Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Bài thuyết minh giáo lý nội bộ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 01-12 Bính Tý (27-12-2008) Nếu được ...
-
Ngài Bác Nhã Thiền Sư trong bài Chánh Pháp Nhãn Tạng – Niết Bàn Diệu Tâm đã cho chúng ta ...
-
LTS:Tháng 10-2006, tại Hội nghị APEC diễn ra ở nước ta, 21 vị nguyên thủ quốc gia đã mặc ...
-
Đắc nhất /
Nhân ngày mùng chín tháng Giêng là Khánh Đản của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, là Thầy, là ...
-
Nhân lễ Kỷ niệm Khánh đản Đức Thái Thượng Đạo Tổ vào ngày Rằm tháng 2 năm Đinh Dậu, một ...
-
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Cao Đài giáo-cơ phổ độ đã hiện diện trên Nam bang Thánh địa ...
-
Qua một kiếp Ngài giáng trần bên Trung Quốc dưới triều đại nhà Đường, Ngài đã để lại cho hậu ...
-
CHƠN TU /
Trong một lần lâm đàn Thầy để lời gởi gắm đến chư môn đệ như sau: ...
-
ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN, Bần Đạo mừng chư hiền đệ hiền muội. Bần Đạo đắc lịnh Tam Giáo Tòa đến khai ...
-
Thấy chăng anh Nước Hoàng Hà từ trời tuôn xuống Chảy băng ra biển chẳng quay về. Lại chẳng thấy Lầu cao gương sáng ...
-
Tóm lược. Lịch trình hành đạo của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo – phần tu sĩ có ...
-
Cao Đài là một nền đạo hướng tới những yêu cầu bức bách cứu khổ nhân sinh trong phạm vi ...
Huệ Chơn
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 05/08/2012
Lòng vị tha
LÒNG VỊ THA
I. DẪN NHẬP
Xem truyền hình về Đại Hội Thế Vận Quốc Tế chúng ta có dịp thấy những lực sĩ cử tạ. Trái tạ nặng nhất trong thế vận 1980 là 220kg.
Người lực sĩ cử nổi trái tạ nặng gấp ba sức nặng của thân mình, quả thật là họ có một nội lực đáng kể, muốn được vậy, họ phải khổ luyện nhiều năm mới có một nội lực như vậy.
Nhưng đó chỉ là nội lực để điều khiển thể lực cho việc cử tạ.
Còn có những nội lực phi thường để điều khiển ý chí làm những việc vĩ đại phi thường mà chúng ta đã từng nghe, hoặc thấy trên sách báo.
- Trần Bình Trọng xem cái chết tợ lông hồng khi bị giặc bắt, dụ đầu hàng để được phong vương. Ông khước từ bằng một câu lịch sử;
“Thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm Vương nước Bắc”
- TRẦN QUỐC TUẤN (Hưng Đạo Vương) khi bị quân Nguyên bao vây, nhà vua toan tính đến việc đầu hàng nên hỏi lại các tướng sĩ rồi mới quyết định. TRẦN QUỐC TUẤN đã nói một câu lịch sử: “ BỆ HẠ HÃY CẮT ĐẦU THẦN TRƯỚC ĐI RỒI SẼ TÍNH ĐẾN VIỆC ĐẦU HÀNG”
Thật là một lời nói khí khái đầy dũng lực. Nếu không có một lực yêu nước tột độ thì làm gì nói được những lời nói khẳng khái lịch sử như vậy.
- Kha Luân Bố nếu không có một nội lực quả cảm thì làm gì tìm ra châu Mỹ ngày nay.
- Một Diệu Thiện nếu không có một nội lực quả cảm thì làm sao thoát được cái gông kềm của Phụ vương vừa ích kỷ vừa ác độc, lại vừa có uy quyền tối thượng, để bà có thể được muôn dân sùng tín tôn thờ và đắc quả vị Phật Quan Âm đến ngày nay.
- Một Thị Kính nếu không có một nội lực quả cảm, từ bi, bác ái, vi tha, phi thường thì làm gì giữ được đường tu để được đắc thành chánh quả, thế tôn muôn đời.
Vậy cái nội lực đó là sức mạnh bên trong là tâm lực, là sức mạnh của tấm lòng vị tha, khiến người ta dám làm những việc phi thường mà người đời thường tặng cho những mỹ danh là Vĩ Nhân, là Đấng Cứu Thế, là Thần, là Thánh, là Phật, là Chúa v.v..
Những bậc Vĩ Nhân danh lưu thiên cổ đó toàn là những người có một nội lực vị tha phi thường.
Vậy đề tài “LÒNG VỊ THA” mà tôi sẽ đem ra bàn hôm nay đây để chúng ta tự vấn phải chăng chỉ có những nhân vật vĩ nhân trong quá khứ vừa kể trên mới có cái nội lực phi thường đó? Còn chúng ta nay đây thì sao? Và tấm lòng vị tha đó, nó có ích lợi gì cho ai chăng, có ích lợi chi cho đời sống đạo lý của chúng ta hay không, và phải làm sao cho có tấm lòng vị tha?
Vậy xin thỉnh quí vị chịu khó kiên nhẫn trong một tiếng đồng hồ để theo dõi giáo lý Cao Đài nói sao về việc nầy.
II. CHÁNH ĐỀ
1. Lòng Vị Tha là chi?
Chữ hán VỊ là vì, là vị nể.
THA là khác, là đối tượng khác.
VỊ THA là vì đối tượng khác chứ không phải vì mình.
Lòng vị tha là tấm lòng hằng lo phục vụ người khác, nghịch nghĩa với lòng vị kỷ là lòng chỉ biết lo cho mình, mình là tất cả, mình là trung tâm vũ trụ, mình là cái ta to tướng, mình là cái ta đáng ghét. Vậy vị tha là lòng vì người khác chớ không phải là lòng vị kỷ, ích kỷ như cái ta vừa kể trên.
Đức Khổng Phu Tử đã phân tâm trạng của loài người ra làm hai hạng hạng người quân tử và hạng người tiểu nhơn.
- Hạng người quân tử là hạng người biết chọn cho mình một nếp sống đạo lý, chọn cho mình một con đường đạo lý, chánh chơn, thiện mỹ. Hằng có hoài bảo hoàn thiện mình và hoàn thiện tha nhân.
Vì người mà làm việc nghĩa, vì người mà dạy học, vì người mà giáo đạo, vì người mà cải tạo xã hội trở lại thuần chơn thiện mỹ, vì người tức là vì nhơn sanh, vị tha đó.
Trái lại hạng người quân tử, là hạng người tiểu nhân.
Hạng người nầy chỉ biết sống có mình, chỉ biết có tư danh, tư kỉ, tư lợi, không biết vì về nghĩa nhân đạo lý, không biết vì về xã hội nhân quần, chỉ biết có mình, vì mình tức là vị kỷ, ích kỷ, ích kỷ đến nổi vào giờ chết cũng chưa chịu buông ra.
Truyện xưa có kể lại một người xưa có tánh ích kỷ, hằng ngày chỉ biết thu vô chớ không hề đưa ra cái gì cho ai cả. Một hôm có việc xuống đò sang sông, khi thuyền ra đến giữa vời, không may ông ta vô ý trợt chân té nhào xuống nước, vì không biết bơi lội, Ông ta cố quơ tay, quờ quạng để tìm sự sống trong tuyệt vọng. Trên thuyền mọi người muốn cứu Ông nên bèn la lên: “Đưa tay ra đây, đưa tay ra đây!!”
- Trong lúc đuối sức bất tỉnh, nghe tiếng kêu đưa tay ra, Ông cố gắng đưa nhưng rồi bỗng nhiên co tay lại, bởi vì lúc đó tiềm thức đã quen với cái thói ích kỷ hễ thu vô thì còn, đưa ra thì mất. Do đó mà ông nhứt định thu tay vô chớ không chịu đưa tay ra, và cũng vì thế mà ông ta bị chìm luôn và cuốn trôi theo dòng nước. Ôi! Tấm lòng ích kỷ cho đến thế là cùng, ích kỷ đến nổi đưa tay ra để được cứu, nhưng vì cái thói quen, chỉ thích thu vô, chớ không ưa nghe tiếng đưa ra, do đó mà đành vong mạng.
Kính thưa quí vị đó là vài nét định nghĩa thế nào là lòng vị tha. Giờ đây chúng ta thử ngược dòng thời gian, tìm về quá khứ để soi bóng người xưa hầu tìm lại những tấm gương vị tha đáng mến!!
2. Những tấm gương vị tha
Trong xã hội loài người, ngoài những con người ích kỷ, đã có biết bao nhiêu tấm gương sáng của con người có tấm lòng vị tha đáng yêu đáng kính.
Sau đây là năm ba câu truyện điển hình của con người có tấm lòng vị tha đáng mến!
a. Câu chuyện thứ nhứt: Trong trận Giặc Cờ Đen
Một hôm bọn giặc Cờ Đen vào làng khuấy phá cướp của giết người. Dân làng di tản và mang theo tất cả món gì có thể ăn được để sang làng bên kia lánh nạn.
Giặc đến chiếm làng nhưng không chiếm được gì ngoài hai đứa bé mồ côi không người hướng dẫn nên lạc đường rồi bị chúng bắt. Bọn giặc định làm cả hai để ăn thịt. Hai đứa bé hết sức lạy lục van xin để tha mạng. Bọn giặc bèn ngưng giết và ra điều kiện chúng cầm chân một đứa em ở lại để làm con tin, thằng anh phải đi vào làng kiếm lương thực đem về chuộc mạng. Suốt hai ngày tìm kiếm hết sức hết hơi khắp nơi cùng chốn mà cũng không tìm được chút lương thực nào để cứu mạng. Hai đứa bé bèn khẩn thiết van xin tha mạng mà bọn giặc không chút gì động lòng tha chết.
Thấy túng thế cho nên người anh mới đề nghị xin chịu chết và xin tha cho em vì nó còn nhỏ dại, cho nó sống sót để nối chút lửa hương cho dòng dõi tổ tông.
Đứa em thấy vậy bèn xin giặc giết mình và tha cho anh mình, nói rằng thịt của mình ngon hơn, thịt anh nó già tuổi hơn, nên ăn dai lắm, không ngon!!
Hai anh em đưa đủ lý do để dành chết thế cho nhau.
Bọn giặc thấy tình thương của hai anh em nạn nhân như vậy nên động lòng đổi ý, bèn tha chết cho cả hai.
Chỗ nầy có lời của người viết truyện rằng, sở dĩ bọn giặc đổi ý như vậy không phải là vì tại nó xót thương gì lời khẩn cầu van lơn của hai đứa trẻ, mà là do cái cảm lực từ đáy lòng vị tha của hai anh em phát tiết ra quá mạnh rồi làm lay động nhứt thời cái bản tánh thiên chân của bọn giặc, và chỉ trong phút chốc đổi ý đó thôi, nhờ đó mà hai anh em đứa bé thoát chết. Thứ nữa là do đức tin và tình thương đối với lòng vị tha của hai đứa bé, đó là một loại chính khí (như chính khí ca của Ông Văn Thiên Tường) có khả năng mãnh lực vô biên, khả dĩ có thể làm cái vỏ rất cứng để che chở, bảo vệ hai đứa bé trong cơn nguy biến tột cùng.
b. Câu chuyện thứ hai: Nhường ăn trong trận đói
Ngày xưa tỉnh Hồ Nam bên Tàu nhằm năm mất mùa, dân tình đói khổ, muốn tìm kiếm một miếng sơ sài còn khó hơn tìm vàng.
Một gia đình nọ có ba người trong ba thế hệ, còn sống sót sau năm tháng ròng rã thiếu ăn, đó là ông nội, người cha và đứa bé lên tám tuổi.
Một hôm người cha đứa bé đào bới cầu may dưới đám chuối, moi được củ chuối còn sót mà người ta đã chê bỏ từ lâu. Củ chuối nầy có thể làm hai phần ăn sống tạm vài ngày, nếu đem chia đều làm ba thì ít quá. Nghĩ vậy người cha bèn nhịn miệng cho ông nội và đứa bé con ăn.
Khi thấy thức ăn đem đến, ông nội mừng quýnh cầm lên ăn lấy ăn để, nhưng ông liếc qua không thấy phần ăn của con, ông mới hỏi cớ sự? Người con làm thinh hơi ấp úng, ông biết rồi bèn dừng tay lại, đưa cho con ăn... Người con từ chối, mời cha ăn đi, vì cha đã già yếu, sức chịu đựng không bao lâu, nên cần ăn để kéo dài sự sống, còn mình thì còn trẻ, khỏe mạnh và còn nhiều ngày ăn. Nài ép mãi không được nên ông thể theo lòng thương, nhường nhịn của con mà ăn hết phần ăn đó.
Ông nội ăn xong, cha mới đem phần ăn đến cho đứa bé tám tuổi, gặp thức ăn đứa bé mừng quýnh lên, chụp cắn một miếng, ngon lấy, ngon để, rồi hỏi còn phần ăn của Cha đâu?
Người cha đáp: Ba không cần ăn, vì Ba ăn từ hồi nhỏ đến giờ quá nhiều rồi, con còn nhỏ, mới tám tuổi, chưa ăn được bao nhiêu, con cần ăn ưu tiên và ăn thật nhiều để được mau lớn như cha. Đứa con không chịu, bèn nũng nịu nói nếu Ba không ăn, thì con cũng không ăn luôn.
Người cha cứ nài ép mãi đứa con mới an lòng ăn hết phần đó, mà cũng còn thèm muốn ăn thêm, nếu có...
Xuyên qua câu truyện trên, do tấm lòng vị tha, làm động lực thúc đẩy người cha hy sinh chịu đói nhường phần ăn cho cha mình và cho con mình. Luận điệu tuy có hơi mâu thuẫn nhưng có tác dụng hy sinh vô bờ bến. Ôi! Lòng vị tha cao cả và cảm động thay!
c. Câu truyện thứ ba: Anh em nhường lúa cho nhau
Gia đình kia, cha mẹ qua đời sớm, còn để lại một mẫu ruộng cho người con côi, anh em chia nhau mỗi người nửa mẫu để lấy lúa, người anh chia cho em một căn nhà bên cạnh trong phần hương quả.
Mùa gặt đã đến, người anh trằn trọc khó ngủ nghĩ rằng, em mình còn nhỏ dại, chưa đủ sức tự lực cánh sinh, còn phải có tiền lập gia đình cho nó. Bao nhiêu lúa đó chắc em không đủ sống trong năm nầy, ta phải cho thêm em ta mới được, nhưng chắc nó không chịu nhận, chi bằng trong lúc nó đang ngủ, ta lén ra ruộng của mình xúc lúa của mình để qua đóng lúa của nó thì chắc nó không hay, tính rồi anh đi ngay ra đồng giữa lúc đêm khuya.
Cũng trong đêm đó, người em nằm gác tay lên trán suy nghĩ: Anh mình có vợ có con, nhà đông miệng ăn mà chỉ có một phần lúa đó thôi, còn mình chỉ có một mình, một miệng ăn mà có số lúa bằng của anh mình, như vậy chắc năm nầy nhà anh mình thiếu lúa ăn, nhưng đem cho thì chắc anh không nhận, chi bằng thừa lúc anh ngủ ở nhà, mình lén ra ruộng xúc lúa của mình đổ vào đống lúa của anh là xong. Nghĩ vậy nên người em trổi dậy đi thẳng một mạch ra đồng trong nửa đêm khuya.
Khi ra ruộng, nghe có tiếng động, người em lén lén bò nhẹ nhẹ đến rình coi có kẻ nào đến phá đây.
Bò nhẹ nhẹ càng lúc càng gần, trong bóng đêm nhờ bầu trời có sao lưa thưa nên người em nhìn kĩ thì thấy bóng dạng của người anh đang xúc lúa của anh đổ vào đống lúa của mình. Vì xuất hiện bất thình lình, làm người anh giựt mình ngưng tay, người em hỏi anh làm chi vậy. Người anh ấp úng một hồi nhắm không dối được em, nên bèn tỏ thật lòng mình… rồi người anh bèn hỏi lại, tại sao em đi đâu trong giờ nầy. Nhắm không dối được anh, người em bèn tỏ sự thật của mình dự tính sắp hành động…
Hai anh em cảm động bèn ôm nhau khóc sướt mướt… và cuối cùng, không ai chịu nhận của ai. Hai anh em bèn dẫn nhau về nhà. Từ đó về sau, hai anh em rất mực thương nhau hơn tự thuở nào và lo đùm bọc cho nhau rốt ráo những nhu cầu thiết yếu của mỗi người khi hữu sự.
Ôi!! Cao cả thay tấm lòng vị tha, nó làm cho người ta càng ngày càng thương yêu nhau.
d. Câu truyện thứ tư: Tình nghĩa của ông Chài
Trong câu truyện bằng thơ Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga tác giả Đồ Chiểu có kể tình nghĩa của Ông Chài như sau:
- Vân Tiên bịnh hoạn mù lòa vừa bị nạn do Trịnh Hâm xô xuống sông. Người ngay mắc nạn được cứu. Sóng Thần đã đưa Vân Tiên nằm trên bãi cát. Sáng ra ông Chài đi đánh cá, gặp vậy bèn hỏi cớ sự và đem lên thuyền cứu nguy, thuốc thang sau vài tuần phục sức. Ông Chài mến đức hạnh Vân Tiên nên mời Vân Tiên ở luôn với ông cho vui, nhưng Vân Tiên ngại ngùng từ chối, nghĩ vì đã thọ ơn cứu tử chưa đền nay đâu dám làm bận thêm người đại nghĩa. Ông chài bèn an ủi Vân Tiên đừng ngại. Lúc khó giúp nhau mới quí, khi giàu tư trợ ai màng. Vả lại, ông chỉ mong có dịp giúp được người là vui rồi, chớ không mong gì đến việc đền ơn đáp nghĩa. Làm với tấm lòng vị tha vậy thôi. Đoạn thơ đó cụ Đồ Chiểu viết như sau:
Chài rằng: Ngươi ở cùng ta,
Sớm khuya hâm hút một nhà cho vui.
Tiên rằng: Ông lấy chi nuôi,
Thân nầy khác thể trái mùi chín cây.
May mà trôi nổi đến đây,
Không chi báo đáp, mình nầy trơ trơ.
Chài rằng: lòng lão chăng mơ,
Dốc lòng làm nghĩa, nào chờ trả ơn.
Trong không nhơ bợn, sạch trơn,
Một câu danh lợi, chi sờn lòng đây.
Áo tơi nón lá che thây,
Ngày thời nắng gió, tối thời sương trăng.
Tháng ngày thong thả làm ăn,
Vị tha giúp chúng khăng khăng bên lòng…
Ôi!! Vị tha cao cả thay!! Lòng thương tha nhân vô điều kiện!!
e. Câu truyện thứ năm: Tình nghĩa của ông Tiều
Vân Tiên bị Võ Công, cha vợ hứa đã bội ước, thấy Vân Tiên phế nhơn, không nhờ cậy chi được, nên lập kế bỏ Vân Tiên trong hang Sơn Thần, cho cọp ăn để tránh tiếng thị phi.
May thay Sơn Thần thấy người ngay mắc nạn bèn cho Cọp Thần cõng đem để ngoài ven rừng an toàn. Sáng ra, tiều phu đốn củi, thấy người lâm nạn bèn hỏi cớ sự rồi cõng đem về nhà lo cứu chữa. Ông Tiều trở về giữa đường thì gặp lại Hớn Minh là bạn chí thân của Vân Tiên, nên Hớn Minh bèn xin ông Tiều cho lãnh Vân Tiên về nhà nuôi nấng cho trọn đạo hữu bằng.
Hớn Minh bèn móc hết trong túi ra còn được 3 lượng bạc, để xin đền ơn đáp nghĩa ông Tiều đã cứu tử bạn mình, nhưng ông Tiều khước từ và nói ông đã từng giúp được nhiều người lâm nạn trong khu rừng này, nhưng không có điều kiện chi cả. Ông hằng mong ước có dịp làm việc thiện giúp người trong tình nhân loại là vui rồi. Vả lại ông chưa từng nhận của ai cái chi cả. Chỉ sống đời sống giản dị, lấy nhơn nghĩa làm vui thú tiêu dao tháng ngày.
Cụ Đồ Chiểu viết đoạn đó như sau:
Còn ba lượng bạc trong mình,
Tôi xin báo đáp chút tình cho Ông.
Tiều rằng: Lão vốn tình không,
Một mình thong thả non bồng hôm mai.
Trong lòng chẳng muốn của ai,
Giúp người là việc lòng này ước mơ.
Ôi! Vị tha, tình thương cao cả thay.
3. Hữu ích của lòng vị tha
Lòng vị tha là một cái gì tốt đẹp nhứt, cao quí nhứt, và hữu ích nhứt cho đời, lòng vị tha ví như một bó hoa tươi xinh xắn đủ đầy hương sắc. Mùi hương sạ của hoa tiết ra làm cho ai ai cũng dễ chịu, mát dịu, ngạt ngào. Màu sắc của hoa phô bày lung linh, làm cho ai ai nhìn vào cũng đẹp nhãn thích ưa.
Một hành động vị tha phát ra cho ai, thì làm cho người đó hài lòng an vui hạnh phúc.
Một tư tưởng vị tha phát ra cho ai, thì có tác năng cảm hóa người đó vào đàng thiện lương chơn chánh.
Lòng vị tha chẳng những có ích lợi cho người được ban phát, mà lại còn có ích lợi gấp bội cho mình. Hay có thể nói là vị tha cho mình.
Quả đúng như vậy. Chúng ta vào Đạo là để sửa mình cho ngay chánh, hầu trở nên con người hiền nhân thiện mỹ. Tu để Thánh hóa mình lên hàng Phật Tiên. Muốn thành Tiên Phật thì phải có lòng nhân giống như Tiên Phật, mà muốn có lòng nhân và muốn làm cho lòng nhân mở rộng thì phải có đối tượng, con người, để mình phục vụ, để mình giúp đỡ, để mình phát triển, lòng vị tha như vậy là vị tha cho mình rồi còn gì nữa!!
* Lòng vị tha còn là phương thuốc thần. Làm cho thân thể khỏe mạnh, ít bệnh hoạn ốm đau
Những người có tâm trạng hay buồn rầu, sợ sệt, lo âu, phiền não, thường hay sanh bệnh hoạn ốm đau. Những người có trạng thái tâm hồn thơ thới an vui, thoải mái, thương người, thường hay được mạnh khoẻ, hồng hào tráng kiện, vui tươi. Những tâm hồn đó đều do lòng vị tha nãy sanh, phát tiết. Khi làm được điều thiện giúp người này, giúp người khác, sau đó nghe thấy trong lòng sung sướng hân hoan lạc thiện. Cứ mỗi ngày, mỗi ngày tìm kiếm việc thiện giúp tha nhân càng nhiều, thì nguồn lạc thiện cũng sẽ do đó mà càng ngày càng tăng trưởng, và sức khoẻ cũng do đó mà phát triển thêm hơn.
* Lòng vị tha còn có tác năng dể gây thiện cảm với tha nhân
Khi trong lòng ta đã nhúm nhen được nguồn thiện lương lạc thiện rồi, thì trên vẽ mặt luôn luôn phát tiết ra những nét từ hoà khả ái, phúc hậu, bao dung, đó là những sắc thái đạo hạnh có một hấp lực khiến người khác trông vào, khởi lòng kính mến thích ưa, tin cẩn…
* Lòng vị tha còn là vị thần hộ mạng
Nội tâm chúng ta khi nhen nhúm được một nội lực tình thương thanh cao thì nó sẽ phát tiết ra một vòng từ điển bao quanh chúng ta.
Vòng từ điển đó gọi là hào quang, tuy mắt thường chúng ta không thấy nhưng các bậc Thiêng Liêng vô hình thấy rõ lắm. Vòng hào quang này có khả năng mời mọc quyến rũ, hấp dẫn những chơn linh đồng điển đến huyền hóa thành một khối, và cũng có tác năng thu hút những may mắn, phước đức, an vui hạnh phúc đến cho người phát ra nó, làm cho người đó may mắn, an vui hạnh phúc. Lúc đó những hàng Thiêng Liêng thấp hơn có tà khí như ma quỉ, hồn súc sanh, hồn người không tu, hồn người hung ác không dám đến gần.
Đó gọi là đồng thinh tương ứng, đồng khí tương cầu, đồng điển tương huyền. Đó là bùa, là thần hộ mạng đó vậy.
Khi ta có lòng vị tha, sẽ được nhận nhiều ân điển trợ lực của các bậc chơn sư, của Phật Tiên trên đường Đạo cũng như đường đời, mà thường thường người ta nói là quới nhơn phù hộ đó.
Tóm lại (đoạn này)
- Muốn được một thân thể khỏe mạnh ít bịnh hoạn ốm đau.
- Muốn được mọi người tin cẩn, thương mến, kính trọng.
- Muốn được vẽ hồn nhiên mặn mà khả ái.
- Muốn được thần khâm, quỉ phục và được các Đấng Thiêng Liêng hộ trì, âm phò mặc trợ thì phải có tấm lòng vị tha.
4. Cách thực hành
Ba phần trên, tôi đã định nghĩa lòng vị tha là gì, kế đó tôi nêu một số tấm gương vĩ nhân kim cổ đã thực hiện lòng vị tha, và tôi cũng chứng minh sự hữu ích của lòng vị tha cho sức khoẻ, cho tình cảm, cho sắc đẹp và tâm linh.
Bây giờ đây, chúng ta làm cách nào cho có tấm lòng vị tha. Đó là công dụng của bài thuyết trình hôm nay.
Thật ra việc này đâu mới lạ gì đối với những bậc đạo đức uyên thâm và đối với những vị đã am tường về khoa học huyền môn.
Lòng vị tha là lòng thương người, lòng vì người, tức là lòng NHÂN mà Đức Khổng Tử rất chú trọng. Nó là bản tánh thiên lương mà Trời đã phú bẩm cho chúng ta, dầu người có tu hay người không có tu, dầu người có Tôn giáo hay người không Tôn giáo, chúng ta ai ai cũng được Thượng Đế chia phần đồng đều cho nhau, mỗi người nào cũng đều có lòng Nhân đó cả.
Chỉ có một điều khác nhau, đó là biết giữ hay không biết giữ cái lòng nhân đó mà thôi.
Có những người thì biết giữ gìn, nuôi dưỡng và phát triển lòng nhân đó đến cực điểm, khuếch trương cái vốn thiên phú đó càng ngày càng lớn rộng thì nó trở nên sáng, mà sáng là Thánh. Vậy Thánh Nhân là người SÁNG.
Tuy nhiên lúc đó lại có những người chẳng những không biết, hay không muốn giữ gìn cái vốn thiên phú đó, không biết hay không muốn nuôi dưỡng và phát triển cái vốn thiên phú đó, mà trái lại còn làm cho nó tan nát đi, dày bừa cho nó tan ra từng mãnh múng, vụn vặt đi, hoặc vùi sâu chôn lấp nó dưới lớp cát bụi tham sân, si dục đi.
Lòng Nhân chúng ta ví như hoa quí đem ương trong vườn. Nếu được chăm sóc đủ điều kiện thì có hoa nào mà không đẹp, không quí. Trái lại, nếu bỏ bê phú mặc cho sâu rầy cắn phá, thiếu nước thiếu phân, thiếu tro thiếu ánh sáng, thì có hoa nào mà không cằn cỗi cơ hồ như tiêu mòn hư hoại.
Lòng Nhân tức là tánh bổn thiện. Nhơn chi sơ tánh bổn thiện. Lòng nhân dễ nhận diện qua hình ảnh của những hài nhi sơ sanh. Hài nhi được 5, 7 tháng, miệng vừa biết cười, tay vừa biết nắm đồ vật thì có đứa nào mà không biết thương yêu cha mẹ nó, khi lên 5, 7 tuổi thì có đứa nào mà không biết kính trọng anh chị nó.
Cái tự biết thương yêu cha mẹ mà không cần ai dạy đó là cái lương năng thuộc về tính NHÂN, cái tự biết kính trọng anh chị nó mà không cần ai dạy đó về lương năng thuộc về tính NGHĨA.
Vậy cái lương năng Nhân Nghĩa, đó là cái tự nhiên thiên phú ngay từ mới chào đời, chớ không cần ai dạy cho cả.
Cái lòng Nhân Nghĩa đó mà biết lấy đạo lý chắc chiu nuôi dưỡng nó thì nó lớn mạnh. Ngược lại nếu bỏ bê nó thì càng ngày càng tiêu mòn.
Thánh Nhơn được thành Thánh Nhơn là vì biết nuôi dưỡng cái Nhân Nghĩa đó. Phàm nhơn vẫn còn phàm nhơn là vì bỏ bê cái lòng Nhân Nghĩa đó
Lòng Nhân Nghĩa đó ai ai cũng có, nhưng hằng ngày chúng ta vừa mở mắt ra, thì lo tìm sự sống cho nhơn thân. Trong chỗ lo tìm sự sống đó nó làm chúng ta quay cuồng đầu óc trong sự tính toán lỗ lời, hơn thua, được mất, rồi mừng giận, vui buồn, đau khổ, giận dỗi, bất mãn, uất hận. Những thứ đó là những sâu bọ cắn phá lòng Nhân Nghĩa, là những sùng đuông cắn cả lòng Nhân Nghĩa của ta. Nếu cứ mỗi ngày, mỗi ngày nào cũng vậy, thì làm sao lòng Nhân Nghĩa còn được mà phát tiết ra lòng vị tha cho được.
Thánh Nhân đã chỉ cách cho chúng ta làm sống lại lòng Nhân Nghĩa, bác ái vị tha như sau:
Trong một đêm dài nghĩ ngơi an giấc đến lúc trời vừa rạng đông tỉnh dậy. Thần Khí còn tĩnh mỉnh yên lặng. Đó là lúc lòng Nhân Nghĩa xuất hiện. Hoặc trong những đêm dài, thao thức ngủ không được, nằm gác tay lên trán nghĩ việc đời, suy mãi rồi đâm ra chán nhơn tình thế thái, chán ngán cuộc đời giả tạm ảo ảnh tạm bợ, lòng không ưa việc quấy, rồi khởi lòng thương sót người nầy, tội nghiệp người kia. Rồi bổng tự nhiên trách mình sao hôm trước nỡ nói nặng người đó, hoặc tự trách tại sao chưởi bới rủa xả người nọ v.v.. đó là lúc thần lương tâm xuất hiện. Đó là lúc lòng Nhân Nghĩa hiển lộ đó. Và hãy cố gắng cầm giữ nó lại duy trì và nuôi dưỡng cái lòng đó đừng cho nó rời ta nữa. Đó là chất men của lòng Nhân Nghĩa. Đó là chất men của lòng vị tha vừa được nhen nhúm đó, hãy cầm giữ nó lại và lấy đạo lý Nhân Nghĩa làm đồ ăn nuôi nó. Hễ nó lớn mạnh đến đâu, thì lòng Nhân Nghĩa, vị tha, từ bi, bác ái của ta phát triển đến đó.
Chỗ nầy NHO gọi là Tồn tâm dưỡng tánh, LÃO gọi làTu tâm luyện tánh, PHẬT gọi Minh tâm kiến tánh đó.
Đó là lương tâm vừa sống lại, vừa trở về thì phải cầm giữ nó lại, tu luyện nó, thì sẽ sáng lòng thấy tánh, và sẽ đắc đạo.
Vậy tồn dưỡng là phương cách hay nhất sẽ làm cho lòng vị tha trưởng thành và phát triển.
Hằng ngày lương tâm chúng ta phóng tán dong ruỗi theo ngoại cảnh, hãy đem nó trở về gọi là Tồn, khi nó về rồi thì phải gìn giữ, săn sóc, nuôi dưỡng nó gọi là Dưỡng.
Mỗi khi con gà con chó chạy lạc người ta còn biết tìm kiếm đem nó về, tới khi lương tâm chạy lạc người ta không biết đem nó về. Thật là coi lương tâm rẻ hơn con vật.
Đem nó trở về gọi là TỒN, tạo môi trường cho nó học đạo lý, học lẽ phải, gọi là DƯỠNG.
- Tâm điền chúng ta ví như miếng đất ruộng. Đất ruộng cày trống, mà không lo trồng khoai lúa hoa màu lên đó thì cỏ dại hoa hèn sẽ mọc lên che lấp. Tâm điền mà không trồng giống cây đạo lý, nhân nghĩa lên đó thì những cỏ dại hoa hèn, thất tình lục dục, tật đố tham sân si dục sẽ mọc lên đầy dẫy cho mà coi.
Vậy cách thực hành lòng vị tha là hằng ngày, hằng ngày phải tạo cho mình một môi trường tốt đễ được gần đạo lý, học đạo lý, để nghe đạo lý, để viết đạo lý, để nói đạo lý, để hành đạo lý thì sẽ không còn khoảng trống nào cho cỏ dại hoa hèn trái đạo có thể mọc lên được.
Chỗ này Thánh nhân nói là:
Phàm tâm tử đạo tâm sanh,
Tận nhân dục tồn thiên lý.
Nghĩa là hễ khi lòng phàm dứt chết thì lòng đạo sanh, khi lòng dục vọng hết thì còn lại Thiên Lý, mà Thiên Lý là lẽ Trời, là đạo tâm, là lòng Nhân Nghĩa, là lòng từ bi, bác ái, và cũng là lòng vị tha đó.
Cách thực hành lòng Vị Tha cũng cần phải lo tu học. Mỗi khi muốn đạt được mảnh bằng, người ta lo học ngày học đêm cho đến quên ăn quên ngủ. Nhưng chưa có ai học tu Đạo Lý cho đến quên ăn quên ngủ bao giờ.
Hằng ngày người ta lo quét dọn lau chùi trang hoàng nhà cửa cho đẹp, nhưng chưa thấy ai lo quét dọn, lau chùi và trang hoàng tâm hồn tốt đẹp.
Hằng ngày người ta lo trang điểm dung nhan bên ngoài mà không thấy ai lo trang điểm tâm hồn cho đẹp bên trong.
Vì lẽ đó mà lòng Nhân Nghĩa cơ hồ như đã mất, khi lòng nhân đã mất thì lòng Vị Tha cũng do đó mà mất luôn. Bởi vì lòng Vị Tha là cái dụng, lòng Nhân là cái thể. Khi cái thể đã mất thì làm gì có cái dụng.
Vậy cách thức làm cho lòng Vị Tha, cho có lòng Nhân Nghĩa là phải lo tu học hành Đạo. Học Đạo phải chí tâm chí ý chớ không phải học hời hợt cho lấy có. Hành Đạo phải hành cho chí tâm, chí cốt chớ không phải cho có chừng có đổi, hoặc tuỳ thích.
Hằng ngày, hằng ngày phải đem con tâm chạy lạc trở về.
Hằng ngày, hằng ngày phải lo tu học và hành đạo, lau chùi, quét dọn thân tâm, loại bỏ những tư tà tư dục, và hướng dẫn nó về đường chơn chánh, bác ái, từ bi, tế nhơn, lợi vật.
Hằng ngày cứ tìm việc lành, việc phải mà làm để mở rộng lòng nhân, mà lòng Nhân tức là lòng Vị Tha đó.
III. KẾT LUẬN
Lòng Vị Tha, tuy nói là vì người, lòng thương người, lòng lo cho người, chớ quả thật là Vị Tha cho mình, lo cho mình. Vì muốn đắc đạo thì phải mở rộng lòng Nhân, mở rộng lòng Vị Tha, cho giống lòng Tiên Phật, để trở thành Tiên Phật. Nhưng lấy tha nhân làm đối tượng chớ quả thật là vì mình, lo cho mình Đắc Đạo.
Bởi vì mình tu là để Thánh hóa tâm hồn mình cho Chí Thiện, Chí Mỹ giống như tâm hồn Tiên Phật thì mới thành Tiên Phật được.
Nhưng hiềm vì tâm hồn con người đã quen với thói ích kỷ từ lâu đời, nhiều kiếp, nay muốn Thánh hóa cho nó trở nên Vị Tha thì thiệt là rất khó.
Vì lẽ đó mà các vị Giáo Tổ, các Tôn Giáo tùy theo căn trí của nhơn sanh mà bày ra những pháp môn, trong đó có pháp môn nhập thế giúp đời bằng công quả, công đức, như cứu thế độ nhơn, nào vì nhơn sanh, nào ái nhơn, ái vật, nào hy sinh giúp đời, nào phụng sự nhơn sinh, nào công quả từ thiện xã hội… Tất cả và tất cả đều là những phương tiện mở rộng Lòng Nhân, đó là những cái khăn tay lau chùi lớp bụi vô minh để cho Lòng Nhân hiển lộ.
Lấy nhơn sanh làm đối tượng tu hành. Lấy tha nhơn làm phương hướng cho việc luyện tâm. Những pháp môn đó nó vừa có tác năng giúp đời thật sự và cũng vừa là phương tiện chánh yếu để diệt lòng ích kỷ, khai rộng lòng nhân từ, bác ái, vị tha cho người tu hành.
- Đạo tuy lớn rộng mênh mông như đại dương nhưng rất giản dị.
- Giáo lý tuy nhiều tợ cây rừng nhưng chỉ có một.
- Pháp môn tuy nhiều vô lượng nhưng chẳng phải hai.
Tất cả, tất cả, chung qui chỉ có việc luyện tâm mà thôi. Vì Tâm là đầu dây mối nhợ tất cả của tội phước, siêu đọa, chánh tà v.v..
Tam Giáo Tổ Sư hằng dạy bảo phải Tồn tâm, Dưỡng tánh, tu tâm luyện tánh, và minh tâm kiến tánh.
Tâm ám muội là tâm mê, tâm tà.
Tâm sáng suốt là tâm giác, tâm Thánh.
Tâm Thánh đó là tâm Thiên phú vốn chơn chánh, bởi tham sân si dục nên nó mới tà.
Nay phải mau mau dừng chơn và quày bước trở lại tu tâm sửa tánh, tu quét dọn tâm tà cho tâm Thánh hiện ra. Tất cả đều do tâm. Tâm đó là ông chủ nhà cái thân này, cho nên gọi là Chủ Nhơn Ông.
THI
Gia gia hữu cá Chủ Nhơn Ông,
Chỉ vị tham mê muội Thánh công;
Nhược giải chuyển đầu điên đảo cổ,
Nhơn gian, thiên thượng đắc huyền thông.
Xin tạm dịch:
Nhà nhà đều có Chủ Nhơn Ông,
Vì bởi tham mê ám muội lòng,
Nếu biết quay đầu tìm lại Tánh,
Gặp Trời tại đó, nhọc chi công!!
Vậy Chủ Nhơn Ông cũng là Phật Tánh, là Trời, là Tánh lành, là lòng Vị Tha của con người.
Năm Tân Dậu, tiết Thanh Minh, Quí Xuân, tháng 03/08 (8g sáng Chúa Nhựt 12-4-1981)