Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
16/06/2007
Huệ Ý

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 06/02/2010

Tác phong đạo hạnh

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Tầm quan trọng

a. Tác phong đạo hạnh tiến dần theo quá trình tu học của người tín đồ: nhập môn, thọ pháp, tiến đạo, tu chứng.

Có đạo phải có hạnh, Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy: "Tác phong đạo hạnh, đó là điểm quan trọng, nếu thiếu nó thì không nên đạo."[1]

Tác phong đạo hạnh là cái khuôn giúp con người từ một khối bột không định hình thành cái bánh trung thu rồng phụng, từ một thường nhân trở nên học trò Tiên. Đạo hạnh gíup chúng ta có được giá trị gia tăng.


Người tu phải ý thức lo hoàn chỉnh tác phong đạo hạnh ngay từ lúc nhập môn. Tác phong đạo hạnh là việc quan trọng từ khi xuất phát đến chung cuộc của hành giả. Đức Bảo Hoà Thánh Nữ dạy "tác phong đạo hạnh là lớp đầu của người tu sĩ, và cũng là kết quả của cấp lãnh đạo".[2]


b. Đạo hạnh là tiêu chuẩn để tiến đạo của tịnh viên.


Khi xin thọ pháp để học chơn đạo, tín đồ trở nên tịnh viên (hành giả), tác phong đạo hạnh càng được nghiêm chỉnh hơn. Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy: "Đã chấp nhận quày chân lại, thì dầu là nấc thang đầu tiên, hành giả cũng phải thận trọng từ sự sống, ăn, mặc, ở, đủ thiếu, giàu nghèo, đều phải giữ tiết độ tri túc, an phận tùy duyên để nội tâm được bình thản. Từ tư tưởng, hành động, ngôn ngữ đều phải khiêm tốn từ hòa, mà không mất vẻ đoan trang nghiêm chỉnh. Nói tóm lại, đó là tác phong đạo hạnh của hành giả trong đời sống nội tâm và ngoại cảnh để tu tập tam công."CQPTGL, 15-6 Canh Thân 


2 Diệu dụng của tác phong đạo hạnh

a. Phù linh để cứu mình

Trong phần tự độ, tác phong đạo hạnh chính là bộ thiết giáp hữu hình bảo vệ người tu vượt qua các khó khăn, trở ngại, khảo đảo. Đức Quan Aâm Bồ Tát dạy: "Đức độ đáng kính, tác phong thanh nhã, là những phép mầu bảo vệ cho con người được an ninh trên mọi bước đường, trong mọi hoàn cảnh."Vạn Quốc Tự, 14-6 Kỷ Dậu

b. Nêu gương để độ người

Trong phần độ tha, tác phong đạo hạnh là bài học thân giáo sống động. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy: "Đạo hạnh để thể hiện cụ thể tôn chỉ giáo lý đạo làm gương mẫu cho nhân sanh."CQPTGL, 11-8 Bính Dần

Nhờ tác phong đạo hạnh người tín đồ có được cảm tình của mọi người chung quanh, rồi trở thành gương sáng điển hình và được nhân ra tập thể. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy: "Có tác phong đạo hạnh để cảm hóa người đời."CQPTGL, 30-01 Đinh Tỵ

Tác phong đạo hạnh là ánh sáng của ngọn tâm đăng bên trong, dẫn đường đi đến thành công, hạnh phúc. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: "Hễ ngọn tâm đăng càng hiện lần lần sáng tỏ chừng nào tác phong người ấy rất nghiêm chỉnh phúc hậu đoan trang, một lời người ấy nói ra sẽ đem lại sự thành công nên việc, an ủi và hạnh phúc cho kẻ khác."Minh Lý Thánh Hội, 21-9 Kỷ Dậu (01-11-1969)

c. Kết quả việc tu học

Không ai dám chủ quan rằng mình đạt đạo, nhưng đạo hạnh viên dung chính là kết quả minh chứng đời tu cụ thể. Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy: "Đức độ uy nghi, tác phong thuần phác, đó là tiêu biểu của chơn nhơn."Vĩnh Nguyên Tự, 09-10 Tân Dậu

3. Luôn luôn trì thủ tác phong đạo hạnh.


Tác phong đạo hạnh là một báu vật, phải luôn luôn gìn giữ trân trọng đừng để bị rơi rớt hay mất đi. Đức Đông Phương Lão Tổ dạy: "Nầy các em! Giữa lúc ngoài thế nhân đang tao loạn, từ nội tâm đến ngoại cảnh, các em hãy thận trọng cẩn mật gìn giữ từ nội tâm đến tác phong đạo hạnh của mình, ví như đang đi trên cầu tre không tay vịn, gìn đức độ để vượt lên võ môn tam cấp đến chỗ cá được hóa rồng."Ngọc Minh Đài, 15-6 Mậu Thân (10-7-1968)


II. NHỮNG ĐỨC TÍNH THUỘC VỀ TÁC PHONG ĐẠO HẠNH

1. Trang nghiêm


Hãy tô điểm mình bằng tướng hảo quang minh của người học trò Tiên, chứ đừng bằng mỹ phẩm của người thế tục.

Trang nghiêm là dung mạo trang trọng, uy nghi, kính cẩn với người trên, đứng đắn với người dưới.

Chúng ta phải trang nghiêm từ cá nhân đến văn phòng làm việc, đến bửu điện, cúng tịnh.

Trang nghiêm chính điện, tịnh đường, nghi lễ, văn phòng, nhân sự.

- Phải chọn người trang nghiêm đảm nhiệm phần nghi lễ

Đức Vân Hương Thánh Mẫu dạy: "Ban Nghi Lễ cần chuẩn bị nhân sự chấp hành chu đáo trang nghiêm."CQPTGL, 14-8 Bính Thìn

Thần lực có sung mãn mới giữ được sự trang nghiêm. Phải công phu chuyên cần để đủ thần lực. Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn dạy: "Chư thiên ân cần nhứt bảo thủ nguyên thần để đủ thần lực trang nghiêm phát huy tinh thần bảo vệ các chức vụ nhân viên đã được chọn thực hiện chương trình hành đạo trong năm".CQPTGL,10-02 Canh Thân

- Thiết lễ trang nghiêm Ơn Trên mới chứng

- Trang nghiêm tại thánh sở, nam nữ phân biệt

Đức Giáo Tông Vô Vi dạy: "Thầy sai Bần Đạo đến sắp đặt trang nghiêm trong thánh thất. Bần Đạo phân phép từ ngày nay hễ nhập thánh thất thì phải giữ phép. Nam nữ bất thân. Nam ở đông hiên; nữ ở tây hiên. Hai bên không lân cận nhau, nam theo nam, nữ theo nữ. . . ."Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, 02-12-1926

2. Thuần hậu

- Lòng thành kỉnh tạo nên thuần hậu

Đức Quan Thế Âm dạy: "Lòng thành kỉnh tạo nên bầu không khí hiền hòa, hiện lên bao khuôn mặt vui tươi thuần hậu."CQPTGL, 19-6 Quý Sửu

- Tác phong đạo hạnh giải được tam nghiệp (thân, khẩu, ý) để tự độ và độ tha

- Thuần hậu cảm ứng với Ơn Trên

Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: "Giới tu hành luôn luôn phải để tâm mình hòa đồng cùng vạn vật, luôn luôn tập tư tưởng tốt, gội bỏ những tư tưởng xấu, hoặc từ ngoại cảnh chi phối hoặc từ nội tâm phát hiện, gạn đục lóng trong. Có thanh lọc được, có đặt mối cảm về một định hướng từ ái, sẽ tiếp nhận được lằn điển trọn tốt trọn lành từ cõi xa xăm truyền đến. Lúc bấy giờ lòng được an định, thần sắc diện mạo được từ ái, muôn người được thuần hậu, các cách đối xử với mọi người được đầy vẻ thuần chất thuần hòa. Đó là pháp phù hộ mạng hành giả được vững vàng trên đường tu tiến.. . ,"Minh Lý Thánh Hội, 22-7 Tân Hợi (11-9-1971)

3. Cẩn hạnh, cẩn ngôn.

Ưu điểm của người tu là nói ít, nghe nhiều. Đức Minh Đức Đạo Nhơn dạy: "Cẩn ngôn, ít nói mà hiểu nhiều đó là ưu điểm."

Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: "Bần Tăng dặn dò chư đạo hữu phải luôn luôn tập lòng thanh tịnh, tư tưởng thanh cao hướng thượng, hằng nghĩ điều đạo đức, hằng nói lời đạo đức, giúp đời cứu chúng, nhứt là phải cẩn hạnh cẩn ngôn để hiểu câu họa tùng khẩu xuất."Minh Lý Thánh Hội, 07-01 Quý Sửu (09-02-1973)

Đức Chí Tôn dạy về cấm vọng ngữ: "Như các con nói dối, trước chưa dối với người, thì các con đã nói dối với lương tâm, tức là chơn linh. Thầy đã nói chơn linh ấy đem nạp vào Toà phán xét từ lời nói của các con, dầu những lời nói ấy không thiệt hành mặc dầu, chớ tội hình cũng đồng một thể. Nơi Toà phán xét, chẳng một lời nói vô ích mà bỏ, nên Thầy dạy các con phải cẩn ngôn, cẩn hạnh. Thà là các con làm tội mà chịu tội cho đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể."

4. Khiêm cung

- Noi gươngĐức Chí Tôn

Từ lúc khai Đạo, Đức Chí Tôn đã dạy: "Các con coi bậc CHÍ TÔN như Thầy mà hạ mình đặng độ rỗi nhơn sanh là thế nào, phải xưng là một vị TIÊN ÔNG và BỒ TÁT, hai phẩm chót của Tiên, Phật. Đáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm tối cao tối trọng; còn Thầy thì khiêm nhượng là thế nào. Vì vậy mà nhiều kẻ môn đệ cho Thầy là nhỏ. Cười. Hạnh khiêm nhường là hạnh của mỗi đứa con. Phải noi theo gương Thầy mới độ rỗi thiên hạ đặng. Các con phải khiêm nhường sao cho bằng Thầy."

- Khiêm cung là hạ mình hoà người.

Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:

"Đạo hạnh phải rạng ngời chính khí,

Tác phong luôn giữ thế khiêm cung,

Chí thành, chân thật, khoan dung,

Khuyên đi nhắc lại dầy công cũng thành.

Phép dẫn đạo tâm thanh ngôn hạnh,

Tiếp giao người biết tánh hiểu tình,

Làm cho thắm thiết chị anh,

Đức tin ân điển sẽ thành đạo tâm."

- Khiêm cung là một đức tính cần thiết để tự kiểm và nhận phê trong tập thể

Điều thứ ba của Tứ Đại Điều Quy dạy: "Đối với trên đừng lờn dễ, trên dạy dưới lấy lễ, dưới gián trên đừng thất khiêm cung." Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy: "Nếu muốn cải tật cho nhau thì dùng Tứ Đại Điều Quy, khiêm cung, hòa ái, chơn chánh, mới có công năng diệu dụng mà cải hóa cho nhau. . .

"CQPTGL, 22-01 Bính Dần

- Có khiêm cung mới âm thầm tu tiến

Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy: "Nhẫn nại, trì thủ và hy sinh là căn bản để thành công. Hòa ái, khiêm cung, tha thứ để vững vàng trên Đại Đạo."Vĩnh Nguyên Tự, 29-4 Nhâm Tuất

4. Từ tốn

- Hành động không hấp tập, cẩn trọng

"Việc mặc lễ phục nên sửa soạn nơi nhà riêng hoặc phòng nghỉ riêng của mình xong xuôi rồi mới đến Đền Thánh. Nên tránh những cử chỉ không được trang nghiêm như vừa đi vừa cài nút áo hoặc bịt khăn, đội mão [. . .]Lúc nào người tín hữu cũng phải giữ cử chỉ trang nghiêm khoan thai từ tốn. Có thể tâm thần mới được yên tĩnh hầu giữ được trọn vẹn sự kính cẩn đối với Đức Chí Tôn."Đinh Văn Khá, "Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn"

- Nữ phái gắn liền với đức từ tốn.

Đức Lê Đại Tiên dạy: "Cái giá trị cao quý có được phơi bày trên nữ giới hay không là do những hành động của chư hiền muội, với lòng kiên nhẫn, khiêm cung, từ tốn, quảng bác, khoan dung. Đức diệu hiền của người nữ giới phải được bao trùm lấy lòng của chư hiền muội. Có thế mới làm sáng danh Đạo, mới trọn vẹn con hiếu của Đức Vô Cực Từ Tôn. Biết bao nhiêu đặc ân đã sẵn dành chờ đón chư hiền muội chư nữ phái bước đến để thọ lãnh."Ngọc Minh Đài, 10-5 Canh Tuất (13-6-1970)

Kết luận

Tác phong đạo hạnh đi theo ta suốt cả đời tu, từ nhập môn đến nhập thất, tiến đạo, tu chứng. Tác phong đạo hạnh cốt yếu là làm chủ tam nghiệp (thân, khẩu, ý).


Tác phong đạo hạnh là phù linh cứu mình, là gương mẫu độ người, để mọi người yêu mến, cảm phục, cũng là chìa khoá thông công với Ơn Trên.

Nguyện xin được như thế.
Huệ Ý

Thầy dành cho trẻ một mùa xuân,
Đi lại trần gian xóa khổ trần,
Như lý Đạo mầu đang cứu cánh,
Cho đời thuần túy nét thanh tân.

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây