Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
09/11/2006
Lâm Hương Thanh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 08/03/2010

Bài Thuyết Đạo của Bà Lâm Hương Thanh

BÀI THUYẾT ĐẠO của vị Nữ Chánh Phối Sư Lâm Hương Thanh đọc tại Thánh Thất Mỹ Ngãi (Sa Đéc)
Bài này đăng trong tạp chí Đại Đạo số 1 ra ngày 12–6–1936 trang 8)

----------

Kính cùng chư hiền huynh, chư hiền tỷ, hiền đệ và hiền muội,

Hôm nay tôi có hạnh phúc tới đây, tiếp kiến quí vị, thiệt cơ hội may mắn vô cùng. Đối với cuộc vui này, tôi chẳng biết lấy chi trò chuyện cho xứng đáng thạnh tình tri ngộ. Vậy, tôi đã thọ lãnh trách nhiệm hành Đạo, thì cũng xin vô phép dùng Đạo mà luận đàm.

Đạo thể mênh mông như trời như biển, ngàn kinh muôn điển nói chẳng xiết cùng, mà cuộc hội diện của chúng ta ngày vui ngắn chẳng đầy gang, thế thì không có thể nói cho cùng khắp đặng, nên tôi xin tóm tắt đôi điều đại khái, nói muôn phần trong một hai…

Vì sao mà gọi rằng Đạo ?

Đạo vẫn một khí không hình, không ảnh, không tiếng không hơi, nói lớn ra thì trên Trời dưới Đất, bao la vũ trụ sơn hà, thấu đến ngoài Càn Khôn thế giới, đều hiển nhiên đạo thể lưu hành, nói nhỏ lại thì một sợi tóc, một mảy lông, người một hơi thở vô thở ra, loài cầm thú bò bay máy cựa, đều y nguy đạo lý. Đạo rất lớn, rất cao, rất sâu, rất rộng mà cũng rất ròng rất kín, rất nhiệm rất mầu, không chỗ nào không Đạo, không sự gì không Đạo, mà cũng chẳng thấy hình trạng Đạo ra thế nào, có thể nói rằng ấy là một không khí giữa Trời Đất, người đối với không khí đó, chẳng biết kêu là chi, nên phải chế ra chữ Đạo mà nói cho nhơn sanh dễ hiểu. Kinh có câu: Bất tri kỳ danh cương danh viết Đạo.

Luận về Thiên Đạo, thì ban ngày có mặt trời, ban đêm có mặt trăng và có các vì tinh tú, sao Cơ chủ gió, sao Tất chủ mưa, sao Vân-Hán nắng hạn, đều có phần hành riêng, một năm chia làm bốn mùa, Xuân thuộc Mộc, bông hoa tươi tốt, Hạ thuộc Hỏa nóng nực, Thu thuộc Kim mát mẻ, Đông thuộc Thủy lạnh lẽo; Mỗi năm mỗi tuần huờn vận chuyển, cuối rốt rồi trở lại ban đầu, chớ Thiên Đạo không hề sai.

Luận về Địa Đạo, núi thì cao, sông thì sâu, biển thì rộng, chỗ đất bằng thì nhơn dân ở, cây cỏ chen lấn, châm rễ sanh chồi, thú vật, sâu bọ đào hang khoét ổ, trên mặt đất tuy chia ra Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phương, nhưng sản vật hình thể trên địa cầu, chỗ nào đều y nhau như vậy, chớ Địa Đạo không hề dời đổi.

Phối hiệp với Trời Đất là Người, thì nhơn đạo rất có qui mô rõ ràng dễ hiểu, xem như làm cha mẹ giữ dạ hiền lành, làm con giữ niềm hiếu thảo, vợ chồng ăn ở thuận hòa, anh chị biết thương em trẻ, em trẻ biết kính anh chị, ở với bậu bạn giữ câu tín thiệt, đối với bà con tông tộc giữ lòng tương ái tương thân, gặp người trưởng thượng phải biết kỉnh nhường, thấy người nghèo hèn hoặc ngu dốt phải thương yêu dìu dắt, đừng thấy người giàu sang mà dua nịnh, đừng thấy kẻ hèn hạ mà khinh khi, ở trong gia đình thì ăn nói đứng ngồi đều có lễ nghi phép tắc, thù tạc với nhơn tình thế tộc phải giữ lễ cẩn thận công bình. Đứng làm trai ra gánh vác trách nhậm quốc dân, phải giữ lòng chí công chí chánh, làm hạng dân thứ thì thuế xâu lo đóng đủ, đừng làm việc chi vi phạm luật nước, phận làm gái thì cửa liễu phòng đào, màn the phủ kín, chữ tam tùng câu tứ đức, gìn giữ vuông tròn. Tam tùng là: Lúc nhỏ theo cha mẹ, lớn theo chồng, sau già lại theo con. Tứ đức là: Tánh nết cho hiền lành, ăn nói cho đoan trang, việc làm cho khéo léo, dung nhan cho chỉnh đốn, mấy điều đó chính là mảnh gương trong bạn khuê cát xoa quần, cần yếu phải lau chùi cho sạch sẽ, nói tóm lại, trai thì lo cho tròn phận nhi mục tu mi, gái thì giữ trọn chữ môn đình nội trợ, ấy là nhơn đạo đó.

Nhơn đạo cho trọn vẹn thì mới có thể hy vọng sự tu hành mà bước theo dấu chân các Đấng Thiêng Liêng đời cổ tích, bởi dường muốn đi cho xa thì phải từ chỗ gần làm trước, cây muốn trèo tới ngọn thì phải bới dưới gốc làm đầu, ấy là đẳng cấp của chúng ta học Đạo. Nếu trái lại, muốn xa cầu Phật Đạo, Tiên Đạo, Thánh Đạo mà trước khi không lo chỉnh đốn nhơn đạo cho hoàn toàn, thì chẳng khác chi núi muốn lên chót đảnh cao sơn, mà khi bước chơn không chịu lội qua gò trảng, biển muốn ra giữa vời đại hải, mà lúc xuống tàu không muốn xuống tới chỗ bến cầu, thì có lẽ chi?

Tu hành chẳng phải dâng hoa đảnh lễ, khỏ mỏ rung chuông là đủ mà cũng không phải niệm kệ đọc kinh ăn chay, ăn lạt là rồi, bởi mấy việc đó là cái sự chớ chưa phải cái lý, cái ngọn chớ chưa phải cái gốc. Cái LÝ với cái GỐC chính ở trong trái TIM người; dục tu kỳ thân tiên chánh kỳ tâm, muốn tu cái thân thì phải chánh cái tâm làm trước, giữ tòa lương tâm cho thanh tịnh chánh đáng, rồi sai khiến ra tứ chi thân thể dò theo đạo luật mà làm, sự tu không phải nội trong lúc tới chùa hay là đương lúc cúng kiến ăn chay, phải cẩn thận, dầu trong khi ngày thường ăn ở, đối đãi với cuộc đời, cũng phải cho nhớ rằng: mình là người có đạo, mình là kẻ tu hành, thiên hạ xưng tặng rằng: thiện nam tín nữ, thì mình phải liệu làm sao, giữ làm sao, lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành vi, cho khỏi phụ một phần trách nhiệm, chớ nếu như đã thọ lãnh tiếng nhập môn cầu Đạo mà còn tranh cạnh việc thị phi ác cảm bên đường đời, lửa tam bành nổi dậy rần rần, ma lục tặc hoành hành thất sá, kinh cũng đọc, kệ cũng đọc, mà lời phàm tiếng tục cũng không chừa, Tiên cũng cầu, Phật cũng cầu, mà tánh quỷ nết yêu cũng không bỏ, ngoài so se đeo mảnh gương Thiên Nhãn, lần chuỗi hột bồ đề, mà trong lòng thì mối nghiệt dây oan, vấn vương nơi trái tim lá phổi. Vậy thì sự tu hành chính là một cuộc cầu danh giả dối, biết mấy đời cho thoát đặng biển khổ sông mê, ôi ăn chay một tháng có mấy ngày còn bao nhiêu thì hại vật sát sanh không chừng đỗi, Kinh Sám hối đọc sơ qua chút ít, còn ngoài ra thời vọng ngôn ác ngữ cả luôn năm, vậy rồi, lâm vô vòng ác đạo trầm luân, lại thán oán rằng: "Tôi có niệm kệ ăn chay sao không thấy Phật rước Tiên đưa, Thánh Thần hỉ xả?" … Ôi ! Thầy Mạnh có nói: "Dùng một chén nước mà chữa lửa cháy một xe thì sao cho được ?"

Vậy nên tôi xin khuyên những người đã hiến thân học Đạo, thì phải dùng chữ CHƠN THẬT làm đầu. Đã nói rằng tu thì tu Khẩu tu Tâm, tự thỉ chí chung, đúng đằng vào khuôn phép Đạo, dầu chỗ người ta không nghe, không thấy, mà mình đối với lương tâm mình cũng phải giữ nhứt niệm tín thành. Câu đầu bài trong kinh "Nhựt Tụng" có dạy: "Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp" Thành là lòng không giả dối,tín là không sai ngoa, còn hiệp là không lìa tan chia rả, xin phải dùng câu đó làm ảnh gương tỉnh kỷ cây thước tri thân.

Nhưng ấy là luận sự tự tu, và đối đãi với người đồng đạo, chớ còn giao thiệp với người dị đạo, phải dùng tư cách thế nào? Bởi thế tục hay nói: đồng đạo dị đạo, chớ lấy ý tôi tưởng, thì chẳng có Đạo nào là khác, chỉ có bàng môn tả đạo, quái thuật yêu phương thì đành là khác, chớ còn chánh đạo thì không có thể khác đặng.

Nay tôi nói riêng về phần THÍCH, NHO, TIÊN, TAM GIÁO.

Kinh Nhựt Tụng rằng: MỘT CỘI SANH BA NHÁNH IN NHAU…. Vì sao vậy ? Bởi nguồn cội Đạo từ khi vô thỉ, Trời Đất chưa an ngôi, Đạo đã bao hàm trong khi Thái Cực và Vô Cực, sau khi Thái Cực phân âm dương, Thiên Địa Nhơn tam tài định vị, lần lần có các Đấng Đại Thiêng Liêng xuất thế, truyền đạo dạy đời. Đức Lão Tử, Đức Khổng Tử, Đức Thích Ca đều bởi cội gốc đó mà lập ra đạo Tiên, đạo Nho và đạo Thích.

Tuy mỗi nền tôn giáo đều có danh hiệu riêng, nhưng tôn chỉ thì không hề chút khác. Xem như Nho nói: Tồn tâm dưỡng tánh; Tiên nói: Tu tâm luyện tánh, Thích nói: Minh tâm kiến tánh. Thích nói: Từ bi;Nho nói: Trung thứ, Tiên nói: Cảm ứng. Tiên nói: Bảo nguơn thủ nhứt, tức Thích nói: Vạn Pháp qui nhứt, Nho nói: Duy tinh vi nhứt.

Cứ đôi câu đại khái đó, thì hiểu biết nghĩalý nào có khác chi? Nên Đức Thể Hà Tiên có bài thi rằng:

Tam Giáo nguyên lai nhứt lý đồng

Hà tu phân biệt các Tây Đông
Lâm Hương Thanh

Mong sao em mến hiểu lòng này,
Sắp xếp gia đình cho khéo tay,
Dành để ngày giờ hành đạo sự,
Tô bồi âm chất mới là hay.

Đức Vân Hương Thánh Mẫu, Chơn Lý Đàn, 26-01 Quý Sửu, 28-02-1973

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây