Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
15/12/2023
Giáo sĩ Phương Trúc

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 15/12/2023

ĐẠO CAO ĐÀI Ở VIỆT NAM

ĐẠO CAO ĐÀI Ở VIỆT NAM:
TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG VÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Giáo sĩ -Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Phương Trúc[1]


Tóm tắt:Đạo Cao Đài là tôn giáo nội sinh ra đời tại vùng đất Nam Bộ vào năm 1926 với chủ trương phục hồi nhân bản, tạo thế nhân hòa để xây dựng xã hội an bình thánh đức và tu tánh luyện mạng trên tinh thần vô chấp, vô tướng để hòa đồng cùng bản thể của trời đất. Bài viết trình bày những giá trị văn hóa đạo đức của đạo Cao Đài và những đóng góp của văn hóa Cao Đài vào văn hóa dân tộc Việt Nam, tổng quan tình hình hoạt động của tôn giáo Cao Đài trong gần 100 năm sau khi khai đạo và nêu lên xu hướng phát triển mới của đạo Cao Đài trong tương lai. Chúng tôi rất mong có sự đồng hành hỗ trợ từ các cấp chính quyền trong việcphổ biến và nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của đạo Cao Đài, thúc đẩy sự thống nhất tinh thần và hợp tác giữa các chi phái Cao Đài, trong việc mở rộng các hoạt động hướng đến cộng đồng xã hội, trong việc phổ biến đạo Cao Đài đến các dân tộc khác nhau trong đại gia đình các dân tộc ở Việt Nam và các nước trên thế giới, nhằm góp phần lan tỏa văn hóa đạo đức và văn hóa dân tộc Việt Nam ở khắp nơi.
Từ khóa:Cao Đài, Tam Giáo, nhân bản, văn hóa đạo đức, văn hóa dân tộc.
1. Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài
          Đạo Cao Đài là tôn giáo nội sinh ra đời trong lòng dân tộc Việt Nam tại vùng đất Nam Bộ vào năm 1926, với mục đích "thế đạo đại đồng" phục hồi nhân bản, tạo thế nhân hòa để xây dựng xã hội an bình thánh đức, và mục đích "thiên đạo giải thoát" - tu tánh luyện mạng trên tinh thần vô chấp, vô tướng để hòa đồng cùng bản thể của trời đất.
          Hướng đến mục đích chấn hưng Tam Giáo, gìn giữ phong tục thờ cúng tổ tiên ông bà, nên đạo Cao Đài được nhiều cư dân Nam Kỳ tin tưởng. Werner nhận định: “Phật giáo và Khổng giáo suy thoái, đã để lại một khoảng trống văn hóa, thuận lợi cho việc lập ra những giáo thuyết mới nhằm mục đích khôi phục nền văn hóa Việt Nam” [1].
          Giá trị văn hóa đạo Cao Đài được biểu hiện qua các đặc điểm: Tính toàn cầu trong tôn giáo, tính triết lý về quan điểm vạn giáo nhất lý, tính triết học trong nhân sinh quan, tính văn minh trong nghi lễ, tính chung thủy trong gia đình, tính dân chủ trong sinh hoạt, tính dân tộc trong lễ nhạc, tính văn hóa vật thể trong kiến trúc, tính truyền thống trong việc nhập thế phụng sự nhân sinh [2].
          Từ khi ra đời, đạo Cao Đài đã dung hợp các giá trị truyền thống tốt đẹp của Tam Giáo (Phật giáo - Nho giáo - Lão giáo)ở nước ta và mang đậm nét văn hóa dân tộc Việt từ kinh điển, giáo lý đến đạo phục, nghi lễ. Đạo Cao Đài dùng quốc phục khăn đóng, áo dài làm đạo phục, dùng chữ Quốc ngữ để truyền bá giáo lý từ buổi đầu khai đạo.
          Kinh điển, thơ văn dạy đạocủa Cao Đài đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, giữ gìn ngôn ngữ, giai điệu trong sáng của dân tộc. Kinh sách của đạo Cao Đài ra đời rất sớm và có nhiều đóng góp vào hoạt động phổ biến chữ Quốc ngữ, giữ gìn tiếng Việt.
          Trong những năm 1925-1930, đạo Cao Đài đã góp phầnphổ cập chữ quốc ngữ thông qua việc xuất bản kinh sách, truyền bá giáo lý. Cơ Quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo đã sưu tập những quyển kinh đầu tiên của đạo Cao Đài[2]: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Kinh (32 trang, nhà in Xưa Nay, năm 1926,), Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (108 trang, nhà in Tam Thanh, năm 1928,), Tứ Thời Nhật Tụng Kinh (56 trang, nhà in My Khouan – Cholon, 1928), Kinh cúng đại đàn và kinh cúng thường ngày (80 trang, Thánh Thất Cầu Kho xuất bản), quyển sử Đại Đạo Căn Nguyên (ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, 36 trang, nhà in Hòa Chánh). Năm 1926, ngay sau khi gửi tờ Khai Tịch Đạo lên chính quyền Pháp và được quyền thống đốc Nam Kỳ Le Fol chấp nhận, chư tiền khai đại đạo đã in “Phổ Cáo Chúng Sanh” 14 trang bằng chữ Quốc ngữ vào ngày 15-10-1926 và phổ biến rộng rãi cho bổn đạo trên toàn quốc. Nam Phong Tạp Chí, số 111 (tháng 11-1926) nơi trang 429 đưa tin: “Đạo Cao Đài phát Phổ Cáo Chúng Sanh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”.
          Trong bài phóng sự “Hai ngày ở Thánh Thất Cao Đài” của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Manh Manh[3] đăng trong Tuần báo Phụ Nữ Tân Văn, tháng 11-1932, như sau: “Bác tôi đưa cho tôi coi mấy cuốn vần quốc ngữ trong Đạo đã bày để tín đồ thỉnh mà học. Vần dạy chữ xem dễ học quá, một cuốn giá 5 xu. Nghe đâu mỗi năm số tín đồ biết đọc thật nhiều. Đó là cái công lớn lao của đạo Cao Đài”.
Trong Tờ trình chung niên 1949, Cao Đài Giáo Lý Viện của ông Phan Thanh có viết[4]:
Trường Phổ Tế: Cũng vì mục đích phổ thông giáo lý mà chúng tôi cứ lầm lủi lo dạy mấy cháu đó khỏi thất học, vì nghèo khó, vì vô trường không được, hoặc thiếu chỗ ngồi, hoặc thiếu giấy tờ theo luật định. Ở đây cũng dạy vậy, ở Phú Nhuận cũng dạy vậy, ở Bàn Cờ cũng dạy vậy, ở Thủ Đức cũng dạy vậy,…v…v… cũng một ý chí, một việc làm, một hy sinh, một chủ định: Phá Nạn Mù Chữ.
          Kinh, lễ nhạc của đạo Cao Đài cũng mang âm hưởng của văn hóa dân gian Nam Bộ với điệu nam xuân, nam ai, thể thơ song thất lục bát, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú,… Khi hành lễ, người đạo Cao Đài luôn có ban lễ nhạc với các nhạc cụ truyền thống như đàn cò, đàn kìm, phách, sáo, nhị,… để thể hiện giai điệu dân tộc và ban đồng nhi đọc kinh. Ngày 11-10-1996, trong buổi nói chuyện về nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam và nhạc lễ Cao Đài tại Thánh thất Từ Vân (Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh), Giáo sư Trần Văn Khê nhắc lại kỷ niệm về thời nhỏ ở Vĩnh Long với các chức sắc Cao Đài như Đầu sư Nguyễn Văn Ngợi (Cao Đài Tiên Thiên) và Trần Văn Quế (Truyền Giáo Cao Đài). Ông nói:
Tôi viết thơ cho thầy tôi là Trần Văn Quế, xin thầy cho biết rõ coi trong đạo Cao Đài tổ chức việc nhạc như thế nào. Một hôm, thầy tôi gửi cho tôi một bức thư trong đó có chép lại một bài cơ bút đã giáng xuống (quy) định cho tất cả nhạc trong đạo Cao Đài. Lần đó tôi mới giựt mình thấy tất cả nhạc Cao Đài đều do nhạc trong dân gian Việt Nam, trong truyền thống Việt Nam đưa vào, không phải từ phương xa tới, không phải từ một nước ngoài đi tới. Chính từ trong dân gian mà đưa ra,… Tôi biết chắc căn bản âm nhạc Cao Đài như thế nào. Tôi mới hiểu tại sao có điệu ai, tại sao có điệu oán, tại sao có điệu xuân… Tất cả các điệu nhạc lễ đều có mặt trong nghi lễ của đạo Cao Đài mà (còn là) âm nhạc trong phong cách nhạc lễ miền Nam Việt Nam chứ không phải miền Trung hay miền Bắc. Tức là âm nhạc trong đạo Cao Đài dựa vào âm nhạc truyền thống dân gian của miền Nam một cách rõ ràng.
          Tín đồ đạo Cao Đài buổi đầu, phần lớn là dân Nam Kỳ, là những con người từ nhiều nơitụ hội về đây sinh sống. Họ quý trọng tình cảm, trọng nghĩa khinh tài, yêu chuộng tự do dân chủ…Chính vì vậy, đạo Cao Đài ra đời đã đáp ứng được yêu cầu này. Cơ cấu tổ chức của đạo Cao Đài gồm ba cơ quan: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài, thể hiện một thể chế dân chủ, bình đẳng, bác ái.
          Về tư tưởng: Đạo Cao Đài với nền tảng giáo lý xem mọi người trên thế gian đều là anh em thân thiết, và tất cả đều là con cái của một Đấng tối cao sinh ra - đó là Đấng Thượng Đế, Đức Cao Đài. Điều này đã mang lại một sự hòa điệu cùng các tộc người trên mảnh đất Việt Nam và hòa hợp với các dân tộc trên toàn thế giới. Giáo lý Cao Đài dễ đi vào lòng người vì mang tính dung hòa, tổng hợp tinh hoa của giáo lý Tam Giáo, dễ dàng tiếp nhận tư tưởng các tôn giáo khác với tôn chỉ “Tam Giáo đồng nguyên”, “vạn giáo nhất lý”,…Điều này tạo ra sự hòa điệu với tâm linh của người dân Việt Nam, người dân Á Đông và với các tôn giáo khác nhau trên toàn thế giới.
          Cao Đài là một tôn giáo tiến bộ, văn minh, khoa học. Trong sinh hoạt cúng lễ không dùng đồ xa xỉ, chỉ dùng toàn đạo phục màu trắng, lễ phẩm dùng hoa, trái cây, trà, nước. Việc cúng tế vong linh tại các đàn lễ dùng toàn đồ chay. Đạo Cao Đài không mê tín dị đoan, cấm kỵ việc dùng bói toán, đồng cốt, giết sinh vật tế lễ, và không dùng vàng mã. Các đàn lễ của đạo Cao Đài thường dâng sớ cầu nguyện Đức Cao Đài Thượng Đế ban ơn lành cho chúng sinh, trăm họ và đốt lá sớ đó. Giáo lý Cao Đài không mâu thuẫn với văn minh nhân loại.
          Đầu năm 1927, Tân Luật Cao Đài đã luật hóa vị thế nữ phái trong cơ cấu hoạt động: Nữ được nắm chức sắc đến vị trí Đầu Sư. Đây là một cuộc cách mạng tư tưởng trong tôn giáo và cả đời sống xã hội thời bấy giờ.
          Năm 1927, Tân Luật cũng đã quy định: người theo đạo Cao Đài phải ăn chay ít nhất 6 ngày mỗi tháng, sau đó cố gắng nâng lên 10 ngày chay một tháng. Ngày nay, y học và các nhà bảo vệ môi trường cũng có những khuyến cáo tương tự để con người tự bảo vệ sức khỏe chính mình và góp phần bảo vệ môi trường sống.
          Có thể nói, tôn giáo Cao Đài có vai trò nhất định trong đời sống tín ngưỡng ở Việt Nam và có tác động tích cực đến văn hoá của cư dân Nam Bộ.
 
2. Tình hình hoạt động của đạo Cao Đài
          Theo báo cáo của các Hội Thánh Cao Đài năm 2020, Số lượng tín đồ đạo Cao Đài có hơn 2,6 triệu [3]. Trong đó, sốlượng tín đồ, chức sắc, chức việc và cơ sở thờ tự các Hội Thánh Cao Đài, theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ - tháng 5-2015như sau:
STT Tên Hội Thánh Chức sắc Chức việc Tín đồ Cơ sở thờ tự
01 Cao Đài Bạch Y 252 256 4.497 22
02 Cao Đài Ban Chỉnh Đạo 1.853 5.458 971.816 258
03 Cao Đài Chơn Lý 2.516 185 4.692 41
04 Cao Đài Cầu Kho Tam Quan 402 466 8.531 31
05 Cao Đài Chiếu Minh Long Châu 108 189 5.004 22
06 Cao Đài Minh Chơn Đạo 604 1.209 35.242 66
07 Cao Đài Tây Ninh 4.951 22.218 1.500.000 543
08 Cao Đài Tiên Thiên 2.492 1.112 80.152 128
09 Truyền Giáo Cao Đài 440 4.169 46.670 124
10 Cao Đài Việt Nam (Bình Đức) 1.088 109 1.806 6
11 Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi - 95 1.910 10
12 Tổ chức Cao Đài hoạt động độc lập 997 139 8.160 30
Tổng cộng: 15.703 35.605 2.668.481 1.281
Bảng số lượng tín đồ, chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự các Hội Thánh Cao Đài
(Ban Tôn giáo Chính phủ - tháng 5/2015)
          Qua bảng số liệu trên, ta thấy Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh và Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo là lớn mạnh nhất, có số tín đồ đông đảo nhất và nhiều cơ sở thờ tự (nhiều Thánh thất) hơn cả. Với số lượng tín đồ hơn 2.6 triệu có làm lễ nhập môn, có thể nói đạo Cao Đài đã có chỗ đứng vững chắc trong đời sống tôn giáo - tín ngưỡng của người Việt Nam, nhất là vùng Nam Bộ. Tháng 12-2022, trong Hội nghị tôn giáo tại Hà Nội, một nhà nghiên cứu Cao Đài giáo của chính phủ đã khuyến nghị chính quyền cần cập nhật số liệu, vì số tín hữu Cao Đài nay đã lên gần 4 triệu.
          Các Hội Thánh, họ đạo đã có ý thức, trách nhiệm cao đối với đời sống xã hội, tham gia đầy đủ các phong trào do Đảng và Nhà nước phát động, thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân, tham gia tích cực các hoạt động về y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo.
          Đảng khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân”[4]; “đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”[5]. Với đạo Cao Đài, Đảng cho rằng: “Đại bộ phận quần chúng tín đồ và chức sắc đạo Cao Đài có tinh thần yêu nước, có đóng góp tích cực cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cho công cuộc xây dựng đất nước”[6]. Ngài Cao Triều Phát cùng tín đồ Minh Chơn Đạo - Cà Mau là hình ảnh tiêu biểu cho một bộ phận tín hữu Cao Đài góp phần đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ.
-   Trên tinh thần đó, các phái Cao Đài được công nhận tư cách pháp nhân, hoạt động bình đẳng cùng các tôn giáo ở Việt Nam.
-   Việc triển khai các chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước được thực hiện khá thuận lợi, tạo điều kiện cho các hoạt động nghi lễ, tu tập, sinh hoạt của đạo ngày càng phong phú.
-   Các cơ sở thờ tự được nâng cấp khang trang, tôn nghiêm, các chức sắc và tín đồ của đạo Cao Đài chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo.
-   Dosự chia chi phái nên chưa có sự thống nhất về mặt tinh thần giữa các Hội Thánh trong đạo Cao Đài. Tuy nhiên, bắt đầu có những hoạt động của Tổ chức liên giao hành đạo của các Hội Thánh.
3. Xu hướng phát triển mới của đạo Cao Đài
          Từ Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo” [7]. Do vậy, để phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong các tôn giáo nói chung, ở đạo Cao Đài nói riêng, cần phải phát huy các giá trị sau đây:
- Về mặt phổ biến và nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của đạo Cao Đài:
          Để có thể phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo Cao Đài, chúng tôi thiết nghĩ, cần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của đạo Cao Đài và tăng cường công tác giáo dục trong đạo Cao Đài trên tinh thần hợp tác giữa các Hội Thánh cùng với sự hỗ trợ từ phía nhà nước.
          Đạo Cao Đài đã có những giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp, đặc biệt là kế thừa và phát huy được những tinh hoa văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử, thông qua những hoạt động lễ hội, kiến trúc, kết tinh được tinh thần Tam Giáo làm nền tảng đạo đức cho con người hướng đến sự yêu thương đùm bọc, đoàn kết với nhau. Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước là tạo ra sự đoàn kết gắn bó đồng bào theo các tôn giáo và không theo tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc.
          Giáo lý đạo Cao Đài có tinh thần khoan dung, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, coi mọi dân tộc, mọi tôn giáo trên thế giới đều là anh em. Yếu tố khoan dung của đạo Cao Đài rất cần thiết cho xu hướng hội nhập hiện nay ở Việt Nam. Chúng ta muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, để cùng nhau hợp tác phát triển, đẩy lùi nghèo đói, bệnh tật, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa đất nước.
          Những nét văn hóa đạo đức và giá trị nhân bản này cần được chia sẻ đến những người tín hữu Cao Đài cũng như nhân dân Việt Nam và nhân dân quốc tế thông qua các buổi thuyết minh giáo lý tại chỗ và trực tuyến, các hội thảo về bảo vệ hòa bình phát huy giá trị nhân bản, tham gia các hội nghị tôn giáo quốc tế để có thêm sự đồng cảm và lan tỏa. Việc nghiên cứuvà sưu tập kinh điển Cao Đài cũng như văn hóa Đông Tây cũng cần làm sáng tỏ nét văn hóa dân tộc trong kinh điển, giáo lý Cao Đài và thấy được sự khế hợp giữa giáo lý Cao Đài và văn minh nhân loại.
          Để có thể tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, chúng tôi kính mong chính quyền có chính sách ủng hộ việc giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa của đạo Cao Đài.
          Một trong những vai trò của đạo Cao Đài là bảo tồn truyền thống văn hóa đạo đức của dân tộc để làm nổi bật tính dân tộc mà vẫn luôn khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại, để hướng tới một thế giới mà nhân loại bình đẳng, hạnh phúc không phân biệt tôn giáo, dân tộc; lấy nhân bản làm nền tảng, nhân quyền được tôn trọng, nhân tính được phát huy. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi cần chuẩn hóa công tác đào đạo chức sắc, chức việc, tín đồ, xây dựng hệ thống trong đào tạo thành các cấp học. Chúng tôi cũng mong có sự ủng hộ của chính quyền để mở các khoá giáo lý, khoá hạnh đường, mở học viện Cao Đài và các đạo viện, nghiên cứu Đạo học thành một bộ môn khoa học, mở các kênh truyền thông giới thiệu đạo Cao Đài đến cho người dân trong và ngoài nước (thông qua kênh TV, kênh Youtube, mạng xã hội,…).
- Về mặt thúc đẩy sự thống nhất tinh thần và hợp tác giữa các chi phái:
          Do sự chia chi phái nên chưa có sự thống nhất về mặt tinh thần giữa các Hội Thánh. Các Hội Thánh cần có nhiều dịp ngồi lại nói chuyện với nhau, cùng nhau tổ chức thêm những khóa hạnh đường, luận bàn chuyện đạo, tổ chức những buổi hiệp tâm cầu nguyện cho chúng sanh và cùng nhìn về Thượng Đế, có thể do Tổ chức liên giao hành đạo của các chi phái đứng ra tổ chức, để đi đến thống nhất về mặt tinh thần giữa các Hội Thánh. Liên giao, hợp tác giữa các Hội Thánh, cơ sở hành đạo trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, hành thiện, tu học, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm hành đạo giữa các Hội Thánh trong tình huynh đệ và giúp đỡ nhau trong cùng sứ mạng cứu độ.
          Cơ Quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo không phải là một chi phái, cũng không phải của một cá nhân nào, hay một đoàn thể nào, mà là của toàn Đạo, một nhịp cầu nối liền tình huynh đệ, một điện đài thâu và phát những động năng thúc đẩy cho sự thống nhứt giáo lý, tức là thống nhất tinh thần, để cùng nhau học hiểu và làm theo chánh pháp của Đại Đạo. Cơ Quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo có đặc trưng là không tổ chức nhập môn. Nhân viên ở Cơ Quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo là tín đồ của hầu hết các Hội Thánh khác nhau hội tụ lại.Nhân viên Cơ Quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo đã từng tham gia hướng dẫn các khoá hạnh đường do các Hội Thánh tổ chức. Cơ Quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo sẽ tiếp tục phát huy ưu thế trung lập để hòa đồng cùng các Hội Thánh trong việc phổ biến giáo lý chơn tu đến các bạn hữu gần xa.
- Mở rộng các hoạt động hướng đến cộng đồng xã hội:
Cộng đồng tín hữu Cao Đài có mong muốn mở rộng các hoạt động về giáo dục, y tế, sống đạo để xây dựng đời sống an lạc, tiến bộ từ đời tới đạo trên đất nước Việt Nam. Để đạt dược mục tiêu này, chúng tôi mong chính quyền, nhà nước có những chính sách ủng hộ việc giữ gìn, tôn tạo và mở rộng các cơ sở hành đạo, sống đạo, đạo viện, tu viện của tôn giáo Cao Đài trên đất nước Việt Nam.
- Phổ biến Cao Đài Đại Đạo đến các dân tộc khác nhau ở Việt nam và các nước trên thế giới:
+ Từng bước xây dựng cộng đồng tín đồ Cao Đài đa quốc gia, đa văn hóa.
+ Định hướng, hỗ trợ các tộc người khác nhau ở Việt Nam và trên thế giới thực hành văn hóa của mình dựa trên căn bản giáo lý của Đại Đạo, xây dựng giáo lý, giáo luật Cao Đài có thể phổ độ cho mọi quốc gia, dân tộc.
+ Ứng dụng công nghệ, các nền tảng truyền thông trong việc truyền bá giáo lý.
4. Kết luận
Trong gần 100 năm sau khi khai mở tại Việt Nam, đạo Cao Đài đã có những đóng góp đáng kể về văn hóa, tư tưởng và thực hành đạo đức trong lối sống của người dân bổn đạo. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn phát huy giá trị văn hóa đạo đức trong đời sống hiện thựccủa người dân Việt Nam và toàn thể nhân dân trên thế giới với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của chính quyền, nhà nước Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Jayne Susan Werner (1981),Peasant Politics and Religious  Sectarianism: Peasant and Priest in the Cao Dai in Viet Nam, Monograph Series No. 23/ Yale University Southeast Asia Studies.
2.      Đinh Quang Tiến, Tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật, số 350, tháng 8-2013.
3.      Vụ Cao Đài, https://btgcp.gov.vn/gioi-thieu-cac-to-chuc-ton-giao-da-duoc-cong-nhan/gioi-thieu-dao-cao-dai-o-viet-nam-post2BR1VAWaJ1.html.
4.      Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới.
5.      Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam: 25 năm nhìn lại, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2015, tr. 23.
6.      Đảng Cộng sản Việt Nam, Thông báo số 34-TB/TW ngày 14-11-1992 thông báo ý kiến của Ban Bí thư về chủ trương công tác đối với đạo Cao Đài, Hà Nội, 1992, tr.1.
7.      Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.122.


[1]. Ban Sử đạo, Văn hóa vụ, Cơ Quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo.
Điện thoại: 0908911669
Email: trucvp@gmail.com
[2]. Ban Sử đạo-Cơ Quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo trong quá trình nghiên cứu Sử đạođã sưutầm được hầu hết những bản kinh xưa nêu trên, hầu hết là những bản in đầu tiên.
[3]. Nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, tên tộc là Nguyễn Thị Kim, sanh năm 1914, đậu Tú tài năm 1932. Bài báo này đăng trên Phụ Nữ Tân Văn liên tục trong ba số: số 176, ngày 10-11-1932; số 177, ngày 17-11-1932 và số 178, ngày 24-11-1932.
[4]. Mục VIII cuối tờ Cao Đài Giáo Lý, số 10 & 11, 1950.
Giáo sĩ Phương Trúc
ĐẠO CAO ĐÀI Ở VIỆT NAM / Giáo sĩ Phương Trúc

Cõi trần thế bể dâu lắm lúc,
Vòng trái oan câu thúc bao lần,
Sắc tài danh lợi ái ân,
Trăm năm ràng buộc tấm thân đọa đày.
Sớm giác ngộ con quày bước lại,
Phá vô minh đoạn máy luân hồi,
Đạo là lẽ sống con ôi,
Trong con thì Đạo, đất trời là tâm.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 14-8 Nhâm Tuất

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây