Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
08/05/2010
Đạt Tường

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 05/06/2010

Giáo sư là người dạy dỗ chư tín đồ . . .

Đêm lịch sử Khai Minh Đại Đạo 14 rạng Rằm tháng 10 Bính Dần 1926, Đức Chí Tôn đã Thiên phong phẩm Giáo Sư cho một số vị Nữ và Nam phái, đồng thời cũng Thiên phong Giáo Hữu một số vị nam phái xung phong đi truyền đạo ở Trung kỳ và Bắc kỳ theo lời kêu gọi của Thầy.

Ngay đêm sau, Thầy ban cho Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài. Trong đó 2 phẩm Giáo Sư và Giáo Hữu có chức năng và nhiệm vụ “dạy dỗ” tín đồ rất rõ nét.

Sau đó khi Tân Luật được hình thành, phần Đạo Pháp điều thứ năm quy định:

“Giáo Sư là người dạy dỗ chư tín đồ trong đường đạo và đường đời. Buộc Giáo Sư lo lắng cho chư tín đồ như anh ruột lo cho em. Giáo Sư cầm sổ bộ của cả tín đồ, phải chăm nom về sự tang hôn của mọi người … Giáo Sư đặng quyền dâng sớ cầu nài về luật lệ làm hại nhơn sanh hay là cầu chế giảm luật lệ ấy. Giáo Sư phải thân cận với chư tín đồ như anh em một nhà cần lo giúp đỡ.”

Nhiệm vụ chánh yếu của hàng ngủ Giáo Sư là việc “dạy dỗ chư tín đồ trong đường Đạo và đường đời” và “chăm nom về sự tang hôn”. Nếu như ở hàng Giáo Hữu, Tân luật quy định nhiệm vụ là “Phổ thông Chơn Đạo” nghĩa là tiếp cận trực tiếp để hướng dẫn đạo hữu thì với hàng Giáo Sư việc “lo lắng cho chư tín đồ như anh ruột lo cho em” cần được hiểu là sự quan tâm, ưu tư, tổ chức thế nào để việc giáo hóa được thông suốt, thiết thực đáp ứng nhu cầu của nhơn sanh trên cả hai mặt nhân sinh và tâm linh.

Tháng 8 năm 1927, Đức Chí Tôn đã nhắc lại nhiệm vụ của hai phẩm chức sắc này:

“Trung, con phải truyền cho các Giáo Sư, Giáo Hữu lo lắng về phần thuyết đạo cho kíp và mỗi đàn lệ đều phải trích một bài Thánh Ngôn dạy về đạo đức mà đọc cho chúng sanh nghe.

Như vậy thì lời Thánh giáo như còn vẳng bên tai các môn đệ để giục bước đường của chúng nó chẳng sụt sè vậy.”

Qua đây chúng ta thấy phần trách nhiệm của vị Giáo Sư phải lo tổ chức thế nào để tất cả các Thánh thất trong địa phận cai quản của mình (cấp tỉnh hay thành phố) mỗi tháng 2 kỳ sóc vọng đều có các Giáo Hữu đến bình giảng Thánh giáo hay thuyết Đạo để nhơn sanh học hiểu mà mạnh bước trên đường bồi công lập đức.

Vị Giáo Sư có vai trò bên cạnh việc lo về phần tang hôn cho tín đồ thì việc chánh yếu phải quan tâm là tổ chức và điều hành hệ thống giáo huấn đạo lý, trước mắt xóa mù giáo lý cho nhơn sanh để tránh được cảnh như Ơn Trên đã dạy “Tu không học hỏi tu mù !”.

Trong khóa Hạnh Đường lần đầu của Hội Thánh Tiên Thiên vào năm Bính Ngọ 1966, Đức Mẹ đã giáng đàn khuyến khích về nhiệm vụ của Giáo Sư:

Bởi Đạo Pháp ví như khuôn đúc nên hình Thánh, nếu con nào chịu khép vào, nghĩa là mỗi con tự chuyển mình từ tâm phàm trở nên tâm Thánh, hóa phàm ý trở nên Thánh ý để thi hành Thánh sự của phần Nhơn Thánh mỗi con thì các con sẽ là Thánh hiện tại thay thân Thầy Mẹ dìu dắt nhơn sanh trong cơ lập giáo độ đời nầy.

Bởi Thánh là phải phụng sự thiết thực nhơn sanh, hầu đem lại sự sống về phần thể xác cũng như linh hồn, được đoạt mức chân hạnh phúc bằng lẻ thuần túy đạo đức đó các con!

... ... Các trẻ cố lo toan;
Giữ vững nền Tân Pháp,
Hành tròn giới luật ban.
Giáo Sư ra hướng đạo,
Chức Sắc rạng vinh quang
;”

Và sau đó, Đức Lý Giáo Tông cũng giáng đàn giải thích thêm về nhiệm vụ của Giáo Sư:

Hạnh Đường Nhơn Thánh thông minh học,
Chức Sắc Thiên Phong cứu thế thì;
Trọng trách phú giao nam nữ phận,
Đức tài thao lược ứng trường thi.

Lão Lý chào Thiên Mạng nam nữ tam ban, an tọa tịnh thiền nghe Lão Lý giáo huấn đàn tràng khóa học của Giáo Sư.
Nầy chư hiền, với hai tiếng Giáo Sư ngoài đời là một Sĩ Tử đã được thành tài suốt thông cả chương trình Đại Học Sư Phạm, Cấp chứng chỉ Giáo Sư, bổ nhiệm làm Thầy để dạy lại học sinh cấp Trung Học, thì ảnh hưởng của Giáo Sư ngòai đời là lãnh lương bổng hằng ngày. Còn Chức Sắc Giáo Sư của Đại Đạo thì danh nghĩa như thế nào, cương vị quyền hành nhiệm vụ thi hành ra sao? Chư hiền nam nữ đã học hiểu từ lâu rồi, nay ôn cố tài liệu càng thêm thấm nhuần thì đại diện một nam một nữ khá bạch trước đàn cho Lão nghe, rồi Lão chỉ dạy thêm:

(Giáo Sư Sáu bạch: Nhờ Ơn Trên chỉ dạy thêm).

Quả vậy Chức Sắc Giáo Sư trong Đại Đạo mà chư hiền đã được Thầy ban phong rất thiêng liêng và quan trọng cả hai mặt hữu hình và vô hình, được ảnh hưởng trọn vẹn tinh thần lẫn vật chất. Nếu vị nào chí quyết, lo tu xả thân hành đạo trọn đời, hành đúng theo quyền hạn và nhiệm vụ của Chức Sắc Giáo Sư, thế Thiên hành hóa, dạy bảo nhơn sanh đúng theo Chơn Truyền Tân Pháp và Tôn Chỉ Mục Đích của Đại Đạo thì sẽ thành công đắc quả và ảnh hưởng như lời Lão vừa nói trên!
Bởi Chức Sắc Giáo Sư là phẩm cấp thứ năm hạng Trung Trung Thừa: Trong Cửu Phẩm Tam Thừa do Thầy định trong số Cửu Thiên Khai Hóa, Tam Giới chúng sanh trong đại vũ trụ quán chức Giáo Sư là phẩm Nhơn Thánh đứng vào hạng Trung Trung Thừa vì từ trên đổ xuống là: Giáo Tông, Chưởng Pháp, Đầu Sư, Phối Sư kế Giáo Sư là ngay chính giữa cũng như từ dưới lần lên là: Tín Đồ, Trị Sự, Lễ Sanh, Giáo Hữu rồi đến Giáo Sư vậy!

Thế nên chư hiền nam nữ Giáo Sư đây tức nhiên đã trãi qua bốn phẩm cấp rồi, và trong sự hành đạo của chư hiền được đầy đủ, nên Ơn Trên, chứng minh mới điểm nhuận vào phẩm vị Giáo Sư đây. Mà hễ Giáo Sư của Đại Đạo thì rất phi phàm, nghĩa là Thánh, mà là Thánh là gì? Thánh là sáng, vì trong chữ Thánh ở dưới có chữ Vương là Vua, phía trái trên Chữ Vương có chữ Nhĩ là tai, phía mặt có chữ Khẩu là miệng.

Vậy người muốn nên phẫm Thánh phải biết làm vua lấy mình, là ngự trị Tam Tâm, Tứ Tướng, lục dục thất tình tam quỷ, ngũ ma và tất cả chúng sanh trong lòng phàm tục đều được bình an thạnh trị, thì lổ tai của Minh Vương ấy mới nghe tiếng nói vô hình của muôn loài vạn vật, và khi cái miệng của Minh Vương nói ra, điều nào cũng đúng với chơn lý thuần chơn vô ngã, thốt toàn lời giúp ít cả nhơn loài vạn vật được đúng như thế mới gọi là Thánh, vì Thánh thì thông minh sáng suốt từ mọi sự mọi vật, không còn lầm lẫn mê muội điều nhỏ nhặt nào. Đó là Thánh vậy.(…)

Bởi vậy Chức Giáo Sư mà chư hiền đã lãnh rất quan trọng vô cùng. Hiện nay chư hiền đã học Đạo, hiểu Đạo rồi, rõ biết quyền hạn nhiệm vụ rất thiêng liêng thì rán thực hành đúng theo Tôn Chỉ Mục Đích do Đức Thượng Đế chủ trương hầu đem lại chân hạnh phúc cho toàn cả nhơn loại, cả hai phương tiện vật chất lẫn tinh thần.

Bởi thông tường sứ mạng thế Thiên hành hóa, nên chư hiền cố gắng học hiểu thêm lên, để hành cho đúng quan điểm vị nhơn sanh, vị căn bản. Lời nói thực hành cho được hoàn toàn, thì mới hướng dẫn nhơn sanh làm tròn nhiệm vụ Thầy giao phó. Với tinh thần hiếu học của chư hiền nam nữ thể hiện trong giai đoạn hoàn cảnh khó khăn thì từ nay càng mạnh tiến hơn nữa để hòan tòan trong kỳ Thiên cơ đang chuyển, thời cơ biến thế, biến thiên, dồn dập để rồi đến ngày thành đạo.
Giáo Sư trọn qui điều Ngũ Giới,
Giáo Sư thông đường lối chơn truyền;
Giáo Sư là phận thế Thiên,
Giáo Sư thầy dạy, cố kiên học hành.

Giáo là dạy đành rành Tân Pháp,
Giáo hóa dân thích hợp tự tu;
Giáo truyền chơn lý Phụ Từ,
Giáo hành luật pháp vô tư vị người.

Giáo Sư phận thay Trời dạy bảo,
Giáo Sư hành thông thạo chơn truyền;
Giáo Sư nhiệm vụ ban quyền,
Lãnh đạo một tỉnh cố kiên hành tròn.
…………………………………….
Lão khá khen chư hiền nam nữ,
Khóa Giáo Sư chung dự đủ đầy;
Ôn cố tài liệu đạo Thầy,
Kiểm điểm soi rọi điều hay tiến hành,

Phát triển mãi việc lành sự phải,
Trọn Tam Công hăng hái sự tu;
Đủ đầy công đức Giáo Sư,
Sẽ được ban Phẩm Phối Sư rất gần.”


Ngày nay, các Giáo Sư với nhiệm vụ đứng đầu Tỉnh Đạo ở địa phương có vai trò quyết định trong việc tổ chức mạng lưới các Họ Đạo như là hệ thống Trường Giáo Đạo trong mỗi tỉnh.

Nếu như Hội Thánh có vị trí trung ương đề ra định hướng căn bản với mục tiêu cố gắng làm thế nào để mỗi Thánh thất trở thành một Trường Giáo Đạo như Thánh Ý đồng thời vạch ra chương trình căn bản cần tiến hành để mỗi nơi đều lấy đó làm pháp lệnh nương theo thực hiện việc giáo đạo.

Còn ở cấp Tỉnh Đạo vị Giáo Sư trong quyền hạn và trách nhiệm của mình sẽ sáng tạo trong việc tổ chức trường lớp cũng như huấn luyện đào tạo các giảng viên hầu đáp ứng nhu cầu của địa phương mình. Tùy theo số lượng đạo hữu nói chung hay số lượng học viên ở mỗi cấp lứa tuổi mà Tỉnh Đạo sẽ quy hoạch lực lượng giảng viên từ cấp Lễ Sanh xuống đến Chức Việc có dự trù cho việc đáp ứng sự phát triển ở tương lai.

Nhưng việc trước hết cần phải làm là Tỉnh Đạo tổ chức cho các Họ Đạo ngồi lại với nhau với trí tuệ tập thể xây dựng chương trình thống nhất ở mỗi cấp giáo lý để các nơi dựa vào đó thực hiện việc hướng dẫn, trao đổi giảng viên, đồng thời có thể đề ra thời điểm cụ thể trong năm để từ đó có thể tổ chức những buổi Hội Luận Giáo Lý chung hay thi đua trong những buổi trại hè cho từng lứa tuổi.

Như thế vai trò của vị Giáo Sư ở mỗi tỉnh như Giám Đốc Sở Giáo Dục, quản lý hệ thống trường lớp trên địa bàn trách nhiệm của mình. Giáo Sư có trách nhiệm giúp đở cho các Họ Đạo địa phương phát triển đúng theo định hướng và mục tiêu đào tạo của Hội Thánh đồng thời điều phối chia sẻ và quy hoạch nhân lực giảng viên cần được đào tạo hầu đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của địa phương mình.

Để có thể xóa mù giáo lý cho bỗn đạo, bởi Ơn Trên đã từng dạy “Tu không học hỏi tu mù.”, Vị Giáo Sư phải nỗ lực đầu tư xây dựng một vài thí điểm hình mẫu qua phần trách nhiệm trực tiếp của Giáo Hữu để cho các Thánh thất khác bắt chước làm theo.

Cấp Tỉnh Đạo cần mở liên tục những khóa Hạnh Đường ngắn hạn với thành phần Giáo Hữu là giảng viên hầu đào tạo hay tập huấn các giảng viên cơ sở để đáp ứng nhu cầu học đạo của nhơn sanh ở các Thánh thất.

“Tư duy giáo Đạo” là trách nhiệm của hàng ngủ Giáo Sư và Chức Sắc Hiệp Thiên Đài tương ứng như Cải Trạng, Giám Đạo để các Thánh thất trong mỗi địa phận quản lý của mình phát triển vững chắc vai trò Trường Giáo Đạo hầu đóng góp hữu hiệu vào sứ mạng phổ độ nhơn sanh của Đại Đạo.
Thiết thực mang Đạo vào đời, đóng góp vào sự nghiệp “giáo dân vi thiện” để xã hội ngày càng phát triển song song giữa đời sống văn minh vật chất và đời sống tinh thần văn minh đạo đức, người Giáo Sư đã, đang và sẽ góp phần làm sáng danh Thầy danh Đạo:

"Dắt nhơn sanh lên đời Thánh Đức,
Đưa nước nhà đến bực văn minh;
Ngàn năm một thuỡ thanh bình,
Trời Nghiêu, đất Thuấn vạn sinh cộng đồng."

Tháng chạp năm Kỷ Sửu (01- 2010)
Đạt Tường

Lụy thân vì bởi ý ta bà,
Vì bởi người còn chấp cái ta,
Chẳng biệt giả chơn, không chánh niệm,
Đành làm tôi tớ thập tam ma.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây