Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
28/04/2014
CƠ QUAN PTGL ĐẠI ĐẠO

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/04/2014

VŨ TRỤ QUAN - NHÂN SINH QUAN CAO ĐÀI

VŨ TRỤ QUAN
Có thể nói Vũ Trụ Quan Cao Ðài bao hàm hai khái niệm quan trọng là:
-Cơ nguyên biến sanh vũ trụ.
-Qui luật tiến hóa tâm linh.
I. CƠ NGUYÊN BIẾN SANH VŨ TRỤ
Từ cơ nguyên biến sanh vũ trụ, Vũ Trụ Quan Cao Ðài sẽ dẫn đến các thuyết vũ trụ đồng nhất thể, thuyết phóng phát, thuyết vận hành châu lưu.
- Trước hết, đoạn kinh văn sau đây nêu ra một ý niệm tổng quát về cơ chế biến sanh vũ trụ:
“Trước khi chưa định ngôi Thái Cực (chưa có trời đất) thì trong khoảng không gian ấy (hư vô) còn đang mịt mịt mờ mờ với khí hồng mông.
“...Không gian ấy là Vô Cực. Trong Vô Cực ấy lại có một cái lý thiên nhiên tuyệt diệu tuyệt huyền, còn lại có thêm một nguyên khí tự nhiên nữa. Lý với Khí ấy là Âm với Dương trong buổi hồng nguyên thời đại. Lý Khí ấy lần lần ngưng kết nhau mà đông tụ lâu đời nhiều kiếp mới thành ra một khối Ðại Linh Quang rất đầy đủ các sự tốt đẹp.
Ấy chính là ngôi Chúa Tể Càn Khôn Vũ Trụ biến hóa ra vậy.”(48)
Vũ trụ từ đây mới bắt đầu có ngôi Thái Cực trọn lành trọn tốt, toàn tri, toàn năng thiên biến vạn hóa, vô tận vô cùng, nắm trọn quyền hành thống chưởng cả càn khôn vũ trụ và lấy cơ thể Âm Dương mà phân thanh biện trược, làm máy động tịnh để gom tụ cái Khí hư vô đặng hóa sanh muôn loài vạn vật.”(49)
Theo đoạn trên, cơ chế biến sanh vũ trụ là một hệ thống “Âm Dương - Thái Cực và Thái Cực - Âm Dương” vận hành trong bản thể Vô Cực. Như thế vạn vật vốn nhất thể từ một Khí Hư Vô lại có nhất nguyên (một gốc) từ một động năng Thái Cực sanh ra. Khái niệm nhất thể nhất nguyên đó được Kinh Ðại Thừa Chơn Giáo xác nhận rõ ràng hơn nữa bằng thuyết phóng phát qua phạm trù “Ðại linh quang - Tiểu linh quang”.
“Ðiểm linh quang là gì? Là cái yến sáng mà thôi. Thái Cực là một khối Ðại Linh Quang, chia ra, ban cho mỗi người một điểm linh quang.”(50)
“Chia ra, ban cho “tức là phóng phát (émanation), khác hơn “tạo dựng” (création). Phóng phát biến sanh là sự sanh hóa vạn vật bằng chính bản thể của nguyên nhân đầu tiên chớ không phải được tạo dựng bởi một Hóa Công tách biệt, hàm ý nhân cách hóa như một người thợ làm đồ vật.
Sau khái niệm nhất thể nhất nguyên và phóng phát biến sanh, vũ trụ quan Cao Ðài còn có nguyên lý vận hành châu lưu của vũ trụ. Nguyên lý này có nghĩa là vạn vật được sanh ra và có tiến hóa, lại tiến hóa theo một vòng tròn để trở về nguồn gốc, trở nên hoàn hảo hoàn thiện tuyệt đối. Kinh Ðại Thừa Chơn Giáo viết:
“Khí Âm Dương bắt đầu sanh hóa ra muôn loài vạn vật, muôn loài vạn vật cứ hóa sinh mãi mãi. Ðó là một sanh hai, hai sanh ba, ba sinh vạn vật, nhưng vạn vật cũng phải quay đầu về Một. Là vì nhất bổn tán vạn thù, vạn thù qui nhất bổn”.

“Cơ siêu phàm nhập thánh là lẽ tự nhiên pháp nhiệm nó luôn vận hành châu lưu trong càn khôn thế giới mà dưỡng dục muôn loài, bảo tồn vạn vật” (51).
“Siêu phàm nhập thánh” tức là sự tiến hóa, vượt từ chỗ không hoàn thiện (phàm) đến chỗ hoàn thiện (thánh). “Châu lưu” là luân chuyển theo một vòng tròn, từ đó có ý niệm “phản bổn huờn nguyên” quay trở về gốc Thái Cực Ðại Linh Quang chính là cứu cánh của vạn vật.
Như thế, qua cơ biến sanh vũ trụ, vũ trụ quan Cao Ðài cho thấy con người có cùng một bản thể với Trời, con người có thể tiến hóa đến mức tuyệt đối như Trời theo một luật tắc, theo “lẽ tự nhiên pháp nhiệm” tức là theo lẽ Ðạo.
Nói rộng ra, con người có mối tương quan mật thiết với vũ trụ vạn vật, bởi bản thể lẫn bởi qui luật sinh thành tiến hóa.
Do đó, vũ trụ quan Cao Ðài, ngoài ý niệm về cơ chế biến sanh vũ trụ còn phải nêu lên qui luật tiến hóa tâm linh là cuộc tiến hóa có chiều kích vũ trụ.
II. QUI LUẬT TIẾN HÓA TÂM LINH
Cơ chế biến sanh vũ trụ được khởi đầu bằng Thái Cực thì cuộc tiến hóa tâm linh khởi đầu từ Chơn Thần Thượng Ðế. Ðức Chí Tôn gọi sự biến sanh vũ trụ là “khai Thiên Ðịa” và cuộc tiến hóa tâm linh là “sanh Tiên Phật”. Ngài dạy:
“Khai Thiên Ðịa vốn Thầy, sanh Tiên Phật cũng Thầy. Thầy đã nói một Chơn Thần Thầy mà biến càn khôn thế giới và cả nhân loại... Thầy khai bát quái mà tác thành càn khôn thế giới nên mới gọi là Pháp. Pháp có mới sanh ra càn khôn vạn vật rồi mới có người, nên gọi là Tăng. Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy” (52).
Quá trình tiến hóa để “hiệp một cùng Thầy” tức là quá trình mà chúng sanh vạn vật học hỏi rèn luyện để Chơn Thần tăng tiến, thăng hoa vượt khỏi cơ thể vật chất, hiệp một với Chơn Thần Thượng Ðế như lời xác minh của Ngài trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
“Bậc chân tu tỉ như hạt giống tốt, hễ gieo xuống thì cây lên, cây lên thì trổ bông rồi sanh trái mà biến biến sanh sanh càng tăng số (*).
“Vì vậy mà các con phải bỏ xác trần mà bông trái thiêng liêng ấy các con sanh hóa Chơn Thần(**), lại biến hằng muôn thêm số tăng lên hoài(***). Ấy là Ðạo” (53).
Ðoạn Thánh Ngôn trên, có thể được phân tích như sau:
- Câu đầu (*): Xác định con người có thể tu tập để tiến hóa và chắc chắn sẽ tiến hóa.
- Câu kế (**): Cuộc tiến hóa đó là tiến hóa từ chỗ giải thoát khỏi thể xác đến chỗ phát triển Chơn Thần.
- Câu thứ ba (***): Chơn Thần cần tiếp tục con đường tiến hóa trong vũ trụ tâm linh.
- Câu cuối (ấy là Ðạo): Quá trình tiến hóa đó là qui luật tự nhiên và tất nhiên, nên gọi là Ðạo.
Vậy trong Vũ trụ tâm linh có cuộc tiến hóa phát triển Chơn Thần (do Thượng Ðế phóng phát) từ các vật hạ đẳng cho đến con người và sau cùng là hiệp nhất với Thượng Ðế. Tức là “Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần Thánh Tiên Phật. Các con là chư Phật, chư Phật là các con. Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy. Các con là Thầy, Thầy là các con” (54).
Tóm lại, vũ trụ quan Cao Ðài từ cơ nguyên biến sanh vạn vật đến qui luật tiến hóa tâm linh đã nêu lên các nguyên lý nhất nguyên, nguyên lý nhất thể và nguyên lý hoàn nguyên cho thấy sự vận hành của Ðạo từ hư vô hóa sanh ra vạn vật hữu hình rồi vạn vật hữu hình tiến hóa trở về hư vô để đạt thành cứu cánh là Ðại Linh Quang toàn năng toàn tri, chí chơn chí mỹ chí thiện vậy.
****
NHÂN SINH QUAN
Vũ trụ quan nói trên đã cho một khái niệm bao hàm nguồn gốc và cùng đích con người. Con người là tiểu vũ trụ có cùng một bản thể với đại vũ trụ và được sinh thành bởi cùng một nguyên nhân đầu tiên của toàn vũ trụ. Cuộc sống của con người là công cuộc hoàn thành những nấc thang tiến hóa cao nhất của vạn vật. Nhưng trong chiều kích của vũ trụ chính con người còn phải nhằm mục tiêu tiến hóa tối hậu là sự hòa hợp của Tiểu linh quang vào Ðại Linh Quang.
Nêu lên quan điểm về nhân sinh ở giữa nguồn gốc và cùng đích con người như thế là nhân sinh quan Cao Ðài gồm có:
- Quan niệm về công dụng cõi đời.
- Quan niệm về nghĩa vụ làm người.
- Quan niệm về lý tưởng cuộc sống loài người.
1. Quan niệm về công dụng cõi đời
Ðức Chí Tôn dạy: “Con người đã sẵn có cái Thiên tánh đặc biệt của Trời ban phú cho từ lúc mới đi đầu thai, rồi xuống thế gian này lại cần phải mượn lấy xác phàm mà kinh nghiệm mọi lẽ của cõi trần để cho lần lần trở nên uyên bác, hầu tấn hóa mãi trên con đường đạo đức vậy. Vẫn biết thế gian là bể khổ sông mê, nhưng chính thế gian là một chốn học đường của muôn loài vạn vật. Nhờ học đường ấy mà muôn loài vạn vật mới mở mang tiến hóa, sáng suốt tinh thần để tấn bộ trên nấc thang cao thượng”(55).
“Một trường thử Thần Thánh Tiên Phật, vì vậy mà phải nơi thế gian này... Thầy hằng nói cùng các con rằng: một trường thi công quả, các con muốn đặng đến cực lạc thì phải đi tại cửa này mà thôi.”(56)
2. Quan niệm về nghĩa vụ làm người
Ðức Chí Tôn dạy: “Làm người cần phải học hỏi, có học hỏi mới thông đạt, minh mẫn, mới biết lẽ dữ điều lành, mới tường đường quấy sự phải, mà tránh cho khỏi tội tình. Chớ nếu không học hỏi thì điểm Tiểu linh quang phải trở nên mê muội mà người cam dốt nát ngu hèn” (57).
- Làm người phải xả thân giúp đời như Kinh Ðại Thừa Chơn Giáo có viết:
“Người xả thân mưu cầu lợi chúng,
Làm ích chung quốc chúng an hòa;
Giống nòi ta thể một Cha,
Thú cầm nhơn loại cũng bà con chung.
Người tâm chí vẫy vùng cơ hội,
Ðem đạo mầu dẫn lối chúng sanh;
Dạy đời dữ hóa nên lành,
Mở mang trí óc lập thành quốc gia.
Gieo tư tưởng cộng hòa đoàn thể,
Chỉ phương tu đoạt hóa thánh tiên;
Mỗi người có một tánh hiền,
Ấy là nước trị, nhà yên thái bình.”
Ðó là những nghĩa vụ nhằm:
- Ích nước lợi dân.
- Hoàn thiện con người.
- Gieo tư tưởng thương yêu hòa hợp đại đồng trong cuộc sống thế giới hiện tại.
- Dẫn đường tu giải thoát cho tâm linh tiến hóa.
3. Quan niệm về lý tưởng của cuộc sống con người
Cao Ðài Giáo nêu một xã hội loài người lý tưởng là xã hội “thánh đức” bao gồm đời sống an lạc, xây dựng trên tinh thần nhân bản và có hiệu năng tiến bộ.
Ðức Chí Tôn có dạy: “Ngày nào các con còn trông thấy một điều bất bình ở đời thì Ðạo chưa thành vậy” (58).
Như thế bằng chứng thực tiễn và trước tiên về thành quả của Ðạo chính là sự an lạc của cõi đời. Cao Ðài phải là một tôn giáo vị nhân sinh. Ðức Chí Tôn dạy:
“Các con biết Thầy là trọng thì biết trọng đạo, mà hễ trọng đạo thì cũng phải trọng cả chúng sanh” (59).
Và Ðức Lý Giáo Tông Vô Vi Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ cũng dạy:
“...Tôn giáo và chúng sanh là Một. Chúng sanh được hoàn thiện thì tôn giáo mới phát khởi nguồn Ðạo, nhược bằng chúng sanh sai lạc thì tôn giáo chịu suy đồi” (60). Tính chất thực tiễn của nhân sinh quan Cao Ðài còn thấy rõ qua Thánh giáo sau đây của Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát, Nhị trấn Oai Nghiêm Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ:
“Giáo lý Cao Ðài không đi xa thực tế với đời sống con người thực tại. Sự mở Ðạo của Thượng Ðế là muốn cho tất cả nhơn sanh, dầu trong thời kỳ trả quả cũ, không gây nghiệp mới, mọi chỗ đều hướng thiện, ăn ở đối xử nhau cho phải tình phải nghĩa, phải đức phải nhân để trong cõi đời này có một xã hội đại đồng đạo đức.”
“Ðó là mục đích Thượng Ðế muốn cho loài người hiểu tận ý và hành tận sự, chớ giáo lý Cao Ðài không nhất thiết chỉ bảo người đời đi tìm hạnh phúc trong cõi hư vô vĩnh cửu, chốn niết bàn cực lạc trong khi thân sanh còn nghèo đói bệnh tật, dốt nát, kỳ thị, rẽ chia, người bóc lột người trong cảnh mạnh được yếu thua, bất công xã hội. Nếu phần thân sanh hiện hữu như thế, chắc gì phần tâm linh được mẫn tuệ siêu thoát đâu” (61).
Tóm lại, Cao Ðài quan niệm Ðạo lập ra là để cứu rỗi nhơn sinh, nghĩa là Thượng Ðế mở ra con đường cho nhân loại trở về với Thượng Ðế (62). Nhưng con đường ấy được mở đầu ở ngay tự thân con người và kết quả sẽ nhận được ngay trong cõi đời. Bởi vì,
“Người sanh ra bởi Ðạo, thì Ðạo tức là người, thì người phải làm sáng cái Ðạo, tức là người phải ra NGƯỜI để tự cứu cánh và ảnh hưởng đến vạn vật” (63).
Như thế, nhân sinh quan Cao Ðài nhất trí với vũ trụ quan Cao Ðài ở điểm nhân bản. Nhân bản là bản chất chơn ngã của con người (64). Nhân bản là tình cảm thiêng liêng mà Thượng Ðế Chí Tôn đã dành cho mỗi con người (65) thể hiện ra bằng nhân tính hay là tình thương.
“Hiểu biết, hành động, phục vụ, phụng sự, mà không nằm trong Nhân bản sẽ đưa đến những hậu quả khốc liệt nhất cho xã hội. Nhân bản có sáng chói con người mới cảm thấy mình là con người. Dầu ở bất cứ lãnh vực hay hoàn cảnh quốc thổ nào đời sống tâm linh cũng phải tựa vào Nhân Bản. Có như vậy, đạo lý tôn giáo mới không rơi vào chỗ mông lung huyễn ngã” (66).
CƠ QUAN PTGL ĐẠI ĐẠO

Học đạo để nên người thánh thiện,
Tu hành cần rèn luyện thân tâm,
Có thân, thân chớ đọa trầm,
Có tâm, tâm chớ lạc lầm phàm phu.

Đức Đông Phương Lão Tổ, CQPTGL, 04-6 tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây