Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
11/04/2011
Thiện Hạnh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 11/04/2011

PHÁP MÔN CÚNG TỨ THỜI CỦA ĐẠO CAO ĐÀI

Cúng tứ thời




Pháp môn cúng tứ thời

Do chúng sanh căn trí vô lượng nên có vô lượng pháp môn. Pháp môn là phương tiện để con người tu học và thực hành nơi thế gian nhằm đạt đến một cứu cánh nào đó. Pháp môn Cao Đài nhằm giúp người tín hữu tu tiến trong trường tiến hóa nhằm đặt đến mục đích của Đại Đạo là thế đạo đại đồng và thiên đạo giải thoát. Pháp môn căn bản của đạo cao Đài là pháp môn Tam công bao gồm Công quả, Công trình và Công phu được thực hiện dưới nhiều hình thức, trong đó, Cúng Tứ thời cũng được xem là một trong những hình thức thực hiện pháp môn Tam công.

Điều thứ hai mươi của Tân Luật có qui định Chức sắc giữ Thánh thất mỗi ngày phải làm tiểu lễ bốn lần theo tứ thời là Tý (từ 11 giờ khuya đến 1 giờ sáng), Mẹo (từ 5 giờ đến 7 giờ sáng), Ngọ (từ 11giờ đến 12 giờ trưa), và Dậu (từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối). Tín đồ tại tư gia cũng cúng tứ thời theo giờ qui định nêu trên. Có sự khác biệt về giờ khởi sự cúng tứ thời giữa các thánh thất Cao Đài. Tòa thánh Tây Ninh qui định cúng đúng 12 giờ khuya, 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ chiều; trong khi đó một số Hội thánh khác (trong đó có Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo) bắt đầu cúng tứ thời vào lúc 11 giờ khuya, 5 giờ sáng, 11 giờ trưa và 5 giờ chiều.

Bốn giờ Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu có vị trí rất đặc biệt; giờ Tý và Ngọ nằm trên trục thẳng đứng, trong khi giờ Mẹo và Dậu nằm trên trục ngang. Hai trục thẳng đứng và nằm ngang giao tiếp với nhau tạo thành hình chữ thập; cho nên, có thể nói đây là biểu tượng của “nhứt âm nhứt dương chi vị Đạo”. Do đó, tứ thời là bốn thời khắc rất quan trọng đối với vũ trụ bên ngoài; cho nên, người tín hữu Cao Đài cúng vào bốn giờ nầy sẽ tạo ra sự hiệp nhất giữa tiểu vũ trụ của nhơn thân và đại vũ trụ ngoại giới. Con người sẽ hấp thu được năng lượng của vũ trụ bên ngoài vào nội thân, tiếp nhận được hồng ân của Đức Chí Tôn nhiều nhất trong một ngày so với các giờ khác.

Cúng tứ thời bao gồm cả Tam công

• Công quả
Khi cúng tứ thời với tâm thanh tịnh và lòng thành kỉnh sẽ tạo ra công năng cứu độ có thể xoa dịu hoàn cảnh khổ đau bên ngoài, hóa giải những ác nghiệp kết tụ, ban vui cứu khổ cho bá tánh chúng sanh và đồng thời tác động trở lại bản thân ngõ hầu giúp cho người tín hữu được minh tâm kiến tánh, thân thể mạnh khỏe, tinh thần an vui.

Kết thúc buổi cúng là phần cầu nguyện gồm năm điều: Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai, nhì nguyện phổ độ chúng sanh, tam nguyện xá tội đệ tử, tứ nguyện thiên hạ thái bình, và ngũ nguyện thánh thất an ninh. Khi người tín hữu cầu nguyện với tinh thần vô ngã, thanh tịnh, và kỉnh thành thì nguyện lực vô cùng linh ứng. Lúc ấy, sự cầu nguyện tạo ra công đức vô lượng.

Nếu cúng tứ thời tại tịnh thất với số lượng đạo hữu càng đông sẽ tạo nên một tấm lưới thiêng vẹt tan mọi chướng duyên giúp chúng sanh cải ác tùng lương, hồi đầu hướng thiện; công đức càng thâm sâu.

• Công trình
Cúng tứ thời có tác dụng giúp cho người tín hữu khắc phục tính lười biếng. Giờ Tý và giờ Mẹo phải vượt qua sự buồn ngủ của xác thân, giờ Ngọ và Dậu do tại bị chuyện nầy chuyện nọ. Như vậy cúng tứ thời giúp cho đạo hữu tinh tấn trên đường tu.

Lại nữa, khi cúng tứ thời tại tịnh thất đạo hữu sẽ có động lực của tập thể thúc đẩy bản thân mình vượt qua những lúc biếng lười, mệt mỏi. Như vậy, nhờ có sức mạnh của tập thể nên từng cá nhân có thể dựa vào đó tự thắng bản thân.

Cúng tứ thời với tâm chí thành, thanh tịnh sẽ tạo công năng đại định giúp cho đạo hữu phát huy được tác phong đạo hạnh thuần thành đạo đức. Đây chính là việc vun bồi gốc rễ, tất nhiên sẽ sum suê cành lá. Khi tâm an định tất yếu đức hạnh sẽ hiện bày ra bên ngoài.

• Công phu
Việc cúng tứ thời sẽ đạt kết quả rất mầu nhiệm khi đạo hữu chú ý tập trung vào lời kinh; ngoài ra, người tín hữu cũng cần hiểu được ý nghĩa của kinh để có thể “tinh nghĩa nhập thần” vào từng câu của bài kinh cúng tứ thời. Như vậy, cúng tứ thời chính là thực hành công phu. Bởi lẽ, lúc ấy thân và tâm của đạo hữu hiệp nhất với nhau. Trong lúc thân (miệng) đọc kinh, tâm của đạo hữu chuyên chú vào từng câu và nghĩa lý của câu kinh đó. Đây chính là quá trình công phu vậy.

Ích lợi của việc cúng tứ thời

Khi cúng tứ thời, đạo hữu tập trung hết tinh thần vào việc nhìn Thiên nhãn và hiểu ý nghĩa từng câu kinh. Thiên nhãn chính là Thần của Đức Chí Tôn nơi cõi thế gian trong Tam kỳ Phổ độ, thị hiện tại đền thờ Đức Chí Tôn là Thiên bàn. Nhìn Thiên nhãn tức là sự hiệp thần giữa tiểu thiên địa và đại thiên địa, giữa con người và Thượng Đế. Chính sự hiệp thần nầy sẽ tạo ra sự giao cảm thiêng liêng vô cùng mầu nhiệm. Nhờ tập trung thần lực nhìn vào Thiên nhãn nên con người đã nhận được sự hộ trì thiêng liêng từ Đức Chí Tôn ngõ hầu giúp cho thân thể khỏe mạnh, bệnh tật tiêu trừ, trí huệ phát sinh, tâm linh mẫn tuệ, v.v.
“Cúng tứ thời có ích cho các con lắm, chớ không phải ích chi cho Thầy. Nếu cúng được thường thì lòng dạ nở nang, tứ chi luân chuyển, có nhiều khi tật bệnh tiêu diệt.” Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh ngôn 10-11 Bính Dần (14-12-1926).

Khi đạo hữu đến Chánh điện nơi thánh thất hoặc Thiên bàn tại tư gia cúng tứ thời tức là đến hành lễ trước Đức Chí Tôn, Đức Diêu Trì Kim Mẫu và các Đấng Thiêng liêng. Con người đọc các bài kinh xưng tụng để phần nào hiểu được đại ân sinh thành dưỡng dục của Thầy Mẹ và đại ân cứu độ giáo hóa của các bậc Giáo Tổ. Qua việc cúng tứ thời hàng ngày, con cái của Đức Chí Tôn đặt trọn đức tin và lòng chí thành lên Đức Đại Từ Phụ và các Đấng thiêng liêng để thực hiện sự cộng thông giữa hai cõi hữu hình và vô sắc giới. Thầy khuyên con cái của Ngài cần siêng năng cúng tứ thời để trừ nghiệp thân, miệng đọc kinh với lòng chí thành để trừ nghiệp khẩu, tâm thường cầu nguyện để trừ tà niệm, mắt nhìn Thiên nhãn để thần trụ tâm an.
Sự cúng lạy con nên sốt sắng,
Trừ nghiệp thân cho đặng tinh anh,
Kệ kinh miệng đọc lòng thành,
Để trừ nghiệp khẩu, khỏi sanh não phiền.
Con ngày đêm tâm thiền cầu nguyện,
Để diệt trừ vọng niệm ý tà,
Tứ thời trẻ ráng gần Cha,
Nhìn ngay Thiên Nhãn thì là thần gom. Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh Huấn Hiệp Tuyển, Q.1, 1961, trang 162.

Đức Quan Âm Bồ Tát nêu lên bốn lợi ích của việc cúng tứ thời gồm: giúp chơn thần được minh mẫn; cầu xin tha thứ tội lỗi; cảm ứng hiệp thông giữa con người và Thượng Đế, giữa con người và các Đấng Thiêng liêng; lương tri lương năng ngày càng thêm mẫn tuệ.

"Các em phải lo cúng kiếng thường:
- Một là lập cho chơn thần được gần gũi các Đấng Thiêng liêng cho đặng sáng láng.
- Hai là cầu khẩn với Đức Đại Từ Bi tha thứ tội tình cho các em và cả chúng sanh.
- Ba là có tế lễ thì tâm phải có cảm, cảm rồi mới ứng là lẽ tự nhiên.
- Bốn là tâm có cảm thì lòng bác ái mới mở rộng, mà nhứt là khiếu lương tri, lương năng của các em cũng nhờ đó mà lần hồi thành ra mẫn huệ. Các em nhớ à!"Đức Quan Âm Bồ Tát, Thánh ngôn Hiệp tuyển, quyển 2, đàn cơ 14-4 Quý Dậu (08-5-1933).

Ngoài ra, cúng tứ thời tại thánh thất với số lượng đạo hữu càng đông, càng thanh tịnh sẽ tạo ra được công năng càng lớn lao. Đó chính là tấm lưới thiêng có thể đem lại điển lành bố hóa cho bá tánh chúng sanh; đồng thời thắt chặt tình huynh đệ trong nội bộ thánh thất càng thêm gắn bó.

Thực hành việc cúng tứ thời

Ban đầu, người tín hữu Cao Đài cúng tứ thời hàng ngày tại tư gia cần vượt qua một số trở ngại như trạng thái buồn ngủ vào thời Tý và thời Mẹo, bận rộn công việc vào thời Ngọ và thời Dậu. Khi thực hành một thời gian, việc cúng tứ thời sẽ trở thành một nếp sinh hoạt hay thói quen hàng ngày. Lúc đó, đạo hữu không cần phải cố gắng mà vẫn giữ theo khuôn phép. Song, từ chỗ chưa cúng một thời nào trong ngày, người tín hữu cần bắt đầu khởi sự cúng một thời bất kỳ nào thuận tiện nhất trong ngày (Tý, Ngọ, Mẹo, hay Dậu). Đây là bước khởi đầu rất có ý nghĩa để gieo ý thức và tạo thói quen. Sau đó tăng dần lên hai thời, ba thời và đạt đến bốn thời trong ngày. Tuy nhiên, khi tín hữu cúng tứ thời tại thánh thất sẽ có một lợi thế do từng cá nhân có thể nương tựa vào tập thể để vượt qua những điều trở ngại nêu trên. Bởi lẽ, con người thường có tâm lý hay dựa vào lý do nầy hoặc lý do nọ để tạm ngưng một buổi cúng như: nhức đầu, mệt mỏi, bận rộn, v.v. Nếu không vượt qua được chướng ngại tâm lý nầy, người tín hữu lần hồi mất đi thói quen cúng tứ thời nữa. Ngược lại, mỗi lần vượt qua rào cản tâm lý, thói quen cúng thời càng được củng cố thêm vững chắc.

Lại nữa, Đức Chí Tôn đã gom tụ cả Càn khôn thế giới vào trong cách bày trí phẩm vật trên bàn thờ Thầy. Mỗi lần cúng tứ thời, môn đệ Đức Chí Tôn nhìn Thiên bàn hiểu được con đường tu hành để hiệp nhứt cùng Thầy.

"Tôn chỉ đạo Cao Đài tỏ rõ,
Mượn hữu hình bày tỏ chỗ vô,
Thiên bàn làm cái bản đồ,
Coi ngoài mà biết điểm tô trong mình." Kinh Đại Thừa Chơn Giáo, đàn cơ ngày 13-10-1936 (28-8 Bính Tý).

Thiên bàn hay bàn thờ Đức Chí Tôn gồm có 12 phẩm vật: Thánh tượng Thiên nhãn, đèn Thái cực, dĩa trái cây, bình bông, tách nước trà, ba ly rượu, tách nước trắng, hai cây đèn, và lư hương. Số 12 nầy tượng trưng cho Thập nhị Khai thiên là Đức Thượng Đế. Một cách tóm tắt, Thánh tượng Thiên nhãn và đèn Thái cực tượng trưng Đức Thượng Đế và ngôi Thái cực. Hai cây đèn tượng trưng cho lưỡng nghi, âm dương, nhựt nguyệt, tức là từ Thái cực sinh lưỡng nghi. Lư hương gồm năm cây nhang tượng trưng cho năm giai đoạn của người tu gồm: Giới hương (cây hương ở giữa) là giữ trọn giới luật qui điều; Định hương (cây hương bìa bên trái) là thiền định; Huệ hương (cây hương bìa bên phải) là trí huệ phát sinh do thiền định; Tri kiến hương (cây hương hàng ngoài bên trái) là đắc lục thông; Giải thoát hương (cây hương hàng ngoài bên phải) là giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Tách nước trà (bên phải thuộc âm) tượng trưng cho Thần của con người, tách nước trắng (bên trái thuộc dương), tượng trưng cho Khí của con người. Cúng hai chén nước âm dương tượng trưng cho sự hòa hiệp giữa âm dương. Ba ly rượu tượng trưng cho Khí, tức là Hư Vô chi khí do Đức Diêu Trì Kim Mẫu chưởng quản. Ba ly rượu còn tượng trưng cho ba cõi là Hạ giới, Trung giới và Thượng giới; và ba bực tu hành là Hạ thừa, Trung thừa và Thượng thừa.

"Hai chén nước là âm dương (động và tịnh). Âm dương là cơ động tịnh của Trời đất tức là Thần Khí của các con. Tu hành không nhờ Thần Khí lấy gì luyện đắc Thánh thai? Trời đất không có âm dương làm sao hóa sanh vạn vật? Muôn vật không trống mái làm sao sanh sản thêm ra?
Vậy âm dương là cái diệu động tịnh của Trời đất vậy.
Âm dương lại có thêm cái thể dụng của âm dương nữa là nhựt, nguyệt, tức là cặp đèn (lưỡng nghi). Người tu hành biết cách hồi quang phản chiếu thì đắc kim đơn, cơ tại mục là vậy.
Trên có lư hương tức là Tiên thiên lập đảnh, tượng ngũ khí, ngũ hành. Dưới có lư trầm là hậu thiên an lư, hóa ngũ linh, ngũ đức. Trên đầu là đảnh, dưới đơn điền là lư.
Còn Hoa, Quả, Trà là Tam bửu của các con. Ngày nào hiệp Tam bửu rồi là thành Đạo." Kinh Đại Thừa Chơn Giáo, đàn cơ ngày 13-10-1936 (28-8 Bính Tý).

Tân Luật qui định rằng, người tín hữu mỗi tháng phải đến thánh thất hiến lễ trong hai ngày Sóc Vọng.

Tạm kết
Cúng tứ thời là một pháp môn tuy đơn giản, nhưng khi thực hành đều đặn hàng ngày sẽ giúp cho người tín hữu được thân an, thần định, trí huệ. Cúng tứ thời cũng chính là pháp môn tu hành của người tín hữu Cao Đài. Bởi lẽ, cúng tứ thời gồm đủ tam công: công quả do cầu nguyện cho cơ đạo hoằng khai, cho thiên hạ thái bình, cho thánh thất an ninh; công trình do sự trì chí tinh tấn trong việc cúng tứ thời hàng ngày; công phu do thân tâm hiệp nhứt trong việc nhìn Thiên nhãn và tinh nghĩa nhập thần từng câu kinh.
Trước tiên, người tín hữu Cao Đài cần bắt đầu việc cúng kính một thời trong ngày và duy trì đều đặn không gián đoạn. Khi có điều kiện sẽ gia tăng hai thời, ba thời và sau cùng là bốn thời trong ngày.

Khi cúng tứ thời, người tín hữu Cao Đài ý thức cách bày trí trên Thiên bàn là cái bản đồ để hiểu được guồng máy thiên cơ và con đường phối thiên của tiểu thiên địa.

Thiện Hạnh
04-3-2011
Thiện Hạnh

"Quân tử là một người đức tài xuất chúng, phẩm hạnh nhân cách hoàn toàn, tánh tình cao thượng. Người Quân tử bao giờ cũng ung dung thư thái, ưa làm sự phải điều hay, thuận thiên lý lưu hành, đem chơn đạo mà khuyên đời tùng lương cải ác. . .

Thánh giáo Cao Đài

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây