Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • CHÂN LÝ - HUYỀN DIỆU / Đức Thái Thượng Đạo Tổ

    ĐẠO NGUYÊN CHÁNH NGHĨA Chương thứ II.- Chân Lý, Huyền DiệuHuyền Đô Đại Pháp Sư. Ta chào chư hiền lưỡng ban. ...


  • Cách đây đúng 12 năm, thời điểm lịch sử của sự ra đời của Khối Liên Giao các Hôi Thánh ...


  • Chơn truyền là đâu ? / Nhịp cầu giáo lý

    Sau khi quá mỏi mệt với cuộc sống, lại hoang mang với bao triết thuyết, giáo thuyết, chủ nghĩa... con ...


  • Mỗi độ Xuân về, thiên nhiên trào dâng sức sống, vạn vật chuyển mình khởi đầu lại một chu kỳ ...


  • Dịch, quẻ Trạch Lôi Tùy gồm quẻ Đoài chồng lên quẻ Chấn, tượng hình sấm động dưới đầm với ý ...


  • ĐẤNG TỪ BI QUAN THẾ ÂM / Giáo sĩ Kim Dung

    Nơi cõi thế gian này từ xưa cho đến nay danh xưng “QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT” đã ăn sâu ...


  • Quan niệm và biểu tượng về Thượng Đế trong Đạo Đức Kinh 1. Giới thiệu. Khi qua ải Hàm Cốc, Đức Lão ...


  • Đại Đạo không phải là tôn giáo lớn. Cái lớn của Đại Đạo là khả năng nối kết con người ...


  • Xuân tâm - Xuân đạo đức / Đức Diêu Trì Kim Mẫu

    Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy tại Thiên Lý Đàn vào lúc Tý thời 29 rạng mùng 1 tháng 01 ...


  • Questions et Réponses sur le CAODAÏSME / Organisme de Diffusion du Dai Dao

    Troisième Ere Universelle du Salut Divin de Dai Dao Organisme de Diffusion du Dai Dao Questions et Réponses sur le CAODAÏSME Traduit du vietnamien par L’église Cao ...


  • Tâm ơi . . .tâm! / Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

    Có một tử tù kia suốt đời làm việc tội lỗi, giết người, trộm cướp, lòng dạ rất xấu xa. ...


  • Là một vùng đất lịch sử, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, Phú Thọ chứa đựng các dấu ...


10/05/2004
ten_tac_gia

Danh Thầy, Danh Đạo

" Đành rằng Khai Đạo cứu đời,
Đạo cho nên Đạo thì đời mới yên".
( Đức Vô Cực Từ Tôn, rằm tháng 8 Ất Tỵ,10/5/1965)

Những chức sắc và tín đồ Cao Đài có ý thức về sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ắc không khỏi băn khoăn khi tự hỏi : " Hiện nay, sau trên 70 năm Đạo Khai,

1. Có bao nhiêu dân tộc trên thế giới đã nhận được tín hiệu cuộc cứu thế Kỳ Ba của Đức Thượng Đế ?

2. Ngay trên đất nước Việt Nam được Đức Chí Tôn chọn làm cái nôi Cao Đài, tôn giáo Cao Đài đã chính thức có được bao nhiêu tín đồ trên tổng số 80 triệu dân ?

3. Khoảng bao nhiêu phần trăm đồng bào còn hiểu sai lầm và thắc mắc về tôn giáo Cao Đài ?

4. Khoảng bao nhiêu đồng bào còn chưa biết gì về tôn giáo Cao Đài ?

Thật thà tìm ra đáp số tương đối trung thực cho các câu tự hỏi trên đây, chúng ta cảm thấy lòng kém vui, - và mong ước một phong trào đồng tâm Kêu gọi nhau lo nghĩ về DANH THẦY DANH ĐẠO, những gì ví như một số cụm mây đen hãy tự cuốn bay đi, để ánh sáng mặt trời chiếu rọi khắp nơi khắp chốn.

I. PHÁ VỠ, TỪ BỎ NHỮNG GÌ SAI LẠC :

Thượng Sách chẳng phải là đổ lỗi và trách cứ ai, mà là kêu gọi nhau chung lo và lo chung cho cơ Đạo, theo phương hướng Ơn Trên đã chỉ dạy. Đặc biệt xin trích dẫn huấn từ của Đức Vô Cực Từ Tôn dạy trong năm 1965.

Trong quá khứ có một số chủ trương sai lầm, gây hậu quả bất lợi cho cơ Đạo, nhưng xuất phát từ thiện ý, nên Đức Mẹ lấy lòng từ ái phân tích cho con cái của Ngài cùng nhau nhìn quay lại quá khứ để đánh giá, nhận định, hầu thấy phần bất lợi trong cái hỗn tạp mỗi người mỗi ý, mỗi nhóm mỗi chủ trương, đưa tới thực trạng kém vinh quang đáng tiếc.

Tuất thời ngày 29 tháng 8 năm Ất Tỵ (24/9/1965) Đức Mẹ dạy :

" Hôm nay các con hãy bình tâm cùng Mẹ kiểm điểm, ôn lại trong quá trình với những sứ mạng THẾ THIÊN HÀNH HÓA, gồm mấy lãnh vực và mấy xu hướng trong hàng huynh đệ các con.

" Cũng thời một cõi lòng thiết tha thương Thầy mến Đạo, con nào cũng muốn sáng danh Thầy rạng danh Đạo, nhưng chính trong mỗi con còn thiếu những điều kiện và hoàn cảnh, do đó là một trở ngại rất lớn.

" Có đứa khi đặt mình vào Đạo, muốn đem chánh pháp, đạo luật, kinh điển phổ truyền khắp nơi để cho nhơn sanh tỉnh thức tu học, để tạo lập một cõi Thiên Đường ở thế gian gồm toàn là hiền nhơn đạo đức. Cũng có đứa nóng lòng vì việc đạo, bước xa hơn một bước, là tạo thế lực bên đời để dễ bề phổ truyền chánh Đạo, nhưng không hay rằng mình đã vướng chân trong lưới rập thường tình của thế nhân. Cũng có đứa nóng lòng vì quốc gia đại sự, muốn chen chơn vào đó để làm phương tiện hoạt động phổ biến Đạo Trời. Cũng có đứa vì tiền đồ Đại Đạo và danh nghĩa Đạo giáo, giữa buổi thế sự phân tranh, muốn được tiếng nói Đạo Thầy làm trung gian để giải hòa mọi mặt. Cũng có đứa muốn tại gia tu học, gìn giữ tân pháp. Cũng có đứa thường xuyên đi đến chùa thất để học hỏi điều hay lẽ phải trong hàng huynh đệ tiền phong. Cũng có đứa trong tâm chẳng muốn đi đâu, nhưng sợ e vắng mặt lâu ngày rồi huynh đệ cho mình là ngã đạo, nên ngày sóc vọng rán trỗi bước đến chùa thất cho có lệ. Cũng có đứa không quản của, công, đem đóng góp vào Cơ quan đạo để được hưởng phúc hồng Thầy Mẹ rưới chan - Cũng có đứa vào Đạo để thọ Thiên phong vào hàng anh lớn, đợi ngày lâm chung tuổi tên được vào Sử đạo.....

" Nhưng rồi các con ôi ! Ai là bực xứng đáng thay mặt Chí Tôn để nói lên được tiếng nói duy nhứt của Đạo Cao Đài ? Ai là người xứng đáng nói lên tiếng nói để cảnh tỉnh các lãnh tụ Chi Phái Đạo để cùng vạch một đường hướng chung cho bước tiến Đạo Trời ?

" Con ôi ! Hiện tình cơ Đạo còn đang phân phân bất nhứt. Mẹ đã dạy các con nhiều lần. Trời đất không riêng, Đạo lý có MỘT. Đã là MỘT thì không riêng, mà tư riêng là không còn MỘT của Đạo Lý nữa ! Giả thử hiện giờ, nếu có một ngoại nhơn từ phương trời Âu, Mỹ, Úc... đến hỏi về sự tổ chức trong Đạo Cao Đài, các con phải nói làm sao ?, dựa vào tiêu chuẩn đạo luật nào để giải thích cho ngoại nhơn đó khỏi thắc mắc lầm lẫn một khi hỏi đến một con thứ hai ở Chi Phái khác ?

" Các con hãy học đức TỪ BI của Phật, BÁC ÁI của Tiên, CÔNG BÌNH của Thánh, cùng hợp ý chung tâm để tìm lẽ Đạo, thì tất nhiên điều sai lạc sẽ được phô bày tỏ rõ. Con sẽ được niềm bảo vệ của đồng đạo, và khi nhơn dục tịnh tận, Thiên Lý sẽ lưu hành. Đó là Chơn Lý của Công trình, Công quả và Công phu vậy.

" Phải chánh tín để đem chánh tín cho mọi người, phải thực hành Chơn Lý để mọi người đến với Chơn Lý."

Tý thời ngày 16 tháng 8 năm Ất Tỵ (11/9/1965) Đức Vô Cực Từ Tôn giáng đàn chứng lễ lạc thành tái thiết một ngôi thánh đường. Đức Mẹ dạy :

" Hỡi các con nam nữ ! Hôm nay các con hãy tô đậm hai chữ " XÂY DỰNG" để làm bài học hằng ngày trên bước Đạo. Về mặt hình thức cũng đã tạm yên, rồi đây các con còn phải mất nhiều thì giờ để xây dựng về mặt tinh thần đạo đức.

" Sở dĩ ngày hôm nay có một ngôi hữu hình đồ sộ là do các con đã gia công ruồng bỏ, phá vỡ những gì xấu xa, mục nát, hư hoại. Vậy thì về mặt tinh thần, trước khi muốn xây dựng, cũng phải ruồng bỏ những gì gọi là xấu xa, ích kỷ, chia rẽ, xuyên tạc, nhỏ nhen, cố chấp, mà phải xây dựng lại tinh thần tốt đẹp, vị tha, quảng đại, khoan dung, phá chấp. Xây dựng từ bản thân, cá tính, đến xây dựng gia đình, phu thê, tử tôn, lần hồi xây dựng đến tình đồng đạo, bạn hữu gần xa. Một người là một đơn vị nhỏ, được xây dựng kiện toàn về mặt đạo đức, mười người được xây dựng như vậy trăm, ngàn, muôn, triệu triệu người được xây dựng như vậy, thì lo chi nhà chẳng yên, Đạo chẳng thạnh, nước chẳng quyền, nhân loại chẳng an cư lạc nghiệp".

II. VAI TRÒ THẾ THIÊN HOẰNG ĐẠO :

Các tôn giáo thời Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ có Giáo chủ tại trần thế, do đó trách nhiệm hữu hình giữa Giáo chủ và môn sanh có phần phân biệt rõ ràng. Trong Tam Kỳ Phổ Độ thời nay, Đức Chí Tôn không giao chánh pháp cho tay phàm, mà chọn phương thức giáng điển dạy Đạo, rồi về mặt vô vi, Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng âm phò mặc trợ, hộ độ nhắc nhở, còn về phần hữu hình thì giao cho hàng ngũ chức sắc Thiên phong nói riêng và tập thể Cao Đài nói chung vai trò và trách nhiệm " THẾ THIÊN HOẰNG ĐẠO", đàn anh giác ngộ đi trước dìu dắt đàn em giác ngộ theo sau, hễ nhập môn vào cửa Cao Đài rồi thì hằng ngày ai ai cũng đều nguyện :

Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai,
Nhì nguyện phổ độ chúng sanh

với ý nghĩa tích cực lãnh sứ mạng phổ độ chúng sanh, hoằng khai Đại Đạo, và như thế, hàng ngũ THẾ THIÊN HOẰNG ĐẠO phải ngày càng đông, Kết quả phải ngày càng nhiều.

Nhưng không tránh khỏi sức ì về tư tưởng của thời kỳ phổ độ trước, một phần chức sắc Cao Đài lẫn một phần tín đồ thường lo tu riêng cho mình, không chuyên tâm nghỉ tới mặt chức năng tạo điều kiện cần và đủ để THẾ THIÊN HOẰNG ĐẠO, thay Trời phổ độ chúng sanh.

Vấn đề này rất quan trọng, là mấu chốt, là đòn bẩy đưa cơ Đạo tiến lên hay không tiến lên, hoặc tiến lên mau hay tiến lên chậm. Người quan tâm tới vai trò THẾ THIÊN HOẰNG ĐẠO không ngớt suy tư lo lắng, tự nhắc nhở mình rằng, thủ vai trò thay Trời, đại diện cho Trời về mặt hữu hình để phổ độ chúng sanh thì phải giống Trời, phải thực hành, ứng dụng Chơn Lý mà Đấng Cha Trời, Thầy Trời đã truyền dạy, gởi gắm, giao phó để truyền trao lại cho nhơn sanh. Nếu người thay Trời hoằng Đạo mà không giống Trời, không truyền trao đúng Chơn Lý Trời dạy, thì nhơn sanh không cảm nhận được Trời để mà tìm đến với Đấng Cha Trời. Nếu người thay Trời đi truyền bá Chơn Lý mà không biểu hiện được Chơn Lý trong nếp sống cá nhân, nếp sống gia đình và nếp sống xã hội , thì nhơn sanh không thấy được Chơn Lý trong cửa Đạo Cao Đài để tìm đến với Chơn Lý. Nói cách khác, vì còn cái sai lẫn lộn với cái đúng, nên ánh sáng chơn lý chưa thuần nhứt và chưa chiếu xa, hấp lực về đức tin chưa tỏa rộng, do đó DANH THẦY chưa mấy sáng, DANH ĐẠO chưa mấy rạng.

Chúng ta không quên huấn từ của Đức Mẹ: "Trời đất không riêng, Đạo Lý có MỘT. Đã là MÔT thì không riêng, mà tư riêng là không còn MỘT của Đạo Lý nữa ".

Đức Mẹ cũng đã dạy :"Cũng thời một cõi lòng thiết tha thương Thầy mến Đạo, con nào cũng muốn sáng danh Thầy rạng danh Đạo, nhưng chính trong mỗi con còn thiếu những điều kiện và hoàn cảnh, do đó là một trở ngại rất lớn. " Những điều kiện Đức Mẹ muốn nói đây là điều kiện giống hay không giống Thầy ?, hành đúng hay không đúng Chơn Lý ?

Tôn ý của Đức Mẹ về điều kiện THẾ THIÊN HOẰNG ĐẠO, điều kiện LÀM SÁNG DANH THẦY RẠNG DANH ĐẠO đã rõ ràng. Chúng ta cần xác tín rằng vấn đề rất quan trọng, đồng thời cũng rất đơn giản, không khó giải quyết nếu lòng người chức sắc và tín đồ thật sự tỉnh ngộ, quyết tâm thực hành Chơn Lý để mọi người đến với Chơn Lý. Vừa quyết tâm cũng vừa an tâm, bởi người có trình độ về giáo lý đã học và hiểu rằng cố gắng phá vỡ điều xấu để xây dựng điều tốt không đòi hỏi người tu hành phải gia công nỗ lực liên tiếp suốt hai chặn đường. Trên thực tế, phá vỡ điều xấu và xây dựng điều tốt là hai hệ quả đối đãi nhau một cách tự nhiên : dẹp được điều xấu thì điều tốt xuất hiện, và ngược lại, cố gắng làm được điều tốt thì điều xấu rút lui dần.

Trong mấy đoạn huấn từ của Đức Vô Cực Từ Tôn trích dẫn trên đây, Đức Mẹ có nhắc lại câu "nhân dục tịnh tận, Thiên Lý lưu hành", khi nhân dục được dẹp yên thì Thiên Lý được khai thông, hướng tâm con người về Chân, Thiện, Mỹ. Trong chiều hướng ngược lại, Đức Mẹ dạy:

" Các con hãy học đức TỪ BI của Phật, BÁC ÁI của Tiên, CÔNG BÌNH của Thánh, cùng hợp ý chung tâm để tìm lẽ Đạo, thì tất nhiên điều sai lạc sẽ được phô bày tỏ rõ" (để mà tránh, mà chừa).

Mây đen có che áng mặt trời làm mất ánh sáng chói chang, thì cần một cơn gió mạnh để dẹp tan mây. Mây đã tan thì vầng thái dương liền ló dạng chiếu sáng bầu trời, thiên hạ khỏi phải bận tâm lo liệu, mời thỉnh. Cũng một thể ấy, mỗi người đều có Thiên Tánh Trời phú cho với ánh sáng Lương Tâm soi đường, nhưng nhơn dục là đám mây đen che mờ. Nếu con người biết dẹp yên, trừ khử nhơn dục thì tự nhiên ánh linh quang của Thiên Tánh, của Lương Tâm là chiếu rọi, con người không cần phải nhọc sức tìm kiếm nguồn "ánh sáng".

Nhơn dục rút lui, Thiên Lý đến. Tà tâm khuất, Thánh Tâm hiện. Thật vui mừng biết bao, vì Đức Chí Tôn từng phán dạy : "Con có Thánh Tâm sẽ có Thầy".

Giờ đây con người THẾ THIÊN HOẰNG ĐẠO không những giống Thầy theo luận lý "con Thầy thì phải giống Thầy", mà còn đã hẵn có Thầy ngự trong TÂM mình để quản lý và soi đường cho đời sống hợp Chơn Lý, hợp Đạo của một hành giả. Con người THẾ THIÊN HOẰNG ĐẠO bây giờ có Thầy, có ĐẠO trong TÂM, tất có đủ điều kiện nội tại để làm sáng danh Thầy, rạng danh Đạo.

Nếu mỗi chức sắc và tín đồ tinh tấn nắm vững và đạt được bí quyết thành công này của người THẾ THIÊN HOẰNG ĐẠO, thì có lo gì Đạo chẳng thành. Thật vinh hiển biết bao những ai có được Thượng Đế ngự nơi TÂM mình, và khi có Thượng Đế ở cùng mình thì có khó khăn trở ngại nào mà chẳng vượt qua, có đường xa nào mà đi chẳng tới !

Trong Thánh Kinh Thiên Chúa giáo có câu chuyện ẩn dụ rất lý thú sau đây :

* Một hôm Chúa Jésus vào thành Jerusalem. Dân chúng hay tin bèn ùa tới đông đảo để đón mừng Ngài. Nhưng công chúng đông quá, nhiều người chẳng nhìn thấy được Chúa, nên cất tiếng kêu: Chúa đâu ? Chúa đâu? - Một môn đồ của Chúa có sáng kiến cho dẫn tới một con lừa và thỉnh Chúa ngồi lên lưng lừa. Được thấy Chúa, công chúng vỗ tay reo mừng !

Chúa Jesus cỡi lừa đi tới giữa đám đông để ban phước cho mọi người. Chúa và lừa đi tới đâu, lừa đều thấy công chúng kính cẩn nghiêng mình, đồng thời nét mặt lộ vẽ mừng vui...

Lừa bắt đầu cảm thấy mình phải nghiêm chỉnh, thận trọng, đi ngay ngắn, đồng thời lòng dũng cảm thấy phấn khởi được vinh dự có Chúa ở cùng mình. Từ trước tới nay có bao giờ lừa cảm thấy mình quan trọng như thế đâu ! Trong đám đông lại có người tỏ ra thương lừa, thưởng cho lừa những bông lúa mì thật tươi nữa chớ !"

Mong rằng Huynh, Tỷ, Đệ, Muội chúng ta mỗi người đều thích thú nhớ lấy câu chuyện ẩn dụ này và mỗi người đều nao nức tạo điều kuện để được Thượng Đế ngự nơi TÂM mình.

Câu chuyện ngắn, đơn giản, bình dân như thế, nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa bổ ích cho đời sống tu hành của mỗi tín đồ và hàng Thiên ân sứ mạng. Được Thượng Đế ở cùng mình, hành giả không những vừa cảm thấy được vinh dự, phấn khởi, vừa tự cảm thấy mình cần trở nên nghiêm chỉnh, thận trọng, tu hành đàng hoàng hơn, mà còn cảm nhận được điều phúc hạnh: đời sống tu hành xứng đáng đã tôn cao Thượng Đế cho nhơn sanh trông thấy Thượng Đế để mà ngưỡng mộ, tôn thờ. Đó là ý nghĩ " LÀM SÁNG DANH THẦY, RẠNG DANH ĐẠO " mà người tín đồ Cao Đài phải hằng tâm tâm niệm niệm.

Xin kết thúc bài này với :
* Lời kêu gọi của Đức Mẹ :

" Tu đi con ! giữ lòng bác ái,
Tu đi con ! gây lại tình thương
Kêu nhau chung bước một đường
Đừng phân màu sắc khác thường trắng đen".

* Lời khuyên răn của Đức Chí Tôn:

" Con Thầy thì phải giống Thầy
Giống Thầy ở chỗ đủ đầy tình thương".
ten_tac_gia

Dưỡng dục quần sanh đức hiếu sanh,
Khai Minh Đại Đạo, Đạo tài thành,
Tam Kỳ tận độ an thiên hạ,
Thánh đức âu ca hưởng phước lành.

Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, CQPTGL, Rằm tháng 10 Quý Sửu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây