Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Nói đến Cao Đài, chúng ta thường nghĩ đến đạo Cao Đài. Nói đến vũ trụ, chúng ta thường nghĩ ...
-
Thực hiện đồng nhân chính là xây dựng thế nhân hòa trên nền tảng chân vạc: "nhân bản, an lạc ...
-
Những ai học Dịch đều hiểu rõ và nhớ ơn các Thánh – Phục Hy, Văn Vương, Chu Công Đán và Đức ...
-
PHONG CÁCH THƯỞNG XUÂN CAO ĐÀI Giáo sĩ LẬP HẠNH Từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay, mọi người đều tỏ ...
-
Trong một lần lâm đàn trợ giúp các vị hướng đạo thực thi đạo sự, Đức Quảng Đức Chơn Tiên ...
-
Xuân lại về ! Chờ đón hay hững hờ, đến độ cuối đông Xuân vẫn đến; hoa trổ kiểng xanh, ...
-
THI Tam dương khai thới yến phi hồi, Đại Đạo phùng xuân nhứt tửu bôi, Thế thượng vô nan xuân bất tận, Ngô tâm ...
-
Cơ QuanPhổ Thông Giáo Lý, Tý thời 30 rạng mùng 1 Đinh Tỵ (17.02.1977)
-
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 10 giờ đêm ngày 29 tháng 8 Quí Hợi (5.10.1983)
-
Thiên Lý Đàn, Tý thời 29 rạng mùng 1 tháng Giêng Canh Tuất (5-2-1970) (Đàn Giao Thừa)
-
Đời là một trường tiến hoá, người là một thí sinh, nhập môn là vịn thang, nhập tịnh là leo ...
-
Thứ Bảy, 27/01/2007, 15:32 (GMT+7) Bình dị cho đến sau khi chết TTCT - Nếu có một chốn vĩnh hằng của những con ...
Hồng Phúc
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 20/09/2010
TỪ BÀ CHÚA LIỄU HẠNH TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN DÃ ĐẾN ĐỨC THÁNH MẪU VÂN HƯƠNG TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Ảnh: Đền Phủ Dầy ( huyện Vụ Bản , tỉnh Nam Định)
Trong dân gian không biết tự bao giờ đã hình thành câu ca dao : “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” để nhắc nhở nhau ngày lễ tưởng niệm Cha là Đức Thánh Trần Hưng Đạo ngày 20.8 âm lịch, và kỷ niệm Mẹ là Đức Liễu Hạnh Thánh Mẫu vào ngày 3.3.Âm lịch.
Hàng năm, lễ Vía Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh được tổ chức trang trọng tại tất cả những nơi nào có đền thờ Ngài, trải dài trên khắp đất nước Việt từ Bắc chí Nam nhưng đặc biệt nhất, tại Phủ Giầy, tên gọi vùng đất tương truyền là quê hương Ngài, lễ hội được tổ chức trọng thể kéo dài từ mồng 1 tháng 3 cho đến hết mồng 10 tháng 3 gọi là Hội Phủ Giầy hay Hội Thánh Mẫu Vân Hương. Đây là một trong những lễ hội nổi tiếng của cả nước. Hội mở linh đình nhộn nhịp thu hút một số lượng dân chúng đông đảo, nhất là dân ở mấy tỉnh Nam Định, Ninh Bình , Hà Nam, Thanh Hóa và Hà Nội. Phủ Giầy, là địa danh của vùng đất trong đó có quần thể kiến trúc gồm các đền, phủ và lăng mẫu thờ Mẫu Liễu thuộc xã Kim Thái, (trước là An Thái), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Hà, là nơi mà trong phạm vi một xã có mật độ di tích dày đặc. Ngoài Phủ Tiên Hương còn gọi là Phủ Chính (xưa kia, nơi này được qui định làm địa điểm tổ chức lễ hội), Phủ Vân Cát (còn gọi là đền Trình bởi trước khi sang lễ ở Phủ Chính, phải vào lễ trình diện ở Phủ Vân) thờ Mẫu Liễu Hạnh và Lăng Mộ của Ngài còn có một số đền chùa khác. Danh xưng Vân Hương Thánh Mẫu do ghép hai tên Vân Cát và Tiên Hương.
Ơ gian hậu cung của hai Phủ Văn Cát và Tiên Hương, gọi chung là đền An Thái thờ Tam Tòa Thánh Mẫu : Mẫu Liễu được đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên, hay Mẫu Đệ Nhất ngồi giữa mặc áo đỏ, hai bên là Mẫu Thượng Ngàn mặc áo xanh và Mẫu Thoải mặc áo trắng.
Nơi thờ Mẫu Liễu lớn nhất, nổi tiếng là đẹp và linh thiêng ở Hà Nội, thu hút rất đông khách thập phương, kể cả người nước ngoài, là chùa Tây Hồ thuộc thôn Tây An, xã Quảng An, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Một nơi khác được coi là một trong ba trung tâm thờ Mẫu Liễu Hạnh lớn của miền Bắc là Đền Sầm, hay còn gọi là đền Sùng Sơn, thành phố Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Tại Lạng Sơn, mảnh đất địa đầu un đúc khí thiêng, Mẫu Liễu Hạnh được thờ trong hầu hết các ngôi đền, chùa, miếu, đình như đình Tả Phủ, đền thờ Thần Giao Long, chùa Diên Kháng, chùa Đồng Đăng còn được gọi là Đền Mẫu Đồng Đăng, đền Ngũ Nhạc thờ Đức Thánh Trần trong đó Ngài có điện phủ riêng gọi là đền Mẫu Tây Hồ. Không chỉ người Kinh tin tưởng thờ cúng Mẫu mà các đồng bào dân tộc và cả người Hoa cũng lui tới cúng bái cầu nguyện Ngài ban cho những điều tốt lành trong cuộc sống.
Không chỉ ở Lạng Sơn, mà hầu hết trên khắp miền Bắc, Mẫu Liễu được rước vào thờ trong khuôn viên của nhiều đền, chùa, quán với một nhà hoặc một gian thờ Mẫu theo cấu trúc “tiền Phật hậu Thánh”.
Vào miền Trung, đến Huế chúng ta bắt gặp nơi điện Hòn Chén hay còn gọi là Đền Ngọc Trản nằm trên núi Ngọc Trản bên bờ sông Hương thơ mộng của Thành phố Huế thuộc làng Hải Cát, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, cũng có bàn thờ Mẫu Liễu Hạnh. Ngôi đền này được người Chăm xây dựng để thờ nữ thần Poh Imo Nagar, về sau được người Việt đến lập nghiệp nơi đây tiếp tục thờ cúng đổi tên là Thánh Mẫu Thiên Y – Ana, rồi lập thêm bàn thờ thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Ngay tại Thành phố Saigon, ngôi đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh lớn nhất ở Saigon tọa lạc tại Ngã Năm Bình Hòa, phường 12, quận Bình Thạnh, xây dựng từ năm 1922, việc bài trí cũng như nghi lễ thờ cúng ở đây được giữ nguyên như ở Phủ Giầy.
THÁNH MẪU LIỄU HẠNH TRONG DÒNG TÍN NGƯỠNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh là ai?
Trước khi công chúa Liễu Hạnh hiền thánh và được tôn Thánh Mẫu ở nhiều nơi thì trên đất nước ta đã hình thành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu với sự thờ phụng các nữ nhiên thần và nữ nhân thần qua các tước hiệu Vương Mẫu, Quốc Mẫu, Thánh Mẫu trong các đền đài với những thiết chế độc đáo, đặc trưng về điện thờ, nghi lễ thờ cúng, tạo nên một hình thức sinh hoạt văn hóa dân tộc.
Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện một đời sống tâm linh tao khiết của người Việt. Đến thế kỷ 16, dòng tín ngưỡng thờ Mẫu đã được phong phú thêm bởi sự được tôn phong Thánh Mẫu của công chúa Liễu Hạnh. Ngài cũng có một nguồn gốc, nhưng Ngài không xuất thân từ nhiên thần như Thánh Mẫu Thượng Ngàn; Ngài được xem là một nhân thần, nhưng không phải là nhân vật có thật như Ỷ Lan Thánh Mẫu, mà là một nhân vật huyền thoại.
Có nhiều dã sử chép sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Bản ghi chép có niên đại sớm nhất là Truyện Nữ Thần Vân Cát trong tác phẩm Truyền Kỳ Tân Phả của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748), rồi tác phẩm Hội Chân Biên của Thanh Hòa Tử kể sự tích “Sùng Sơn Thánh Mẫu” ra đời dưới thời Nguyễn vào năm 1847.
Tích kể: Ngài hiệu là “Liễu Hạnh Nguyên Quân” là đệ nhị Chúa Tiên, con gái thứ của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vì một lỗi ở Thiên cung, Ngài bị giáng xuống trần vào đêm rằm tháng tám năm đầu Thiên Hựu triều Lê Anh Tôn (1557), làm con của một gia đình họ Lê hiền lành, phúc đức. Cha tên Lê Thái Công, mẹ là Trần Thị. Lúc mang thai Ngài, Lê phu nhân chỉ thích ăn hoa, đến khi lâm bồn tự nhiên có mùi hương ngào ngạt và hào quang sáng rực khắp nhà. Do cha Ngài nằm mộng biết được nguồn gốc tiên của Ngài, đặt tên Ngài là Giáng Tiên.
Ngài sinh ra, diện mạo khác thường, dung nhan tuyệt thế, thường ở riêng đọc sách làm thơ. Không chỉ công dung mỹ mãn mà văn thơ Ngài làm ra cũng thanh tao, lưu loát. Năm 18 tuổi, Ngài kết hôn với người họ Trần tên Đào Lang, vốn nhà trâm anh thế phiệt ở thôn Vân Đình. Ngài giả biệt trần gian năm 21 tuổi ngày 3.3 năm Đinh Sửu, niên hiệu Gia Thái thứ 5, triều Lê Thái Tôn. Mộ Ngài được táng ở xứ Cây Đa, làng An Thái. Triều vua Gia Long thứ 4 đổi xã An Thái làm xã Tiên Hương, đến nay vẫn còn đền thờ tức Phủ Giầy.
Sau khi về Trời, vì không chịu được sự thương nhớ của mẹ, đồng thời nhớ ơn sanh thành dưỡng dục, Ngài trở xuống cõi trần, hiện hình trò chuyện an ủi mẹ cha và chồng con, rồi Ngài được Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế cho phép tái giáng lần thứ ba làm phúc thần, nhận cúng dường của nhân gian. Ngài biến hiện bất thường, khi là người đàn bà ngâm thơ dưới trăng, khi hóa hình bào lão chống gậy bên đường. Ngài lại qua Lạng Sơn, thấy chùa Thiên Minh là một danh lam thắng cảnh, liền trụ trì ở đấy. Một lần Phùng Khắc Khoan tức Trạng Bùng, đỗ Trạng Nguyên dưới triều Lê, đi sứ sang Tàu về ngang, Ngài hóa thành người con gái họa thơ thách đố, Trạng Bùng rất khâm phục, nhưng chưa kịp hỏi lai lịch thì Ngài biến mất. Về sau, Ngài lại xuất hiện ở Tây Hồ và các nơi danh lam thắng cảnh trên đất Bắc và Trung như Sầm Sơn, Phố Cát… Có lần Ngài xuất hiện ở Hồ Tây trong vóc hình một thiếu nữ có tên Quỳnh Tiên, cùng xướng họa thơ với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, cử nhân họ Ngô, và Tú Tài họ Lý, làm cho ba người vô cùng kính phục. Những lời xướng họa này Phan Kế Bính có bản dịch trong Việt Hán Văn Khảo.
Ngài từ giã cảnh Tây Hồ, qua chơi Sóc Hương, tỉnh Nghệ An, Hoàng Sơn, cùng là Khoa Lãnh, Thủy Khê. Qua Phố Cát, tỉnh Thanh Hóa, thấy có cây xanh tốt, Ngài hiển linh, dân chúng kinh sợ lập đền thờ. Lúc ấy vào khoảng triều vua Lê Hiến Tông, vua cho là yêu quái, sắc mệnh cho đạo sĩ pháp sư tiểu trừ, rồi đốt phá cả đền miếu. Không bao lâu trong vùng bị ôn dịch làm chết trâu bò, dân trong thôn lập đàn cầu đảo, có người bổng nhảy lên đàn hát bảo triều đình sửa lại đền miếu hương đăng phụng sự thì sẽ được tha. Dân thôn nghe lời cử hương lão trong làng tới kêu vua. Vua cho sửa lại miếy đền, sắc phong Ngài là “Mã Hoàng Công Chúa”. Nhân dân địa phương có việc cầu nguyện đều được linh ứng, mỗi lần vua đem quân đi đánh giặc, Ngài cũng âm phò thắng trận. Triều đình gia tặng Ngài là “Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương”.
Từ hằng trăm năm nay, mặc dù trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, có một hệ thống thần linh cực kỳ đa dạng, một thế giới đông đảo các Mẫu được dân gian tôn thờ. Thánh Mẫu Liễu Hạnh vẫn sừng sững trong niềm tin của dân chúng, ngày càng lan rộng nhiều nơi, Ngài được liệt vào một trong Tứ Bất Tử của thần linh Việt Nam (Thần Tản Viên, Thánh Gióng, Chữ Đồng Tử, và Liễu Hạnh Thánh Mẫu). Bất tử trong tâm linh người Việt.
Ngài đã được các triều đại nhà Lê, rồi Tây Sơn, đến nhà Nguyễn sắc phong.
Sắc phong của vua Khải Định năm thứ hai Đinh Tỵ 1917 :
“ Ban cho họ Trần Lê xã Tiên Hương, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định phụng thờ công chúa Liễu Hạnh, Ngọc Nữ tiên đình Đế Thích, vị tôn thần giúp nước cứu dân, sáng tỏ đức thiêng. Nay vâng tỏ rõ ơn thần vận lớn, phong làm Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần, chuẩn y cho thờ phụng, ngõ hầu giúp đỡ dân ta lâu dài. Kính vậy thay!”
Không phải là một nhân vật lịch sử có một sự tích rõ ràng như nhiều vị nữ thần khác hiện hữu trong dòng tín ngưỡng dân gian, nhưng qua những đền, chùa thờ Ngài và những sắc phong Thần của các triều vua còn lưu lại cho thấy Thánh Mẫu Liễu Hạnh không phải là một nhân vật hoàn toàn nằm trong huyền thoại, mặc dù câu chuyện về Ngài có nhiều chi tiết mà người thời nay cho là huyễn hoặc khó tin như Ngài là con của Ngọc Hoàng Thượng Đế ba lần xuống trần, trong đó chỉ có một lần mang kiếp người, hai lần kia mơ hồ khi ẩn khi hiện. Tuy nhiên, sự tồn tại của Ngài trong niềm tin dân gian, có sự xác tín của các triều vua qua sắc phong thần đã khẳng định sự linh hiển của Ngài là thật.
THÁNH MẪU LIỄU HẠNH LÀ SỰ TIÊU BIỂU CHO VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU CỦA NGƯỜI DÂN VIỆT.
Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh lưu truyền đại khái là thế. Hình tượng và câu chuyện về Ngài chính là sự tiêu biểu cho văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt, nói lên nguyên lý Mẹ, Âm tính trường cửu vũ trụ hóa đã bắt đầu xây dựng từ huyền thoại lịch sử với Quốc Mẫu Au Cơ là Mẹ của giống nòi Hồng Lạc.
Việt Nam là một nước nông nghiệp. Con người được nuôi sống từ cây lúa. Người dân từ bao đời quý trọng và biết ơn hạt thóc. Cuộc sống người Việt gắn bó với đất, nước, thiên nhiên, những yếu tố làm nên hạt gạo. Như vậy, chính nhờ những yếu tố ấy mà con người được bảo tồn và trưởng dưỡng, một thuộc tính của Khôn Đạo, được hình tượng hóa là Mẹ. Bởi lẽ đó, phả hệ tín ngưỡng thần nữ Việt Nam đã ngàn đời ghi danh : Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa, Mẹ Mưa… Vì thế, có thể xem tín ngưỡng thờ Thần thiên nhiên mang nữ tính, và tín ngưỡng thờ Mẫu đã được hình thành rất sớm, ngay từ thuở người mẹ giữ vai trò quan trọng tạo nên thời đại Mẫu hệ khá dài ở buổi bình minh của xã hội loài người.
Việc thờ phượng các nữ thần này không ngoài mục đích bày tỏ lòng biết ơn các thần linh, cầu mong thần bảo vệ, chở che, ban phúc…đó chính là tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam : Vũ trụ mênh mông huyền bí và sự xoay vần của Ngày và Đêm, Nắng và Mưa… Là do các Thần nữ : Mặt Trời và Mặt Trăng. Làm ra Mây, Mưa, Sấm, Chớp, Gió và điều tiết sự thuận hòa của mùa vụ là công việc của các Nữ Thần – Tứ Pháp : Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện.
Thần Lửa giữ lửa cho con người. Mẹ Đất làm ra hạt lúa, củ khoai. Cai quản rừng xanh, sông suối, biển cả, bầu trời cũng do Thần Nữ : Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Thiên, Quan Âm Nam Hải…
Sinh ra nòi giống Lạc Việt là công lao của Mẹ Au Cơ. Ngay cả việc phát kiến, hình thành các ngành nghề, trồng bông nuôi tằm dệt vải, làm các món ăn… cũng do công lao của các vị Thần Nữ.
Ngay cả trong lãnh vực tôn giáo, Phật Mẫu Man Nương ở vùng Dâu, đất Thuận Thành, Hà Bắc, cũng là người phụ nữ giữ địa vị then chốt trước khi Phật giáo và các tôn giáo thâm nhập vào Việt Nam. Đến khi Phật giáo vào Việt Nam, thì xuất hiện Bà Chúa Ba tức Phật Bà Quan Âm Diệu Thiện đắc đạo ở Chùa Hương, Quan Âm Thị Kính.
Dòng tín ngưỡng thờ Mẫu còn được phong phú hóa bởi các Mẫu Nhân Thần : mà đại diện là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thánh Mẫu Ỷ Lan…
Khi vào miền Trung, tiếp thu thêm các nữ thần xứ sở của người Chăm : Thánh Mẫu Thiên Y Ana, Thiên Hậu Thánh Mẫu của người Trung Hoa.
Đến Miền Nam, xuất hiện Linh Sơn Thánh Mẫu tức Bà Đen hay Bà Thâm Tây Ninh, rồi Bà Chúa Xứ núi Sam…
Tín ngưỡng thờ Mẫu đã là nhu cầu xuất phát từ tâm linh của người dân Việt và tồn tại theo dòng lịch sử để trở thành một nét văn hóa truyền thống nói lên ý thức tưởng nhớ tổ tiên, lòng tôn kính vì sự biết ơn, vì lòng tin tưởng. Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh và sự thờ phượng Ngài của người dân Việt là những trang văn hóa đặc trưng, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, mãi mãi còn giá trị với thời gian.
SỰ THỂ HIỆN TINH THẦN TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN CỦA NGƯỜI DÂN VIỆT.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự xuất hiện của hình tượng Liễu Hạnh vào cuối thời Lê – chứ không phải là lúc nào khác, đó là thời kỳ Nho giáo độc tôn, vai trò truyền thống của người phụ nữ Việt Nam bị xúc phạm nghiêm trọng, hoàn toàn không phải là sự kiện ngẫu nhiên, mà là kết quả của một sự phản kháng. Vua và triều đình là tượng trưng cho Nho giáo đã phải lùi bước (phảip hục hồi đền thờ Ngài) trước công chúa Liễu Hạnh hiển linh tức là Nho giáo lùi bước trước Lão và Phật giáo.
Trần gian lúc công chúa Liễu Hạnh giáng trần đang lúc xã hội rối ren, đầy dẫy những chuyện bất công. Đời sống tâm linh của con người lúc bấy giờ cần một chỗ dựa để gởi gấm niềm tin. Bởi lẽ đó, huyền tích Liễu Hạnh ra đời với hình tượng một vị thần linh hiển đáp ứng sự cầu mong ấy. Mẫu Liễu của thế kỷ 16 có thể nói là vị Mẫu cuối cùng được tôn phong trên đất nước Việt Nam, tiếp nối dòng tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu là hình tượng một người con, một người vợ, là người phụ nữ tròn bổn phận với gia đình, không chỉ lúc còn tại tiền mà cả sau khi chết, tiêu biểu tinh thần Nho giáo.
Mẫu lại có pháp thuật và sức mạnh, lại là một thi nhân tao nhã, giỏi văn chương, thích thiên nhiên, là những nét đặc trưng của Lão giáo.
Trên bước vân du, Mẫu lại tìm đến cảnh chùa để qui y tu niệm tức tượng trưng cho Phật giáo. Nhưng rồi Ngài lại không buộc chặt mình vào một tôn giáo nào, để nói lên sự dung hợp hài hòa ba nền tôn giáo vươn lên tầm vóc Đại Đạo.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh là tượng trưng cho sự tổng hợp của Nho Thích Lão trên căn bản Tam giáo đồng nguyên nhưng vượt ra ngoài chiếc vỏ tôn giáo để trở nên “Bất Tử”.
Ở một cái nhìn khác qua cách thờ phượng, tại các đền, phủ, chùa, có bàn thờ Đức Liễu Hạnh Thánh Mẫu dưới hình thức Tam Tòa Thánh Mẫu, … như đã nói, gồm : Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Thượng Thiên ngồi giữa mặc áo đỏ, bên trái là Mẫu Thượng Ngàn tức Bà Chúa Rừng và bên phải là Mẫu Thoải tức Thần Nước. Nhưng cũng có những cách giải thích khác. Có tác giả cho rằng ba pho tượng trên Tam Tòa Thánh Mẫu đều là Mẫu Liễu Hạnh, đó là một pho khoac áo cà sa sau khi đã qui y Phật, một bên là hình ảnh của Ngài khi là Tiên Nữ, và bên kia là hình ảnh Ngài khi còn là cô gái trần gian. Sự lý giải này căn cứ trên câu ca chẳng hiểu đã có tự bao giờ, tóm tắt ba thời đoạn của huyền tích Liễu Hạnh :
“Nào Tiên, nào Phật, nào ta,
Sinh sinh, hóa hóa cũng là Bà đây”
Phật, Tam Thanh của đạo Lão, Tam Tài của đạo Nho. Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh chính là sự sáng tạo của lớp người vừa có chất Nho, vừa có chất Đạo, và cả chất Phật, nhưng đã kết hợp làm nên một tinh thần bàng bạc trong dân tộc Việt Nam trải dài lịch sử mấy ngàn năm như Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm đã nhận xét : “ Cùng một người Việt Nam, khi trẻ trung thì học Nho để ra giúp nước, khi gặp cảnh khổ ải trầm luân thì cầu Trời khấn Phật phù hộ, khi ốm đau, già yếu thì mời đạo sĩ trừ tà, trị bệnh hoặc luyện tập dưỡng khí an thần…
Vua Trần Thái Tông khẳng định : (Khi chưa tỏ thì người đời còn lầm lẫn phân biệt Tam giáo, chừng đạt tới gốc rồi thì cùng ngộ một Tâm). Trong nhiều thế kỷ, hình ảnh Tam giáo Tổ sư với Thích Ca ở giữa, Lão Tử bên trái (phương Đông Nam = tinh thần nông nghiệp tự nhiên) và Khổng Tử bên phải (phương Tây Bắc = tinh thần du mục xã hội) đã in sâu vào tâm thức mọi người dân Việt.”
Bởi vì : “…Nho giáo lo tổ chức xã hội cho quy củ nề nếp. Đạo giáo lo thể xác con người sao cho thư thái, khỏe mạnh. Phật giáo lu cứu khổ, lo cho tâm linh, cho kiếp sau của con người” . Ba tôn giáo đều cần cho đời người, nên người dân sử dụng kết hợp theo các giai đoạn trong cuộc đời một cách nhuần nhuyễn.
Như vậy, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một hiện tượng tâm linh, là chỗ dựa tinh thần của con người, nhưng cũng thể hiện tinh thần Tam giáo đồng nguyên bàng bạc xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam.
1. Vai trò người chị tâm linh cùng chung sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Nếu như một Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã từng gắn bó với dân tộc Việt Nam, đi vào tâm thức người dân Việt hàng suốt thế kỷ qua hình ảnh của một vị phúc thần nhân từ, sẵn sàng hộ trì cho bất cứ ai đặt niềm tin vào Ngài, thì bước sang Tam Kỳ Phổ Độ, với sự rađời của Cao Đài do Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế khai mở, một Đức Vân Hương Thánh Mẫu lại càng gần gũi với dân tộc Việt Nam. Ngài không chỉ âm phò mặc trợ mà còn thể hiện sự dìu dẫn của một người chị tinh thần đối với đàn em đang lạc lối nơi cõi trần ai qua những lời dạy hết sức thân thương tha thiết. Những lời dạy có tác dụng vô cùng lớn lao, vì giúp đưa con người đạt đến cứu cánh giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử.
Ngài đã xác nhận lai lịch mơ hồ của Ngài “ Các em ôi ! Thuở nào đó, chị cũng không khác gì các em nơi trần thế, cũng hình hài, cũng mưu cuộc sinh nhai, cũng tầm thường như tất cả thứ tầm thường của các em hiện hữu. Nhưng giờ nay, Chị đạ thoát đi mảnh áo tạm bợ ấy rồi…”
“Vân tán tuyết tan cuộc đổi thay,
Hương trời điểm xuyết nước non này;
Thánh Tâm thể hiện vai tuồng Thánh,
Mẫu mực trở về một bổn lai”
Đồng thời Ngài cũng khẳng định con người có chung nguồn cội với Ngài, cùng xuất phát từ một khối Đại Linh Quang :
“Trên áng ngọc hương đang phưởng phất,
Dưới bệ vàng nô nức tâm thành;
Động lòng nhớ thuở sơ sinh,
Cùng chung một khối điển linh ban truyền”.
…..
Nhớ nhau từ thuở chốn Thiên đ2inh,
Em chị cũng đồng một điểm linh;
Nào có biệt phân nam nữ tướng,
Vào đời mang lấy mảnh nhân sinh”
Đức Chí Tôn khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, các hàng Thần Thánh Tiên Phật đều lâm trần cùng với Đức Cao Đài thực hiện công cuộc cứu độ vĩ đại kỳ ba. Đức Vân Hương lại một lần nữa giáng trần, lãnh trách nhiệm trọng đại là chăm sóc đàn em trên bước đường phục hồi nguyên bổn : Ngài cho biết “Các em ! Duyên hạnh ngộ Chị gắp lại em trong kỳ ba này cũng như những khi gặp gỡ cùng nhau trên đường sứ mạng độ đời kỳ trước.
… Chị may duyên được giao phó phần vụ gần gũi các em cũng như các em nữ phái trong gia đình Đại Đạo. Chị muốn biết được lòng các em có vui nhận không trong sứ mạng mà Chị được Đức Mẫu Nghi giao phó. Nếu các em vui lòng cùng Chị để cùng nhau hợp tác trong sứ mạng độ đời thế Thiên hành hóa, mỗi khi các em tưởng đến Chị, Chị sẽ cảm ứng độ trì các em ở phần thiêng liêng và ở nơi tâm linh cảm nhận của các em”.
Trong vai trò một người Chị, Đức Vân Hương Thánh Mẫu đã dạy người tín đồ Cao Đài hầu như gần trọn bài học tu hành để vừa làm tròn sứ mạng vi nhân, vừa giải thoát khỏi chốn bụi hồng, phục hồi cựu vị.
“Sinh ra nhơn kiếp ở trên đời,
Phải rán tu hành chớ dạo hợi;
Sống thác mấy mươi đâu hạn định,
Đừng cho trễ nãi các em ơi !
Em ơi nam nữ cũng chung đồng,
Phải có công gì với núi sông;
Đem Đạo giúp đời xây Thánh Thiện,
Hy sinh mọi mặt mới thành công”
Việc tu hành với con người ngày nay chắc chắn sẽ đưa con người đến một kết quả, dù ít dù nhiều như lời Đức Vân Hương : “Nhưng trong sự thành có từng giai đoạn, từng cấp bực, hoặc thưởng nhiều, thưởng ít, hoặc đắc vị, hoặc tái kiếp nơi hồng trần, đều được dành trong ân huệ kỳ ba của Thượng Đế tất cả. “Đặc biệt” Trong phần ấy cũng nhờ có sự công quả của quyến thuộc thân nhân, vì có câu : “Tu cứu cửu huyền thất tổ”. Đấy là một công quả hiện đại chứng minh ở dòng tư tưởng, và kết thành Thế tôn, chớ không phải một việc mơ hồ đâu”
“Các em tu trong thời kỳ quốc dân khốn khổ nguy nan, dù chưa nên Tiên nên Phật, các em cũng được trung, được hiếu, được nghĩa, được ân”
Ngài giải nghĩa chữ Trung và chữ Hiếu, hai đức căn bản cốt lõi không thể thiếu của con người : “Khi các em đã hy thân hành đạo, là các em đi sâu vào đường ái tha vong kỷ. Nếu đã ái tha vong kỷ thì không nghĩ đến lợi riêng cho mình. Tất cả nhân sinh đều không nghĩ lợi riêng cho mình mà lợi chung cho toàn thể, thì đâu còn tranh chấp giựt giành, nước sẽ yên, dân an lạc. Đó là các em được phần trung.
Khi các em là một chủ gia đình, các em không nghĩ lợi riêng cá nhân, thì nào có dành vật chất sự nghiệp cho đời mai hậu riêng của tôn tử thân nhân, mà chỉ nghĩ là sẽ làm, làm để ngày mai lợi chung cho tất cả. Tinh thần ấy, ảnh hưởng ấy, tôn tử sẽ không bị vật chất chế ngự như đời ông cha và sẽ thoát ra ngoài nô lệ vật chất. Sự thành công sẽ tăng trưởng như giống cây tòng bá sừng sửng giữa rừng sâu, vượt cao trên chín từng không gian, để hưởng thụ khí khinh thanh của nhựt nguyệt, là các em hay tôn tử đã làm được chữ hiếu. Đó đại khái căn bản duy nhất đời người cốt hai điểm quan trọng, còn bao nhiêu việc trong kiếp nhân sinh, cũng sẽ do căn bản đó mà hành động và chứng minh thực sự”.
Nhắc nhở con người tu để được giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử, Ngài cũng không quên : “Ay thế, các em tu không phải phế bỏ mọi việc luân thường, ly gia cắt ái trong hiện trạng, mà là tạo một tương lai vĩ nghiệp cho nhân loại nước non. Các bậc Thánh triết siêu nhân hành đạo cũng ở đường tu như thế mà thành. Nếu các em còn lẩn quẫn trong vòng trói buộc vật chất, không đem hết bản năng để tự vệ linh hồn, đến khi thân này hoại đi sẽ tàn tạ cả quá khứ, hiện tại và tương lai”.
Tu giải thoát cho chính mình nhưng không quên công quả độ đời. Ngài dạy : “ Sự lễ bái, tụng kinh, ăn chay, niệm Phật là phương tiện về thiêng liêng để cho thân được an, tâm được định, tánh được thuần, nghiệp quả được sớm tiêu mòn, để không còn nhiều chướng ngại vật khảo đảo thân tâm các em. Vì vậy mà Chị khuyên các em, ngoài những lãnh vực thường thức hằng ngày ấy, phải thêm công khó giúp đời mới tạo được vốn liếng âm chất ở phần vô vi thiêng liêng vĩnh cửu”.
Đặc biệt, trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Vân Hương dạy nữ phái rất nhiều; phải chăng chính từ sự cảm thông thân phận liễu bồ mà Ngài đã từng trải qua trong một lần đến trần gian. Chúng ta nghe Ngài dặn dò : “người nữ phái là hiện thể đặt riêng của nguyên lý Vô Cực toàn năng tự khởi. Lý ấy là lý đầu tiên hóa sinh ra muôn nghìn thế thái có bản chất nhu thuận hòa đồng. Tuy bảo rằng là nhu thuận hòa đồng nhưng không phải để cho các em mãn đời chịu lâm cảnh lòn cúi làm một sinh vật thụ động bởi tha lực khiến sai mà bỏ quên nguồn cội. Bởi thế, bản chất này được luân lưu trong tâm khảm, trong linh hồn của các em mà xử sự từ chỗ hữu hạn đến chỗ vô cùng, từ chỗ cá nhân đến chỗ tập đoàn xã hội. Đó là các em đã bắt đầu công cuộc tá trợ lẽ sinh tồn trong gia đình đến xã hội nhơn sanh”
“Mặc dù lẽ Vô Cực hóa sanh ra Thái Cực, lẽ âm tịnh mới phát khởi dương động, sự kiện có trước có sau trong diễn trình tạo đoan là thế, nhưng cùng lý tận tánh nó vẫn ngang nhau. Sự trước sự sau không phải chỉ điều bé điều to hay điều quan trọng với điều thứ yếu”.
Nói đến nữ phái với sứ mạng Đại Đạo tam Kỳ Phổ Độ, Ngài dạy :
“Sứ mạng Tam Kỳ quá nặng mang,
Nữ lưu em hãy tiến lên đàng;
Ngày qua đóng chặt thân phàm tục,
Nay phải hiên ngang với đạo vàng”
Dù nữ phái bản chất nhu thuận, nhưng không vì thế mà trách nhiệm nhẹ hơn nam phái trong sứ mạng kỳ ba. Ngài khẳng định :
“Hỡi các em, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã vạch ra một đường hướng đại đồng trong cội nguồn nhân loại. Theo tiêu chuẩn lưỡng phái bình đẳng dân chủ tập trung vai tuồng nữ phái cũng ngang hàng nam phái”.
Hơn nữa, từ ngàn xưa, nơi phương trời Đông, nữ phái đã có một chỗ đứng nhất định :
“…từ ngày nhân loại được tiếp nhận một nguồn sống mới cho xã hội mới thì giá trị về nữ phái được công nhận hoàn toàn. Nhưng xét lại, sự công nhận vào khoảng thời gian đó không phải là điều mới lạ. Thật sự tự nghìn xưa, bên cõi trời Đông, bên bờ sông Lạc Việt, bên lịch sử Tiên Rồng đã có một nền tảng giá trị quan trọng đối với người mảnh mai bồ liễu”. Đó chính là Ngài muốn nhắc đến Quốc Mẫu Au Cơ, người Mẹ khai sinh giống giòng Hồng Lạc.
Đức Vân Hương cũng chính là người Chị tinh thần của Nữ Chung Hòa, với những lời dạy rất kỹ lưỡng, rất chi li :
“ Các em ! Danh từ ba tiếng Nữ Chung Hòa, một danh từ trong các danh từ, trong những đoàn thể phụ nữ trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà Đức Từ Mẫu đã dành cho các em, là giúp cho các em có phương tiện khai thác một kho tàng quí giá vô cùng mà từ bấy lâu nay các em hầu như quên lãng trong quá khứ, vô tình chôn vùi trong lớp bụi thời gian, lòng cơ hồ như không luyến tiếc.
Nữ Chung Hòa, ba tếng rất đơn giản nhưng có một ý nghĩa sâu sắc, một tác dụng lớn rộng bao la…
Nữ nơi đây có nghĩa là phái nữ, thuộc về Âm. Ay là một trong luật âm dương của Đất Trời. Chung là chung hiệp, nhìn thanhơn, tha vật cũng như nhìn mình, vì mỗi vật là một phần tử, mỗingười là một cá nhân trong đại toàn thể. Nếu một đơn vị nhỏ tốt, thì gọi đó là đại toàn thể sẽ tốt. Do đó, phần hành, mục đích, đường lối, hãy luôn luôn nhắm vào chữ chung, xa lánh những gì gọi là riêng tây. Nếu một phần tử không hòa đồng, không nhịp nhàng ăn khớp với đại toàn thể thì sự tiêu diệt sắp gần kề. Còn chữ Hòa, Hòa là hòa ái, hòa hiệp, hòa đồng, với ai cũng hòa được hết. “Sử nhơn vô ác tâm, linh nhơn thân đắc độ”, ấy là hòa. Hòa để hướng dẫn kẻ tội lỗi xấu xa trong đen tối trở nên người thánh thiện tốt đẹp ra nơi quảng đại quang minh…
…Nữ Chung Hòa là cực của tình thương, không hơn, không kém, không lệch lạc, không người, không ta, không màu da sắc tóc, không tôn phái, mà chỉ là một cứu cánh chung tối thượng để đem lại sự sinh tồn hạnh phúc an vui cho mọi người sống ở thế gian, không còn cách phân chủng tộc. Như vậy, Nữ Chung Hòa là của Đại Đạo, của toàn thể quốc gia, của toàn thể nhân loại.
Cái bửu ngọc mà Chị nêu lên khi nãy, đó là đạo đức, là tình thương trong mọi người. Nó đã bị lấp vùi trong quá khứ hoặc vì cá tính, bản ngã, tư tâm, hoặc vì bị kỳ thị màu sắc chủng tộc, tôn giáo lấp vùi nó, không sao tìm moi lên được… hãy tìm lại tình thương mới đưa đến cơ bảo tồn nhân loại. Ngược lại, mất tình thương sẽ đưa đến cơ tận diệt mà các em đang đứng trên bờ vực thẳm”.
Đức Vân Hương thúc giục chúng ta “Các em hãy làm theo gương đạo đức các bực Hiền nhân Thánh triết đi. Các em đừng lo ngại không ai hưởng ứng theo đường lối của mình, chỉ ngại rằng mình chưa thể hiện được con người gương mẫu đạo đức !… Mỗi người nên khêu gợi Thánh tâm, trau giồi Thánh ý, thực hành Thánh sự để xây dựng một đời Thánh Đức, thì Thánh vị đã sẵn gần kề.”
Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã hiện diện như một Thượng Đẳng Phúc Thần bất tử trong tâm thức người dân Việt để mãi mãi được hương khói phụng thờ dù đất nước trải bao thăng trầm biến đổi, và nhất là ngày nay đang có xu thế hướng về cội nguồn dân tộc. Rồi từ khi đạo Cao Đài được khai sinh trên chính đất nước này, Ngài lại nhận lãnh một sứ mạng mới, Ngài không còn là một bà Chúa chỉ ban phúc hay giáng họa cho con người. Vì con người đã nghe được lời Ngài bằng ngôn từ của cõi thế gian để nhận lãnh từ Ngài một phương pháp tu hành cụ thể khoa học có hệ thống và những ai đến với Ngài, đặt trọn niềm tin nơi Ngài, làm theo lời Ngài sẽ đạt đến một đích điểm, một cứu cánh của tôn giáo, tôn giáo Cao Đài hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Như vậy phải chăng từ một Bà Chúa Liễu Hạnh trong dòng tín ngưỡng dân gian, giờ đây Ngài là Thánh Mẫu Vân Hương cùng chung sứ mạng với chư Phật Tiên Thánh Thần tận độ con người tìm về sự giải thoát cả hai mặt tâm linh lẫn nhân sinh.
Như vậy, tôn giáo Cao Đài đã mở đường cho giòng tín ngưỡng dân gian qua hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh tiếp tục tuôn trào, dẫn dắt tâm linh con người tìm về bến bờ hạnh phục. Một Bà Chúa Liễu Hạnh uy nghi hiện diện trong niềm tin của mọi người mỗi khi con người đến chiêm bái cầu xin những điều tốt lành cho cuộc sống đã tiếp tục đi vào tâm tưởng của những môn đệ Cao Đài bằng những lời dạy thiết thực gần gũi của một Đức Thánh Mẫu Vân Hương, để con người bước lên nấc thang tiến hóa siêu xuất thế gian.
Bà Chúa Liễu Hạnh với danh xưng Vân Hương Thánh Mẫu đã bước xuống khỏi bệ thờ mang theo cả giòng tín ngưỡng dân gian để cùng với Chư Phật Tiên Thánh Thần thực hiện công cuộc độ rỗi quần sinh, tái tạo cõi dinh hoàn lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức trong sứ mạng chung của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đó chính là sự kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Kế thừa văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu mà Thánh Mẫu Liễu Hạnh hay Thánh Mẫu Vân Hương là đại diện, và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc là sự biến đổi từ tính chất thần quyền sang tính khoa học, tức con người phải tự quyết định cuộcđời mình bởi vì không có một thalực nào có thể giúp con người thoát khỏi nghiệp quả của mình, đưa mình thoát khỏi vòng tử sanh oan trái. Thiêng Liêng chỉ có thể dắt dìu, chỉ lối đường cho con người đi tìm chân lý chứ không thể đem phúc đến trai hay ẳm bồng con người ra khỏi họa tai quả báo.
Đức Liễu Hạnh Thánh Mẫu trong giòng tín ngưỡng dân dã Việt Nam với hình tượng hữu vi của một mẫu Nhân Thần đầy tính thần quyền đã được tiếp nối bởi một Đức Vân Hương Thánh Mẫu vô vi trong Tam Kỳ Phổ Độ với những lời dạy cụ thể, tiến bộ, phù hợp thời đại. Từ một Bà Chúa có quyền năng ban phúc cho con người trong tâm tưởng của người Việt, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh giờ đây đã hiện diện với hình ảnh của một người Chị tinh thần dịu hiền tràn đầy tình thương luôn luôn cận kề bên con người để không chỉ dắt dìu mà còn song hành hướng đến sứ mạng cao cả, thiêng liêng của Đức Cha Trời là tận độ nhân loại vượt qua một khúc quanh quyết định trong sự tuần hoàn của chu kỳ vũ trụ.
Con người trong kỷ nguyên Thánh đức không chỉ biết cầu nguyện để được Ngài ban phước, mà còn có khả năng tự tu để tiến hóa, bước lên hàng siêu xuất thế gian, điều đó có nghĩa là, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh đối với người Việt Nam chúng ta sẽ không còn là truyền thuyết dân gian, vì nếu như chúng ta làm theo lời dìu dẫn của Ngài, chúng ta có quyền hy vọng, nghĩ đến một ngày mai sẽ được hạnh ngộ với Ngài nơi cõi thiêng liêng hằng sống, vô sanh vô diệt, dưới chân của Đức Từ Tôn Kim Mẫu tức là giây phút chúng ta đã hoàn thành sứ mạng của một Tiểu Linh Quang.
“Một sứ mạng Thầy dành hai ngõ,
Một ra đi, một trở lại Thầy”
Mồng 1 tháng 3 Canh Thìn 2000
Hồng Phúc