Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
18/02/2011
Huệ Ý

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 19/02/2011

Học lời Ơn Trên dạy về sự yên lặng



HỌC LỜI ĐỨC CHÍ TÔN
VÀ CÁC ĐẤNG THIÊNG LIÊNG
VỀ YÊN LẶNG.

I. THÁNH GIÁO (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời 30 tháng Chạp Nhâm Tý (02.02.1973)

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ Tá Danh CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.
Thầy các con ! Thầy mừng các con.
………………………….
THI
Xuân đến bao lần với các con,
Tuổi đời chồng chất có chi tròn;
Xuân này Thầy sẵn dành ân huệ,
Cho kẻ tu hành vẹn sắt son,
Lẽ thì Thầy giáng trong giờ Giao Thừa như bao nhiêu năm trước. Nhưng đêm nay Thầy muốn cho các con được bình tâm yên lặng:
- Trước Thiên Bàn,
- Trước một mùa xuân mà Chúa Xuân đang chờ đón.
Con ôi ! Sự yên lặng để thần giao cách cảm, để các con tìm thấy con trong Thầy và Thầy hằng ngự trị với đức hiếu sinh trong vạn vật.
Yên lặng tức là quán triệt tất cả những cái gì mà trần gian không nói được, không sờ mó được, không nghe thấy được.
Yên lặng để tìm thấy cương vị của các con trong sứ mạng to tát giữa thời phổ độ kỳ tam.
Giờ giao điểm của tâm linh và vũ trụ cũng là giờ giao điểm của Đức Nguyên và vạn sinh. Nếu vào một thời kỳ khác, giờ đó các con sẽ nhấp chén trà thơm cạn tuần rượu cúc để đón xuân. Nhưng trong lúc này, cần hơn lúc nào hết, cần ở tiềm lực quang năng của mỗi người có sứ mạng trong tam kỳ phổ độ, cần đến tinh thần vạn năng của các sứ đồ trung kiên trong Đại Đạo.
Yên lặng để điều ngự khỏi truân chuyên, yên lặng để chuyển phong ba trở thành bình địa.
Sự yên lặng rất cần dùng ấy, con phải biết đến giá trị của phút giây yên lặng đó.
…………….
Các con đồng vui vẻ trở về để lo lễ Giao Thừa theo lời Thầy dặn. Những đứa có phúc được đến đêm nay để lãnh ân huệ của Thầy phải nhớ lời Thầy dặn nghe các con.
Thầy ban ơn các con nam nữ lớn nhỏ, Thầy hồi cung.
Thăng./-

II. HỌC TẬP

DẨN NHẬP
1. THỜI, VỊ YÊN LẶNG :
2. BẢN CHẤT CỦA YÊN LẶNG :
3. DIỆU DỤNG CỦA YÊN LẶNG :
4. YÊN LẶNG ĐỐI VỚI CÁ NHÂN:
5. YÊN LẶNG ĐỐI VỚI TẬP THỂ :
6. ĐỐI TƯỢNG ĐÃM TRÁCH THỰC HIỆN YÊN LẶNG:
KẾT LUẬN


DẨN NHẬP :
Hồng ân của Đức Chí Tôn trong ngày Thiên Quan Tứ Phước tổ phụ chúng ta biết từ xưa, nên đã dạy : “Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”.
Thay vì bay với vận tốc đầu v = 0, vào ngày rằm tháng giêng, Đức Chí Tôn đưa chúng ta lên cao rồi dùng sức phóng đàn con lên thiên đường, cùng một sức ban ân F, nhưng huynh đệ nào tẩy xú khai thanh tốt thì nhẹ nên bay nhanh hơn, chúng ta tinh tấn hơn, đến đích nhanh hơn.
F ; V1 = 1km/giờ (cho huynh đệ ăn chay 6 ngày/tháng).
F; V2 = 5km/giờ (cho huynh đệ ăn chay 10 ngày/tháng).
F; V3 = 10 km/giờ (cho huynh đệ ăn chay trường).
Điều kiện để nhận được F là yên lặng.
Năm 1965, khi khai mạc Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý, Đức Chí Tôn đã khăng định “Thầy chọn ngày thiên quan tứ phước khai mạc văn phòng để cho các con nhờ hồng ân của Thầy mà lập công với đạo”.
Bây giờ là 9g00, còn 15 tiếng nữa hết ngày Thiên Quan Tứ Phước hôm nay, thời gian này không thiếu nhưng cũng không nhiều để khởi đầu một đạo sự tâm nguyện cho niên trình mới năm Tân Mão này. Chúng ta hãy chúc lành cho nhau.

1.THỜI, VỊ YÊN LẶNG :

Đức Chí Tôn dạy :
Lẽ thì Thầy giáng trong giờ Giao Thừa như bao nhiêu năm trước. Nhưng đêm nay Thầy muốn cho các con được bình tâm yên lặng trước Thiên Bàn, trước một mùa xuân mà Chúa Xuân đang chờ đón.
Các bậc cao cấp thì ở đâu, lúc nào cũng nhập định để vào yên lặng, riêng chúng ta hàng sơ cơ, Đức Chí Tôn dạy :
- Bình tâm yên lặng trước Thiên Bàn,
Trong khung cảnh trang nghiêm, hoa quả tửu trà, trầm hương ngút tỏa giúp chúng ta tiến đến yên lặng dễ hơn, nhanh hơn. Bày khai chung đã ghi : “văn chung thinh, phiền não khinh, trí huệ trưởng. Bồ đề sinh, ly địa ngục, xuất hỏa khanh, nguyện thành Phật, độ chúng sanh”.
- Trước một mùa xuân mà Chúa Xuân đang chờ đón.
Sự khởi đầu tốt lành giúp trọn niên trình mới hanh thông, thành công. Chúa Xuân chính là Đức Chí Tôn, Ngài mong chúng ta thực hiện tức thì lời dạy cấp tốc này.

2. BẢN CHẤT CỦA YÊN LẶNG :

a) THẦY LÀ YÊN LẶNG, CÓ YÊN LẶNG MỚI Ở TRONG THẦY :
Đức Chí Tôn được xưng tụng :
Nhược thiệt, nhược hư, bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa,
thị không thị sắc, vô vi nhi dịch sử quần linh
”.
Thầy là sự yên lặng, chúng ta học tu cho được yên lặng mới hiệp nhứt được cùng Thầy, tức là “cùng Trời đồng nhất”.

ĐỨC BẢO THỌ THÁNH NƯƠNG DẠY :
"Ta đã tin bậc CHÍ TÔN là THẦY có đủ quyền năng chủ cơ mầu nhiệm, thì yên vui chịu dưới Quyền Pháp, đặt mình trong yên lặng của THẦY. ...........
Hôm nay TỪ PHỤ CHÍ TÔN quá yêu thương phế ngôi Trời, đến tận cõi đời tìm phương cứu độ, đưa chúng ta về nơi an lạc cõi lành. Ta phải trọn tin và lập chí khởi tâm phát nguyện một đường thẳng tới chung trong Thánh Thể quyết chẳng buông lìa. Dù ma cảnh phỉnh phờ, dù ý tình lôi kéo cũng bu sát bên THẦY mà thôi”
. ( Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 23-01-ĐĐ.33 (Mậu Tuất)

b) ĐẠO LÀ YÊN LẶNG, CÓ YÊN LẶNG MỚI Ở TRONG ĐẠO :
Chúng ta đã yên lặng để “cùng trời đồng nhất” cùng lúc chúng ta được “cùng đạo ứng thông”.
Đức Chí Tôn dạy :
Con dừng chân nghe tiếng gọi sau lưng để trở về với Đạo. Đạo là yên lặng, Quyền Pháp ở nơi kín nhiệm. Trí người dù khôn ngoan đến đâu, mưu chước dù bí mật đến đâu, hễ mưu hại ai chán chường thì có mặt trời, mặt trăng sao chớp soi rọi, trong bóng tối thì không ngoài con mắt mầu nhiệm của THẦY. Con đã theo THẦY sao không học THẦY phép đó?” (Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 26-7-ĐĐ.33 (Mậu Tuất), (09-9-1958)

c) NIẾT BÀN YÊN LẶNG, CÓ YÊN LẶNG MỚI NHẬP NIẾT BÀN :
Chúng ta đang ở cõi ta bà là cõi kham nhẩn. Học hạnh của Đức Quan Am thì mới tu hành kết quả ở cõi kham nhẩn này. Niết bàn là yên lặng, yên lặng là nhập vào cảnh giới Niết bàn ngay tại trần gian này.
ĐỨC CHÍ TÔN dạy :
Ngày mai dương cương Chánh Pháp hiện, âm nhu tà thuyết đều tiêu, dù cho các con ở trong Đạo mà có cái niệm không lành, các ngũ quan tà ác cũng đều tiêu diệt cả.
.........
Vì ngày mai là ngày thế gian tạo cảnh an lạc Niết Bàn. Niết Bàn nghĩa là yên lặng, cái gì mất yên lặng không còn được du nhập vào cảnh ấy
.”( Thánh Thất Ngọc Linh Đài, Ngày 25-3- ĐĐ.32 (Đinh Dậu) (24-4-1957)

3. DIỆU DỤNG CỦA YÊN LẶNG :
Con ôi ! Sự yên lặng để thần giao cách cảm, để các con tìm thấy con trong Thầy và Thầy hằng ngự trị với đức hiếu sinh trong vạn vật.

a) YÊN LẶNG ĐỂ THẦN GIAO CÁCH CÃM :
Cầu nguyện là nói chuyện với Đức Chí Tôn, đó là thần giao cách cãm đơn giản từ người đến Ơn Trên. Cầu nguyện có kết quả hay không là do sự thành tâm của hành giả :
Ngày nay đệ tử khẩn nguyền,
Chín từng Trời Đất thông truyền chứng tri
”. (Niệm hương chú.)
Và :
Tuy cao thăm thẳm chín từng,
Ai người thiện nguyện sự mừng liền ban
”. (Kinh cứu khổ.)

Thần giao cách cãm sâu hơn là hiệp thông, đối thoại, học tập, dạy dỗ nên sự tiến hóa của hành giả nhờ vậy mà tăng tốc. Yên lặng mới thông công được với Ơn Trên. Nếu không yên lặng thì bị nhiểu, chúng ta không nghe được lời dạy của Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng.

ĐỨC ĐẠI ĐỨC CAO TIÊN dạy :
Hôm nay chư Hiền đồ được hồng ân đã thọ nơi THẦY một Quyền Pháp để đưa bước cho mình và cho đời tiến sang nơi phước địa, được tránh thoát cái họa hại ở cảnh địa phàm phu thì làm sao xứng mình, xứng người, đừng có một cử chỉ tầm thường, gây cho nhân sanh phạm phải Thiên điều phạm nhằm Luật Pháp. Chư Hiền đồ ngày tới đây nếu được công phu thuần thục liên tiếp không ngừng, thì điển huệ gội nhuần tâm linh sáng suốt hồn phách nhẹ nhàng, trong giờ phút thanh cao yên lặng có thể cùng Bần Đạo thường xuyên gặp gỡ, mà được đưa lên nhiều cõi cao thanh hơn để học tu pháp lạ.” (Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 27-4- ĐĐ.32 (Đinh Dậu) (26-5-1957)

b) YÊN LẶNG ĐỂ TIẾP THÁNH LINH:
Nhờ yên lặng dọn thân tâm, chúng ta là một khí cụ tốt để Ơn Trên ban Thánh linh nghĩa là đổ thần trên chúng ta để chúng ta thực hiện các đạo sự đúng guồng máy Thiên cơ.
ĐỨC GIÁO TÔNG VÔ VI ĐẠI ĐẠO dạy :
Bần Đạo muốn toàn Thiên ân Thanh tịnh chờ đón điển huệ nghĩa là yên lặng tiếp Thánh linh bằng cách hành Đạo tịnh dưỡng .......... cho kịp ngày giờ gấp rút, Sinh tử sự đại, tấn tốc vô thường. Thiếu thời gian tu học, không thể sử dụng phung phí thời gian được. mà ngày giờ không dư cũng không thừa thải đâu.” (Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 15-6- ĐĐ.33 (Mậu Tuất) (31-7-1958)

c). YÊN LẶNG TỨC LÀ QUÁN TRIỆT TẤT CẢ NHỮNG CÁI GÌ MÀ TRẦN GIAN KHÔNG NÓI ĐƯỢC, KHÔNG SỜ MÓ ĐƯỢC, KHÔNG NGHE THẤY ĐƯỢC.
Đức Lão Tử dạy :
“Đạo vô hình, đạo vô tình, đạo vô danh”. Vô hình, vô tình, vô danh vượt qua giới hạn của ngôn ngữ, biểu tượng.
Đức Đông Phưởng Lão Tổ dạy :
“Đại Đạo vốn không lời diển tả,
Phải do tâm hành giả tham cầu”.

Chúng ta có đạt được yên lặng mới mong nắm bắt được cái vô hình, vô tình, vô danh ấy.

4. YÊN LẶNG ĐỐI VỚI CÁ NHÂN: Theo Minh Lý Thánh Hội, người muốn nhập môn trước phải tụng một tạng kinh cứu khổ để tịnh lục căn, giải bớt nghiệp hầu tiến tu dễ dàng.
Bà David Neel phải nhập thất 3 năm mới bắt đầu được Thầy cho nghiên cứu học tập Phật Giáo Tây Tạng.

a). Bế căn chỉ niệm để yên lặng:
Bước vào tâm nguyện giải thoát, hành giả phải yên lặng chứ không chỉ im lặng. Yên lặng là tịnh cả sau căn : nhãn tịnh, nhỉ tịnh, tỉ tịnh, thiệt tịnh, thân tịnh, ý tịnh. Trong sáu căn này ý là đầu bầy nên cổ đức dạy “ý là công vi thủ, tội vi khôi. Ý xúi nhãn, nhỉ, tỉ, thiệt, thân dao động, tồn thần thìn tổn thọ. Yên lặng là phải “bế căn, chỉ niệm tâm tình hoàn hư”. Cơ thể chúng ta tự nó đã là một bầu tiểu vũ trụ đầy bảo tố, ngũ tạng lục phủ trong người, tự chiến đấu với nó là mệt rồi. Thí dụ ăn nhiều thì vọng ý nhiều. Ơn Trên dạy :
“Tì thổ trung cung vọng ý sanh,
Khai thông chơn ý phục quyền hành.”

Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy :
“Lục căn thanh tịnh bày phô,
Đừng đem vọng ý mà tô điểm vào”.

Ơn Trên dạy thêm :
“Đóng sáu cửa cho bền cho chặt,
Thì thất tình lục tặc khó xâm”.

Hoặc :
“Sáu căn duyên với cảnh ngoài,
Tình nương theo ý phiêu nhai đất người”.

Khi chưa yên lặng tức là phiền não. Yên lặng là cái gốc. Có ai dám chủ quan nói rằng mình đủ sức nhập triền thùy thủ, hòa quang hổn tục. Chiếu Minh cũng chính là đóng cửa yên lặng, tu ẩn. Chúng ta nên noi gương Đức Độc Hành Kỳ Đạo Tiên Cô là cũng khó lắm rồi. Ngài Bảo Pháp Thanh Long dạy :
“Chạy ra ngoài lăng xăng thì dễ,
Quay vào trong định huệ khó làm”.

Đức Quan Âm Như Lai dạy :
Phiền não là do tâm động, Yên lặng là hết phiền não. Bốn lời hoằng thệ :
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Tâm người tu hành như mặt nước, phiền não như gió động sóng xao, cơn gió qua rồi cũng trả lại sự yên lặng cho nước.”( Minh Lý Thánh Hội, 03 tháng 9 Giáp Dần (17-10-1974)
Lu đang yên lặng, quấy một chiếc đủa, chờ biết bao lâu mới thanh tịnh trở lại.
Đức QUAN ÂM BỒ TÁT dạy :
Người tu hành học Đạo là tìm lại cái tâm minh linh đã ẩn tàng hằng tính của Thượng Đế giáng trung. Người muốn tìm lại, trước phải yên lặng để trau dồi gột rửa những lớp tham, sân, si, dục, đang dày đặc theo bức vô minh để thấy được đạo tài thành của thiên địa. Người noi theo đạo ấy tức là hòa hợp Thiên Lý phục hồi bổn thể chơn như vậy.” (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15.6 Giáp Dần, (02-8-1974)

b. Kết quả của yên lặng là “MẠNH KHỎE” ở kiếp sống, gánh vác đựơc đạo sự và tiến đến giải thoát.
Đức BẢO THỌ THÁNH NƯƠNG giảng chữ MẠNH KHỎE thật LÝ THÚ :
Mạnh là hơn người, khỏe là hơn mình. Hơn người là hơn cái gì? Hơn mình là hơn làm sao?
Hơn mình là làm chủ được mình điều khiển được thất tình lục dục, khiến sai ý chí theo lẽ phải điều lành. Chị em có khỏe được mới sai sử ngự chế lòng dục nơi mình. Lòng dục đã yên lặng rồi, thì con người mới khỏe. Người được khỏe thì sáng suốt làm những điều thiên nhiên, mà sai sử tự nhiên. Người của ta muốn khỏe là
- trước hết dừng bước ham muốn đi,
- chủ lấy tình ý mắt tai đi,
- khép buộc thân mình vào khuôn đạo đức đi,
- không đón tiếp cảnh sắc bên ngoài nữa làm bận rộn lòng không thanh tịnh.
Được vậy thì
- lòng mình yên lặng,
- yên lặng được thì khỏe khoắn,
- khỏe khoắn rồi mới gánh vác được trọng nhiệm Quyền Pháp mà thay Trời làm Đạo.
Mạnh là hơn người, nghĩa là không chịu nô lệ cho thói đời, cho thắng được hoàn cảnh khổ đau, trước bao nhiêu ngăn trở mà không thối bước.
” (Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 14-8-ĐĐ.33 (Mậu Tuất) (26-9-1958)

Khỏe là hơn mình, đó là hạnh phúc thật, chân phúc. Hạnh phúc không đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong.
Đức Quan Am Bồ Tát dạy :
“Người đời chỉ vì phải cái bịnh hướng ngoại đi tìm hạnh phúc ở viển vong cho nên suốt đời không sao tìm được cái chân hạnh phúc. Dầu cho quanh năm suốt tháng cầu nguyện hòa bình, lập đàn tế tự.
Chỉ khi nào con người biết hướng nội, tự làm lấy, tự tìm lấy, tự tạo lấy mới mong hưởng được cái chân thiện mỹ, chân hạnh phúc, thái hòa an lạc mà thôi.” (Minh Lý Thánh Hội, 06 tháng 4 Giáp Dần (27-4-1974))
 Yên lặng là thanh tịnh các căn, tức là giới hạnh tròn đầy thì được chơn định và tiến lên chơn huệ, hành đạo được suốt thông, tiến gần đến quả vị ở tương lai.
Đức MẸ dạy :
Mẹ dặn từ nay muốn tránh sự lừa phỉnh cám dỗ của yêu ma thì lòng giữ cho thanh tịnh. Lòng được thanh tịnh thì sự liên lạc cùng MẸ rất dễ dàng. Lòng ấy mãi yên lặng thì trí tuệ phát hiện, Quyền Pháp sáng rỡ, người con được nhẹ nhàng khỏe khoắn, lo gì quả vị Thần Tiên không đạt.” Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 15-8-ĐĐ.33 (Mậu Tuất) (27-9-1958)

5. YÊN LẶNG ĐỐI VỚI TẬP THỂ :
Yên lặng để điều ngự khỏi truân chuyên, yên lặng để chuyển phong ba trở thành bình địa.
Tâm định thì thần trụ, thần trụ thì công năng đại định phát khởi.
Kinh dạy : “Thần năng nhập thạch, nhập hỏa bất phần, nhập thủy bất nịch, mới điều ngự khỏi truân chuyên, chuyển phong ba thành bình địa.
ĐỨC CAO TRIỀU PHÁT dạy :
"Mọi người sẽ vượt qua tất cả mọi hoàn cảnh nếu biết có Thượng Đế đang ngự trị ở lòng mình. … Đoàn người tiếp tục sứ mạng hãy tâm niệm điều đó. Hãy nhớ trong cơn bão bùng phải yên lặng, dù là tay thủy thủ chuyên nghiệp chớ giành lái con tàu! Hãy chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục đưa con tàu đến bến.” Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Rằm tháng 7 Giáp Dần (01-9-1974)

6. ĐỐI TƯỢNG ĐÃM TRÁCH THỰC HIỆN YÊN LẶNG:
Giờ giao điểm của tâm linh và vũ trụ cũng là giờ giao điểm của Đức Nguyên và vạn sinh. Nếu vào một thời kỳ khác, giờ đó các con sẽ nhấp chén trà thơm cạn tuần rượu cúc để đón xuân. Nhưng trong lúc này, cần hơn lúc nào hết, cần ở tiềm lực quang năng của mỗi người có sứ mạng trong tam kỳ phổ độ, cần đến tinh thần vạn năng của các sứ đồ trung kiên trong Đại Đạo.
Đây là một sứ mạng tập thể để tự cứu mình và mọi người, cho nên mỗi người con của Đức Chí Tôn đều mang trách nhiệm khi thực hiện được yên lặng để phát huy tiềm lực quang năng.
“Trong lúc này, cần hơn lúc nào hết, cần ở tiềm lực quang năng của mỗi người có sứ mạng trong Tam Kỳ Phổ Độ."
Mỗi tín đồ đã có sứ mạng thì hàng ngũ thiên ân chức sắc trách nhiệm càng to lớn hơn, nặng nề hơn : cần đến tinh thần vạn năng của các sứ đồ trung kiên trong Đại Đạo.
Nói chung là cả dân tộc Việt Nam, tổ quốc Việt Nam.
ĐỨC GIÁO TÔNG VÔ VI ĐẠI ĐẠO dạy :
"Ai được làm dân nước Việt! Dân nước Việt là dân được Đức CHÍ TÔN chọn trong buổi Tam Kỳ, không khác dân La Mã giữ ngôi Tổ đình của Công Giáo. Ngôi tổ đình bây giờ đã đặt nó vào miếng đất Việt Nam, lấy người Việt Nam làm dân Thánh, lấy đất Việt Nam làm đất Thánh muôn đời. Nước Thiên đường đã chảy đến đây mà tụ lại để ban ơn phước cho loài người. Dân Thánh có phải là đường kinh cho nước Thánh đi về, hay nước Thánh chảy vào lòng sông có Thánh, lòng sông có Thánh là lòng sông yên lặng không sóng dữ gió to. Sông không sóng gió là sông không có ngọn triều hì hục đảo huyền, làm cho sa mạc bẩn đen pha trộn vào dòng nước Thánh.” (Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 15-6- ĐĐ.33 (Mậu Tuất) (31-7-1958) )

KẾT LUẬN :
Lời dạy về yên lặng của Đức Chí Tôn là một bài pháp cụ thể, nhưng phổ quát cho mọi người. Yên lặng chính là Thiền. (Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh).
1. Yên lặng của hành giả là tịnh lục căn, tẩy xú khai thanh để nhập đạo. Từ đó mới có thể được ban trao quyền pháp để lập công bồi đức và tương lai sẽ về cùng Đức Chí tôn.
2. Yên lặng là bản thể của Đạo, của Đức Chí Tôn, của Niết Bàn. Có yên lặng thì mới “cùng Trời đồng nhất, cùng Đạo ứng thông và an trú trong Niết Bàn.
3. Diệu dụng của yên lặng là thần giao cách cảm để hội thông giữa hành giả và Các Đấng nhằm học, tu, sống đạo, hành đạo đúng Thánh Ý Thiên Cơ.
4. Yên lặng giúp mỗi người tiến bộ trên đạo trình, đồng thời là cứu khổ nạn cho chúng sanh thoát truân chuyên về thanh bình an lạc.
5. Mỗi con ngoan của Đức Chí tôn và nhứt là chức sắc thiên ân có trách nhiệm thực hành yên lặng đầu tiên, hầu cả đồng bào Việt Nam chúng ta cùng thực hiện để tiền phong làm điểm cứu độ cho toàn thế giới nhân loài.

Xin cầu và nguyện được như thế.

Huệ Ý (Đoàn Thiền Tâm)
Xuân Tân Mão (2011).

[Ảnh: Bình minh tĩnh lặng (TH.CH.)]











Huệ Ý

Nên Người chẳng phải dễ gì đâu,
Nên Phật Thánh Tiên lại khó cầu,
Biết sửa một ly là đắc quả,
Con ôi Diêu Điện Mẹ đang sầu.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Thiên Lý Đàn, 01-02 Mậu Thân, 27-01-1968

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây