Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
25/09/2010
Hồng Phúc

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 12/06/2015

Tình Vô Cực


Hồng Phúc
(15-8 Canh Dần- CQPTGLĐĐ)

Một mùa Trung Thu nữa lại về trên quê hương Việt Nam. Kể từ khi Đức Thượng Đế giáng trần trên ngọn linh cơ khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cách đây gần một thế kỷ, lễ hội Trung Thu đêm rằm tháng tám không chỉ là một nét văn hoá mang tính truyền thống dân tộc, mà đặc biệt với những người áo trắng Cao Đài, còn có một ý nghĩa thiêng liêng, ghi dấu ngày Mẹ Linh Hồn của vạn hữu lâm phàm khai mở Hội Yến Bàn Đào nơi cõi thế gian giữa thời mạt pháp, thắp lên ngọn đuốc soi sáng đêm trường tăm tối của buổi Hạ nguơn, hầu cứu nhân loại thoát trường sát kiếp của cơ cộng nghiệp.

Hơn 80 năm qua, mùa Trung Thu đến với người tín đồ Cao Đài bằng tất cả sự hân hoan ngưỡng vọng và tấm lòng thiết tha hướng về Mẹ Linh hồn vạn hữu dưới danh xưng Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu trong niềm tin đón nhận được dòng ân điển thiêng liêng của Tình Vô Cực qua lễ Hội Yến Bàn Đào để tâm linh thêm sáng suốt, nghị lực thêm vững vàng hầu vượt thoát khỏi muôn trùng thử thách, chướng ngại của chốn trần ai trên dặm đường thiên lý trở lại bến khởi nguyên.

Ngày xưa tương truyền Hội Yến Bàn Đào 3000 năm mới mở một lần nơi Thiên cung để đón mừng các vị Tiên mới trở về từ chốn thế gian. Đến Tam Kỳ Phổ Độ, Hội Yến Bàn Đào đã được Đức Từ Tôn Kim Mẫu mang đến cõi tạm ban cho con người giữa mùa thâu liễm như một hình thức dụng sự để cầu lý, đánh thức con người rời khỏi giấc mộng trần ai, tỉnh tu tìm đường đạo đức để giải thoát khỏi chốn luân hồi nghiệp quả, mà con người đã phải đắm chìm từ vô lượng kiếp
Trải mấy mươi thu dụng lý huyền,
Đạo mầu rộng mở cõi Nam Thiên;
Phá mê khi trẻ đang mơ mộng,
Đánh thức người đời lúc đảo điên.
Vượng khí thái hòa yên sóng gió,
Ban tình Vô Cực đoạn trần duyên;
Thu Đông rồi cũng sang Xuân Hạ,
Thoát kiếp phàm phu lại cảnh Tiên.1Thánh thất Bình Hòa, Ngọ thời rằm tháng 8 Đinh Mùi ( 18/9/1967 )


Đối với hầu hết người tín hữu Cao Đài, ai cũng hiểu một cách nôm na khái quát “tình Vô Cực” là tình thương bao la không bờ bến của Đức Vô Cực Từ Tôn, là Đấng hóa sanh trưởng dưỡng muôn loài vạn vật nơi chốn hữu hình. Nhưng qua lời dạy của Đức Mẹ, Ngài đến trần gian để :
“Phá mê khi trẻ đang mơ mộng,
Đánh thức người đời lúc đảo điên.
Vượng khí thái hòa yên sóng gió,
Ban tình Vô Cực đoạn trần duyên;”

Điều đó không có nghĩa đến Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Mẹ mới giáng trần ban cho con người “ Tình Vô Cực”, mà Tình Vô Cực đã hiện hữu từ khi khai thiên lập địa, và chính nhờ Tình Vô Cực mà: “Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh”, cho muôn loài vạn vật dịch biến trên dòng tiến hóa tự vô thỉ đến vô chung .

Mặt khác, Đức Chí Tôn đã từng nhắc nhở: “ Thầy có thương các con cũng không thể ẳm bồng cho đặng” bởi vì : “ Dầu cho Thầy cũng phải chịu dưới quyền luật của Đạo”2 Đại Thừa Chơn Giáo –Tu phải luyện Đạo

Như vậy, dù Đức Từ Tôn với Tình Vô Cực đã được Ngài xác nhận:
Lòng Từ Mẫu vô cùng vô tận,
Đức Từ Tôn khó nhận khôn lường;
Không lãnh vực, không biên cương,
Bao trùm vũ trụ tình thương vạn loài.3 Thánh Thất Bình Hòa, Ngọ thời rằm tháng 8 Đinh Mùi ( 18/9/1967 )

Con người cũng không thể nào đơn giản chỉ biết thụ động đón nhận tình Vô Cực của Đức Từ Mẫu là sẽ “ đoạn trần duyên”, tức là sẽ giải thoát khỏi nghiệp quả luân hồi, siêu xuất thế gian. Vì Đức Mẹ đã dặn dò:
“Tình Vô Cực vô cùng vô tận, hàm chứa bao la đối với vạn linh vạn vật. Các con là con cái của Mẹ, các con cần phải nghiền ngẫm những lời Mẹ dạy để tu tập cho nên một sứ mạng tín đồ môn đệ Đức Cao Đài trong kỳ tận độ.”4 Vạn Quốc Tự , Tuất thời mùng 8 tháng 3 Nhâm Tý (21.04.1972)

Học lời dạy của Đức Mẹ , chúng ta phải hiểu thế nào là “ Tình Vô Cực” và làm thế nào để đón nhận được “ Tình Vô Cực” để đoạn được duyên trần, để làm tròn sứ mạng của người môn đệ Đức Cao Đài trong kỳ tận độ hầu quay về nơi cõi siêu sinh, mãi mãi rời xa chốn trần gian nhiều oan nghiệt.

I-TÌNH VÔ CỰC LÀ ĐỨC HÁO SANH

“Vô” nghĩa là không, “Cực” nghĩa là tận cùng. “Vô Cực” nghĩa là không có sự giới hạn, tận cùng.

Trong Đạo Đức Kinh, Chương 25 Đức Lão Tử dạy:

“Có một vật hỗn độn mà thành trước cả Trời Đất. Nó yên lặng (vô thanh) trống không (vô hình), đứng một mình mà không thay đổi (vĩnh viễn bất biến), vận hành khắp vũ trụ mà không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết nó là gì, tạm đặt tên nó là Đạo, miễn cưỡng gọi nó là lớn (vô cùng). Lớn (vô cùng) thì lưu hành (không ngừng), lưu hành (không ngừng) thì đi xa, đi xa thì trở về (qui căn)…(Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề liêu hề, độc lập nhi bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên địa mẫu. Ngô bất tri kì danh, tự chi viết Đạo, cưỡng vị chi danh viết Đại. Đại viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản.)

Theo giáo lý Cao Đài, Vô Cực có trước khi phân chia trời đất, còn trong trạng thái gọi là Khí Hồng Mông: nghĩa là khí còn lộn lạo chưa phân biệt Âm Dương rõ rệt.

Thánh giáo dạy:
“Trước khi chưa định ngôi Thái Cực thì trong khoảng không gian ấy còn đương mịt mịt mờ mờ với Khí Hồng Mông, vì đó là còn trong thời kỳ hỗn nguyên vậy. Không gian ấy tức là Vô Cực.”5 Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 23-9 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 43 “vũ trụ”, trang 410

Khí Hồng Mông còn gọi là Tiên Thiên Hư Vô Chi Khí, hay gọi tắt là Khí Hư Vô. “…, khí hồng mông đương hỗn độn, mờ mờ mịt mịt, lặng lẽ vô vi, thanh trược hỗn hiệp kêu là Tiên Thiên Hư Vô Chi Khí”6. Đại Thừa Chơn Giáo, Septembre 1936 – ngày 3 tháng 8 Bính Tý, I – CƠ NGẪU LUẬN)

Đức Chí Tôn dạy: -“Nếu không có Hư Vô Chi Khí thì không có Thầy”7Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 13-6 Bính Dần (Jeudi 22 Juillet 1926); Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q1, trang 32

Hư Vô Chi Khí cũng chính là Đạo, theo lời của Đức Thượng Đế :- “Thầy là Hư Vô Chi Khí thì Đạo cũng đồng nghĩa đó thôi”8. Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 29-12 Bính Ngọ

Thế nên: = Vô Cực = Tiên Thiên Hư Vô Chi Khí= Khí Hư Vô = Đạo

Tóm lại, Vô Cực là trạng thái nguyên sơ, bất dịch và tiềm ẩn của Đạo được gọi là Tiên Thiên Hư Vô Chi Khí hay gọi tắt là Khí Hư Vô. Đó là cội nguồn của Thiên Địa; tuy Hư Vô, nhưng hàm tàng mọi đức tính của vạn vật, nên còn được gọi là Chân Không Diệu Hữu. Các đức tính ấy chưa đuợc phân biệt, còn lẫn lộn vào nhau, tạo thành một thể hỗn độn. Vì vậy, giai đọan Vô Cực còn được gọi là Hỗn Nguyên, tức là thời kỳ hỗn độn sơ khai.

Trong Vô Cực có hai yếu tố là Nguyên Lý Thiên Nhiên và Nguyên Khí Tự Nhiên, chính là Âm Dương Tiên Thiên ở thời kỳ Hỗn Nguyên, vừa bảo tồn bản thể bất dịch, vừa vận chuyển cơ biến dịch.
- Nguyên Lý Thiên Nhiên, còn được gọi là luật Thiên Điều, là một Lẽ Thật đương nhiên, bất biến, làm nền tảng cho mọi định luật của Thiên Địa; đó cũng là nguyên lý kiến tạo vạn hữu, vận hành vũ trụ, bảo tồn và dưỡng dục muôn loài:
“Vô Cực, hay Thiên, hay Pháp, hay Đạo, là Thiên tắc, Thiên Điều; Nó là cái luật mà vũ trụ vạn pháp phải theo đó. Đó là cái khuôn đúc nên con hình Càn Khôn vạn hữu. Luật ấy rất sinh động, ấn ký vào tâm tư của người, vật, Đất Trời.”9 Đạo Học Chỉ Nam, chương 1, tiết 2, mục 4.

-Nguyên Khí Tự Nhiên là nguồn năng lượng trường cửu để tạo nên sự sống, là nguồn chất liệu vô hình, vô chất để xây dựng nên tâm linh và hình thể của vạn vật. [Theo “Phật Mẫu Chơn Kinh” (trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo), tâm linh và hình thể của vạn vật được tạo nên từ Vô Cực].

Lý và Khí ấy phối hợp với nhau, tạo nên những vận động tế vi trong Vô Cực, tinh lọc dần dần những tinh ba của Khí Hư Vô để khai sinh Ngôi Thái Cực.
Đức Chí Tôn đã xác nhận: Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong Càn khôn Thế giới thì Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn khôn Thế giới. Thầy lại phân Tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: Vật chất, Thảo mộc, Côn trùng, Thú cầm, gọi là Chúng sanh. Các con đủ hiểu rằng: Chi chi hữu sanh cũng do bởi Chơn Linh Thầy mà ra. Hễ có sống ắt có Thầy. Thầy là Cha của sự sống. Vì vậy mà lòng háo sanh của Thầy không cùng tận.10Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh ngôn Mậu Thìn (1928).
Chính bởi đức háo sanh vô lượng mà Thầy đã sanh hóa ra vũ trụ càn khôn; cũng bởi đức háo sanh vô biên mà Thầy đã sanh hóa ra vạn vật chúng sanh từ khoáng sản, thảo mộc, thú cầm đến loài người. Chính từ con người mới tu tiến lên hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật.
“Thầy đã tạo hóa vạn vật vũ trụ với đức háo sanh. Thầy không ban riêng cho vật nào, giống nào hay nước nào. Tất cả vạn vật trên thế gian nầy đều sanh trong đức háo sanh và diệt trong định luật của Thầy.11 Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, MLTH, 9-1 Mậu Thân (7-2-1968).

Như vậy, tình Vô Cực chính là tình Tạo Hóa, là đức Háo Sanh đã sinh hóa, trưởng dưỡng, bảo tồn muôn loài vạn vật, không từ chối nguồn sống cho bất cứ một sinh vật nào dù nhỏ nhoi nhất xuyên suốt bốn mùa tám tiết, ngày đêm không ngưng nghỉ
Tình Tạo Hóa ban đều vũ trụ,
Đức háo sanh bao phủ càn khôn.
Chuyển luân nhựt nguyệt vong tồn,
Cỏ cây nhơn vật vô cùng hóa sanh.12Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, NTTT, 1-1 Ất Tỵ (2-2-1965).

Những lời Thánh giáo Đức Cao Đài đã khẳng định ngay từ những ngày đầu khai Đạo trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển đã là một minh chứng cho sự thương yêu, chính là tình Vô Cực xuyên suốt trong quá trình của cơ sanh hóa:

“Thầy là Cha của sự thương yêu. Bởi sự thương yêu mới tạo thành thế giới và sanh sản các con, vậy các con sản xuất nơi sự thương yêu, là cơ thể của sự thương yêu đó.
Sự thương yêu là giềng bảo sanh của càn khôn thế giới, bởi thương yêu mà vạn loại hòa bình, càn khôn yên tịnh. Đặng an tịnh mới không thù nghịch lẫn nhau, mới không tàn hại nhau mà giữ bền cơ sanh hóa ….
Tình Tạo Hóa không bờ không bến, không nơi nào không vươn tới chính là tấm lòng của người mẹ bao la đối với con cái của mình, sẵn sàng mở rộng vòng tay khoan dung tha thứ như lời Thánh giáo đã dạy:
“Tình thương Tạo Hóa đối với vạn loài như tình người mẹ đối với đàn con. Dầu trong đàn con nếu có đứa nào ngỗ nghịch hư hỏng bướng bỉnh cách mấy đi chăng nữa, sự nuôi dưỡng dạy bảo người mẹ vẫn đồng đều chăm sóc tưng tiu.13NI SƯ DIỆU LỘC, Vạn Quốc Tự (Chơn Lý Đàn) Ngọ thời, 14 tháng 10 Kỷ Dậu (23/11/69)

Tuy Luật Công bình của vũ trụ luôn theo sát điều chỉnh thế gian để con người phải nhận chịu sự thưởng phạt của Luật Nhân quả trong vòng luân hồi chuyển kiếp, nhưng cho dù con người lỗi lầm gây ra muôn điều oan trái đa đoan, Đấng Hóa Công vẫn chở che tha thứ:

“Hỡi các con! trong tình Tạo Hóa đức hiếu sinh, Thầy nhìn vạn vật với một sự thương yêu chan rưới. Mặc dầu cảnh trần gian có biến đổi muôn hình vạn trạng, có sanh nhiều tội nghiệp đa đoan, có tạo nhiều phong ba bão tố, nhưng lòng Trời vẫn che, Đất vẫn chở. (…)

II-TÌNH VÔ CỰC LÀ ĐỨC CÔNG BÌNH.-

Vạn loại trong trời đất đều được Đấng Hóa Công đối xử một cách bình đẳng để duy trì quyền sống trong thiên nhiên. Bởi vì Công bình là một định luật căn bản để ổn định càn khôn vũ trụ. Nhờ định luật này mà vũ trụ được tạo ra, vạn loại được sinh hóa, con người được cao thăng tiến hóa.

Đức Văn Tuyên Khổng Thánh đã dạy:
“Công bình là một yếu tố định lập của vũ trụ, hoá sanh muôn loài, là phương diệu của nhân sanh trong cơ xử thế để thọ hưởng hồng ân của Tạo Hoá mà lập thành chơn vị thiêng liêng nơi cõi gian trần. Đức Công Bình luôn tồn tại trong vũ trụ và vạn sanh. Vì nếu thiếu lẽ công bình là tất cả- hình thức này đến hình thức nọ, trong cõi hữu thể cũng như trạng thái siêu sinh đều dấy động.”14Tam Thừa Chơn Giáo Q.2- Giữ lẽ công bình

Như vậy, Công bình là lẽ tự nhiên trong trời đất, là động lực giúp vạn vật được hóa sinh và trưởng dưỡng. Tất cả chúng sanh từ hữu tri giác đến vô tri giác đều được thọ nhận đồng đều tình Vô Cực trong sự sinh hóa, trưởng dưỡng của ngôi Thái Cực trọn tốt trọn lành:

“Hỡi Các con ôi!Từ xưa đến nay các con vẫn biết Thầy là Chủ tể của càn khôn vũ trụ. Thầy là Cha cả của nhơn sanh vạn vật, tất cả đều thọ hưởng hồng ân võ lộ của Thầy mà sanh sanh hóa hóa, từ hữu tri giác cho đến vô tri giác, trong tam giới ngũ hành đều do theo luật tạo đoan của Thầy mà biến chuyển.” 15 TGST-1961
Tình Vô Cực chính là Đức Công Bình của Tạo Hóa xây dựng nền tảng cho Luật Nhân quả chi phối thế giới nhân sinh.
“Cuộc biến chuyển tuần huờn đã định,
Luật công bình điều chỉnh thế gian;
Xuống lên địa ngục, thiên đàng,
Thánh siêu, phàm đọa, lẽ hằng xưa nay.”16Thiên Lý Đàn, Tuất thời, Rằm tháng Chạp Giáp Thìn (17.1.1965)

Và Đức Công Bình trở thành quy luật để bảo tồn cho quyền pháp điều hành ổn định thế giới càn khôn:
“Hỡi các con! Lòng Mẹ bao la thế giới, nhìn con vô tận. Thấy các con lặn hụp nơi bể đời mạt pháp, lắm lúc Mẹ muốn dùng huyền phép để vớt cả nhơn sanh về với Mẹ, nhưng luật tiến hóa công bình, máy tuần huờn luân chuyển, các con mãi cố tình troán tránh Mẹ già, mãi lăn theo bánh xe tuần hòan để dấn thân vào đường quả báo, than ơi! Mẹ biết làm sao hỡi con!”17Huờn Cung Đàn, Hợi thời 14 tháng 3 Tân Sửu (28.04.1961)
Chính vì vậy dù với tình thương bao la vô tận, Đức Từ Mẫu vẫn không thể cứu vớt đàn con đang dấn thân vào vòng nghiệp quả dù Mẹ rất đau lòng:

“Các con ôi! Thiên Địa chí công, sự tiến hóa không riêng cho loài người, mà chung cả vạn loại. Bởi thế, nên Tam Giáo mới ra đời lập Đạo, hầu dẫn dắt sự tiến hóa của vạn loài đi về đúng lẽ Trời, để giữ mãi cái thế gian an lạc thanh bình. Nhưng than ôi! Vì lòng thị dục của các con, không muốn hưởng ân huệ đồng đều mà các con chỉ muốn chiếm phần ân huệ của Hóa Công về cho trọn quyền sử dụng cá nhơn của mình. Nhưng các con nào có biết đâu, trong cặn bã có những loài vi trùng độc. Lòng thị dục của các con lại nảy nở ra lục dục thất tình, khiến các con trở thành một giống người tội ác, nên mới có cảnh hỗn độn ngày nay.
Các con ôi!Mẹ rất đau lòng giữa trách nhiệm và tình thương của Mẹ đối với các con. Ngày xưa cũng các con, mà ngày nay cũng các con. Xưa thì ngày Nghiêu tháng Thuấn, nay lại xương máu núi sông. Các con ôi! Mẹ rất đau lòng khi Nguyên nhân lạc vào đường trầm luân bể khổ.”18Đức Vô Cực Từ Tôn- Thiên Lý Đàn- 01-01 Quý Mão 11/9/63

Được làm người là đã được đứng vào hàng Tam Tài cao trọng, nếu con người không ý thức được bổn phận vi nhân, cam đành dập tắt ánh sáng thiêng liêng Trời đã phú ban, để làm nô lệ cho thị dục thấp hèn thì sẽ như lời Đức Quan Thánh Đế Quân cảnh báo:
“Dầu lòng từ ái vô biên của Đấng Đại Từ Đại Bi vô lượng vô biên, cũng không làm sao ẳm bồng, cất nhắc lên cho những tâm hồn mê muội, hoặc giả mê giả dốt.”19Đức Quan Thánh Đế Quân –CQPTGLĐĐ 15-12 Giáp Dần 1975

III- TÌNH VÔ CỰC CHÍNH LÀ TẤM LÒNG TỪ MẪU.-

Tình Vô Cực cũng chính là tấm lòng Từ Mẫu dành cho đàn con lạc lối thể hiện qua những lời thiết tha đầy ắp tình thương bằng ngôn ngữ của cõi thế gian mà không thể nào tưởng tượng đó là lời của một Đấng Tối Cao quyền năng bao trùm vũ trụ:

“Con ôi ! VÔ CỰC TỪ TÔN không ngự trên đài cao hoang vắng tình thương, mặc dầu nó đầy đủ vẻ vàng son rực rỡ. Ở đâu có ấu nhi đau khổ là có Mẹ, ở đâu có liễu bồ bất hạnh là có Mẹ. Nếu các con làm được những việc đó là Mẹ đã ngự trong tâm hằng cứu rỗi đó con.
Mẹ không nắm quyền sanh phạt các con. Ngược lại, Mẹ nắm phần cứu rỗi. Cho nên, thương là Mẹ, yêu là Mẹ, tha thứ, sinh dưỡng, bảo tồn, tất cả đều là Mẹ. Các con có nghĩ đến lòng Từ Mẫu chăng ?20Thánh thất Bình Hòa, Ngọ thời rằm tháng 8 Đinh Mùi ( 18/9/1967 )


Nơi cõi thế gian, không có gì cao quý thiêng liêng hơn tấm lòng người mẹ. Biết bao nhiêu là giấy mực để viết về tấm lòng trời biển của mẹ hiền: “Mẹ là giòng suối ngọt ngào, Mẹ là lời hát thần tiên, mẹ là bóng mát che trọn đời con…”Đối với thế nhân, tấm lòng người Mẹ được ví như như một kỳ quan của thế giới, không gì sánh kịp. Từ bậc vua chúa cho đến cùng dân không ai có mặt trên đời mà không nhờ đến công lao mang nặng đẻ đau, cưu mang hoạn dưỡng của mẹ. Người mẹ nơi hữu giới là người đã tạo cho ta một mảnh hình hài, rồi nuôi nấng xác thân này khôn lớn, lo cho ta nên người. Mẹ lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ, từ tấm áo manh quần, sẵn sàng hi sinh tất cả kể cả mạng sống của chính mình cho con.Khi con tượng hình trong bụng mẹ là đã bắt đầu chuỗi ngày cực khổ của mẹ, cho đến con cất tiếng khóc chào đời…Biết bao là công lao của mẹ cho con.

Ngay đối với loài cầm thú, lòng mẹ cũng là điều kỳ diệu nhất. Con hùm thật dữ tợn cũng không hề ăn thịt con mình.Con gà hiền lành cũng sẵn sàng giương đôi cánh nhỏ chống chọi với bầy diều hâu để che chở con mình.

Nói lên điều này, để thấy rằng dù ở cõi hữu giới nhị nguyên với nhục thể phàm phu chất chứa đầy thất tình lục dục mà mỗi người làm mẹ đều có một tấm lòng không gì sánh được. Huống hồ là người Mẹ linh hồn toàn thiện, toàn chân, toàn mỹ với tình thương không bờ không bến.

Tình thương của Đức Từ Tôn bao trùm lên cả vũ trụ. Một thứ tình thương cho đi mà không cần đáp trả. Ai đã từng đọc qua quyển kinh Địa Mẫu để thấy rằng tất cả những gì hiện hữu trên thế gian nầy, phục vụ cho sự sống loài người đều do quyền năng của Ngài tạo ra. Từ nhịp thở của mỗi con người đều không ra ngoài sự bảo tồn của Đức Mẹ. Chỉ một sát na Đức Mẹ quay lưng, cả vũ trụ này chìm vào cõi chết.

Tất cả chúng ta có mặt nơi này, có thể là Nguyên nhân xuống trần do tự nguyện lãnh sứ mạng lập đời hoặc do phạm lỗi bị đày xuống trần gian, hay là Hóa nhân tham dự công cuộc tiến hóa chung của vũ trụ, đều đã gặp nhau ở một điểm “men trần chưa nhắp mà mình đã say”, không còn nhớ đến cội nguồn, để không biết bao nhiêu kiếp luân hồi xuống lên trong vòng quả nghiệp. Đức Mẹ phải thúc giục:
“Hỡi tàn linh ơi hỡi tàn linh!
Có nhớ quê xưa chốn ngọc đình
Quày gót mau về nơi cựu vị
Thôi đừng dan díu kiếp phù sinh.”21Đức Vô Cực Từ Tôn, Trúc Lâm Thiền Điện, Ngọ thời Mùng 6 tháng

Đến Tam Kỳ Phổ Độ, cơ tận diệt gần kề để châu nhi phục thỉ. Từ chín tầng thượng giới, Đức Mẹ nóng lòng vì đàn con còn ngụp lặn nơi cõi trầm luân khổ hải, phải khẩn cầu với Đức Chí Tôn để xuống trần tìm đàn con lạc bước:
“Trong khi ấy nguyên thủy hóa sanh là Mẹ, Mẹ phải đem quyền năng thâm diệu, hầu cầu khẩn với Chí Tôn để đến thế gian vạch rõ đường đi nước bước, nhắc nhở tiền kiếp hậu lai, và cũng để cho các con thức tỉnh mà nhìn đến nguyên nhân của mình hầu quày gót trở về nơi khối Đại Linh Quang và sẽ chuyển luân trong đức háo sanh chí trọng.22 Ngọc Minh Đài, Tuất thời Rằm tháng 10 Bính Ngọ (26-11-66)

Nhưng con người vẫn vô tình tối tăm chạy theo ảo ảnh trong đêm trường nhân thế, gánh chịu khổ đau khiến cho Đức Mẹ phải nghẹn ngào:
“Sao con lánh Mẹ đi đường khác?
Đến nỗi tang thương chịu não nùng!”

IV.- TÌNH THƯƠNG NƠI CON NGƯỜI

Con người là sinh vật tối linh đứng vào hàng Tam tài đồng đẳng, ngang hàng với Trời Đất, đồng bản thể với Trời. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Thượng Đế khẳng định: “Thầy cho các con đến thế giới này với một Thánh thể thiêng liêng, y như hình ảnh của Thầy”

Hình ảnh của Thầy là hình ảnh của Tình Vô Cực, của sự thương yêu. Vậy thì con người phải là hiện thân của tình thương. Con người cũng như vạn loại được sản sinh từ đức háo sanh, từ tình thương vô biên của ngôi Vô Cực, thì phải có mầm tình thương. :“ Chính vì bởi tình thương mà tạo nên càn khôn vũ trụ vạn vật muôn loài. Chính vì bởi tình thương mà cha mẹ thương con, nuôi dưỡng chắt chiu kể từ tấm bé đến lúc trưởng thành. Chính vì tình thương mà rất đỗi ác thú nơi chốn rừng sâu, loài ăn thịt người vẫn có tình mẫu tử chắt chiu.”23 Đạo Học Chỉ Nam

Tuy nhiên, con người vì bị thất tình lục dục chi phối, lại thêm lòng tham lam ích kỷ, cho nên sự biểu hiện của tình thương, vốn dĩ xuất phát từ gia tài Thượng Đế phát ban, lại bị giới hạn tùy theo trình độ tiến hóa tâm linh của mỗi người.

Đức Vạn Hạnh Thiền Sư nói về tình thương hiện hữu nơi con người:
“TÌnh thương vợ chồng con cái trong gia đình cũng là tình thương. Tình thương quốc gia dân tộc cũng là tình thương. Tình thương nhân loại cũng là tình thương. Còn tình thương muôn loài vạn vật lại là một tình thương khác nữa. Mỗi một phạm vi, tình thương đều có giá trị theo giai tầng của nó. Tình thương nhỏ hẹp như vũng nước đọng nơi dấu chân trâu, tình thương rộng hơn chút nữa ví như nước ao hồ, tình thương khác lớn rộng hơn nữa ví như dòng suối trên nguồn để về sông rạch, còn tình thương lớn rộng bao la hơn nữa ví như nước chốn đại dương.”24 Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời 02-11 Kỷ Dậu (1969)

Thật vậy, con người chứa chan tình thương, nhưng với thế nhân thường là thứ tình vị kỷ, con người thường thương mình hơn tất cả, vì tình thương cho đi thì phải có tình thương trả lại. Sự hy sinh của người mẹ dù có lớn lao bao nhiêu, tình thương đáp lại của con mình vẫn là niềm an ủi, vui mừng của người làm mẹ. Đó là chưa nói đến thứ tình yêu nam nữ, hiếm có thứ tình cao thượng, cho đi mà không cần đòi hỏi một sự công bằng. Cho nên tình thương đã bị giới hạn theo từng mức độ ví như dòng nước tù đọng từ trong dấu chân trâu, vô cùng nhỏ bé, cho đến lớn dần khi ra biển cả

Con người còn nhân danh tình thương để làm những điều tội lỗi, như kẻ cướp của, giết người, vì tư lợi cũng nhân danh tình thương, như để có tiền nuôi vợ con đang trong cảnh nghèo túng. Người ta hô hào bảo vệ tình yêu nhưng thực chất vô tình hay cố ý chỉ nhằm thỏa mãn lòng tự ái ghen hờn.

Chính vì vậy mà tình thương giữa con người với con người không thể gặp nhau, do bởi bản chất khác nhau. Đức Diêu Trì Kim Mẫu nhận xét:
“Tình thương đồng đạo, đồng bào, đồng chủng các con đã có, nhưng tình thương ấy các con đã giới hạn nó trong những dấu chân trâu, thế nên chưa hòa đồng lẫn nhau giữa dấu chân này và dấu chân khác. Những hột muối tình thương các con quá nhỏ trong lúc ao hồ sông rạch nước loãng mênh mông, thế nên vị muối không còn nguyên chất của nó.”25Nam Thành Thánh thất, Tuất thời, 15-6 Tân Hợi (1971)

Tình thương của con người là thứ tình bị trói buộc trong vòng cảm nhận của lục dục thất tình, không phải là thứ tình vượt lên trên mọi thành kiến chấp ngã như dòng nước luân lưu đổ ra biển cả. Đó là thứ tình thương gây tạo hận thù, tranh giành, tàn hại lẫn nhau.
Ngay cả rất nhiều những người nhân danh công tác từ thiện để nhằm phục vụ cho ý đồ riêng tư của mình, chứ không vì tình thương đối với người bất hạnh. Bởi vì Công quả phải là sự thể hiện lòng bác ái, từ bi đối với mọi người, mọi vật qua tư tưởng, lời nói và hành động dưới nhiều hình thức nhằm mục đích xoa dịu, giúp đỡ, ban vui cứu khổ những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn; hướng dẫn người khác cải ác tùng lương, mà không hề để lại tuổi tên của mình hay nhận lại một lợi ích nào cho bản thân. Thì đó mới bản chất của Tình Vô Cực.

Bà Melinda, vợ của nhà tỷ phú Microsoft, đã nói:
"Chúng ta có xem rẻ mạng sống của người Phi Châu hơn mạng sống của chúng ta không? Bill và tôi cho rằng không có sinh linh nào mang giá trị hơn hay kém so với sinh linh khác. Chính sự công bằng này là lý do để quỹ từ thiện của chúng tôi hoạt động" 

Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates (BMGF) bắt đầu hoạt động với quy mô nhỏ vào
năm 1997 rồi chính thức khai trương vào năm 2000. Vợ chồng Gates đã cam kết sẽ trao tặng hết 95% tài sản khổng lồ của mình (hiện ước tính khoảng 46 tỉ USD) cho công tác từ thiện mà mục tiêu chính là để chế tạo các loại Vắc-xin chích ngừa cho trẻ em ở các nước nghèo trên thế giới .
Đến nay BMGF đã chi tổng cộng 28,8 tỉ USD. Hồi đầu năm, BMGF đã tặng cho Liên minh Vắc-xin và miễn dịch toàn cầu (Gavi) 750 triệu USD - một trong những món quà cá nhân lớn nhất lịch sử. Những lần tài trợ trước đó của vợ chồng Bill Gates đã giúp tiêm phòng viêm gan siêu vi B cho 43 triệu trẻ em, giúp giảm 39% tỷ lệ trẻ em bị sởi.... Ngoài ra, BMGF còn chi mạnh cho các dự án khoa học nghiên cứu vắc-xin và thuốc men, trong đó phải kể đến chương trình trị giá 35 triệu USD để thử nghiệm vắc-xin chống sốt rét ở Zambia.

Trả lời câu hỏi có để dành tài sản cho con cái của mình hay không, bà trả lời:
- "Bất cứ lúc nào gia đình tôi nói tới chuyện tài sản, chúng tôi đều nói đến trách nhiệm
phải trao tặng nó cho thế giới. Các con của chúng tôi đã có tài khoản riêng của chúng. 
Không phải lúc nào chúng muốn mua gì cũng được nấy mà phải đợi đến những dịp như sinh nhật mới được tặng hay đợi cho đến khi chúng tự để dành đủ tiền".

Bà kể: “Lần đầu tiên chúng tôi đến châu Phi là nhân một chuyến đi săn năm 1993. Chúng tôi không thể nào tận hưởng thiên nhiên hoang dã vì cảnh tượng mọi người đi chân đất, phụ nữ phải vừa bế con vừa xách nước đi hàng cây số và bởi lời mời từ một bộ lạc về việc dự buổi lễ cắt âm vật phụ nữ. Sau đó về nhà, chúng tôi tìm đọc Báo cáo về phát triển thế giới năm 1993 và không khỏi giật mình. Trẻ con đang chết hàng loạt chỉ vì căn bệnh tiêu chảy và những loại bệnh cơ bản mà trẻ con ở nước chúng tôi đã được tiêm vắc-xin.Chúng tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm tìm hiểu sự thật và càng tìm hiểu, chúng tôi càng thấy không thể chờ vì bệnh tật không đợi chúng tôi. Tôi đi vòng quanh thế giới để xem điều gì đang xảy ra. Nỗi sợ hãi khi quay về quá khủng khiếp đến độ tôi không dám hy vọng. Nhưng rồi bạn thấy đó, kinh tế đang thay da đổi thịt ở các nước phát triển và tự nó cải thiện mọi chuyện.... Điều đó đã vực Bill và tôi dậy".

Ngay sau khi cưới nhau, vợ chồng Bill Gates bắt đầu làm từ thiện nhưng làm một cách dè dặt, trong đó có lần tặng máy vi tính xách tay cho các ngôi làng ở khu vực cận Sahara (Phi châu). Nhưng rồi hai người nhận ra người dân lục địa đen cần thức ăn để no bụng và thuốc men để chống lại cái chết hơn là phần mềm Windows xa xỉ. Thế là họ tậu bao nhiêu là sách về các bệnh lây lan vì ký sinh trùng, về hệ miễn dịch, về cách phòng bệnh. Chỉ vì họ cho rằng: "Bạn không thể nói về chuyện tài trợ cho thuốc chống sốt rét nếu như bạn không hiểu rõ chu trình sống của con muỗi.... Làm từ thiện không chỉ đơn giản là ký séc chi tiền"
Đây mới đúng là tình thương xuất sinh từ bản chất của Tình Vô Cực

V- LÀM SAO THỰC HIỆN TÌNH VÔ CỰC

Để trả tình thương nơi con người về với đại dương của Tình Vô Cực, Kinh Thánh Tân Ước đã ghi lại điều răn cuối cùng mà Chúa Jésus để lại cho các môn đồ của Ngài:
“Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu thương nhau. Như ta đã yêu thương các ngươi thế nào, thì các ngươi cũng hãy yêu thương nhau thế ấy. Nếu các ngươi yêu thương nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta”
Như vậy, Chúa Jésus cho rằng chính sự thực hành tình thương yêu đối với đồng loại của KiTô hữu sẽ là dấu hiệu để nhận ra là môn đồ của Ngài..

Với người tín đồ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để thực hành tình thương thiêng liêng cao quý này, Đức Từ Tôn Kim Mẫu chỉ dạy:

Con hãy thương yêu kẻ ghét mình,
Thương đời mạt kiếp khó tồn sinh
Thương thân cá chậu, vòng oan nghiệt,
Thương phận chim lồng, chốn nhục vinh;
Thương kẻ tội tình chưa thức tỉnh
Thương người mê muội mãi u minh
Có thương mới dày công quả,
Công quả là đường đến Ngọc Kinh.”26 Đức Vô Cực Từ Tôn, CQPTGLĐĐ, 26-12 Nhâm Tý

Thực hiện lời dạy này, không phải là chuyện dễ dàng, nhưng đó lại là điều kiện cần thiết để con người có thể về tới Bạch Ngọc Kinh. Không còn con đường nào khác hơn là phải phục hồi tình thương nơi mỗi cá nhân, nhân rộng tình thương ra khắp cộng đồng. Bởi vì Tình thương trong thế giới nhân sinh hết sức cần thiết để giải quyết mọi vấn đề của con người hiện nay như lời dạy của Thiêng Liêng:

“Tình thương sẽ cứu chuộc mọi nguồn tội lỗi, sẽ là liều thuốc thần đơn trị lành mọi bịnh tình nhân lọai. Tình thương là chìa khóa giải thoát con người ra khỏi bể trần tục lụy, là con đường đưa con người lên nấc thang tiến hóa.
Ngôi vị chơn linh Tiên Phật được định giá bởi tình thương. Một tình thương cao thượng thiêng liêng sẽ giải quyết được vạn sự kiện của nhân sinh. Dòng nước bản thể luân lưu trong các hình tướng biểu hiện, sẵn có đủ vô lượng tánh để soi rọi chân như của vạn thể chúng sanh.”27Đạo Học Chỉ nam

Để tập rèn Tình Vô Cực nơi con người, Thánh giáo Cao Đài đã chỉ ra phương pháp “Công bình – Bác ái- Từ bi” là 3 con đường của Tam giáo có thể được xem là 3 mức độ của Tình thương:

-Công bình là tình thương ở mức độ cơ bản. Ở mức độ này, ta thương yêu nhân sinh như thương yêu bản thân mình, đối xử với mọi người như đối xử với chính mình. Những gì mình không muốn thì đừng mang đến cho người khác.

“Đem triết luận Tây, Đông sưu tập,
Luật Công bình cao lập bên trong
Thế gian quý được cõi lòng;
Việc mình không muốn, đừng mong trao người”28ĐHCN

-Bác ái là tình thương ở mức độ cao hơn. Ở mức độ này, ta thương yêu nhân sinh nhiều hơn yêu thương bản thân mình, đối xử với tha nhân tốt hơn đối với chính mình.

Đức Từ Tôn Kim Mẫu dạy:
“Khi các con đã thật lòng bác ái, các con không còn thấy người sang kẻ hèn, người dại kẻ khôn, người uy quyền kẻ yếu đuối, người thân kẻ sơ. Đã không chia cách như vậy, lòng các con là một cõi bồ đề, một cõi niết bàn, một cung Diêu Trì và chính con sẽ ở trong Thượng Đế.”29Vạn Quốc Tự , Tuất thời mùng 8 tháng 3 Nhâm Tý (21.04.1972)

-Từ bi là tình thương ở mức độ cao nhất. Ở mức độ này, ta thương yêu nhân sinh nhiều đến mức quên cả bản thân mình, sẵn sàng hy sinh tất cả cho tha nhân để cứu độ tha nhân.

“Đức từ bi thu hồi quang chiếu
Luyện được rồi, sáng diệu tâm linh;
Tỏa khai muôn dặm ánh huỳnh
An nhàn bốn cõi, thạnh tình thiên lương”30 ĐHCN

Để thực hành được cả ba mức độ Tình thương này thì người tín đồ Đại Đạo đã có phương pháp Tam Công: Công trình, Công quả, Công phu. Đức Từ Tôn Kim Mẫu chỉ dạy:

“ Trời Đất không riêng, đạo lý có một. Đã là có một thì không riêng, mà tư riêng thì không còn là một của Đạo lý nữa. Con hãy học đức Từ bi của Phật, Bác ái của Tiên, Công bình của Thánh, cùng hợp ý chung tâm để tìm lẽ Đạo, thì tất nhiên điều sai lạc sẽ được phô bày tỏ rõ. Con sẽ được niềm bảo vệ của các đồng đạo, và khi nhơn dục tịnh tận, thiên lý sẽ lưu hành. Đó là chơn lý của công trình, công quả và công phu vậy.”31Vạn Quốc Tự, Ngọ thời, 15-8 Ất Tỵ (1965)

KẾT LUẬN.-

Tình Vô Cực đã , đang và sẽ chan rưới mãi mãi trên khắp thế gian này cho tất cả sinh linh hạnh hưởng. Con người hãy thọ nhận và đem trao cho tha nhân, cho đồng loại và cho muôn vật để xứng đáng với vị thế tam tài đồng đẳng Thiên Địa Nhân, để làm tròn sứ mạng làm người, và quan trọng hơn nữa là để tự cứu mình, cứu người thoát khỏi trường sát kiếp buổi Hạ ngươn, hoàn thành sứ mạng của người tín đồ Đại Đạo như lời Đức Mẹ dặn dò trong đêm Trung Thu Hội Yến Bàn Đào:

Ơn lành Mẹ rưới khắp con thơ,
Mỗi đứa thanh tâm để hưởng nhờ;
Mang trọn tình thương ra cứu thế;
Diêu Cung Từ Mẫu sẽ trông chờ.32Vạn Quốc Tự , Tuất thời mùng 8 tháng 3 Nhâm Tý (21.04.1972)

Nếu con người phí phạm tình Vô Cực, chỉ mong đón nhận để sở hữu riêng tư, thỏa lòng vị kỷ thì con đường trở lại bến khởi nguyên sẽ mãi mãi chỉ là bóng mờ miên viễn, bởi vì Đức Từ Tôn đã nhắc nhở:

“Luật công bình và lòng TỪ MẪU thương con vô biên, không bỏ sót một con nào, dầu một việc làm có tánh cách đạo đức rất nhỏ đến đâu cũng không mất đó các con à ! Mẹ đỡ nâng dìu dắt tùy sức và tâm đức của các con. Các con có thiết tha cố gắng hướng thượng, Mẹ mới có thể cất nhắc con lên; ngược lại nếu các con dãi đãi biếng lười, dầu thương đến mấy, Mẹ cũng không làm sao qua luật Thiên Điều mà làm điều bất công đó các con.”33Minh Lý Thnh Hội, Hợi thời, mng 1 thng 7 Nhm Tý (09.08.1972)

Mùa Trung Thu Canh Dần 2010










Hồng Phúc

Người giác ngộ vun bồi tánh đạo,
Bậc nguyên căn hoài bão ý Thiên,
Vào đời một chí nhẫn kiên,
Thực thi sứ mạng pháp quyền dựng xây.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, Rằm tháng Giêng Tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây