Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
24/04/2007
Thiện Hạnh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 24/04/2007

Khái lược về Công quả

1. Ý NGHĨA CÔNG QUẢ

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy dạy:

"Người dưới thế này, muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của cải. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc Đạo phải có công quả."

Hay: "Nếu tròn công quả sẽ đắc, bằng không thì phải trở lại kiếp xưa."

Đức Lão Tổ cũng đã xác tín:

"Hằng cầu nguyện Ơn Trên tế độ,

Cho minh tâm giải khổ kiếp nầy;

Bao nhiêu nghiệp chướng đừng gây,

Tròn công quả đủ là ngày siêu thăng."

Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:

"Hữu duyên ngộ Tam Kỳ Phổ Độ,

Muôn đời còn tử phủ nêu danh;

Ba ngàn công quả được viên thành,

Đơn thơ chiếu hiển danh Thiên tước."

Kinh Cảm Ứng có dạy rằng: Muốn thành bậc Thiên Tiên thì phải làm một ngàn ba trăm điều thiện, muốn thành bậc Địa Tiên phải làm ba trăm điều thiện (Dục cầu Thiên Tiên giả đương lập nhất thiên tam bách thiện, dục cầu Địa Tiên giả đương lập tam bách thiện.)

Tiêu chuẩn thế nào mới được công nhận là ba ngàn công quả như lời Đức Quan Âm Bồ Tát dạy? Hay một ngàn ba trăm điều thiện thành bậc Thiên Tiên, ba trăm điều thiện thành bậc Địa Tiên? Chắc hẳn sẽ có người nêu lên thắc mắc là vì sao bản thân đã thực hiện được nhiều điều thiện, nhưng lại chưa đạt được ấn chứng thiêng liêng? Theo thiển nghĩ, tiêu chuẩn về công quả mang tính ước lệ để khuyến thiện và tất cả những điều thiện mà con người thực hiện dưới nhiều hình thức sẽ được qui đổi thành đơn vị công quả thống nhất để so sánh[1]. Chắc hẳn luật Thiên điều chí công vô tư phân định những điều thiện, ác vô cùng chính xác không mảy may sơ sót.

Xin được ghi lại đoạn thánh giáo của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn:

"Này hai cháu B.L.N và L.T.S! Lão miễn lễ, hai cháu ngồi để nghe kỹ hầu đem về thuật lại cùng huynh đệ đồng đạo địa phương.

Này hai cháu! (…) Sở dĩ cho đến giờ này còn lận đận quây quần lẩn quẩn trong cõi vô thường ô trược này vì bởicông đức tu thân lập quả các cháu còn ít, mà sự tạo duyên nghiệp ở thế thì nhiều. Bởi bài toán trừ cái đáp số còn chênh lệch nên các cháu chưa được về ngôi xưa vị cũ."

Như vậy là đã rõ, hai điều tội phước bù trừ lẫn nhau, mà thật ra sự phán xét định công định tội lại không thuộc thẩm quyền của người thế gian. Tuy nhiên, chúng ta biết chắc một điều rằng công quả chính là một trong những yếu tố quyết định sự trở về phục hồi ngôi xưa vị cũ. Qua các trích dẫn nêu trên như: "Muốn cho đắc Đạo phải có công quả.", "Tròn công quả đủ là ngày siêu thăng.", "Ba ngàn công quả được viên thành.", chúng ta thấy rõ tầm mức quan trọng của công quả đối với kết quả của cuộc đời tu hành như thế nào. Bởi lẽ, thành quả nầy sẽ qui định phẩm vị thiêng liêng của mỗi người.

Có thể đơn cử một trường hợp điển hình vào thời kỳ Khai đạo năm Bính Dần (1926), khi vị Chưởng Pháp T. liễu đạo, Thầy căn dặn quí vị Tiền Khai:

"Tr., L.! Hai con phải dụng đại lễ mà an táng T. nghe.

Thầy ngặt một lẽ, chẳng thế nào đem T. vào Tam thập Lục thiên, phải để nó nơi Đông Đại Bộ Châu mà chờ Tòa Tam Giáo phát lạc. Thầy có để lời cho Thái Bạch Kim Tinh cầu rỗi, nhưng Người giận T. không công quả, dâng Bộ Công Thiên thơ ra trống trải lắm, tại nơi Tòa mới cãi chối nỗi gì. Người nhứt định không dự đến. Các con nghe à!

Vậy trong hịch văn sớ tấu, các con phải thượng nơi Tòa Tam Giáo mà cầu rỗi cho nó thiệt hết lòng, rồi Thầy sẽ rỗi cho nó. Các con hiểu."

Vì sao công quả lại có vai trò quan trọng quyết định đến như vậy? Vì đó chính là tình thương và trách nhiệm của con người đối với chúng sanh, đồng loại, với xã hội, quốc gia, được thể hiện từ tư tưởng, lời nói đến hành động.

1.1. Ý nghĩa công quả

Đức Lão Tổ dạy các nội dung của công quả như sau:

"Chư hiền đệ hiền muội nên lưu ý ba điều này:

Điều thứ nhứt: Chia cơm sẻ áo, an ủi vỗ về người bất hạnh, đó là một nghĩa cử đạo đức, một hạnh tốt trong vạn hạnh.

Điều hai: Đem lại đạo đức, tùy trường hợp, khuyến thiện cảnh tỉnh giác ngộ người đời cải tà qui chánh. Đó là một nghĩa cử, một hạnh, quí hơn nghĩa cử và hạnh ở điều thứ nhưt.

Điều ba: Tạo điều kiện và truyền bá pháp môn giúp người tu siêu phàm nhập thánh, thoát kiếp luân hồi. Đó là một nghĩa cử lại càng quí nhứt. Nhưng đừng vì chỗ khinh chỗ trọng mà làm điều ba, bỏ điều một, điều hai, ấy là thiếu sót vậy."

Như vậy thì ý nghĩa công quả ra sao? Công quả chính là sự thể hiện lòng bác ái từ bi đối với mọi người, mọi vật qua tư tưởng, lời nói và hành động dưới nhiều hình thức nhằm mục đích xoa dịu, giúp đỡ, ban vui cứu khổ những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn; hướng dẫn người khác cải ác tùng lương. Việc cầu nguyện cho tha nhân hay hồi hướng pháp thí, công phu tọa thiền cũng là công quả rất thâm sâu.

Cũng cần thấy rằng, không phải là có thật nhiều tiền mới làm công quả được (như bố thí, xây chùa, in kinh, cứu trợ, v.v.). Những việc làm nho nhỏ, tùy khả năng sở hữu của mình, thực hiện với tấm lòng vị tha là công quả đích thực vậy. Ví dụ: Cho một viên thuốc, một cái áo dư dùng, bớt một phần ăn, dành mười phút cạo gió, v.v. tất cả đều là những hình thức công quả rất thiết thực. Chúng ta không so sánh công quả nào nhiều, công quả nào ít. Quan trọng là ở tấm lòng, chính vì thế, tục ngữ có câu: "Cách cho quí hơn của cho".

1.2. Công quả và Bố thí Ba La Mật

Công quả trong đạo Cao Đài tương ứng với Bố thí Ba-la-mật trong đạo Phật.

Bố thí Ba-la-mật (Bố: cùng khắp; thí: cho, trao tặng; Ba-la-mật: Paramita, có nghĩa là đến bờ bên kia) là pháp môn tu hành nhằm thực hiện lòng từ bi ban trao cùng khắp cho tất cả mọi người, mọi vật, mọi nơi để độ mình, độ người ra khỏi nẻo luân hồi, sang qua bờ giác ngộ.

Bố thí Ba-la-mật gồm có: Tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí gồm nội tài và ngoại tài. Nội tài là vật quí báu nhất của mình (thân mạng, đời sống), ngoại tài là vật ở ngoài thân (tiền bạc, thức ăn, vật dụng, v.v.). Người ta thường có khuynh hướng giúp đỡ phương tiện để tạo ra của cải (giúp cần câu để câu cá). Pháp thí là đem lời hay, lẽ phải, giáo lý để hướng dẫn người khác (khẩu giáo) hoặc lấy thân mình làm khuôn mẫu cho mọi người noi theo (thân giáo hay chánh kỷ hóa nhân). Vô úy thí là các sự thể hiện (lời nói, cử chỉ, hành động, v.v.) nhằm giúp cho người và vật không còn lo sợ nữa. Người tu hành tu tập hàng ngày đức tính không lo sợ. Tiền của không tham nên không sợ mất, danh lợi không màng nên không sợ thiếu, sanh mạng giả tạm nên không sợ chết. Lòng không xao động trước mọi sự kiện đổi thay, nét mặt luôn bình thản, an nhiên, tự tại.

1.3. Công quả và Công đức

Việc thực hành công quả nếu phát xuất từ mục đích danh lợi, tư tâm, tư dục thì công quả chỉ có giá trị hữu vi (còn gọi là phước đức). Nếu thực hành công quả với tâm vô niệm tức là không có chủ thể, không có đối tượng thọ nhận và không có nội dung công quả thì tác dụng của công quả rất to lớn, có thể ví như được nhân với hệ số cao và được gọi là công đức. Như vậy, công quả cũng chính là công đức nếu chủ thể thực hiện một cách vô kỷ, vô cầu, vô danh hay nói một cách đơn giản là "quên mình" hay "vị tha" như Đức Ngọc Lịch Nguyệt giảng giải:

"Cái vốn của công đức là tâm từ huệ, bác ái, vị tha, giúp người quên mình trong lúc người hoạn nạn khổ đau. Những việc làm do tâm từ huệ, bác ái, vị tha, dầu lớn dầu nhỏ cũng đều là công đức."

Khi thực hành công quả mà một niệm không sanh, thì công quả đó cũng được gọi là công đức. Điều nầy để phân biệt với công quả thực hành với tư tâm, tư dục gọi là công quả hữu vi. Đức Trần Hưng Đạo phân tích như sau:

"Phật có dạy: Dầu lấy thất bảo chất đầy trong tam thiên đại thiên thế giới mà cúng dường, bố thí cũng không bằng tụng niệm một câu tứ cú kệ ở Kinh Kim Cang. Tứ cú kệ như thế nào mà công đức vô lượng vô biên? Phải chăng đó là lòng vô niệm, vô ngã, vô nhơn, vô chúng sanh, vô thọ giả. Dầu thất bảo có nhiều vô lượng vô biên, cũng chẳng qua là phước đức hồng trần hữu lậu vào sanh ra tử triền miên. Giá trị tu chánh pháp đại thừa, một niệm không sanh vọng chấp hữu vi sắc tướng, thì công đức ví tợ hư không (vô lượng). Bởi vậy mà Đức Đạt Ma mới nói: Việc cất chùa tạo tăng tác tự của Lương Võ Đế[2], dầu nhiều đến bao nhiêu đi nữa, cũng không đáng gọi là công đức. Công đức mới có phục hồi phóng tâm, cầu tâm thanh tịnh; còn ngoài ra dầu có làm gì, nghĩ gì cũng là công quả hữu vi."

Lại nữa, Đức Minh Đức Đạo Nhơn phân tích rất chi tiết ý nghĩa của công đức theo giáo lý Phật tông. Lý giải nầy có thể tóm tắt rốt ráo trong chỗ chánh niệm và bình đẳng.

"Theo Phật gia có nói: Mỗi người đều có Phật tánh, Phật tánh hằng tại trong Phật thân là pháp thân, hóa thân và báo thân. Công đức vô lượng sẽ là mầm để khởi ánh huệ đăng cho ba thể Phật ấy, nên nói rằng "Tự tánh bất ly thị công, ứng dụng vô nhiễm thị đức. Tự tu tánh thị công, tự tu thân thị đức. Niệm niệm vô gián thị công, tâm hành bình đẳng thị đức". Tạm nói nghĩa như vầy: Không lìa tự tánh là công, lúc ứng dụng mà không nhiễm ngoại vật là đức, mình biết tu lấy tánh mình để cho suất tánh đó là công. Mình biết tu thân mình trọn lành đó là đức, niệm niệm không bị xen lẫn thiên lệch loạn động mà không dứt chánh niệm là công, lòng hằng phẳng lặng xem tất cả đều bình đẳng là đức."

Công quả và công đức cũng có chỗ khác biệt như vừa nêu. Đức An Hòa Thánh Nương trong một lần giáng điển đã dạy nội gia tôn tử, thiết tưởng đây cũng là bài học chung cho mọi người:

"So ra thì đời hành đạo của hai con (T.B. và N.K.) chỉ do tâm thành mà được thu ngắn công trình, được kết quả. (…) Con có công quả nhưng thiếu công đức với nhơn sanh quần chúng nên công trình còn kém, chỉ nhờ có công phu; với trách nhiệm to tát lại đòi hỏi công phu tu chứng mới đương kham nổi đó."

Khi thực hành công quả với tâm chánh niệm và bình đẳng một cách rốt ráo và thâm sâu, công quả đó sẽ tạo ra một tác dụng rất to lớn có thể tác động vào ba thể Phật là pháp thân, hóa thân và báo thân. Lúc bấy giờ công quả được gọi là công đức vô lượng.

Đọc tiếp:  http://nhipcaugiaoly.googlepages.com/congqua


[1] Công Quá Cách (Thiện thư đời Hán) đã nêu bảng tự kiểm hàng ngày gồm: Công cách ghi 36 điều thiện chia làm 4 loại: Cứu tế, Giáo điển, Phần tu và Dụng sự. Quá luật ghi 39 điều ác cũng chia làm 4 loại: Bất nhân, Bất thiện, Bất nghĩa và Bất quỷ. Cứu tế gồm 12 điều nói về cứu giúp người. Thí dụ: Dùng thuốc và châm cứu trị bệnh (10 công), giúp người đói khát thức ăn hoặc thức uống (1 công), v.v. Giáo điển gồm 7 điều nói về truyền bá kinh sách. Phần tu gồm 5 điều nói về trùng tu nơi thờ tự và lễ bái cúng dường. Thí dụ: Thắp nhang cầu an cho bá tánh (mỗi lần 2 công), v.v. Dụng sự gồm 12 điều nói về các việc thiện. Thí dụ: Giảng thuyết (mỗi 10 người được 1 công), tiến cử hiền tài (tiến cử 1 người được 10 công), tán dương việc thiện của người (mỗi việc 1 công) v.v.


[2] Vua Lương Võ Đế hỏi Đức Bồ Đề Đạt Ma: "Trẫm từ lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép kinh, độ tăng ni không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì chăng?" Ngài đáp: "Đều không có công đức". Vua hỏi lại: "Tại sao không có công đức?" Ngài đáp: "Bởi vì những việc ấy là nhân hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật". Vua hỏi tiếp: "Thế nào là công đức chơn thật?" Ngài đáp: "Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế không do thế gian mà cầu".


Thiện Hạnh

Các con tuân lịnh của Thầy ban,
Độ thế qua cơn thế khổ nàn,
Đem tiết xuân gieo cùng khắp chốn,
Để đời tận hưởng thú vinh quang.

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây