Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Hài hòa theo Giáo Lý Cao Đài / Phối Sư Thương Minh Thanh

    Hội Ngộ Liên Tôn chúa nhật 27/10/2013,với chủ đề “Hiệp Tâm vun đắp An Hoà”; tại Trung Tâm Mục Vụ ...


  • Hội Chùa Hương / danangpt.com.vn

    Hương Sơn là một cảnh đẹp thiên nhiên nổi tiếng vào bậc nhất của nước ta. Ở đây cảnh đẹp ...


  • Trong quá trình tu học và truyền bá nền đạo, người tín hữu Cao Đài cần nắm vững những đặc ...


  • Ngày xưa Chu Hi 朱熹 (1130-1200) có lần cảm khái: "Vị giác trì đường xuân thảo mộng, Giai tiền ngô ...


  • Thông minh Tâm linh (SI) / Ðàm Trung Phán

    Vì "mới ra lò" sau năm 2000 nên tôi chắc là ít người đã biết đến SQ và SQ cũng ...


  • Cao Đài nơi vũ trụ / Thiện Quang

    Nói đến Cao Đài, chúng ta thường nghĩ đến đạo Cao Đài. Nói đến vũ trụ, chúng ta thường nghĩ ...


  • Ra đời, vào đạo / BS.Nguyễn Văn Thọ

    . . .Vũ trụ, quần sinh, và con ngưười có hai bình diện: - Một là bình diện Bản thể, duy ...


  • TÌM HIỂU PHÁP CHÁNH TRUYỀN Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chánh thức ra mắt nhân sinh vào ngày ...


  • Chữ Tâm là chốn Cao Đài / Quách Hiệp Long

    "Chử TÂM là chốn CAO ĐÀI Không phân tã hửu là ngai Thượng Hoàng." Đó là lời dạy của đức Vạn-Hạnh Thiền-Sư ...


  • "Sự tín ngưỡng : Thầy rất mừng các con giờ nầy đến đây, trước vui cùng các con, Thầy ngẫm ...


  • Trong đời sống tôn giáo hay trong đời thường, cầu nguyện là hiện tượng rất phổ biến. Vào các dịp ...


  • Quán niệm về Tâm / Đại Khai (MLTH)

    Ngài Bác Nhã Thiền Sư trong bài Chánh Pháp Nhãn Tạng – Niết Bàn Diệu Tâm đã cho chúng ta ...


17/08/2015
GS.CaoHuy Thuần

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 17/08/2015

Khủng hoảng của hiện đại




Khủng hoảng của hiện đại
GS. Cao Huy Thuần

(Trích bài chuyện với trí thức và tuổi trẻ tại Nghệ An, Tuần Văn Hóa Phật Giáo lần thứ 4 tại thành phố Vinh, Nghệ An. [Chungta.com, 14-5-2015])

Khủng hoảng quan trọng nhất của hiện đại là khái niệm về Tiến Bộ. Hồi thế kỷ 19, với sự phát triển thần kỳ của khoa học, ai cũng lạc quan về tương lai. Cha đẻ của môn xã hội học, Auguste Comte, xây dựng cả một hệ thống lý thuyết cắt nghĩa rằng lịch sử của nhân loại là lịch sử của tiến bộ, tiến bộ của đầu óc con người từ giai đoạn thần linh qua giai đoạn siêu hình để cuối cùng đến giai đoạn khoa học. Đó là một sự tiến bộ không ngừng và giai đoạn sau tốt đẹp cho con người hơn giai đoạn trước về phúc lợi, vật chất cũng như tinh thần. Lạc quan đó, Tây phương đã thấy đổ vỡ phũ phàng với chiến tranh thế giới thứ hai. Một nước văn minh như nước Đức trở thành một nước dã man, phi nhân, trong học thuyết cũng như trong hành động. Nước Đức quốc xã đưa ra hình ảnh ghê rợn của một phá sản tinh thần, khi phá sản đó xảy ra trong chính niềm tin vào “ tiến bộ đạo đức ” mà người ta chờ đợi ở hiện đại. Rồi bom nguyên tử, rồi Hiroshima, rồi chiến tranh lạnh, rồi leo thang vũ khí tận diệt nhân loại, đâu là Tiến Bộ, đâu là đạo đức của khoa học ?

 “ Khoa học mà không có lương tâm là đổ nát của linh hồn ”, câu nói ấy trở thành thời sự trước mắt. Khoa học là mục đích nhưng lương tâm phải là người bạn đồng hành. Nói là nói thế, nhưng trên thực tế người bạn đồng hành của khoa học lại là chiến tranh, buôn bán vũ khí, chiến tranh làm phát triển khoa học, khoa học phục vụ chiến tranh.
Khái niệm “ tiến bộ ” cũng được cảnh báo cả khi khoa học làm đúng nhiệm vụ của khoa học là tìm tòi, nghiên cứu, phát minh, vén màn bí mật của vũ trụ và đời sống. Không có gì quý hóa cho con người hơn là những phát minh càng ngày càng nhiều trong y khoa. Khám phá về tế bào gốc chẳng hạn là một trong những phúc lợi lớn mà nhân loại chờ đợi. Nhưng lương tâm có cho phép ta tạo ra đồng loạt vô số những người y chang giống nhau trong tương lai ? Chẳng lẽ khoa học cũng bắt chước Tôn Hành Giả nhổ một sợi lông, thổi một cái, để biến ra thành cả trăm con khỉ giống hệt nhau, chẳng biết con nào là khỉ gốc họ Tôn ? Hiện đại đang gặp phải vấn đề của “ đạo đức sinh học ”, mà đạo đức sinh học không thể không liên quan đến cái nhìn của tôn giáo.

Cuối cùng, khái niệm “ tiến bộ ” còn được đặt lại khi tiến bộ vật chất đưa đến xã hội tiêu thụ trong đó con người bị tha hóa, nghĩa là mất địa vị chủ. Đây là mê lộ trong đó con người Âu Mỹ nhởn nhơ sa vào. Muốn phồn thịnh kinh tế, phải sản xuất. Muốn sản xuất, phải có tiêu thụ. Muốn có tiêu thụ, phải kích thích nhu cầu, không có nhu cầu cũng phải kích lên cho có. Nhu cầu này được thỏa mãn, phải kích lên nhu cầu khác, nhu cầu phải luôn luôn mới để đáp ứng sản xuất phải mới luôn luôn. Hiện đại đòi hỏi những con người có lý tính. Đâu còn là lý tính nữa trước cuộc chạy đua không ngừng đuổi theo nhu cầu giả tạo, đuổi theo tiêu thụ phù du ? Con người trở thành nô lệ của quảng cáo, và quảng cáo, tuyên truyền, có đủ mánh lới để tước bỏ phê phán ra khỏi đầu óc người nghe. Lúc nhỏ, ở lớp 11, 12, tôi học câu thơ của Nguyễn Công Trứ : “ Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc ”. Biết đủ thì đủ, tìm đủ thì biết đến bao giờ mới thấy đủ ! Ấy là câu thơ dí cái chìa khóa vào tay ta để mở cửa thoát ra khỏi mê lộ tiêu thụ. Nhưng cái tài của quảng cáo là mê hoặc, đưa con người tiêu thụ vào siêu thị mà làm người ta tưởng vào chốn đào nguyên !

Tha hóa : con người hiện đại thoát ra khỏi tha hóa đối với Trên Cao thì lại rơi vào tha hóa ở dưới đất. Tha hóa trước sản phẩm, hàng hóa. Tha hóa trước thị trường. Bởi vì cái gì bây giờ cũng trở thành thị trường, cái gì cũng bị thị trường khai thác, kể cả lĩnh vực tâm linh. Phật giáo cũng bị thôi, và bị chính vì sự thành công của mình. Tôi chỉ lấy một ví dụ thôi : cái nhãn hiệu “Nirvana” trên một sản phẩm sắc đẹp của quý bà. Thoa kem ấy vào, lập tức thấy cực lạc ! Cực lạc bỗng trở thành nạn nhân của tha hóa. Tôi nhấn mạnh điểm này để giải thích cho các bạn về sự biến đổi của lòng tin ở Tây phương. Đúng là người Âu châu có vấn đề với Thượng Đế. Đúng là nhà thờ vắng tín đồ. Đúng là linh mục khan hiếm, phải cầu viện đến tận các linh mục Phi châu. Đúng là người Âu châu không đi tìm nữa trong tôn giáo truyền thống của họ câu giải đáp lớn cho những khắc khoải của tâm linh, mà đi tìm những phương thuốc tức thì trên hạ giới này, trên đời sống này, ở đây và bây giờ, here and now. Đúng như quy luật của thị trường, ở đâu có cầu thì ở đấy có cung. Hàng loạt tín ngưỡng lang băm, chính tà lẫn lộn, xuất hiện trên thị trường tâm linh, tranh nhau giành khách. Và khách ở đây là những người có đời sống vật chất đầy đủ, nhưng bơ vơ, cô đơn, mất tập thể, mất phương hướng, mất ý nghĩa sống. Ngày trước, con người Âu châu cũng yếu đuối trước Thượng Đế, nhưng họ có cái gì để tin, họ có cái chắc chắn. Bây giờ họ cũng yếu đuối, nhưng không có cái gì để tin nữa, họ mất chân đứng, họ mất quân bình, họ mất chiều cao lẫn chiều ngang, họ lung lay. Và vì họ lung lay, họ tưởng cần phải củng cố cái “ tôi ” của họ, cái “ tôi ” mà một chủ nghĩa cá nhân quá đà đã đề cao lên thượng đỉnh. Các bạn hiểu tại sao ngành phân tâm học phát triển như thế ở Âu Mỹ, tại sao các bác sĩ phân tâm học đông khách nhà giàu và trí thức : họ đi tìm cái “ tôi ” của họ ! Nhưng cái “ tôi ” của họ trốn ở đâu ? Một số người đi tìm trong cùng tận thâm sâu bí ẩn của ý thức dưới ánh đèn pin của ông Freud. Một số, nông cạn hơn, nghĩ rằng cái “ tôi ” của mình là cái thân này đây, phải làm cho nó mạnh, khỏe, đẹp, và nhất là trẻ mãi, để “ cực lạc ” mãi. Tất nhiên họ biết : cung cấp món ăn cho cái thân thì cũng phải cung cấp món ăn cho cái tâm, vì tâm không yên thì thân cũng khó khỏe. Nhưng họ ăn gì trên mâm cơm tinh thần của họ ? Ăn lẩu. Nghĩa là hổ lốn. Chút tôm, chút mực, chút thịt gà. Chút Chúa chút Phật. Bác ái lộn xà ngầu với từ bi. Lấy một chút chỗ này, một chút chỗ kia, cái gì mà cá nhân mỗi người thấy hoặc tưởng thích hợp cho riêng mình thì gắp bỏ chung vào cái lẩu nước xúp tâm linh. Người Pháp gọi cách thực hành tân thời này là “ bricolage ” - lắp ghép thủ công.

Trong chiều hướng đó, ngồi thiền phát triển khắp nơi tại Âu Mỹ. Tất nhiên là hay. Nhưng trong cái hay đó, coi chừng cái dở. Cái dở là thị trường tâm linh đánh đúng vào tâm lý con người thời đại, quảng cáo ngồi thiền như một kỹ thuật để gìn giữ sức khỏe và chỉ như một kỹ thuật mà thôi. Như một kỹ thuật, quảng cáo biến ngồi thiền thành một thứ kem xức mặt, xức vào thì da mặt mát ra, nhìn vào gương thấy cái “ tôi ” của mình như gái một con trông mòn con mắt. Chắc các bạn biết thần thoại Hy Lạp về anh chàng Narcisse. Anh chàng mê mình đến độ ngất ngây soi bóng mình trên mặt nước, soi gần, thật gần, môi chạm môi, và anh chàng lộn cổ xuống ao. Con người hiện đại ở Tây phương cũng mê cái “ tôi ” của mình như thế, ve vuốt nó, hôn nó, tưởng nó có thật trong một dòng sông ảo. Nhà sư danh tiếng Tây Tạng Chögyam Trungpa gọi đùa khuynh hướng đó là “ chủ nghĩa duy vật tâm linh ” (“ spiritual materialism ”). Nhưng đó đích thực là một vấn đề, một thách thức đối với hiện tại và tương lai của Phật giáo tại Âu Mỹ. Bởi vì ngồi thiền không phải chỉ là một kỹ thuật, lại càng không phải để phục vụ cho cái “ tôi ”. Ngồi thiền, chính là để thấy cái “ tôi ” là không có. . . .
GS.CaoHuy Thuần

Là môn đệ Cao Đài Thượng Đế,
Phải dặn lòng phước huệ song tu,
Ấy là công quả công phu,
Thương người mến vật vận trù nội tâm.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 29 tháng Chạp Mậu Ngọ

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây