc" vào cho một số biến hóa tạm thời. Như thế thì e rằng sẽ làm hỏng đi cái kho tàng quý báu của dân tộc hơn là kế thừa nó.

Bài hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người là một thành công tương đối rõ rệt nhất trong việc vận dụng và khai thác, xử lý vốn dân ca vào sáng tác được nhân dân cả nước ưa thích như: Bài ca may áo, Qua sông, Xuân chiến khu, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Má thương ai nhứt? Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Người con gái đồng bằng sông Cửu Long, Gởi anh đi đầu quân, Lên ngàn... của các nhạc sỉ Xuân Hồng, Phạm Minh Tuấn, Hoàng Hiệp, Lư Nhất Vũ, Nguyễn Thơ, Hương Loan, Huỳnh Thơ, Hoàng Việt, v.v... Bằng những phong cách riêng biệt, bút pháp độc đáo của mình, các nhạc sĩ kể trên đã góp công một cách đáng kể vào quá trình kế thừa, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa chất liệu quý báu cổ truyền của dân ca Nam Bộ đã được nhân dân từ thế hệ này sang thế hệ khác gìn giữ và nuôi dưỡng...

Dân ca là một mảnh đất trù phú, một kho tàng âm điệu vô tận, nơi tập trung của tất cả những nhân tố thể hiện trực tiếp nhất, sinh động nhất tính cách dân tộc của một địa phương hay một dân tộc nào đó. Và nền âm nhạc chuyên nghiệp với tất cả những hình thức phong phú muôn màu muôn vẻ của nó cũng đều bắt nguồn từ di sản dân tộc, từ vốn cổ truyền của thế hệ trước để lại. Vì thế, tìm hiểu được kho tàng quý báu ấy đã là một chuyện không dễ, nhưng cái khó hơn hết, cái quyết định hơn hết là cần phải biết gạn đụa, khơi trong, phải biết chọn lọc, lấy ra cái gì "tinh" nhất để phục vụ tốt cho cái hiện tại. Đó là vấn đề rất thiết yếu mà các nhạc sĩ nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, huấn luyện, không riêng cho một địa phương nào, đều nhận thấy trách nhiệm của mình trước nhân dân trong việc xây dựng một nền văn học nghệ thuật tiên tiến có tính chất dân tộc và tính nhân dân sâu sắc.
Sưu tầm






Hịch Tướng Sĩ / Sưu tầm


TẾT Bản làng / Sưu tầm


Nguyễn Trãi / Sưu tầm


Dân ca Nam Bộ / Sưu tầm

Khảo cổ học / Sưu tầm


Chử Đồng Tử / Sưu tầm

Liên Hợp Quốc / Sưu tầm


Tranh Đông Hồ / Sưu tầm

Dân tộc Việt Nam / Sưu tầm

Long Thụ Bồ Tát / Sưu tầm

Thần thể / Sưu tầm


Chùa Việt Nam / Sưu tầm

Tôn giáo / Sưu tầm

Đạo Phật / Sưu tầm

Kitô Giáo / Sưu tầm





Tiếng Phạn / Sưu tầm

Trà Đạo / Sưu tầm


Bài tâm tướng / Sưu tầm


Long Thụ / Sưu tầm


Ngũ Thời / Sưu tầm

Mahātmā Gāndhī / Sưu tầm








Lý đạo là Xuân / Sưu tầm


Tâm thanh tịnh / Sưu tầm


Học đạo để nên người thánh thiện,
Tu hành cần rèn luyện thân tâm,
Có thân, thân chớ đọa trầm,
Có tâm, tâm chớ lạc lầm phàm phu.

Đức Đông Phương Lão Tổ, CQPTGL, 04-6 tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây