Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
TÂM KINH BÁT NHÃ Quán-tự-tại Bồ-tát, hành thâm Bát-nhã Ba-la mật-đa thời chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ...
-
LỊCH SỬ THÁNH THẤT PARIS Ghi lại lịch-sử thành-lập Thánh-Thất Cao-Đài Paris là để tưởng-nhớ đến những người tiền-phong đã không ...
-
Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy tại Thánh Thất Bình Hòa vào ngày Rằm tháng 8 Đinh Mùi (18/9/1967)
-
Sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, ông Lê Đình Nghiên thuộc thế hệ thứ ba ...
-
Lịch sử đạo Cao Đài cho thấy đức tin Cao Đài, từ lúc chưa nảy sinh đến lúc lập thành ...
-
Cứ mỗi lần có dịp qua vùng Quế Võ (Bắc Ninh), khi đi vào quãng đường quen thuộc, tôi không ...
-
Huờn Cung Đàn Tý thời mùng 8 tháng 4 Tân Sửu (21.05.1961) (Lễ Phật Đản ) THI HỒI tâm tu niệm hưởng ơn ...
-
Này chư đệ muội ! mỗi độ xuân sang, lòng người rộn rã vui buồn của thế sự, dầu muốn ...
-
Nhân dịp sắp đến ngày giỗ của Ngài Minh Thiện, Nguyên Tổng Lý Minh Lý Thánh Hội (Minh Lý ...
-
Mùa Xuân lại đến. Nếu người thế gian, theo cổ lệ, đón Xuân với những : " Thịt mỡ, dưa hành, ...
-
Giải pháp ưu việt nhất để cứu độ con người là con người làm thế nào phát huy tối đa ...
-
Mỗi mùa tu vào ngày nhập khoá, chúng ta đều có dâng sớ trình danh sách tịnh viên nam nữ ...
Đại Mạng
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 10/01/2011
Cảm ứng trong Tam giáo và phương tu phản bổn huờn nguyên.
BÀI THUYẾT TRÌNH NHÂN DỊP NGÀY LỄ KỶ NIỆM MINH LÝ ĐẠO KHAI
NĂM THỨ 88
Đêm 26, tháng 11, năm Canh Dần (2010)
[Hình bên: Thuyết trình viên Đại Mạng]
Kính thưa Ông Tổng Lý,
Kính thưa Ông Chủ trì,
Kính thưa chư vị Đạo Trưởng,
Kính thưa chư vị Thiên Ân Chức Sắc,
Kính thưa chư vị Đạo Huynh, Đạo Tỷ,
Hôm nay, chúng tôi Minh Lý môn sanh tề tựu tại Chùa để thiết lễ cúng “Kỷ niệm Minh-Lý Đạo Khai ”, nghĩa là : nhắc nhở, ghi nhớ ngày đầu tiên mà Tiên Phật ban hiệu đạo “Minh Lý ” và tặng bài “Tặng Ngọc Đế ”.
Đạo Minh-Lý khai từ năm Giáp Tý (Dương lịch là năm 1924). Từ năm Giáp Tý (1924) cho tới năm nay là năm Canh Thân (2010), đạo Minh Lý đã trải qua một thời gian là 87 năm. Vậy lễ kỷ niệm nầy là lễ Kỷ niệm năm thứ 88.
Chúng tôi rất hoan hỉ và cảm động được thấy chư quí vị và chư Môn sanh nam nữ nhân lễ Kỷ niệm tề tựu đông đủ tại Chùa để :
1/ Cầu nguyện Thượng-Đế ban ơn lành cho tất cả chúng sanh ;
2/ Tỏ lòng biết ơn cùng các đấng Giáo Chủ và chư Phật chư Tiên đã dày công khai sáng mối đạo Minh Lý ;
3/ Môn sanh Minh Lý được hội ngộ cùng chư vị từ các Hội thánh, Thánh thất, Thánh tịnh, cơ sở tôn giáo, giáo phái bạn để gặp biết nhau, ngỏ kết chặt tình thân ái như con chung một nhà.
Vào dịp lễ Kỷ niệm năm thứ 86 và năm thứ 87, chúng tôi đã có dịp trình bày lần lượt một đề tài về Phật giáo là “Thập mục ngưu đồ” và một đề tài về Khổng giáo là “ Chữ Thành trong Trung Dung”. Hôm nay, nhơn lễ Kỷ niệm lần thứ 88, chúng tôi xin được phép trình bày một đề tài về Lão giáo để gồm lại đủ ba giáo hầu nói lên các nguyên tắc lập đạo của đạo Minh Lý là:
a) Tam giáo hiệp nhứt,
b) Tam giáo qui nguyên,
c) Chấp trung thủ nhứt.
Đề tài thuyết trình hôm nay là “Cảm ứng trong Tam giáo và phương tu phản bổn huờn nguyên”.
Cảm Ứng lại là một vấn đề quán thông tam giáo, cho nên cũng có kinh sách phái Thích, phái Nho luận đến; ngoài ra còn có những sách khác của người phương tây, như là phái Thông Thiên học (Théosophie), vân vân . . .
Ân Sư của chúng tôi là Ngài cố Định Pháp Tổng Lý Minh Thiện khi còn tại thế đã đem phần sở đắc về vấn đề cảm ứng, rút lại làm quyển “Cảm ứng luận”. Ngài đã bàn qua cái lý cảm ứng theo Thích giáo và Nho giáo. Tuy chỗ căn cứ lập luận của ba giáo về mặt cảm ứng có khác nhau, nhưng chung qui cũng đều dẫn người lên con đường giải thoát mà thôi.
Hôm nay, tôi xin được phép dùng nội dung “Cảm ứng luận” để trình bày phần nói về cái nghĩa cảm ứng theo Đạo giáo. Sau đó, là sự dẩn dụ lý cảm ứng qua lời dạy của Thánh nhơn và về lý cảm ứng trong hai đường lành dữ : hễ cảm lành thì ứng lành, cảm dữ thì ứng dữ. Phần tiếp theo sẽ luận đến cảm ứng theo Thích giáo và Nho giáo và sau cùng là hiệp lý tam giáo để luận cảm ứng trong phương tu “ Phản bổn huờn nguyên”.
Phần trình bày sẽ có các đề mục sau đây:
1. Nghiên cứu về ý nghĩa cảm ứng của Đạo giáo;
2. Dẩn dụ cảm ứng trong Thánh ngôn;
3. Chỉ rõ lý cảm ứng trong hai đường lành dữ;
4. Luận về cảm ứng theo Thích giáo và Nho giáo;
5. Kết luận hiệp lý tam giáo.
6. Cảm ứng trong phương tu “Phản bổn huờn nguyên”
I/ Nghiên cứu về ý nghĩa cảm ứng của Đạo giáo
1. Định nghĩa hai chữ cảm ứng.
Phàm dùng chữ nào, trước phải định nghĩa chữ ấy cho phân minh thì sau mới tránh khỏi sự lẫn lộn lầm sai. Lại cũng nên chủ ý đến nghĩa riêng của mỗi chữ theo học thuyết, vì mỗi học thuyết lấy nghĩa khác nhau chẳng đồng.
Chữ cảm nghĩa một là xúc, là động. Lấy cái này mà xúc động (chạm đến) cái kia gọi là cảm. Người Tây phương dịch là action (hành động). Chữ ứng nghĩa một là đối, là đáp. Rồi cái kia đối đáp (dội lại) cái này gọi là ứng. Người Tây phương dịch là réaction (phản động). Cảm đã là hành động (việc người làm), ứng là phản động (sức dội lại) thì ứng phải do cảm, nghĩa là bởi một việc làm trước, rồi mới có cái sức dội lại sau.
Thí dụ như có người đá một trái cầu vào vách tường thì đá trái cầu gọi là hành động (cảm); đến lúc trái cầu đụng vách tường dội trở ra thì cái sức dội này gọi là phản động (ứng). Nếu không có người đá trái cầu trước kia thì cũng không có cái sức dội lại sau này. Nghĩa này là nghĩa vật lý học, tức là khoa học hữu hình.
Sách tâm lý học, tức là khoa học vô hình, nói rằng: “Từ chỗ cảm giác mà sanh ra động tình. Cũng như thấy người dữ (cảm giác) bèn sanh lòng sợ sệt (động tình), nghe việc lành (cảm giác) mà đem dạ mến yêu (động tình) vân vân . . . Bởi có cái cảm giác trước là thấy dữ, nghe lành mới có cái ứng đối sau là sợ, là mến nên cũng gọi là cảm ứng. Nhưng cảm đây là thọ cảm (bị cảm), chớ không phải thi cảm (làm cho cảm). Thi cảm là người dữ, việc lành nói kia, ở ngoài thân thể ta, phải truy ra cái nguồn cảm ở đâu thì nghĩa chữ cảm mới được rõ ràng. Xin ghi nhận ở đây giá trị của thi cảm để xuyên suốt lý cảm ứng sẽ luận phần sau.
Theo nghĩa thông thường của tông giáo, phàm người lấy tinh thành mà cảm động Trời và thần minh thì tự nhiên có Trời và thần minh hiển ứng hộ trì. Người ta hiểu lầm hai chữ tinh thành là hết lòng, gắng sức, hai chữ cảm động là lạy lục, khẩn cầu, cho nên mới có câu: hữu cầu tắc ứng. Bởi cớ mà cảm ứng thành ra có cái nghĩa: khi có tai họa, nghèo nàn thì hết lòng khẩn vái cho chuyển họa ra phước, đổi nghèo ra giàu, chớ không chịu xét rằng cảnh ngộ ngày nay gốc bởi lý do đâu trước mà ra, rồi gắng sức sửa đổi lại. Nên hiểu “Tinh thành là lòng chơn thật do sự chí nguyện lâu ngày mà có, không phải miễn cưỡng mà tự nhiên đúng lẽ, hợp Đạo”.
Cuốn kinh Cảm Ứng của đức Thái Thượng Lão Quân khởi đầu như vầy: “Họa phước vô môn, duy nhơn tự triệu; thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”. Đây là cương lãnh của trọn bộ Cảm ứng, muốn nói tại người vời họa phước, nghĩa là: làm lành thì đặng trả phước, làm dữ thì bị trả họa. Sự trả phước hay trả họa (gọi là báo ứng) do việc của mỗi người làm, tự nhiên như vậy, cũng như bóng theo hình.
Thành thiệt tin tưởng Trời và thần minh chẳng phải là quấy, vì là tin tưởng có đấng chủ trương và thi hành cái luật công bình trong vũ trụ, tức là tin tưởng có cái luật công bình này. Nhưng ai có tánh biếng nhát ỷ lại, chẳng chịu ra công mà muốn hưởng, thành ra muốn cho thần minh làm trái luật ấy để bảo hộ mình, thiệt là không phải. Người yếu lòng, chưa đủ trí, thì cũng nên cầu khẩn bề trên mặc khải và giúp sức cho mình theo đường chánh. Vì bề trên chỉ giúp được những người sẵn lòng như thế đó mà thôi, chớ không thể giúp hạng người ích kỷ, cầu điều lợi riêng cho mình.
Mặc khải nghĩa là lẳng lặng dạy chớ không phải quyết định và giúp sức chớ không phải làm dùm, vì mỗi người còn giữ cái quyền tự do và chịu phần trách nhiệm của việc mình làm. Còn người nào có đủ nghị lực, trí hóa mở mang, thì chỉ dùng cái tâm tánh thành thật, cái hành động chánh đáng (vậy mới là thiệt tinh thành) mà thi cảm mọi việc như vậy hoài không mỏi (vậy mới là thiệt cảm động). Cho nên có câu: “Tâm chi chánh khả dỉ kiến thần”, nghĩa là: Lòng người minh chánh thì mới mong gặp đặng thần (giúp đỡ). Nghĩa này mới là nghĩa chơn chánh của tông giáo.
Hai chữ cảm ứng của Đạo giáo rất rộng. Nó bao quát từ tư tưởng kín nhẹm cho đến hành động rõ rệt, nghĩa là: nó gồm cả hai nghĩa khoa học hữu hình và vô hình với cái nghĩa chơn chánh của tông giáo giải trên kia. Do đó cũng có thể nói Cảm ứng vừa là phương tiện vừa là cứu cánh.
2. Cảm ứng đối với Trời.
Trời chẳng phải là Thần hay Người, mà là gốc sản xuất vô tận tất cả các thần, người và vật. Những tông giáo nào nhìn cho chúng sanh có chơn tánh bất sanh bất diệt, thì đều nhìn có Trời. Danh từ kêu gọi theo mỗi tông giáo tuy khác nhau mà vẫn chỉ có một cái Mãnh lực độc nhứt (Force unique) vận động kiền khôn thế giới đó thôi.
Phật gọi là Chơn như (bổn thể của vũ trụ) hay là pháp tánh, Tiên gọi là Đạo hay là Hư vô, Thánh gọi là Thiên hay là Thượng đế.
Vì cái Mãnh lực này đầy dẫy cả không gian vô hạn, suốt thông cả thời gian vô hạn, cho nên người ta thường nói trong vũ trụ đâu đâu, lúc nào, cũng có Trời, nghĩa là mỗi tư tưởng, mỗi lời nói và mỗi hành vi của con người, bất kỳ ở xứ nào, vào thời kỳ nào, đều có cảm động đến Trời cả.
Kinh Cảm ứng tân chú có nói rằng: “Người thế hay chỉ xanh xanh trên kia mà gọi là Trời, chớ chẳng biết là khí của Trời, không tiếng không mùi, ở cùng trong khoảng không gian. Từ dưới đất lên tới không trung, trong cái sáng suốt trống lổng kia đều có khí Hư vô, tức là Nguơn khí của Trời. (Phải biết khí trung hữu lý, lý trung hữu khí, nghĩa là trong khí Hư vô có Trời, Trời không lìa khí Hư vô).
“Con người thở ra thở vô, mỗi hơi thở đều có thông đồng với khí Hư vô của Trời. Cho nên niệm tưởng vừa phát động, tuy người phàm không hay biết, chớ Trời đã rõ thấu rồi.
“Người ở trong khí mà chẳng tự biết là khí, cũng như cá ở trong nước mà chẳng tự biết là nước vậy. Hễ một niệm lành vừa động, thì hơi thở ra thông đồng với khí Hư vô, tức là khí thanh. Hễ một niệm dữ vừa động, thì hơi thở ra thông đồng với khí Hư vô, tức là khí trược.Khí thanh là thềm bước lên Thiên đường, còn khí trược là cửa đưa vào địa ngục”.
Nguơn khí tức là cái bảng để biên chép những tư tưởng của người. Tư tưởng là vật vô hình (không thấy, không nghe) mà còn để dấu tích lại, huống chi là những việc người làm ra, hoặc nói ra, mà con mắt phàm thấy, lổ tai phàm nghe!
Cuốn Phá mê tông chỉ của Nho Đồng lão nhơn lại nói rằng: “Con người ở giữa khoản trời đất, lại bẩm thọ đồng một khí với Trời Đất, cho nên trên dưới giao thông. Trời Đất sanh hóa thạnh suy, cũng bởi lòng người chánh hay chẳng chánh mà ra. Hễ lòng người chánh thì khí âm dương của Trời đất thuận. Khí âm dương của Trời Đất thuận thì xuân phát, hạ trưởng,thu thâu, đông tàng, khí ngũ hành vận hóa, bốn mùa theo thứ tự, muôn vật dễ sanh năm giống lúa, các thứ trái mới đủ chất bổ dưỡng. Phàm người ăn lúa, ăn trái ấy, tai tật cũng ít, thọ mạng cũng dài. Nếu lòng người tác tệ, trái lý muội mê, gây ra nhiều thứ nghiệt oan, hắc khí dẫy đầy trong vũ trụ, khiến ra trên trời chẳng thanh, dưới đất chẳng yên, âm dương đảo ngược, khí ngũ hành chẳng hòa, bốn mùa sái thứ tự, muôn vật khó sanh, năm giống lúa, các thứ trái, do cái khí bất chánh mà kết quả. Người ăn vào hay sanh tật bịnh, mạng ngắn chết yểu . . .
“Người thế tạo ra nhiều thứ nghiệt chướng, nên kết thành nhiều thứ tai họa, mới có hạn lụt, đói khát, ôn dịch, đao binh, vân vân . . . , oan oan tương báo, chẳng phải Trời sanh hóa có chỗ suy bại, xuống cho tai họa bất nhơn, ấy là tại lòng người mê muội chơn lý mà tạo ra cho mình như vậy.”
Trời hay về phần chung, ít dự đến việc riêng. Cho nên trong Đạo đức kinh mới có câu nói rằng: “Thiên Địa bất nhân”, nghĩa là: Trời Đất chẳng có lòng nhân. Chẳng có lòng nhân đây là chẳng có nhân với từng người, từng vật, chớ là tột nhân với toàn thể. Trời Đất cứ do một luật chung mà sanh hóa, trưởng thành hết thảy người vật.
3. Cảm ứng đối với Thần minh.
Thần minh là những vị thần thánh tiên y theo luật của Trời mà dìu dắt chúng sanh trên con đường tiến hóa.
Nếu có chúng sanh nào làm ác thì là đi nghịch với luật của Trời đã định, tức nhiên các vị thần minh phải làm cho họ thấy khổ, mới lo sửa đổi lại cho thuận.
Vậy thì quyền tự do của con người là làm việc nào chẳng phạm đến luật Trời, còn phá hại thiên hạ là phạm luật Trời vậy.
Người phương tây có nói một câu rất lý thú rằng: “Ta thắng nổi Tạo hóa là nhờ tùng phục”. Tùng phục đây là tùng phục luật Trời. Hễ biết tùng phục luật Trời rồi thì bất kỳ việc gì, chắc chắn như hai với hai là bốn vậy, ta sẽ đặng toại chí không sai. Tới đây, tuy là không cầu khẩn mà cũng có thần minh hộ trì, vì thần minh vô tư, cứ giữ mặt luật, hộ người lành, phạt kẻ dữ, không tư vị ai mà cũng chẳng binh vực ai.
Theo lời kinh Cảm ứng của đức Thái Thượng dạy thì thần minh có nhiều hạng, tóm tắt như sau:
Trời đất có thần ghi tội, xét người lỗi nặng nhẹ mà giảm Toán .
Toán giảm thì nghèo khổ mất mát, hay gặp hoạn nạn, mọi người ghét bỏ, hình họa theo sau, tốt lành lánh xa, ác tinh gieo họa. Hết Toán thì chết.
Lại có Tam Thai, Bắc Đẩu thần quân ở trên đầu, ghi chép tội ác, để trừ Kỷ, Toán. Lại có Thần Tam Thi ở trong thân người, tới ngày Canh Thân, lên thẳng Thiên Tào, báo cáo tội lỗi. Đến ngày cuối tháng, Táo Thần cũng lục tâu tội quá của mỗi nhà. Một thân mình làm lành, mà trong nhà có kẻ già, trẻ, gái, trai, còn gây tội lỗi, tức là tu thân mà chẳng tề gia, thì không sao khỏi bị lục tâu. Người quân tử muốn khuyên đời dạy dân, thì trước phải lo tề gia. Gia tề thì có một đoạn khí tường hòa xung lên thiên đình, có thể làm tiêu nổi kiếp vận, thiên tai trong vùng mình ở. Đặng vậy mới mong hưởng thọ và cầu đạo trường sanh chẳng khó.
Xem đây thì đủ biết trong chỗ u-u minh-minh, tuy mắt phàm không trông thấy được, mà đều có thần minh giám sát, chẳng lọt mảy hào.
4. Cảm ứng đối với nhơn vật:
Sự cảm kích, sự xúc động là tự nơi người, mà lẽ báo ứng, có khi do Trời, có khi do thần minh, mà cũng có khi do nơi nhơn vật (nhơn sanh và muôn vật) nữa. Trong các kinh sách của Đạo giáo, đều có nói rõ về Trời, về thần minh, mà ít hay nói đến nhơn vật. Nay tôi xin đem lẽ báo ứng do nơi nhơn vật mà nói luôn cho hoàn bị cái vấn đề cảm ứng này.
Trong đời mỗi xã hội đều có luật pháp, có luân lý, để giữ gìn trật tự, bảo thủ trị an. Về mặt luật pháp thì có quan viên chức sắc đứng ra thi hành, còn về mặt luân lý, cũng là luật mà luật ở trong tâm con người, thì để rộng cho mỗi người tự mình do nơi đó mà hành động, chớ chẳng có ai bó buộc.
Thí dụ như người này thi ơn cho người khác, thì người khác có lương tâm xét nét. Hễ thọ ơn của người thì phải lo trả ơn cho người, chẳng ai kềm thúc mà bổn phận mình phải lo trả. Hoặc trong hàng vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bằng hữu, người này ở phải đạo với người kia, thì người kia sao cũng có lòng kính mến người nọ và ân cần đối đải nhau cho xứng đáng. Đây là lẽ báo ứng về luân thường đạo lý.
Còn như có kẻ hung bạo sát nhơn, theo luật pháp xã hội thì định phải thường mạng, nghĩa là phải bị xử tữ. Nhưng nếu xét có tình hình giảm khinh thì bị tù rạc. Hoặc trộm cướp, đánh lộn, . . ., mỗi việc đều có luật pháp trừng phạt. Vì cá nhơn không đủ sức trả vay cho nhau, người yếu làm sao mà chống cự cho lại với người mạnh, kẻ đơn độc làm sao mà địch nổi với kẻ có phe đảng, nên cần phải có cơ quan hành pháp thay mặt cho xã hội mà thi hành luật pháp để bảo thủ quyền lợi riêng của mỗi người. Đó là lẽ báo ứng về luật pháp xã hội.
Tuy có cái lẽ báo ứng tự nơi người thi hành, nhưng vì phàm nhơn mắc trong vòng hạn chế của hữu vi đời thường, khó mà rõ thấu hết các chỗ bí mật, ẩn vi, hoặc bị tình dục mờ ám lương tâm, hoặc bị lợi danh khêu gợi lòng hàm muốn, cho nên không sao khỏi có phần khuyết điểm. Đến đây lại có thần minh, có Trời xét nét định phân mà gìn giữ luật công bình trong võ trụ. Cho nên có câu: Lưới người dễ lọt, lưới Trời khó lọt.
Trên đây, tuy chia ra về lý cảm ứng đối với Trời, thần minh, nhơn vật cho dễ hiểu, chớ kỳ thiệt nó dính liếu với nhau rất mật thiết, có khi không để hẳn riêng ra được và khó mà hiểu thấu hết các chỗ tinh vi.
II. Dẫn dụ lý cảm ứng theo Thánh ngôn .
Lý cảm ứng còn được hiểu là luật Thiên nhơn tương cảm, Thiên nhơn hiệp nhất . Đồng điểm của Tam giáo là đều thờ Ngôi độc Nhứt, Thích gọi là Phật hay Pháp, Khổng gọi là Thiên hay Thượng Đế, Tiên gọi là Đạo hay Đức. Bản thể của con người là Trời, cũng gọi là Thiên, Thượng Đế, tự tánh, Đạo, Phật Tánh, Chơn như … cũng là Ngôi Độc nhứt nói trên. Cái bản thể ấy thường hằng bất biến và bên cạnh cái bất biến ấy là vọng tâm chạy theo thất tình lục dục nên che mờ chơn tâm linh tánh.
Trong Thánh ngôn của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư ngày 11/9/71, Ngài ban bốn câu thơ như sau:
"Linh tâm biết sự rủi cùng may,
Tốt xấu hên xui những tháng ngày,
Thành bại hưng vong trong vạn sự,
Đều do cảm ứng của tâm này."
Như Đạo Học đã nói: Mỗi người đều có điểm tâm linh, do điểm tâm linh đó giao cảm được với Trời. Sự giao cảm ấy có được bén nhạy hoặc chậm chạp tùy theo căn trí và sự tu học của mỗi người.
Tại sao ngày xưa chỉ thấy hình con Long Mã mà người ta đã vẽ lên thành bản đồ Bát-Quái Tiên-Thiên có đủ những vạch: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Cũng như thế, tại sao chỉ thấy con Rùa trên lưng có những lằn ngang lằn dọc mà người ta đã vẽ lên được hình Bát-Quái Hậu-Thiên.
Sở dĩ có được như vậy bởi lòng thiết tha của hành giả đã đem hiến trọn tâm thành của mình hòa đồng với Đạo Thiên Địa. Khi đã hòa đồng từ Tiểu Nhân Thân với Đại Thiên Địa, cả hai như một, linh hiển là ở chỗ đó. Thế nên những bậc hành giả chân tu, họ chỉ nhìn dòng nước chảy qua cầu mà đạt Đạo, họ chỉ nhìn cánh hoa nở mà đạt Đạo. Có khi chỉ thấy gió thổi rung rinh cành lá mà đạt Đạo. Đó chính là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Từ sự đạt lý của vạn vật đến chỗ đạt lý của thiên nhiên, hai lãnh vực vật chất và tinh thần tuy có khác, nhưng luận về tâm linh cũng chỉ có một mà thôi.
Như câu: “Đạo lý pháp môn vô lượng, chúng sinh căn trí vô lượng”, những ai đang đi trên đường học Đạo hãy cố gắng hết sức mình trong chỗ chí thành tâm Đạo để đạt Đạo lý. Tâm có thành, lòng mới cảm, lòng có cảm thì thiên nhiên mới ứng. Như vậy, giữa Trời và người còn xa cách là bởi cái khối phàm tâm của con người đời còn quá lớn, làm chướng ngại ngăn cách giữa người và Trời.
III. Chỉ rõ lý Cảm ứng trong hai đường lành dữ (thiện ác)
1. Cảm ứng theo con đường lành.
Những điều lành nên chứa thì rất nhiều, khó mà kể ra cho hết. Cần phải biết rằng ở đời nầy không có điều lành nào là nhứt định, là tuyệt đối cả. Mỗi người phải tuỳ theo cảnh ngộ, địa vị, học thức của mình mà hành động, sao đặng chỗ lợi ích cho chúng sanh, thêm phần tiến hóa cho nhơn loại, mới là đạt tới mục đích của điều lành vậy.
Sau khi chỉ rõ những điều lành nên làm, đức Thái Thượng dạy rằng kẻ làm lành như thế sẽ đặng các việc tốt sau nầy :
Làm điều lành hoài thì một ngày kia thắng nổi dục vọng của mình mà đem bổn tánh về chánh lễ, thì người ta trong thiên hạ khen cho mình là nhân.
Đạo Trời không quen biết ai, thường gần và giúp cho người lành mà thôi.
Phước lộc sẽ đến bên họ, nghĩa là: họ không cầu, không vụ tưởng tới mà tự nhiên có.
Số là thiên tước tu, thì nhơn tước có một bên, thiện khí theo mình, cũng như hình có bóng, tiếng có tiếng dội, tự nhiên như nhiên, mình không hay không biết.
Người lành chánh khí đủ đầy, thì tà ma chẳng dám xâm phạm đến, phải dang ra xa, tỉ như mặt trời mọc lên cao thì bóng tối nào mà không tiêu diệt.
Người trung hiếu, đạo đức ngay thẳng thì được Thần minh thương mến, tôn trọng. Phép chánh đạo chỉ lấy đức mà cảm thần thánh, dầu không kêu thần thánh chớ thần thánh cũng đến, dầu không cầu thần thánh mà thần thánh cũng hộ.
Tóm lại hể cảm lành thì ứng lành, luật Trời định chắc như vậy không hề sai chạy.
2. Cảm ứng theo con đường dữ
Những việc dữ nên chừa cũng chẳng phải ít, không thế kể ra cho hết. Tóm lại, những việc nào tổn hại cho người, cho vật, phạm đến oai Trời và thần minh đều là việc dữ cả.
Có người nói: Tôi không làm dữ là đủ, không làm dữ tức là người lành rồi. Điều ấy chưa chắc.
Trang Tử nói rằng: “Nhứt nhựt bất niệm thiện, chư ác giai tự khởi”. Nghĩa là: một ngày không tưởng đến việc lành, thì mọi việc dữ đều tự nó dấy lên.
Còn xét về mặt tiến hóa, nếu không làm dữ mà chẳng lo tu thiện thì trái với luật của Tạo hóa thì không thế gọi là làm lành được.
Sau khi chỉ rõ những điều dữ nên chừa, đức Thái Thượng dạy rằng: kẻ làm các việc dữ như thế sẽ gặp họa như sau :
Tư mạng táo quân tùy tội lỗi nặng nhẹ, mà bớt tuổi thọ, hoặc một kỷ, hoặc một toán. Hết toán rồi thì chết, chết còn dư tội, thì để tai ương lại cho cháu con.
Còn những kẻ gian tham cướp giựt của người, thì vợ con, mấy miệng ăn trong nhà đều phải trả chung, lần lần chết yểu vong thân, còn chẳng chết yểu vong thân, thì sẽ có các việc như nước lửa, trộm cướp, bỏ mất tài vật, đau ốm, kiện thưa đến mình, để trừ cho đủ cái số tiền giựt kia. Trời phạt chung cả nhà là vì vợ con trong nhà đều có dùng của gian ấy, nhứt là có hưởng mà còn xúi giục thêm. Còn hưởng của gian mà giả đò làm lơ như chẳng rỏ biết, cũng là có tội nặng vậy.
Lại những kẻ hung hăng, kẻ trộm cướp . . . giết người vô tội thì bị thân thích của người chết, hoặc bị tòa hình thay mặt cho xã hội buộc tội mà giết lại; hay là đầu thai vay trả cho nhau, oan oan tương báo. Ấy là lẽ Trời tuần huờn, không thể trông cầu may mà được thoát khỏi. Cho nên giết người, chớ tình thiệt là giết mình đó. Còn lấy đồng tiền phi nghĩa, cũng như tự đầu độc mình vậy.
Tóm lại hễ cảm dữ thì ứng dữ, chớ tưởng là may rủi mà lầm.
3. Tâm khởi tưởng lành dữ
Đức Thái Thượng dạy rằng: “Phù tâm khởi ư thiện, thiện tuy vị vi, nhi kiết thần dĩ tùy chi. Hoặc tâm khởi ư ác, ác tuy vị vi, nhi hung thần dĩ tùy chi”. Nghĩa là: trong lòng vừa khởi tưởng đến việc lành, việc lành đó tuy chưa làm ra, mà vị thần lành đã theo mình. Hoặc trong lòng vừa khởi tưởng đến việc dữ, việc dữ đó tuy chưa làm ra, mà vị thần dữ đã theo mình.
Cuốn Tỉnh thế ngộ chơn nói rằng: “Thiện ác lưỡng đồ tranh nhứt niệm, thánh phàm nhị lộ thỉ phân hành”. Nghĩa là: lành với dữ tranh nhau mà phát ra bởi có một niệm tưởng mà thôi, rồi bắt từ đó mới có phân ra hai nẻo thánh với phàm.
Chủ ý nói cái tâm người là gốc sanh điều lành việc dữ, là cái máy tạo ra họa phước, thánh phàm đó. Đừng có hiểu lầm rằng: việc gì có nói ra mới có quan hệ, chớ còn tư tưởng ở trong tâm thì không hại gì. Nên biết rằng tâm là chủ tể thân hình, nên tư tưởng phát khởi trong tâm là nguồn mạch của mọi việc thân hình làm ra. Có tư tưởng rồi mới có nói ra, mới có làm ra. Người thường tư tưởng về một việc nào hoài, thì có ngày miệng nói ra hay là tay chơn làm ra mà mình không tự biết, bởi tư tưởng nuôi nấng lâu ngày, đủ sức mạnh rồi, nên mình không còn làm chủ nó được nữa, mà phải bị nó làm chủ lại. Người biết lợi dụng tư tưởng thì giữ nguồn mạch này cho trong sạch, tự nhiên dòng nước ở trong đó chảy ra chẳng bao giờ nhiểm bợn nhơ.
Đức Thái Thượng chỉ điều lành nên chứa, việc dữ nên chừa, mà còn e người ta không biết tư tưởng quấy là có hại, nên mới nói rằng: hễ tâm dấy tưởng thì đã có thần theo rồi. Cái thâm ý của Ngài là muốn cho người ta cẩn thận, chẳng những trong hành vi mà thôi, dầu trong tư tưởng cũng phải vậy nữa.
Ở đoạn này, Đức Khổng tử có nói đến chữ “thận độc” tức là cẩn thận lúc ý ta manh động đó, tức là thành ý. Duy có thành ý, nghĩa là: đem hết tấm lòng thành thật vào đó, mới có thể noi theo tánh lành. Vì tánh lành gốc ở tại đó, chớ tìm cầu nó ra ngoài.
Tư tưởng lành đã giúp ích cho mình được tiến hóa, mà cũng có thể làm cho những người trong hoàn cảnh mình xu hướng về đường phải nữa. Bởi cớ sao? Vì tư tưởng lành bủa giăng thanh khí khắp chung quanh mình, cảm nhuận người khác, làm cho hột giống lành của họ cũng được lần lần phát sanh. Nho nói:”minh minh đức” rồi “tân dân”. Thích nói “tự giác” rồi “giác tha”. Đạo nói “độ thân” rồi “độ thế”. Tất cả cũng đều không ngoài lý cảm ứng giải thích trên đây.
4. Khuyên rán ăn năn làm lành ( Sám hối và công đức)
Đức Thái Thượng dạy rằng: “Kỳ hữu tằng hành ác sự, hậu tự cải hối, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, cữu cữu tất hoạch kiết khánh, sở vị chuyển họa vi phước dã”. Nghĩa là: có kẻ làm dữ trước kia, mà sau biết sám hối, ăn năn sữa lỗi, không làm các việc dữ, vưng dạy mọi điều lành, lâu lâu sẽ đặng phước khánh, ấy là đổi họa ra phước đó.
Cái tâm của ta như miếng đất của người làm vườn. Khi nhổ cỏ, dọn đất, phải lo vun quén giống lành sẳn có thì nó mới nảy mầm. Mà giống mới mọc, cái mầm còn yếu, cần phải trông nom đến khi cây phát triển đủ sức. Bằng không cỏ kia sẽ mọc lại, mà xâm lấn hột giống lành kia.
Ăn năn thì phải làm lành cũng như sám hối thì phải lập công đức. Ban đầu phải sám hối nhiều để giải oan khiên, nghiệp chướng cũng như nhổ cỏ. Đế sau lập công đức đủ sức, lý tánh đã hiện rỏ ràng, cũng như cây lớn, thì tội lỗi không còn lôi cuốn ta được nữa thì tự nhiên sự sám hối theo đó mà dứt.
Theo khoa học, phàm hai vật gặp nhau mà thành ra một hiện tượng chi chi thì phải ở trong một thời hạn nhứt định. Quá cái thời hạn này thì lại sanh ra một cách biến hóa khác. Cái giới hạn này gọi là bảo hòa điểm (point de saturation). Ví như trong không khí có hơi nước tất có định lượng, quá định lượng ấy thì hơi nước thành ra giọt nước.
Đạo học cũng tựa như vậy. Nếu số lành hay là số dữ chưa quá hạn độ của nó, tức là cái bảo hòa điểm chỉ trên, thì cũng không thế nào thành ra phước báo hay là họa báo được. Ta chớ vội trách sao có người làm một ít điều lành mà được hưởng phước, là vì người ấy trước đã làm lành nhiều rồi, nên phước báo mới ứng hiện. Ta chớ vội phiền sao có kẻ làm nhiều việc dữ mà chưa mắc họa, là vì kẻ kia trước không có gây dữ bao nhiêu, nên họa báo chưa lộ hình. Lại có người tuy làm dữ mà cũng có làm lành, hoặc là làm lành mà cũng có làm dữ, vì lành dữ mắc trừ cấn cho nhau, nên sự báo ứng cũng có chậm trể.
Đức Thái Thượng tổng kết bộ kinh Cảm ứng mà dạy phải bỏ dữ về lành, lại cũng chỉ rõ cái lý làm lành hoặc làm dữ đủ số thì tất nhiên có Trời xuống phước hay là xuống họa.Tuy rằng họa phước tại người vời, mà phải biết có Trời cầm đòn cân thiêng liêng ở trong đó.
Muốn đổi họa ra phước thì ta chớ tìm cầu đâu xa, cứ dốc tín, kiện hành điều lành, tuyệt bỏ điều dữ. Ta muốn cho khách quí hằng tới nhà ta, thì phải dọn dẹp trong ngoài cho sạch sẽ, cho nghiêm trang : khách quí là phước đó. Nếu ta để nhà ta u trệ, ô trược, làm sao kẻ tiểu nhơn chẳng khinh dễ mà lộng vào : kẻ tiểu nhơn là họa đó. Nếu ta chấp mê chẳng tỉnh ngộ, việc dữ làm hoài, cam tâm thọ họa, thì dầu đức Thái Thượng cũng không phương chi cứu chữa.
IV. Luận về Cảm ứng theo Thích giáo và Nho giáo
1. Cảm ứng theo Thích giáo
Nhà Phật cũng có luận cảm ứng mà cho tên khác gọi là nhân quả. Chữ nhân nghĩa là năng sanh (hay sanh sãn như hột). Chữ quả nghĩa là sở sanh (bị sanh sãn như trái). Vì có hột mới sanh trái, nên nhà Phật gọi nhân là sở tác (việc người làm ra)(thi cảm), còn quả là sở thọ (phần người chịu lấy)(thọ cảm).
Nhà Phật cũng nói: làm lành thì có nhân quả điều lành, làm dữ thì có nhân quả điều dữ. Làm lành thì hưởng phước, làm dữ thì mắc họa, hễ nhân nào thì quả nấy, có sai chạy bao giờ.
Kinh Niết bàn nói rằng: Ở các thiện sĩ! Phải biết nhân lành sanh ra quả lành, nhân dữ sanh ra quả dữ, mà xa lánh cái nhân dữ đi! Lại nói rằng: sự lành dữ báo ứng tỉ như bóng theo hình, ba đời nhân quả xây vần chẳng sai: đời này bỏ luống ngày giờ (không lo làm lành), sau rồi ăn năn không kịp.
Kinh Nhân quả nói rằng: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị; dục tri hậu thế quả, kim sanh tác giả thị”. Nghĩa là: muốn biết nhân đời trước, đời nay chịu lấy đó; muốn biết quá đời sau, đời nay làm ra đó.
Đời nay mới sanh ra mà làm con nhà giàu sang hưởng phước, họăc làm con nhà nghèo hèn chịu khổ, đều là do tiền căn mà báo hậu kiếp. Những kẻ nhờ công đức kiếp trước mà nay được hưởng phước, tuy nay mới làm dữ mà chưa mắc họa, là bởi trừ chưa hết công kiếp trước, hoặc do tội lỗi kiếp trước mà nay chịu khổ, tuy nay mới làm lành mà chưa hưởng phước, là bởi trừ chưa hết tội kiếp trước. Phải chờ trừ cấn lành dữ kiếp trước xong rồi, thì mới trả quả cho đời nay. Nếu có điều lành dữ đời nay mà chưa kịp trả quả, thì kiếp sau cũng phải trả. Đó gọi là tam thế nhân quả.
Nhà Phật luận nhân quả mà không nói đến thần minh. Chẳng phải là không nhìn có thần minh, nhưng không muốn cho chúng sanh ỷ lại vào thần minh, mà tưởng lầm rằng: các vì thần minh có quyền tự do sửa luật họa phước, làm nắng làm mưa, theo ý muốn riêng của chúng sanh nào bày lễ cúng tế vái nài. Đến đổi đức A-Di-Đà là một vị phật lớn, có lập 48 lời đại nguyện độ hết chúng sanh, mà nếu chúng sanh, tuy niệm danh hiệu của Ngài, bái sám hằng ngày, mà không làm y theo luật của Ngài, tâm vẫn loạn động như người thế thường, thì Ngài còn không thế độ rổi thay, hà huống là vị thần minh nào khác.
Kinh Pháp bữu đàn có nói rằng: “Tự tánh tự độ danh vi chơn độ”. Nghĩa là: lấy tánh mình độ mình (thi cảm), mới gọi là thiệt độ. Lấy tánh mình là lấy cái trí bác nhã trong tánh mình, dùng chánh kiến mà nuôi nấng nó, để đánh phá ngu si mê vọng, rồi tà lại thì chánh độ, mê lại thì ngộ độ, ngu lại thì trí độ, ác lại thì thiện độ. Độ mình bằng cách ấy mới là phép độ chơn thiệt chánh đáng. Nói cho rõ ra: Tự độ nhi hậu Phật độ.
Nhà Phật cũng có cuốn: “Phật giáo Cảm ứng thiên” của Vô tích Đinh huệ Khương biên chú, rút những lời Phật dạy trong các kinh về lẽ báo ứng, chỉ cầu cho người người biết việc dữ mà tránh, biết điều lành mà theo.
2. Cảm ứng theo Nho giáo
Về lẽ báo ứng, thì người trong phái Nho giáo hay dẩn những lời sau nầy:
Kinh Dịch nói rằng: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khương, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương”. Nghĩa là: nhà chứa điều lành ắt có nhiều phước, nhà chứa điều chẳng lành ắt có nhiều họa.
Từ thần ông nói rằng: “Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác, tử tế tư lương. Thiên Địa bất thác; thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, nhược huờn bất báo, thời thần vị đáo”. Nghĩa là: chứa lành gặp lành, chứa dữ gặp dữ, tử tế suy lường, thì rõ Trời Đất chẳng lầm; lành có lành trả, dữ có dữ trả, nếu bằng chẳng trả, ấy là chưa đến ngày giờ.
Đức Khổng Tử có nói rằng: “Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhơn trường thích thích. Quân tử thượng đạt, tiểu nhơn hạ đạt”. Nghĩa là: người quân tử khoan thai vô cùng, kẻ tiểu nhơn buồn rầu chẳng ngớt. Người quân tử càng ngày càng đi lên trên (trên là chỉ đức nghĩa, thiên lý), kẻ tiểu nhơn càng ngày càng đi xuống dưới (dưới là chỉ tài lợi, nhơn dục). Những lời nầy rõ lại chẳng phải ra ngoài vấn đề cảm ứng.
Cốt yếu mấy lời trên kia là nói: làm lành gặp phước, làm dữ mắc họa, họa phước đều tự mình gây ra (thi cảm). Cho nên người quân tử tránh điều phi lễ, phi nghĩa, là chủ ý tuyệt cảm ứng về điều dữ vậy. Nhưng Nho giáo chuyên lo về mục đích cang thường luân lý, hay nói thiệt sự, cho nên phần nhiều lời dạy trong kinh sách phái nầy thuộc về vấn đề cảm ứng đối với nhơn vật.
V. Kết luận hiệp lý Tam Giáo
1. Về mặt cảm ứng, tam giáo khác nhau ở chỗ lập luận, nhưng vẫn bổ nghĩa cho nhau
Ba tông giáo là Nho, Thích, Đạo đều có luận về cảm ứng. Tuy giáo nào cũng dạy đủ lý, nhưng đại khái chỗ lập luận có khác nhau (đại đồng tiểu dị). Đạo giáo căn cứ ở thần minh, Nho giáo ở luân lý, Thích giáo ở tự tánh.
Tam giáo cần phải hiệp nhau là lẽ nầy:
Nếu chỉ biết cảm ứng về một mặt thần minh thưởng phạt(Đạo giáo) thì e sanh thói ỷ lại, mất tánh tự cường, chẳng cầu tự lực mà chỉ cầu tha lực, cúng tế cầu phước, thành ra mê tín, thì tự tánh ắt càng ngày càng thêm tối tăm.
Nếu chỉ biết cảm ứng về một mặt luận lý(Nho giáo) thì e thiên về phần đời, chỉ cầu sung sướng vật chất theo kiếp này, mà chẳng cần lo phần thiêng liêng về ngày sau, thì cái đời con người ắt không còn gì là lý thú, cao thượng.
Nếu chỉ biết cảm ứng về một mặt tự tánh, thì lại e không trọng kính thần minh, có ý dung dị cho mình thái quá, tự nhận rằng muôn việc chỉ cũng do nơi mình, thì có cần phải sợ ai, sanh ra tánh khinh khi mà dễ sa nơi dường tội lỗi; hoặc chỉ lo ích lợi riêng cho phần thiêng liêng của mình mà thôi, thì còn gì là nhơn quần xã hội, luân lý cang thường.
Mỗi giáo tùy cơ mà khuyến dạy, liệu bịnh mà cho thuốc, nói rõ khoản nầy mà không nói rõ khoản khác, nên cần phải hiệp cả ba, để châm chước, thêm bớt cho nhau mà tạo thành một thuyết hoàn toàn.
Ba tông giáo đứng về ba phương diện mà luận cảm ứng. Ba phương diện nầy là trí, tình, ý, của cái tâm con người nhưng có khác nhau là tại chỗ phần trổi hơn, cốt để khuyên con người theo con đường lành mà hiệp với Trời.
2.- Tam giáo đều luận đến tính chí nguyện(thi cảm) của con người vào con đường tu giải thoát.
Thuyết thiên mạng của Nho, Đạo là thuyết Trời phân xét việc làm của người mà định phần tội phước. Hễ ai hành động thuận lý thì hưởng phước, còn trái lý thì chịu họa. Nếu người trước phạm tội nay biết hồi đầu sửa lỗi, hiệp với cơ tiến hóa, thì phần Trời định trước kia sẽ có biến đổi. Cho nên nói: “Thiên định mạng, nhơn tạo mạng, nhơn định thắng thiên”, nghĩa là: Trời nhứt định mạng vận cho người, người tự mình tạo ra mạng vận của mình, người nhứt định hơn Trời, là vậy đó. Bằng nói Trời muốn định thế nào thì định, không do nơi người, thì con người có cần làm lành, lánh dữ làm chi?
Thuyết định mạng của Thích nói rằng mạng người không có ai chủ trương trong đó, tự việc của người làm mà dự định. Do việc làm trước khi di truyền lại bây giờ, do việc làm bây giờ di truyền lại ngày sau. Nhân quả thông suốt cả ba đời, chẳng hề sai chạy, không có điều họa phước nào chẳng phải tự mình tìm cầu lấy nó. Cũng gọi là thuyết túc mạng hay là định nghiệp.
Thế thì thuyết thiên mạng hay là thuyết định mạng ấy đều phải do việc làm của người mà nhứt định tội phước.
Nếu ta tiến lên một bực nữa mà xét, thì ta sẽ thấy còn có chỗ hạp với nhau nữa. Tuy biết có Trời hay là Luật định, nhưng sự quyết định đó không phải tất nhiên tuyệt đích (nécessité absolue). Ta có thể biến cải hay là thủ tiêu một việc báo ứng trước khi nó phát hiện. Vậy thì thuyết thiên mạng của Nho, Đạo và thuyết định mạng của Phật giáo đồng cho có một phần tự nhiệm (libre arbitre), nghĩa là chí nguyện (ý chí, thi cảm) được ít nhiều tự do.
Kẻ nào không có chí nguyện (thi cảm) thì phải làm những việc đã sắp đặt trước rồi (thọ cảm), vì những việc mình làm trước hòa hiệp với nhau thành ra một cái sức cảm tổng hiệp, day trở con người theo lối nhứt định. Đây là chỉ hạng người không có cái ý sáng kiến chi hết.
Còn người có chí nguyện biến cải được ít nhiều phần tiền định của mình, tùy theo nguyện lực của mình mạnh yếu, và cách dùng nguyện lực đó được đến cùng không. Vì mỗi giờ phút, chí nguyện của con người có thể châm thêm sức cảm mới trong mạng vận của mình, làm cho biến cải phương hướng của sức cảm tổng hiệp nói trên kia.
Vậy thì đủ thấy con người xu hướng về lành hay là về dữ là tự nơi chí nguyện của mình. Muốn cho chí nguyện xu hướng (thi cảm)về lành thì cần phải lấy trí huệ làm ngọn đuốc dẫn đường. Nếu chí nguyện và trí huệ được trọn mỡ mang thì con người mới được trọn siêu thoát. Đây là chỉ cái mục đích tối thượng của con người.
“Thế nên Thiêng Liêng thường nói: Cõi thế gian này hoặc thành một cõi địa đàng Cực-Lạc hoặc thành một miền địa ngục đen tối đau khổ đều do con người đặt để biến nó thành hình. Bởi vậy, người là Tiểu Thiên Địa, đã có những tiềm năng Tạo Hóa phát ban. Nếu chí thành tâm nguyện của con người hướng về sự ích lợi thái hòa an lạc thích hợp với lẽ toàn thiện toàn chân thì sự kiện kết quả sẽ trở nên toàn thiện toàn chân như mong muốn” (Chí thành thì ứng hiện không sai).
Nhưng than ôi! lòng tham vọng của người đời không đáy, phạm vi tham vọng của loài người không có biên giới. Do đó mọi cơ khổ tối tăm đều bao trùm con người là lẽ tất nhiên.
Thế nên trong giới tu hành luôn luôn phải để tâm mình hòa đồng cùng vạn vật, luôn luôn tập tư tưởng tốt, gội bỏ những tư tưởng xấu, hoặc từ ngoại cảnh chi phối hoặc từ nội tâm phát hiện, gạn đục lóng trong. Có thanh lọc được, có đặt mối cảm về một định hướng từ ái, sẽ tiếp nhận được lằn điển trọn tốt trọn lành từ cõi xa xăm truyền đến. Lúc bấy giờ lòng được an định, thần sắc diện mạo được từ ái, muôn người được thuần hậu, các cách đối xử với mọi người được đầy vẻ thuần chất thuần hòa. Đó là pháp phù hộ mạng hành giả được vững vàng trên đường tu tiến. Vì lòng mình đã chọn sẵn một chỗ quí báu từ hòa để đón nhận một quí khách (Trời) từ xa xăm đến, rồi nhựt nhựt thường hành, tâm tâm thường niệm, sẽ có sự ứng hiện đến hộ trì hành giả trên mọi phương diện.
VI. Lý Cảm ứng trong phương tu “Phản Bổn Huờn Nguyên”
1. Cảm ứng có hai chiều thuận nghịch
Đức Diêu Trì Kim Mẩu đã dạy rõ dưới đây : " Bộ máy nhơn thân của các con do Ngũ Hành Âm Dương tạo dựng, nếu các con biết sử dụng, vận hành thì bộ máy đó sẽ tinh vi tạo Tiên tác Phật. Nếu các con không biết sử dụng thì các con khó thoát khỏi luật vô thường... Trái chín đang có trên cây, các con phải dụng công hái bẻ mới có mà ăn, chớ không phải há miệng trông chờ trái rụng. Sự tu hành trong luật Cảm Ứng cũng vậy đó con ! Tuy không ai đặt điều kiện, nhưng Luật Cảm ứng tự nhiên vẫn có HAI CHIỀU"
2. “Phản Bổn Huờn Nguyên” là nguyên tắc lớn tu hành
Phản Bổn Huờn Nguyên nghĩa là trở lại gốc, đổ về nguồn. Cũng như dòng nước, trước kia từ nguồn trong sạch mà chảy ra, sau chảy qua nhiều rừng nhiều núi, nhiều đồng, nhiều ruộng nên thấm rút các chất bùn lầy, cát bụi ở mấy nơi đó, càng di xa càng dơ bẩn, thành ra không còn trong sạch như trước nữa. Bây giờ muốn trã lại cho nước sự trong sạch đó ta phải gạn đục lóng trong, cho nó hết chất cặn cáu, dơ bẩn để cởi mở hết trần cấu mà huờn lại thuần chất như xưa.
Phép tu hành thì cũng y như thế, từ một hành giả mới bước chân vào đạo, bắt đầu dừng bước quay về với tâm thì cũng phải phân thanh lắng trược để dần đưa tâm trở về với tự tánh ban đầu.
3. Phương tu “Phản Bổn Huờn Nguyên“ theo tông chỉ đạo Minh Lý
Chánh pháp nói ra đây là pháp “phản bổn huờn nguyên”, đến mức tột đỉnh cao độ, nên gọi là huờn nguyên cứu cánh, hoặc gọi là đồng nhất với đấng Tạo hóa, hiệp một cùng ngôi Thượng đế.
“Phản Bổn Huờn Nguyên” chẳng phải trở lại thời ăn lông ở lỗ như người xưa kia. Đây là trở về cội nguồn, gốc sanh của mình, mà ai muốn đặt tên chi thì đặt. Cũng như người đi xa sau khi đã thành đạt, mãn nguyện, lại về quê hương, hiệp cùng gia đình tổ phụ vậy. Đó là cảnh sum hợp ở thế gian không có vui sướng nào bằng. Còn nói về đạo, cảnh đó còn vui sướng gấp bội, còn gọi là Cực lạc , là Niết bàn.
Bực thượng căn, thượng đức vừa nghe Đạo, thì thẳng một nước vào cảnh Như Lai: tu tánh tức là tu mạng, liễu tánh tức liễu mạng luôn, nghĩa là: trong công phu tu tánh có công phu tu mạng. Hễ tu tánh rồi thì tu mạng cũng xong. Phật gọi là đốn giáo. Đốn nghĩa là: lập tức, một lần là xong.
Còn bực trung căn và hạ căn phải theo từng lớp mà đi lần tới: tu tánh rồi tu mạng (tận tánh nhi chí mạng), tu mạng rồi tu tánh cho tới trọn xong (tu mạng nhi liễu tánh). Phật gọi là tiệm giáo. Tiệm nghĩa là: tiến chẫm rải theo thứ tự, đẳng cấp.
a) Thuận sanh nhập thế (Tu tánh): Làm các việc lành, việc phải theo lương tâm, lý tánh, là tu tánh. Công phu này thuộc về phần nhập thế, nên chúng tôi lấy Nho tông làm căn bổn. Nho dạy « Tồn tâm dưỡng tánh » hay « cùng lý tận tánh ». Nghĩa là phải tìm xét lý lẽ, mà kềm chế phàm tâm của mình. Lại còn phải hàm dưỡng cái tánh lành của mình, tìm phương thế mà thực hiện cho được. Thầy Mạnh Tử gọi là nuôi khí hạo nhiên.Tu tánh như vầy có thể xem kinh sách, tìm hiểu, chiêm nghiệm mà tu, thuộc về mặt phổ thông. Nhưng tu tánh nói đây còn ở trong phần âm khí ( Đây chỉ mới là nghĩa cảm ứng theo con đường lành). Đoạn công phu này căn cứ trên giáo lý chủ Nho giáo nhiều hơn.
b) Nghịch vận, xuất thế (Tu mạng, tu đơn) : Công phu tận tánh xong, thì hành giả bước qua giai đoạn thứ nhì là tu mạng. Kinh Dich nói : Cùng Lý tận tánh dĩ chí ư mạng, nghĩa là tìm lý rỏ tánh rồi thì đi tới mạng. Luyện khí hậu thiên phản tiên thiên, nghĩa là khảm li trở lại kiền khôn, tức là tu mạng. Trong bài khẩu quyết của đạo Minh Lý, có câu:
Tối diệu thâm đại Đạo.
Phật Tiên chẳng khác nào.
Khí âm dương hiệp nhứt,
Lấy khãm đắp li hào,
Trở lại kiền khôn quái.
Là mối đạo rất cao.
Tu như thế gọi là tu Lạc thơ trở lại thành Hà đồ, là tu hữu vi.. Cho nên cuốn “Kim Tiên trực chỉ” nói: « Tánh phận chỉ công thật thị phu mạng chi cực tắc », nghĩa là: Công phu tu tánh (nói trước) thiệt là phép rất hay để giúp phép tu mạng.
Đạo giáo dạy « Tu tâm luyện tánh » vì mạng cũng là tánh tiên thiên nhưng tánh này bị ràng buộc trong khí hậu thiên phản lại tiên thiên rồi thì ấy mới biểu lộ ra ngoài rỏ rệt.
Phật giáo gọi là « Phật tánh tại triền », nghĩa là Phật tánh ở trong vòng ràng buộc. Đạo gia gọi là « Bổn cung huệ mạng », nghĩa là « Huệ mạng ở trong trung cung ». Nho giáo gọi là « Tạo hóa sanh sanh vô cùng », nghĩa là « Cơ màu tạo vật sanh hóa vô cùng ».
Thật ra, Phật tánh hay Huệ mạng cũng như mặt trời, mặc dù bị mây án khuất mà trong bổn thể, nó không bị mất sáng suốt tự nhiên của nó. Muốn nó chiếu sáng mọi nơi, thì tất nhiên phải phá tan đám mây án kia. Đám mây ấy giống như khí hậu thiên, là âm khí bao phủ Huệ mạng.
Tu mạng phải có thầy dạy chánh pháp mới kham, thuộc về biệt truyền. Thứ tự công phu có ghi nơi bài Qui y tăng, trong kinh Giác Thế. Tu mạng mới đổi âm ra dương, hậu thiên phản tiên thiên. Tới đó tánh mạng hiệp nhứt, qui về một điểm Thái cực.
Theo chánh pháp, tâm khí chẳng bao giờ rời nhau. Trước phải dùng tâm chế khí, sau lấy khí trị tâm. Nếu khí còn thô, thì tâm loạn động, dễ sanh các thứ tình dục. Vì cớ đó, phải luyện khí, rồi sau trở lại tu tánh, mới đặng hoàn toàn giải thoát.
Tới lớp giữa, hành giả căn cứ vào Dịch Lý, lấy Đạo giáo Kim đơn làm trụ cốt.
c) Huờn nguyên Ngôi Viên Nhứt (liễu tánh hay huờn đơn) : Còn trở lại tu tánh nữa, thì mới thiệt chứng quả chơn nhơn. Tu như thế gọi là tu lý Hà đồ là tu vô vi. Tuy đây nói tu tánh, kỳ thiệt là quy về Vô cực chơn không. Nhưng chơn không chẳng phải là trống không. Phải biết trong chơn không lại có diệu hữu, nghĩa là: có vô lượng nghĩa lý, có vô lượng công đức .
Phải song tu tánh mạng, thì mới trọn thành công. Vì người ta thường thiên về một bên, cho nên Đức Lữ Tổ nói rằng: “tu mạng bất tu chánh, thử thị tu hành đệ nhứt bịnh. Tu tánh bất tu mạng, vạn kiếp âm linh nan nhập thánh”. Nghĩa là: Tu mạng mà không tu tánh, đó là cái bịnh thứ nhứt của người tu hành. Còn tu tánh mà chẳng tu mạng, thì muôn kiếp tánh vẫn còn thuộc âm, không vào được cõi thánh.
Vô cực đồ thuyết nói: “Phù Đạo giả, tánh dữ mạng nhi dỉ Tánh vô sanh dã, mạng hữu sanh dả” nghĩa là: Đạo chẳng qua là tánh với mạng mà thôi. Tánh thì không sanh, tức là cũng không diệt. Còn mạng thì có sanh, tức là cũng có diệt.
Công phu cốt yếu tại chổ giải thoát huyển thân để trở về ngôi Viên Nhứt. Tới lớp này, hành giả phải chuyên Phật giáo Thiền tông : « Trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật ».
Tóm lại: Phương tu Phản Bổn huờn Nguyên để “Hiệp một cùng Thượng Đế” ” là tự mình tu đức đúng với luật Trời, mỗi việc làm đều tuân theo Thiên-mạng. “Hiệp một” đây là hiệp với đức-tánh, với việc làm của Trời thì Trời dựa vào đâu mà khiển trách được nữa ! Thế là mình đã hết chịu ảnh hưởng của luật Nhn qu hay Luân-hồi, buộc người phạm tội phải đầu thai lên xuống trả vay, nên gọi là hoàn toàn giải thoát.
Thay lời kết
“Tam tài nhứt lý, tam giáo nhứt tâm”, nghĩa là trời, đất, người chỉ có một lý; Nho, Thích, Đạo chỉ có một tâm. Nhưng lý ở trong tâm , tâm chẳng rời lý. Thế thì Tam Giáo Thánh Nhơn luận tâm, cốt để cầu lý mà thôi.
Lý cảm ứng là ánh sáng rọi đường cho phương tu « Phản Bổn Huờn Nguyên », kết hợp sở trường của tam giáo để đưa con người từ vô minh đến giải thoát, để chuyển hóa cái khối phàm tâm ngăn cách giữa Trời và người .
Người tu hành hiểu được lý cảm ứng rồi thì sẽ chứa lành chừa dữ, xem Đạo là lẽ sống của đời mình, phải luôn luôn trau dồi, từ nội tâm đến ngoại thể. Nếu xa lìa giây phút, ắt đã sa vào đầu đường xuống dốc vậy. Thế nên, tâm luôn luôn trì thủ(thi cảm), chế ngự mọi xao động vì ngoại cảnh.
Khi gặp một điều hay, nên lấy đó làm khuôn vàng thước ngọc, cho đời đạo đức. Khi gặp một điều dở, hoặc xấu xa, cũng nên lấy đó làm tấm kiếng để soi mình(thi cảm), hầu tránh chừa những điều bất chánh.
Người tu hành luôn luôn sẳn sàng chuẩn bị thâu nhận tất cả những gì đưa đến cho mình và lấy đó làm bài học kinh nghiệm quí giá. Một khi sự không may đến, mình chạy trốn, né tránh, chưa phải là xong nhiệm vụ. Trái lại, phải sẳn sàng chấp nhận đón rước nó, như những đều may mắn để cải biến nó từ rủi thành may, từ xấu thàn`h tốt, từ hư thành nên.
Có sẳn sàng được như vậy, tự nhiên thấy lòng mình yên ổn, mát mẻ, không còn sợ sệt, hoặc ngạc nhiên trước bất cứ việc gì xảy đến, bỡi vì mình đã sẳn sàng và hoan hỉ tiếp đón.
Trái lại, nếu có hoảng hốt, hoặc đau khổ, than vản, thì sự kiện đã đến vẩn là sự kiện đã đến! Nhưng hại là chổ nội tâm bị lung lạc, loạn động nổi lên, ví như ba đào nổi dậy, không khéo sẽ bị nhận chiếc thuyền nan tứ đại trong bể khổ trầm luân, lữ khách trên thuyền cũng bị chơi vơi nơi dòng nước lủ!
Trời đất tuy rộng bao la, đạo lý pháp môn tuy vô lượng, nhưng cái tiểu mô hình của Thiên địa đạo pháp ấy, chính là tiểu nhơn thân. Nhơn thân mà khai triển được, sẽ đắc Đạo tại trần, và ngôi vị Phật Tiên chính cũng là trọng tâm đó vậy.
Rất Lòng Thành Tín