Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
20/08/2010
Thanh Bình

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 25/08/2010

TÌM HIỂU SÁCH LUẬN NGỮ


TÌM HIỂU SÁCH LUẬN NGỮ


Khi nhập môn vào Cao Đài, ai ai cũng thuộc câu thánh giáo:
Tu là sửa những gì đã trật,
Hay
Tu mà không học tu mù.
Hoặc
Học mà không tu như đọc thuộc lòng một bản thực đơn mà không thực phẩm; còn tu mà không học ví như người mù đi đêm. Học tu, tu học phải đi đôi. Của Đức Lý Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ngọc Chiếu Đàn, Ngọ thời, mùng 5 tháng Giêng Ất Tỵ (06.02.1965)

Lời dạy trên rất gần gủi và thiết thực đối với người tín đồ Cao Đài, phát xuất từ tinh thần của câu Học Nhi Thời Tập Chi của Đức Khổng Tử ghi trong trong Luận Ngữ của Nho giáo.
Học Nhi Thời Tập Chi nghe qua rất đơn giản, nhưng là một trong những tư tưởng trụ cột, tư tưởng nền tảng Nho giáo, phát xuất từ một nhà hiền triết, một bậc trí tuệ của nhân loại, cộng thêm với một tấm lòng ưu tư trước cảnh lầm than đau khổ của trăm họ, suốt cuộc đời tha thiết tìm người thực hành học thuyết của mình, nhằm mưu cầu hạnh phúc cho con người.
Đức Khổng Tử trả lời khi được hỏi về chí nguyện của mình như sau:
“Ta muốn cho người già đều được an vui; bạn bè tin nhau; trẻ nhỏ được che chở đùm bọc.” Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương 5 Công Dả Tràng, Tiết 25, tr. 81 : “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi”

(Người già được an vui: an sinh xã hội đầy đủ; bạn bè tin nhau: mối liên hệ trong cộng đồng bền vững; trẻ nhỏ được đùm bọc: giới trẻ có cơ hội tiến thân; những tiêu chuẩn của một xã hội ổn định và phát triển.)
Do vậy, nói đến việc tu thân không thể không học kinh điển Khổng Nho, và thiển nghĩ sách Luận Ngữ sẽ cho ta những bài học căn bản và thực tế nhất, nên dưới đây xin được góp phần tìm hiểu Luận Ngữ qua hai phần sau.
I. Giới thiệu quyển Luận Ngữ.
II. Tinh thần giáo dục của đức Khổng Tử trong Luận Ngữ.

PHẦN I. GIỚI THIỆU LUẬN NGỮ.
1. Định nghĩa:
論 Luận: bàn bạc, xem xét, phân tích. Như: đàm luận 談 論, nghị luận 議 論, thảo luận 討 論.
語 Ngữ: Lời nói bằng miệng; nói, nói chuyện, bàn luận.
Luận ngữ là một tập hợp những lời trao đổi của Đức Khổng Tử với các học trò của Ngài. Trong đó, đa số ghi lại lời của Đức Khổng Tử, một số ít là lời học trò của Đức Khổng Tử, và của người cầm quyền lúc bấy giờ.
Dầu không phải do chính Đức Khổng Tử ghi lại, nhưng theo các nhà nghiên cứu thì bên cạnh Tiểu Sử Đức Khổng Tử ghi trong Sử Ký Tư Mã Thiên thì Luận Ngữ là một tài liệu phản ảnh được cuộc đời và tư tưởng của Đức Khổng Tử một cách trung thực nhất.
2. Luận Ngữ được kết tập trong thời gian nào và ai chấp bút?
Quyển Luận Ngữ hiện nay được trình bày thành 10 Quyển, 20 Chương, và 494 tiết.
Tựa mỗi Chương được đặt theo chữ đầu của Tiết đầu tiên, nên không có nghĩa là nội dung chính của Chương.
Thí dụ: Chương 1: Học Nhi; được ghi theo Tiết 1 của Chương Học Nhi là “Học nhi thời tập chi”
Thứ tự của các Chương, cũng như các Tiết trong Luận Ngữ hoàn toàn độc lập với nhau. Không có mối liên hệ trước sau.
• Luận Ngữ được ghi lại trong thời gian nào?
Theo các nhà nghiên cứu, thì Luận Ngữ được cho là viết trong khoảng thời gian từ 30-50 năm sau khi Đức Khổng Tử mất (479 BC).
Bản văn Luận Ngữ đầu tiên phổ biến năm nào, hiện nay chưa tìm được.
Bản xưa nhất được khai quật năm 1973 là một bản tre có niên đại 55 BC.
Thời nhà Tây Hán, trong khoảng thời gian từ 51-07 BC, hai bản văn Luận Ngữ, một của nước Lỗ, một của nước Kỷ, một nước nhỏ thời nhà Chu, được hợp nhất lại, chương tiết thì theo của bản nước Lỗ, và là bản có hình thức gần như ngày nay. Theo Analects, Wikipedia, the free encyclopedia.

Ai chấp bút ghi lại thành Luận Ngữ? Theo http://www.bookrags.com/research/analects-ema-01/ The Analects (Chinese Lunyu)

Theo học giả D.C Lau, người Hồng Kông, sanh năm 1921, thì 11 chương đầu được viết ngay sau khi Đức Khổng Tử mất, những chương còn lại, do các đệ tử thế hệ thứ hai ghi chép.
Còn Jonh Makeham, một giáo sư Đại Học Úc cho rằng : hình thức Luận Ngữ xắp xếp theo hình thức hiện tại ít nhất cũng phải sau năm 150 BC.
Còn hai học giả E.Bruce và Taeko cho rằng chương 4 đến chương 11 là được ghi trước tiên, trong đó chương 9 đến chương 11 do thế hệ đệ tử thứ hai ghi, còn các chương khác được ghi chép trong các thời điểm khác nhau.
Còn theo học trò của Tăng Tử thì tin rằng người có công nhiều nhất trong việc kết tập lời dạy của Đức Khổng Tử, là Tăng Tử. (505-436BC)

PHẦN II. TINH THẦN GIÁO DỤC TRONG LUẬN NGỮ.

1. Đức Khổng Tử Là Người Thành Lập Nền Giáo Dục Đến Cho Tất Cả Mọi Người.

Sách xưa gọi là “Trúc bạch hạ thứ dân”; tre lụa đi đến thứ dân ( tre lụa dùng để ghi chép văn tự)
Đức Khổng Tử là một bậc nổi tiếng thời Trung Hoa Cổ Đại: Một nhà chính trị lỗi lạc, một triết gia, nhưng điều mà đức Khổng Tử lưu dấu ấn sâu đậm nhất là phát triển giáo dục tại đất nước Trung Hoa và các nước khác chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như Việt nam, Đại Hàn, Nhật Bản.

2. Hữu Giáo Vô Loại.

Vào thời Nhà Chu (1122-256 BC) việc học dành cho giới quí tộc, cái học của giới quí tộc, thường dân không được học, và cũng không có nghề Thầy giáo thường xuyên.
Đức Khổng Tử là người lập ra Tư học, đối lập với “cái học của giới quí tộc”. Đức Khổng Tử nói rằng: “hữu giáo vô loại” (Dạy người chẳng cần phân biệt.) Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương 15 Vệ Linh Công, Tiết 38, tr. 254.

Lời dạy của Đức Khổng Tử dành cho mọi người, không phân biệt. Lễ nhập học chỉ là một bó nem . Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương 7 Thuật Nhi, Tiết 7, tr. 100.

Trường của Đức Khổng Tử là trường Tư học duy nhất vào thời bấy giờ .

3. Ảnh Hưởng Của Việc Học.

a. - Phát huy đạo dức cá nhân, giúp xã hội ổn định.
Đức Khổng Tử quan niệm bản chất con người “tánh tương cận, tập tương viễn” Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương 17 Dương Hóa, Tiết 2,tr. 269.
• ,
Người ta ai cũng có bản tánh đều giống nhau, bổn tánh lành, nhưng bởi nhiễm thói quen nên khác nhau.
• Bên cạnh đó môi trường xã hội rất có tác động rất mạnh đến tánh con người.
Đức Khổng tử khen Ông Tử Tiện:
“Người ấy đáng là quân tử thay! Ấy nhờ nước Lỗ đã có thầy hay bạn giỏi nên mới được vậy. Nếu nước Lỗ không có trang quân tử thì lấy đâu mà có được đức của quân tử.” Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương 5 Công Dả Tràng, Tiết 2, tr. 65. “Quân Tử tai nhược nhơn. Lỗ vô quân tử giả, tư yên thủ tư.”
Ngoài ảnh hưởng của xã hội , những nổ lực cá nhân giữ một vai trò quan trọng trong thành quả tu sửa bản thân. Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương 7 Thuật Nhi, Tiết 28, tr. 113. “Hỗ hương nan dữ ngôn. Đồng tử kiến; môn nhơn hoặc. Tử viết: nhơn khiết kỷ dĩ tấn; dữ kỳ khiết dã, bất bảo kỳ vãng dã; dữ kỳ tấn dã, bất dữ kỳ thối dã. Duy hà thậm.”

Luận Ngữ ghi rằng: “Người làng Hổ hương có tiếng ác nghịch, khó giảng điều lành, lẽ phải cho họ nghe; có một chàng trai trẻ của làng đến yết kiến Đức Khổng Tử để xin học, chư môn sinh lấy làm nghi hoặc.
Đức Khổng Tử dạy: Người ta lấy lòng trong sạch mà đến với mình, thì mình lấy lòng trong sạch mà thâu nhận, chớ không cam đoan bảo lảnh những việc đã qua. Ngày nay người ta đến với mình thì mình thâu nhận, không đảm bảo khi người không học. Có chi mà nghiêm khắc thái quá.”
Do những yếu tố trên, giáo dục có một vai trò quan trọng trong sửa đổi tánh con người.
Đức Khổng Tử quan niệm giáo dục nâng cao đạo đức cá nhân, đồng thời phát triển xã hội.
Đối với nhà cầm quyền, dân chúng có đạo đức thì xã hội ổn định, đất nước được trật tự an ninh.
b.- Đạo đức và chính trị luôn luôn đi đôi, không thể tách rời.
Đức Khổng Tử cho rằng đạo đức không thể tách rời chính trị.

b.1- Xã hội được định hình bởi nhà cầm quyền.

Luận Ngữ ghi: Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương 12 Thuật Nhi, Tiết 18, tr. 190. “Quân tử chi đức phong, tiểu nhơn chi đức thảo. Thảo thượng chi phong tất yển”

• “Khi Quí Khương Tử, một trong các nhà đang cai trị nước Lỗ lúc bấy giờ , hỏi đức Khổng Tử về cách cai trị :
Tôi muốn ra lệnh giết mấy đứa độc ác đặng cho bá tánh sợ mà ăn ở lương thiện, Ngài nghĩ có nên chăng?
Đức Khổng Tử đáp :
Ông muốn cai trị, cần chi phải dùng sự chém giết? Nếu tự Ông muốn làm thiện, thì dân chúng sẽ trở nên thiện hết cả.
Đức vị của người quân tử đang cầm quyền tỷ như gió, địa vị của dân chúng tỷ như cỏ. Gió thổi chiều nào thì cỏ theo chiều đó.
• Hay là
“Ông Quí Khương Tử lo rầu, vì ở nước Lỗ có nhiều kẻ trộm. Ông hỏi Đức Khổng Tử làm
sao cho dứt nạn trộm.
Đức Khổng Tử đáp:
Ở trên nhà cầm quyền giữ đức thanh liêm, thì ở dưới dân chúng sẽ được cảm hóa mà trong sạch.
Nay Ông cai trị bá tánh, nếu không có lòng tham dục, thì dẫu thưởng họ, họ cũng không đi ăn trộm.
“Cẩu tử chi bất dục, tuy thưởng chi bất thiết.

b.2-. Giáo dục nhằm đào tạo thành phần mà Luận Ngữ gọi là: hiền tài, kẻ sĩ, quân tử là những người có khả năng dung hòa năng lực cá nhân và đạo đức, phục vụ trong nhà nước để việc điều hành nhà nước có hiệu quả, thực thi công bằng xã hội.
Đức Khổng Tử chủ trương chọn người vào các chức vụ điều hành nhà nước phải chọn hiền tài.
Đem người không học ra điều hành đất nước là hại người đó, và còn hại cả xã hội.
Luận Ngữ ghi:
Khi Tử Lộ cử Tử Cao đảm nhiệm một ấp, Đức Khổng Tử nhận xét Tử Cao kém học vấn, và rầy Tử Lộ:
“Đó là ngươi hại con người ta.”
Hoặc là :
“Ai Công nước Lỗ hỏi đức Khổng Tử làm sao cho dân phục.
Đức Khổng Tử đáp : (Một cách rõ ràng, cụ thể, và chắc chắn như đinh đóng cột)
Cử người chánh trực, không dùng người tà vạy thì dân phục. Còn cử người tà vạy, không dùng người chính trực, thì dân không theo.
Do đó, các triều đại thời phong kiến Trung Quốc dùng cái học của Khổng Tử để chọn người phục vụ trong guồng máy hành chánh nhà nước.
Từ đời nhà Hán (100 năm trước Công nguyên), tư tưởng Khổng giáo chiếm địa vị độc tôn trong hệ thống giáo dục của Trung Hoa cổ đại. Kéo dài suốt hai ngàn năm, đến đầu thế kỷ kỷ 20 mới chấm dứt.

4. Chân Dung Kẽ Sĩ.

Trước nhu cầu giáo dục con người đặt trong môi trường xã hội, phát huy đạo đức cá nhân, đồng nghĩa nâng cao đạo đức xã hội và đào tạo một thành phần mà xã hội đang cần, người đảm nhận trọng trách đem cơm no áo ấm cho muôn người, người đi học hay Kẻ Sĩ theo Luận Ngữ cần phải có các phẩm chất căn bản như sau.

4.1- Kẻ sĩ phải có trách nhiệm với xã hội.
Luận Ngữ ghi rằng: Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương 12 Thuật Nhi, Tiết 18, tr. 190. “Quân tử chi đức phong, tiểu nhơn chi đức thảo. Thảo thượng chi phong tất yển”


Trường Thư và Kiệt Nịch đang cày ruộng gieo hạt. Khổng tử đi qua, sai Tử Lộ đến hỏi bến đò ở đâu.
Trường Thư không trả lời mà hỏi lại Tử Lộ: “Này, người đang cầm cương trên xe kia là ai vậy?”
Tử Lộ đáp:
“Là thầy Khổng Khâu.”
“Có phải ông Khổng Khâu ở nước Lỗ không?”
“Đúng thế.”
Trường Thư nói: “Thế thì tự ông ấy biết bến đò rồi mà!”
Tử Lộ bèn quay sang hỏi Kiệt Nịch.
Kiệt Nịch cũng không trả lời, hỏi lại: “Thế anh là ai vậy?”
“Là Trọng Do.”
“Có phải học trò ông Khổng Khâu nước Lỗ không?”
“Dạ, phải.”

Kiệt Nịch nói: “Khắp thiên hạ ly loạn, đâu đâu cũng là dòng nước đục cuồn cuộn. Thế thì ông Khổng Khâu còn mong cùng người nào thay đổi tình thế thiên hạ được? Vả lại, đi theo kẻ sĩ tránh người, sao bằng đi theo kẻ sĩ tránh đời? ”
Vừa nói vừa tiếp tục bừa phủ lên luống cày mới được gieo hạt.

Tử Lộ trở về xe, kể lại tất cả với Khổng tử.
Khổng tử bùi ngùi nói rằng:
“Chỉ có loài chim loài thú, con người mới không thể đánh bạn với thôi. Ta không sống chung với người trong xã hội này thì sống chung với ai đây? Nếu thiên hạ yên trị rồi thì Khâu này còn cần gì phải tham dự vào việc thay đổi nữa!"

4.2. Phân biệt kẻ sĩ đích thực và kẻ sĩ hữu danh vô thực.
Kẽ sĩ là thành phần trí thức trong xã hội, được trọng vọng. Nhưng cùng đi học, Khổng Tử lại nhận thấy có Quân tử nho, và Tiểu nhân nho. Khác biệt do “đạt” và “văn”.
Thế cho nên, trong cuộc giải đáp câu hỏi của học trò Tử Trương, Khổng tử đã phân tích rõ thế nào là kẻ sĩ đạt và kẻ sĩ văn.
• "đạt" : thấu triệt, thành tựu.
• "văn": "có tiếng tăm", "nổi tiếng"
Theo Khổng Tử, gọi là "đạt" là để chỉ kẻ sĩ chân chất đích thực và đây chính là kẻ sĩ đã thấu suốt và thành tựu về nhân cách, về trách nhiệm kẻ sĩ đối với xã hội.

Khổng tử nêu ra 4 chuẩn mực của kẻ sĩ được gọi là "đạt" như sau:
Đạt dã giả, chất trực nhi háo nghĩa: người đạt chơn chất và thực hành nghĩa. Chất trực, tức trung thực và ngay thẳng, khí khái, thường nói gọn là cương trực liêm khiết. Và đó là phẩm chất đầu tiên của kẻ sĩ. Háo nghĩa, tức hào hiệp, khảng khái, không tiếc sức mình làm việc cho quốc gia xã hội, dám hy sinh chịu thiệt thòi vì chân lý.
sát ngôn nhi quan sắc, quan sát lời ăn tiếng nói cùng diện mạo của người để hiểu người. Đối với công việc và con người cần có cách nhìn và tầm nhìn, mẫn cảm với thời thế.
lự dĩ há nhơn: suy nghĩ để nhường người. Cẩn thận trong giao tiếp với người, nhún mình nhường người nuôi lấy đức độ, lúc nào cũng lưu ý điều chỉnh bản thân cho hợp thời thế.
Tại bang tất đạt, tại gia tất đạt.
Người như thế thì trong nước cũng đạt và tại nhà cũng đạt.
Còn kẻ sĩ gọi là "văn", tức là kẻ sĩ có tiếng tăm thì hoàn toàn khác với kẻ sĩ gọi là "đạt".
Phù văn giả, sắc thủ nhân, còn kẻ sĩ mà văn thì bên ngoài mặt làm ra vẽ nhân,
nhi hạnh vi, mà hành động thì không giữ điều nhân,
cư chi bất nghi, nhưng cứ quả quyết mình là người nhân.
Tại bang tất văn, tại gia tất văn. Ngừời như vậy trong nước thì được tiếng khen, trong nhà thì được tiếng khen.
Kẻ sĩ “văn” có tiếng tăm là kẻ chỉ thạo làm những việc hình thức, thường khéo tạo ra cái vẻ nhân đức, thương dân. Nhưng việc làm thì lại trái với nhân đức, coi dân như phương tiện để thủ lợi, luôn luôn tự cho mình là phải, chẳng biết kiêng sợ gì.

4.3-Tại sao đức Khổng tử phân biệt kẻ sĩ tại bang và kẻ sĩ tại gia?
Đức Khổng Tử phân biệt có ba hạng kẻ sĩ
Tử Cống hỏi: “Phải như thế nào mới đáng được gọi là kẻ sĩ?"
Khổng tử trả lời rằng: “phải biết xấu hổ, đi sứ bốn phương không để nhục mệnh vua. Như vậy có thể gọi là kẻ sĩ.”
Tử Cống lại hỏi: “Dám hỏi bậc dưới đó phải ra sao?”
Trả lời: “Họ hàng khen là người hiếu, xóm làng khen là người đễ.”
Tử Cống lại hỏi: “Dám hỏi bậc dưới nữa phải ra sao?”
Trả lời: “Lời nói đáng tin cậy, làm việc có hiệu quả; tuy rằng bụng dạ hẹp hòi cố chấp đi chăng nữa cũng vẫn đáng xếp bậc ba kế đó.”
Tử Cống lại hỏi: “Những người làm quan đời nay (ở nước Lỗ) thì sao?”
Khổng tử nói: “Ôi! Hạng người nhỏ mọn như cái đấu, cái sao ấy có đáng kể gì!"
Theo Đức Khổng Tử thì kẻ sĩ bậc một:
• Bậc một: Tiêu chuẩn đầu tiên của kẻ sĩ bậc một này là biết nhục, biết xấu hổ, khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Kẻ sĩ bậc một là người có tài năng, tầm hoạt động rộng lớn, và biết xấu hổ, khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
• Bậc hai: Là người tiêu biểu trong gia đình thân tộc, chòm xóm.
Khả năng và phạm vi hoạt động không như kẻ sĩ bậc một.
• Bậc ba: Tiêu chuẩn của bậc ba này được xét ở lời nói và việc làm.
Có khả năng từng công việc cụ thể, nhưng vì bụng dạ hẹp hòi cố chấp nên lãnh đạo thì gây khó khăn cho người.
Cuối cùng, Tử Cống hỏi về những người đang làm chính sự ở nước Lỗ thời bấy giờ.
Đức Khổng tử than. Ôi thôi, những người ấy tầm thường nhỏ bé như cái đấu, cái sao (dụng cụ đo lường ở nước Lỗ thời Xuân Thu). Bụng dạ nhỏ bé, chỉ lo gom góp cho bản thân, không lo quốc gia đại sự.
Như vậy, bên cạnh sự phân biệt “đạt” và “văn” Đức Khổng tử còn phân biệt kẻ sĩ do năng lực làm việc. Kẻ sĩ có thể đại diện một nước trong trường quốc tế, hay tại một địa phương, còn có kẻ đi học chỉ có thể phân từng công việc cụ thể.

4.4- Kẽ sĩ phải có chí khí rộng lớn và cương nghị để thực hành “Nhân”
Ông Tăng tử nói rằng:
Kẻ sĩ phải có chí khí rộng lớn và cương nghị, là vì gánh thì nặng mà đường thì xa.
Đức Nhân là trách nhiệm mà mình phải gánh lấy, há không nặng sao?
Đã làm điều Nhân thì mình phải làm cho đến chết mới thôi, như vậy con đường chẳng phải là xa sao?
Tại sao kẻ sĩ lại phải có phẩm chất “nuôi chí lớn và nghị lực lớn” ?
Tăng tử trả lời: “Là bởi vì, gánh trên vai thì nặng mà đường thì còn xa”.
Gánh gì mà nặng? đi đâu mà xa?
Tăng tử nói: "Lấy điều Nhân làm trách nhiệm của mình, chẳng là nặng hay sao?
Thực hiện điều Nhân cho đến chết mới thôi, như vậy thì đường đi chẳng còn xa sao"?

Nhân mà kẻ sĩ "tự lấy làm trách nhiệm của mình", nhân dĩ vi kỷ nhiệm, có nội dung như thế nào?
Nhân mà kẻ sĩ tự nhận trách nhiệm suốt đời không chỉ ở phương diện đối nhân xử thế, phương diện hành đạo giúp đời, gọi là thực hành “Nhân” mà gồm cả phần tu thân.
Đức Khổng Tử và các môn đệ chưa đưa ra một định nghĩa cụ thể Nhân như thế nào. Nhưng Nhân đều được nhắc đến khi được hỏi về cả hai phương diên tu thân và khi thi hành trách nhiệm một kẽ sĩ, gọi là thực hành nhân.
Phàn Trì hỏi về nhân. Khổng Tử đáp: Yêu người.”
Đối với Nhan Uyên thì Khổng tử giải thích
" Khắc kỷ phục lễ vi nhân.” …Làm điều nhân là do mình, chứ đâu có do người?"
Nhân được thể hiện ở tài năng trong khi thi hành nhiệm vụ.
Khi Mạnh Võ Bá hỏi Khổng tử rằng Tử Lộ, Nhiệm Cầu, Công Tây Xích có phải là người Nhân không, Khổng tử đều khen họ mỗi người có một tài năng riêng, như Tử Lộ giỏi về võ bị, Nhiệm Cầu về trị nước, Công Tây Xích về ngoại giao. Nhưng còn vấn đề họ "có phải là người nhân không" thì, tuy khen như thế nhưng Khổng tử đều nhất mực đáp "còn nhân hay không thì không biết".
Tóm lại về phương diện tu thân, khắc kỷ, thì để nuôi dưỡng Nhân thì "Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người"
Còn thi hành “Nhân” thì sao?
Đức Khổng Tử giải thích với Tử Cống làm điều nhân, nhân chi phương, trong cương vị kẻ sĩ như sau:
Kỷ dục lập nhi lập nhân: hễ mình muốn thành lập cho mình thì cũng thành lập cho người.
Kỷ dục đạt nhi đạt nhân: hễ mình muốn được thành đạt thì lo cho người cũng được thành đạt.
Năng cận thủ thí. Hãy lấy điều gần ngay trong lòng mình mà suy đạc đến lòng người, coi lòng người cũng như lòng mình, xem người cũng như mình, lấy cách đối đãi mình mà đối đãi với người .
Khả vị nhân chi phương dã dĩ. Thế mới gọi là cách làm nhân của kẻ sĩ vậy.
Như vậy thi hành Nhân là : những gì mình muốn làm cho mình thì hãy làm cho người.

Còn “ Thi ân bố đức khắp thiên hạ, cứu tế cho đại chúng”
Đức Khổng Tử dạy là đức của bặc thánh nhơn, chỉ bậc thánh nhơn mới đủ đức độ mà cứu tế đại chúng.

4.5 Sát thân thành nhân.
Cuối cùng, Đức Khổng Tử nói rằng:
Kẻ sĩ nuôi chí lớn, chí sĩ, chỉ làm điều mình cho là phải cho mọi người vì đó là điều mình muốn làm cho mình, bậc chí sĩ có đức nhân, chí sĩ nhân nhân , thường coi việc nghĩa nặng hơn sự sống.
Đã là kẻ sĩ, chỉ có thể giết được chứ không làm nhục được,“sĩ khả lục bất khả nhục”.
Cho nên, có lúc bậc chí sĩ có đức nhân vui vẻ xả thân mình để hoàn thành lý tưởng nhân của mình, sát thân thành nhân.
“Bậc chí sĩ có đức nhân không cầu mong được sống để làm hại điều nhân, mà có khi còn xả thân để giữ trọn đạo nhân".

Trong lịch sử Viêt Nam, sĩ khí, sức sống của kẻ sĩ, của tầng lớp trí thức đã hiện diện trong các triều đại của Việt nam, của một dân tộc thấm nhuần tinh thần nhân bản của Nho gia. Kẻ sĩ càng nổi bật trong những khúc quanh bi hùng của một dân tộc luôn đấu tranh sinh tồn.
Không thành công, cũng thành Nhân của Nguyễn Thái Học,
Thà tuẩn tiết còn hơn sống nhục vì trách nhiệm không tròn của các Phan Thanh Giản, Nguyễn tri Phương, Hoàng Diệu.
Cụ Hoàng Diệu trước khi dùng khăn bịt đầu thắc cổ tự tử, đã cắn ngón tay lấy máu viết di biểu tạ tội với vua Tự Đức: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng.”
Sĩ khí này được tầng lớp nhà nho Việt Nam truyền cho tầng lớp dân chúng. Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc ghi như sau :
Người nghĩa sĩ, nông dân nghèo khổ “cui cút làm ăn”,”chất phác hiền lành, nhưng tấm lòng yêu nước dứt khoát, rõ ràng: “ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ” , “đâu dung lũ treo dê bán chó”.
Căm thù quyết không đội trời chung với giặc Pháp, yêu nước, yêu xóm làng quê hương, tự nguyện đứng lên đánh giặc: “Mến nghĩa làm quân chiêu mộ”,
Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, lẫm liệt hiên ngang: “nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có”,
nhưng phải hy sinh đột ngột trên chiến địa: “Những lăm lòng nghĩa lâu dùng; đâu biết xác phàm vội bỏ”.
Và tấm lòng này, ngày nay vẫn còn sáng tỏ với non sông tổ quốc:
Chùa Tông Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm;

Theo giáo sư Đại học Vinh Hoàng Văn Lân, thì trong thế hệ chúng ta ngày nay lớp người kẻ sĩ này hiện nay không còn nữa, nhưng thế hệ kẻ sĩ đã để lại những đặc trưng, những dấu ấn không thể phai mờ, tạo nên tính cách và tâm thức thăm thẳm của con người Việt Nam có học, của trí thức Việt Nam đích thực.

ooOoo
Khi mới khai đạo, Đức Chí Tôn Thượng Phụ dạy:
"Đạo phát trể một ngày là một ngày hại nhơn sanh." Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, 22 và 23 tháng 04 năm 1926, 11 và 12 tháng 3 Bính Dần.
Phẩm chất kẻ sĩ, tinh thần yêu nước, yêu dân tộc dưới hình bóng các vị Tiền khai Đại Đạo đã cùng với những thăng trầm thống khổ của người Việt Nam, các đấng Tiền Khai trải thân khắp đất nước để thực hành sứ mạng Thượng Đế phó giao, nhưng cũng để cứu dân tộc trong cơn cộng nghiệp.

“Thân chí sĩ gặp thời tao loạn,
Phận anh hùng mấy đoạn cam go,”

Với sứ mạng Nho Tông chuyển thế, tinh ba Nho giáo làn căn bản. Tinh thần giáo dục của Khổng giáo thể hiện trong mọi thành phần của đạo Cao Đài, từ người tín đồ đến các vị chức sắc, gồm nam nữ và thanh thiếu niên.
Đức Cao Triều Phát tiền bối dạy:
“Muốn thế giới được hòa bình, loài người được tình thương, thế gian được an cư lạc nghiệp trong tinh thần tương trợ, thì ngay từ giờ phải ý niệm và gây dựng một thế hệ ngày mai. Thế hệ đó là thanh thiếu niên, thiếu sinh của mọi giới, mọi lãnh vực.”
Vai trò của người đào tạo vô cùng quan trọng.
Đức Lý dạy người đào tạo là cái khuôn, còn thanh thiếu niên là khối bột.
Khuôn đúc như thế nào thì bột thành thế đó. Nên người đào tạo phải là khuôn vàng thước ngọc để những mầm non trưởng thành.
“Anh đem thước ngọc khuôn vàng,
Đó là đạo lý bảo toàn các em.” Đức Cao Triều Phát, Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 30 tháng10 Đinh Mùi, 01-12-1967.


Và học Luận Ngữ, người đạo Cao Đài nên trước nhất thực hành đức Nhân của kẻ sĩ là
• hễ mình muốn thành lập cho mình thì cũng thành lập cho người
• hễ mình muốn được thành đạt thì cũng lo thành đạt cho người.
• Hãy lấy điều gần ngay trong lòng mình mà suy đạt đến lòng người, coi lòng người cũng như lòng mình, xem người cũng như mình, lấy cách đối đãi mình mà đối đãi với người .
Thì Đức Cao Triều Phát dạy ngừời Thanh Thiếu Niên:
“Không ai có thể bắt kẻ khác làm cho mình, hơn hết là mình làm cho kẻ khác.” Đức Cao Triều Phát, Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 29 tháng Chạp, Bính Ngọ,(08-02-1967.

Và Đức Mẹ dạy:
“Nhân là thương khắp muôn loài vạn chúng,
Không biệt phân nòi giống lạ hay quen;
Cũng không chia cao thấp sang hèn,
Thương kẻ ghét mình mà lo tế độ.” Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời 13 tháng 8 Kỷ Mùi (3-10-1979)

KẾT LUẬN

Những lời dạy của Đức Khổng Tử cũng như của các bậc Đạo Tổ khác, hay các đấng Thần Thánh Tiên Phật đang bàng bạc trong thánh giáo Cao Đài.
Đó là những tinh ba trí tuệ nhân loại mà người Việt Nam đang tiếp thu bằng tiếng mẹ đẻ, bằng chữ Quốc ngữ phong phú. Nhờ đó nhân sanh quần chúng hưởng được lẽ Trời bằng những ngôn từ vừa thanh cao vừa giản dị thân thiết, hướng dẫn cho cuộc sống hằng ngày, đồng thời truyền tải được mọi tư tưởng đạo học triết học . . .
Luận Ngữ đã giải quyết cho nhân loại nhiều khía cạnh cho cuộc sống: từ giáo dục, chính trị, tu thân…bằng những câu ngắn gọn, giản dị, nhưng vô cùng khúc chiết.
Về phương diện đào tạo con người, nếu trong đạo Phật muốn gọi là Sa di thì phải giữ 10 giới, tỷ kheo gồm 250 giới, tỷ kheo ni phải giữ 348 giới, … thì những lời dạy của đức Khồng Tử cũng nhằm định danh kẻ sĩ.
Kẻ sĩ cùng học vấn, mà vì “văn”, không vì “đạt” thì không phải là kẻ sĩ.
Hiếu với cha mẹ không chỉ có nuôi ăn, mà còn phải tôn trọng. Nó năng không lễ phép thì không phải là hiếu.
Nhà cầm quyền muốn an dân, dân theo, dân phục thì phải trọng người cương trực ngay chánh, nếu trọng người tà vạy thì dân không theo. …
Lời chỉ dẫn của Đức Khổng Tử qua Luận Ngữ vô cùng rõ ràng đơn giản, nhưng là kinh nghiệm của một một vị thánh.
Những lời như thế trở thành những nguyên tắc, nếu không theo thì sẽ thất bại trên mọi phương diện của cuộc sống.
Mười Quyển, 20 Chương, 494 Tiết, gồm rất nhiều câu có tính cách luật lệ như thế đang chờ kẻ sĩ Cao Đài học hỏi, để tin tưởng ánh sáng chân lý đang chiếu sáng trong giáo lý Cao Đài, để chấn chỉnh kỷ cương, phục hưng chánh khí của dân tộc, hầu cùng nhịp bước với các dân tộc khác trên con đường xây dựng xã hội đại đồng.

______________________

Sách tham khảo:

Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương XVIII Vi Tử, Tiết 6, tr. 287.
Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương XIV Hiến vấn,Tiết 39, tr. 233
“Người hiền đức đi ẩn dật có bốn hạng, hạng tỵ thế là hạng xa lánh thiên hạ vì thói đời bại hoại; hạng tỵ địa phải rời khỏi nước mình trong cơn loạn lạc; hạng tỵ sắc xa lánh những người thiếu lễ; sau cùng là hạng tỵ ngôn xa lánh những người lời nói xảo trá.” “Tử viết: hiền giả tỵ thế; kỳ thứ tỵ địa; kỳ thứ tỵ sắc; kỳ thứ tỵ ngôn.”
Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương XII Nhan Uyên, Tiết 19, tr. 191.
Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương XIII Tử Lộ, Tiết 20, tr. 208
Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương VIII Thái Bá, Tiết 8, tr. 125. Tăng tử viết: Sĩ khả dĩ bất hoằng nghị. Nhậm trọng nhi đạo viễn. Nhân dĩ vi kỷ nhậm, bất diệc trọng hồ? Tử nhi hậu dĩ, bất diệc viễn hồ?
Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương XII Nhan Uyên, Tiết 21, tr. 193.
Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương XII Nhan Uyên, Tiết 01, tr. 181.
Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương V Công Dả Tràng, Tiết 07, tr.169.
Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương XII Nhan Uyên, Tiết 02, tr. 181; tr. 249
Luận ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương VI, Ung Dã, Tiết 28, tr. 97.
Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương XV Vệ binh Công, Tiết 8, tr. 243 “Tử viết: chí sĩ nhân nhân, vô cầu sanh sĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân.”
Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, Chương XV Vệ binh Công, Tiết 8, tr. 243 “Tử viết: chí sĩ nhân nhân, vô cầu sanh sĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân.”
Thanh Bình

Dưỡng dục quần sanh đức hiếu sanh,
Khai Minh Đại Đạo, Đạo tài thành,
Tam Kỳ tận độ an thiên hạ,
Thánh đức âu ca hưởng phước lành.

Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, CQPTGL, Rằm tháng 10 Quý Sửu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây