Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
14/06/2007
Chí Thật

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 14/06/2007

Một chuyến liên giao

Ngày mùng 1 tháng 3 Đinh Hợi (thứ ba 17/04/2007) được sự phân công của Ngoại Giao Vụ, phái đoàn chúng tôi gồm ba nhân viên: Chí Thật, Minh Đức và Đinh Thị Hạnh, đi dự lễ tại thánh thất Nguyệt Cảnh.

Xuất phát từ Cơ Quan lúc 20g25 phút ngày 29 tháng 3 Đinh Hợi, hai con ngựa sắt chở chúng tôi ra phòng vé công ty xe khách Mai Linh số 500 Lê Hồng Phong. Làm thủ tục mua vé xong, có xe trung chuyển đưa chúng tôi ra bến xe xa cảng miền tây lúc đó 21g35 phút, cũng là thời điểm chúng tôi khởi hành đi Cà Mau.

Do khoảng cách khá dài ( TPHCM – Cà Mau  khoảng 400km) cho nên bác tài phải chạy trong đêm, đến Cái Bè Tiền Giang 23g20 phút xe dừng lại một cửa hàng ăn uống, cho quí khách giải quyết vấn đề của cơ thể , có người nạp vô, có người lại xả ra…

Mọi việc ổn định, xe tiếp tục lên đường đến bến phà Hậu Giang(bắc Cần Thơ) lúc đó đã là 0g45 phút, mọi người tản bộ qua cầu phà, sang sông xe chạy một mạch đến Sóc Trăng lúc đó đã là 2g15 phút, màn đêm vẫn bao phủ. Bác tài là người mệt mỏi nhất, vì phải làm việc trong môi trường trái tự nhiên, thêm vào đó là những tiếng ngáy trên xe làm cho bác tài muốn ngáy theo…

Nhưng vì công việc và trách nhiệm cho nên một lần nữa, bác tài phải cho xe dừng lại cũng tại một cửa hàng ăn uống. Để quí khách xả nghỉ, hầu như các cửa hàng ăn uống chỉ phục vụ cho khách bình thường, còn khách đặc biệt như 3 người chúng tôi, với 3 bộ đồ trắng, thì chỉ có mì gói chay là tiện lợi cho cả đôi bên.

Mọi người từ quí khách đến bác tài cảm thấy dễ chịu sau 30 phút thư giản về mọi mặt của thể xác, xe tiếp tục lên đường để đi hết quãng đường còn lại. Trời đã mờ mờ sáng, xe đổ bến ở trung tâm TP Cà Mau trong tiếng thở nhẹ nhàng của bác tài, vì đã hoàn tất công việc của mình.

Quí khách bước xuống xe trong nhiều tâm trạng, người thì vui vẻ, phấn khởi do sắp gặp được người thân, người thì hoang mang lo lắng, vì mới lần đầu tiên đặt chân đến đất mũi Cà Mau. Trong số đó có 3 kẻ bụi đạo giang hồ kiếm thất như chúng tôi, phải hỏi đường đi đến nơi dự lễ, vì thời gian không cho phép, lúc này đã là 4g30 phút sáng.

Một lần nữa xe trung chuyển lại chở chúng tôi đi đến bến tàu A, từ đây theo sự chỉ dẫn của người địa phương, phải chuyển sang phương tiện đường thuỷ mới đến thánh thất. Chúng tôi đi chuyến tàu cao tốc đầu tiên khởi hành lúc 5g10 phút. Giá vé mỗi hành khách là sáu chục ngàn đồng,

( phà Thủ Thiêm mỗi hành khách đi bộ chỉ trả có 500 đồng , vậy mà một lượt đi phải trả 60000đ một người, như thế đủ biết là quãng đường đi khá dài).

 Hỏi thăm bà con địa phương cho biết, nếu đi đường bộ đến thánh thất khoảng 85km, còn đường thuỷ thì chưa được biết. Nhưng chỉ biết rằng nếu đi những phương tiện đường thuỷ bình thường khác thì phải mất 4 tiếng rưỡi mới tới được thánh thất.

Chiếc cao tốc chạy tốc độ như  chiếc ca nô bay xé nước trên kênh xáng bà Kẹo, một vùng sông nước mênh mông trắng xoá thật tuyệt đẹp. Sau 1g40 phút uốn lượn trên xáng nước, chiếc cao tốc đã dừng lại ở trạm cuối của cuộc hành trình, cũng là nơi chúng tôi đến dự lễ thánh thất Nguyệt Cảnh.

Thánh thất Nguyệt Cảnh kia rồi, lúc này đã là 6g50 phút, tôi nói với nhị vị trong đoàn, thật bất ngờ sung sướng một nơi xa xôi cách TPHCM khoảng 500km, lại nằm trên vùng sông nước phương tiện đi lại không mấy thuận lợi, ấy thế mà đã tạo dựng được ngôi Thánh Thể Đức Chí Tôn hoàn hảo với đầy đủ tam đài, thiên phong đường, đông lang, tây lang và các công trình phụ khác, hổ trợ cho việc tu học hành đạo tại địa phương thật đáng trân trọng…

Chúng tôi được ban tổ chức tiếp đón niềm nở, sau đó được hướng dẫn vào thánh thất rửa mặt, mời ăn điểm tâm với món bánh tét, bánh ít, đặc biệt là bánh bò thơm ngọt ngon, nhắc đến là tôi thấy thèm .. tất cả đều do quí vị tự chế biến với nguyên vật liệu sẵn có ở đia phương.

Đến đây, ngoài dự lễ kỷ niệm lần thứ 67 của thánh thất, chúng tôi còn chứng dự lễ cắt băng khánh thành Thiên Phong Đường được tiến hành long trọng lúc 8g sáng, với sự hiện diện của quí Anh Chị lớn Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo Hậu Giang, các cấp lãnh đạo chính quyền tỉnh Cà Mau – huyện Phú Tân – thị trấn Cái Đôi Vàm, cùng toàn thể quí huynh tỷ đồng đạo xa gần, và đại diện của tôn giáo bạn. (Phật giáo)

Trong giờ dự lễ, ban tổ chức báo cáo tình hình tu học hành đạo tại địa phương, được sự  động viên, hổ trợ tích cực từ phía Hội thánh, chú trọng là phần sơ lược tiểu sử  thánh thất Nguyệt Cảnh, trong quá trình tạo dựng hình thành và phát triển cũng lắm nỗi gian truân, xin tóm lược đôi dòng.

Thánh thất Nguyệt Cảnh  , nằm cập bờ biển vịnh Thái Lan, cũng là nơi cuối miền đất nước, là một Vàm lưu thông ra cửa biển Cà Mau ( thánh thất cách cửa biển chỉ có 2km). Nên từ xưa chư vị tiền bối đặt tên là Cái Đôi Vàm, vào thời điểm 1938 – 1939 dân cư nơi đây trên dưới khoảng 50 hộ.

·  Ngày rằm tháng Giêng năm 1940, Đức Chưởng Pháp Trần Đạo Quang, cùng một số chức sắc Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo thừa Thánh lịnh Ơn Trên đến xứ Cái Đôi Vàm qui tụ nhơn sanh để mở đạo Cao Đài. Cơ sở đạo lúc sơ khai chỉ là một cái Tịnh nhỏ để thượng tượng Thánh Nhãn, có nơi cho nhân sanh cúng kính vào 2 ngày sóc vọng, văn phòng Ban Trị Sự được đặt tại nhà ông Trần Văn Sách, số đạo hữu được 72 vị trong 18 gia đình.

·  Năm 1943 bộ phận Hiệp Thiên Đài phối hợp chư chức sắc Hội Thánh Minh Chơn Đạo có anh cả Cao Triều Phát đến đây theo lịnh của Ơn Trên, thiết lập đàn cơ hôm ấy có Đức Lý Giáo Tông lâm đàn, ban sắc lịnh cho thánh sở nơi đây là Nguyệt Cảnh Tịnh, toàn đạo phấn khởi sau sự ban ơn đó.

·  Năm 1945 được lịnh Ơn Trên giáng cơ ban hành tại tòa thánh Ngọc Sắc, sửa lại danh hiệu Nguyệt Cảnh Tịnh là thánh thất Nguyệt Cảnh. Lúc này số tín đồ là 252 vị…

·  Cho mãi đến 1955 giáo hữu Trần Văn Lâu mua 2 dây đất ruộng, hiến cho họ đạo Nguyệt Cảnh xây dựng thánh thất, với diện tích ngang 75m, dài 125m.

·  Tháng 8 năm 1955 toàn họ đạo với sự vận động của ban cai quản, trong 2 tháng tích cực công quả, bổn đạo nơi đây đã đắp được nền Chánh Điện , xây dựng đượcThiên Phong Đường và phòng trù.

·  Năm 1956 thừa sắc lịnh của Đức Lý Giáo Tông giáng cơ tại thánh thất Nguyệt Cảnh, dạy phải tạo dựng ngôi Chánh Điện. Kể từ tháng Giêng 1956 đến Rằm tháng 9 trong năm, ngôi Chánh Điện đã được hoàn tất theo lịnh dạy…

Từ đó, bổn đạo nơi đây tích cực tu học hành đạo… trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của chiến tranh, ngôi thánh thất cũng xuống cấp theo thời cuộc, nhân sự cũng không còn hoạt động mạnh mẻ như buổi đầu.

Năm 1976, phái đoàn đầu tỉnh đạo Hội Thánh Minh Chơn Đạo xuống họ đạo Nguyệt Cảnh, củng cố lại ban cai quản, ban trị sự , nhiệm kỳ 1976 – 1981.

Trải qua nhiều khó khăn do tình hình chung của đất nước ở những năm đầu thống nhất…

Năm 1992 nhân dịp lễ Thượng Ngươn Rằm tháng Giêng, họ đạo mở cuộc họp nhơn sanh, để tiến hành kế hoạch xây dựng lại ngôi Tam Đài.

Tháng 2 năm 1992 xây dựng Hiệp Thiên Đài, hoàn tất vào lễ Trung Ngươn Rằm tháng 7 1992.

Tháng 8 năm 1994 xây dựng Bát Quái Đài, đến tháng 2 năm 1995 hoàn tất.

Ngày 16 tháng 1 năm 1997 xây dựng Cửu Trùng Đài, đến lễ Trung Ngươn Rằm tháng 7 năm 1997 hành lễ thỉnh Đức Chí Tôn an vị,

Trong 5 năm ( 1992 – 1997 ) đã hoàn tất ngôi Tam Đài .

Ngày 24 tháng 10 năm 2006 khởi công xây dựng Thiên Phong Đường, hoàn tất vào ngày Rằm tháng Giêng năm 2007…

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, đất nước đã độc lập hơn 30 năm, lần đầu tiên họ đạo Nguyệt Cảnh tổ chức cuộc lễ lớn, đánh dấu một bước ngoặt mới trong quá trình hình thành phát triển cơ đạo địa phương.

Buổi lễ kết thúc lúc 10g 15 phút cùng ngày trong tinh thần thương Thầy mến đạo, vị nhân sanh…

Dùng cơm trưa xong, chúng tôi được một đạo hữu mời về nhà gần thánh thất để nghỉ trưa. Khoảng 4g chiều chúng tôi được chở ra cửa biển Cà Mau tham quan.

Chúng tôi lại được mời dùng cơm chiều với gia đình, sau đó đúng 17g10 phút chiều, chúng tôi lên chiếc cao tốc để trở lại bến tàu A đúng 19g30 phút, xe trung chuyển của công ty xe khách Mai Linh đưa chúng tôi ra bến xe Cà Mau. Đúng 20g30 phút xe khởi hành, có một điều may mắn trên xe chỉ có 5 hành khách, cho nên mọi người được đánh một giấc yên lành…

Chúng tôi về lại TPHCM lúc 4g sáng ngày hôm sau mùng 2 tháng 3 Đinh Hợi. ( thứ tư 18/ 04/ 2007 )

Hai con ngựa sắt hôm kia đi, gởi trong quán cà phê gần phòng vé, chủ quán mới đóng cửa lúc hơn 3g, cho nên có kêu mấy họ cũng không mở. Túng thế tùng tùng, chúng tôi 3 người đành vào một quán cà phê gần đó, ngồi vừa uống trông cho trời mau sáng, vừa nhắc lại chuyến bụi đạo 3 ngày 2 đêm ( tối 29 đến sáng mùng 2 ) đầy thú vị…

 Suốt hơn 3 tiếng đồng hồ chờ cánh cửa phía bên kia đường hé mở, trong bụng đã đánh lô tô, chúng tôi lại nhớ tới gói bánh bò lúc chia tay được quí đạo hữu gởi tặng, tưởng không còn dùng được, vì thời gian ngồi trên xe quá dài. Nhưng không sao, mở gói bánh ra vẫn còn mùi thơm ngào ngạt, thế là bao tử đã có niềm vui trở lại. Vừa ăn vừa trò chuyện, sau đêm dài vằn vặc, ánh bình minh lố dạng, cánh cửa được mở ra lúc 7g15 phút sáng. Chúng tôi thở phào, vội vàng vào dắt xe ra, chào chia tay và vội vả lên xe trở về nhà…

Cơ Quan ngày 14. 05. 2007

  28. 03. Đinh Hợi

CHÍ THẬT


Chí Thật
CHƠN TU / Chí Thật



Công phu / Chí Thật


Là môn đệ Cao Đài Thượng Đế,
Phải dặn lòng phước huệ song tu,
Ấy là công quả công phu,
Thương người mến vật vận trù nội tâm.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 29 tháng Chạp Mậu Ngọ

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây