Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
21/11/2008
Đạt Tường

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 07/01/2010

Đào tạo thanh niên Cao Đài

THANH NIÊN và THIÊN CƠ GIÁO ĐẠO

Ngày kỷ niệm Khai Tịch Đạo năm Mậu Tuất 1958, Đức Lý Giáo Tông Đại Đạo đã chỉ rõ tiến trình cơ Thiên đã định: "… muốn đạo thành phải làm sao? Nên nhớ rằng: mười hai năm khai đạo, mươi hai năm kế giáo đạo, mười hai năm sau thành đạo. Trong tam thập lục niên sở định, khi giai đoạn đầu mà các hướng đạo đã làm được thì đến giai đoạn hai đạo thành rất dễ…" Đức Lý Giáo Tông, Nam Thành Thánh Thất, 23 tháng 8 năm Mậu Tuất (1958)

Vì vậy,12 năm sau khi Khai Lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bước vào năm Mậu Dần 1938, việc giáo đạo vấn đề huấn luyện thanh niên để thành phần tuổi trẻ ý thức góp phần tham gia vào công cuộc truyền đạo đã được Thiêng Liêng triển khai rộng khắp. Việc gieo ý thức này, đồng thời tác động vào cả 2 đối tượng: lớp người đi trước đang lãnh đạo lèo lái con thuyền Đại Đạo và những người trẻ đang tiếp bước theo sau.

Khởi đầu, từ lời huấn dụ của Đức Chí Tôn tại Trung Thành thánh thất ở Đà Nẳng vào tháng 7 Mậu Dần, sau khi công khai mối đạo Cao Đài ra Trung:

Đời vị tấn bình yên thạnh trị,
Bởi thanh niên có chí lo đời;
Thanh niên sanh đứng trong Trời,
Thanh niên để tạo cái đời thanh niên.
Đời thanh niên biết truyền đạo đức,
Đời vị lai nhờ sức thanh niên;
Thanh niên nắm vững mối giềng, ... ...


Kế đến, vào ngày kỷ niệm Khai Tịch Đạo 23 tháng 8 Mậu Dần, ở miền Nam Đức Chí Tôn kêu gọi thanh niên nam nữ hiệp hòa nhau lập công phổ truyền Cao Đài Đại Đạo.

"Sau đây Thầy chỉ dạy về nhiệm vụ các con thanh niên.

Bài:

Lễ kỷ niệm Cao Đài Đại Đạo,
Thầy Huyền Khung chỉ giáo dân Nam;
Giáng đàn khuyên bảo hòan tòan,
Khuyên con các phái phải toan hiệp hòa.(…)
Bực thanh niên đồng chia đồng sớt,
Đồng nhau lo đứng dượt với đời;
Nữ nam biết Đạo, biết Trời,
Hiệp hòa mau đặng kịp thời mới ngoan.
Cha khuyên con ráng toan mau hiểu,
Con hiểu rồi con liệu cho thông;
Hiểu thì con tận lập công,
Cao Đài nhờ trẻ mới mong phổ truyền (...)


Khi đó, Liên Hòa Tổng Hội một tổ chức qui tụ thành phần đạo hữu trí thức nhiệt tâm với việc thống nhất nhà đạo, đã được Thầy gieo ý thức cần phải lập Ban Thanh Niên để đào tạo song song với nhiệm vụ "liên hòa" các chi phái.

"Đạo với đời con lo cho vẹn,
Được vẹn rồi không thẹn mặt con;
Liên Hòa Long Quế Đước tròn,
Nghiêm cùng Mạnh Thảo Sanh tồn chí tâm.
Ban Thanh Niên mau tầm chơn lý,
Lo hô hào từ thị, thành, thôn;
Liên Hòa, qui hiệp, bảo tồn,
Cao Đài Đại Đạo Chí Tôn là Thầy (...)"
Tạp Chí Đại Đồng quyển 3, 01 Janvrier 1939 trang 06

Đầu tháng 10 năm Mậu Dần, thánh thất Liên Hoa Cửu Cung ở Thủ Đức được khánh thành. Đáp lời Thầy kêu gọi, ý tưởng tạo lập Thiên Đạo Học Đường được manh nha hình thành nơi đây.

Năm sau, tháng 10 năm Kỷ Mão 1939, ngày mồng 1 và 2, tại Liên Hoa Cửu Cung thiết lễ kỷ niệm châu niên. Tin tức được đưa trên tạp chí Đại Đồng cho biết: "Các đàn cơ trong kỳ lễ này, Ơn Trên đều khuyến khích về sự đem học sanh về Thiên Đạo Học Đường cho sớm." Tạp Chí Đại Đồng quyển 10, 01 Janvrier 1940 trang 23-24

Trong năm Kỷ Mão này, ở miền Nam phong trào huấn luyện thanh niên được hình thành và phát triển ở 2 nơi: "Thanh Niên Đạo Đức" ở Hội Thánh Hậu Giang được hướng dẫn của Ngài Cao Triều Phát (Thái Chưởng Pháp)… và "Giáo Lý học" ở Hội Thánh Tiền Giang - Thủ Đức. Hai nhóm này có liên lạc với nhau qua một số buổi lễ kỷ niệm. Tạp Chí Đại Đồng của Liên Hòa Tổng Hội có đưa tin:

"- Ngày 8 tháng 10 nhân Tiểu Lễ Trung Hòa ở Thánh Thất Nhứt Nguyên Minh Đức (Rạch Giá), các bạn "Thanh Niên Đạo Đức" đều tỏ ý đoàn kết với quý bạn "Giáo Lý học" ở Tiền Giang (…). Về cơ thực tế, trong một năm qua, quý bạn đã tận lực lo lắng nên mùa này được kết quả rất vẻ vang. Tạp Chí Đại Đồng quyển 10, 01 Janvrier 1940 trang 24

- Ít hôm sau, Đại Lễ Hạ Nguơn ở Tòa Thánh Ngọc Minh (Giồng Bốm) Bạc Liêu, Ngài Thái Chưởng Pháp (  ) … rất vui lòng khi anh em Hậu Giang liên kết với các anh em ở Trung Ương và Tiền Giang. Tam Giang: Hội Thánh Tiền Giang ở Minh Kiến Đài– Gò Vấp; Hội Thánh Trung Giang ở Châu Minh – Bến Tre và Hội Thánh Hậu Giang ở Cao Thượng Bửu Tòa – Bạc Liêu.

- Ngày 03-12-1939, tại Thánh tịnh Ngọc Minh Đài có buổi nhóm thống nhứt giữa anh em Giáo Lý học và Trung Hòa học phái. Liên Hòa Tổng Hội thành tâm khuyến khích các em nắm tay chặt chẻ để lo bề học hỏi hầu trở nên người xứng đáng đi truyền đạo ở ngoại bang sau nầy.

- Đến ngày 13,14,15 tháng chạp tổ chức Đại Lễ Trung Hòa ở Thánh thất Nhất Nguyên Minh Đức. Đã dự tuyển một số thanh niên đưa vào Thiên Đạo Học Đường." Tạp Chí Đại Đồng quyển 10, 01 Janvrier 1940 trang 25

Những tin tức trên phản ảnh tình hình huy động lực lượng trẻ lúc bấy giờ để được huấn luyện với mục tiêu rõ rệt: xây dựng lớp người thanh niên đạo đức và góp phần vào công cuộc phổ độ nhơn sanh từ trong cho đến ngoài nước.

"Lời Công Bố Cần Kíp" được Ngài Nguyễn Phan Long, Tổng Trưởng Liên Hòa Tổng Hội đưa ra trên Tạp Chí Đại Đồng, tháng Janvrier 1940 nơi trang 27 như sau:

"Xin chư quý Ngài chủ các đàn cơ các Tịnh Thất, các Thánh Thất vui lòng hễ có các Thánh giáo dạy về Triết lý đạo Trời hoặc là kinh ra thì xin gởi về Thiên Đạo học đường tại Liên Hoa Cửu Cung (Xuân Trường – Thủ Đức – Gia Định) để cho chúng tôi sưu tầm giáo lý đạo Trời, làm bài mà dạy trẻ em thanh niên. Nay kính cáo.

Thay mặt Bàn Trị Sự Thiên Đạo Học Đường

Nguyễn Phan Long".

Một thời gian dài hơn 10 năm, Thiên Đạo Học Đường (Cao Đài Giáo Lý Viện) ở miền đông Nam bộ với sự điều hành của Đạo Trưởng Phan Thanh đã đào tạo được một số thanh niên ưu tú cũng như góp phần xóa mù chữ cho bổn đạo. Đọan phỏng vấn dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn:

"Xin Ngài cho biết mục đích và tôn chỉ của Thiên Đạo Học Đường ?

- Về mục đích, chúng tôi dạy tín đồ trong đạo đi tới cảnh thái bình, an cư lạc nghiệp. Mỗi tín đồ phải trở nên người dân có ba đức tánh: dân đức, dân trí, dân sanh. (…)

Về tôn chỉ, Thiên Đạo Học Đường căn cứ nơi Tam giáo mà huấn luyện cho tín đồ đạo lý: từ bi bác ái của Phật giáo, giải thoát của Đạo giáo, tu thân của Nho giáo, tha thứ của Thánh giáo.

Ngoài phần giáo lý, Ngài có môn học nào nữa để dạy cho tín đồ không ?

- Tín đồ được huấn luyện cho mau biết chữ quốc ngữ. Phương pháp do chúng tôi chế ra, chỉ dạy trong sáu giờ đồng hồ người dốt được biết rõ ràng tất cả mặt chữ cái. Dạy thêm sáu giờ nữa, nạn mù chữ bị phá.(…)" Cao Đài Giáo Lý số 1, 1947 trang 28

Còn ở miệt Hậu Giang tại các thánh thất của Minh Chơn Đạo, phong trào Thanh Niên Đạo Đức của Ngài Cao Triều Phát cũng họat động sôi nỗi.

Các hình thức sinh họat này tuy có thăng trầm bởi thời cuộc đấu tranh giành độc lập cho nước nhà nhưng sau một thời gian cũng đã góp phần cung cấp nhân sự nòng cốt cho việc phát triển đạo sự ở một số địa phương.

Bảy mươi năm đã qua đi, nay nhìn lại, tuy công việc tùy nơi vẫn còn tiếp diễn hay dang dở nhưng những tấm gương vì Thầy vì Đạo của lớp người đi trước vẫn sáng chói, vẫn là ngọn đuốc soi đường cho lớp người đi sau suy gẫm theo định hướng phát triển.

Kỷ niệm mùa Khai Minh Đại Đạo Mậu Tý năm nay, chúng ta suy tưởng về hình ảnh mỗi một thánh thất phải là một trường giáo đạo. Cần phải có kế họach và phương pháp tiếp tục huấn luyện hàng ngủ tiếp nối cho công cuộc phổ truyền chánh pháp Đại Đạo, nhứt là phải biết mượn hình thức (multimédia) truyền thông đa phương tiện để đáp ứng nhu cầu rộng khắp cả bên trong lẫn bên ngoài đất nước.

Mùa Khai Minh năm Mậu Tý 2008
Đạt Tường

Đạt đạo nhờ tâm chẳng vọng tâm,
Muôn đường ngàn nẻo cũng do tâm.
Hỡi ai giữ được tâm chuyên nhứt,
Sẽ dứt phàm tâm lộ thánh tâm.

Đức Bảo Pháp Chơn Quân, CQPTGL, 13-5 Tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây