Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
27/08/2005
Sưu tầm

Đạo Phật

Đạo Phật, hay Phật giáo, là một tôn giáo và triết lý do Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) khởi xướng, ông sinh trưởng ở miền bắc Ấn Độ vào thế kỷ 6 trước công lịch. Số người theo đạo này rất đông, nhất là các vùng châu Á.
Do đặc điểm uyển chuyển và phù hợp với xã hội, hiện nay đạo Phật đang thâm nhập ngày càng nhiều vào các xứ phát triển như Bắc Mỹ và châu Âu. Đạo Phật được xem là đạo có ít bạo động nhất trong lịch sử phát triển của các tôn giáo.

Ở châu Á, một số nước chọn Phật giáo là quốc giáo, như Lào, Campuchia, Thái Lan. Trẻ nhỏ ở nước này phải vào chùa tu một thời gian để có thể được công nhận là trưởng thành.

Thích Ca Mâu Ni vốn là một hoàng tử tên là Tất Đạt Đa của dòng Kiều Tất La (tiếng Phạn: Siddhārtha Gautama, tiếng Pali: Siddhattha Gotama); hoàng tử còn được gọi là Thích Ca Mâu Ni (hay Shakyamuni) có nghĩa là "nhà hiền triết của bộ tộc Thích Ca" (hay bộ tộc Shakya). Ông đã từng có vợ và con trai, nhưng sau đó đã từ bỏ tất cả để đi tìm đạo, cứu vớt chúng sinh.

Mục lục

1 Điểm đặc trưng
2 Toàn bộ giáo lý
3 Nền tảng của đạo Phật: Tam Bảo
4 Các triết lý và khái niệm quan trọng thường được đề cập
5 Phật nghĩa là gì?
6 Các tông phái
7 Các bộ kinh điển chính
8 Di chỉ nhục thể của các thiền sư Phật giáo
9 Sơ lược về các hệ phái và sự du nhập Phật giáo vào Việt Nam
10 Một số tông phái hay tôn giáo tại Việt Nam có liên quan gần với Phật giáo
11 Đọc Thêm
12 Liên kết ngoài


Điểm đặc trưng
Phật giáo không phải là một hệ thống tín ngưỡng, tôn sùng lễ bái và trung thành với một thần linh siêu nhiên. Phật giáo không đòi hỏi từ những người theo (còn gọi là Phật tử) một đức tin mù quáng. Vì một niềm tin tưởng suông không thể có chỗ đứng. Thay vào đó là lòng tín nhiệm căn cứ trên sự hiểu biết.
Phật giáo không chấp nhận sự tồn tại của một đấng thượng đế toàn năng(1). Hình tượng Phật chỉ là một khái niệm để con người hướng tới giá trị cơ bản mà triết lý Phật giáo mong muốn, đó không phải là một đấng siêu việt toàn năng. Những điều trên được thể hiện rõ nét trong các câu "Phật tại tâm" và "tâm trung hữu Phật".
Con người là một tổng hòa của thiên nhiên, không có một sinh vật hay cá thể nào có thể tồn tại độc lâp bên ngoài môi trường của nó, "Vạn sự tùy duyên, duyên sinh vạn vật".
Điểm nổi bật làm cho Phật giáo trở nên đặc sắc hơn các tôn giáo khác là việc nó có nhiều phương pháp luận và giáo huấn tương đồng với khoa học và phương pháp luận hiện đại.
Mục tiêu tối thượng của Phật giáo là giáo huấn cho con người các phương cách thoát khỏi sự đau khổ tạo ra bởi những biến động của đời sống như sinh, lão, bệnh, tử bằng nỗ lực thực nghiệm của chính mình.
Theo Phật giáo thì bậc giác ngộ không giữ vai trò cứu rỗi mà chỉ là người thầy hướng dẫn mọi người đi đến con đường cứu rỗi mà thôi. Thích Ca có để lại một câu rất nổi tiếng "Ta dùng ngón tay để chỉ ánh trăng, các người đừng lầm lầm lẫn ngón tay ta là ánh trăng".
Albert Einstein, nhà khoa học nổi tiếng nhất thế kỷ 20 phát minh ra thuyết tương đối trong vật lý, đã phát biểu như sau về Phật giáo:
"Tôn giáo của tương lai phải là tôn giáo vũ trụ. Nó phải vượt qua giới hạn của sức mạnh của một cá nhân thần thánh, tránh các giáo điều và triết lý thần thánh. Bao gồm cả yếu tố tự nhiên và tinh thần, nó cần dựa trên những thử nghiệm thực tế về mọi thứ, một sự thống nhất đầy đủ cả về tự nhiên, tinh thần. Đạo Phật đã thỏa mãn tất cả. Nếu có một tôn giáo nào thích nghi được với những nhu cầu khoa học tân tiến thì đó là Phật Giáo."
("The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend a personal God and avoid dogmas and theology. Covering both natural and spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things, natural and spiritual and a meaningful unity. Buddhism answers this description. If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism.")

Toàn bộ giáo lý
Dựa theo chức năng, người ta chia giáo lý của Phật giáo ra 3 phần và gọi là Tam Tạng Kinh:

Tạng Luật (Phạn và Pali: Vināya Pitaka) Phần lớn đề cập đến giới luật và nghi lễ trong đời sống xuất gia của các vị tỳ khưu và tỳ khưu ni. Tạng Luật nêu lý do tại sao và trường hợp nào Đức Phật ban hành một giới, và mô tả các nghi thức hành lễ sám hối (Vinaya) của chư tăng.

Tạng Kinh (Phạn: Sutra Pitaka, Pali: Sutta Pitaka) Gồm những bài giảng có tánh cách khuyên dạy mà Đức Phật giảng cho các bậc xuất gia và hàng cư sĩ. Tạng Kinh ghi lại các quy tắc để noi theo mà thực hành, vì đó là các bài giảng do Đức Phật dạy ở nhiều trường hợp khác nhau cho nhiều người có căn cơ, trình độ và hoàn cảnh khác nhau.

Tạng Luận (Phạn: Abhidharma, Pali: Abhidhamma Pitaka) Còn gọi là Vi Diệu Pháp Tạng, quan trọng nhất trong toàn thể giáo lý. Đây là phần triết lý và là tinh hoa của Phật giáo. Đối với người muốn tìm chân lý, Tạng Luận là quyển kinh chỉ đạo khẩn yếu, vừa là một tập khải luận vô giá.
Vi Diệu Pháp đề cập rất cặn kẽ đến tâm, tư tưởng, tiến trình tư tưởng, các trạng thái tâm. Nhưng Tạng Luận không chấp nhận có một linh hồn, hiểu như một thực thể trường tồn bất biến.

Nền tảng của đạo Phật: Tam Bảo

[ Hình 2 : Biểu tượng của Tam Bảo (triratna), hình bánh xe pháp luân (Dharma wheel), được khắc bên trong bản diêu khắc "dấu chân Phật" vào thế kỷ thứ 1]

Theo Phật giáo thì con ngưòi có thể nương dựa vào ba phương tiện gọi là Tam bảo. Các phương tiện này có đủ năng lực hướng dẫn, giúp hành giả thoát qua khổ đau. Người hiểu rõ, nhận thức, và phát nguyện làm theo các phương tiện này gọi là qui y tam bảo.

Phật bảo: Tu chứng thành Phật là một một sự kiện rất hiếm có trong thế giới sống và thật là không gì bằng tự mình thoát khỏi mọi cảnh khổ trầm luân trong đời sống. Hơn nữa, các vị Phật cũng đem sự giác ngộ quí báu này chỉ dạy lại cho nhiều người nên gọi là Phật bảo.
Phật là đấng giác ngộ, là người chỉ đường, là người có đủ kinh nghiệm hướng dẫn hành giả tu học. Đó là lí do quy y Phật.
Pháp bảo: Pháp (Phạn: dharma, Pali: dhamma) trong trường hợp này có nghĩa là các lời dạy của Phật và các phương pháp thực hành để hành giả có thể học và làm theo. Vì chân lý không thể dùng lời lẽ thông thường mà mô tả, Phật chỉ tuỳ theo tâm cảnh của hành giả mà dạy và chỉ có phương tiện này mới giúp hành giả giác ngộ nên gọi là Pháp bảo.
Đây cũng là lí do để qui y Pháp.

Tăng bảo: Tăng (sangha) có nghĩa là một tập thể hay một nhóm tu sĩ từ 4 người trở lên chung nhau học và thực hành theo Phật cùng chia sẻ hoà thuận nhau những gì đạt được từ vật chất cho đến tinh thần. Tu sĩ sống, chia sẻ nhau như vậy là việc rất khó làm, là một điều quí báu. Hơn nữa, trong sự tu hành, các vị nào đã giảm phiền não và đạt được an ổn thanh tịnh, sẽ hướng dẫn mọi người cùng đến chỗ an ổn thanh tịnh ấy. Vì thế cho nên gọi là Tăng bảo.
Người đã tham gia tăng đoàn thì đã hy sinh của cải vật chất và tinh thần cũng như quan hệ gia đình để tự nguyện theo Phật hướng dẫn chúng sinh theo đạo. Đây là lí do của việc qui y tăng.

Các triết lý và khái niệm quan trọng thường được đề cập
Tứ Diệu Đế: Khái niệm sự khổ, nguyên do của chúng, kết thúc của sự khổ, và các phương pháp để thoát khổ.
Thuyết nhân duyên và nghiệp : Giải thích lí do hình thành, cấu trúc, và vận hành của vạn vật (chư pháp) trong đó có giảng giải về con người và tâm (mind).
Vô thường: Khái niệm này nói về sự thiếu bền vững của vạn vật.
Tính không (void): Nói về thực chất của vạn vật, trong đó có tâm người.
Vô ngã: Giải thích riêng về "cái ta" của con người. Phủ nhận sự tồn tại của linh hồn. (2)
Giới (discipline), định (concentration) và tuệ (wisdom) là phương pháp thực hành và chứng nghiệm để đi đến giải thoát mà hành giả được khuyến dạy để tu theo.
Bát Chánh Đạo (Eight fold path)
Các khái niệm trên kết hợp chặt chẽ với nhau chứ không tách rời và tạo thành một triết lý hoàn chỉnh.


Phật nghĩa là gì?
Có nhiều cách dùng chữ "Phật" trong các kinh sách:

Phật là tên tắt của Phật đà, Phật đồ là chữ phiên âm Hán-Việt của chữ cổ trong tiếng Pali và tiếng Phạn có nghĩa là "người đã giác ngộ". Từ dân gian hay dùng là Bụt. Từ Bụt là phiên âm tiếng Việt trực tiếp từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ Ấn Độ (xem thêm: Phật giáo Việt Nam. Trường hợp này chỉ đến cá nhân những người đã giác ngộ. Theo Phật giáo thì trước thời Thích Ca Mâu Ni cũng đã có hiện hữu các vị Phật khác (như là Bích Chi Phật chẳng hạn) và sau khi Thích Ca qua đời cũng sẽ có vô số Phật khác thành đạo. Như vậy, Phật không phải là một đấng siêu nhiên mà là một người. Mọi cá nhân đều có thể qua quá trình tu chứng để tự giải thoát tức là thành Phật.
Đôi khi chữ Phật còn dùng để chỉ riêng cá nhân đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Trong hầu hết các kinh sách, chúng ta còn tìm thấy một chữ tương đương với chữ Phật đó là chữ "Như Lai". Với ý nghĩa rằng Phật hay Như Lai là một biểu hiện của chân lý tối thượng hay một sự giải thoát triệt để tức là Niết bàn (tiếng Pali: nibbana, tiếng Phạn: nirvana).
Phật giáo cho rằng chân lý không từ đâu đến cũng không đi về đâu; nó hiện hữu và không có sự áp đặt từ bên ngoài ("Như Lai giả, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai" -- Kim Cang kinh).


Các tông phái

Do tính chất uyển chuyển của giáo lý, Phật giáo có thể tuỳ theo văn hoá, tập tục và con người ở các địa phương khác nhau mà phát triển thành các hệ phái đa dạng thích hợp. Ngoài ra, đạo Phật có một lịch sử phát triển hơn 2500 năm và lan rộng ỏ nhiều nước nên khó tránh khỏi các dị biệt về hình thức. Tuy nhiên, tất cả đều thống nhất trên căn bản xuất phát từ các lời giảng dạy của Thích Ca Mâu Ni.

Theo dòng phát triển lịch sử, thì Phật giáo có hai nhánh trọng yếu nhất: Phật giáo Đại thừa (Mahayana) và Phật giáo nguyên thuỷ (Theravada) (nhiều khi còn được gọi một cách không chính xác là Tiểu thừa hay Hinayana); do kinh điển của đạo Phật được ghi chép sau các kỳ đại hội (kỳ kết tập) bằng hai thứ tiếng Phạn và Pali và truyền bá theo hai hướng khác nhau.

Phật giáo Đại thừa truyền bá và phổ biến sang các khu vực như: trung và bắc Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Nepal, Tây Tạng với kinh văn bằng tiếng Phạn.

Phật giáo nguyên thuỷ truyền bá và phổ biến sang các khu vực như: nam Ấn Độ, Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam với kinh văn bằng tiếng Pali.

Trong khi tên Tiểu thừa vẫn còn được dùng tại Việt Nam, tên Hinayana đã được loại bỏ dần tại các nơi khác, nhất là tại Âu Châu và Bắc Mỹ.

Ngày nay thì các bộ phái nhỏ trong Phật giáo lên đến vài trăm, các hình thức tu tập có thể rất khác nhau nhưng tựu trung vẫn thống nhất trên các bộ kinh điển. Các tông phái đáng kể, ngoài Đại thừa và Tiểu thừa, có nhiều ảnh hưởng đến các nưóc phương Tây còn có:

Các phái thiền tông Phật giáo (Zen hay Ch'an): Đây là một phân nhánh của Đại thừa được đưa vào Trung Hoa từ thế kỷ thứ 6 bởi Bồ Đề Đạt Ma (Boddhidharma). Ông được xem là sư tổ của các bộ phái thiền tông Phật giáo cũng như của phái võ Thiếu Lâm (Anh ngữ: Shaolin, Hoa ngữ: 少林). Vào thế kỷ 13, Thiền tông lan truyền sang Nhật và mang thêm nhiều sắc thái mới. Thiền tông chủ yếu nhấn mạnh vào các kỹ thuật thực nghiệm thiền định để đạt đến giác ngộ. Một trong các cách thức phổ biến của thiền học là tham quán công án (Koan) nhằm kích khởi trạng thái ngộ của thiền giả. Zen, ngày nay, đã lan truyền mạnh khắp nơi ngay cả ở Hoa Kỳ và Tây Âu.
Kim Cang thừa (Vajrayāna), còn có tên là Mật Tông (Mantrayana hay Tantric) hay Chân ngôn tông, được xem là một phân nhánh của Đại thừa. Không có dữ liệu chính xác là Mật tông có từ khi nào nhưng nó bắt đầu phát triển vào thế kỉ thứ 6. Mật tông chia làm hai tông phái nhỏ là Kim Cang Thừa và Mật Phái (Mi-tsung). Nhưng có lẽ chỉ Kim Cang thừa là lớn mạnh hơn. Kim Cang Thừa phổ biến ở mạnh nhất ở Tây Tạng và Mật Tông có mặt ở Trung Quốc, các nước Trung Á và Nhật.
Phật giáo Tây Tạng (Tibetan Buddhism) là bộ phận của Đại thừa (Kim Cang thừa) và mang các tính chất đặc thù cho Phật giáo vùng Tây Tạng và Hymalayas, đó là tông phái Mật Tông. Phật giáo Tây Tạng ra đời từ thế kỉ thứ 8. Tin tưởng vào sự tái sinh các đấng Lạt Ma (Lamas), thực hành trên những lời chú được tìm ra bởi các đạo sư (masters), và tin rằng Phật có thể thị hiện ở dạng người. Padmasambhava là người khai lập cho Phật giáo Tây Tạng.

Các bộ kinh điển chính
"Kinh Phật" có thể được hiểu là các bài thuyết giảng của Phật để lại. Số lượng kinh sách theo các tông phái chính, số lượng kinh sách truyền lại rất lớn. Phần chính bao gồm:

Kinh Đại Thừa, trong đó những bộ quan trọng nhất đã được dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán và Việt:
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma Pundarika Sutra)
Kinh Kim Cang (Vajara Sutra)
Kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn
Kinh Đại Bát Niết Bàn
Kinh Lăng Nghiêm
Kinh Viên Giác
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
Kinh Duy Ma Cật (Vimalakirti Sutra)
Kinh A Di Đà (Amitabha Sutra), v.v.
Kinh tạng Pali của Phật giáo Tiểu thừa gồm có năm sưu tập lớn:
Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya), bao gồm những bài thuyết pháp dài.
Trung Bộ Kinh (Majjiima Nikaya), bao gồm những bài thuyết pháp dài trung bình.
Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya), bao gồm các bài thuyết pháp được sắp xếp theo đề tài.
Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya), bao gồm các bài kinh sắp xếp theo pháp số. Ví dụ những bài kinh nói về một pháp, nói về hai pháp, v.v.
Tiểu Bộ Kinh (Khudaka Nikaya), bao gồm 15 bộ kinh xưa nhất, trong đó có cuốn kinh Pháp Cú (Dhammapada) rất nổi tiếng, thường được xem như cuốn "Thánh kinh Phật giáo".
Các Kinh điển nguyên thủy bằng chữ Phạn gồm có các bộ A Hàm (Agamas) như Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, và Tạp A Hàm (tương đương với các bộ Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh thuộc văn hệ Pali).
Lời Phật dạy trích trong Tăng Chi Bộ kinh: "Đừng tin vào điều gì do văn phong. Đừng tin điều gì do tập quán lưu truyền. Đừng tin điều gì vì nó được nhiều người lặp lại nhiều lần. Đừng tin điều gì cho dù đó là bút tích của thánh nhân. Đừng tin điều gì dẫu đó là thói quen lâu ngày khiến ta nhận là nó đúng. Đừng tin điều gì do ta tưởng ra và nghĩ rằng có một vị tối linh đã khai thị cho. Đừng tin tưởng bất cứ điều gì bởi chỉ dựa vào uy tín của thầy dạy các người. Nhưng chỉ nên tin những gì mà chính các người đã từng trải, từng kinh nghiệm và nhận thấy đúng, và có lợi cho mình và người khác. Chỉ có cái đó mới là đích tối hậu thăng hoa cho người và đời. Hãy lấy đó làm chuẩn mực cho cuộc sống".

Di chỉ nhục thể của các thiền sư Phật giáo
Ngày nay, người ta đã phát hiện và nghiên cứu nhục thể của các thiền sư đã qua đời trong tư thế thiền định (tư thế hoa sen) trong rất nhiều năm nhưng chưa bị hư rã. Đối với mọi loại xác chết thông thường quá trình thối rữa phải xảy ra trong vòng 24 giờ nếu không có các xử lí đặc biệt (như là các kĩ thuật ướp xác).

Nhục thể của các thiền sư đã được tìm thấy ở nhiều nơi như Việt Nam, Trung Hoa, Tây Tạng và, gần đây nhất, Siberia (xác thân của thiền sư Dashi-Dorzho Itigilov viên tịch năm 1927).

Nhục thể Sư Vũ Khắc Minh
trong tư thế tọa thiền (hình 1)

Điểm đặc trưng

Nội tạng và não bộ không bị cắt bỏ như các kỹ thuật ướp xác.
Không có hoá chất để ướp xác.
Thân xác được để tiếp xúc với không khí như bình thường. Riêng trường hợp ở Việt Nam người ta tìm thấy môt lớp sơn ta được thêm các phụ gia và sơn phủ bên ngoài các xác này.
Tất cả đều ở trong tư thế ngồi thiền kiểu hoa sen.
Cho đến nay chưa có một giải thích hoàn toàn khoa học về hiện tượng này. Tuy nhiên, không phải thân xác thiền sư nào hay bất kì người nào biết tọa thiền cũng có thể trở nên không hư thối và quá trình phân huỷ trở nên rất chậm theo thời gian. Các kỹ thuật ướp xác tối tân nhất được biết cho đến nay là phải dùng đến hóa chất và phải moi rút hết nội tạng cũng như não ra khỏi xác vì đây là các bộ phận sẽ bị thối rữa trước tiên.

Nhục thân các thiền sư hiện lưu giữ ở Việt Nam

Thiền sư Chuyết Chuyết từ thế kỷ 17, chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Tuy nhiên, dạng ngồi nguyên thuỷ đã bị đổ và đã được phục chế.
Thiền sư Vũ Khắc Trường và thiền sư Vũ Khắc Minh từ thế kỉ 18 ở chùa Đậu, Hà Tây.
Thiền sư Như Trí ở chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh.

Sơ lược về các hệ phái và sự du nhập Phật giáo vào Việt Nam

Đây là vấn đề tương đối phức tạp và có nhiều sử liệu không thống nhất nhau. Những nét khái quát là:

Trong truyền thuyết Chử Đồng Tử thời Hùng Vương thì chính Chử Đồng Tử là một Phật tử.
Từ thế kỉ thứ 1, theo các di vật từ các khai quật về nền văn hóa Óc Eo thì các vùng đất miền Nam Việt Nam đã có giao thương với Ấn Độ, xứ mà lúc đó Phật giáo đang thịnh hành, nên hoàn toàn hợp lý khi xác nhận đạo Phật đã du nhập vào Việt Nam trong khoảng thời gian này (người địa phương lúc đó là người Chàm).
Trung tâm Phật giáo Luy Lâu ở quận Giao Chỉ (thời kì Việt Nam bị đô hộ), nay thuộc về địa phận tỉnh Bắc Ninh, do các tăng sĩ Ấn Độ lập nên để truyền đạo Phật sang Trung Hoa.
Thiền học Việt Nam bắt đầu từ thế kỉ thứ 3 do Tăng Hội khởi đầu. Ông là người nước Khương Cư (Sogdiane) nhưng sống và lớn lên ở Giao Chỉ từ nhỏ. Ông giỏi cả Hán lẫn Phạn. Tăng Hội sau này còn truyền thiền học sang Trung Hoa (thời Tam Quốc).
Trong thời gian này thì có Lục Độ Tập Kinh do Tăng Hội biên soạn nói về bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền và Trí Huệ. Như vậy, Phật giáo Đại thừa đã du nhập vào Việt Nam trước qua ngả giao thương đường biển. So với thời kì mà thiền sư Tỳ Ni Ða Lưu Chi (Vinitaruci), người gốc Ấn Độ, một học trò của Tăng Sáng, vị tổ thứ 3 của Thiền Tông Trung Hoa, sang giảng đạo tại chùa Pháp Vân vào hậu bán thế kỉ thứ 6 thì thiền học Phật giáo đã có ở Việt Nam từ trước vài trăm năm. Ngoài ra, Tăng hội còn tham gia đề tựa cho cuốn Kinh An Ban Thủ Ý (của An Thế Cao dịch ra Hán ngữ và truyền vào Việt Nam).

Ở miền Nam thì vào thế kỉ thứ 3 người Chăm đã có truyền thống theo Phật giáo nguyên thuỷ.
Vào giữa sau của thế kỷ thứ ba thì Kinh Pháp Hoa Tam Muội (Saddharmassamadhi suttra) đã được dịch sang tiếng Việt bởi thiền sư người Ấn là Chi Cương Lương Tiếp (Kalasivi) .
Cũng trong giai đoạn này (cuối thế kỉ thứ 3 đầu thế kỉ thứ 4) thì Tịnh Độ Tông đã bắt đầu thịnh hành với bản Kinh Vô Lượng Thọ.
Cuối thế kỉ thứ 6 (hậu Lý Nam Đế) thì có thiền sư Tỳ Ni Ða Lưu Chi (Vinitaruci) đã sang Việt Nam hình thành chi phái thiền đầu tiên là tông phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi. Như vậy, ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi có thể được xem là sư tổ của thiền tông Việt Nam. Phái này lưu hành 19 đời.
Tỳ Ni Ða Lưu Chi là người Ấn gốc Bà La Môn, nhưng sang Trung Hoa (562) và được tam tổ thiền Trung Hoa Tăng Sáng khai ngộ. Sau đó ông sang Việt Nam (khoảng thập niên 80 của thế kỉ 6) hoằng pháp và trụ tại chùa Pháp Vân. Ngài có công dịch các bản kinh Tượng Ðầu, Báo Nghiệp Sai Biệt, và kinh Tổng Trì.

Từ thế kỉ thứ 6, ở Việt Nam Phật giáo tiếp tục phát triển và chịu ảnh hưởng của nhiều nhà truyền giáo đạo Phật từ Trung Hoa cũng như Ấn Độ.
Năm 820 có sư Vô Ngôn Thông từ Trung Hoa sang và lập nên phái thiền Vô Ngôn Thông. Phái này có 17 đời. Và đệ tử đời 18 là vua Lý Thái Tông.
Vô Ngôn Thông, quê Quảng Châu (họ Trịnh), được khai ngộ bởi thiền sư Bách Trượng (hay Bạch Tượng). Khi sang Việt Nam ông trụ trì tại chùa Kiến Sơ (Bắc Ninh) và mất năm 826.

Năm 1069, nhân việc đánh lấy đất Chiêm Thành, đời Lý Thánh Tông có bắt đưọc một vị sư Trung Hoa là Thảo Đường, nhờ hiểu biết Phật pháp sư được phong làm Quốc sư trụ tại chùa Khai Quốc (Thăng Long). Ông là thiền sư theo tông phái Tuyết Đậu ở Trung Hoa, có chủ trương dung hợp giữa Phật giáo và Nho giáo. Phái này truyền được 6 đời trong đó có các đệ tử là các vua Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông và Lý Cao Tông.
Thiền sư Hiện Quang là tổ đầu tiên của phái Yên Tử, đã từng theo học các thiền sư Thường Chiếu chùa Lục Tổ, thiền sư Trí Thông chùa Thánh Quả, và thiền sư Pháp Giới ở núi Uyên Trừng. Ông trụ tại chùa Hoa Yên, núi Yên Tử. Sau thiền phái này được mang tên là thiền phái Trúc Lâm, thiền phái lớn mạnh nhất đời nhà Trần. Thiền phái Trúc Lâm có 23 đời. Trong đó các đệ tử là các vị vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông (tổ thứ 6 phái Yên Tử) đã có nhiều đóng góp cho sự phát huy Phật giáo tại Việt Nam.
Giữa thế kỉ thứ 14 đến đầu thế kỉ 16 Phật giáo tại Việt Nam không còn thịnh như trước.
Cuối thế kỉ 16 nhiều thiền sư Trung Hoa phái Lâm Tế đã đến Việt Nam hoằng hoá chủ yếu ở Đàng Trong (phần đất phía nam thuộc chúa Nguyễn). Tại đây cũng có một số ít thiền sư Trung Hoa phái Tào Động hoằng hoá.
Trong khi đó thì ở Đàng Ngoài (phần đất phía bắc thuộc chúa Trịnh) phái thiền Tào Động cũng du nhập vào và phát triển tại đó.

Một số tông phái hay tôn giáo tại Việt Nam có liên quan gần với Phật giáo
Hoà Hảo, hay còn gọi là Phật giáo Hoà Hảo, hình thành năm 1939 với giáo chủ là đạo sư Phật giáo Huỳnh Phú Sổ tại làng Hoà Hảo, huyện Tân Châu, Châu Đốc. Đạo Hoà Hảo phổ biến khá rộng rãi ở miền Nam. Đạo này căn bản dựa trên giáo lý Phật giáo và thêm vào đó các quan điểm cải cách như là hành đạo trong khi làm việc đồng áng, kêu gọi thực hành đạo pháp tại nhà thay vì phải đến chùa và cho rằng học Phật để tự thăng tiến. Đạo Hoà Hảo chủ trương chống các hành động mê tín cũng như các hủ tục xấu, thay vào đó là dùng của cải để giúp người nghèo khó.
Cao Đài, hay còn gọi là Đại Đạo Tam Kì Phổ Độ, ra đời khoảng 1920, là tôn giáo thờ phượng nhiều giáo chủ của các đạo giáo khác như Thượng Đế, Jesus, Thích Ca, trong đó còn có cả các nhân vật lịch sử như là Tôn Dật Tiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Giáo lý đạo Cao Đài dựa trên nền tảng của Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo và Kitô giáo. Ngô Minh Chiêu là người đầu tiên truyền đạo này tại Tây Ninh và đây cũng là trung tâm có nhiều người theo đạo nhất. Đạo Cao Đài có biểu tưọng là thiên nhãn. Số tín đồ theo đạo Cao Đài lên đến khoảng 4 triệu (năm 2005, thống kê của Adherents)
Phái thiền vô vi: Còn gọi là Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp. Đây là tông phái thiền do ông Đỗ Thuần Hậu phát minh (khoảng thập niên 1950) và ông Lương Sĩ Hằng phát triển. Phái này không tự nhận mình là một tôn giáo nhưng lại tái dụng nhiều khái niệm rút từ Phật giáo cho các thuyết giảng cũng như chủ trương niệm Phật A Di Đà, đồng thời, cũng có chịu ảnh hưởng của đạo Lão. Chủ yếu phái này kêu gọi hành giả thực hiện phương pháp thiền riêng biệt để phát triển về tâm linh và bảo vệ sức khoẻ. Số người theo giáo phái này có ở nhiều quốc gia đại đa số thành viên là người Việt.
_____________

(1)Không tôn thờ một Thượng Đế hữu ngã toàn năng, nhưng đạo Phật có cứu cánh Niết Bàn tức Bản thể chơn như cũng là Thượng Đế vô ngã hay Đại linh quang theo giáo lý đạo Cao Đài. (NCGL)

(2) Đạo Phật công nhận "Chân tâm" - Có câu "Minh tâm kiến tánh thành Phật" - "Tâm nhất như". (NCGL)

Đọc Thêm
Lịch sử Phật giáo
Thích Ca Mâu Ni
Các tông phái Phật giáo
Đức Phật và Phật Pháp – Thư viện Hoa Sen
Giới thiệu Kinh Điển Phật Giáo
Luận về Giới Định Tuệ
Trang Nhà Quảng Đức
Tu viện KimCang
Tam Quy Ngũ Giới – Thích Thanh Từ
Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang
Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam – TS. Lê Mạnh Thát
Lịch Sử Truyền Bá Phật Giáo Việt Nam
Chùa Đậu
Đại Đạo Tam Kì Phổ Độ
Trang Phật Giáo Hoà Hảo
Trang thiền Vô vi
Những Hạt Ngọc Trí Tuệ Phật Giáo -Buddhist Missionary Society, Malaysia, 1983, 1996
Nāgārjuna and the Doctrine of "Skillful Means" -- John Schroeder
Sưu tầm






Hịch Tướng Sĩ / Sưu tầm


TẾT Bản làng / Sưu tầm


Nguyễn Trãi / Sưu tầm


Dân ca Nam Bộ / Sưu tầm

Khảo cổ học / Sưu tầm


Chử Đồng Tử / Sưu tầm

Liên Hợp Quốc / Sưu tầm


Tranh Đông Hồ / Sưu tầm

Dân tộc Việt Nam / Sưu tầm

Long Thụ Bồ Tát / Sưu tầm

Thần thể / Sưu tầm


Chùa Việt Nam / Sưu tầm

Tôn giáo / Sưu tầm

Đạo Phật / Sưu tầm

Kitô Giáo / Sưu tầm





Tiếng Phạn / Sưu tầm

Trà Đạo / Sưu tầm


Bài tâm tướng / Sưu tầm


Long Thụ / Sưu tầm


Ngũ Thời / Sưu tầm

Mahātmā Gāndhī / Sưu tầm








Lý đạo là Xuân / Sưu tầm


Tâm thanh tịnh / Sưu tầm


Tà thần thấy người đang dục vọng,
Đã tu hành còn mộng mị huyền,
Thừa cơ khuyến dụ rủ ren,
Thiêu thân đành phải vì đèn lụy thân.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây