Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
14/04/2015
Hồng Phúc

Cao Đài giáo kế thừa và phát huy văn hoá văn học dân tộc

Cao Đài giáo kế thừa và phát huy văn hoá văn học dân tộc

Hồng Phúc
Cơ Quan Phổ Tông Giáo Lý Đại Đạo

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Cao Đài giáo ra đời từ năm 1925-1926, cho đến nay đã trải qua gần 2/3 thế kỷ, thời gian cũng gọi là dài so với đời sống con người, nhưng so với những tôn giáo khác, Cao Đài còn rất trẻ. Từ đó đến nay, không kể đến những thăng trầm của cơ Đạo, tôn giáo Cao Đài đã phải chịu rất nhiều sự chê bai, chỉ trích, ngộ nhận của đủ mọi giới trong xã hội không kể lương hay giáo. Nhưng theo thời gian, với con số từ 500 000 tín đồ sau vài năm Đạo khai, lên đến trên 1 triệu tín đồ vào năm 1937 và đến nay hơn 5 triệu, Cao Đài giáo đã tự khẳng định được vị thế của mình trong vai trò một tôn giáo với đầy đủ ý nghĩa và quyền pháp.

Không phải là ngẫu nhiên khi mà trước đây nhiều người cho rằng Cao Đài không có nền giáo lý riêng mà chỉ tổng hợp các nền giáo lý của các tôn giáo có sẵn để đạt đến tham vọng trở thành tôn giáo lớn như danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, thì nay đã có sự xác nhận: "Đạo Cao Đài như là một tôn giáo Việt Nam thuần tuý Việt Nam, chân chánh Việt Nam, và thể hiện trọn vẹn bản sắc, đặc tính Việt Nam, với tất cả tinh anh, đẹp đẽ, tràn đầy chân, thiện, mỹ và những sáng tạo tích cực, phong phú, tiến bộ, hiện đại, cũng như với những nét thô sơ và những khuyết điểm trong một giai đoạn suy tàn, lụn bại của tư tưởng, tâm thức và sinh mệnh Việt Nam. Là một sản phẩm văn hóa thuần túy Việt Nam nên đạo Cao Đài chính là một Việt Nam thu nhỏ trong nửa đầu của thế kỉ 20”.
Đây chính là ý kiến của một nhà nghiên cứu Phật học mà cũng là một Phật tử thuần thành – Tiến sĩ Lý Khôi Việt- trong tác phẩm “Phật Giáo và Quốc Đạo”. Hoặc như nhận xét của Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm trong quyển: “Tìm hiểu về Bản sắc Văn hóa Việt Nam”: “…Như vậy đạo Cao Đài đã xây dựng trên tinh thần tổng hợp, dung hợp khá rộng rãi. Đó là sự tổng hợp các tôn giáo từ Nho, Phật Đạo đến các tôn giáo Tây phương; tổng hợp các truyền thống văn hóa dân tộc, từ việc cầu Tiên giáng bút đến lối tư duy bằng các con số biểu trưng, hướng tới sự hài hòa âm dương…”

Đối với đạo Cao Đài, hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, việc khen hay chê, công nhận hay không công nhận của người đời không phải là vấn đề đáng quan tâm, vì thực chất Cao Đài vẫn là Cao Đài với trọn vẹn bản sắc vủa một tôn giáo được sinh ra và lớn lên trong lòng dân tộc nên hàm chứa trọn vẹn “hồn dân tộc” đã thành hìnhtừ trên 4000 năm trước, đồng thời với sứ mạng thiêng liêng tiền định mà Đức Thượng Đế - đấng sáng tạo vũ trụ đã ban trao là tận độ nhân loại trong kỳ mạt pháp, Cao Đài không chỉ kế thừa mà còn phát huy truyền thống dân tộc vốn dung chứa cả một nền văn hóa giàu chất nhân bản và tiến bộ.
I. Khái quát Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam:

Dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời thiên về nông nghiệp, còn gọi là văn hóa trọng tĩnh khác với nền văn hóa du mục, trọng động.
Chính vì thiên về nông nghiệp nên phụ thuộc vào thiên nhiên, không dám ganh đua với thiên nhiên mà hòa hợp với thiên nhiên: người Việt Nam tin tưởng vào Trời; chính Trời là đấng tối cao có thể ban phát sự an lành cho đời sống con người: “Lạy Trời mưa xuống – Lấy nước tôi uống – Lấy ruộng tôi cày – Lấy đầy bát cơm – Lấy rơm đun bếp”. Vì tôn trọng thiên nhiên, người Việt có khuynh hướng giữ gìn môi trường thiên nhiên, khác với phương Tây coi thường thiên nhiên, muốn chinh phục thiên nhiên và cuối cùng hậu quả là hủy hoại môi trường sống mặc dù đạt được sự thành tựu của khoa học.
Về mặt nhận thức, người Việt có lối tư duy tổng hợp với hệ thống tư thức thu được bằng sự kinh nghiệm, chủ quan, cảm tính, mà đó là cơ sở cho khuynh hướng nghiêng về phần tinh thần tâm linh, khác với văn hóa phương Tây thiên về vật chất.
Về phương diện tổ chức cộng đồng, con người thuộc nền văn hóa nông nghiệp ưa tổ chức theo nguyên tắc trọng tình, đưa đến cách sống hòa thuận đặt trên cơ sở tình nghĩa là tiền đề tạo nên quan niệm trọng đức, trọng văn, trọng phụ nữ.Chính do nguyên tắc trọng tình mà dân tộc Việt Nam từ xưa là một dân tộc hiếu hòa trong quan hệ xã hội sống dựa trên tình cảm, con người tôn trọng bình đẳng – dẫn đến đặc trưng quan trọng nhất là coi trọng tập thể.
Chỉ vì ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc với sự diễn giải sai lầm của những hàng Hậu Nho đối với phụ nữ: “Xuất giá tòng phu – Phu tử tòng tử” hay tư tưởng “Nhất nam viết hữu – Thập nữ viết vô”.Việt Nam đã có pha tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nhưng qua truyền thuyết nguồn gốc dân tộc – Quốc Tổ Lạc Long Quân – dẫn 50 con xuống biển - Quốc Mẫu Âu Cơ – dẫn 50 con lên núi – đã cho thấy tư tưởng bình đẳng nam nữ của người Việt từ ngàn xưa.
Về mặt tín ngưỡng, nằm trong nền văn hóa nông nghiệp, người Việt cởi mở trong tôn giáo dễ chấp nhận nhiều nền tôn giáo khác nhau mà không cuồng tín, không chỉ chấp nhận mà còn biếttạo sự dung hợp hài hòa trên tinh thần cùng chung nguồn cội.
II.Cao Đài giáo kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Qua một số nét khái quát định hình bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta thấy văn hóa dân tộc Việt Nam với một truyền thống lâu đời trong lịch sử nhân loại, đã có những nét đặc trưng mang tính văn minh độc đáo, làm nền tảng vững vàng cho một sự đối kháng mãnh liệt trường kỳ, giúp cho dân tộc này vượt qua được hơn 1000 năm đô hộ của phương Bắc và 100 năm lệ thuộc phương Tây. Không những thế, càng ngày với sự khám phá của khoa khảo cổ học, người Việt Nam, càng tự hào với gia tài văn hóa dân tộc hết sức giàu có tạo nên truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, đưa dân tộc đến sự đoàn kết thành 1 khối, trang bị cho giống nòi Việt một niềm tự tin sắt đá và sức mạnh tinh thần để đương đầu với các cuộc xâm lăng của ngoại bang.
Cũng từ sự nghiên cứu của các nhà khảo cổ mà ngày nay chúng ta có quyền tự hào về nền văn hóa truyền thống rực rỡ của dân tộc, vì rất nhiều điều từ trước đến nay chúng ta vẫn tưởng là du nhập từ nước Tàu do bởi chính sách đồng hóa thì ngược lại cho thấy người Trung Hoa đã không những chỉ chiếm lãnh thổ của Việt Nam mà còn sử dụng và biến rất nhiều sáng tạo của dân tộc Việt Nam cổ làm thanh gia tài của họ.
Truyền thống văn hóa rực rỡ đó vẫn tiếp nối cho đến đầu thế kỷ 20, với sự ra đời của tôn giáo Cao Đàitrên đất nước Việt Nam, mà vị giáo chủ chính là Đấng sáng tạo muôn loài, như một tiếng chuông thức tỉnh tâm hồn người dân Việt nhìn xuyên suốt quá khứ mấy ngàn năm lịch sử.
1.Bối cảnh lịch sử khai sinh tôn giáo Cao Đài
Chúng ta biết rằng đạo Cao Đài ra đời trong một hoàn cảnh đất nước đang chịu ách thống trị của thực dân Pháp, cùng lúc với sự suy tàn của chế độ triều Nguyễn; trong khi đó luồng văn hóa Tây phương đang ồ ạt tràn vào Việt Nam. Người Việt Nam bị giao động giữa những đổi thay nhanh chóng, từ cách ăn mặc, lối sống, cách suy nghĩ, phương pháp giáo dục…đều bị Tây phương hóa.
-Quốc phục Việt Nam đã thay dần Âu phục.
-Lối học theo Nho giáo, tứ thư, ngũ kinh của kẻ sĩ đã bị coi lỗi thời để thay vào học chữ Tây với nền văn học lãng mạn, mới mẽ của các nhà văn Pháp, Anh du nhập.
-Tư tưởng dân chủ, đề cao cá nhân thay thế cho tư tưởng phong kiến ái quốc trung quân.
- Nhiều người chạy theo tư tưởng vọng ngoại, bãi bỏ những giá trị truyền thống lâu đời…
Đứng trước nguy cơ bị Tây phương đồng hóa, những người Việt yêu nước bức xúc khôn nguôi, nhất là trước sự truyền giáo ồ ạt của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo với những giáo điều xa lạ với truyền thống Tam giáo của người Việt tự bao đời.
Chính những giờ phút lịch sử đó, đạo Cao Đài được khai sinh.
2.Cao Đài giáo kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc:
Tôn giáo Cao Đài đã được khai sinh và trưởng thành từ chiếc nôi dân tộc Việt cho nên đã thể hiện được những nét văn hóa tiêu biểu truyền thống của người Việt Nam
+Về hình thức:
• Đạo phục là quốc phục
Trước hết, hễ nói đến đạo Cao Đài là người ta liên tưởng ngay đến những người mặc áo dài trắng, cũng như khi nhìn thấy hình ảnh những người mặc áo dài trắng thì người ta biết ngay là tín đồ đạo Cao Đài.Chiếc áo dài trắng cũng chính là quốc phục của người Việt Nam.Dùng quốc phục làm đạo phục, tôn giáo Cao Đài đã không chỉ góp phần giữ gìnbản sắc dân tộc,mà còn nâng trang phục dân tộc lên một tầm cao hơn qua những buổi lễ cúng kính của đạo Cao Đài, như là một sự nhắc nhở ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân đã để máu xương trong công cuộc dựng nước và giữ nước trong suốt chiều dài lịch sử.
• Lễ nhạc dân tộc
Đến cách đọc kinh, đạo Cao Đài cũng sử dụng vốn âm nhạc truyền thống dân tộc với những điệu căn bản trong dòng nhạc dân tộc như Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê đã phát biểutrong buổi nói chuyện về nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam và nhạc lễ Cao Đài tại Thánh thất Từ Vân (Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 11.10.1996, khi nhắc lại kỷ niệm về thời thơ ấu ở Vĩnh Long với các chức sắc Cao Đài như Đầu sư Nguyễn Văn Ngợi (Cao Đài Tiên Thiên) và Trần Văn Quế (Truyền Giáo Cao Đài). Ông nói : “ Tôi viết thơ cho thầy tôi là Trần Văn Quế, xin thầy cho biết rõ coi trong đạo Cao Đài tổ chức việc nhạc như thế nào. Một hôm, thầy tôi gửi cho tôi một bức thư trong đó có chép lại một bài cơ bút đã giáng xuống [quy] định cho tất cả nhạc trong đạo Cao Đài. Lần đó tôi mới giựt mình thấy tất cả nhạc Cao Đài đều do nhạc trong dân gian Việt Nam, trong truyền thống Việt Nam đưa vào, không phải từ phương xa tới, không phải từ một nước ngoài đi tới. Chính từ trong dân gian mà đưa ra, …Tôi biết chắc căn bản âm nhạc Cao Đài như thế nào. Tôi mới hiểu tại sao có điệu ai, tại sao có điệu oán, tại sao có điệu xuân… Tất cả các điệu nhạc lễ đều có mặt trong nghi lễ của đạo Cao Đài mà [còn là] âm nhạc trong phong cách nhạc lễ miền Nam Việt Nam chứ không phải miền Trung hay miền Bắc. Tức là âm nhạc trong đạo Cao Đài dựa vào âm nhạc truyền thống dân gian của miền Nam một cách rõ ràng” (trích trong bài « Những đặc điểm của đạo Cao Đài » của tác giả Hoàng Minh Thiện)
• Kinh sách Cao Đài sử dụng chữ quốc ngữ
Bước sang địa hạt ngôn ngữ, ngược dòng lịch sử, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã được Đức Thượng Đế khai minh trên vùng đất Việt Nam thánh địa và dân tộc Việt Nam được chọn để ban trao sứ mang chuyển giao những bức thông điệp thiêng liêng đến với toàn thể nhân loại trên hành tinh này và phần thưởng quý báu đầu tiên của dân tộc được chọn là việc Ơn Trên đã sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt, là vốn quý của dân tộc, để diễn đạt những lời Thánh huấn.Việc sử dụng chữ quốc ngữ trong Thánh giáo và kinh cúng đã nói lên tính kế thừa truyền thống là luôn có sự chắt lọc để phù hợp với sự tiến bộ của thời đại.Hơn nữa, chữ Hán vốn dĩ không phải là thứ chữ của dân tộc Việt mà chỉ là mượn của người Tàu. Chữ quốc ngữ đến với người Việt Nam phải là một sự an bày của Đức Thượng Đế như một phần thưởng cho dân tộc Việt Nam sau bao nhiêu biến thiên của lịch sử, đã có một lối chữ viết riêng cho dân Việt.
Nếu trước đây, người Việt Nam theo đạo Phật phải học chữ Phạn, chữ Hán mới có thể học hỏi thông suốt giáo lý của Đức Phật từ các kinh sách được truyền đến từ Ấn Độ, Trung Quốc,… Hoặc tín đồ Khổng Giáo, Lão Giáo muốn tìm hiểu giáo lý một cách sâu sắc thì phải am tường chữ Nho, và ngay cả đối với Thánh Kinh Công Giáo dù đã được chuyển dịch sang tiếng VN, nhưng ngôn ngữ vẫn chưa thể hiện trọn vẹn phong cách tiếng Việt.
• Phương diện văn học
Mặt khác, trên bình diện văn học, chúng ta cũng phải đề cập đến hình thức diễn đạt giáo lý của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Qua văn xuôi và thơ, các Đấng Thiêng Liêng đã gởi gắm những lời dạy dỗ một các văn chương, thanh thoát.Có thể nói, Thánh giáo Cao Đài là cả một kho tàng tản văn phong phú. Qua huyền cơ diệu bút, bằng nhiều bút pháp linh động khác nhau tùy theo từng thời kỳ tiến triển của văn học Việt Nam, Thánh giáo Cao Đài với cách dùng chữ rõ ràng, trong sáng, dễ hiểu mang đậm tính phổ quát.
Trên địa hạt thi ca, nếu nói ngôn ngữ tinh túy hóa thành thơ thì quả thật giáo lý Cao Đài đã tận dụng lối văn vần để diễn tả những lời Tiên tiếng Phật. Đây chính là sở trường của Cao Đài.Thơ đối với dân tộc Việt Nam là một truyền thống tốt đẹp. Từ xưa, khi chưa có nền văn chương bác học, Việt Nam đã có một kho tàng văn vần nằm trong văn chương bình dân qua các ca dao, tục ngữ đã nói lên được toàn bộ lịch sử, tư tưởng, phong tục, tập quán của dân ta.
Trong Cao Đài, Thánh giáo qua các điệu văn vần chẳng những chỉ nhằm mục tiêu giáo hóa mà còn biểu lộ một sắc thái văn chương độc đáo với cả 2 phong cách bình dân và bác học.
Đối với loại thơ mang phong cách bình dân, giáo lý Cao Đài diễn tả bằng ngôn ngữ của tầng lớp bình dân, không trau chuốt và thường dùng theo thể thơ lục bát vốn là thể thơ thông dụng trong ca dao Việt Nam:

“Tụng kinh như thể nói vè
Nghĩa sâu không biết lối lề không không”
Hoặc:
“Tu sao khỏi phạm Thiên điều
Tu thành Tiên Phật dắt dìu chúng dân”.

Song song với loại thơ mang phong cách bình dân truyền khẩu, giáo lý Cao Đài còn sử dụng loại thơ mang phong cách bác học với cách dùng từ chọn lựa, trau chuốt, bóng bẩy để diễn tả cùng lúc nhiều ý tưởng sâu sắc tuy trong cùng 1 câu ngắn ngủi thể hiện được sắc thái tao nhã, văn học, biểu lộ những đặc điểm của văn chương Việt Nam.
Mây vân cẩu ngừng trôi sầu thế sự,
Lửa lò cừ nung nấu kiếp nhân sinh,
Dòng tang thương muôn đợt sóng vô tình
Mái ngư phủ đôi tay dò nước đục”…(Đức Vân Hương Thánh Mẫu)

Hoặc thật thắm thiết mang nhiều ý nghĩa qua 2 câu của Đức Lê Đại Tiên, với 2 vế đối rất chỉnh, diễn tả một hình ảnh rất đẹp:
“Khăn tu lau ráo ngàn mi ướt
Áo đạo phủ choàng vạn cốt khô”

Ở phong cách trữ tình, thi ca Cao Đài có khả năng gợi cảm rất mạnh, làm rung động lòng người với bút pháp điêu luyện, dễ thương:
“Ríu rít đàn chim Việt cánh chiều,
Ngàn mây ảm đạm bóng đìu hiu
Quan san diệu viễn thương người tục
Có nhớ đường xưa hãy dắt dìu”.

Đến phong cách giáo dục, thơ Cao Đài mang sắc thái đối thoại, nhưng thường đối thoại một chiều:
“Muốn giải thoát con phải trừ nghiệp chấp
Muốn huyên đồng con phải vô ngã vô nhân
Muốn phối thiên con phải gột rửa lòng trần
Muốn tịch diệt đủ đầy Nhân Trí Dũng”.

• Dùng thức ăn thực vật: ăn chay

Để có thể đạt đến sự giải thoát cuối cùng cũng như là để tập tánh công bằng- từ bi- bác ái, Cao Đài chủ trương không sát sinh, tín đồ Cao Đài phải tập trường chay vì “Thiên địa vạn vật đồng nhứt thể”. Giữa con người và muôn thú có sự liên hệ về cội nguồn chỉ khác nhau ở mức độ tiến hóa. Do đó con người không nên sát hại thú cầm để nuôi thân mình. Đây cũng chính là truyền thống văn hóa dân tộc. Như đã nói, vì thuộc loại hình văn hóa nông nghiệp, dân tộc Việt Nam có khuynh hướng dùng thức ăn bằng thực vật hơn động vật trong nền văn hóa du mục về chăn nuôi.
+Về nội dung giáo lý:
Thờ Đức Thượng Đế: Đạo Cao Đài thờ Đức Thượng Đế vì chính ngài đã dùng huyền linh điển qua cơ bút để tả kinh dạy đạo. Đây chính là sự tiếp nối tín ngưỡng thờ Trời, coi Trời là Đấng Tối Cao có đủ quyền lực để ban phát ân phúc cho muôn loài của dân tộc Việt từ ngàn xưa. Nhưng với Cao Đài, đức tin Thượng Đế không còn mang tính thần quyền mà trái lại, với tinh thần tiến bộ, văn minh, hình ảnh một ông Trời quyền uy sẵn sàng ban phúc cũng như giáng họa đã trở thành hình ảnh một người cha nhân từ đưa cao ngọn đuốc từ huệ soi sáng con đường cứu độ cho đám con cái bước ra khỏi vô minh để trở về hiệp một cùng Ngài. Hơn thế nữa, ngài còn gieo cho con người ý thức “tu để làm Trời”
“Tu là học để làm Trời
Chớ đâu kiếp kiếp làm người thế gian”.
Bởi vì:
“Con là một thiêng liêng tại thế
Cùng với Thầy đồng thể linh quang”.

• Truyền thống âm tính- trọng phụ nữ

Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm, trong quyển: “Tìm về bản sắc văn hóa dân tộc” đã viết: “Đạo Cao Đài cũng bộc lộ truyền thống âm tính trong phụ nữ của văn hóa dân tộc”. Rồi ông trích dẫn đoạn Thánh giáo ngày 17-7-1926 của Đức Chí Tôn: “Phần các con truyền đạo phần phổ độ nầy cũng lắm nặng nề, bao nhiêu nam tức bấy nhiêu nữ. Nam biết thành Tiên Phật chớ nữ lại không sao?Thầy đã nói Bạch Ngọc Kinh có cả nam lẫn nữ, mà có phần nữ lấn quyền thế hơn nam nhiều”.

Thật vậy, đây là nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam mà các nhà nghiên cứu gọi là văn hóa trọng âm: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Cao Đài chủ trương nam nữ đều như nhau,đều là điểm Tiểu Linh Quang chiết xuất từ ngôi Thái Cực, có khả năng tu tiến như nhau.

Trong truyền thống Việt Nam, tinh thần của người nông nghiệp định cư coi trọng ngôi nhà, trọng cái bếp, trọng người phụ nữ là hoàn toàn rõ nét.Phụ nữ Việt Nam là người có trách nhiệm quản lý kinh tế tài chánh trong gia đình. Phụ nữ Việt Nam có vai trò trong việc giáo dục con cái: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, hoặc “con dại cái mang”. Một nhà nghiên cứu, ông A.Pazzi đã nhận định về phụ nữ Việt Nam: “Xét trong văn học bình dân, ta thấy người phụ nữ Việt Nam, mặc dầu khổ cực nhưng rất được yêu quý, không như phụ nữ bình dân nhiều nước phương Tây chịu sự đối đãi thô lỗ, nhiều khi quá sức chênh lệch với người đàn ông… Người đàn bà nắm hết cơ sở vật chất, quản trị trong nhà, giữ mối liên lạc đối với họ hàng, bà con thấy rõ trọng trách của gia đình mình đối với làng nước”.

• Tinh thầnTam giáo đồng nguyên

Cao Đài với tôn chỉ Tam giáo qui nguyên Ngũ Chi phục nhứt.Đây là một sự kế thừa rõ nét truyền thống văn hóa dân tộc trên cơ sở Tam giáo đồng nguyên.Ngay từ “giai đoạn văn hóa chống Bắc thuộc”, Khi Sĩ Nhiếp làm Thái Thú quận Giao Chỉ, Tam Giáo đã hưng thịnh trong đời sống dân Việt.

Theo tiến sĩ Lý Khôi Việt trong tác phẩm “Phật giáo và Quốc Đạo”, Sĩ Nhiếp vừa cho mở trường dạy học chữ Nho và Khổng giáo, đồng thời lại sùng mộ Phật giáo, cho xây chùa thờ Phật và trọng dụng giới tăng lữ… Cuộc đời của Sĩ Nhiếp thật là hào hùng. Đây cũng là không khí chính trị, văn hóa, tôn giáo của thời đại này: Thời đại trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng mà nổi bật là Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo.
“Có thể nói, với Sĩ Nhiếp nước ta đã khai mở kỷ nguyên Tam giáo đồng nguyên đầu tiên tại Đông Á vì vào thời đó Trung hoa chỉ có Khổng, Lão mà chưa có Phật giáo, còn ở Triều Tiên và Nhật Bản thì phải nhiều thế kỷ sau đó Phật giáo mới được du nhập. Cho nên chính Việt Nam không những là xứ sở Phật giáo đầu tiên ở Đông Á mà còn là quê hương đầu tiên của truyền thống văn hóa Tam giáo đồng nguyên”.

Điều đáng nói là nghiên cứu sử liệu, người ta khám phá Sĩ Nhiếp không phải là người Tàu, mà là người Việt Nam. Tổ tiên lâu đời của ông là người Hoa, gốc nước Lỗ, sang Giao Chỉ lánh nạn khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán vào đầu thế kỷ thứ nhất và định cư tại đây cho đến khi Sĩ Nhiếp ra đời đã trải qua 7 đời, sống trên đất Việt. Trường hợp của ông giống trường hợp của Hồ Quý Ly.

Sĩ Nhiếp sinh năm 137, ông học tại Trường An, kinh đô nhà Hán, trở về xứ Việt được bổ nhiệm làm Thái Thú Giao Chỉ. Khi Trung Hoa rơi vào cảnh Tam Quốc tranh hùng, ông đã xây dựng Giao Chỉ thành một xứ độc lập, giàu mạnh và yên ổn giữa cảnh đại loạn trên toàn đế quốc Trung Hoa.

Đến giai đoạn văn hóa Đại Việt, tinh thần Tam giáo đồng nguyên lại nở rộ dưới đời Lý Trần với các khoa thi Tam trường Nho – Phật – Lão, các nhà sử tinh thông Nho học.Vua Trần Thái Tông từng chỉ ra rằng để khuyến khích con người làm điều thiện “sách Nho dạy thi nhân bố đức, kinh Lão dạy yêu vật, quý sự sống, còn Phật thì chủ trương giữ giới cấm sát sinh”.

Sự dung hòa Tam giáo là một thực thể hình thành một cách tự nhiên trong tình cảm và việc làm của người dân. Cùng một người Việt Nam, khi trẻ thì học Nho để ra giúp nước, khi khổ ải trầm luân thì cầu Trời khấn Phật phù hộ, khi ốm đau già yếu thì mời đạo sĩ tà trị bệnh hoặc lập huyên dưỡng khí an thần.

Nói về Tam giáo, một nhà sử học – tiến sĩ Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780) đã lý giải: “Phật giáo chủ trương từ bi, Đạo Giáo ưa thanh tịnh, Nho giáo lấy thuyết nhân nghĩa trung chính mở đường cương thường của Trời để dựng nên một trật tự cho người. Vua Trần Thái Tông khẳng định: “Khi chưa tỏ thì người đời còn lầm lẫn phân biệt Tam giáo chừng đạt tới gốc rồi cùng ngộ một tâm”.

Trong nhiều thế hệ hình ảnh Tam Giáo Tổ Sư với Thích Ca ở giữa, Lão Tử bên trái: phương Đông Nam = tinh thần nông nghiệp tự nhiên, và Khổng Tử bên phải bằng phương Tây Bắc = tinh thần du mục xã hội, đã in sâu vào tâm thức người Việt. Để rồi đến đầu thế kỷ 20, hình ảnh ấy đã chính thức hiện hữu trên Thiên bànđạo Cao Đài cùng với ngôi Thánh tượng của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế như một tuyên ngôn với nhân loại rằng tam giáo vốn cùng 1 gốc và rồi sẽ qui về cái gốc một đó.
Một điểm đáng lưu ý khác là theo các nhà nghiên cứu, khác với suy nghĩ của chúng ta cho rằng Việt Nam chịu ảnh hưởng nền văn hóa Trung Quốc, chính Trung Quốc đã có một nền văn hóa mang nhiều dấu ấn của văn hóa phương Nam. Ngay cả tác phẩm Đạo Đức Kinh của Lão Tử, người nước Lỗ (thuộc vùng Bách Việt) đề xướng thuyết vô vi tôn xưng đạo đức, mang nặng dấu ấn văn hóa phương Nam Bách Việt và cả Khổng Giáo cũng mang đến hơn một nửa nguồn gốc phương Nam. Trong sách Trung Dung, Tử Lộ hỏi Đức Khổng Tử về các mạnh của phương Nam, người quân tử ở vào phía ấy xông pha gươm giáo, dẫu chết không nản là cái mạnh của phương Bắc, kẻ mạnh ở vào phương ấy.

Đối với Phật giáo Việt Nam, dòng thiền phương Nam được khai sinh bởi Lục Tổ Huệ Năng mà trước đây các tác giả Trung Hoa (The Golden of Zen) đã mạo nhận ông là thiên tài cao nhất Trung Hoa. Trong phẩm đầu tiên, phẩm Hành Do của Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ tường thuật cuộc đời của ông có đoạn kể lúc ông đến lễ bái Ngũ Tổ, Tổ hỏi:
-Người tự phương nao đến, muốn cầu vật gì?
Huệ Năng đáp:
-Đệ tử là dân Tân Châu thuộc Lĩnh Nam, từ xa đến lễ thầy, chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác.
Tổ bảo:
-Ông là người Lĩnh Nam, là người mọi làm sao kham làm Phật?
Qua câu chuyện nầy ta thấy rõ Lục Tổ không phải là người Hán và Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn cũng không nhìn nhận ông là người Hán như mình.Người Lĩnh Nam chính là người Việt Nam.
Ta đã biết về sau Ngũ Tổ truyền y bát cho Huệ Năng trở thành Tổ thứ sáu, và chùa Lục Tổ được xây ở Việt Nam từ thế kỷ 8. Chính ngôi chùa nầy là nơi Đức Vạn Hạnh đã ngồi uống trà khi kinh đô Hoa Lư đang xảy ra chính biến quan trọng, mở đường cho thời đại Trần vinh quang.
Đến kỷ nguyên Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Vạn Hạnh trở lại trong sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ngài dạy:
Chuỗi dài ý hệ cõi Nam giao
Thích Đạo Nho tông những sắc màu
Đã có trường thi Tam giáo trước
Nhịp đầu để nối nhịp theo sau.

• Triết lý Âm Dương – Ngũ Hành

Trong Đại Thừa Chơn giáo, Đức Thượng Đế dạy: “Âm Dương là cái pháp nhiệm mầu sâu kín Thiên cơ”. Có câu “Nhứt âm nhứt dương chi vị Đạo.Âm Dương ấy hiệp nhất thì phát khởi Càn Khôn”. Đây cũng chính là giềng mối để con người đạt Đạo.
Đối với văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, vì là loại hình văn hóa nông nghiệp, người Việt quan niệm “Mẹ Cha, Đất Trời”, mà sự sinh sản người do 2 yếu tố cha mẹ và hoa màu thì do đất và trời. việc hợp nhất hai cặp “mẹ cha” và “đất trời” chính là sự khái quát hóa đầu tiên trên đường dẫn tới triết lý âm dương ở Việt Nam, mọi thứ thường đi đôi theo nguyên tắc âm dương hài hòa và khái niệm nầy thường gặp trong mọi lĩnh vực như xin keo âm dương, chợ âm dương, ngói âm dương thể hiện trong ca dao như:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Cha-Núi = dương, mẹ-suối = âm. Hoặc như ông Tơ bà Nguyệt. Người Việt cũng đề cập đến quy luật trong âm có dương, trong dương có âm: “Trong rủi có may, trong dở có hay, trong họa có phúc”.

Theo quy luật âm dương chuyển hóa (âm sinh dương – dương sinh âm) làm cho người Việt Nam luôn nhớ rằng “yêu nhau lắm cắn nhau đau”, “hết cơn bỉ tới hồi cực thái lai”...
Chính lối tư duy mang đậm tính cách âm dương nên người Việt có triết lý sống quân bình, trong cuộc sống giữ hòa khí, trong ăn uống giữ cơ thể quân bình âm dương, và nhớ triết lý nầy tạo cho người Việt một khả năng thích nghi cao trong mọi hoàn cảnh, để tạo một tinh thần lạc quan, sống bằng tương lai:“Không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời”.

Không phải ngẫu nhiên mà đặt âm trước dương sau trong cách nói, mà chính vì triết lý âm dương bắt nguồn từ văn hóa nông nghiệp mà nông nghiệp là trọng tĩnh tức trọng âm hơn dương, cho nên chúng ta thấy tương tự gọi vợ chồng, chẵn lẻ, vuông tròn. Có vuông, có tròn tức có âm, có dương tức sự hoàn thiện.Thành ngữ có câu “mẹ tròn con vuông”.
Tiền đồng Việt Nam qua các thời đại, có lỗ vuông ở giữa chính là dấu vết truyền thống của biểu tượng âm dương.

• Khái niệm Tam tài-Tam bửu
Giáo lý Cao Đài còn đề cập đến khái niệm Tam Tài- Tam Bửu: “Trời có 3 báu Nhựt Nguyệt Tinh, đất có 3 báu là Thủy Hỏa Phong, người có 3 báu là Tinh Khí Thần. Trời nhờ 3 báu đó mà hóa sanh muôn loài vạn vật. Đất nhờ 3 báu đó mà thời tiết điều hòa, cỏ cây tươi nhuận.Người nhờ có 3 báu đó mà tạo Tiên tác Phật”.

Từ xưa con người đã được xếp vào Tam Tài “Thiên Địa Nhân”. Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, rất nhiều chuyện liên quan mối quan hệ con người được thể hiện qua con số 3 nầy: chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh – Mị Nương – chuyện sự tích trầu – cau – vôi, sự tích Táo quân…

Như vậy, qua bản sắc văn hóa dân tộc, ta thấy đã bàng bạc ý niệm Tam Tài qua con số 3 nhưng chưa rõ nét, cho đến khi Cao Đài hiện hữu, Đức Chí Tôn xác định ý niệm nầy là một trong những lẽ huyền nhiệm của Tạo Hóa.

• Truyền thống hiếu hòa – nhân bản:
Giáo lý Cao Đài với cứu cánh Thế Đạo Đại Đồng đã đưa ra đường lối Nhân Hòa để giải quyết mọi vấn nạn của nhân lọai phát sinh từ sự rẻ chia kỳ thị tương tranh.Đức Lê Đại Tiên đã kêu gọi “Hãy tạo thế nhân hòa. Hãy đưa con người trở về đời sống Nhân Bản. Mọi sinh hoạt hãy nhắm vào nhân bản, vào tình cảm thiêng liêng mà Thượng Đế Chí Tôn đã dành cho mỗi con người”.

Đây chính là điểm kế thừa rõ nét nhất nền văn hóa truyền thống dân tộc của Cao Đài giáo.Bản sắc của nền văn hóa nông nghiệp trọng âm đã thể hiện tính hiếu hòa của dân tộc Việt “Một câu nhịn chín câu lành”.Chính Đức Khổng Tử đã nói “Khoan hòa, mềm mại để dạy người, không báo thù kẻ vô đạo, ấy là cái mạnh của người phương Nam”.

Mặt khác, tình nghĩa gia tộc trong đời sống của người Việt Nam chính là ý nghĩa nhân bản mà Cao Đài đã chọn lọc kế thừa, đó chính là tư tưởng nhớ công ơn của tổ tiên ông bà, các bậc tiền nhân có công tạo dựng cuộc sống cho thế hệ đi sau.
2.Cao Đài giáo phát huy bản sắc văn hóa dân tộc:
Không chỉ kế thừa, tôn giáo Cao Đài còn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc cho phù hợp với sự tiến bộ của thời đại và sự tiến hóa của tâm linh con người.
• Tôn giáo vượt lên tầm vóc Đại Đạo:
Từ tinh thần Tam giáo đồng nguyên cùng với sự tín ngưỡng đa thần trong nền văn hóa truyền thống, Cao Đài đã mở rộng ra với cái nhìn vạn giáo đổng nhất lý, kêu gọi con người hãy cởi bỏ chiếc vỏ tôn giáo, đưa tôn giáo vượt lên tầm vóc Đại Đạo bởi vì tất cả tôn giáo đều là con thuyền mà Đạo là bến đỗ. Đến được Đạo thì rời thuyền.Chính vì vậy mà Ơn Trên dạy “Cao Đài không phải Cao Đài chính thị Cao Đài”.
• Trời Người cùng chung sứ mạng
Từ niềm tin vào Trời trong nền văn hóa dân tộc với màu sắc thần quyền, Cao Đài đã xóa bỏ biên giới ngăn cách giữa Người và Trời với quan niệm Người là một chủ thể tự do hoàn toàn có khả năng tiến hóa để bước lên ngôi vị siêu xuất thế gian, và đặc biệt hơn nữa là trong kỷ nguyên tận độ, con người còn được nhận lãnh sứ mạng thay Trời hoằng giáo độ rỗi chúng sanh tìm phương giải thoát. Nói rõ hơn, Cao Đài đã xác định: “một sứ mạng chia hai đoàn người u hiển sắc không, chỉ có hữu hình mới phục vụ cho hữu hình, còn vô vi là tác năng của tiềm lực trí tuệ, có vô không hữu khác nào bốc gió chốn hư không, xây lâu đài trong mộng ảo?”
• Thế Đạo đại đồng
Trong nền văn hóa truyền thống dân tộc, nét đặc trưng của loại hình văn hóa nông nghiệp là tinh thần cộng đồng của dân tộc Việt, sống quây quần thành làng xã, tương trợ giúp đỡ nhau “bà con xa không bằng láng giềng gần” đã được Cao Đài giáo kế thừa và phát huy thành tinh thần đại đồng nhân loại, năm châu chung chốn, bốn biển chung nhà nhưng đặt căn bản trên nguồn gốc dân tộc.
Vạn đóa hoa thơm một cội cành
Nào người sứ mạng biết cho chăng
Tình non đi với tình nhân loại
Nghĩa nước chung nguồn nghĩa chúng sanh.

• Tạo thế nhân hòa:
Kế thừa tính hiếu hòa khoan dung của dân tộc, Cao Đài giáo chủ trương tạo thế nhân hòa trên thế chân vạc Nhân Bản – An Lạc – Tiến Bộ. Để tạo dựng nhân hòa, hầu giải quyết bài toán nhân loại ngày nay, không những chỉ phục hồi nhân bản tức mầm Thiên tính được thừa hưởng từ Đức Thượng Đế, con người phải tạo cho mình một cuộc sống an lạc trong thế quân bình tâm vật tức vừa vật chất vừa tinh thần, đồng thời phải biết ứng xử môi trường sống một cách tiến bộ phù hợp với thời đại, với văn minh nhân loại.
• Sự tiến hóa của linh hồn
Thừa nhận quan niệm từ ngàn xưa trong nền văn hóa dân tộc, con người có linh hồn và linh hồn ấy vẫn còn sau khi xác thân trả về tứ đại, Cao Đài giáo cho rằng linh hồn con người hoàn toàn có khả năng tiến hóa đến mức cao nhất là trở về hiệp một cùng Đức Thượng Đế ở ngôi Thái Cực. Để thực hiện được điều này thì con người phải “giữ gìn ngươn thần cho linh diệu, cho tinh anh để được minh mẫn mà trở về đạo gốc” bằng con đường nghịch hành phản bổn của Đạo pháp.

KẾT LUẬN
Như đã nói, nền văn hóa truyền thống dân tộc Việt nam đã hình thành cách đây 5000 năm, là gia tài đồ sộ của cả một dân tộc với nhiều nét độc đáo. Cùng lúc đó, Cao Đài cho dù là 1 tôn giáo còn trẻ mới được khai sinh chưa đầy 1 thế kỉ nhưng đã có với kho tàng Thánh ngôn Thánh giáo mà các Đấng Thiêng Liêng đã truyền dạy từ đó đến nay hết sức phong phú. Hơn nữa, lời dạy của Thần Tiên luôn bao hàm chưa nhiều lý đạo sâu xa nên không phải là việc làm một sớm một chiều có thể thông suốt.
Chính vì vậy, bài tham luận hôm nay chỉ là những nét chấm phá khởi đầu cho cuộc hành trình tìm về cội nguồn dân tộc mà chúng ta những người Việt Nam có quyền tự hào về một quá khứ vẻ vang của dân tộc, đồng thời cũng là những môn đệ của Đức Thượng Đế, chúng ta hãy đặt trọn niềm tin vào tiền đồ Đại Đạo, cùng thắp lên ngọn đuối soi đường trong công cuộc bảo vệ, khai sáng và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần vào công cuộc cứu độ Kỳ Ba một cách hiệu quả, để đưa nhân loại tìm lại kỉ nguyên Thánh Đức. Đó cũng chính là sứ mạng thiêng liêng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

                                                               *  *  *

Nguồn tham khảo:
-Tìm hiểu về bản sắc văn hóa Việt Nam của Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm
-Phật giáo và Quốc Đạo của Tiến sĩ Lý Khôi Việt
-Thánh giáo sưu tập
-Đại Thừa Chơn Giáo
Hồng Phúc

Người giác ngộ vun bồi tánh đạo,
Bậc nguyên căn hoài bão ý Thiên,
Vào đời một chí nhẫn kiên,
Thực thi sứ mạng pháp quyền dựng xây.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, Rằm tháng Giêng Tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây