Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
21/11/2008
Xuân Mai

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 07/01/2010

Yếu tố con người là quan trọng

Người đời thường nói: "tạo tự thì dễ, tạo tăng (con người) mới khó". Nói như thế không có nghĩa là quên đi hai yếu tố Thiên và Địa. Vì thời Tam Kỳ Phổ Độ, Thầy cùng các Đấng thiêng liêng (Thiên) dùng huyền cơ diệu bút đem nguồn giáo lý tinh ba đến gieo giống trên mãnh đất Trời Nam - Địa linh sanh anh kiệt (Địa), còn lại yếu tố Nhơn là điều con người phải chuẩn bị, phải giải quyết để thực hiện được mục đích của Đại Đạo TKPĐ là Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát.

Ngày 13-10-1926 (mùng 7-9 Bính Dần) tờ Phổ Cáo Chúng Sanh đã được Đức Chí Tôn chính thức phê duyệt, đó là phương tiện vô cùng qúy báu hổ trợ chư vị tiền khai tuân hành thánh ý thực hiện việc phổ truyền nền giáo lý tân Tôn Giáo Cao Đài khắp lục Tỉnh. Chỉ trong vòng 1 tháng thực hiện phổ độ khắp Lục Tỉnh với Phổ cáo Chúng Sanh, số lượng tín đồ nhập môn đã từ con số chưa đến 300 tăng vọt lên đến mấy ngàn tín hữu. Đây cũng là yếu tố quan trọng đóng góp cho sự thành công của Đại lễ Khai Minh Đại Đạo tại Thiền Lâm Tự Gò Kén - Tây Ninh.

Thời Hạ ngươn mạt kiếp, đời khổ nên Đại Đạo khai mở - Mở toang các cửa nơi trần, Khai minh Đại đạo độ lần chúng sinh Đức Ngô Minh Chiêu, 22-3-1966, (01-3 Bính Ngọ) Thánh Tịnh Ngọc Minh Đài[1]. Khai mở để cứu độ nhơn sanh chứ không phải khai mở chỉ để đem lại cho người tu đạt được mộng thành Tiên tác Phật. Nhưng khi con người độ được nhơn sanh chính là độ chính mình, chính là hướng đến Niết bàn thanh nhàn, trường cửu. Do vậy Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ phải là kết quả của lẽ cứu cánh. Và con người Đại Đạo đem giáo lý Đạo vào đời để giáo dục tư tưởng và xây đắp niềm tin cho những con người đang đau khổ, để đem con người từ mê được tỉnh, để cứu vớt những người đau khổ được an vui.

"Giáo lý và cuộc đời như hai sợi dây điện, hễ đụng chạm nhau là phát sinh ra lửa, ánh lửa đó là nguyên lý linh động. Một khi chư hiền đem Giáo lý sống trong cuộc đời, chư hiền mới trực nhận được những nguyên lý linh động đó. Nếu giáo lý tách xa cuộc đời thì giáo lý chỉ là giáo lý, không phải là sự cứu cánh " Đức Quảng Pháp Minh Tiên, 03-1-1968, (04-12-Đinh Mùi)

Nhưng tinh thần cứu cánh không chỉ nhắm vào việc tế độ giải khổ mà thôi, còn phải nghĩ đến sự cứu cánh về phần tư tưởng, về sự tu tiến của người Đạo, nghĩa là làm cho con người Đạo nhận được chơn lý Đạo. Có nhận được chơn lý Đạo, là khai sáng được tinh thần, người Đạo mới nhận được trách vụ của mình và khẳng định được cái chơn lý cứu cánh về giáo pháp, đó là khai minh cho chính mình. Có khai minh cho chính mình mới biết sống thuận Thiên, hoà hợp cùng thiên nhiên tạo hoá để thấy được công năng của nhơn sanh, của vũ trụ mà hợp lực cùng Trời khai sáng cho nhơn sanh tìm về với Đạo tự hữu nơi mỗi người. Đó là khai minh Đại Đạo. Đó là góp phần vào sứ mạng phục hưng đời Thánh Đức - sứ mạng của ĐĐTKPĐ, cũng là sứ mạng của mỗi con người biết được mối Đạo Trời.

"Còn biết soi sáng vào mình mới thấy cơ năng hoạt động, sẽ hòa theo nhịp điệu hóa công mà phát huy cho công năng của nhân sinh, của vũ trụ. Đó gọi là Khai Minh Đại Đạo vậy." Đức Đông Lâm Tiên Trưởng, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, Rằm tháng 10 Đinh Tỵ (25.11.1977)

Như vậy yếu tố con người là yếu tố quan trọng vì chỉ có con người mới tác động đến con người, mới góp phần vào việc thực hiện sứ mạng của Trời một cách tích cực và hiệu quả nhất…. 

"…chư đệ muội chắc cũng đã rõ thiên nhơn hiệp nhứt, sứ mạng của Trời sẽ được sáng giá nhờ những bàn tay của thế nhân hoặc ngược lại" Đức Như Ý, CQPTGLĐĐ, 30-3-Quí Sửu

Còn Cơ Quan Đạo nào sẽ làm tốt vai trò giáo dục, đào tạo lớp người có căn bản, có nề nếp duy nhứt cho việc truyền Đạo hầu giúp dân độ thế. Đó chính là những Thánh tịnh, Thánh thất – những trường giáo đạo, là Cơ quan văn hoá đạo đức để khai mở lối tu, xây dựng tư tưởng về lành, làm cho nhơn sanh thông hiểu Đạo lý và đặc biệt là đào tạo thế hệ tiếp nối cho Đại Đạo.

" Chư hiền đệ muội luôn luôn ghi nhớ cái nguyên tắc "Tre tàn măng mọc" và phải có phương pháp dung dưởng lớp măng ấy theo đường lối tổ chức có chuẩn thằng qui củ, theo đường lối chánh đạo trong quyền pháp đạo luật. Chư hiền đệ muội đừng nhằm vào tuổi đời cá thể của mình mà đốt giai đoạn trưởng thành của cơ đạo. Mỗi người mỗi việc, hành cho đến nơi đến chốn. Mỗi một lớp người xây đắp một giai đoạn; mỗi một thế hệ nhân sinh xây dựng một bước tiến một cấp cao. Về NHIỆM VU VUN QUÉN MĂNG NON LÀ CẦN THIẾT, vì mỗi tổ chức nào cũng phải cần đến lớp người nồng cốt có căn bản. Tổ chức có được tiến triển kết quả mau hay chậm đều do lớp người nồng cốt trong nhiều thế hệ kế tiếp. TGST 68-69 tr 114-115

Thiết lễ kỷ niệm ngày Khai minh Đại Đạo hàng năm là để nhớ đến ngày ĐĐTKPĐ chính thức ra mắt trước nhơn sanh, trước Quốc tế, nhưng quan trọng hơn hết là để gợi nhớ cho mỗi chúng ta ý thức trách nhiệm góp phần vào sứ mạng Đại Đạo – sứ mạng phổ độ nhơn sanh trong kỳ ba nguơn hội. Để thực hiện sứ mạng lớn lao và vô cùng quan trọng này, bên cạnh sự hỗ trợ của các tổ chức Đạo, tự thân mỗi người phải nổ lực khai minh chính mình rồi mới góp phần khai minh cho nhơn sanh được. Muốn thế, chúng ta phải rốt ráo song hành Thế đạo và Thiên đạo –  "Sớm lo độ thế, chiều mình công phu."

"Con người, khi hiểu thông đạo lý, tìm được mấu chốt là chìa khoá liên hệ giữa Trời và người thì con người sẽ tự tu, tự tạo, tự lập, tự tiến cho mình trở nên hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật dễ dàng" Minh Lý Thánh Hội, 02-6-Canh Tuất

Là Thanh thiếu niên, ý thức được trách nhiệm góp phần vào sứ mạng Đại Đạo, chúng ta phải luôn nổ lực hết sức mình trên bước đường tu tiến, tận dụng thời gian qúy báu và sức khoẻ của bản thân để tu học văn hoá và gíao lýngày ngày để nâng cao trình độ hiểu biết vì ở tuổi tráng niên sự học ví như tiếp nhận ánh sáng lúc mặt trời đang lên, nếu để già mới học đạo ví như "thắp nến mà học", sự học như sống với ánh sáng ngọn nến chiều tà, dĩ nhiên ngọn nến sáng còn hơn là bóng tối.

Ngoài ra, với việc thực hành thiền định cũng đặc biệt hữu dụng cho sự  rèn luyện thân thể, rèn luyện trí óc, cần thiết vô cùng cho tuổi trẻ là tuổi học, tuổi đang phát triển.

Thanh thiếu niên ngày ngày ghi nhớ,
Học tu nhiều dầu dở cũng hay;
Tre tàn cằn cỗi ngày mai,
Lập đời hoằng giáo nhờ tay các trò.


Trăn trở với những suy nghĩ như vậy, chúng ta càng hiểu rõ khi sống trong một thời đại mà đỉnh cao của nền văn minh "bấm nút" thật sự từng phút từng giây đang đe dọa hơn tánh mạng của con người, "mạng sống chỉ trong hơi thở" Lời Đức Thế Tôn, thì chúng ta càng biết mình phải làm gì bây giờ đây, sẽ sử dụng thời gian như thế nào? Thời gian chẳng cho hẹn, chẳng đợi, chẳng chờ. Năm, bảy mươi, tấc hơi không hẹn. Đôi ba năm cũng vẹn một đời. Không phải đợi học xong bằng này bằng nọ chúng ta mới tu. Tu như vậy sẽ không còn kịp nữa. Phải vừa học văn hoá vừa tu. Phải chiêm nghiệm giáo lý của các Đấng thiêng liêng dạy bằng sự trải nghiệm tự thân ngay mỗi phút hiện sinh. Thân giáo và khẩu giáo luôn là bước song hành của người hướng đạo hôm nay và của người tiếp nối mai sau. Trí tuệ và tình thương mãi mãi vẫn là chất liệu quí giá nhất có sẵn trong mỗi chúng ta, nó có thể thực hiện ra bất cứ lúc nào nếu chúng ta biết tu và biết dùng đến nó thông qua giáo lý Đại Đạo.

Thượng Đế không kêu gọi con người phụng sự cho Thượng Đế, mà con người hãy cải tạo để xây dựng Thiên đàng cho con người và thế giới ở trên đời. Có kiến thức mà thiếu ý thức, con người sẽ tự chôn vùi mình trong hố sâu, làm nô dịch cho kiến thức. Là người Thiên ân hướng đạo, hãy dụng tri năng làm ngọn đèn soi rọi cho con tàu kiến thức xuôi về đúng hướng. Mỗi cá nhân chức sắc tín đồ sẽ thể hiện thật sự chân lý của Đại Đạo. Thế nên phải ý thức cho tận cùng nội tâm sứ mạng của mình và mục tiêu mà mình phải giữ lấy để đạt đến." Chư Tiền Khai Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 14.02 Giáp Dần (7.3.1974)

Đằng sau tốc độ và hào nhoáng của đô thị hiện đại, Thanh thiếu niên Đại Đạo hiện đại rất cần tâm hồn thư thái, thần kinh cân bằng, cốt cách thâm trầm sâu lắng, rất cần cùng nhau đoàn kết, xây dựng, cùng nương níu nhau tu học để tiến bộ, để đủ sức đón nhận mọi trách nhiệm - trách nhiệm là một cá nhân trong một dân tộc được chọn -một dân tộc được đặc ân trong trách nhiệm. Có lẽ đó là con đường phấn đấu toàn diện của thế hệ trẻ Đại Đạo hôm nay.

Đức Cao Triều Phát đã nhắc nhở:

… Đại Đạo đạt được giá trị và sứ mạng có đặt để là nhờ những người nối tiếp cùng nhau xây dựng. Một cá nhân - một sứ mạng, mỗi thế hệ - một trách nhiệm. Điều cần yếu là cùng nhau kết hợp, cùng nhau nối tiếp để tiến bộ, để xây dựng ...." Đức Cao Triều Phát, Nam Thành Thánh Thất, 23 tháng 8 Canh Tuất (22.9.1970)

Chúng ta quyết không phụ lòng mong đợi của Đức Lý Giáo Tông, không để Ngài mãi băn khoăn thổn thức ...Mỗi lần lễ Khai Minh Đại Đạo là mỗi lần Bần Đạo càng thêm trách nhiệm nặng nề...

"....Cơ nghiệp ấy tìm ai phó thác ?
  Gánh Đạo Trời nhờ bậc thiện căn; … …
  Ai ơi ! chí khí can trường,
  Dốc lòng đạo cả một đường quang vinh." 
Lý Giáo Tông, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 15.10 Bính Dần (16.11.1986)
Xuân Mai

Lụy thân vì bởi ý ta bà,
Vì bởi người còn chấp cái ta,
Chẳng biệt giả chơn, không chánh niệm,
Đành làm tôi tớ thập tam ma.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây