Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
30/03/2007
Thiện Hạnh

Khái lược về Công trình

Đức Lê Đại Tiên dạy:

Công trình, công quả làm nền,

Công phu tu luyện cho nên Thánh Hiền.[1]

Tam công cũng có thể đối chiếu với Lục độ Ba La Mật của đạo Phật. Công quả tương ứng với bố thí ba la mật; công trình tương ứng với trì giới, nhẫn nhục và tinh tấn ba la mật; còn công phu thì tương ứng với thiền định và trí huệ ba la mật.

Công trình thuộc phạm trù tu thân nhằm hoàn thiện hóa bản thân để trở nên một con người chính danh quân tử. Công trình là phương tiện giúp người tín hữu Cao Đài gột rửa và hoàn thiện bản thân từ bên trong như thất tình lục lục cho đến bên ngoài thể hiện được tác phong đạo hạnh thuần hậu dễ thương, lợi người ích vật. Đó là chánh kỷ hóa nhân, là tấm gương sáng mà mọi người có thể nhìn vào kết quả đó để noi theo. Công trình còn giúp người hành giả ngày càng tinh tấn trên con đường giải thoát. Công trình đặt nền tảng trên việc thực hành nghiêm minh giới luật nên sẽ tạo được một năng lượng rất lớn thánh hóa bản thân và tác động đến tha nhân theo luật cảm ứng.

2. THỰC HÀNH CÔNG TRÌNH

2.1. Tu tập tác phong đạo hạnh (bên ngoài)

° Khái quát về tác phong đạo hạnh

Tác phong đạo hạnh là những thể hiện của con người trong giao tiếp với thế giới bên ngoài qua tư tưởng, lời nói và hành động, không chỉ với đồng loại, mà còn có thể hiểu rộng ra đối với vạn loại chúng sanh.

Tác phong đạo hạnh của người tu là sự tổng hòa của ba nhân tố là tư tưởng, lời nói và hành động trong chuẩn mực đạo lý, và cần hội đủ yếu tố hòa ái, khiêm tốn nhưng phải đoan trang, nghiêm chỉnh. Điều này thể hiện qua việc đi, đứng, nằm, ngồi (hành, trụ, ngọa, tọa). Đó chính là phép "tứ đại oai nghi" theo giáo lý đạo Phật.

Đức Lão Tổ dạy: "Đã chấp nhận quày chơn lại, thời dầu là nấc thang đầu tiên, hành giả cũng phải thận trọng từ sự sống, ăn, mặc, ở. Đủ thiếu, giàu nghèo đều phải giữ tiết độ tri túc, an phận tùy duyên, để nội tâm được bình thản. Từ tư tưởng, hành động, ngôn ngữ, đều phải khiêm tốn từ hòa, mà không mất vẻ đoan trang nghiêm chỉnh. Nói tóm lại, đó là tác phong đạo hạnh của hành giả trong đời sống nội tâm và ngoại cảnh để tu tập tam công"[2]

Đức Quan Âm Bồ Tát đã chi tiết hóa các tiêu chuẩn của tác phong đạo hạnh mà người hành giả cần nhập tâm, lấy đó làm kim chỉ nam để hành trì trong đối nhân xử thế hàng ngày hàng bữa. Hành động, lời nói và tác phong cho đúng chuẩn mực đạo lý.

Đức Quan Âm Bồ Tát dạy: "Những hành động đúng đạo lý hằng đem mình để giúp ích cho mọi người thể hiện đức từ bi bác ái. Ngôn ngữ đúng đạo lý hay dùng lời lành lẽ phải hiền hòa êm dịu để an ủi những người khổ nạn đau thương hay đem sự học hiểu chánh chơn nhủ khuyên em chị. Không vì thương mà tha thiết ngọt ngào, không vì ghét mà thị phi biếm nhẽ. Lời thốt ra nên người, nên bạn, nên nước, nên nhà. Lời thốt ra kẻ yêu người chuộng để thực hiện đức độ của người tu, tác phong cho đúng đạo lý, không vì chốn quyền môn mà bái quị, không vì lợi lộc mà cầu xin, không vì uy quyền mà khép nép; người tu hành vẫn ung dung thư thả, vui không hiện trên sắc diện, giận không thay đổi nét nhìn, những cảnh sắc hay hiện tượng bên ngoài không làm cho tác phong bị chế ngự."[3]

Tác phong đạo hạnh của người học đạo phải có sự khác biệt so với người chưa học đạo. Bởi lẽ tác phong đạo hạnh là một yếu tố không thể thiếu được trong việc hoàn thiện hóa bản thân trên con đường tu thân học đạo.

Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy: "Đã là người học đạo thì phải tiếp nhân xử thế khác hơn người thế tục, nhất là tác phong đạo hạnh, đó là điểm quan trọng, nếu thiếu nó thì không nên đạo."[4]

° Tác phong đạo hạnh là đệ nhứt pháp môn

Đức Bảo Hòa Thánh Nữ dạy rất chi tiết việc rèn tác phong đạo hạnh của người tu từ lời nói, tư tưởng đến hành động trong đạo lý chánh chơn và đây cũng chính là đệ nhứt pháp môn:

"Tu học trước nhất là phải dồi trau đức hạnh, rèn luyện thân tâm, lễ nghi đúng phép, cung kính nghiêm trang, nói năng giữ gìn ý tứ, việc trái đạo chớ nên làm, lời vô ích đừng nói, tập ngồi, tập đứng, tập đi, có tôn ti trật tự, nói năng lễ độ, kính mến thương yêu, đừng buông thả như thuở ngoài đời ham bay ham nhảy, ham nói ham ăn. Dầu nơi chật hẹp mà lễ nghi giữ đủ, trật tự nghiêm minh, đứng ngồi đúng chỗ, nói năng đúng phép, đó là Đạo. Trái lại, lễ nghi không học, trật tự không hành, nhỏ lớn không tôn, dầu chùa rộng nhà cao, nhìn vào cũng như cánh rừng hoang, cây cối um tùm, nhỏ lớn không phân, chông gai mù mịt, đó là vô Đạo.

Trật tự hữu hình là giá trị của người tu, tác phong đạo hạnh là lớp đầu của người tu sĩ, và cũng là kết quả của cấp lãnh đạo. Có tác phong đạo hạnh thì được kẻ kính người mến, kẻ yêu người nể, và người ngoài hâm mộ mà noi theo, có lợi cho mình mà độ được người, đó là đệ nhứt pháp môn."[5]

° Bắt đầu tu sửa từ những tánh xấu

Việc tu tập tác phong đạo hạnh là một quá trình rèn luyện và chuyển hoá từ bản chất phàm phu của con người trở nên tánh chất thánh thiện. Quá trình này không thể diễn ra trong một sớm một chiều mà mang tính tiệm tiến, cũng giống như ta lột từng bẹ chuối từ ngoài vào đến bên trong lõi của cây chuối vậy. Khi những tánh xấu xuất hiện thì cần phải nhận biết nó để hoá giải tiêu trừ, nếu không quyết liệt đoạn trừ, lâu dần những tánh xấu này sẽ lẫn lộn trong những tánh tốt và rất khó phát hiện để dẹp bỏ.

Đức Bảo Pháp Chơn Quân dạy: "Các tánh xấu đó còn ẩn núp trong tâm của người tu thì dầu có khoác bên ngoài mấy lớp áo đạo nhưng hành động cử chỉ vẫn lộ ra bên ngoài không thể nào che giấu được. Như thế, vị tu sĩ đó vừa lừa dối mình mà dối cả Thần Thánh, dối cả người đời, thì tội phải chịu nặng gấp ba lần người chưa học đạo. Thế cho nên chư đệ muội phải nên cố gắng tu tập tác phong đạo hạnh và tâm đức ngay lúc mới bắt đầu. Yếu tố thành công là siêng năng công quả học tập, đừng để điều gì làm tổn hao âm đức mà phải bồi bổ thường ngày, hễ các tánh xấu vừa vọng động dấy lên phải mau mau chế ngự, đừng để nó tự do dẫn dắt, lần lần chư đệ muội sẽ thấy các tánh tốt lộ ra, ăn nói lễ độ, ngồi đứng khiêm nhường, nét mặt hiền hòa, biết xót thương người lầm lỗi, nhẫn nhục để độ kẻ gian, sống một đời sống cộng đồng giản dị, đó là Thánh Hiền tại thế mà quả vị Phật Tiên không xa vậy."[6]

° Hậu quả của lời nói thiếu cẩn ngôn

Rèn tác phong đạo hạnh không thể thiếu sự cẩn ngôn và cẩn hạnh. Lời nói phải chơn chánh hữu ích, dễ mến dễ thương sẽ tạo ra mối tương cảm tương giao trong giao tiếp. Ngược lại, lời nói thiếu ngay thật, thiếu tình thương, lời nói phê phán hay thất đức khiến cho người khác buồn lòng, đau khổ hoặc tổn thương thì vô tình ta lại tạo nên khẩu nghiệp.

Do mỗi người, không nhiều thì ít đều có những vướng mắc trong nội tâm, kết tụ trong một thời gian dài. Những buồn bực, đau khổ, ray rứt chất chứa trong lòng, nếu không có phương pháp hóa giải những vướng mắc này thì chúng sẽ tác động trở lại làm cho chúng ta rất dễ có những cử chỉ, lời nói thiếu khả ái, từ hòa trong khi giao tiếp với người chung quanh. Hậu quả là không ai dám lai vãng tiếp xúc với mình vì e ngại "trái bom nổ chậm" đó có thể bộc phát bất cứ lúc nào. Như vậy, bản thân mình cũng bị đau khổ dày vò và làm cho người khác đau khổ.

Đức Hiển Thế Đạo Nhơn dạy: "Những lời chát chua thiếu ngay thật, tuyệt đối nên chừa. Phẩm hạnh tác phong đạo đức luôn luôn trau dồi để trở nên người chí thiện chí mỹ. Người đạo hữu biết ăn chay tụng kinh, niệm danh hiệu Chí Tôn, Phật Tiên, Thánh Thần là để đoạn trừ nghiệp khẩu, thanh lọc nghiệp ý. Cố tránh những lời thất đức độc ác làm khổ tâm đồng đạo. Đó là những điều sơ đẳng của người mới vào trong cửa đạo. Có như vậy mới khá hơn người ở ngoài cửa đạo. Nếu không được vậy, sẽ làm hoen ố chẳng những cho cá nhơn mình, cho bổn đạo địa phương mình, cho tập thể tín hữu Cao Đài, mà cho cả đến danh nghĩa của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ."[7]

° Tác phong đạo hạnh trong nghịch cảnh

Việc tu tập tác phong đạo hạnh trong những hoàn cảnh bị động, trong nghịch cảnh là rất khó; bởi lẽ, lúc bấy giờ việc kềm chế bản thân đòi hỏi phải có công phu tu tập sâu dầy, được kết tập trong một thời gian dài. Thí dụ khi ta giao tiếp với người có những lời nói và hành động thiếu thân thiện, thậm chí phỉ báng chúng ta. Trường hợp này rất dễ xảy ra xung đột, cãi vả, thậm chí xảy ra những hành động đáng tiếc, làm mất đi tác phong đạo hạnh của người tu.

Đức Liên Hoa Thánh Mẫu dạy: "Dầu gặp cảnh ngộ nào trái tai gai mắt nghịch ý, đừng vội vàng bực bội để tánh nóng nổi lên rồi phát ngôn thiếu cẩn thận, hành động thiếu cẩn thận, để hóa ra thua kẻ tầm thường ngoài thế gian chưa biết đạo đức là gì. Tác phong đạo hạnh của người tu không cho phép hành động hoặc phát ngôn thất đức, bất nhơn, hoặc trái lẽ phải. Dầu cảnh ngộ nào cũng có phương cách xử sự theo hạnh của người tu."[8]

° Tác dụng của tác phong đạo hạnh

Tác phong đạo hạnh của người tu có nhiều tác dụng như xây dựng được tình hòa ái thương yêu, xoa dịu những khổ đau của người khác, và hơn thế nữa nó còn là một phương tiện truyền đạo rất hữu hiệu qua "người thật việc thật" là chánh kỷ hóa nhân.

Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy: "Nội tâm bình thản thì ngoại thể ung dung, có tác phong đạo hạnh để cảm hóa người đời. Hãy khắc kỷ phục lễ để nâng cao phẩm giá của người tu. Trải một thân mà độ được ba thân, trải một lòng mà muôn lòng được vui, đó là vừa tự độ, vừa độ tha."[9]

° Tưới gốc sẽ sum cành

Tuy đạo hạnh tác phong là sự thể hiện ra bên ngoài, nhưng lại phát xuất ở nội tâm của hành giả. Nội tâm mang yếu tố quyết định, cho nên pháp môn đối trị nội tâm cũng chính là pháp môn đối trị ngoại thể. Đây chính là kết quả của việc "tưới gốc sẽ sum cành". Do đó, việc "phản tỉnh nội cầu" hay là quay vào quán xét và an định nội tâm dần dần sẽ tạo kết quả biểu lộ ra bên ngoài đạo hạnh tác phong của người chơn tu.

Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: "Đạo hạnhlà tác phong đức hạnh của người giữ đạo. Khi đã hiểu lý đạo rồi, hành cho sáng cái đức của đạo rồi tự nhiên tác phong đạo hạnh từ bên trong bộc lộ thể hiện ra bên ngoài. Đó là câu "hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh". Người ta chỉ nhìn qua khuôn mặt, tướng đi đứng ngồi, đã hiểu ngay tác phong đạo hạnh của người ấy có được đến mức độ nào rồi."[10]

° Thước đo tác phong đạo hạnh

Đạo hạnh tác phong là biểu hiện ra bên ngoài của người tu nên dễ dàng nhận thấy bởi mọi người chung quanh. Đây cũng chính là thước đo mức độ hành trì trong đời sống tu học hành đạo. Giá trị của người tu cũng được thể hiện qua tác phong đạo hạnh. Từ ánh mắt đến lời nói đều thể hiện vẻ đoan trang, thuần hậu, dễ mến, dễ thương. Do đó, trắc nghiệm tác phong đạo hạnh bằng cách xem bản thân có được mọi người chung quanh kính nể, quý mến. Nếu mức độ còn thấp tức là ta còn phải trau giồi thêm về tác phong đạo hạnh. Thiết tưởng, cũng cần lưu ý là mức độ thăng tiến tác phong đạo hạnh thông thường tỷ lệ thuận với thời gian tu học hành đạo của mỗi người tín hữu vì đó chính là sự thăng tiến theo thời gian tu học.

Đức Liên Hoa Thánh Mẫu dạy: "Thánh xưa thường răn mình mỗi khi gặp sự bạc đãi phũ phàng, luôn luôn phản tỉnh để sửa chữa cho đến khi nào được người mến yêu kính trọng. Sự muốn được người mến yêu kính trọng không phải vì thích ưa hoặc háo danh háo vị, mà đó chỉ là muốn thấy được cây thước đo đạc mức tiến phẩm hạnh tác phong đạo đức của mình xem đến đâu, chớ không phải để được người khen."[11]

Chính vì thế người tu học cần rèn luyện tác phong đạo hạnh hàng ngày một cách kiên trì, nhẫn nại.

Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy: "Đạo gốc là ở lòng chí thành, chí kỉnh, chí chánh, chí chơn. Từ chỗ thành kỉnh chánh chơn thâm nhập lâu ngày vào lòng, người tu hành sẽ trở nên kiến tánh. Muốn được như thế thì phải cần tu tập hằng ngày về đạo tâm, về đức hạnh không giây phút nào quên."[12]


[1] Đức Lê Đại Tiên, VNT, 01-6 Giáp Dần (1974)

[2] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 15-6 Canh Thân (1980)

[3] Đức Quan Âm Bồ Tát, Chơn Lý Đàn, 01-4N Giáp Dần (22-5-74)

[4] Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 01-12 Bính Dần (31-12-1986)

[5] Đức Bảo Hòa Thánh Nữ, VNT, 17-6 Đinh Tỵ (31-7-1977)

[6] Đức Bảo Pháp Chơn Quân, CQPTGL, 22-6 Đinh Tỵ (05-8-1977)

[7] Đức Hiển Thế Đạo Nhơn, NMĐ, 10-5 Canh Tuất (13-6-1970)

[8] Đức Liên Hoa Thánh Mẫu, NTTT, 08-8 Kỷ Dậu (19-9-1969)

[9] Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 01-01 Đinh Tỵ (17-02-1977)

[10] Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, MLTH, 04-9 Quý Sửu (29-9-1973)

[11] Đức Liên Hoa Thánh Mẫu, NTTT, 08-8 Kỷ Dậu (19-9-1969)

[12] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 10-01 Đinh Tỵ (27-02-77)
Thiện Hạnh

Tâm con vốn bửu tòa Thầy ngự,
Hãy giúp người gìn giữ Thiên cơ,
Hoằng khai Đại Đạo Tam Kỳ,
Công bình, bác ái, từ bi đứng đầu.

Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, CQPTGL, Rằm tháng 10 Quý Sửu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây