Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Trong "Lịch trình hành đạo" của Đức Lê Đại tiên ban cho Cơ quan Phổ thông Giáo lý, nơi phần ...
-
Ý Thu /
. . .Hòa tan Tâm mình trong lòng Vô Cực Từ Tôn Kim Mẫu. Ôi ! Bao vinh quang tuyệt ...
-
HỘI THOẠI TỰ TRI GIẢ MINH Thời Mạt Pháp : Trước diễn biến bất nhân vô đạo, sức phá tán ...
-
Hội ý bài kệ “Nhãn thị chủ tâm” của Đức Chí Tôn, thì Chánh pháp này cũng đặt tại Tâm ...
-
Tư tưởng Đạo gia 道家思想 ● Lê Anh Minh dịch 15. DANH LỢI 名 利 – ĐẮC THẤT 得 失 337. Danh ...
-
Samedi 18 Septembre 1926 13 tháng 8 năm Bính Dần Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế Viết Cao-Ðài Tiên Ông Ðại Bồ-Tát Ma-Ha-Tát Giáo Ðạo Nam Phương Các con, ...
-
Trên non Yên Tử chòm cao nhất, Trời mới sang canh đã sáng tinh Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả Nói cười ...
-
Ngày Rằm tháng 2 Âm lịch là ngày Kỷ niệm Khánh đản Đức Thái Thượng Lão Quân. Dưới đây là bài ...
-
Vĩnh Nguyên Tự Ngọ thời, 03-12 Tân Hợi (18-01-1972)
-
Tóm tắt các diễn biến trong lịch sử Phật giáo Sự phát triển của Phật giáo thời vua Asoka566-486 TCN: Thích ...
-
"Tư tưởng đạo gia" là những bài dịch Hán Văn từ những kinh sách của chư đạo gia như Lão ...
-
THI Đạo tâm tại hề Phật tại tâm, Vọng cầu bôn ngoại thị hôn trầm, Nhơn nhơn tự hữu Như Lai tánh, Tánh đắc ...
Thiện Hạnh
Chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh
Trên cõi thế gian nầy con người thuộc tôn giáo nào cũng cần tìm cho mình một phương pháp tu học hay pháp môn thực hành sao cho phù hợp với trình độ và hoàn cảnh của bản thân. Mỗi người có thể chọn phương tiện khác nhau để đi đến mục tiêu trên con đường tiến hóa là phản bổn hoàn nguyên, trở về cùng Thượng Đế. Tuy phương tiện tu hành có thể nhiều vô số do trình độ căn trí của chúng sanh vô lượng, nhưng suy cho cùng, pháp môn chỉ có hai nhóm là tu phước và tu huệ; hoặc thực hành đồng thời tu phước và tu huệ, gọi là phước huệ song tu. Tu phước là thực hành công quả giúp đời, tích phước hành thiện để giải trừ nghiệp quả và làm nền tảng cho việc tu huệ trong kiếp hiện tại hoặc đầu tư cho kiếp lai sinh. Còn tu huệ là thực hành công phu tu luyện để tiến hóa tâm linh, phục hồi cựu vị. Tuy nhiên, nếu tu huệ mà nền tảng là tu phước chưa vững vàng, công phu cũng khó có thể thành tựu viên mãn được. Cho nên, phước huệ song tu là giải pháp hữu hiệu giúp con người có thể tu nhứt kiếp mà được đắc thành trong thời kỳ đại ân xá nầy. Tu phước là cách tu tiệm tiến, còn tu huệ hay phước huệ song tu lại là cách tu rốt ráo. Tuy nhiên, việc sớm tìm được một phương pháp tu hành thích hợp nhất cho bản thân sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức cho hành giả trên con đường tìm cầu chân lý. Bằng ngược lại, hành giả phải loay hoay trong việc chọn lựa và thực nghiệm pháp môn.
Lời chỉ dạy rất rành rẽ trên nhiều lãnh vực, tuy nhiên cũng còn nhiều đệ muội thắc mắc phân vân, tự hỏi lòng không biết phải làm một việc nào chánh đáng để trúng ngay vào trung tâm điểm đạo đức hầu làm lối đi tắt đến con đường thánh thiện. Vì Thiêng Liêng đã dạy nhiều vấn đề trên nhiều lãnh vực, đã rộn ràng trước mắt không biết nên chọn điều nào. Nào là công phu tịnh luyện, nhập định tham thiền, nào là bố thí thi ân, giúp đời tế chúng trên phương diện vật chất, nào là tứ thời cúng lạy tụng niệm kinh lễ, nào là trường trai giới sát, thả cá phóng chim, nào là khuyên nhủ người đời theo đường chánh đạo học hỏi giáo lý trên phương diện phổ độ chúng sanh, nào là tu thân tề gia ở phần nhân đạo, v.v. Vì sức người có hạn mà đạo lý thì lại rộng lớn bao la.
Vấn đề ở đây không phải con người cần phải khảo sát thật nhiều pháp môn để chọn cho mình một phương pháp tu hành thích hợp nhất. Rõ ràng rằng việc làm nầy bất khả thi vì đạo pháp vô biên, vô tận; trong khi kiếp người hữu hạn, hữu giới. Song, pháp môn nào cũng đều có chỗ rốt ráo và bí yếu của nó. Cho nên, hành giả hành trì pháp môn phù hợp nhất cho rốt ráo sẽ có ý nghĩa và giá trị hơn nhiều so với việc thể nghiệm thật nhiều pháp môn.
Sự thắc mắc phân vân đó cũng có một phần đúng với tầm nhận xét hiểu biết của một con người, nhưng đó không phải là vấn đề chánh làm cho người tín hữu phải bận tâm, vì đạo lý pháp môn vô lượng, chúng sanh căn trí cũng vô lượng.
Đạo lý mà muốn biện luận ra cho hết các pháp môn, thì dầu cho đời người có sống được ngàn tuổi, đầu thai muôn kiếp cũng chưa học hết pháp môn. Nhưng không phải vì lý do đó mà con người không thể học đạo, hành đạo và đắc đạo. Dốt chữ như Huệ Năng còn có thể trở thành Lục Tổ kia mà. Như vậy Đạo được thành phải do chỗ bí yếu của nó.
Phương pháp tu hành hay pháp môn tuy vô số, vô lượng nên con người không thể nào liệt kê cho cùng tận; nhưng chỗ chứng đắc của bất luận pháp môn nào đều có chung một điểm giống nhau. Đó chính là sự đắc nhứt, là chỗ bí yếu của vạn pháp vậy.
Tuy nói rằng Phật pháp có mấy muôn, mấy ngàn pháp môn, thực ra là không ai có thể lường được, nhưng sự đạt đắc nhứt chỉ có một chỗ bí quyết mà thôi. Nếu nói thế, tại sao Thượng Đế cùng Tam Giáo Tổ Sư không chỉ một chỗ bí quyết ấy cho đời để làm đạo mà lại vẫn cứ phổ truyền kinh điển mãi mãi. (…) Nếu đặt câu hỏi ấy ra, Bần Tăng và chư đạo hữu cũng vẫn còn mắc trong vòng lẩn quẩn, vì như trên đã nói: “Căn trí nhơn sanh không lường, mà Đạo lý pháp môn cũng không lường.
Song, pháp môn được truyền bá trong quá khứ áp dụng cho đến ngày nay nếu không có tính khế cơ, sẽ khó thích ứng với căn trí chúng sanh trong thời Mạt kiếp. Thật vậy, đây chính là sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố bất biến và tùy duyên của đạo pháp. Đạo lý (về mặt nội dung) muôn đời vẫn luôn bất di bất dịch, tuy nhiên việc ứng dụng của đạo lý (về mặt hình thức) có thể thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh và căn trí của chúng sanh. Do đó, để dễ dàng phân biệt, các pháp môn tu hành trong Tam kỳ Phổ độ được gọi chung là Tân pháp và các pháp môn trước thời điểm nầy được gọi là Cựu pháp.
Tôn giáo lập tại thế gian là những phương tiện độ đời vào hàng thánh thiện. Mỗi thời kỳ mở đạo, mỗi pháp môn khác nhau, vì phải tùy theo trình độ tiến hóa và hoàn cảnh xã hội của từng giống dân mà đem giáo lý thích hợp để dìu dắt họ. Đến nay là thời kỳ thứ ba mà Thượng Đế đem đạo dìu đời trong thời đại nguyên tử này. Do đó các pháp môn đều phải tân tiến để dìu dẫn nhơn sanh kịp với trào lưu tiến hóa của nhơn loại. Các cháu hãy lưu ý đến điều đó. Nếu không quan hệ thì đâu gọi là nhứt kỳ, nhị kỳ, tam kỳ mà chi!
Pháp môn là phương tiện giúp con người tu tiến trên trường tiến hóa, mà điểm nhắm cuối cùng như đã nêu, là phối thiên, huyền đồng cùng Thượng Đế. Cho nên, cũng có thể nói pháp môn chính là chìa khóa mở cửa thiên quốc, cõi Niết bàn, hay Bạch Ngọc Kinh. Do chúng sanh căn trí vô lượng nên lẽ tất nhiên có nhiều pháp môn phù hợp và tương thích với trình độ căn trí và hoàn cảnh riêng biệt. Xin được giới hạn khảo sát vài pháp môn tiêu biểu như sau: Tam công, cúng tứ thời, tình thương, và sống đạo.
1. Tam công
Tam công gồm công quả, công trình và công phu là phương pháp tu hành rất căn bản trong đạo Cao Đài. Một cách vắn tắt, công quả là thực hiện những gì mang lại ích lợi cho bá tánh chúng sanh thể hiện qua tư tưởng, lời nói và hành động. Công trình là quá trình luyện thân dựa vào giới luật qui điều sao cho có tác phong đạo hạnh để trở thành mẫu người hiền nhân quân tử, con người cho thật con người. Công phu là quá trình luyện tâm nhằm hóa giải thất tình lục dục, vẹt tan bức màn vô minh nhằm đạt đến chỗ thân an-thần định-trí huệ, giải thoát tại chốn nầy và siêu xuất thế gian. Pháp môn Tam công của đạo Cao Đài tương ứng với Lục độ Ba La Mật của Phật giáo đại thừa.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, chư hiền không có cái pháp Ba La Mật, nhưng thay vào đó cái pháp Tam Công cũng là đầy đủ lắm rồi. Thực hành được Tam Công là chứng được đạo quả mà Phật thường cho là Bồ Tát Hạnh.
Pháp môn Tam công là phương tiện tu hành rốt ráo và toàn diện. Thực hành đồng thời pháp môn Tam công cùng một lúc chính là phước huệ song tu; trong đó công quả là tu phước và công phu là tu huệ. Công quả là nền tảng và công trình trợ giúp cho công phu. Vậy nên, có thể nói công quả và công trình là nền móng để xây dựng ngôi nhà là công phu.
Người tu thân hành đạo, ngoài phần công quả công trình để xây dựng nền tảng âm chất cho vững chải, còn cần phải có thì giờ rèn luyện công phu. Chính phương diện này mới tạo dựng được lâu đài. Đó là ngôi vị Tiên Phật hay phản bổn huờn nguyên cũng thế.
Song, không phải ai cũng có đủ điều kiện để thực hành Tam công cùng một lúc. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể cũng như duyên nghiệp riêng tư mà con người có thể chỉ chọn thực hành một hoặc hai phần của Tam công là công quả, công trình và công phu riêng biệt với nhau. Tuy nhiên, suy cho cùng, Tam công đều có sự liên hệ chặt chẽ và hữu cơ với nhau.
• Công quả
Đức Thượng Đế đã xác quyết rằng công quả giúp đời tế chúng là điều kiện ắt có và đủ để con người có thể phản bổn hoàn nguyên. Cho nên, công quả là pháp môn tu hành và chìa khóa để con người mở cửa Bạch Ngọc Kinh.
“Thầy hằng nói cùng các con rằng: một trường thi công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi.”
Do thế gian là trường thi công quả nên kết quả chung cuộc cao hay thấp được dựa vào công quả của mỗi người thực hiện trong kiếp nầy và tích lũy được từ vô lượng kiếp.
Trường thi công quả chọn nhơn hiền,
Cho kẻ tu hành hữu huệ duyên,
Chẳng luận nữ nam Âu Mỹ Á,
Ai nhiều huệ phúc sẽ thành Tiên.
Công quả trong Tam kỳ Phổ độ được nhân hệ số ba (3) , cho nên duyên phước rất hi hữu nầy thật sự là một cơ hội VÀNG để con người có thể thành công đắc quả ngay trong kiếp hiện tại nầy, thay vì phải trải qua vô lượng kiếp nếu không có Đại ân xá cuối thời Hạ nguơn Mạt kiếp.
Hữu duyên ngộ Tam Kỳ Phổ Độ,
Muôn đời còn tử phủ nêu danh,
Ba ngàn công quả được viên thành,
Đơn thơ chiếu hiển danh Thiên tước.
Khi thực hành công quả, con người làm tăng trưởng bồ đề tâm, đối trị tính ích kỷ, tức là phần nào rèn luyện công trình. Như vậy, thực hành công quả cũng có phần tác động đến công trình. Lại nữa, khi thực hành công quả với tâm thanh tịnh, vô dục vô niệm thì đồng thời con người thực hành công phu rồi vậy. Do đó, khi thực hành công quả một cách thâm sâu, hành giả đã đồng thời chế tác được phần nào năng lượng của công trình và công phu.
• Công trình
Con người nơi cõi trần gian muốn trở nên hiền nhân, tất nhiên cần rèn luyện đức tánh của bậc quân tử như tam cang, ngũ thường. Còn trong cửa đạo, tín đồ muốn trở thành đứa con tin yêu của Thượng Đế, bậc chơn tu đức hạnh, cũng cần nghiêm trì giới luật như ngũ giới cấm và tứ đại điều qui. Đây chính là công trình, là quá trình tu thân luyện kỷ của người tu, thuộc về phạm trù luyện thân.
Ráng tu cho vẹn đạo làm người,
Tự độ độ tha khắp mọi nơi,
Hiện kiếp cho ra người đức hạnh,
Vị lai kiếp sẽ ngự cung Trời.
Khi đề cập đến công trình, tất không thể không đề cập đến tác phong đạo hạnh. Bởi lẽ, đây chính là sự thể hiện ra bên ngoài của mẫu người chơn tu, khác biệt so với người thế tục. Đức Bảo Hòa Thánh Nữ đề cao tác phong đạo hạnh là đệ nhứt pháp môn của người tu.
Trật tự hữu hình là giá trị của người tu, tác phong đạo hạnh là lớp đầu của người tu sĩ, và cũng là kết quả của cấp lãnh đạo. Có tác phong đạo hạnh thì được kẻ kính người mến, kẻ yêu người nể, và người ngoài hâm mộ mà noi theo, có lợi cho mình mà độ được người, đó là đệ nhứt pháp môn.
Rèn tác phong đạo hạnh chính là chánh kỷ hóa nhân. Mọi người sẽ nhìn vào tấm gương đạo đức nầy để bắt chước noi theo. Cho nên, thực hành công trình sẽ tạo ra công quả vì nó ảnh hưởng và tác động đến tha nhân. Mặt khác, việc nghiêm hành giới luật một cách bền bỉ, chuyên nhất từng giờ từng phút của hành giả lại chính là việc thực hành công phu. Như vậy, thực hành công trình bất thoái chuyển, hành giả cũng đồng thời phần nào chế tác được năng lượng công phu và tạo ra được công quả.
• Công phu
Công phu là tập trung tư tưởng một cách ý thức vào một công việc mà mình đang thực hiện theo phương pháp của tôn giáo. Hay nói một cách khác, công phu diễn ra khi thân và tâm của hành giả gắn chặt vào một công việc nào đó như đọc kinh, quán chiếu hơi thở, suy nghĩ một công án thiền, v.v. Thí dụ như trong lúc đọc kinh, thân tức là miệng đang đọc kinh, còn tâm tức là tư tưởng luôn tập trung vào từng chữ từng câu và ý nghĩa của câu kinh đó. Còn ngược lại, trong lúc miệng hành giả đọc kinh mà tư tưởng lại nghĩ đến một việc khác; thì rõ ràng trong trường hợp nầy thân và tâm tách rời nhau, không hiệp nhứt. Lúc ấy, hành giả đang đọc kinh, không phải trì kinh, tụng kinh hay công phu.
“Một hiền muội mắt hơi làn, xỏ kim không kiếng, nhắm vào một chỗ để luồn sợi chỉ cho qua, có khi mất cả mười phút. Trong mười phút đó chắc chắn rằng tâm thanh tịnh không tưởng việc nào khác hơn là luồn chỉ qua kim. Như vậy không gọi là công phu được sao? Nhưng đó là thiền định vô ý thức. Thay vì chăm chú vào mối chỉ lỗ kim, hãy chăm chú vào ngọn nhang, ánh đèn Thái Cực, hoặc nhìn chăm chú vào Thiên Nhãn, đừng tưởng việc chi khác hơn, đó cũng là khởi đầu cho động tác công phu thiền định rồi vậy.”
Công phu thuộc về phương tiện luyện tâm nhằm hóa giải tam độc là tham sân si và thất tình lục dục để tâm thanh tịnh. Khi tâm an định, tất nhiên trí huệ sẽ phát sinh, hành giả đạt được giải thoát tại thế gian. Đây là một quá trình tu luyện tiệm tiến; cho nên, khi tâm thanh tịnh được một phần thì trí huệ sẽ phát sinh tương ứng. Hay nói cách khác, phàm tâm được chế ngự hóa giải một phần thì đạo tâm phát sanh tăng trưởng một phần tương ứng và ngược lại.
Tham sân si ấy thật ma vương,
Sáu dục bảy tình tương trợ đương,
Ba báu của người toan cướp đoạt,
Huyền công luyện kỷ khó xâm lường.
Do đó, công phu chính là phương tiện “thượng thừa tâm pháp” giúp cho hành giả phản bổn hoàn nguyên, mở cửa Bạch Ngọc Kinh.
Muốn phản bổn, huyền công tu tập,
Muốn huờn nguyên, phá chấp giải mê,
Bảy tình sáu dục thâu về,
Về nơi căn cội bồ đề khi xưa.
Công phu ấy thượng thừa tâm pháp,
Trị bịnh đời đa tạp biến sanh,
Tâm con dõng mãnh chí thành,
Đào sâu gốc rễ ngọn ngành còn đâu.
Tình thức đoạn não sầu cũng đoạn,
Vọng trần không, bịnh hoạn cũng không,
Qui về một chủ nhơn ông,
Thanh nhàn thanh tịnh ngoài trong vẹn toàn.
Thực hành công phu, hành giả thực hiện quá trình chuyển hóa tâm linh: (thân) an – (thần) định – (trí) huệ. Từ chỗ lặng lẽ thanh tịnh của tâm, Đạo sẽ lưu hành trong nội thân; bởi lẽ lúc bấy giờ “phàm tâm tử, đạo tâm sanh”. Đạo từ bên trong nội tâm của hành giả sẽ hiện bày ra bên ngoài tác phong đạo hạnh. Như vậy, thực hành công phu sẽ tạo ra công trình do quá trình “tưới gốc sẽ sum cành”. Lại nữa, khi tâm an định sẽ phát sinh năng lượng cứu độ chúng sanh và tạo ra được công đức từ tọa thiền. Như vậy, hành giả thực hành công phu có kết quả sẽ đồng thời tạo ra phần nào công trình và công quả.
2. Cúng tứ thời
Điều thứ hai mươi của Tân Luật có qui định Chức sắc giữ Thánh thất mỗi ngày phải làm tiểu lễ bốn lần theo tứ thời là Tý (từ 11 giờ khuya đến 1 giờ sáng), Mẹo (từ 5 giờ đến 7 giờ sáng), Ngọ (từ 11giờ đến 12 giờ trưa), và Dậu (từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối). Tín đồ tại tư gia cũng cúng tứ thời theo giờ qui định nêu trên. Cúng tứ thời được xem là một trong những phương pháp thực hành Tam công: công quả, công trình và công phu.
• Công quả
Khi cúng tứ thời với tâm thanh tịnh và lòng thành kỉnh sẽ tạo ra công năng cứu độ có thể xoa dịu hoàn cảnh khổ đau bên ngoài, hóa giải những ác nghiệp kết tụ, ban vui cứu khổ cho bá tánh chúng sanh và đồng thời tác động trở lại bản thân ngõ hầu giúp cho người tín hữu được minh tâm kiến tánh, thân thể mạnh khỏe, tinh thần an vui.
Kết thúc buổi cúng là phần cầu nguyện gồm năm điều: Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai, nhì nguyện phổ độ chúng sanh, tam nguyện xá tội đệ tử, tứ nguyện thiên hạ thái bình, và ngũ nguyện thánh thất an ninh. Khi người tín hữu cầu nguyện với tinh thần vô ngã, thanh tịnh, và kỉnh thành thì nguyện lực vô cùng linh ứng. Lúc ấy, sự cầu nguyện tạo ra công đức vô lượng.
Nếu cúng tứ thời tại tịnh thất với số lượng đạo hữu càng đông sẽ tạo nên một tấm lưới thiêng vẹt tan mọi chướng duyên giúp chúng sanh cải ác tùng lương, hồi đầu hướng thiện; công đức càng thâm sâu.
• Công trình
Cúng tứ thời có tác dụng giúp cho người tín hữu khắc phục tính lười biếng. Giờ Tý và giờ Mẹo phải vượt qua sự buồn ngủ của xác thân, giờ Ngọ và Dậu do tại bị chuyện nầy chuyện nọ. Như vậy cúng tứ thời giúp cho đạo hữu tinh tấn trên đường tu. Ngoài ra, cúng tứ thời còn giúp cho đạo hữu rèn ý chí bất thoái chuyển, củng cố thêm đức tin ngày càng bền chặt.
Lại nữa, khi cúng tứ thời tại tịnh thất, đạo hữu sẽ có động lực của tập thể thúc đẩy bản thân mình vượt qua những lúc biếng lười, mệt mỏi. Như vậy, nhờ có sức mạnh của tập thể nên từng cá nhân có thể dựa vào đó tự thắng bản thân.
Cúng tứ thời với tâm chí thành, thanh tịnh sẽ tạo công năng đại định giúp cho đạo hữu phát huy được tác phong đạo hạnh thuần thành đạo đức. Đây chính là việc vun bồi gốc rễ, tất nhiên sẽ sum suê cành lá. Khi tâm an định tất yếu đức hạnh sẽ hiện bày ra bên ngoài.
• Công phu
Việc cúng tứ thời sẽ đạt kết quả rất mầu nhiệm khi đạo hữu chú ý tập trung vào lời kinh; ngoài ra, người tín hữu cũng cần hiểu được ý nghĩa của kinh để có thể “tinh nghĩa nhập thần” vào từng câu của bài kinh cúng tứ thời. Như vậy, cúng tứ thời chính là thực hành công phu. Bởi lẽ, lúc ấy thân và tâm của đạo hữu hiệp nhất với nhau. Trong lúc thân (miệng) đọc kinh, tâm của đạo hữu chuyên chú vào từng câu và nghĩa lý của câu kinh đó. Đây chính là quá trình công phu vậy. Ngược lại, nếu đạo hữu cúng tứ thời mà phóng tâm, không chú định vào việc trì tụng và ý nghĩa từng câu kinh, thì việc cúng tứ thời sẽ không mang lại kết quả cho bản thân và đại chúng.
Sự cúng lạy con nên sốt sắng,
Trừ nghiệp thân cho đặng tinh anh,
Kệ kinh miệng đọc lòng thành,
Để trừ nghiệp khẩu, khỏi sanh não phiền.
Con ngày đêm tâm thiền cầu nguyện,
Để diệt trừ vọng niệm ý tà,
Tứ thời trẻ ráng gần Cha,
Nhìn ngay Thiên Nhãn thì là thần gom.
Như vậy, trước tiên người tín hữu Cao Đài đạt được công trình do siêng năng tinh tấn, khắc phục được sự biếng lười. Tiếp theo đó, hành giả đạt được công quả do chí thành cầu nguyện cho bá tánh chúng sanh, cho đại cuộc cứu độ của Đức Chí Tôn như: “Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai”, “tứ nguyện thiên hạ thái bình” và “ngũ nguyện thánh thất an ninh”. Ngoài ra, hành giả còn thực hiện được công phu do tập trung nhìn Thiên nhãn và tinh nghĩa nhập thần vào từng lời kinh. Cho nên, cúng tứ thời cũng chính là pháp môn tu hành của người tín hữu Cao Đài, đồng thời là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh vậy.
3. Tình thương
Thượng Đế do lòng háo sanh vô lượng vô biên đã tạo dựng nên Càn khôn thế giới, mà trong mỗi chúng sanh đều có sự hiện hữu đầy quyền năng của Thượng Đế. Nói một cách khác, con người là tiểu linh quang phát xuất từ Thượng Đế là khối Đại linh quang. Lòng háo sanh vô biên của Thượng Đế có thể hình dung như đại dương tình thương và mỗi chúng sanh là một giọt tình thương. Cũng có thể nói, tình thương là “cơ thể” của Thượng Đế. Cho nên, muốn hiệp nhất cùng Thượng Đế, con người cần thể hiện sự thương yêu đối với đồng loại, với chúng sanh.
Con Thầy thì phải giống Thầy,
Giống Thầy ở chỗ đủ đầy thương yêu.
Như vậy, sự thương yêu là phương tiện để con người có thể thông công, phối kết cùng Thượng Đế. Sự thương yêu chính là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh.
Sự thương yêu là chìa khóa mở Tam thập lục thiên, Cực lạc thế giới và Bạch Ngọc Kinh.
Tình thương không chỉ là sự thể hiện ra bên ngoài bằng lời nói ân cần, ánh mắt thiện cảm, cử chỉ quan tâm; mà nó cần phát xuất từ nội tâm mới thể hiện đầy đủ sự thương yêu. Tình thương là một phương diệu dược không chỉ ban vui cứu khổ cho tha nhân về phương diện công quả, mà nó còn tác động trở lại chính bản thân mình. Sự thật có vẻ nghịch lý là khi con người thể hiện tình thương hay thực hành công quả càng nhiều bao nhiêu, bản thân sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc tương ứng. Vậy nên, tương tự như công quả, thực hành tình thương cũng chính là trường thi để quyết định mức độ tiến hóa tâm linh của con người nơi thiên quốc.
Tình thương trên hết, cùng một ý nghĩa với tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỉ, xả. Tình thương sẽ cứu chuộc mọi nguồn tội lỗi, sẽ làm liều thuốc thần đơn trị lành mọi bịnh tình nhân loại. Tình thương là chìa khóa giải thoát con người ra khỏi bể trần tục lụy, là con đường đưa con người lên nấc thang tiến hóa. Ngôi vị chơn linh Tiên Phật được định giá bởi tình thương.
Tình thương cũng chính là lòng nhân ái. Bởi lẽ, khi có lòng nhân ái, con người sẽ dễ dàng thông cảm tha thứ những lỗi lầm lẫn nhau. Mỗi ngày người tín hữu cầu xin Đức Chí Tôn tha thứ tội lỗi của bản thân qua câu nguyện “Nam mô tam nguyện xá tội đệ tử”, thì thiết tưởng mình cũng cần tha thứ lỗi lầm của người khác. Cho nên, lòng nhân ái cũng chính là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh.
Lòng nhân ái có thể làm một phương linh dược chế ngự tất cả những gì muốn bộc phát nơi thân tâm của con người, lòng nhân ái cũng là một bản đồ cho người nhìn theo phương hướng ấy về đến Bạch Ngọc Kinh. Phải chăng nhân ái tức là thương yêu. Hễ thương yêu thì mọi việc đều khoan dung tha thứ.
Mặt khác, khi con người thực hành tình thương và thể hiện lòng nhân ái với nhau cũng chính là tạo được sự hòa hiệp lẫn nhau. Cho nên, hòa hay hòa hiệp cũng là phương tiện, là chìa khóa giúp con người mở được cửa vào nước Trời.
Âm dương hòa hiệp hóa sanh,
Dựng nền đạo đức lập thành Càn khôn,
Bế tử lộ, khai thiên môn,
Điều hòa mới thể bảo tồn vạn linh,
Hòa là một món báu linh,
Là chìa khóa mở Ngọc Kinh bước vào.
Thực hành sự thương yêu, lòng nhân ái hay sự hòa hiệp nhằm phát triển bồ đề tâm của mỗi người. Đây chính là bổn phận của mỗi người có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau, ban vui cứu khổ để cùng nhau xây dựng cõi đời an lạc thái bình, thiên đàng cực lạc. Như vậy, con người đã vẹn tròn được công quả nơi thế gian, để có thể trở về cùng Thầy.
4. Sống đạo
Con người là tiểu thiên địa có đầy đủ quyền năng nhiệm mầu để tiến hóa vô hạn. Tuy nhiên, khi vào cõi trần gian do bức màn vô minh gồm tam độc là tham sân si và thất tình lục dục che phủ nên chơn tâm không thể sáng soi. Đạo không bao giờ rời xa con người dù trong một giây phút ngắn ngủi nào, nhưng do bức màn vô minh che phủ nên con người không thể trực nhận được chơn tâm đại ngã để có thể kiến tánh thành Phật được. Do đó, khi con người phản tỉnh nội cầu, quay trở về nội thân để vẹt tan bức màn vô minh tự khắc điểm Đạo sáng chói dần lộ diện, chơn tâm Phật tánh dần hiển lộ chiếu soi. Thật vậy, khi tâm thanh tịnh được một phần thì ánh sáng từ nội tâm được khơi tỏ một phần tương ứng. Vấn đề là làm sao con người có thể duy trì trạng thái tâm thanh tịnh càng lâu bền càng chứng đắc được sự mầu nhiệm thiêng liêng trong chừng ấy thời gian. Đây chính là con người đã biết sống đạo.
Mỗi người tự biết cách sống thì mới sống cuộc đời thư thái ung dung, mặc dầu trước mặt mọi sự vật thay đổi của trần gian thăng trầm nóng bỏng. Ai dám nói là không có gì liên hệ, không có gì ràng buộc, nhưng con người đã độc lập được cái sống đạo thì có ngăn ngại gì đâu, vì họ đã sống vui với cái tự do của họ trên đường thành trụ hoại không, luân hồi nghiệp quả rồi. Con người ấy với Trời đất là một vậy.
Như vậy, sống đạo chính là làm sáng tỏ điểm Đạo hằng hữu hằng thường vốn dĩ bị bức màn vô minh phủ mờ nên không nhận chân được chơn tâm, Phật tánh. Khi tâm thanh tịnh vô dục vô niệm, con người sẽ trực nhận được Thượng Đế đang ngự trị trong tâm khảm, chứng ngộ được thiên lý đang lưu hành trong nội thể. Công phu thiền định chính là phương tiện để con người đạt đến tâm thanh tịnh vô dục vô niệm. Cho nên, công phu cũng chính là phương tiện để con người sống đạo. Mà khi con người sống đạo nơi cõi thế gian thì đã huyền đồng, hiệp nhất được cùng Thượng Đế. Như vậy, sống đạo chính là pháp môn tu trì dựa vào công phu làm phương tiện chính yếu. Sống đạo cũng chính là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh để hiệp nhứt cùng Thượng Đế nơi cõi vô sanh bất diệt.
Ngoài ra, khi con người giữ gìn được đạo tâm, chơn tâm hay thiên tâm không để bị phàm tâm chủ sử sai khiến, tất nhiên sẽ nối kết được sự thông công mầu nhiệm giữa Trời và người, vận hành được thiên lý từ đại thiên địa bên ngoài vào tiểu nhơn thân của con người. Đây chính là “ngọn hải đăng” giúp cho con người nhắm đúng hướng trên hành trình hồi nguyên phản bổn. Cho nên, đạo tâm chính là điều kiện ắt có và đủ giúp con người trở về quê cũ.
Chư hiền đệ, hiền muội nên hiểu, người sanh trong đời dầu ở cương vị giai tầng nào trong xã hội thế gian, cái giá trị duy nhất của con người, đó là tâm đạo. Tâm đạo sẽ giúp cho con người biết hướng theo ngọn hải đăng để xuôi thuyền về bến giác. Tâm đạo cũng là vốn liếng tự hữu của Thượng Đế phát ban. Có giữ gìn được đạo tâm thì thiên tánh sẽ phát hiện để chứng quả vô sanh ở cõi trần gian, không phải nhọc nhằn tha thiết vọng cầu nơi sơn đầu hải đảo chi cả.
Tạm kết
Tuy căn trí chúng sanh vô lượng, pháp môn vô lượng; hành giả không nhứt thiết phải khảo sát và thực nghiệm càng nhiều pháp môn để tìm cầu cho mình một phương pháp tu hành phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh. Bất luận pháp môn nào cũng đều có chỗ rốt ráo của nó và chỗ tận cùng của vạn pháp đều gặp nhau ở một chỗ duy nhất là “sự đắc nhứt” hay còn gọi là “bất nhị pháp môn”.
Thời gian có trước có sau, pháp môn theo thời gian có tân có cựu. Đại Đạo không thời gian, không sau không trước, cũng không cựu không tân. Đại Đạo vẫn là bản thể bất biến. Thế nên pháp môn vô lượng nhưng người hành giả phải đạt đến chỗ bất nhị pháp môn mới thật sự chứng quả.
Pháp môn là phương tiện để con người trở về hiệp nhứt cùng Đức Chí Tôn, là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh. Tam công trong đạo Cao Đài gồm công quả, công trình và công phu là pháp môn rất căn bản và rốt ráo giúp con người thực hiện được hai mục đích của Đại Đạo là thế đạo đại đồng và thiên đạo giải thoát. Tùy theo hoàn cảnh, người tín hữu Cao Đài có thể thực hành riêng biệt một hoặc hai công trong Tam công là công quả, công trình, công phu, hay thực hiện đồng thời tam công. Song, trong khi hành giả thực hành công quả một cách thâm sâu, sẽ đồng thời tạo ra được công trình và công phu. Tương tự, hành giả thực hiện rốt ráo bất kỳ một công nào đó trong Tam công, cũng sẽ tạo ra được hai công còn lại như đã trình bày. Thực hành tam công giúp con người sống vui, sống khỏe, sống hữu ích và hơn thế nữa, công phu còn là phương tiện giúp con người giải thoát ngay tại trần gian nầy và siêu xuất thế gian.
Cúng tứ thời cũng là một pháp môn tu hành tuy đơn giản nhưng kết quả rất thực tiễn và mầu nhiệm. Thực tiễn vì nó giúp người tín hữu được thân thể khỏe mạnh, bệnh tật tiêu trừ, trí huệ khai mở; mầu nhiệm vì nó giúp con người giao tiếp và thông công với Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng liêng nơi cõi vô hình. Lại nữa, cúng tứ thời bao gồm đầy đủ cả công trình, công quả và công phu.
Tình thương là phương thuốc nhiệm mầu để con người tăng trưởng bồ đề tâm, trợ nghèo giúp khó, ban vui cứu khổ, nâng đỡ dìu dắt lẫn nhau để xây dựng cõi đời nầy thành thiên đàng cực lạc, cõi tịnh độ niết bàn. Thực hành tình thương cũng chính là thực hành công quả hay tu phước. Thực hành tình thương nơi cõi thế gian chính là sự hiệp nhứt giữa từng “giọt tình thương” nơi con người vào “đại dương tình thương” từ Thượng Đế vậy.
Sống đạo là làm sáng tỏ cái điểm Đạo nhiệm mầu bất tử bất biến vốn dĩ bị bức màn vô minh che khuất. Nhờ công phu thiền định hành giả có thể an định được thân tâm, hiển lộ được Phật tánh để có thể cộng thông cùng Thượng Đế góp phần thực hiện guồng máy thiên cơ. Bởi lẽ, khi “phàm tâm tử thì đạo tâm sanh”, bức màn vô minh được vẹt tan thì tuệ giác sẽ khai mở tương ứng.
Song, hành giả thực hành bất luận pháp môn nào cũng cần thực chứng ngay tại thế gian nầy. Có như vậy thì pháp môn mới thể hiện được tính hiện thực cứu độ với kết quả hiển nhiên mà mọi người có thể dễ dàng kiểm chứng được. Tuy nhiên, mức độ chứng đắc của pháp môn có nhiều trình độ từ thấp đến cao, từ giá trị tâm linh siêu việt cho đến chứng đắc lục thông. Cho nên, tu chứng là một đòi hỏi rất khách quan và cấp thiết nhằm khẳng định khả năng cứu độ thật sự của Tân pháp Cao Đài trong giai đoạn hiện nay.
Đạo mầu huyền nhiệm lắm con ôi!
Chứng quả rồi con sẽ độ đời,
Luyện kỷ công phu đừng gián đoạn,
Mới mong vững bước cuộc đầy vơi.
Vâng, tu chứng để hành giả có thể cộng thông với Đức Thượng Đế thực hiện đại cuộc cứu độ kỳ Ba trong sự mầu nhiệm thiêng liêng. Tu chứng cũng chính là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh ngay tại chốn nầy.
Thiện Hạnh
30-4-2011
TRÍCH LỤC THÁNH GIÁO
1. Đắc nhứt
Từ cổ chí kim, các tôn giáo được khai minh đã để lại cho đời biết bao nhiêu là thiên kinh vạn quyển. Âu đó cũng là phương pháp tùy duyên hóa độ vì căn trí của nhơn sanh không đồng đều nhau mà đạo lý thì cũng không biết bao nhiêu pháp môn hầu lường cho hết. Nhưng muốn đạt được Đạo không phải nhứt thiết mỗi người phải đọc cho hết những thiên kinh vạn quyển ấy. Người tu chỉ cần đạt đắc nhứt là thành đạo. Tuy nói rằng Phật pháp có mấy muôn, mấy ngàn pháp môn, thực ra là không ai có thể lường được, nhưng sự đạt đắc nhứt chỉ có một chỗ bí yếu mà thôi. Nếu nói thế tại sao Thượng Đế cùng Tam Giáo Tổ Sư không chỉ một chỗ bí quyết ấy cho đời để thành đạo mà lại vẫn cứ phổ truyền kinh điển mãi mãi. (…) Nếu đặt câu hỏi ấy ra, Bần Tăng và chư đạo hữu vẫn còn mắc trong vòng lẩn quẩn, vì như trên đã nói: “Căn trí chúng sanh không lường, mà đạo lý pháp môn cũng không lường.
Trong thế tam tài, Trời mà được Một thì đàng đạo yên ổn trong lành, soi sáng, nuôi dưỡng muôn loài vạn vật không giây phút ngừng nghỉ, từ thủy chí chung. Đất khi được Một thì vạn vật mới sinh tồn nhờ bởi sự ổn định luôn luôn. Nếu không ổn định bình yên thì con người, thì vạn loại bị sự tiêu diệt bởi sụp đổ nghiêng chinh.
Còn nhơn tức con người được Một thì con người trở nên thông suốt sáng láng, hiểu được mọi sự mọi vật, từ gần tới xa, từ đã qua tới việc sẽ đến. Đối với người thì gây được tình thương, tạo được thế giới quân bình thạnh trị. Đại để là như vậy (…)
Các con nếu biết phương pháp để đạt tới sự Đắc nhứt là chìa khóa mở cửa Đạo, hiệp với Đạo, tức hiệp với Thầy vậy.
2. Tu tánh luyện mạng
Con người có tánh mạng. Tánh là Thiên tánh, mạng là Thiên mạng, hai tú khí âm dương tạo thành là bản thể của Thiên địa vạn vật. Nếu biết tu tánh, đừng để tánh bị muội mê bởi tham dục che lấp vì danh lợi tình tiền. Những thứ vật vô thường đã gây ra cho con người biết bao thảm họa triền miên từ kiếp nầy sang kiếp khác. Biết tu tánh thời không tham, thì vẫn có mà ăn, mà mặc; không tranh đấu mà vẫn có chỗ ở; không lăn thân vào chỗ đau khổ mà vẫn có địa vị con người. Do đó, tu tánh là ánh linh sáng chói trong muôn ngàn nẻo Thánh. Còn biết luyện mạng, là Thiên mạng hằng tại, không thiên không lệch, không ô nhiễm tham dục, trên thuận cùng Trời, dưới an vui bốn cõi, hòa mình khắp chốn, lòng dân là lòng ta, lòng ta là lòng Trời, sống thì Thánh, thác thì thiêng. Ôi nội Thánh ngoại vương, sống hằng sống trong cõi thiên đàng cực lạc, thì còn gì mơ ước nữa. Phật Tiên cũng chỉ thế thôi.
3. Vượt ngoài lý âm dương
Âm dương là đầu mối hóa sanh. Âm thạnh, dương suy ắt bại hoại. Tạo thế quân bình cho trong định ngoài an là đời sống tự do, tự tại. Vượt ngoài lý âm dương là phản bổn hoàn nguyên, vĩnh cửu trường tồn.
4. Trung Hòa
Tai nghe tiếng trần mà chẳng phân biệt, mắt nhìn sắc trần mà chẳng phân biệt, mũi ngửi mùi trần mà chẳng phân biệt, lưỡi nếm vị trần mà chẳng phân biệt, thân chạm vật trần mà chẳng phân biệt. Chính vì phân biệt mà có ưa ghét, thân thù, khao khát, ước vọng, để kết thành quả luân hồi. Vui, giận, buồn, thương, cảm, khi chưa phát gọi là Trung; khi phát ra đúng tiết điệu hòa hài cảm ứng với nội tâm, ngoại cảnh gọi là Hòa. Trung hòa là yếu tố đạt đến chỗ trong định, ngoài an để sống một cuộc sống siêu thoát; mà sống một cuộc sống siêu thoát thì Tiên Phật cũng thế thôi.