Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Thanh An Tự / Trích Lịch sử đạo Cao Đài I - CQPTGLĐĐ.

    Thanh An Tự là tên ngôi chùa của đàn Minh Thiện. Tọa lạc trên đường Hùng Vương, thị xã Thủ ...


  • "Sự tín ngưỡng : Thầy rất mừng các con giờ nầy đến đây, trước vui cùng các con, Thầy ngẫm ...


  • Tam Thánh Ký Hòa Ước / Hiền tài Nguyễn Văn Hồng

    Tam Thánh ký hòa ước là ba vị Thánh ghi chép bản Thiên Nhơn Hòa Ước lên tấm bảng đá, ...


  • Thanh Tĩnh Kinh / Lê Anh Minh dịch và phụ chú

    清 靜經 Thanh Tĩnh Kinh ● Lê Anh Minh dịch & chú thích Kinh này có tên gọi đầy đủ là «Thái ...


  • Question I am also interested in hearing more about ways in which Caodaism is becoming "globalized"----linked to communities in other countries ...


  • Đức Lão Tử viết : “Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ...


  • Nói đến Ngũ Chi Đại Đạo chúng ta có thể liên tưởng đến Ngũ Chi gồm: Nhơn đạo, Thần đạo, ...


  • Cảm hoài dòng Sử Đạo / Nhịp cầu giáo lý

    Đại Đạo TKPĐ khai mở chưa được một thế kỷ, thế mà khi lần giở những trang sử đạo người ...


  • Đạo thời trung / Thánh giáo

      Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý,  ngày 29 tháng 8 Quí Hợi THI   NHƯ  vầy không nở Lão làm ngơ,   ...


  • Nét sử khen ai / Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn

    Vĩnh Nguyên Tự Ngọ thời, 03-12 Tân Hợi (18-01-1972)


  • Hình thể Đạo & Ý thức hệ Cao Đài / Thánh giáo Đức Lý Giáo Tông

    Ôn học lời dạy của Đức Lý Giáo Tông Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Tuất thời, 15-01 Giáp Dần (06-02-1974)


  • Giao cảm / Ban Biên Tập

    Thu về: mùa thâu liễm Tiết trời đã vào Thu, những đám mây xám làm bầu trời thấp xuống và mưa ...


13/05/2004
Thiện Hạnh

Cảm ứng

1. Khái quát
2. Luật cảm ứng
3. Kinh cảm ứng
4. Ứng dụng
- Kiểm soát tư tưởng
- Hồi hướng công đức tọa thiền
- Thông công giữa Trời và người

1. KHÁI QUÁT

Khi dạy về cảm ứng, Đức Mẹ đã ban ơn nhận xét như sau:

"Một trong những tinh hoa của Thái Thượng Lão Quân hay Lão Tử, đó là cảm ứng. Chỉ có hai chữ cảm ứng này thôi, nhưng nó không phải giản dị như các con hằng tưởng, hằng định nghĩa và hằng giảng dạy cho huynh đệ tỷ muội các con thường nghe trong các buổi giảng. Các con định nghĩa rằng: hễ mình có cảm cùng Trời, cùng Thần minh, thì Thần minh sẽ ứng lại, chỉ giản dị trong phạm vi cầu nguyện hoặc tham thiền tịnh định đó thôi"

Theo Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh, cảm ứng có nghĩa là: "lấy tinh thần mà cảm động thần linh. Cái cảm tình theo cảm giác mà sinh ra, như ăn đường thấy ngọt, ăn ớt thấy cay. Cảm là nhân, ứng là quả; cảm là nguyên động lực, ứng là bị động lực, tỷ như thiện cảm mà phúc ứng, ác cảm mà họa ứng"

Theo định nghĩa trên, cảm ứng có ba ý nghĩa: sự liên hệ về tư tưởng giữa con người với cõi vô hình; sự cảm giác khi con người tiếp xúc hoặc tác động với một môi trường khác (thí dụ như ăn đường thấy ngọt) và sự liên hệ nhân quả (thí dụ như tư tưởng lành thì gặp điều tốt, tư tướng xấu thì gặp tai họa).

Một cách tổng quát, có thể hiểu cảm ứng là sự tác động của con người theo hai trục nằm ngang và thẳng đứng. Ở trục nằm ngang cảm ứng là sự tác động của con người đối với vạn loại nơi cõi thế gian gian nầy. Vạn loại bao gồm từ hàng thảo mộc, thú cầm cho đến con người và cả môi trường tự nhiên. Ở trục thẳng đứng cảm ứng là sự tác động của con người với cõi thiêng liêng gồm cả thượng đẳng và hạ đẳng thiêng liêng.

Cảm ứng có giá trị về nhân sinh và tâm linh. Về mặt nhân sinh, phần lớn các khám phá hay phát minh khoa học đều do hệ quả của cảm ứng. Thoạt đầu tiên các nhà bác học đều ôm ấp suy tư những ý tưởng trong một thời gian khá dài. Đến một lúc nào đó sự suy tư miệt mài đã được đền bù xứng đáng, họ đã sáng chế ra những phát minh có giá trị cho nhân loại. Sự suy tư thiết tha không lúc nào dừng của bản thân chính là phần cảm, kết quả phát minh đến với họ chính là phần ứng.

Có thể minh hoạ một ví dụ của sự phát minh ra máy bay của hai anh em nhà Wright là Wilbur và Orville Wright. Ngay từ thuở nhỏ, hai người này đã có ý nghĩ con người có thể bay được và họ đã bị khổ sở trong nhiều năm bởi ý tưởng trên. Khởi nghiệp từ năm 1892 bằng một cửa hàng buôn bán xe đạp ở bang Ohio (Mỹ), nhưng hai ông vẫn mày mò rất nhiều thí nghiệm để con người có thể bay lên khỏi mặt đất. Họ bắt đầu chế tạo một chiếc "diều" sải cánh dài 1.5m bằng gổ, vải và dây thép. Sau đó là việc chế tạo một ống quạt gió để thử cánh máy bay, và hàng loạt các thí nghiệm khác. Đến năm 1903, chiếc máy bay có động cơ Flyer do Orville lái cất cánh bay được 35m trong 12 giây. Sự thành công này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành hàng không thế giới.

Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã xác tín: "Ngày nay, những nhà bác học đã phát minh từ chiếc phi cơ đến việc phát minh tìm ra điện năng để phụng sự tiện nghi cho con người, cũng do nơi đó mà ra. Họ chỉ nhìn thấy đứa bé thả diều giấy hoặc cánh chim bay mà đạt lý, hoặc chợt họ chỉ thấy hai viên đá chạm nhau hoặc những thanh gổ cọ sát nhau mà họ đạt lý của điện năng v.v. và v.v."

Chắc hẵn rằng để đi đến được thành công trong việc phát minh ra máy bay mặc dù chỉ bay được có 12 giây vào năm 1903, hai ông Wilbur và Orville Wright đã quan sát rất nhiều những cánh diều hoặc cánh chim bay cộng với lòng tha thiết tư duy không lúc nào ngưng nghỉ của chiều cảm, đã mang lại kết quả phát minh nơi chiều ứng.

Và còn rất nhiều phát minh khoa học khác nữa trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, thiên văn, y học, sinh vật, máy tính, v.v. ít nhiều đều do cảm ứng mà thành tựu.

Trong Dịch lý, ngày xưa vua Phục Hy chỉ nhìn thấy con Long Mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà đội một cái bản đồ, đã vạch ra Hà Đồ. Còn vua Vũ khi đi trị thủy trên sông Lạc nhìn thấy con rùa thần trên lưng có những nét đếm từ 1 đến 9, đã vạch ra Lạc Thư. Từ Hà Đồ và Lạc Thơ, Thánh nhân đã vẻ ra Bát Quái Tiên Thiên và Bát Quái Hậu Thiên. Thánh nhân cũng theo nguyên lý cảm ứng giữa Trời và người đã phát minh ra những nền tảng đầu tiên của Dịch Lý. Điều nầy đã được Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy như sau:

"Chư đạo hữu! Khởi đầu bài học Dịch Lý, chư đạo hữu thấy những gì trước tiên? Có phải thấy con Long Mã tượng trưng cho Hà Đồ và con rùa tượng trưng cho Lạc Thơ chăng? Kế tiếp hai hình tướng ấy định lý thế nào là Bát Quái Tiên Thiên và thế nào là Bát Quái Hậu Thiên?

Ngày nay bộ kinh Dịch đã được thế nhân khai thác truyền tụng và áp dụng từ chỗ định lý đến hình thức, từ ngôn từ đến tác dụng hiển hách của nó đã thành chương, thành tiết, thành mục rõ rệt. Nhưng buổi ban sơ trên con Long Mã ấy nào đâu có chương tiết mục, cũng như trên con rùa ấy nào đâu có chương tiết mục. Tại sao thế? Đó là điểm mà Bần Tăng muốn hỏi khi nãy (…)

Tại sao ngày xưa chỉ thấy hình con Long Mã mà người ta đã vẻ lên thành bản đồ Bát Quái Tiên Thiên có đủ những vạch: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Cũng như thế tại sao chỉ thấy con Rùa trên lưng có những lằn ngang lằn dọc mà người ta đã vẻ lên được hình Bát Quái Hậu Thiên.

Sở dĩ có được như vậy bởi lòng thiết tha của hành giả đã đem hiến trọn tâm thành của mình hòa đồng với đại thiên địa. Khi đã hòa đồng từ tiểu nhân thân với đại thiên địa, cả hai như một, linh hiển là ở chỗ đó"
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư còn cho biết là những ngành thôi miên, bói toán, luyện chú, v.v. đều có sự liên hệ đến cảm ứng. Bất cứ quẻ bói toán nào mà không có chí thành tâm nguyện của người cầu xin thì khó có thể đạt được sự ứng nghiệm. Đây chính là điều kiện bắt buộc ở chiều cảm để có thể nhận được kết quả hiển linh nơi chiều ứng.

2. LUẬT CẢM ỨNG

Như đã trình bày nơi phần khái quát về ý nghĩa của hai chữ cảm ứng bao hàm hai chiều có sự liên hệ rất mật thiết với nhau: một chiều là phần cảm và chiều ngược lại là phần ứng. Tác dụng của cảm ứng tác động lên cả hai trục nằm ngang và trục thẳng đứng. Nơi trục nằm ngang là sự tác động của con người trong cõi hữu hình nầy và sự tác động nơi trục thẳng đứng là sự tác động của con người vượt ra khỏi cõi hữu hình nầy sang qua cõi vô hình. Khi chiều cảm hội đủ một số điều kiện sẽ mang đến kết quả tất yếu nơi chiều ứng trong mọi trường hợp. Do đó, có thể nói, cảm ứng là một định luật.

Đức Mẹ đã nêu lên một vài minh họa giúp con người hiểu được một cách khái quát về luật cảm ứng ứng dụng trong đời sống nhân sinh như sau:

"MẸ dạy các con hiểu thêm về hai chữ cảm ứng, nói đúng hơn đó là Luật cảm ứng. Cái vỏ quẹt đựng một số diêm quẹt, nếu con để yên một chỗ, dầu muôn đời cũng không làm sao loé lên dúm lửa. Dòng điện trong tòa nhà trang trí đầy đủ các tiện nghi về điện, nếu các con không dụng công sử dụng, thì có bao giờ mới thấy được hiệu năng của điện? Về vật dụng của người thợ hồ như: xi măng, cát vôi, nước, đá có sẵn, nếu con không dụng công hòa hợp thì làm sao có được một bả hồ sử dụng đúng tỷ lệ chất liệu của nó? Trong khoảng không gian đang có âm thanh và hình ảnh của các đài truyền thanh, truyền hình phát ra, nếu các con không dụng công mở máy thu thanh, thu hình thì làm sao các con thưởng thức được những âm thanh hình ảnh đó. (…) Trái chín đang ở trên cây, con phải dụng công hái bẻ mới có mà ăn, chớ không phải há miệng trông chờ trái rụng?"

Bằng cách minh họa các thí dụ rất đơn giản như vỏ hộp quẹt và diêm quẹt, dòng điện và công tắc, vật liệu xây dụng của người thợ hồ, tivi và ăn-ten, v.v. Những vật dụng nói trên nếu để một cách tự nhiên sẽ không mang lại tác dụng hữu ích nào cả, mà phải có sự tác động của con người ở chiều cảm bằng cách bặt cây diêm quẹt vào hộp quẹt, bật công tắc điện, trộn các loại vật liệu xây dựng, mở máy tivi. Nếu chiều cảm này hội đủ các điều kiện nhất định, thì con người sẽ nhận được kết quả nơi chiều ứng.

Như vậy, Luật cảm ứng qui định rằng giữa con người và vạn vật, giữa con người và con người, giữa con người và vũ trụ có mối liên hệ rất mật thiết với nhau (vì có cùng chung một bản thể qui định bởi nguyên lý Thiên địa vạn vật nhất thể), do đó, bất cứ một tác động nào của con người lên đối tượng khác ở chiều cảm đều nhận được sự tác động trở lại nơi chiều ứng.

Sự tác động của con người ở chiều cảm, suy cho cùng cũng không ngoài ba yếu tố là tư tưởng, lời nói và hành động hay thân, khẩu và ý. Trong đó, tư tưởng hay ý niệm là điểm mấu chốt quan trọng nhất. Bởi lẽ, từ tư tưởng mới phát xuất ra lời nói và hành động. Có thể rất hiếm hoặc không có trường hợp lời nói và hành động lại không phát xuất từ tư tưởng con người.

Cảm ứng có hai chiều là chiều cảm và chiều ứng. Chiều cảm là chiều của sự tác động từ con người đi ra và chiều ứng là chiều tác động trở lại lên chính con người. Cảm ứng theo trục thẳng đứng hướng lên đối với cõi thượng đẳng thiêng liêng chính là Thiên nhân tương cảm. Cảm ứng theo chiều thẳng đứng hướng xuống (tạm qui ước) đối với cõi hạ đẳng thiêng liêng lại là Tà thần tương tác. Cảm ứng theo trục nằm ngang nơi cõi thế giới hữu hình nầy chính là nhân quả báo ứng. Như vậy, cảm ứng bao hàm ý nghĩa rất rộng từ nhân quả báo ứng cho đến thiên nhân tương cảm. Cảm ứng còn chi phối phạm vi rất rộng từ cõi hữu hình đến cõi vô hình, từ hữu thể đến siêu vi.

THIÊN NHÂN TƯƠNG CẢM (Trục dọc)

Do bộ máy tiểu nhơn thân của con người và bộ máy đại thiên địa của vũ trụ có cùng chung một bản thể cho nên tương liên, tương hệ với nhau không một giây phút nào ngừng nghỉ. Sự liên hệ đó được thể hiện trong nhiều lĩnh vực như: cầu nguyện, hành đạo, v.v.

Cầu nguyện

Con người tuy nhỏ bé so với vũ trụ bao la, nhưng lời thỉnh cầu, nguyện lực của con người với lòng chí thành chí kỉnh có thể vượt ra khỏi thế giới hữu hình này đến tận Thiên cung mà không cần phải dùng bất cứ phương tiện truyền thông hiện đại như điện thoại internet, điện thoại vệ tinh, v.v.

Cũng xin nêu lên đây một ví dụ để minh họa. Một vị tiền bối Cơ Quan vì e rằng trong lúc thọ trọng bệnh để trả nghiệp tiền khiên phải thọ những vật dụng trọng trược nên đã cầu khẩn Đức Tôn Sư ban ơn triệu hồi. Lòng chí thành cầu nguyện đã được Ơn Trên chứng chiếu. Trong một dịp lai cơ, vị tiền bối đã thố lộ như sau:

"Sợ nguơn thần vướng vòng ô trược,
Đêm đêm cầu cho được hồi qui;
Nỗi lòng trời đất chứng tri,
Tôn Sư mở lượng từ bi hải hà.
Bắt dã nhơn cho hòa thể phách,
Dụng thần thông trọng trách phó giao;
Thay vào trả nghiệp khổ đau,
Mãn căn sẽ được lộc cao hưởng nhờ.
Đêm hai bảy đúng giờ viên khởi,
Tiết Đông Thiên Tân Hợi lạnh lùng;
Chơn hồn phiêu phưỡn thung dung,
Nương theo tay áo chín trùng thượng thăng.
Vào thạch thất ngồi an tu luyện,
Chờ mãn căn xuất hiện huyền công;
Tuy hồn lìa cõi hồng trần,
Nhưng còn ảnh hưởng trong vòng nhục thân.
Cứ mỗi lúc chịu phần trọng trược,
Là một lần thạch thất cảm giao;
Nhớ xưa Nhượng đả long bào,
Chỉ trong chiếc áo đớn đau nhiều bề"

Câu chuyện của Ngài chứa đựng những sự huyền diệu thiêng liêng. Tuy chơn linh của Ngài đã được Đức Tôn Sư đưa về Thượng Giới để tu luyện nhưng Ngài vẫn phải chịu sự tác động giao cảm với phần nhục thân đang còn phải trả nghiệp tại cõi trần nầy. Vì thế, Ngài mới phải thốt lên: "Tuy hồn lìa cõi hồng trần/ Nhưng còn ảnh hưởng trong vòng nhục thân/ Cứ mỗi lúc chịu phần trọng trược/ Là mỗi lần thạch thất cảm giao)

Có thể nêu lên một thí dụ khác, trong một lần giáng điển, Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy: "Tiện đây Lão cũng dạy B.T. (…) Lão chứng lòng hiếu tử của V.N.C. tha thiết nguyện cầu, động đến Tiên cung. Lão giáng nơi đây để dạy cháu chuyển lời lại với C. rằng: L.T.Tr khí số đã hết rồi, dầu có lưu lại cũng chẳng bao lâu, nhưng nó hãy thành tâm cầu nguyện để Lão giúp một lần xem sao, nhưng phải cần nhờ các đại đức chứng minh thì may ra được ân lành chan rưới. Đời người mấy ai qua khỏi một lần sanh tử, nhưng hiếu tâm Lão cũng đáng khen. Vậy yên lòng nuôi Mẹ, Lão chứng minh cho"

Qua đoạn thánh giáo trên, tấm lòng thiết của hàng tử tôn khẩn cầu Đức Như Ý ban ơn lành cho người thân được khỏi bệnh. Lời khẩn cầu chí thành đó đã cảm ứng đến Ngài. Tuy nhiên, Đức Như Ý đã nhắc nhở rằng cầu nguyện muốn cho có kết quả thì cần phải cậy đến nguyện lực của các đại đức, hoặc của hội thánh. Chính vì thế mà ngày xưa Đức Phật dạy Ngài Mục Kiền Liên mặc dù lúc bấy giờ đã đắc đạo, phải nhờ oai lực nguyện cầu của chư tăng mới cứu được Mẹ của Ngài Mục Kiền Liên thoát nơi Phong đô.

Trong buổi đầu khai minh Đại Đạo, Sử đạo Cao Đài có ghi nhận trường hợp một vị Tiền khai thọ thiên ân đến bực Chưởng Pháp, Ngài đã sớm liễu đạo vào cuối năm Bính Dần (1926). Đức Chí Tôn dạy quý vị tiền bối thành tâm cầu nguyện lên Tòa Tam Giáo, lời dạy như sau: "Thầy ngặt một lẽ, chẳng thế nào mà đem T. vào Tam Thập Lục Thiên, phải để nó nơi Đông Đại Bộ Châu mà chờ Tòa Tam Giáo phát đạt.

Thầy có để lời cho Thái Bạch Kim Tinh cầu rỗi, nhưng Người giận T. không công quả, dâng Bộ Công Thiên Thơ ra trống trải lắm. Tại nơi Tòa mới cải chối nỗi gì. Người nhứt định không dự đến. Các con nghe à!

Vậy trong hịch văn sớ tấu, các con phải thượng nơi Tòa Tam Giáo mà cầu rỗi cho nó thiệt hết lòng, rồi Thầy sẽ rỗi cho nó. Các con hiểu"

Nguyện lực vô cùng thành khẩn của chư vị Tiền Khai Đại Đạo lúc bấy giờ đã thấu đến Ngọc Hư Cung theo luật Cảm Ứng. Chính có sự cầu rổi, mà theo lời dạy của Thầy phải "thiệt hết lòng", thì Thầy sẽ siêu rổi.

Tuy nhiên, nếu lời cầu nguyện cho dù thật chí thành chí kỉnh, nhưng lại không phù hợp với đạo lý, tất nhiên sẽ không nhận được kết quả nơi chiều ứng, bởi vì nơi chiều cảm tuy có nhưng lại chưa hội đủ một số điều kiện nhất định mà trong trường hợp dưới đây là phải phù hợp với luật công bình. Xin được minh họa một thí dụ đã được Đức Giáo Tông Đại Đạo nêu lên:

"Ch.T., Hiệp Lý Minh Đạo của Cơ Quan, hiền đệ đã có tâm lẫn có tài, chỉ thương vì nhiều năm oan nghiệt mà hiền đệ đã và đang phải trả, mặc dầu vậy hiền đệ vẫn còn gìn giữ bổn nguyên, trau giồi bổn tánh, nên sự hiện diện của hiền đệ trong Cơ Quan hiện tại là lẽ dĩ nhiên . Hiền đệ cầu xin Chí Tôn có một điều. Cười! Cười! Điều đó Bần Đạo chắc rằng giữa đây cũng có nhiều người muốn xin, nhưng không dám. Nếu Bần Đạo cho thì phải cho đồng đều tất cả, mà nếu cho tất cả ắt phạm luật Thiên Điều (…)

Trên Thiên Đình đã có luật công bình cầm cân thưởng phạt, nhưng sự thưởng phạt đó không phải tự ý từ Thiên Đình đem đến cho người thế gian, mà do bởi nghiệp duyên vay trả của người thế gian mà có"

Hành đạo

Trong một dịp giáng đàn, chư vị Tiền Khai Đại Đạo có cho biết là kết quả hành đạo của các môn đệ Cao Đài tại trần gian cũng đã ảnh hưởng và tác động đến chư vị Tiền Khai Đại Đạo nơi cõi Vô Hình theo luật Cảm Ứng.

"Chúng Tiên Huynh đến hôm nay để mừng Cơ Quan được 18 năm phổ thông giáo lý Đại Đạo. Người về trước, kẻ đến sau cũng cùng một tinh thần tu học và hành đạo độ đời. Hai năng lực hữu vô song song vận hành tác động vào cuộc đời đang diễn tiến để cứu độ nhơn sanh. Nếu vì một lý do nào đó mà chư Thiên ân chậm bước làm ngưng trệ một bên thì hậu quả là những phức tạp biến sanh nơi lòng người hóa ra đảo điên vọng động mà thế thường gọi là khảo đảo. Vì thế, nên Thánh xưa có dạy: "Đạo bất khả tu du lỵ dã". Nhỏ thì sân hận, thị phi, bỏ tu, phạm giới; lớn thì pháp nạn. Chi chi cũng tại lòng người đó thôi. Chúng Tiên Huynh ở cõi thượng thiên cũng bị ảnh hưởng vì luật cảm ứng"

Có một dịp Đức Giáo Tông Đại Đạo nhắc nhở là giữa các Đấng Thiêng Liêng và các hàng Thiên ân sứ mạng tuy ở hai cõi sắc không, nhưng vẫn cùng chung một sứ mạng là hoằng đạo độ nhơn, cùng chung một nhiệm vụ xây dựng cõi đời Thượng ngươn Thánh đức cho nhân loại. Thế mà lại chưa cảm ứng với nhau, chưa thông cảm với nhau.

"Bần Đạo đã đến với chư đệ muội sau lệnh phê phán của Đức Chí Tôn và Hội Công Đồng Tam Giáo. Từng bước chân, từng việc làm cho đến mỗi tâm tư suy diễn đều được thần minh ứng trực. Thế chư đệ muội chưa cảm nhận được sao? Có lẽ vì động tâm nên không nhận Thái Bạch Kim Tinh bằng Thần, mà chỉ trông thấy Thái Bạch ở tận Linh Tiêu. Giờ này gặp nhau bằng linh cơ điển bút là điều trở ngại cho chư đệ muội. Một sứ mạng song hành nhưng chưa gặp gỡ và chưa hiểu biết nhau "

Sự giao cảm giữa con người và thần linh muốn được cộng thông thì cần phải có điều kiện là lòng chí thành chí kỉnh. Người học đạo xưa nay cũng cần phải có lòng chí thành tham cầu đạo học mới được các đấng chơn sư thâu nhận làm môn đệ. Ngài Huệ Khả phải quì gối mấy ngày đêm dưới trời tuyết sương giá lạnh và cuối cùng đã đoạn lìa cánh tay để tỏ lòng quyết tâm cầu đạo với Ngài Bồ Đề Đạt Ma, Huỳnh Đế phải phải đi bằng đầu gối từ chân núi đến động phủ để làm lễ cầu đạo với Ngài Quảng Thành Tử. Sau đây là câu chuyện cầu đạo của vua Huỳnh Đế được Đức Thánh Trần Hưng Đạo thuật lại:

"Nói đến đời xưa như bực đế vương, là thầy thiên hạ, cha chúa của dân, nhưng vua cũng chưa phải là đích cao cứu cánh. Đạo đức làm Tiên làm Phật mới xứng thay quyền Trời. Như Huỳnh Đế ba phen cầu Đức Quảng Thành Tử học đạo nhiệm mầu. Đến đổi một ông vua hạ mình mà vào non lạy Thầy hỏi Đạo. Quảng Thành Tử nằm chẳng ngồi mà tiếp lại còn quở trách đủ điều. Đi học Đạo như Huỳnh Đế chưa đủ lễ bên ngoài, chưa đủ kỉnh bên trong, còn xe ngựa, còn áo xiêm, còn kẻ hầu người hộ, thì cầu Đạo chưa đủ. Nên lần chót tự Huỳnh Đế đích thân bận đồ thường dân, tự quỳ đi bằng đầu gối từ chân núi đến động trung máu rơi từng giọt, dính cả hòn sỏi cục đá, thật lòng cầu Đạo đến mức tận tâm"

Lần đầu tiên vua Huỳnh Đế đến cầu đạo với Ngài Quảng Thành Tử bị từ chối vì "bên ngoài chưa đủ lễ, bên trong chưa đủ kỉnh". Do đó, điều kiện để cho sự tác động của luật Cảm Ứng hay sự tác động của phần ứng chưa hội đủ. Mãi đến lần sau cùng, vua Huỳnh Đế thể hiện lòng chí thành chí kỉnh tột bực bằng cách quỳ gối để đi từ chân núi lên đến động phủ. Lúc bấy giờ, điều kiện của luật Cảm Ứng mới đạt được, vua Huỳnh Đế mới được Ngài Quảng Thành Tử thâu nhận làm đệ tử.

Trong một thời thuyết pháp vô vi của Đức Phật, Ngài đã đưa lên một đóa hoa sen và không thốt lên một lời nào. Toàn tăng chúng không ai hiểu được đạo ý của Đức Phật, ngoại trừ vị đại đệ tử là Ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm cười. Quả thật vậy, chỉ có một mình Ngài Ca Diếp đã lãnh hội được thời thuyết pháp không lời nầy của Đức Phật. Vâng, chỉ có Ngài Ca Diếp mới giao cảm được cùng Đức Phật. Điều nầy cũng có thể ví như "tần số" mà Đức Phật đã phát ra, chỉ có Ngài Ca Diếp bắt được mà thôi.

NHÂN QUẢ BÁO ỨNG (Trục ngang)

Trong thế giới hữu hình hữu hoại này, con người tác động với vạn loại: môi trường thiên nhiên, thực vật, thú cầm và đồng loại. Sự tác động nầy diễn ra trên cả ba mặt là tư tưởng, lời nói và hành động ở chiều cảm, tất sẽ nhận được sự tác động trở lại nơi chiều ứng.

Đức Trần Hưng Đạo minh chứng rằng có những tuyệt phẩm, tuyệt tác về thơ ca, âm nhạc của người xưa đã mang lại một tác dụng rất lớn, không những đối với con người mà còn ảnh hưởng vạn loại, không những tác động trong cõi hữu hình nầy mà còn rung cảm đến cõi vô hình nữa.

"Thi ca, như thơ của Lý Bạch tặng Công Uông Luân, thiên hạ khen là thơ vượt ngoài thức văn luận; như văn mà cảm đến vật loại, là bài văn tế cá sấu của Hàn Dũ đời Đường; văn mà cảm đến cõi vô hình, làm cho các hồn oan chiến sĩ khóc oà như văn tế Khổng Minh, văn làm cho chúa ôn kinh khiếp, là bài Chính Khí ca của Văn Thiên Tường.

Nhạc làm cho gió tuông mưa lủ, cảm cả cỏ cây chim muông như của Hoạn Nương trong Liêu Trai Chí Dị; làm cho tan nát quả tim của muôn vạn hùng binh là khúc địch của Trương Lương"
Sự tác động của con người về phương diện tư tưởng, lời nói và hành động lên đối tượng khác ở chiều cảm, tùy theo bản chất của nó, mà sẽ nhận được sự tác động trở lại nơi chiều ứng. Đây chính là mối quan hệ nhân quả, hể có nhân thì tất có quả, hay cũng còn gọi là nhân quả báo ứng.

Tư tưởng giữ vai trò rất quan trọng vì nó chỉ đạo lời nói và hành động. Tư tưởng còn được gọi là niệm lự hay vọng niệm là nguyên nhân chính đưa con người luân chuyển bất tận trong vòng lục đạo luân hồi, vì khi niệm khởi mầm thì luật cảm ứng với hai chiều cảm và ứng tạo nên quá trình nhân quả cứ nối tiếp nhau bất tận. Vì thế, con người cứ mãi mãi trong vòng luân hồi không lối thoát. Đức Giáo Tông Đại Đạo khích lệ:

"Gieo nhân kết quả hẳn rồi,
Vượt ngoài nhân quả, bầu trời thênh thang;
Rằng đời cõi tạm thế gian,
Thì chi ta phải cưu mang nặng lòng"

3. KINH CẢM ỨNG

Kinh Cảm Ứng (Cảm Ứng Thiên) nói về luật nhân quả báo ứng, gồm khoảng hơn 1.200 chữ. Cảm có nghĩa là tâm tình phát sinh, còn ứng có nghĩa là đáp ứng, báo ứng. Điểm cốt lõi của Kinh được cô đọng trong 16 chữ là "Họa phúc vô môn duy nhân tự triệu, thiện ác chi báo như ảnh tùy hình", có nghĩa là: Điều họa phước không tìm đến, chỉ tại mình vời đến. Điều lành dữ báo ứng như bóng nọ theo hình. Kinh Cảm Ứng dạy người đời lẽ Thiên nhân tương cảm và nhân quả báo ứng. Vì thế, kinh Cảm Ứng khuyên người đời làm điều lành, lánh điều dữ. Điều thứ 8: "Khi lòng định làm lành, tuy chưa làm nhưng đã có vị cát thần theo hộ trì; khi lòng nảy sinh định làm điều ác, tuy chưa làm nhưng đã có vị hung thần chực sẵn bên mình". Qua đây, có thể nhận thấy sự tác dụng của luật cảm ứng vô cùng chặt chẽ, không hề sai chạy. Chính vì thế, Đức Lão Tổ đã căn dặn:

"Sự cảm ứng rất chặt chẽ vô cùng vô tận. Hễ cảm thì ứng ngay. Vì vậy mà các Đấng Thiêng Liêng thường dặn dò nhắc nhở từ một tín hữu đến cấp lãnh đạo nên hiểu rằng: Phật Tiên Thánh Thần phép mầu vô lượng vô biên, mà ma quái tà thần cũng có pháp thuật vô cùng. Sự chánh và tà do ý niệm của mình mà ra. Hễ ý niệm chánh được tiếp lằn điển các Đấng nơi cõi cao thượng, còn trái lại, vọng niệm ắt vương nhằm lằn điển của ma quái tà thần"
Ngay từ ý niệm của con người là đã phát sinh nghiệp lực rồi; rồi từ ý niệm hay vọng niệm mới phát sinh lời nói, văn tự và hành vi tạo thành khẩu nghiệp và thân nghiệp.

Trong đạo Cao Đài, các đạo hữu Chiếu Minh được dạy trì tụng kinh Cảm Ứng vào thời Mẹo mỗi ngày. Trì tụng kinh hàng ngày có hai tác dụng: Bằng cách liệt kê cụ thể những việc lành và những điều ác với sự thưởng phạt nhằm răn dè con người phải hết sức cẩn thận cả trong tư tưởng, lời nói và hành động. Còn tác dụng thứ hai ích lợi thiêng liêng của việc trì tụng kinh Cảm Ứng đã được khắc ghi nơi phần Khai Kinh là: "Nhật tụng nhất biến, diệt tội tiêu khiên. Thọ trì nhất nguyệt, phúc lộc di kiên. Hành nhi nhất niên, thất tổ thăng thiên. Cửu hành bất đãi, danh liệt chư tiên" (Trì tụng mỗi ngày một lần thì tiêu diệt mọi tội lỗi. Tụng một tháng thì phúc lộc càng bền. Tụng một năm thì thất tổ siêu thăng. Trì tụng không bê trễ thì tên được ghi vào sổ bộ chư Tiên)

Kinh Cảm Ứng hay Cảm Ứng Thiên là bộ kinh khuyên con người làm lành lánh dữ. Điều đầu tiên rất hệ trọng là phải kiểm soát tư tưởng hướng về điều thiện để nhận được sự cảm ứng của các Đấng thiêng liêng ban ơn hộ trì, còn ngược lại nếu tư tưởng vạy tà cũng sẽ nhận được sự cảm ứng của tà thần. Ban đầu, chắc hẵn sẽ có người thắc mắc vì sao kinh Cảm Ứng lại đề cập đến nhân quả báo ứng. Bằng chứng là kinh đã liệt kê một số điều thiện và đến 164 điều ác điển hình mà con người hay vấp phải để ghi nhớ mà tầm lành lánh dữ. Suy cho cùng thì nhân quả báo ứng cũng do luật cảm ứng chi phối. Bởi lẽ, tư tưởng lành, lời nói lành, việc làm lành do con người phát xuất ra chính là chiều cảm thì sẽ nhận được trở lại kết quả lành thuộc về chiều ứng. Ngược lại, tư tưởng ác, lời nói ác và việc làm ác nhơn thất đức nơi chiều cảm cũng sẽ nhận được kết quả xấu nơi chiều ứng. Ơn Trên cũng có căn dặn là một lời nói thất đức cũng đủ để chịu thiên niên đọa. Vì thế, cảm và ứng luôn luôn theo sát với nhau như bóng với hình vậy.

Kinh Cảm Ứng đã minh định cả hai trục ngang và dọc là nhân quả báo ứng và thiên nhân tương cảm. Kinh cũng đã minh định cảm ứng gồm hai chiều cảm và ứng. Về lẽ nhân quả báo ứng, Kinh đã khẳng định nơi điều 1 là: "Điều họa phước không tìm đến, chỉ tại mình vời đến; điều lành dữ báo ứng như bóng nọ theo hình". Khi con người làm điều lành thì sẽ được thiện báo (minh định nơi điều 4): người người đều kỉnh trọng, đạo Trời phò hộ, phước lộc theo đó, các tà ma xa lánh, thần linh hộ vệ, các sự mình làm ắt nên, thành bực Địa Tiên (nếu làm được 300 điều lành) và thành bực Thiên Tiên (nếu làm được 1.300 điều lành). Còn ngược lại, nếu con người làm điều ác thì sẽ bị ác báo (minh định nơi điều 7), tùy theo trường hợp mà bị: giảm tuồi thọ, tật bệnh đau ốm, tai ương hoặc phải đền mạng, v.v. Về lẽ thiên nhân tương cảm, Kinh Cảm Ứng dạy rằng nếu con người thành tâm trì tụng một lần thì tiêu trừ tội lỗi, trì tụng liên tục không gián đoạn thì sẽ sống lâu, được chư Thiên hộ trì, tên được ghi vào sổ bộ chư Tiên. Kinh cũng dạy rằng chỉ cần trong lòng dự định làm điều lành thì đã có vị Thiện Thần theo hộ trì và ngược lại. Chúng ta cũng nhận thấy hai chiều cảm và ứng luôn tác động trong cả hai trục nhân quả báo ứng và thiên nhân tương cảm nêu trên.

4. ỨNG DỤNG

4.1. Kiểm soát tư tưởng

Hành động của con người không thể tự phát sinh mà không khởi đầu từ tư tưởng hay ý nghĩ. Hành động được sự dẫn dắt và tác động bởi tư tưởng. Tư tưởng con người có khuynh hướng hay vọng động nên thường được ví như "tâm viên ý mã". Tâm con người rất thích "leo trèo" nên được ví như con khỉ, còn ý thì thích "rong chơi" nên được ví như con ngựa. Ngoài ra, tư tưởng còn tác động đến lời nói và hành động. Tư tưởng, lời nói và hành động có mối quan hệ rất mật thiết với nhau tạo thành phạm trù: thân - khẩu - ý. Phạm trù nầy chính là nguyên nhân quyết định con đường siêu thăng hay đọa lạc của mỗi người. Bởi vì, phạm trù thân-khẩu-ý tạo ra nghiệp tốt hoặc xấu. Nhưng tư tưởng mới là yếu tố quyết định, vì từ tư tưởng mới phát sinh lời nói hoặc hành động. Do đó, muốn tạo nghiệp lành thì cũng phát xuất từ những tư tưởng lành. Tư tưởng thiện mỹ đạo đức dễ dàng cảm ứng với các Đấng thượng đẳng thiêng liêng; ngược lại, tư tưởng thấp hèn tà vạy cũng tiếp nhận lằn điển của từ hạ đẳng thiêng liêng.

Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy: "Sự cảm ứng rất chặt chẽ vô cùng vô tận. Hễ cảm thì ứng ngay. Vì vậy mà các Đấng Thiêng Liêng thường dặn dò nhắc nhở từ một tín hữu đến cấp lãnh đạo nên hiểu rằng: Phật Tiên Thánh Thần phép mầu vô lượng vô biên, mà ma quái tà thần cũng có pháp thuật vô cùng. Sự chánh tà do ý niệm của người mà ra. Hễ ý niệm chánh được tiếp lằn điển các Đấng nơi cõi cao thượng; còn trái lại vọng niệm ắt vương nhằm lằn điển ma quái tà thần"
Tư tưởng có ảnh hưởng rất to lớn, ngoài việc tác động đến hành động, ngay bản thân tư tưởng hay ý nghĩ cũng đã tạo nên nghiệp lành hay dữ rồi. Cũng chính từ tử tưởng thiện lương đã cảm ứng được với Ơn Trên và sẽ nhận được sự hộ trì thiêng liêng. Còn những tư tưởng bất chính cũng là cơ sở ban đầu để tà thần xúi giục hành động những điều trái với đạo đức.

Kinh Cảm Ứng có câu: "Phù tâm khởi ứ thiện, thiện tuy vị vi. Nhi kiết thần dĩ tùy chi ", có nghĩa là: khi lòng mình nghĩ đến điều lành, mặc dù việc ấy chưa làm, nhưng Trời đã cho vị thiện thần theo hộ trì giúp đỡ để cho ý nghĩ đó được thành tựu. Trong trường hợp ngược lại, nếu: "tâm khởi ư ác, ác tuy vị vi. Nhi hung thần dĩ tùy chi", có nghĩa là: khi lòng mình nghĩ đến việc quấy, mặc dù việc ấy chưa làm, nhưng Trời đã cho vị hung thần theo xúi giục thực hiện làm những điều không đúng với lẽ đạo.

4.2. Hồi hướng công đức tọa thiền

Trong kinh hồi hướng tọa thiền có câu:

"Công đức tọa thiền lớn biết bao,
Phước lành hồi hướng đến nơi nao"

Tọa thiền tưởng chừng là một việc âm thầm lặng lẽ, nhưng hiệu quả của nó có thể giúp ích được tha nhân. Công đức tọa thiền có thể dệt được một tấm lưới thiêng liêng vô hình để che chở tự bản thân mình và mọi người chung quanh. Khi mà chúng ta hết sức thành tâm dâng tư tưởng thanh khiết lên không trung tạo thành chiều cảm, tất nhiên mình sẽ nhận được ơn lành của các Đấng Thiêng Liêng nơi chiều ứng.

Chính nguyện lực và lòng chí thành là điều kiện hết sức cần thiết để tác động vào chiều ứng nhằm mang lại một kết quả to lớn.

4.3. Thông công giữa Trời và người

Theo nguyên lý "Thiên địa vạn vật nhất thể", giữa con người và Thượng Đế, giữa con người và các Đấng thiêng liêng, giữa con người và vạn loại đều tương liên với nhau, vì có cùng chung một bản thể.

Thầy đã dạy mỗi người đều có một đài hiệp thiên có thể thông công trực tiếp cùng các Đấng Thiêng Liêng. Lời dạy đó như sau:

"Trước kia Thầy có dạy: "Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài còn." Quả thật như vậy, sáu mươi năm khai Đạo có biết bao nhiêu thánh giáo thánh ngôn, lời Tiên tiếng Phật. Đến ngày nay các con vẫn còn học hỏi với Thầy qua sự trung gian của đồng tử. Nếu chỉ có bao nhiêu sự việc thì chưa hết ý của Thầy muốn nói gì với các con. Đến một ngày nào Thầy không dùng đồng tử thì Đạo bế sao con? Mà phải hiểu mỗi con đều có một đài hiệp thiên. Nếu các con mở được cửa thì thông công được với Thầy, khỏi qua trung gian của đồng tử, vì trước kia Thầy đã dạy, đã trao chìa khóa cho các con từ buổi sơ khai Đại Đạo. Nhưng mấy ai giữ được thanh tinh vô trần, trực nhận chân tâm đại ngã. Bởi vì các con chưa làm được nên Thầy phải cần dùng đồng tử dạy dỗ các con"

Qua đoạn thánh giáo này, Thầy đã khải thị rằng mỗi người đều có một đài hiệp thiên để thông công với Thầy. Đây cũng chính là sự liên hệ hết sức mật thiết giữa hai bộ máy tối linh là Trời và người có thể thông công, giao cảm với nhau. Về nguyên tắc là như thế, nhưng trên thực tế thì lại không đơn giản và dễ dàng như vậy. Sự liên lạc giữa hai bộ máy phải cần có điều kiện mà Thầy đã ví như chiếc chìa khóa để mở đài hiệp thiên. Vì thế, không phải ai cũng có thể "hội ngộ" được cùng Đức Chí Tôn và cũng không phải lúc nào con cái của Ngài cũng có thể gặp được Ngài. Vậy chìa khóa đó ở đâu? Thầy cũng đã giúp chúng ta lời giải đáp. Chìa khóa đó chính là tâm "thanh tịnh vô trần", là điều kiện nơi chiều cảm, mới nhận được kết quả nơi chiều ứng là "trực nhận chân tâm đại ngã" để hội ngộ cùng Đức Chí Tôn

Cũng trong ý nghĩa đó, Đức Quan Âm Bồ Tát chỉ chiếc chìa khóa chính là lòng vô niệm, lặng lẽ, trống không.

"Lặng lòng sẽ thấy Như Lai,
Chơn không lố bóng Cao Đài bên trong" Còn Đức Bảo Pháp Chơn Quân lý giải rằng tâm thanh tịnh chính là điều kiện để cho chơn như bổn tánh xuất hiện.

"Đạo chẳng xa đâu chốn đỉnh đầu,
Kỳ trung có sẵn tại nơi thân;
Một giờ thanh tịnh chơn như hiện,
Mới biết ai là chính chủ nhân"
Trong vũ trụ vẫn có âm thanh sắc tướng của các Đấng Thiêng Liêng, nhưng con người không nghe thấy, không nhìn thấy được do chưa bắt được đúng tần số. Tương tự, Ơn Thiên luôn luôn chan rưới không bao giờ ngưng nghỉ nhưng con người chưa hấp thu được là do bộ máy tiểu thiên địa chưa điều chỉnh đúng để tiếp nhận luồng Thiên điển. Đức Lão Tổ xác nhận rằng:

"Khi tâm linh được mẫn tuệ, huệ khai thì người và Trời hòa đồng như một, vẫn nghe được tiếng nói không lời, vẫn thấy được hình ảnh không sắc tướng.

Chư hiền nói riêng, trong các tôn giáo dùng cơ bút nói chung, sở dĩ còn dùng cơ bút để Tiên Phật nương nơi đó viết thành văn, đọc thành lời là bởi vì chư hiền cũng như các giới khác chưa khêu tỏ trọn vẹn ngọn đèn từ huệ (transitor). Khi mỗi người khêu tỏ được ngọn đèn từ huệ rồi thì tự mình nghe được tiếng nói không lời, thấy được hình ảnh không sắc tướng của các Đấng nơi cảnh giới khác "

Như vậy, ngoài điều kiện để cảm ứng giữa Trời và người là lòng chí thành chí kỉnh, còn có thêm điều kiện là phải "cùng tần số" với các Đấng Thiêng liêng. Đó chính là sự thanh tịnh, vô dục, vô niệm vậy. Lúc bấy giờ, con người cũng chính là một Đài hiệp thiên có thể thông công cùng các Đấng Thiêng Liêng. Đức Mẹ đã căn dặn:

"Một ngày nào đây nếu các con nam nữ của Mẹ phải tự thắp đuốc mà đi, không còn ỷ lại nơi lời thánh ngôn thánh giáo trong những đàn cơ thì các con cũng nên nhớ rằng Thiêng liêng tạm mượn thông công giữa Trời và người để các con an lòng hành đạo, tu thân, đó là phương tiện đặc biệt, nhưng dầu đặc biệt cũng chỉ là phương tiện. Giá trị hơn hết là tâm con có minh linh sáng suốt để cảm ứng với Thiêng Liêng nơi cõi vô hình. Đó là giá trị bất biến có thể giúp con đạt đạo chứng quả được"
Cảm ứng hay Luật cảm ứng được ứng dụng rất nhiều trong đời sống nhân sinh và tâm linh của con người, như Đức Mẹ đã căn dặn: "Các con đã học được gì và thực hành được gì tinh hoa của Thái Thượng Lão Quân (luật Cảm Ứng) vào đời sống nhơn sanh và tâm linh của các con?". Vì thế, một vài ứng dụng nêu trên cũng chỉ là khắc họa đôi nét mà thôi.

KẾT LUẬN

Tóm lại, Luật cảm ứng có hai chiều là chiều cảm và chiều ứng. Khi con người tác động về tư tường, lời nói hoặc/và hành động lên một đối tượng khác ở chiều cảm, nếu hội đủ một số điều kiện nhất định, sẽ nhận được sự tác động trở lại lên chính bản thân của người đó ở chiều ứng. Sự tác động của con người có thể thực hiện ở hai trục ngang và dọc. Nơi trục ngang, con người tác động đến vạn loại (kể cả môi trường tự nhiên) nơi cõi hữu hình nầy; sự tác động của Luật cảm ứng chính là nhân quả báo ứng. Còn nơi trục dọc, con người tác động lên các Đấng thiêng liêng nơi cõi vô hình; sự tác động của Luật cảm ứng lúc nầy chính là thiên nhân tương cảm (đối với Thượng đẳng thiêng liêng) hoặc là tà thần tương tác (đối với Hạ đẳng thiêng liêng).

Cảm ứng không phải chỉ giản dị là "hễ mình có cảm cùng Trời, cùng Thần minh, thì Thần minh sẽ ứng lại". Cảm ứng có tác dụng rất rộng lớn, rất thâm sâu trong cả hai phương diện nhân sinh và tâm linh. Cảm ứng chi phối suốt cuộc đời tu thân học đạo của người tín hữu Cao Đài từ việc tu học cầu nguyện, hành đạo độ đời, tiếp nhân xử thế cho đến công phu tu luyện. Có thể đan cử một thí dụ rất đơn giản và dễ cảm nhận sự tác động của cảm ứng đó là các Đấng thiêng liêng đã ban ơn cho chúng ta soạn bài góp ý thánh giáo, đạo đàm., hội thảo hay thuyết minh giáo lý với điều kiện là chúng ta chí thành chí kỉnh ở chiều cảm, tất sẽ nhận được sự hộ trì của Ơn Trên ở chiều ứng.

"Đuốc thiêng thắp sáng tâm lành,
Hữu cầu tắc ứng, hữu thành tắc thông"

Đoạn thi bài của Đức Giáo Tông Đại Đạo đã kết thúc bài nói chuyện hôm nay.
Thiện Hạnh

Tâm con vốn bửu tòa Thầy ngự,
Hãy giúp người gìn giữ Thiên cơ,
Hoằng khai Đại Đạo Tam Kỳ,
Công bình, bác ái, từ bi đứng đầu.

Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, CQPTGL, Rằm tháng 10 Quý Sửu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây