Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
09/05/2004
Huệ Ý

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009

Những ngày Nhập Tịnh

I. CHÍNH KINH
"Mẹ đã nhận được bản văn do Đông Phương Lão Tổ đệ đạt. Mẹ biết các con căn trí không đều nhau: có con thật sự giác ngộ muốn tu, cũng có đứa hiếu kỳ bắt chước, có con bị hoàn cảnh nhứt thời thức tỉnh nhưng chưa thấm thía được mùi đạo lý ích lợi ra sao, cũng chưa giác ngộ hoàn toàn.

Đó là Mẹ nói với các con ở khóa Dự Bị, nhứt là đám trẻ, còn những con Sơ Thiền cũng có đứa chưa thấm mùi đạo lý. Tuy nhiên hoàn cảnh và thời gian sẽ giúp các con, những anh chị đi trước thực tu thực chứng sẽ nâng đỡ dìu dắt các con, các con sẽ say mê mùi đạo lý để tự giải thoát thân tâm và sự siêng năng tập tành của các con sẽ theo thời gian giúp cho các con giác ngộ tu trì.

Hôm nay Mẹ ban hồng ân cho tất cả các con. Mẹ sẽ ghi điểm từng con, từ nhỏ đến lớn để các con thọ hưởng hồng ân dũng mãnh tu tiến. Con nào còn sa ngã mê mờ thì khó cứu rỗi lắm nghe con! Mẹ sẽ điểm tục danh một số, sau này khi các con tiến đạo Mẹ sẽ ban Thánh danh và lập từng dòng tu theo nam nữ." (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 01-6 Đinh Tỵ).

II. HỌC TẬP

1. Mỗi mùa tu vào ngày nhập khoá, chúng ta đều có dâng sớ trình danh sách tịnh viên nam nữ các cấp lên Ơn Trên, trong lời dạy này Đức Mẹ cho biết đã nhận được báo cáo kết quả do Đức Đông Phương Lão Tổ đệ đạt.

2. Đức Mẹ nhìn thấy sự tiến hoá tâm linh của các tịnh sĩ khác nhau nhiều:

a. Các tịnh sĩ thật sự giác ngộ muốn tu: Đây là các vị có chính duyên sâu dày, tu với động cơ chính, tự giác, tự nguyện, tự ý thức: giàu cũng tu mà nghèo còn phấn đấu tu hơn nữa; gần chùa thất cũng tu mà ở xa chùa thất cũng tu. Các vị đã trưởng thành trong đời tu, quyết tâm tìm cầu giải thoát, trước cứu mình sau giúp đỡ mọi người ra khỏi luân hồi lục đạo. Các vị nầy được Đức Mẹ gọi là ""CON".

b. Các tịnh sĩ hiếu kỳ bắt chước: Đây là các vị chưa thực sự tự nguyện nhập tu, Đức Mẹ gọi bằng "ĐỨA". Thành phần này tu do động cơ phụ: bạn rủ, hiếu kỳ, tò mò, kể cả những người thí nghiệm pháp môn, trong đàn này Đức Mẹ dạy huynh X.H.:

X.H. khá giữ y đạo pháp,
Phương tiện nào cũng nạp càng nguy.
Mịt mờ nào thấy vô vi,
Lỡ lầm hại mạng ích chi con hiền.

c. Các tịnh sĩ bị hoàn cảnh nhứt thời thức tỉnh: Có lần các Đấng Tiền Khai Đại Đạo dạy:

Kìa nhân thế trong phần nước lửa,
Mảnh thân phàm biết tựa vào đâu,
Tựa đời đời lắm bể dâu,
Quay về tìm đạo, đạo đâu mà tìm.

Có những vị đã vào Cơ Quan (do một hoàn cảnh nào đó) rồi lại trở ra tiếp tục buôn bán ở chợ đời do chưa giác ngộ hoàn toàn và dầu có nhập tịnh nhưng vẫn chưa nếm được đạo vị mùi thiền.

Sự giác ngộ chân thật nó làm cho chúng ta luôn luôn khiêm tốn, cầu nguyện, vì không biết chúng ta đã đủ sức hoà quang hỗn tục hay chưa?

Vấn đề của chúng ta là phải chuyển từ tu hiếu kỳ, tu giác ngộ nhứt thời sang giác ngộ hoàn toàn. Muốn thế phải nhờ hai yếu tố:

– Trước tiên là sự thực tu, thực chứng của thế hệ đi trước, những tấm gương sống động;

– Thứ hai là sự tích cực hành pháp của chính mỗi người chúng ta để huân tập kết quả từ ít đến nhiều và kiên định vững chắc sự giác ngộ.

Nhìn về tương lai, khi các vị tiền phong tu chứng, cộng đồng tịnh sĩ sẽ được Đức Mẹ ban ân thành lập các dòng tu để mở đường cho hàng ngũ tiếp nối.

Nguyện và hành cho được như thế.
 
Huệ Ý

Biết đạo ai ơi biết lẽ Trời,
Đừng nên mong vọng chuyện xa khơi,
Tu nhân kết quả nhân hành thiện,
Tích đức công dày đức độ đời.

Đức Đại Đồng Tổng Lý , Huờn Cung Đàn, 01-4 nhuần Quý Mão, 22-5-1963

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây