Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
09/03/2008
Cao Bạch Liên

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 20/02/2010

Tấm lòng yêu thương của Cao Triều Tiền Bối

Tiền bối Cao Triều Phát sinh ra trong một gia đình đạo đức, thừa hưởng tính cách nhân hậu của cha mẹ, nhất là của thân phụ là cụ Cao Minh Thạnh. Từ thuở còn thanh niên, cụ Thạnh đã là người của xóm làng. Lãnh trọng trách trong làng, xã, rồi lên huyện, tỉnh, cụ đem sức lực xây dựng quê hương Bạc Liêu. Việc làm lớn nhất là chiêu mộ dân về khai phá, mở mang vùng rừng hoang phía đông tỉnh Bạc Liêu, tổ chức đào kênh đắp lộ, xây dựng nên huyện Vĩnh Châu có kinh tế trù phú, văn hóa phát triển hơn các huyện khác trong tỉnh Bạc Liêu thời bấy giờ.(Sau năm 1975 huyện Vĩnh Châu nhập về tỉnh Sóc Trăng). Chẳng những có công khai phá, xây dựng huyện nhà, mà cụ còn là một viên chức địa phương thanh liêm, giàu lòng nhân ái, hết lòng chăm lo cho người dân còn nhiều khó khăn khi tới vùng đất mới này. Trước năm 1975 trên bản đồ chính thức của tỉnh Bạc Liêu có một con kênh khá dài chạy trên đất Vĩnh Châu mang tên Cao Minh Thạnh, ghi lại công đức người xưa đã góp phần khai sáng nơi đây.

Noi gương cha, tiền bối Cao Triều Phát chiêu tập dân quanh vùng về khai khẩn tiếp tục vùng rừng của tỉnh ở sát biển Đông hãy còn hoang vu. Tiền bối cho đắp đê bao ngăn mặn, đào kênh nội đồng thao chua xả mặn, tạo nên những cánh đồng lúa phì nhiêu. Dân nghèo phần đông là người Khơ-me, chân ướt chân ráo tới đây trong lúc thiếu thốn, khó khăn đều được tiền bối tận tình giúp đỡ để ổn định nơi ăn chốn ở. Khi trái gió trở trời, họ được tiền bối tặng thuốc men chữa trị. Thời đó tủ thuốc từ thiện của tiền bối tuy chỉ có những loại đông dược (cao, đơn, hoàn, tán) nhưng đã giúp dân quê ở đây rất hiệu quả.

Năm 1944-1945, tình hình trong nước rối ren, lại thêm trận đại dịch tả hoành hành khắp vùng Hậu Giang, làm chết nhiều người mà chính quyền lại không có chương trình phòng chống. Thời đó dịch tả rất độc, vướng bệnh mà không có thuốc là cầm chắc cái chết, chết rất nhanh. Buổi sáng còn sống đó mà chiều tối đã phải bó chiếu đem chôn rồi. Thế nên lòng dân rất hoang mang, hãi sợ. Như được Ơn Trên mách bảo, từ đầu trận dịch tiền bối sớm cho người nhà dự trữ sẵn các thứ thuốc cần thiết. Nhờ vậy, tiền bối kịp thời tặng thuốc cấp cứu, điều trị cho cả người dân trong điền của tiền bối và ở các vùng lân cận.

Không những chăm lo đời sống vật chất mà tiền bối còn quan tâm đến tinh thần, tâm linh cho người dân. Nơi đây là vùng đất mới, khá hẻo lánh. Người dân muốn đến chùa thất rất khó khăn. Đi bộ thì xa, theo đường sông thì thiếu ghe, xuồng. Thấm nhuần lời dạy của Ơn Trên, không độc thiện kỳ thân, mà cần tạo điều kiện giúp người khác cùng tu, nên tiền bối lập Huyền Linh Đàn thờ Đức Chí Tôn tại một ngôi nhà trong khuôn viên đất của tiền bối để người dân trong điền đến cúng kính vào những ngày sóc vọng. Dần dần bổn đạo xa gần tìm tới ngày càng đông. Thấy đến lúc cần một thánh sở rộng rãi hơn, đáp ứng số đông bổn đạo, tiền bối mời thợ khéo về xây dựng thánh thất Thái Dương Minh ở vị trí đẹp nhất trên đất nhà. Đi trên sông Mỹ Thanh, xuôi về biển Đông, nhìn về tay phải, ngang địa phận xã Khánh Hòa, dễ dàng nhìn thấy thánh thất Thái Dương Minh nguy nga, sừng sững. Có thánh thất rồi, dân quanh vùng dần dần kéo tới nhập môn rất đông. Sau mùa Thu 1945, phần lớn đất đai của tiền bối hiến cho chính quyền đem chia cho dân cày. Có lẽ tiền bối đã hết giai đoạn nhường cơm xẻ áo, mà đã đến lúc xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo rồi.

Cuộc sống đang thanh bình thì chiến tranh thay đổi tất cả. Đến nay, hơn sáu mươi năm trôi qua, tiền bối ra đi làm nghĩa vụ của người dân thời loạn, rồi cũng không có dịp nào trở lại quê nhà Bạc Liêu nữa. Trong chiến tranh Huyền Linh Đàn bị tàn phá hoàn toàn. Thánh thất Thái Dương Minh bị máy bay đánh bom tan hoang, chỉ còn trơ lại những dãy móng bê tông. Gặp thời loạn, dân địa phương chuyển sang bờ bắc sông Mỹ Thanh sinh sống, vì phía bên Khánh Hòa bom đạn ác liệt quá. Một số đạo tâm đã cất một thánh thất đơn sơ ở bờ bắc sông Mỹ Thanh (thuộc xã Thạnh Thới Thuận, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) và cũng lấy tên Thái Dương Minh. Thánh thất này ngày nay hãy còn.

Một trưởng làng người Khơ-me sống ở Khánh Hòa cùng thời mở đất với tiền bối, đã nói một câu để đời: "Ông Sáu Dân địa phương quen gọi tiền bối Cao Triều Phát là ông Sáu, theo thứ của Ngài trong gia đình. là một vị Phật cứu đời. Người dân ở vùng này mãi mãi ghi nhớ công ơn sâu nặng của ông Sáu, mặc dù ông Sáu ra đi đã lâu lắm rồi."

Bây giờ Bạc Liêu thay đổi nhiều lắm. Ngày trước tiền bối cho đắp đê bao quanh cánh đồng ngăn không cho nước mặn từ biển tràn vào, và giữ nước mưa ngọt để trồng lúa, mùa lúa chín như trải tấm thảm màu vàng bạt ngàn, hương thơm của lúa làm say lòng người. Còn bây giờ những đồng lúa ngạt ngào đã biến thành những vuông tôm đầy nước mặn đắng. Người dân hy vọng đổi đời nhờ con tôm, nhưng con tôm cũng rất khó tính, nó sống thì khá lên chút ít, còn nó chết thì hết luôn vốn, mà phần lớn là nó chết.


Đã lâu rồi đất đâu còn là của Thầy Sáu nữa. Nhưng địa danh "Điền Thầy Sáu" vẫn còn được người dân ghi nhớ, vì ân tình thuở xưa còn lưu lại như một huyền thoại vẫn còn được lưu truyền trong dân gian ở đây. Tới đây hỏi thăm đường vào Điền Thầy Sáu thì từ con trẻ đến người già đều chỉ đường mau chóng, còn hỏi địa danh chính quyền mới đặt sau này thì có nhiều người chưa quen lắm.


* * *


Những ngày còn trẻ ở trên đất Pháp, tiền bối có dịp sống gần gũi những người lính thợ Việt Nam tha hương, rất cảm thông hoàn cảnh của họ. Không thể chịu nổi khi thấy những người lính thợ là đồng bào mình bị cai lính Pháp đánh đập húng hiếp. Thật đáng thương! Sống trên đất khách mà không biết nói tiếng của họ, không hiểu lời họ sai bảo thì làm sao khỏi bị đòn roi. Tiền bối tìm gặp các kiều bào đang ở Pháp để học hỏi kinh nghiệm như chí sĩ Phan Chu Trinh (1872–1926), và các tổ chức công đoàn Pháp, v.v. để nhờ can thiệp, cải thiện điều kiện làm việc và cách đối xử cho đồng bào mình. Mặt khác, ngoài giờ làm việc, tiền bối tổ chức dạy chữ Việt cho người mù chữ vì hầu hết họ là nông dân hoặc dân nghèo thành thị nên phải thất học. Tiền bối mở lớp tiếng Pháp cấp tốc cho người lao động để giúp họ có thể giao tiếp, khi làm việc đỡ bị đòn roi. Tiền bối lấy việc giúp đỡ đồng bào mình làm niềm vui trong những ngày xa xứ.


* * *

Phái Minh Chơn Đạo thành lập muộn hơn các phái khác của đạo Cao Đài, lại đặt cơ sở ở vùng sâu vùng xa. Dân cư rải rác, đời sống nghèo nàn, dân trí thấp. Các vị tiền bối khai Đạo ở vùng này rất vất vả. Tiền bối Trần Đạo Quang (1870-1946)nắm quyền chưởng quản Cửu Trùng Đài, lo phổ độ, cất thánh thất. Tiền bối Phan Văn Thiệu lo đạo sự của Hội Thánh. Tiền bối Cao Triều lo phần Hiệp Thiên Đài, và đường hướng hoạt động mọi mặt cho cho tín đồ. Để cải thiện đời sống vật chất cho tín đồ, tiền bối Cao Triều chủ trương lập nông điền trồng lúa, bông vải, dâu, nuôi tằm, và đề ra phong trào đóng khung cửi dệt vải. Về dân trí, tiền bối tổ chức lớp học xóa mù chữ. Về tinh thần đạo đức, tiền bối thường xuyên tổ chức các lớp hạnh đường, lớp giáo lý căn bản để giúp tín đồ hiểu biết đạo lý, tu hành theo chánh tín.

Trong cuộc đời hành đạo, tiền bối là một vị chức sắc rất hay gần gũi với tín đồ, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi như anh em ruột thịt, hoạn nạn có nhau. Một tấm lòng vì nhân sanh thể hiện rõ nhất vào thời kỳ Đạo bị chinh nghiêng, tín đồ Cao Đài gặp nạn. Sau khi mặt trận Giồng Bốm tan vỡ, tiền bối ra Hòn Chuối tránh các trận ruồng bố của giặc. Được mấy hôm thì có đàn cơ Đức Chí Tôn dạy tiền bối trở vào đất liền nhận nhiệm vụ mới. Lúc này nhiều tin dữ từ miền Đông dội tới. Nhưng vâng lệnh Thầy, tiền bối vội vã thu xếp đi miền Đông không chậm trễ. Trước khi đi, tiền bối mời Đầu Sư Huỳnh Ngọc Tồn và Bảo Đạo Đoàn Hữu Giang tới thông báo mục đích chuyến đi đặc biệt này, rồi ủy nhiệm hai vị cùng quý chức sắc ở lại lo gánh vác việc đạo của Hội Thánh. Vì phải đi khẩn cấp và đảm bảo bí mật an toàn, nên không thể họp rộng rãi được.

Ngài Bảo Đạo lo lắng: "Thưa Anh Lớn, con đường đi thật gian nan. Giặc Pháp đã chiếm và kiểm soát rất nghiêm ngặt dọc đường giao thông thủy bộ. Chỉ còn cách lội xuyên rừng U Minh đầy rắn rết, thú rừng, dễ làm mồi cho dã thú. Nhất là vượt qua những cánh rừng lá mục dày hơn mấy mét rất nguy hiểm. Đi đêm tối không khéo bị thụt xuống, khó mà lên được, sẽ trở thành phân bón cho cây rừng. Rồi còn vượt sông Hậu, sông Tiền, qua mấy đoạn lộ Đông Dương đầy đồn bót giặc, hiểm nguy luôn rình rập. Như vậy khó đảm bảo an toàn cho Anh Lớn. Lại nữa, khi tới những vùng hai bên đang găng nhau, họ không biết Anh Lớn là ai, thật sự quá nguy hiểm. Theo đệ thì chậm lại, bàn tính cho kỹ, không nên đi vội. Mà có nhất thiết Anh Lớn phải đích thân tới những nơi đó không? Hơn nữa, nay Minh Chơn Đạo chỉ còn mình Anh Lớn đứng mũi chịu sào..."

Ngài Đầu Sư tỏ ra lo lắng không kém: "Anh Lớn tuổi cũng đã cao, liệu có vượt nổi con đường vạn dặm này chăng. Hiểm nguy vô vàn, mà kết quả ra sao chưa biết chắc được. Theo tôi, chuyến đi này của Anh Lớn cần chậm lại, hoặc cử một vị đạo tâm nào trong Hội Thánh đi trước thăm dò rồi tính tiếp. Tín đồ Minh Chơn Đạo đang rất cần có Anh Lớn dìu dắt. Nhìn lại, còn ai đủ sức gồng gánh nữa đâu. Nếu Anh Lớn có bề nào hai chúng tôi làm sao trả lời với nhơn sanh về trách nhiệm biết Anh Lớn đi mà không can ngăn."

Tiền bối Cao Triều trầm ngâm suy nghĩ rồi trả lời hai vị: "Trước hết tôi xin cám ơn nhị vị hiền đệ đã thật tình lo cho sự an toàn của tôi. Tôi sẽ trao đổi từng vấn đề một.

"Thứ nhất, trước khi tôi rời đảo Hòn Chuối, Thầy có về đàn dạy rằng: "Khi về tới đất liền con phải nhận một sứ mạng đặc biệt trọng đại, không cử ai thay thế..." Sao tôi lại có thể từ chối sứ mạng Thầy trao? Nếu người khác đi thay được, thì Thầy đã giao cho người đó rồi, cần chi Thầy giao sứ mạng cho tôi.

"Thứ hai, việc cứu người cũng như như chữa cháy. Chậm một giờ là thêm những chiếc đầu lìa khỏi xác, máu đồng bào thêm đổ. Lửa cháy để lâu chỉ còn tro tàn, còn gì mà chữa nữa! Vậy thì nấn ná có ích gì.

"Thứ ba, nhị vị cũng không phải chịu trách nhiệm về việc tôi đi miền Đông. Sứ mạng do Đức Chí Tôn giao phó cho tôi thì tôi có trách nhiệm thi hành. Sao nhị vị phải trả lời cho nhơn sanh mà sợ chớ?

"Thứ tư, tôi xin nhắn lại bổn đạo Minh Chơn Đạo cứ yên tâm. Trên vô vi có Đức Chí Tôn và các đấng Thiêng Liêng luôn hộ trì, chỉ dạy. Còn Hội Thánh hữu hình có các vị chức sắc của Hội Thánh đảm đương. Thiếu một mình tôi thì Minh Chơn Đạo cứ tiến bước, có gì đâu mà lo. Người tính không bằng Ơn Trên tính đâu. Hơn nữa, tôi là người của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, thế Thiên hành hóa ở nơi nào Thầy cần, không nên coi tôi là người của riêng phái chi nào hết.

"Thứ năm, xin nhị vị cứ tin là tôi đi sẽ an toàn và thành công. Chỉ có mau hay chậm mà thôi. Mục đích chuyến đi là dàn xếp cứu người, giác ngộ những người lầm đường lạc lối trở về với nẻo chánh đường chơn, giúp cho kẻ ác trở thành người thiện. Mục đích rõ ràng, chỉ có người thực thi phải vững vàng, và đem hết tấm lòng thương yêu của Thượng Đế ban rải cho chúng sanh mà thôi.

"Còn nếu trường hợp có trắc trở, tôi không trở về thì cũng chẳng có gì đáng bàn. Con người và vạn vật ai cũng phải tuân theo luật tuần hoàn của vũ trụ, có sanh thì phải có diệt là lẽ thường. Hơn nữa, một người mất mà đổi mạng sống cho nhiều người sống và trở về con đường chánh chơn thì cũng tốt lắm rồi. Chỉ lo là không làm được việc mà thôi. Vậy nhị vị hiền đệ cứ yên tâm mà hành đạo nhé. Điều cần nhứt là sự đoàn kết một lòng của chức sắc và bổn đạo. Có như vậy mới làm hậu thuẫn cho tôi đó."

Hai vị chức sắc cúi đầu từ biệt mà lòng rưng rưng, thương cảm. Không biết bao giờ có thể gặp lại người anh thân thương của mình.

Đức Chí Tôn Thượng Đế đã ban trao sứ mạng cho Ngài. Nhờ sức mạnh huyền vi của đức tin Cao Đài, với tâm nguyện vong kỷ vị tha của một con người đã nguyện dấn thân vì Đạo vì nhân sanh bất cứ trong hoàn cảnh nào, tiền bối Cao Triều bình an đi giữa hai làn đạn, đem tình yêu thương của Thượng Đế đến cảm hóa mọi người ở hai phía đối đầu. Hận thù lần lần được hóa giải. Cuộc sống bình yên của xóm làng đã dần trở lại.

Tình cờ người viết bài này đọc được một câu trong một văn bản vào cuối năm 1947 (tức là sau một năm tiền bối thực thi sứ mạng Đức Đại Từ Phụ phó trao trong chuyến đi miền Đông) đại ý như sau: Chuyến đi miền Đông của Anh Lớn Cao Triều Phát để vận động đồng bào Cao Đài đạt nhiều kết quả tốt đẹp thật khó ngờ...

Suốt đời tiền bối Cao Triều Phát luôn mang tình thương đến cho mọi người trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi lúc. Tiền bối đã đi xa nhưng còn để lại tấm gương cho đoàn hậu tấn noi theo.

Tháng 11 năm Đinh Hợi
Cao Bạch Liên

Các con tuân lịnh của Thầy ban,
Độ thế qua cơn thế khổ nàn,
Đem tiết xuân gieo cùng khắp chốn,
Để đời tận hưởng thú vinh quang.

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây