Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
04/11/2006
Đạt Tường

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 08/03/2010

ĐỒNG NHÂN TRÊN ĐƯỜNG SỨ MẠNG KỲ BA

Mục đích của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bao gồm Thế đạo đại đồng và Thiên đạo giải thoát.

Con đường sứ mạng kỳ Ba với mục tiêu Thế đạo là thực hiện đại đồng nhân loại trong cả hai mặt nhân sinh (tinh thần) và tâm linh (tín ngưỡng). Bàn về phương cách thực hiện sứ mạng kỳ Ba, Đức Da Tô Giáo Chủ đã dạy quẻ Đồng Nhân:

"Soán từ là "Đồng nhơn vu dạ". Đồng Nhơn mà vu dạ (ra đồng trống) thiệt rộng lớn mênh mông, không bờ bến. Đâu phải ra khỏi cửa hay ở trong tông phái mình mà thôi, còn kết thân tình huynh đệ đại đồng khắp chỗ, đồng hoang hẻo lánh, đâu còn lựa chọn so cân."Đức Da Tô Giáo Chủ, Đạo Lý 15, Huờn Cung Đàn, 15-11 Bính Ngọ(25-12-1966)


Do đó với tinh thần Đại Đạo:

1. Về phương diện tôn giáo

Đại đồng nhân loại là hướng tới thống nhứt tinh thần: tất cả các Đấng giáo chủ đều là sứ giả của Thượng Đế.

Dầu cho có "loại tộc biện vật", chúng ta thấy rằng:

· Các tôn giáo đã và đang hiện diện trong đời sống tinh thần của nhân loại, tất cả đều nằm trong hệ thống Tam Giáo Đạo.

· Tất cả các tín ngưỡng cho dầu có thể hình tướng tôn giáo chưa được đầy đủ (như Đạo thờ tổ tiên, Thần Đạo Nhật Bản, v.v…) tất cả đều ở trong hệ thống Ngũ Chi Đại Đạo của Thượng Đế Chí Tôn.

Vì thế, Tam Kỳ Phổ Độ, người tín hữu luôn được gieo ý thức tinh thần:

"… Luôn luôn tôn trọng các xu hướng tín ngưỡng, đem tình thương hòa đồng khắp cả mọi giới, đem thiện cảm gieo rắc mọi nơi để người người đều nhìn nhận cái lý duy nhất là cứu thế qua khỏi cơ tận diệt, hầu xây dựng hòa bình hạnh phúc nhân loại dưới ngưỡng cửa Đài Cao." Đức Ngô Minh Chiêu, thánh thất Nam Thành, 13-02 Bính Ngọ (04-3-1966)
Với nhiệm vụ sứ mạng được ban trao, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý thực hiện tinh thần đồng nhân theo lời dạy:

"Cần mở rộng cửa để thu nạp tất cả những kinh điển cùng các thiện căn ở các tôn giáo bạn hầu sưu tập nghiên cứu một pho giáo lý đại đồng Tam Giáo. Chẳng những soạn thảo những tinh ba tột đỉnh giáo lý Tam Giáo mà phải soạn thảo luôn đủ các trình độ để hầu độ tận chúng sanh từ hạ, trung đến thượng thừa. Ai nghiên cứu hoặc đọc qua đều cũng hiểu và làm theo được." Đức Quan Âm, Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý, 19-02 Ất Tỵ (21-3-1965)


2. Về phương diện nhân sinh

Tinh thần Đại Đạo không mâu thuẫn xã hội "văn minh cực kỳ diệu ảo" với"văn minh đạo đức". Vì thế để người có thể hiểu rồi đồng tâm với mình, Ơn Trên dạy chúng ta phải:

a.  Dùng ngôn từ của người

Chúng ta đang sống trong giai đoạn khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão. Để "văn minh tinh thần" có thể đồng hành và lèo lái "văn minh kỹ thuật" thì con người tôn giáo phải được đào tạo và huấn luyện đạt đến ý thức:

"Muốn thực hiện thế nhơn hòa, mà không dùng ngôn từ của người đời nay, thì mong gì người hiểu được mà ta phổ độ. (…) Các em cần phải nâng cao tầm mức giáo lý cho có triết học, khoa học, văn học để tăng thêm tính chất hấp dẫn và phổ biến. (…)

Xã hội ngày nay tiến tới những tương quan càng thêm phức tạp, tinh thần tư tưởng con người cũng biến chuyển, không ngừng đổi thay, thay đổi. Thế nên, các em phải làm thế nào (cho) giáo lý Đạo luôn có tính cách thích ứng với thời đại và hoàn cảnh chung cũng như riêng." [4]

Đồng thời Ơn Trên cũng dạy:

"Khoa học sẽ giúp người đạt địa, đạo lý sẽ giúp người thông thiên, thế gian không còn là biển khổ, là sông mê." [5]

b.  Học tập và tu tập phải song hành

Khi đảo ngược quẻ Đồng Nhân chúng ta có được quẻ Đại Hữu. Điều này cho thấy giữa Thế đạo và Thiên đạo có mối quan hệ khắn khít không thể tách rời. Việc đồng nhân giữa các tôn giáo với nhau cũng như thực hiện thế nhơn hòa giữa đạo và đời chỉ có thể thực hiện tốt khi phương hướng được soi dẫn nhờ trí huệ. Với các đạo hữu trẻ để có thể thực hiện tốt việc đồng nhân giữa đạo và đời (nhất là những ai có vai trò thủ lãnh) thì lời dạy của Đức Cao Triều Phát là kim chỉ nam cho sự rèn luyện:

"Các em! Lịch sử nhân loại hiện tại đang tiến đến giai đoạn quyết liệt, không phải mạnh được yếu thua, mà nhơn đạo, công lý hòa bình thịnh vượng trên nền tảng tâm đức, trí năng, để quân bình do đề huề phối hợp Thiên đạo và Thế đạo. Đến đây hẳn các em thấy được phần nào ý nghĩa của công phu tu luyện, nhưng đồng thời cần phải nỗ lực gấp bội về hai mặt tâm đức, trí năng, như vậy mới hoàn thành được sứ mạng. (…)

Thế nên, đạo đức cao siêu cần thiết thì tâm đức, trí năng sâu rộng quyết nhiên không thể nào lu mờ ở xã hội học vấn tri thức ngày nay." [6]

Soán truyện viết: "Văn minh dĩ kiện, trung chính nhi ứng". Đại đồng nhân loại hay đồng nhân, điều cốt yếu trước tiên là đồng tâm. Tuy chưa có cùng quan điểm khi xem xét vấn đề nhưng chấp nhận đối thoại, phản biện. Xã hội văn minh khoa học và văn minh đạo đức song hành cùng nhau.

Thực tế cuộc sống cho chúng ta thấy nếu như Đông phương hướng về phương Tây để tiếp thu văn minh khoa học hầu nâng cao mức sống vật chất cho người dân thì ngược lại xã hội Âu Mỹ có nhu cầu tìm về phương Đông để tiếp thu truyền thống tâm linh, cân bằng đời sống hầu tránh rơi vào ngõ cụt thực dụng. Trong hoàn cảnh này Đức Chí Tôn đã gởi sứ giả của mình đến: Da Tô Giáo Chủ -- Đấng Thiêng Liêng duy nhứt nói về quẻ Đồng Nhân. Phải chăng đây là một thí dụ điển hình: dùng hình tượng tinh thần của phương Tây để giúp "dân Nam sứ mạng tiền phong" có thể dễ dàng chuyển tinh thần văn hóa đông phương (dung hòa tổng hợp) vào trong lòng xã hội văn minh khoa học hiện đại.

"Đạo Trời lần ba hoằng khai để cứu vãn tình trạng nguy vong của nhơn loại, mà tái lập cuộc thế giới an bình (…)

Con đường sứ mạng kỳ Ba là việc khó khăn nặng nề nhưng cơ Trời đã định. Việc tái tạo cõi dinh hoàn xây đời thánh đức là sứ mạng trọng đại, to lớn quá chừng vì thế:

"Đạo lớn lao thì trách nhiệm cũng quá chừng to tát, đâu phải một người làm xong mà cần hiệp sức nhau, chia sớt nhau, để cùng lo cùng tính. Kẻ trong người ngoài, nơi nào cũng có mặt con người hướng đạo hầu nói lên cái tôn chỉ dung hòa bình đẳng, hầu mọi người mọi nơi được nhận định nguồn gốc là Đạo có một không hai, để lấp bằng các hố chia rẽ bất bình, xô đổ những thành trì ngăn ngại phân ranh màu sắc, tín ngưỡng." [7]

Cơ Trời đã thế, sắp kết thúc một đại chu kỳ tam nguơn nữa, nhân loại đang ở vào thời điểm vận hội mới như lời của Đức Lý Đại Tiên:

"Tam Kỳ Phổ Độ là một giai đoạn quan trọng trên lịch sử diễn tiến của nhơn loại trong kỳ hạ nguơn. Đây là thời kỳ có một không hai trong quá trình tiến hóa tâm linh nhơn loại. (…)Nhơn loại cũng đang thời kỳ tiến đến mạt kiếp, ác nghiệp chồng chất bao đời cũng đến hồi tác động với muôn vàn tai họa khủng khiếp. Sự chênh lệch cách xa, một bên trí năng phát minh khoa học và một bên đạo đức lương tri tạo nên tai họa khủng hoảng mờ mịt không lối thoát.(…)

Hoàn cảnh lịch sử, thời điểm lịch sử, phải có biện pháp lịch sử, sứ mạng lịch sử và tất nhiên con người sứ mạng lịch sử." [8]

Vì thế các tín hữu Đại Đạo Tam Kỳ chúng ta phải "kết giải đồng tâm" hết lòng góp phần thực hiện nhân hòa từ trong tôn giáo đến xã hội.

"Nói đến đồng nhơn thật rất khó khăn. Song thời thế đã đến, thì dầu ai không muốn đồng cũng không được. "Đồng tâm" là người này người kia, tuy không ở chung với nhau, mà tâm sự vẫn đồng như nhau." [9]

Tóm lại

Khởi đầu với "đồng nhân vu môn" chúng ta ghi nhớ lời dạy:

"Nay chư đệ muội được Thiên ân thọ lãnh sứ mạng phổ thông giáo lý Đại Đạo, các chức vụ nhân viên không đòi hỏi quá khả năng sở hữu, mà cần có sự đồng tâm đồng chí thì đạo sự mới đồng nhất phát huy phát triển.

Tổ chức, kế hoạch, chương trình có sẵn mà thiếu những yếu tố trên thì công việc không đi đến đâu, hoài công vô ích." [10]

Sự hợp tác cùng tu học giữa môn sanh Minh Lý cùng nhân viên Phổ Thông Giáo Lý là hình ảnh khởi đầu ra khỏi "đồng nhân vu môn" bước lên đường thực hiện "đồng nhân vu tông" để chuẩn bị nội lực.

Quá trình mang đạo vào đời tất nhiên chúng ta phải chịu đựng những khảo đảo cản trở của hào 3 và 4 (thí dụ: các trang web tôn giáo chưa có thể đăng ký dễ dàng ở Việt Nam). Nhưng như hào cửu ngũ đã viết: "Đồng nhơn tiên hào đào nhi hậu tiếu…". Trước tuy có khó khăn phải kêu rêu than thở nhưng kết quả sau cùng "cũng được ngộ hợp nhau mà vui cười, sung sướng".

Bởi vậy, thực hiện đồng nhân chính là xây dựng thế nhân hòa trên nền tảng chân vạc: "nhân bản, an lạc và tiến bộ". Thực hiện đồng nhân trong xã hội văn minh ngày nay (đang chuộng vật chất hơn tinh thần), đem đạo vào đời rất là khó khăn nhưng không phải không làm được. Vấn đề của chúng ta là phải chí thành, kiên trì rồi tương lai sẽ đạt được như lời Soán truyện:

"Đồng nhân vu dạ, hanh. Lợi thiệp đại xuyên, Càn hành dã. Văn minh dĩ kiện, trung chính nhi ứng."

Và như Đức Da Tô Giáo Chủ đã nói: "Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan."

"Lời nói của người đồng tâm, tuy không ngọt ngào, mà ai cũng thích, tuy không nồng nàn mà ai cũng say, cảm đến người đến vật. Lời nói thống thiết chân thành, mùi vị ngọt ngào, dầu sự thơm của hoa lan cũng chỉ đến chừng đó là cùng." [11]

Thứ sáu 23-7 nhuần Bính Tuất (15-9-2006)

Đạt Tường

[1]Đức Da Tô Giáo Chủ, Đạo Lý 15, Huờn Cung Đàn, 15-11 Bính Ngọ(25-12-1966)

[2]Đức Ngô Minh Chiêu, thánh thất Nam Thành, 13-02 Bính Ngọ (04-3-1966)

[3]Đức Quan Âm, Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý, 19-02 Ất Tỵ (21-3-1965)

[4]Đức Cao Triều Phát, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 11-02 nhuần Ất Sửu (31-3-1985)

[5]Đức Cao Triều Phát, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-7 Giáp Dần (01-9-1974)

[6]Đức Cao Triều Phát, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 11-02 nhuần Ất Sửu (31-3-1985)


[7]Đức Da Tô Giáo Chủ, Đạo Lý 15, Huờn Cung Đàn, 15-11 Bính Ngọ(25-12-1966)

[8]Đức Lý Giáo Tông, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 11-8 Bính Dần (14-9-1986)

[9]Đức Da Tô Giáo Chủ, Đạo Lý 15, Huờn Cung Đàn, 15-11 Bính Ngọ (25-12-1966)

[10]Đức Giáo Tông, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-02 Tân Dậu (20-3-1981)

[11]Đức Da Tô Giáo Chủ, Đạo Lý 15, Huờn Cung Đàn, 15-11 Bính Ngọ (25-12-1966)
Đạt Tường

Tà thần thấy người đang dục vọng,
Đã tu hành còn mộng mị huyền,
Thừa cơ khuyến dụ rủ ren,
Thiêu thân đành phải vì đèn lụy thân.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây