Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
13/07/2007
Thiện Hạnh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 06/08/2007

Bộ thiết giáp của người tu

Trước khi tìm hiểu về bộ thiết giáp của người tu, thiết tưởng cũng cần lý giải vì sao Đức Chí Tôn lại ban con cái của Ngài, người tín hữu Cao Đài, bộ thiết giáp đó.

1. Sự thử thách

Thầy đã dạy từ lúc khai Đạo là "Chung quanh các con, dầu xa dầu gần, Thầy đã thả một lủ hổ lang ở lộn cùng với các con." Ắt hẳn sẽ có người nêu thắc mắc rằng tại sao Đức Chí Tôn, vị Cha Trời hết mực thương yêu con cái của Ngài mà lại cho quỉ mị, hổ lang cấu xé chính con người. Tuy nhiên, Thầy đã dạy: "Thầy chẳng vì ghét mà không lời khuyến dụ, cũng chẳng vì thương mà không sai quỉ dỗ dành." Có thể nêu lên hai lý do:

- Do luật công bằng Thiêng liêng. Bên nầy cán cân do Đức Chí Tôn và các đấng Thiêng liêng bố hóa dạy dỗ, nhằm giúp con người thăng tiến đến địa vị cao cả; và bên kia cán cân do quỉ mị cám dỗ để đày đọa con người đến chỗ trầm luân khổ hải. Thầy đã dạy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển như sau:

"Còn phẩm trật quỉ vị cũng như thế ấy; nó cũng noi chước Thiên Cung mà lập thành quỉ vị, cũng đủ các ngôi các phẩm đặng đày đọa các con, hành hạ các con, xử trị các con. Cái quyền hành lớn lao ấy do Thầy ban cho nó, nên đặng quyền cám dỗ các con, xúi biểu các con, giành giựt các con mà làm tay chơn bộ hạ trong vòng tôi tớ nó. Thầy đã thường nói: hai đầu cân không song bằng thì tiếng cân chưa đúng lý. Luật công bình Thiêng Liêng buộc phải vậy. Thầy lắm phen phải bị mất, bị giựt con cái của Thầy vì chúng nó. Thầy đã chỉ rõ hai nẻo tà chánh sang hèn rồi vậy. Thầy cũng chỉ phương hướng cho các con đi cho khỏi lầm lạc."[1]

- Sự thử thách chính là thước đo trình độ tu học để tiến hóa.Khi bước vào cuộc đời là con người bắt đầu vào trường tiến hóa; thí sinh phải trải qua nhiều cấp lớp từ thấp đến cao. Cứ học xong một cấp lớp, con người phải làm bài thi; thi đậu mới được lên lớp cao hơn. Vì thế, nếu thí sinh vào cõi trần gian nầy mà lại biếng học, chẳng những không được lên lớp mà còn bị xuống lớp; bởi lẽ, nếu không tiến được hay thậm chí dừng chân một chỗ, cũng chính là thoái hóa vậy (vì bánh xe tiến hóa vẫn cứ tiếp tục tiến tới). Quả thật vậy, thế gian rất nhiều thú vui cám dỗ lôi kéo con người vào chỗ đọa lạc, như có lần một vị tiền bối Cơ Quan đã trần tình như sau:

Huynh xưa vốn Bồng Lai Tiên Tử

Hằng theo Thầy gìn giữ pháp môn

Chợt nhìn các cõi chơn hồn

Nguyên nhân lạc lõng dập dồn đọa sa

Động lòng mới nguyện ra lãnh lịnh

Vào cõi trần thức tỉnh vạn linh

Cho hay cảnh giới hữu tình

Men đời chưa thấm mà mình đã say

Trải mấy kiếp dần dai cõi tục

Vòng trái oan câu thúc vô minh

Nghiệp oan mang nặng vào mình

Quẩn quanh trong nẻo tử sinh luân hồi[2]

Sự thử thách diễn ra từng phút, từng giờ, từng ngày với qui mô và mức độ khác nhau từ nội tâm đến ngoại cảnh, từ đơn giản đến phức tạp, từ nghịch cảnh đến thuận cảnh, từ đơn lẻ đến dồn dập, từ dễ dàng đến khó khăn, v.v. Chung qui lại cũng chính là sự trắc nghiệm khả năng tu tiến của con người nơi trường tiến hóa. Đó chính là những bài thi mà mọi người phải đáp số. Có đi học thì phải có thi cử, đó là lẽ tự nhiên; còn học mãi mà không đi thi, mới là điều đáng ngại. Những vấp váp trở ngại chính là những kinh nghiệm quí giá giúp cho con người giải đáp những bài thi tiếp theo được tốt hơn, thành công hơn.

Cho nên, Thầy đã "sai quỉ dỗ dành" nhằm thử thách con cái của Ngài trên bước đường tu học hành đạo. Khi nhớ lại câu chuyện thầy Tam Tạng đi thỉnh kinh tại miền Tây Vức thuở xưa; đây là một việc làm vô cùng cao cả nhằm đem đến chân hạnh phúc và giải thoát sự khổ đau của chúng sanh, chớ không mưu cầu lợi lộc riêng tư cho bản thân. Nhưng ngài Huyền Trang còn phải trải qua 81 nạn, nhỏ có, lớn có, mới đến được Lôi Âm Tự, hà huống gì con người đang đi trên con đường tiến hóa phải trải qua những sự thử thách, những kỳ thi để sát hạch khả năng tu học. Tuy nhiên, có những lúc con người chịu sự khảo đảo vượt quá khả năng chịu đựng của mình, nên đôi lúc than thân trách phận cùng Thầy, Mẹ và các đấng Thiêng Liêng, đại loại như sau: "Thầy cứu con với, con đau khổ quá!"; nhưng Thầy đã xác nhận đó chính là "sự ban ơn" của Thầy. Thầy đã ban cho con cái của Ngài sự thử thách, đôi lúc có phần nghiệt ngã nhằm giúp con người tiến hóa vượt cấp lên một mức độ cao hơn. Muốn vậy, thí sinh phải vượt qua được sự cám dỗ của quỉ vị hay loài hổ lang theo nghĩa đen và nghĩa bóng.

Như thế thì chân dung của loài quỉ mị hoặc chân tướng của loài hổ lang hay ma vương ác quỉ ra sao? Khi đọc chuyện Tây Du, Tôn Hành Giả rất có nhiều kinh nghiệm đối phó với các loài yếu quái, quỉ mị. Để nắm chắc chân tướng của chúng, Tôn Hành Giả không sử dụng "kính chiếu yêu", mà Ngài thường mời quí vị Sơn Thần hay Địa Thần đến để tìm hiểu lai lịch của chúng. Quỉ mị hay hổ lang nếu hiện nguyên hình thì chắc là con người sẽ nhận ra và cảnh giác. Nhưng đàng này, để đưa con người vào bẩy, chúng bày ra rất nhiều giả cảnh để lôi cuốn mê hoặc. Nguy hiểm hơn là chúng đang lẫn lộn chung quanh chúng ta, luôn tìm cơ hội thuận tiện để ra tay, như Thầy đã cảnh giác: "Thầy nói trước cho các con biết mà giữ gìn; chung quanh các con, dầu xa dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con."[3]Từ ngữ "cắn xé" mang một ý nghĩa rất là quyết liệt, diễn tả một sự tranh đấu không có sự khoan nhượng, tranh đấu một mất một còn.

Đức Chí Tôn đã nhắc lại lời dạy nơi Thánh Ngôn Hiệp Tuyển trong một dịp giáng điển nơi Hườn Cung Đàn vào năm Tân Sửu (1961): "Các con ôi! Từ xưa Thầy đã cho các con biết trước, Thầy sẽ cho một lũ hổ lang đến cấu xé các con, mà Thầy lại ban cho các con một bộ thiết giáp của Thầy là Đạo. Ba mươi sáu năm rồi các con có nhìn đặng lũ hổ lang chăng? Và các con có trọn vẹn mặc bộ thiết giáp của Thầy không? Chắc là các con khó nghĩ. Vì sao Thầy lại thả lũ hổ lang để xâu xé toàn linh yêu quí của Thầy? Có phải chăng Tạo Hóa khắt khe? Các con ôi! Nếu không có lũ hổ lang cắn xé các con, không đem lại cho các con một trạng thái kinh cụ hãi hùng, thì có đời nào con chịu mặc bộ thiết giáp của Thầy là Đạo. Các con có nhận được lũ hổ lang ấy chưa?"[4]

Như vậy, có thể hình dung là con người chịu áp lực từ cả hai mặt bên ngoài lẫn bên trong. Nói cách khác là chúng ta phải chịu sự thử thách từ ngoại cảnh đến nội tâm. Ma vương, ác quỉ đang rình rập cả bên ngoài và cũng đang ẩn núp bên trong nội thân của chúng ta. Người ta thường nói, giặc ngoại xâm thì dễ đánh bại, còn giặc nội ứng thì lại khó đương đầu. Giặc bên trong nội thân rất khó trừ khử, vì khi chúng ta tấn công nó, chính là chúng ta tấn công vào chính bản thân chúng ta. Thầy đã giúp chúng ta chỉ rõ con hổ lang đang phục kích nơi nội tâm chúng ta như sau: "Toàn cả nhơn sanh phải chịu thảm khốc vì dục vọng, vì lợi quyền, vì bản ngã. Ba con hổ lang ấy đã và đang tranh đấu, tranh đấu mãi cho toàn linh phải đi sâu vào biển tục, cho thương hải hóa tang điền."[5]

Ba con hổ lang đã được Thầy nêu đích danh là: dục vọng, lợi quyền và bản ngã. Ba con hổ lang nầy lại có mối quan hệ rất mật thiết với "thập tam ma" là thất tình lục dục luôn rình rập, xui khiến, lôi kéo chúng ta đi vào nẻo đọa lạc. Chúng luôn tìm mọi cách để vô hiệu hóa bộ thiết giáp mà Thầy đã ban cho chúng ta.

Ma vương, ác quỷ cũng chính là tam độc: tham sân si. Tham sân si phát khởi khi chúng ta bắt đầu khởi niệm. Đức Mẹ dạy:

Hễ một niệm khơi mào trần tục

Tham sân si giây phút dấy loàn

Đậy che một ánh linh quang

Che mờ chơn tánh lớp màn vô minh

Con còn chẳng biết mình đâu đấy

Thì làm sao con thấy tội tình

Thế nên lịch kiếp tử sinh

Đa mang nghiệp lực tiến trình khó khăn[6]

Đức Bảo Pháp Chơn Quân đã xác nhận rằng:

Tham sân si ấy thật ma vương

Sáu dục bảy tình tương trợ đương

Ba báu của người toan cướp đoạt

Huyền công luyện kỷ khó xâm lường[7]

Như vậy, ba con hổ lang là dục vọng, lợi quyền và bản ngã có một sự liên hệ rất mật thiết với ma vương ác quỉ là tham sân si. Tục ngữ có câu: "Bà con xa không bằng láng giềng gần"; do đó, ba con hổ lang nầy cũng còn là "láng giềng gần" của thập tam ma là thất tình (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ) và lục dục (nhãn, nhỉ, tỉ, thiệt, thân, ý).

Chúng ta biết rằng bộ thiết giáp Thầy ban nhằm mục đích để bảo vệ con cái của Người khỏi vòng áp chế của tà thần, để bước lên địa vị sang cả trên con đường tiến hóa tâm linh nhằm có thể huyền đồng cùng thiên địa. Có thể nói một cách ví von áo giáp nầy có khả năng giúp chúng ta "tàng hình", khiến cho quỉ mị không hề thấy được mà hại chúng ta.

2. Bộ thiết giáp

Theo nghĩa đen, bộ thiết giáp là chiếc áo bằng sắt dùng để che chở, ngăn cản không cho vũ khí đối phương xâm phạm vào cơ thể. Đối với người tu, bộ thiết giáp đó là gì? hình dạng ra sao? Theo nghĩa hẹp, bộ thiết giáp chính là đạo phục áo dài trắng của người tín đồ Cao Đài. Đức Thượng Trung Nhựt đã xác nhận điều nầy như sau:

"Mặc một bộ bạch y để nhắc nhở người giáo đồ cũng như hàng tín hữu luôn luôn phải trong trắng, phải mát dịu, phải hiền hòa nơi nội tâm. Chớ nếu chỉ là bộ bạch y bên ngoài mà thiếu những điều kiện bên trong về mặt đạo đức thì không thể gọi đó là bộ thiết giáp được. Màu trắng cũng là màu dễ lấm và nổi bật những vết nhơ. Dầu lớn, dầu nhỏ, khi đã dính vào, người ngoài để trông thấy và đánh giá người chủ sử dụng bộ đồ. Các em nên lưu ý điều đó mà hành đạo."[8]

Áo dài trắng rất có tác dụng rất hữu hiệu trong việc ngăn ngừa những hành vi trái với lẽ đạo từ lời nói, tư tưởng đến việc làm. Màu trắng lại là một màu rất dễ cho người khác nhận biết những vết nhơ bẩn cho dù là mờ nhạt và nhỏ nhặt.

Còn theo nghĩa rộng, bộ thiết giáp chính là đạo đức như đã được Thầy dạy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Song Thầy cho các con mặc một bộ đồ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng, là đạo đức của các con."[9]. Chúng ta cần lưu ý về yếu tố thời điểm Thầy ban chúng ta bộ thiết giáp. Thời điểm này diễn ra trước khi quỉ mị thử thách, cắn xé con cái của Thầy. Nếu Thầy cho quỉ mị thử thách chúng ta trước khi chúng ta mặc bộ thiết giáp thì làm sao chúng ta có thể thoát khỏi sự áp chế của tà thần. Trong trường hợp nầy, Thầy cho chúng ta mặc bộ thiết giáp trước khi quỉ mị đến thử thách chúng ta nhằm bảo toàn con cái của Ngài. Điều nầy cũng giống như thí sinh được thầy giáo chỉ dẫn các bài vở để có thể đi thi, làm bài. Còn trong trường hợp, thí sinh không chịu học thuộc bài (không chịu mặc bộ thiết giáp) thì chắc chắn sẽ không biết cách giải đáp bài thi, hay nói cách khác là bị tà thần áp chế, quỉ mị dẫn đi. Thầy đã hỏi chúng ta: "Ba mươi sáu năm rồi các con có nhìn đặng lũ hổ lang chăng? Và các con có trọn vẹn mặc bộ thiết giáp của Thầy không?"

Không biết có vị nào trả lời là vẫn chưa tìm được bộ thiết giáp chăng? Thầy đã dạy bộ thiết giáp chính là đạo đức của chúng ta. Mà đạo đức thì vô hình, vô tướng; do đó, bộ thiết giáp nầy cũng vô hình, vô tướng. Tuy không nhìn thấy được, nhưng vẫn luôn cận kề che chở. Cho nên người xưa thường nói: "Đạo bất khả tu du lỵ dã", ý nói là Đạo không một phút giây nào rời xa con người. Điều quan trọng là làm sao đặt mình vào "vùng từ trường" của đạo lý. Chúng sanh căn trí vô lượng nên pháp môn vô lượng. Có rất nhiều phương pháp để đặt mình vào từ trường của Đạo; hay nói một cách khác, là giữ gìn bảo quản cẩn thận và mặc bộ thiết giáp đó cho đến ngày trở về cùng Thầy.

Nguyên tắc: Đạo đời ví như hai cán cân, bên nầy nặng thì bên kia phải nhẹ; cho nên, không thể nào có trường hợp cả hai bên cùng nhẹ hoặc cùng nặng được. Tuy nhiên, chúng ta thường có tâm lý "cầu toàn" vừa quý cái đạo vô vi và đồng thời cũng yêu cái đời vật chất. Đức Chí Tôn dạy:

Tâm định mà lo việc mới rồi

Đừng nên đa sự lắm con ôi

Sức người có hạn không thêm bớt

Nặng đạo thì con phải nhẹ đời[10]

Thầy dạy:

Thầy thấy con nặng đời hơn đạo

Đạo hai phần đời tạo tám phần

Con ơi phải bớt việc trần

Sáu phần lo đạo bốn phần đời thôi

Học chơn đạo việc đời lần bớt

Bớt đua tranh nhà tốt cửa nhiều

Bớt ham vật chất mỹ miều

Bớt lần tham vọng sớm chiều kềm tâm[11]

Xin được gợi ý một vài cách "bảo quản và duy trì" tính năng của bộ thiết giáp.

1. Cúng tứ thời mỗi ngày: nhằm thắt chặt sợi dây vô hình thiêng liêng giữa chúng ta và Đức Đại Từ Phụ. Chúng ta đã đặt mình trong sự che chở bảo bọc của Thầy Mẹ và các đấng Thiêng liêng.

2. Thường xuyên cầu nguyện bằng cách đọc kinh cứu khổ và kinh sám hối. Lòng có chí thành tưởng niệm các Đấng thiêng liêng sẽ nhận được sự hộ trì của các Đấng thiêng liêng theo quy luật "Cảm ứng".

3. Siêng năng đến thánh sở các ngày sóc vọng hàng tháng để học tập và cúng kính. Trong Tân Luật (điều 19) có ghi rõ: "Một tháng hai ngày sóc vọng, bổn đạo phải tựu tại thánh thất sở tại mà làm lễ và nghe dạy. Trừ ra ai có việc được chế." Tu hành cũng cần có tập thể để nâng đở lẫn nhau. Thứ nữa là vấn đề môi trường đạo đức rất quan trọng. Tục ngữ Việt Nam có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng." Chắc chắn rằng môi trường tại các thánh sở rất thánh khiết, được gội nhuần ơn lành của Ơn Trên và công đức tu hành của các đạo hữu đã dệt thành một tấm lưới thiêng che chở. Cho nên, thường xuyên đến thánh sở cũng là phương cách hữu hiệu để tạo một bộ thiết giáp bảo vệ cho chính bản thân mình.

5. Thường xuyên đọc thánh ngôn, thánh giáo để mở mang trí tuệ cho sáng suốt. Đọc thánh giáo nhằm giúp cho trí não mở mang, có thể nhận chân được điều chơn giả, phân biệt được lẽ đúng sai. Đọc thánh giáo để thắt chặt mối liên hệ giữa chúng ta và các Đấng thiêng liêng ngày càng bền vững. Điều nầy nhằm giúp cho chúng ta được dưới từ trường bảo hộ của các Đấng thiêng liêng.

5. Tích cực làm công quả, tô bồi âm chất nhằm là cho bộ thiết giáp có thêm công năng che chở cho chúng ta trong những cơn thử thách, khảo đảo. Đức Hiển Thế Đạo Nhơn để lời khuyên như sau: "Tệ Sĩ nhắc nhở chung những ai còn hững hờ với đạo đức công quả, hãy rán cố gắng thêm lên, đi sát với đạo, hành sát với đạo, đem tình thương ứng phó, đem vị tha phục vụ trong mọi hoàn cảnh, để có chút vốn liếng về âm chất hầu làm bộ thiết giáp chở che cho qua hồi sàng sảy khảo dượt nầy."[12]

Thiện Hạnh

Hạ Chí Quý Mùi (2003)


[1] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, 1948, trang 45.

[2]Đức Bảo Pháp Chơn Quân, CQPTGL, 15-6 Quý Sửu (14-7-1973).

[3] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, 1948, trang 9.

[4]Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Huờn Cung Đàn, 01-9 Tân Sửu (10-10-1961).

[5]Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Huờn Cung Đàn, 01-9 Tân Sửu (10-10-1961).

[6] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 13-8 Kỷ Mùi.

[7] Đức Bảo Pháp Chơn Quân, CQPTGL, 12-11 Tân Dậu.

[8]Đức Thượng Trung Nhựt, Giáo Hội Tiên Thiên Minh Đức, 20-9 Đinh Mùi (23-10-1967).

[9] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, 1948, trang 45.

[10]Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngọc Minh Đài, 15-10 Mậu Thân (04-12-1968).

[11] Thánh Huấn Hiệp Tuyển, Quyển 1, in năm (?), trang 151.

[12]Đức Hiển Thế Đạo Nhơn, Ngọc Minh Đài, 14-02 Mậu Thân (12-3-1968).
Thiện Hạnh

Người giác ngộ vun bồi tánh đạo,
Bậc nguyên căn hoài bão ý Thiên,
Vào đời một chí nhẫn kiên,
Thực thi sứ mạng pháp quyền dựng xây.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, Rằm tháng Giêng Tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây