Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
18/03/2021
Huệ Chơn

Ý NGHĨA MÙA TU XUÂN PHÂN (1990


Ý NGHĨA MÙA TU XUÂN PHÂN (1990)

I. DẪN NHẬP

Mùa tu Xuân Phân lại về với chúng tôi. Nhớ lại trước đây, mỗi độ gần tới mùa tu thì Đức Lão Tổ có dạy đại ý như vầy.

“Người hành giả có ý thức giác ngộ thì cứ mỗi độ đến mùa tu, hãy lo sắp xếp mọi việc để khép mình vào tịnh đường mà tịnh luyện để nhiếp thâu chỗ giao dịch của Đất Trời để bồi dưỡng thân tâm. Chớ không phải đợi đến khi có lịnh Thiêng Liêng mới làm và khi làm ý niệm của mỗi người không giống nhau, có người làm là vì Thánh Lịnh. Nếu không làm thì sợ đắc tội với Ơn Trên, cho nên làm để trả lễ hoặc để chiếu lệ. Cũng có những người làm để được Ơn Trên chấm công, ban ơn, phù hộ mình đắc đạo”.

“Như vậy thì việc làm đó cảm thấy bị bắt buộc, gò bó chớ không phải do từ trong đáy lòng của mình thúc bạch, thiết tha với vị Đạo, mùi thiên v.v..”

“Có người khi vào khóa tu lại tính toán so đo sao tịnh nhiều ngày, nhiều giờ quá, xem giờ ăn giấc ngủ trọng hơn giờ khắc tịnh thiên. Sự tính toán đó chẳng khác nào đem so sánh thời gian tịnh thiên như là một canh bạc v.v.. Mà không thấy rằng việc tịnh thiên chính là việc tu bổ, sửa chữa lại những chỗ hư hao, khiếm khuyết của thân tâm, là bồi dưỡng lại những chỗ mỏi mòn của nhục thể mà hằng ngày vì sanh kế đã vô tình làm cho nó mất quân bình rồi sanh ra bịnh nầy, chứng nọ, chẳng khác con tuấn mã trên dặm trường thiên lý mà chẳng lúc nghỉ ngơi như cái máy chạy suốt tháng quanh năm mà chẳng có lúc dừng để châm dầu chế nước!!!”

Kính thưa quí vị!

Những lời dạy trên của Đức Lão Tổ có tính cách vừa dạy bảo khuyên lơn và cũng vừa trách yêu thương xót cho những ai chưa thấm nhập vị tịnh mùi thiên.

Vậy, hôm nay, chúng ta đang bước vào khóa tu Xuân Phân. Cũng như những lần khác, có dịp dừng lại đợi khắc thời gian để ôn đi, nhắc lại những lời dạy của Ơn Trên cho việc của mình sẽ làm và phải làm trong khóa tu để chuẩn bị tinh thần cho những ngày sắp tới.

II. CHÁNH ĐỀ

1. Đặc tính của Tiết Xuân Phân ra sao?

Xuân Phân là lúc mà Dương Khí của Vũ Trụ đang lên trên đã sung mãn.

Xuân Phân ứng vào quẻ LÔI THIÊN ĐẠI TRÁNG. Có 4 hào Dương bên trong và 2 Âm bên ngoài. Hào quái đó tượng trưng cho sức sống của Vũ Trụ đến hồi mãnh liệt.

Thời tiết vô hình cho nên phải mượn hình tượng Quẻ Đại Tráng để nói lên sức sống đó. Quẻ ĐẠI TRÁNG gồm có 2 Quẻ đơn là Chấn và Kiền.

CHẤN là LÔI là tiếng sấm nổ, KIỀN là Trời. LÔI THIÊN là tiếng sấm nổ của Trời. ĐẠI TRÁNG là biểu tượng sức mạnh của Trời Đất trong lúc nầy.

2. Tiết Xuân Phân ảnh hưởng vạn vật ra sao?

Xuân Phân là giữa mùa Xuân, là mùa Sanh hóa, vạn vật trên đà sanh sôi nảy nở sung mãn.

3. Tiết Xuân Phân có liên hệ gì với Đạo Pháp?

Như trên đã nói, XUÂN là mùa sanh hóa, vạn vật trong đó có con người, trên đà sanh sôi nảy nở sung mãn. XUÂN thuộc MỘC, nơi thân người là Tạng CAN. Mùa nầy CAN thịnh. CAN chứa Hồn, tánh nó thuộc Mộc là NHƠN ÁI. Do đó, khóa tu Xuân Phân có công năng là bồi dưỡng THẦN HỒN cho vững, bồi dưỡng lòng NHƠN ÁI cho ngày thêm tròn đầy.

4. Thực hành Đạo Pháp cách nào cho hữu ích?

Ơn Trên đã dạy “ĐẠO PHÁP Ở TRONG THÂN, NGOÀI THÂN KHÔNG CÓ ĐẠO PHÁP”.

- Đạo Pháp là phép tắc của ĐẠO.

- Phép tắc của ĐẠO lấy ÂM DƯƠNG, NGŨ HÀNH mà sanh hóa, trưởng dưỡng và bảo tồn muôn vật.

- Phép tắc nơi người thì cũng lấy ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH

+ ÂM DƯƠNG nơi người là HỒN XÁC, THÂN TÂM, THẦN KHÍ, TÁNH MẠNG.

+ NGŨ HÀNH nơi người là NGŨ TẠNG Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận.

Vậy thì thực hành Đạo Pháp là cái phép tắc làm cho tốt đẹp sung mãn cả hai phương diện HỒN XÁC, THÂN TÂM, THẦN KHÍ và TÁNH MẠNG và cho cả Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận.

Do đó mới nói ĐẠO PHÁP ở trong THÂN, ngoài THÂN không có ĐẠO PHÁP.

Nhưng vì tâm lý của thế nhân thường thường là muốn thụ hưởng mà không muốn chịu nhọc, cho nên Ơn Trên mới nói LUYỆN KỶ TỐI NAN, HOÀN ĐAN THẬM DỊ.

- Bảo chịu nhọc thì rất khó.

- Bảo thụ hưởng thì rất dễ.

Mà chịu nhọc tức là luyện kỷ đó. Nếu không luyện kỷ thì lấy chi mà hườn đơn, nếu không chịu nhọc thì lấy chi mà thụ hưởng.

Cái chứng bịnh của thế nhân thì như thế đó thậm chí cho đến hàng hành giả ngồi thiền tu tịnh mà cũng không thiếu chi người vẫn còn vươn mang chứng bịnh đó. Do đó mà Ơn Trên lại nói thêm

Người ta ai ai cũng thích mình có một thân hình cân đối nở nan, quắc (quác) thước, hồng hào, thế mà lại không thích làm những điều giúp cho thân được như vậy.

Người ta ai ai cũng thích cho mình có một tấm thân lành mạnh, thế mà lại không thích làm những phương cách giúp cho mình lành mạnh.

Người ta ai ai cũng oán ghét bịnh hoạn, thế mà lại thích gây ra mầm bịnh hoạn.

Người ta ai ai cũng thích trường thọ, thế mà lại thích làm những điều khiến cho mình chết yểu.

Người ta ai ai cũng sợ chết, thế mà lại thích làm những điều khiến cho mình dễ chết.

Người ta ai ai cũng sợ chứng bịnh áp huyết cao thế mà không sợ những tánh hẹp hòi chấp nhứt, từ đó sanh ra giận hờn, phiền não, buồn bực, tức tối để làm tăng chứng áp huyết cao.

Người ta ai ai cũng thích cho mình có diện mạo nhơn từ, phúc hậu, tiên phong đạo cốt, thế mà lại không muốn tu sửa tâm địa, tánh tình nết na, đức hạnh của mình cho có chất nhơn từ phúc hậu đó

Kính thưa quí vị!

Xuyên qua bảy chứng bịnh mà Ơn Trên mới vừa kể bên trên, đó là những chứng bịnh rất phổ quát mà người đời cũng như người đạo đều thường mắc phải. Vì thế mà các Đấng Thiêng Liêng, các bậc Tiền nhân đắc Đạo mới bày ra các phương cách tu thiền để ngăn ngừa hoặc để chữa trị những chứng bịnh đó.

Như vậy thì, tu thiền là phương thuốc thần để chữa trị các chứng bịnh về thân và về Tâm của con người.

Vậy thì, dựa vào đó chúng ta có thể tuần tự thiết lập cách thực hành chữa trị hoặc ngăn ngừa các chứng bịnh đó như sau

Muốn có một thân hình cân đối nở nan, quắc thước, hồng hào, muốn có được một tấm thân lành mạnh, muốn không sanh bịnh hoạn, hoặc ít sanh bịnh hoạn, thì chúng ta phải siêng năng tu tập các pháp Cẩm Đoạn, phép Nội Công Hấp Khí và tập thể dục mỗi ngày ít nhứt một lần vào buổi sáng sớm tinh sương.

Kế đó, đừng ăn không ngồi rồi mà cho là nhàn hạ, mà phải hoạt động tay chơn cho gia sự, cho đạo sự hoặc cho các thiện sự cho huyết mạch lưu thông.

Đồng thời hãy mở lòng đại lượng, bao dung, hằng tạo niềm vui lành phấn khởi trong lòng. Tuyệt đối tránh phiền não, giận hờn, bực bội, ganh tị.

Muốn được sống lâu tăng tuổi thọ thì phải có hạnh phóng sanh và làm những việc cho có ích nhơn lợi vật, nhứt là đừng sát hại sự sống của loài vật.

Muốn ngăn ngừa chứng bịnh áp huyết cao hoặc tự chữa trị chứng bịnh nầy, thì nội tâm phải tuyệt đối đừng để bị xúc động vì buồn, ghen, giận, ghét, lo âu oán hận, v. . .v . . mà luôn luôn phải tạo niềm hân hoan lạc thiện, phấn khởi vui tươi để giúp các phương tiện tốt cho những hạch nội tuyến hoạt động đúng với chức năng bồi dưỡng của nó.

Muốn cho mình được diện mạo hiền từ, phúc hậu, tiên phong đạo cốt, thì phải nghĩ cho thật, nói cho thật, hành cho thật và tu cho thật, bởi vì

Bên trong đức hạnh có tu,

Bên ngoài đức ấy từ từ hiện ra.

Vậy, nguyên tắc tu tịnh, tu thiền là thâu thần hướng nội vào tâm gọi là hồi quang phản chiếu, hay nội quán kỳ tâm. Phải quán cho đúng việc, đúng chỗ, đúng lúc, thì đó là chánh niệm. Ngược lại, nếu quán không đúng việc, không đúng chỗ, không đúng lúc thì gọi là vọng niệm, là tà niệm. Nếu để THẦN dong ruổi nỗi trôi, bỏ xác ngồi đó không hồn, thì đó là tạp niệm. Bằng ngược lại, không niệm, không quán, ngoan không, hôn trầm, thì thân người hành giả lúc đó chỉ là cây khô, là đất đá.

Ơn Trên đã dạy

Nào tà niệm, thế nào chánh niệm,

Hỡi thiền sanh hãy kiếm cho ra;

Vào thiền, tạp niệm bao la,

Ấy là tà niệm, ấy là vọng tâm.

Còn vào tịnh để tâm rỗng tuếch,

Chẳng động lay, y hệch cây khô;

Mơ màng hữu hữu, vô vô,

Hôn trầm, bất giác, như vò đá chai.

Lúc ngoại thiền thì hay tưởng chánh,

Ấy lập Bồ Tát Hạnh viên dung;

Còn khi vào tịnh thất trung,

Không hôn, không vọng và không dấy loàn.

Đến trạng thái thân an, thần lập,

Thì niệm điêu đạo pháp vận hành;

Rõ đường hô hấp, tử sanh,

Vào, ra, đóng, mở cho thành thói quen.

Chẳng dụng ý nhớ, quên mọi lẽ,

Chẳng trước tâm là sẽ làm gì?

Nương theo máy nhiệm huyền vi,

VÔ, hay CHÁNH NIỆM, chính thì là ĐÂY!

Ngoài ra, về phương diện thực hành, mùa tu Xuân Phân nầy chúng ta cần phải chú ý bồi dưỡng ba phần sau đây, đó là Sức lực, Tâm lực, Thần lực.

Về sức lực thì Phải siêng năng thi hành đạo pháp để bồi bổ tạng TÂM và tạng CAN. Nên đi nghỉ sớm và dậy sớm để thu liễm THẦN KHÍ. Mùa nầy CAN vượng TỲ suy, do đó nên ăn ít ít chất chua, thêm chất ngọt, thêm một ít cay để bổ gan trợ thận. Các thức ăn mà chọn được màu xanh và màu vàng thì càng tốt. Nên siêng năng vận động thân thể cho huyết mạch và thần khí lưu thông. Đó là phương thuốc trường sanh mà khỏi tốn tiền. Nên lưu ý là đừng ai cho rằng có nhiều tiền của rồi ăn ở không, chẳng hoạt động chi cả mà cho đó là nhàn hạ, thật ra, làm như vậy đó là tự mình chuốc lấy tai họa đem bịnh vào thân.

Về tâm lực thì Nên dành thì giờ đọc tài liệu Đạo Pháp, thánh ngôn, thánh giáo để bồi dưỡng đức tin và gia tăng tâm đạo.

Về thần lực thì Hãy thường thâu thần vào một chủ điểm bên trong và hằng quán tưởng tốt cho chủ điểm đó, chớ đừng để cho thần phân tán vào việc tào lao thiên hạ sự. Mỗi một động tác hành pháp hoặc tập thể dục phải để thần tham dự vào đó thì mới có ý nghĩa và giá trị của nó.

III. KẾT LUẬN

Kính thưa quí vị!

Mùa Xuân Phân nầy cần ghi nhớ và thực hành hai chủ điểm như sau

1. Điểm một

Hãy siêng năng công phu tu tập, thâu Thần vào trong, mỗi động tác hành pháp đều phải chú THẦN vào đó hằng tưởng tốt cho CAN, TỲ.

2. Điểm hai

Tâm hồn luôn luôn ở trạng thái thanh thản từ ái, thong dong, tự tại. Hằng tạo nguồn lạc thiện phấn khởi bên trong để giúp cho nội tạng, nội tuyến hoạt động đúng với chức năng sinh tồn của chúng.

Và cũng nên nhớ rằng nếu để một chút gì gọi là phiền não, giận hờn, bực bội, oán ghét xen vào v.v.. thì chẳng nào khác nỗi lửa thiêu đốt cả rừng công đức, cả công trình tu tập, thậm chí cả mạng sống của mình nữa!!!!!

Chỗ nầy Ơn Trên đã dạy

Không lo tật xấu nảy sanh,

Chỉ lo nó phát mà mình không hay.

Chẳng lo bịnh hoạn quấy rầy,

Chỉ e phiền não lòng nầy cứu mang.

Chẳng lo chết yểu, chết măng,

Chỉ e cừu hận ngập tràn tâm trung.

Chẳng lo tu chẳng thành công,

Chỉ e dải đải mà không chuyên cần.

Chẳng lo chẳng hội được THẦN,

Chỉ e vọng niệm muôn phần ưu tư.

Chẳng lo chẳng phát lòng từ,

Chỉ e cố chấp khư khư sân cuồng.

Lòng mà thanh thản luôn luôn,

Ơn Trời, Đạo Pháp như tuông suối tràn.

Đừng phân tu thấp, tu cao,

Đừng phân tu trước, tu sau tháng ngày.

Mà nên ghi chú điều nầy,

TÂM BÌNH, HẠNH TRỰC, MÌNH đây thế nào?

Tôi xin chấm dứt bài luận về XUÂN PHÂN nơi đây. Kính chúc quí Vị thâu liễm Đạo Pháp tốt trong Khóa tu nầy.

Trân trọng kính chào và cảm ơn quí Vị.

(Soạn xong vào hồi 18h30, ngày 06/03/1990 nhằm ngày mùng 10/02 Canh Ngọ)

HUỆ CHƠN


 

 

Huệ Chơn

Cảnh khổ mà lòng vẫn phải vui,
Có vui mới thấy đạo say mùi,
Say mùi đạo hãy xa phàm tục,
Cho lặng lòng trần đắc vị ngôi.

Đức Chí Tôn, Thiên Lý Đàn, 30-10 Mậu Thân, 19-12-1968

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây