Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
29/08/2013
Đạt Tường

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 29/08/2013

TÌM HIỂU LỊCH SỬ DANH HIỆU CỦA ĐỨC MẸ.


TÌM HIỂU LỊCH SỬ DANH HIỆU CỦA ĐỨC MẸ.


Hội Yến Diêu Trì là một trong những sự kiện trọng đại của thời kỳ tiềm ẩn trong lịch sử hình thành Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Tuy nhiên, phần lớn các sử gia Cao Đài chỉ mới chuyển tải được nội dung tổng quát chứ vẫn chưa nhấn mạnh đến vài chi tiết căn bản như danh hiệu chính xác của Đấng Nữ Thiêng Liêng cao cấp gắn liền với sử kiện này là gì... Vì thế với những thông tin đã được phổ biến qua sách báo hay bài thuyết đạo của một số tác giả đã làm cho một số lớn tín hữu Cao Đài chúng ta chưa được cung cấp chi tiết thật sự chính xác theo lịch sử.
Chính vì vậy, có một nhầm lẫn khá nghiêm trọng đã xảy ra và kéo dài cho đến hiện nay! Từ sai lệch này đã dẫn đến một vài hệ lụy khác.
Để có thể khắc phục phần nào sự cố đáng tiếc này, chúng ta cần lật lại các trang sử và cất công đi tìm những chứng cứ để góp phần điều chỉnh những lệch lạc nhận thức về Đức Chưởng Quản Diêu Trì Cung hầu góp phần gầy dựng việc “thống nhứt tinh thần” cho toàn đạo với sự kiện lịch sử hết sức quan trọng này!

I. DIỄN TIẾN LỊCH SỬ
1. Buổi đầu trong lúc sử dụng hình thức Xây Bàn tiếp xúc với thế giới vô hình, ba ông Cao Quỳnh Cư – Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang có kết giao với vong Đoàn Ngọc Quế. Ít lâu sau chư vị mới biết thật ra đó là chơn linh cô Vương Thị Lễ và được giới thiệu thêm một bạn làm thơ xướng họa khác là cô Hớn Liên Bạch.
2. Đồng thời với thời gian này, chư vị cũng đã được tiếp xúc với một Đấng Thiêng Liêng xưng danh là A,Ă,Â. Ngày mùng 8 tháng 8 Ất Sửu, Đức A,Ă, dạy chư vị làm một tiệc chay để đãi mười Đấng vô hình. (1)
Khi mối giao hảo đã thâm tình, trước lời dạy này chư vị không biết nên thực hiện thế nào để tiếp đãi trang trọng, nên xây bàn cầu hỏi vong cô Vương Thị Lễ. Đàn hôm đó, cô Vương cho biết mình và chị Hớn Liên Bạch thật ra là Thất và Bát Nương trên Diêu Trì Cung dưới quyền chưởng quản của Đức Cửu Thiên Nương Nương.
Hiền tài Nguyễn Văn Hồng có ghi lại trong Đạo Sử Nhựt Ký quyển 1 trang 58:
“Lối thượng tuần tháng 8 năm Ất Sửu (1925), Thất Nương cho biết về Diêu Trì Cung:
“Trên có Cửu Thiên Nương Nương cai quản, dưới có chín Tiên Nương mà cô là Thất Nương, Hớn Liên Bạch là Bát Nương.
(...) phải có Ngọc cơ cầu mới đặng.”
3. Khi dùng Đại Ngọc Cơ để thông công hầu lễ, Đức Thất Nương dạy ba ông cùng nhập tiệc và ngâm thơ đàn họa.
Buổi tiệc được chừng nửa tiếng, chư vị tái cầu, khi đó Đức Cửu Thiên Nương Nương giáng cơ chào mừng. Bốn vị Tiên Nương gồm Nhất Nương, Lục Nương, Thất Nương và Bát Nương giáng cơ lần lượt ban cho 4 bài thi bát cú. (2)
Xong tiệc, chư vị tái cầu Đức A,Ă,Â.

II. BƯỚC ĐẦU GHI NHẬN CÁC SỬ LIỆU LIÊN QUAN:

1. Danh hiệu của Đấng Chưởng quản Diêu Trì Cung:
1.1. Danh hiệu trong thời kỳ tiềm ẩn của Cao Đài giáo:
Từ khi Đức Thất Nương hướng dẫn ba vị Cư, Tắc, Sang sắp đặt chuẩn bị đêm Hội Yến cho đến những lần sau trong năm 1925, danh hiệu của Đấng Nữ Thiêng Liêng cao cấp cai quản nữ phái trên thượng giới đều chỉ được các Đấng Thiêng Liêng khác dùng để gọi khi nhắc đến Ngài là “Cửu Thiên Nương Nương”.
▪ Vào đêm mùng 3 tháng 9 Ất Sửu, Đức AĂÂ nói với quý vị:
“Tôi nói lộ Thiên cơ, trên Ngọc Hư bắt tội, xin tam vị đạo hữu cầu trên Ngọc Hư Cung tha tội tôi. Nếu không lo cầu giùm thì tôi sẽ bị phạt…” (3)
Chúng ta hãy lưu ý đến bài thơ của Ngài Cao Quỳnh Cư soạn ra vào thời điểm đó (20-10-1925) để thỉnh cầu xin xá tội cho Đức A,Ă,Â. Khi đó Đấng Thiêng Liêng cao cấp nhất mà ba vị Cư, Tắc, Sang được quen biết mới chỉ duy nhất là Đức “Cửu Thiên Nương Nương”. Vì thế, cụm từ này đã được quý vị sử dụng để khẩn cầu:
“Vái van xin quý Cửu Thiên Nương,
Tâu với Ngọc Hư tỏ ngọn nguồn.(...)” (4)
▪ Khoảng ba tháng sau, trong đàn ngày cuối năm 1925, khi dạy chư vị phải học tập theo gương đức hạnh của mình và các Đấng Tiên Nương, Đức A,Ă, có lời dạy:
“(...) Sự nhỏ nhẹ của Thất Nương đó, con bằng mảy mún gì chưa? Học hỏi sự nhỏ nhẹ ấy. Sự cao kỳ của Lục Nương, con có đặng mảy mún gì chưa? Học sự cao kỳ ấy.
Sự nhân đức của Nhất Nương, con có chút đỉnh gì chưa? Phải học nhân đức của Nhất Nương.
Tình nghĩa yêu mến của con có bằng Bát Nương không? Phải học.
Phải học tình nhơn ái, trung tín cứu giúp của Ba con có đặng như Cửu Thiên Nương Nương chăng? Phải học gương.
Sự kính nhượng, ba con bằng Cửu Nương chăng? Phải học.” (5)
1.2. Các danh xưng khác của Đức Ngài sau khi đã có Cao Đài giáo:
Sau khi thực hiện hoàn tất việc đến độ dẫn các môn đệ đầu tiên của “cơ phổ độ”, bẵng đi một thời gian dài, Đức Cửu Thiên Nương Nương không có giáng cơ.
Quý tư Đinh Mão, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển bổn thứ Nhứt được chư Tiền Khai soạn xong vào đầu tháng 10 Đinh Mão (1927) và xuất bản vào đầu năm 1928, chúng ta hoàn toàn không thấy có bài Thánh ngôn nào của Đức Mẹ được thể hiện trong đó. Đây là một chứng cứ cho thấy Đức Ngài, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có dạy Đạo.
Ngày nay, khi dựa vào tài liệu còn được lưu giữ của chư đạo hữu tiền bối phái nữ tại Hội Thánh Tây Ninh để tra cứu, thì ba năm sau vào tháng Chạp Mậu Thìn - đầu năm 1929, Đức Nương Nương mới bắt đầu giáng cơ trở lại.
Khi đó, Ngài xưng danh:

“DIÊU TRÌ KIM MẪU...
Thiếp còn nhớ khi đến dìu dắt chư đạo hữu vào đường Đạo, phải mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, thì Thiếp đã nói bởi vì tình riêng của mấy Đấng Chơn Quân đến lo cứu độ chớ không phận sự chi trong lúc nầy, và cũng bởi lịnh Chí Tôn sai khiến, chắc rằng: Nếu không phải Thiếp mở Đạo thì không phương thành Đạo đặng.
Khi Thiếp mở Đạo thì độ ai? Có phải là cả Chức sắc Hiệp Thiên Đài. Các Chơn Quân thiệt tình của Thiếp là ai chăng
?” (6)
Kể từ đó, Ngài thường xuyên giáng cơ dạy Đạo:
▪ Đa số danh xưng của Ngài là Diêu Trì Kim Mẫu. Cũng nhiều lần, Ngài xưng danh Diêu Trì Nương Nương
▪ Đôi khi là Diêu Trì Thánh Mẫu, Diêu Trì Phật Mẫu.
Ngày nay, tín hữu Cao Đài ai cũng biết Đức Vô Cực Từ Tôn là Đức Diêu Trì Kim Mẫu nhưng lần đầu tiên trong danh xưng của Ngài có nói lên yếu tố bản thể Vô Cực khi xưng danh “Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn” là khi nào?
Cho đến nay, chúng tôi chỉ mới tìm được đàn cơ vào mười hai năm sau khi có Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, đàn năm Mậu Dần (1938), Đức Mẹ lần đầu tiên xưng danh Vô Cực ở miền Trung qua Ban thông công Truyền Giáo. (7)
Tiếp điển:
“MẸ ban ơn các con.
               THI
VÔ vi là MẸ hữu hình con,
CỰC lạc đòi phen quyết độ tròn,
TỪ Mẫu những toan phương cứu trẻ,
TÔN đàn nhủ bảo ngọt cùng ngon.

Riêng ở Tây Ninh, cho đến ngày mùng 9 tháng giêng năm Đinh Hợi (1947) mới biết danh xưng này “Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn” của Đức Mẹ.
1.3. Danh xưng ngắn gọn “Mẹ”:
Danh xưng “Mẹ” đã được Đức Diêu Trì Kim Mẫu sử dụng ngay từ lần đầu trở lại với chư vị Tiền bối vào cuối năm Mậu Thìn (đầu năm 1929). Kể từ đó, “Mẹ” đã trở thành một đại từ thân thương trìu mến thường được sử dụng của Đức Nương Nương và đàn con thân yêu cho cả nữ và nam.
2. Sự liên quan giữa hai Đấng Cửu Thiên Nương Nương và Cửu Thiên Huyền Nữ
2.1. Hiện nay có nhiều đạo hữu chúng ta lẫn lộn nghĩ rằng Đức Cửu Thiên Nương Nương là Đức Cửu Thiên Huyền Nữ!
Vào ngày mùng 3 tháng 9 Ất Sửu (1925), khi ba vị Cư, Tắc, Sang khẩn cầu “Cửu Thiên Nương Nương” xá tội cho Ngài A,Ă,Â. Tuy nhiên, ba vị không nhận được sự trả lời chi.
Nhưng ngay khi đó, Đức Cửu Thiên Huyền Nữ, lần đầu tiên giáng cơ dạy gọn:
“… phải tu tâm dưỡng tánh phòng ngày sau đặng quy vị.”
Rồi bỗng nhiên gần hai tháng sau, vào đêm 27 tháng 10 Ất Sửu, Đức Cửu Thiên Huyền Nữ tiếp tục giáng cơ ban lệnh:
“Mồng 1 này, tam vị đạo hữu vọng Thiên cầu Đạo… …”.
Kể từ thời điểm này mãi cho đến một năm rưỡi sau, vào Rằm tháng 5 Đinh Mão (1927) Đức Huyền Nữ mới được phép giáng cơ trở lại. Qua “Thánh Ngôn Chép Tay Niên Số Thời Thiết Lục” của Ngài Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh có ghi nhận đàn này:
Tờ 309b: “… Thầy để Diêu Trì Cung hội cùng các con đêm rằm…”
Séance spécial du 15 Mai 1927 “Thầy các con…”
Tờ 310b:
“… Từ đây sự nhỏ mọn chớ cầu Thầy, các con miễn lo hành đạo là tròn phận sự.
Thầy cho cửu Thiên nương nương giáng cơ.” (8)
Tái cầu:
“Diêu Trì Chưởng Quản Cửu Thiên Huyền Nữ…
Thiếp chứng lòng đạo đức mà thành kỉnh của chư đạo hữu…
Chư đạo hữu và chư đạo muội ráng lo hành đạo đặng độ nhơn sanh…” (9)
Đây có thể là nguyên nhân chính gây ra sự nhầm lẫn, tưởng rằng hai Đấng Cửu Thiên Nương Nương và Cửu Thiên Huyền Nữ là một!
Chúng ta cũng không thể biết chính xác bài thơ của Đức Cửu Thiên Huyền Nữ, sau này được dùng làm kinh cúng trong Đại Lễ Rằm tháng 8 hàng năm, Ngài đã ban cho vào thời điểm nào và tại đâu!
Cũng như đã trình bày bên trên, sau lần duy nhứt giáng cơ vào lúc Hội Yến Diêu Trì, Đức Nương Nương ngưng giáng cơ cho đến hơn 3 năm sau vào lúc cuối năm Mậu Thìn Ngài mới trở lại để trực tiếp dạy Đạo.
Những điểm vừa trình bày trên liên quan đến số lần và thời điểm giáng cơ đã giúp chúng ta hiểu vì sao danh hiệu “Cửu Thiên Nương Nương” không được khắc ghi trong trí não chư vị Tiền Khai. Việc này cũng giống tương tự như danh chùa Gò Kén là Thiền Lâm Tự nhưng lại ít được biết hơn Từ Lâm Tự!
2.2. Phẩm vị thiêng liêng của hai Đấng:
Thực hiện việc sưu tầm và đọc Thánh giáo các chi phái trong chương trình đào tạo cấp Phó Ban theo Lịch trình Hành Đạo, hiện nay chúng tôi đã tìm được một số đàn cơ mà trong một buổi đàn vừa có Đức Diêu Trì Kim Mẫu và Đức Cửu Thiên Huyền Nữ cùng giáng cơ.
Thí dụ:
2.2.1. NGỌC ÂM THÁNH TRUYỀN, quyển 2, trang 27, Hội Thánh Minh Chơn Đạo
Đàn giờ Ngọ, 08-5 (nhuần) Nhâm Thìn (1952)
THI
Cửu huyền thất tổ đặng siêu thăng,
Thiên sắc lịnh ban Mẹ giáng đàn,
Huyền bí cho xem hình diện đó,
Nữ lai trẻ thấy lúc mơ màng.
……………………………..
Giờ trưa nay Mẹ rời cung điện,
Đức Diêu Trì hộ điển Mẹ đây;
Nên con đã thấy mặt mày,
Của đây hai Mẹ con hoài nghi nan.
2.2.2. THÁNH GIÁO DẠY ĐẠO số 16, tr.23. Đền Phật Mẫu - Tòa Thánh CHÂU MINH, 19-4 Quý Tỵ (1953).
2.2.3. THÁNH GIÁO DẠY ĐẠO số 39 tr.43 & 47. Huờn Cung Đàn, Rằm tháng 8 Giáp Ngọ (1954).
2.2.4. Hội Thánh TIÊN THIÊN; Ngọc Linh Thánh Tịnh, 17-11 Canh Tý (04-01-1961)
“HUYỀN NỮ NGUYÊN QUÂN – Dưỡng Mẫu mừng các con nam nữ thân yêu. Giờ nay Dưỡng Mẫu lâm đàn để dự Hội Liên Trì hầu tầm phương pháp cứu nguy cho các trẻ. Hiện giờ Dưỡng Mẫu chưa tiện phô bày chơn lý nhưng một ngày gần đây sẽ tái lâm đem cơ bí ẩn để truyền dạy các con, hầu nhờ đó cứu cánh chúng lại đời khổ nạn nguy nàn. Thế thì các con hãy nghiêm trang hầu tiếp lịnh Đức Đạo Tổ giá lâm.
Dưỡng Mẫu xuất cơ thượng tọa. Thăng.
Tiếp Điển
THI
DIÊU Điện Mẹ nay rất đẹp lòng,
TRÌ liên thượng hội lập thành xong,
KIM ngôn Tiên Phật đà ghi chép,
MẪU tử đoàn viên buổi thế cùng.
VÔ ảnh không còn che lấp trẻ,
CỰC minh rọi lối đến Lai Bồng,
TỪ ông Tiên Phật đà ban bố,
TÔN quý các con giữ tận lòng.
DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC TỪ TÔN – Mẹ linh hồn mừng các con nam nữ thân yêu. Giờ nay, Mẹ lâm đàn trước là chủ tọa Hội Thượng Liên Trì,(...)”
2.2.5. HỘI THÁNH TRUNG ƯƠNG TRUNG VIỆT TAM QUAN
Thánh Thất PHỤNG MỸ, 15-8 Trung Thu Mậu Thân (06-10-1968)
THI
CỬU Trùng Điện Ngọc chiếu Thần Thơ,
THIÊN Đạo Ban Khai chuyển thế cờ,
HUYỀN Pháp Nam Bang minh quốc Đạo,
NỮ ban hồng phước đạt thần thơ.
Cửu Thiên Huyền Nữ, Ta chào mừng chư chức sắc lưỡng đài, chư hiền đệ hiền muội có mặt trước đàn trung đã vì Thầy vì Đạo.
Này chư hiền! Cơ Đạo nơi miền Trung tồn vong cũng do chư hiền đệ hiền muội Chức sắc Chức việc. Chư hiền là sứ giả của Đấng Tạo Công có nhiệm vụ thiêng liêng bảo tồn cơ Thống Đạo. Chư hiền đệ hiền muội là thể xác của Đấng Chí Tôn đã lãnh sứ mạng nơi tầng Trời lập Đạo, minh truyền chánh lý. Ta có đôi lời chư hiền đệ hiền muội nghiệm rõ.
Chư hiền đọc bài mừng có Đức Mẹ Diêu Trì Kim Mẫu giáng lâm.
Tiếp điển
Mẹ linh hồn các con. Giờ nầy Mẹ vui mừng nhìn thấy các con tựu tề trước đàn hiến dâng tấm lòng thành cùng Mẹ.
THI
DIÊU diêu lãng nguyệt lạc Thiên Thai,
TRÌ hội Long Hoa lập Phật Đài.
KIM sắc Long Hoa truyền Đại Đạo,
MẪU Hoàng Thiên Hậu chưởng Thần Oai.
VÔ vi hữu tác nhơn, nhơn ngộ,
CỰC thạnh cực suy biến hóa hoài.
TỪ điển Kim Bàn quy vạn chúng,
TÔN đồ Đế Khuyết hội Tam Tài. (…)

IV. KẾT LUẬN
- Cũng như danh xưng là “A,Ă,” của Đức Ngọc Hoàng thường dùng vào giai đoạn ban đầu còn sử dụng hình thức Xây Bàn để thông công chứ không là bất kỳ tên gọi nào khác; khi chúng ta chép lại lịch sử ghi nhận những sử kiện liên quan đến giai đoạn ban đầu khi Đức Phật Mẫu giáng cơ trong Tam Kỳ Phổ Độ không thể nào viết hay kể lại khác hơn danh từ “Cửu Thiên Nương Nương” là tên gọi gắn liền với lịch sử Hội Yến Diêu Trì.
Qua Thánh giáo của các Hội Thánh trong Đại Đạo, chúng ta còn biết thêm nhiều danh xưng khác của Đức Mẹ như: Diêu Trì Kim Mẫu, Diêu Trì Nương Nương, Diêu Trì Thánh Mẫu, Vô Cực Từ Tôn, Diêu Trì Phật Mẫu, Kim Bàn Phật Mẫu, Tây Vương Mẫu, Tây Thiên Mẫu, Tây Cung Kim Mẫu, Diêu Cung Kim Mẫu, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Huyền Thiên Thánh Mẫu,... hay kết hợp: Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn, ...
- Qua cơ bút buổi đầu của Tây Ninh, Đức Cửu Thiên Nương Nương chỉ giáng cơ duy nhứt một lần vào đêm Hội Yến Diêu Trì (1925).
Còn sau đó Đức Cửu Thiên Huyền Nữ có đôi lần giáng cơ cho đến giữa năm 1927.
Và đến ngày (20-01-1929) đầu tháng chạp Mậu Thìn, Đức Mẹ mới trở lại với danh hiệu: “Diêu Trì Kim Mẫu”
Đây là những nguyên nhân chính gây sự lầm lẫn tưởng rằng hai Đấng là một!
- Với văn hóa Trung Hoa xưa đã phân biệt được hai Đấng Tây Vương Mẫu và Cửu Thiên Huyền Nữ với hai ngày lễ vía khác nhau thì ngày nay trong Tam Kỳ Phổ Độ qua cơ bút, tín hữu Cao Đài chúng ta cũng được Ơn Trên giúp cho những cơ hội để xác minh, nhận thức được điểm chung và điểm khác nhau giữa Đức Mẹ - Cửu Thiên Nương Nương hay Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn và Dưỡng Mẫu - Cửu Thiên Huyền Nữ hay Huyền Nữ Nguyên Quân.

Tháng 8 Quý Tỵ (2013)

________________________
Chú thích:
1.Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, LỊCH SỬ ĐẠO CAO ĐÀI, quyển 1: KHAI ĐẠO, 2005, tr.117.
2.Rất tiếc, vật chứng là bổn điển của một số đàn trong “thời kỳ tiềm ẩn” sử dụng Đại Ngọc cơ để thông công của nhóm Phổ Độ đã không còn lưu giữ được! Điều này gây khó khăn cho việc nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc của một số vấn đề căn bản của Cao Đài giáo như: Đạo phục Bạch Y, Đạo kỳ, v.v…
3.Đạo Sử Xây Bàn 1 – Hương Hiếu, số 13.
4.Nguyễn Văn Hồng, Đạo Sử Nhựt ký, quyển 1, tr.68.
5.Đạo Sử Xây Bàn I, đàn ngày 31 Décembre 1925.
6.Thảo Xá Hiền Cung, ngày 10-12 Mậu Thìn (20-01-1929).
7.Thánh Tịnh Thanh Quang, ngày 25-3 ĐĐ13 Mậu Dần (25-4-1938).
8.Không biết câu này là lời của Thầy hay là câu viết thêm khi Ngài Thái Thơ Thanh chép lại bổn điển. Ở câu này chúng tôi đánh máy lại, sao đúng y như trang vật chứng (về chánh tả).
9.Niên Số Thời Thiết Lục, tờ 310b.
Đạt Tường

Lụy thân vì bởi ý ta bà,
Vì bởi người còn chấp cái ta,
Chẳng biệt giả chơn, không chánh niệm,
Đành làm tôi tớ thập tam ma.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây