Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
11/03/2012
Đạt Tường

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 11/03/2012

THÔNG CÔNG


THÔNG CÔNG


Cao Đài thuộc về Tiên Đạo 1, vì thế sử dụng phương tiện của Tiên gia để thông công tiếp nhận Thiên điển giáo hóa. Năm mươi năm đầu tiên của thời kỳ khai đạo (1925–1975), thông công là một hoạt động đạo sự bình thường trong cơ phổ độ, một khía cạnh văn hóa riêng biệt của Cao Đài Giáo. Mọi tín đồ Cao Đài kể cả những người ngoài đạo đều dễ dàng được hầu đàn cơ miễn là thỏa mãn một số điều kiện tối thiểu về nghi lễ. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều người chưa được có duyên may để tiếp xúc và tìm hiểu, ngay cả một số đông tín đồ Cao Đài cũng thế, cho nên tỏ vẻ thắc mắc thậm chí nghi ngờ hiện tượng nầy. Bởi vì trong thực tế của xã hội đã có không ít người lợi dụng hiện tượng lên đồng để lừa gạt những người nhẹ dạ, mê tín … hầu trục lợi cho cá nhân!
Vậy trước tiên, xin khẳng định điều nầy: Cơ bút trong Cao Đài Giáo chỉ được dùng để thông công cùng các Đấng Thượng Đẳng Thiêng Liêng hầu tiếp nhận những lời dạy dỗ về Đạo Lý chứ không phải là phương tiện mua vui hay cầu lợi với hạ đẳng thiêng liêng (ma, quỷ …).
Vì thế, để có thể thực hiện được một buổi lập đàn cơ không phải là điều dễ dàng vì phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện nghiêm nhặt.
Xin trích một đoạn Luật Hiệp Thiên Đài trong Ngọc Đế Chơn Truyền-1935:

Nói tóm tắt là, cơ bút để cầu ra kinh, ra luật mà thôi, chớ không đặng cầu hỏi bề trần thế, còn tu cùng không tu, thì chỉ do nơi trật tự có ban hành rồi, cứ đó mà luận theo trình độ. Nói góp là: từ đây sắp tới không muốn cho người ngoại phận sự Hiệp Thiên Đài biết vào cơ bút nữa, không muốn độ nhơn sanh bằng cách cầu cơ bút, bằng cách cầu đàn nữa.
Từ đây sắp tới chỉ muốn độ bằng cách Thánh giáo xuất bản rồi, các Niêm Luật lập xong, khuôn mẫu thành lập rồi đó, như vị nào liệu để đức tin thì tu, bằng không thì thôi, chớ Đại Đạo không ép người, không nhẹ thể Đại Đạo nữa
.”

Và lời dạy của Đức Chí Tôn trong Đại Thừa Chơn Giáo:

Cơ bút là để nắm quyền hành Đạo giáo mà phổ hóa chúng sanh, để làm ngọn đuốc quang minh mà dẫn dắt người đến chỗ bổn nguyên là cùng mục đích đó thôi.
Ấy nghĩa là dùng cơ bút mà truyền đạo đức tinh thần để huấn luyện vạn linh cho trở nên hạng người chí đức cao siêu: Tiên Thánh Phật vậ
y.” 2

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nếu như vào thuở sơ khai của nhà đạo về phần cơ tuyển độ, Đức Cao Đài Tiên Ông đã sớm giáng cơ độ dẫn Ngài Ngô Văn Chiêu qua cơ bút ngay từ năm Tân Dậu 1921 thì với cơ phổ độ đã được ghi nhận lại bởi người nữ điển ký đầu tiên, bà Nguyễn thị Hiếu - Hương Hiếu.
Bà Chánh Phối Sư Hương Hiếu đã ghi lại trong Đạo Sử Xây Bàn I trang 36: “Xin quý ông nhớ ngày 02.01.1926 Thầy khởi dạy Đạo”. Và lời dạy Đạo đầu tiên của Đức Chí Tôn cho ba vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang từ lúc phôi thai của nhà đạo là những lời dạy về việc thủ cơ chấp bút.
Những lời dạy Đạo ban sơ ấy cho chúng ta thấy những điều kiện căn bản để có thể tổ chức được việc thông công.

Ngọc Hoàng Thượng Đế Viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Đạo Nam Phương.
Thủ cơ - Chấp bút
Thủ cơ hay là chấp bút phải để cho thần, tâm tịnh mới xuất Chơn Thần ra khỏi phách, đặng đến hầu Thầy nghe dạy:
Khi chấp thủ thì tay tuân theo Chơn Thần nói lại mà viết ra, mường tượng như con đặt để, con hiểu đặng vậy.
Chơn Thần là gì? Là nhị xác thân (périsprit) là xác thân thiêng liêng. Khi còn ở nơi xác phàm thì rất khó xuất riêng ra đặng, bị xác phàm kéo níu.
Cái Chơn Thần ấy của các Thánh, Tiên, Phật là huyền diệu vô cùng, bất tiêu, bất diệt. Bậc chơn tu khi còn xác phàm nơi mình, như đắc đạo, có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du thiên ngoại. Cái Chơn Thần ấy mới đặng phép đến trước mặt Thầy.
Như chấp cơ mà mê, thì Chơn Thần ra trọn vẹn khỏi xác. Thầy mới dạy nó viết chữ chi đó, nó đồ theo. Thầy nói tên chữ, xác nó cầm cơ viết ra ngoài. (Độc giả) Nói tên chữ trật nó nghe đặng, không chịu. Thầy buộc viết lại và rầy kẻ đọc trật ấy.
Còn chấp bút. Khi Thầy đến thì làm cho Thần con bất định một lát cho Thần xuất ra nghe Thầy dạy, còn tay con tuân theo mà viết. Ấy là một phần của con, một phần của Thầy hiệp nhứt, mới thấu đáo Càn Khôn, tinh thông vạn vật đặng.
Trước khi thủ cơ hay là chấp bút, thì phải thay y phục cho sạch sẽ, trang hoàng tắm gội cho tinh khiết; rồi mới đặng đến trước bửu điện mà hành sự, chẳng nên thiếu sót mà thất lễ. Nếu chấp cơ phải để ý (tư tưởng) thanh bạch, không đặng tưởng đến việc phàm. Tay chấp cơ cũng phải xông hương khử trược, tịnh tâm một lát, rồi phải để tinh thần tinh tấn mà xuất ngoại xác đến hầu dạy việc.
Phải có một chơn linh tinh tấn mới mầu nhiệm huyền dịệu; phải trường trai mới đặng linh hồn tinh tấn; phải tập tánh chí Thánh, Tiên, Phật mới phò cơ dạy Đạo cả chúng sanh.
Kẻ phò cơ chấp bút cũng như Tướng Soái của Thầy để truyền Đạo cho thiên hạ. Các con đừng tưởng việc bút cơ là việc tầm thường.
Còn việc truyền thần lấy điển quang, thì ai ai cũng có điển trong mình, nó tiếp điển ngoài rồi thần của nó viết ra, có khi trúng, có khi trật.
Vậy khi nào chấp cơ thì phải đợi lịnh Thầy rồi sẽ thi hành.
” 3

Xin được trình bày cùng quý độc giả những học hỏi, những điều mắt thấy tai nghe của một tín đồ đã có duyên may được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có ông ngoại là 1 thành viên trong Bộ Phận Thông Công Huyền Cơ, cha và 2 em gái là Tứ Bửu của Bộ Phận Thông Công. Nhờ thế chúng tôi đã được dự các buổi lập đàn cơ từ khi tuổi còn niên thiếu đến tuổi thanh niên trưởng thành và khi đã chọn con đường hành đạo là lẽ sống của cuộc đời. Với số lần đã tham dự các buổi cầu cơ trên 300 lần, với những khảo cứu từ những lời giáo huấn liên quan đến Bộ Phận Thông Công trong Thánh giáo của các chi phái và đến thực tế tiếp xúc, trò chuyện cùng quý vị có trách nhiệm Sứ Mạng Thông Công, chúng tôi xin ghi chép lại với mong ước mang đến cho quý vị có quan tâm đến lĩnh vực này một phương tiện căn bản để tìm hiểu khảo sát đúng theo chân truyền của Cao Đài giáo.
Trong nền tổ chức của Cao Đài Giáo, Hiệp Thiên Đài là bộ phận bán hữu hình trung gian giữa phần hữu hình Cửu Trùng Đài với phần vô vi là Bát Quái Đài. Hiệp Thiên Đài có 3 nhiệm vụ căn bản sau: giữ gìn chơn truyền Luật Pháp của Đạo, truyền bá Đạo Pháp tịnh luyện, thông công cùng các Đấng Thiêng Liêng. Tùy theo từng giai đoạn của Thiên cơ trong cơ phổ độ mà chức năng thông công được thực hiện công khai rầm rộ hoặc âm thầm lặng lẽ chứ không bao giờ bị triệt tiêu hoàn toàn. Một Đấng Tiền Khai Đại Đạo đã nhắc qua phương tiện này:
Các em còn nhớ lời Chí Tôn nói chăng? Hễ còn đạo Cao Đài là Hiệp Thiên Đài vẫn còn, vì đạo Cao Đài đã phát sinh từ Hiệp Thiên Đài, từ huyền cơ diệu bút. Chỉ tiếc vì người đời còn quá vọng tâm bản ngã, không biết chấp hành cơ bút và sử dụng Hiệp Thiên Đài, nên nếu để áp dụng rộng rãi nơi địa phương, e đã và sẽ xảy ra những gì đáng tiếc.” 4

Chương 1
BỘ PHẬN THÔNG CÔNG
1. Thành phần của Bộ Phận Thông Công.
Thầy có tiên tri rằng: Cơ bút là tối nhiệm mầu, Thầy cậy huyền diệu nầy mà trực tiếp dạy dỗ các con để dễ bề phổ thông Chơn Đạo. Than ôi! Thầy biết rằng: Trao cho các con món cơ bút, khác nào trao cho vạn loại một con dao rất bén! Nếu chúng sanh biết là một lợi khí thì sẽ giành giựt nhau cũng chết, còn chúng sanh cho đó là một vật vô dụng cũng sẽ lầm mà đứt tay. Bởi thế bao giờ Thầy cũng nắm chắc phần lưỡi, nào dám trao trọn quyền cho các con … Thầy có tiên tri rằng: “Sau một thời gian truyền Đạo nơi ấy, Thầy sẽ bế cơ”. 5
- Vì thế về mặt vô vi, Đức Đông Phương Lão Tổ được Đức Chí Tôn trao quyền chưởng quản Hiệp Thiên Đài. Do đó thành phần của một Ban Hành Sự Thông Công bao giờ cũng phải do “quyền pháp” của Ngài đặt để qua những sắc lệnh hành chánh cụ thể. Thí dụ:
.“ ... Mẹ phân cho các con tường. Như các cơ cấu tạo thành do Đông Phương Chưởng Quản trách nhiệm Hiệp Thiên Đài tạo ra từng thành phần, chọn lọc những nguyên căn để trao phần trách nhiệm tiếp điển Tiên Thiên.” 6

“Đông phong thu nguyệt cảnh trần ai,
Phương chước thực hành chọn đức tài,
Chưởng chấp cơ quan y lịnh phán,
Quản truyền phận sự Hiệp Thiên Đài.

Bần Đạo Chưởng Quản Vô Vi Hiệp Thiên Đài mừng chung chư Thiên mạng lưỡng phái. Bần Đạo miễn lễ, chư hiền bình thân. Hôm nay, Bần Đạo thừa vưng lịnh sắc Tam Tòa lai cơ để truyền lời dạy về phận sự Hiệp Thiên Đài trong đôi phút.”
7
- Hiệp Thiên Đài nói chung và Bộ Phận Thông Công nói riêng phải là những người được Ơn Trên ban ân thi hành sứ mạng đặc biệt nầy. Đó là những vị được Thiên phong chứ không có trường hợp nào được công cử hay phàm phong như một số trường hợp chức sắc của Cửu Trùng Đài.

- Thành phần căn bản của một Ban Hành Sự Cầu Cơ gồm có: Đồng Tử (hay còn gọi là Đồng Loan), Pháp Đàn, Điển Ký (hay Điển Văn), Độc Giả, Tứ Bửu, Hộ Đàn, Chưởng Nghiêm Pháp Quân (hay Tuần Đàn). Một thí dụ sau đây cho chúng ta thấy:
Lịnh dạy tam muội: Diệu Lý, Diệu Thê, Diệu Chơn Quang lo phần cân y cho Đồng Tử, còn Pháp Đàn, Điển Ký, Độc Giả, Tứ Bửu, Hộ Đàn tự lo lấy đúng như thể thức dưới đây: khăn Pháp Đàn cũng như Đồng Tử, ở chính giữa trán có thêu Thiên Nhãn, vòng Vô Vi bề kính ba phân, 12 chấn; áo tràng bên mặt có 12 thẻ; dây sắc lịnh dài một thước tám tấc, mỗi đầu có 6 tụi. Còn Điển Ký, Độc Giả, Tứ Bửu, Hộ Đàn: khăn áo, sắc lịnh đều giống Pháp Đàn, nhưng trên khăn không có thêu Thiên Nhãn. Tất cả đều màu trắng.” 8

Ngoài ra ở một số nơi, cơ cấu Bộ Phận Thông Công có thể được ân ban thêm một số thành phần sau: Sỉ Tải, Văn Đàn, Võ Đàn ...
Sỉ Tải: là phát thanh viên đọc lại đàn vừa được tiếp nhận.
Văn Đàn, Võ Đàn: giống như ban khánh tiết, có nhiệm vụ trang bị phương tiện sắp xếp nhân sự đúng vai trò và vị trí của mỗi người.
- Chúng ta hãy xem một trường hợp khi xưa của Hội Thánh Truyền Giáo được ân ban cho thành phần chính của Bộ Phận Thông Công là Đồng Tử và Độc Giả.
Đông Phương Chưởng Quản. Bần Đạo chào chư chức sắc lưỡng đài, chào đệ muội lưỡng ban. Bần Đạo đến giờ nầy để dạy về việc khai khiếu Đồng Loan nơi Trung Hưng Hội Thánh. Miễn lễ an tọa nghe dạy:
Hiệp Thiên Đài là cơ quan tối đại để thông công giữa Thánh và phàm, giữa Thượng Đế và Vạn linh, nên chi Đồng Loan cần phải chọn những người chơn tu thánh khiết, đức độ tài ba mà lại là thông dịch giả cho Thiêng Liêng. Chư hiền hẳn đã lưu ý nhiều về điều đó.
Bần Đaọ rất buồn giữa thời ly loạn, đạo pháp phân vân, chơn lý và tà thần vẫn không được nhơn sanh xác nhận, mà nhơn sanh chỉ trông chờ ở Thần cơ diệu bút, ở Đồng Loan [. . .]
Muốn trị bá thì phải dùng vương, muốn trị loạn thì phải sùng thượng Tín, Thành, Lễ, Nghĩa. Nếu dùng bá trị bá, dùng loạn trị loạn thì bá nọ chồng lên bá kia, loạn kia chồng lên loạn nọ, thì thiên hạ đại nguy. Ngày nay thế sự như cờ túng nước, mà thiên hạ vẫn tranh nhau giành lấy con cờ, nhưng không biết tạo cái thế. Nếu không tạo thế thì làm sao biết sử dụng con cờ. Cái thế ấy là xương minh chánh đạo vậy! Người lãnh đạo cần nên lưu ý điều nầy.
Về việc khai khiếu Đồng Loan, trước giờ thọ Thiên Lịnh, Đồng Loan Ph, L. phải qua một tuần sám hối, để giũ sạch lòng trần. Vào Thiên Bàn, trước đặt một bàn Ngũ Lôi trong ngoại nghi, trên có một đôi nến trắng, và một cốc tịnh thủy để ngay chính giữa bàn. Đồng Loan vận sắc phục vào quì đối diện âm dương, dùng ba thước sáu lụa xanh (3m60), trên có đề hai chữ “Thần Thông” phủ lên đầu hai Đồng Loan. Thanh Long họa phù “Tam Thiên” nơi nê hoàn cung gọi là khai khiếu, xong đến họa phù “Kim Quang” vào cốc tịnh thủy. Khi Đồng Loan minh thệ xong, chia đôi tịnh thủy, ban cho uống.
Vào giữa giờ trang nghiêm ấy, chức sắc phải phân ra hai hàng để lưỡng đài chứng kiến việc hành pháp nghi lễ, Thanh Long đã hiểu. Tuy trong thời hạn hai năm, nhưng điều quan trọng vẫn được Thiêng Liêng hoàn toàn ban bố.
Đây Bần Đạo ban Thánh danh cho Ph. và L.:

BÀI


Lãnh sứ mạng chấp cơ độ chúng,

Rửa lòng phàm vận dụng Thánh Tâm,
Quên bao dĩ vãng luân trầm,
Vì đời vì đạo quyết tâm phụng hành.
Phúc, Thanh Liên Thánh danh ban phó,
Lãnh cơ huyền dẫn độ nhơn sanh,
Thông công thế tục Thiên đình,
Phải cần gìn giữ cho tinh lòng phàm.
Trí thông minh đã ham tu học,
Nghiệp duyên trần cố dốc vượt qua,
Rèn lòng gội nước ma ha,
Nơi miền Nam Hải sắc hoa điểm mầu.
Lộc, Ngọc Trúc lo âu phận sự,
Thánh danh ban cần giữ thân tâm,
Luyện rèn hạnh đạo cơ cầm,
Phò loan sứ mạng đồng âm điểm truyền.
Lòng ái mộ tầm tiên học đạo,
Giữ lòng phàm chớ tạo nghiệp duyên,
Lối đàng giải thoát cần chuyên,
Lo tròn phận sự ân Thiên hưởng đồng.
Bình, Độc Giả gắng công tập luyện,
Dầu nữ nam đồng tiến đồng hành,
Lo tròn sứ mạng tuổi xanh,
Con đường giải thoát trưởng thành mới nên.
Tấn, phụ trách đôi bên Độc Giả,
Giữ tâm thành trợ tá Đồng Loan,
Hợp hòa tinh tấn điển quang,
Độ đời cứu thế thời gian sử đề.
Gương nhi nữ bốn bề soi sáng,
Đức tu hành chói rạng Trung Châu,
Hiệp Thiên đượm sắc khoe mầu,
Tinh thần đạo đức nêu cao hằng ngày.
Bần Đạo khuyên trước đây chức sắc,
Phận lưỡng đài sắp đặt lo toan,
Kịp thời đồng tiến đồng hàng,
Trung Hưng Hội Thánh vững vàng muôn năm.” 9

- Một thí dụ sắc lệnh được ban ơn làm Pháp Đàn:

Đây sắc lệnh đã trao Thiên Hiệp,
Hải Thần lo tương tiếp chơn truyền,
Sắc đề đồ đệ Như Liên,
Trải qua một bước Hiệp Thiên chỉ truyền.
Phần Pháp Đàn điển thiên bố hoá,
Vì nguyện cầu Trần Khả trước đền,
Ban cho lập quả gầy nên,
Công duyên dày dặn khá bền chí ni.”
10

- Một thí dụ khác về Sắc Lệnh ban ơn lập đàn, ban nhiệm vụ Độc Giả và Điển Ký.
Kim Quang Đồng Tử, Tiểu Thánh chào chư Thiên mạng, chào chư liệt vị đàn tiền. Tiểu Thánh vâng lịnh Đức Đông Phương Lão Tổ chuyển sắc lịnh đến Phụ Tá Bảo Pháp Chơn Tâm thi hành. Xin quí vị thành tâm tiếp sắc. Tiểu Thánh xin tuyên đọc.
Đông Phương Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài chiếu Sắc Lịnh đến Phụ Tá Bảo Pháp Chơn Quân hành sự:
Điều 1. – Đàn cơ Tuất thời mùng 6 tháng 7 tại Minh Lý Thánh Hội, Đồng Tử Hoàng Mai, Thanh Thủy thủ cơ.
Điều 2.- Chiếu sắc lịnh Tòa Tam Trấn, truyền Bộ Phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, ban đạo phục cho Kim Nhung, Lập Hạnh, Hồng Mai, đến tam cá nguyệt thọ hồng ân Độc Giả, Điển Ký.
Điều 3.- Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Minh Lý Thánh Hội chiếu sắc lịnh thi hành.
ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN Ấn Ký.
” 11

- Thí dụ về sắc lệnh ban ân nhiệm vụ Tứ Bửu:

Đây Bần Đạo chuyển sắc Đông Phương đến phân tách cho chư hiền để liên hiệp Bộ Phận Hiệp Thiên Đài mà hành sự nghe.
Nơi Tân Định sắc truyền hội diện,
Giờ lành đây tiếp chuyển bút đề,
Tứ Bửu lời Lão sắc phê,
Quách Thành trách nhiệm điểm đề Thánh Danh.
Thiện Nguyện lấy tâm thành đạt đạo,
Anh hiền đệ khá tạo tâm linh,
Thiện Đạo ban cho sắc gìn,
Cùng nhau Tứ Bửu tận tình quả công.” 12
“Như Cúc! hiền đồ trang lịnh sắc,
Quách Thủy Diệu thọ sắc thừa hành,
Hiệp Thiên Đài tạo bảng danh,
Lãnh phần Tứ Bửu thi hành khuôn viên.
” 13
(còn tiếp)

_______________________
1. “Thầy sáng khai ra Tiên Đạo thì quyết sẽ thành Tiên Đạo.
Các con nào có duyên kỳ ngộ sau này sẽ đi đến cảnh mà cõi trần gian không hề bao giờ có đặng.”
(Đức Chí Tôn, Huờn Cung Đàn, 01-11 Quý Mão, 15-12-1963)
2. Đàn 25-9 Bính Tý (8 Novembre 1936)
3. Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 1, 1964, tr. 06, đàn ngày 03 Janvier 1926.
4. Đức Nguyễn Ngọc Tương, Thánh thất Bình Hòa, 28-8 Đinh Mùi (01-10-1967).
5. Đức Chí Tôn, Thánh Truyền Trung Hưng 1, trang 188, 25-12 Mậu Dần (1939).
6. Đức Mẹ, Đạo Lý 41, tr. 66, Huờn Cung Đàn, 16-3 Kỷ Dậu (02-5-1969).
7. Đức Đông Phương Chưởng Quản, Nam Thành Thánh thất, 22-8 Canh Tý (12-10-1960).
8. Đức Lý Giáo Tông, Huờn Cung Đàn, 15-10 Quý Mão (29-11-1963).
9. Đức Đông Phương Chưởng Quản, Thiên Lý Đàn, 10-4 Ất Tỵ (10-5-1965).
10. Đức Đông Phương Chưởng Quản, Đạo Lý 56 , tr.37, Cao Minh Quang, 01-6 Canh Tuất (1970).
11. Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 30-6 Quý Sửu (29-7-1973).
12. Đức Lý Giáo Tông, Đạo Lý 22, tr.10; Huờn Cung Đàn, 14-8 Đinh Mùi (1967).
13. Đức Đông Phương Chưởng Quản, Đạo Lý 51, tr. 58, Huờn Cung Đàn, 08-01
Đạt Tường

Thập tam ma khuyên đừng lấp lửng,
Gươm huệ cầm cho vững diệt trừ,
Tịnh lòng hầu thấy chơn như,
Thoát trần sẵn có thuyền từ rước đưa.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây