Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Tri và Thức / Tường Chơn

     Trí và Thức là hai lãnh vực mà có nhiều người học đạo chưa phân biệt được rõ ràng. Thực ...


  • 1. KHÁI QUÁT VỀ CÔNG TRÌNH Tam công trong đạo Cao Đài gồm công quả, công trình và công phu, là ...


  • TỪ BẢN THỂ ĐẠI ĐỒNG DÂN TỘC đến TÍNH DÂN TỘC CỦA ĐẠO CAO ĐÀI Mỗi dân tộc trên thế ...


  • Sứ mạng ĐĐTKPĐ là sứ mạng cứu độ toàn diện cho thế giới nhân lọai, nghĩa là chủ trương vừa  ...


  • Thánh thất Cầu Kho / Trích Lịch sử đạo Cao Đài I - CQPTGLĐĐ.

    Thánh thất Cầu Kho là một trong những Thánh thất đầu tiên cơ Phổ độ Công truyền (đầu năm 1926), ...


  • Tranh Phật ở Nepal / BBCVietnamese.com

    Nepal tìm thấy tranh Phật. Việc tìm ra những bức tranh Phật được cho là có liên quan đến một ...


  • Xuân khởi Phục / Thánh giáo Đức Đạo Tổ

    THÁI hoà xuân khởi Phục[1] và Lâm, THƯỢNG trí[2] gieo trồng khắp cõi tâm; LÃO noãn non già theo đúng độ, QUÂN bình ...


  • Quyển sách “Tâm tĩnh lặng” , gồm những bài viết cô đọng có tựa đề: Đạo giản dị, trung đạo, ...


  • CUỘC THÁCH ĐỐ / Thiện Chí

    Ngươi dám đóng lại khung trời Đại Đạo,? Có biết từ đâu ngươi đã sinh ra? Cái nốt bụi được mặt trời ...


  • Lặng lẽ nhìn Trời ta vốn một, Máy hữu hình then chốt như nhau; Thanh đó là trược nguồn đầu, Động cùng nên ...


  • Le Tao / Nguyen Ngoc Chau

    L’histoire dit que l\'empereur Fo-Hi regarda le Ciel, puis baissa les yeux vers la Terre, en observa les particularités, considéra ...


  • Mùa Xuân suy gẫm / Huyền Như Như Tịnh

    MÙA XUÂN SUY GẨM Nhựt nguyệt xoay vần mới hạ, thu, đông, nay xuân lại đến. Cây xanh đâm chồi nẩy ...


12/06/2004
Hồng Phúc

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009

Tôn Giáo Tính và Đời Sống Tôn Giáo

Khái niệm "Tôn giáo" đã được tranh cãi rất nhiều và vẫn chưa đi đến một kết luận, dù hiện nay "tôn giáo" đã trở thành là vấn đề lớn chung của toàn cầu vì những biến động tôn giáo không ngừng xảy ra trên thế giới; và dường như con người đang cảm thấy bế tắc trong việc tìm ra một giải pháp cho hòa bình nhân loại trong đó bắt buộc phải tháo gỡ những vướng mắc bắt nguồn từ "tôn giáo".

Trên con đường đi tìm một định nghĩa chính xác cho thuật ngữ "Tôn giáo", các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều phương pháp khác nhau, từ ngược giòng lịch sử để quan sát toàn bộ diễn trình lịch sử tôn giáo cho đến đi sâu vào từng tôn giáo trên thế giới để mong nắm được bản chất đích thực tôn giáo . Cuối cùng cũng chỉ mới dừng lại ở điểm chung tương đối với cách hiểu tôn giáo:

"1-Tôn giáo là một thực thể khách quan của lịch sử loài người. Nó la một nhu cầu của bộ phận văn hóa tinh thần của từng con người, của từng cộng đồng xã hội; 2-Tôn giáo là một yếu tố cần nghiên cứu, vì qua nó mới hiểu được đầy đủ đời sống xã hội và văn hóa tinh thần của nhân loại, dân tôc, của một cộng đồng, hay một cá nhân bất kỳ; 3-Tôn giáo vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính xã hội. Bản thân tôn giáo có cuộc sống riêng. Nó có mối quan hệ với nhiều lĩnh vực cuộc sống, nó có những biểu hiện rất khác nhau giữa các cộng đồng, các thành viên trong một cộng đồng, chẳng hạn các nghi thức, cấm kỵ, hiến tế, cầu xin, thờ cúng, nơi thừa tự…"

Hầu hết các nhà khoa học nghiên cứu về tôn giáo đều cho rằng : tôn giáo là một sản phẩm của Con người, do Con người sáng tạo ra và bị nó chi phối. Marx cũng kết luận: "Con người sáng tạo ra tôn giáo , tôn giáo không sáng tạo ra con người". Không phủ nhận quan điểm này nhưng vấn đề đặt ra là tôn giáo được phát sinh từ nhu cầu nào của cuộc sống con người? Tại sao con người cần tôn giáo? Chức năng và nhiệm vụ của tôn giáo ra sao ?

Con người dù sơ khai hay con người văn minh đều có niềm tin vào một hiện thực tâm linh siêu việt ở bên ngoài thế giới loài người, bởi vì như J.Nehru đã viết trong tác phẩm "Phát hiện An Độ":"Cuộc sống không phải bao gồm toàn những gì chúng ta nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy, tức là thế giới hữu hình đang biến đổi theo thời gian , không gian; nó còn liên tục tiếp xúc với một thế giới vô hình của các yếu tố khác, có thể bền vững hơn hoặc cũng biến đổi như vậy; và không một ai có trí suy xét lại có thể bỏ qua thế giới vô hình này"

Điều đáng nói là niềm tin đó được thể hiện vô cùng phong phú và đa dạng từ ngây ngô, đơn giản nhất đến tinh tế, phức tạp, phổ biến tùy theo căn cơ , trình độ tiến hoá, tri thức, thời đại… của mỗi người. Niềm tin đó phát xuất từ sự quan sát hay cảm nhận của mỗi người đối với mọi sự vật chung quanh trong đời sống, để thấy được những điều không bình thường, hoặc không thể lý giải bằng những qui luật của thế giới hữu hình và có thể gây cho con người nỗi sợ hãi. Các nhà nghiên cứu gọi đó là những phản ứng vô thức của bản năng con người mà đã hiện diện trong lịch sử nhân loại từ khi chưa có dấu vết tôn giáo, thí dụ như sự sợ hãi của người sơ khai trước những hiện tượng thiên nhiên. Và phản ứng bản năng này ngày nay vẫn còn: "Ta cũng có thể thấy hiện tượng đó ngay cả ở những con người văn minh trước những tai nạn khó lường, ngày càng gia tăng trong thế giới công nghiệp hiện đại"

Những phản ứng bản năng nhìn chung đều bắt nguồn từ nỗi sợ hãi về cái chết mà con người cảm thấy rằng mình bất lực đối kháng. Từ đó dẫn đến những niềm tin vào thế giới vô hình mà con người tin đang tồn tại song song với thế giới hữu hình và có thể tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, làm nên những chuyện may mắn hay rủi ro, tai họa… cho con người. Như vậy, dù muốn dù không cũng phải nhìn nhận đây là một thuộc tính của bản năng con người và có thể đồng ý với cách gọi niềm tin này là "tâm thức cá nhân" hay "tôn giáo tính".

" Tôn giáo tính" được biểu hiện qua rất nhiều dạng khác nhau trong những lĩnh vực đời sống, ở những mức độ khác nhau tùy theo trình độ tiến hóa của mỗi người, từ chỗ thấp nhất, như việc cầu khấn của một người nơi một miểu nhỏ bên vệ đường thờ một hay nhiều người đã chết vì tai nạn xe cộ tại nơi đây, để mong được thỏa mãn một ước muốn như trúng số đề ; hay cao hơn là sự lễ bái của con cháu trước bàn thờ tổ tiên giữa khung cảnh trang nghiêm trong ngày gia đình cúng giỗ , hoặc không khí thiêng liêng của giây phút cử hành lễ mặc niệm tưởng nhớ những bậc anh hùng vị quốc vong thân,… đến chỗ cao nhất là niềm tin vào một tôn giáo.

"Tôn giáo tính" không chỉ hiện diện nơi mỗi cá nhân mà còn tồn tại trong xã hội, trong nền văn hóa của mỗi dân tộc qua các truyền thuyết lịch sử đã làm nên niềm tự hào cho cả giống nòi, dân tộc như huyền thoại "Con Rồng cháu Tiên", "Thánh Gióng", "các vua Hùng"…..của người Việt Nam.

Chính cái "tôn giáo tính" đã làm cho con người khác con vật và chứng tỏ con người là sinh vật tiến hóa cao nhất trong muôn loài, mà con người có được là do phần thiêng liêng ẩn chứa trong tận cùng sâu thẳm của tâm thức mỗi người mà các tôn giáo gọi là "Thiên tính" (Khổng giáo), "Phật tính" ( Phật giáo), "Linh quang"( Cao Đài), hay hiểu nôm na là "chất Trời". Và phần thiêng liêng này khi được phát huy sẽ giúp con người hành sử đúng theo "thiên lý" tức "lẽ Trời" hay "nhân bản" mà có thể hiểu nôm na là "đạo lý" hay "lương tâm con người".

Ngay từ chỗ này mà tôn giáo đã được khai sinh. Với chức năng và nhiệm vụ điều chỉnh "tôn giáo tính" , tôn giáo hướng dẫn con người phát huy "niềm tin hiện thực tâm linh siêu việt ở bên ngoài thế giới" của mình theo chiều hướng thượng, thăng hoa, để làm thức dậy phần thiêng liêng cốt lõi đang say ngủ trong tâm thức của mỗi người, giúp con người tiến hóa không chỉ về mặt tâm linh hay đạo đức tức hoàn thiện bản thân mà còn tạo tiền đề xây dựng sự ổn định trật tự trong xã hội nhân sinh. Đó chính là cứu cánh đích thực của tôn giáo.

Nhưng đáng buồn là xuyên suốt các thời kỳ lịch sử tôn giáo, tôn giáo đã không làm tròn chức năng và nhiệm vụ của mình do chính bởi con người đã điều khiển tôn giáo bằng tham vọng riêng tư; ràng buộc tôn giáo vào lợi quyền, tư hữu của con người để rồi gắn liền tôn giáo với chính trị, làm biến chất tôn giáo.

Tôn giáo chỉ là con thuyền đưa khách

Bản chất đích thực của tôn giáo chỉ là công cụ, phương tiện, ngoài việc nhằm hướng dẫn con người tìm về sự giải thoát tâm linh là mục đích cuối cùng mang tính chất thiêng liêng, còn nhắm đến mục tiêu dẫn dắt con người xích lại gần nhau, tìm thấy tiếng nói chung trong cộng đồng loài người trên cơ sở chân lý là đạo đức để cùng góp phần xây dựng một cuộc sống hòa bình an lạc, chứ tôn giáo không phải là "gia tài" hay "di sản" của riêng bất cứ cá nhân, tổ chức, hay dân tộc nào để con người nhân danh bảo vệ, hay tôn sùng cá nhân tôn giáo để đưa đến tranh giành, giết chóc, tàn sát lẫn nhau. Thánh giáo đạo Cao Đài có dạy: "Tôn giáo là con thuyền đưa khách mà Đạo là bến đỗ. Tất cả các con thuyền đều xuôi về bến đỗ"

"Đạo" được hiểu là năng lực và qui luật bất biến của vạn hữu, là chỗ xuất phát vạn hữu và cũng là chỗ vạn hữu qui về. Con người từ Đạo mà đến. Đến nơi đây để cùng nhau xây dựng cuộc sống sáng tạo với những điều đẹp đẽ làm thành gia tài chung cho nhân loại. Rồi con người sẽ quay về với Đạo. Trong ý nghĩa đó, tất cả các tôn giáo đều giữ vai trò của con thuyền đưa khách tìm về bến bờ chân - thiện - mỹ là Đạo. Khách đi thuyền không có lý do gì khi đã sang bờ, thuyền cập bến rồi , không chịu rời thuyền mà quay lại giành thuyền nhân danh bảo vệ thuyền vì thuyền là của tôi, hay vì thuyền đã giúp tôi đến được bến bờ chân lý. Rời thuyền không phải là một hành vi bội bạc mà trái lại, chính là sự trả ơn để thuyền tiếp tục làm tròn nhiệm vụ đưa khách của nó.

Khi nói đến tôn giáo, người ta nghĩ đến cái thiêng và thường đồng hóa "tôn giáo" với "tín ngưỡng". Dĩ nhiên không thể phủ nhận tôn giáo đi liền với tín ngưỡng và cái thiêng. Nhưng không phải tín ngưỡng nào cũng là tôn giáo, và càng không phải cái thiêng nào cũng của tôn giáo. Tôn giáo có giáo lý, có những qui điều giới luật mà theo đó, con người nếu chấp hành, bản thân sẽ trở nên tốt đẹp hơn , dần dần đi đến chỗ hoàn thiện. Nếu tôn giáo nào có những điều luật đi ngược lợi ích của người khác, hay chỉ nhằm phục vụ cho một nhóm người thì chính là do con người đã cải cách, sửa đổi tôn giáo theo ý họ. Đường lối tôn giáo ban đầu thì đúng, nhưng do ngươì thi hành đường lối tôn giáo có canh cải, qua nhiều thế hệ cho nên tôn giáo lần lần đi vào chỗ sai lệch, thay đổi bản chất.

Con người sử dụng tôn giáo như một công cụ phục vụ thế quyền. Thực vậy, ý niệm "con thuyền đưa khách"của tôn giáo không còn nguyên sơ thanh thoát qua hình ảnh:
"Non xanh, nước biếc một con đò.
Ai qua bỉ ngạn Lão đưa cho.
Bao nhiêu hành lý xin chừa lại
Chỉ chở Hà đồ với Lạc Thơ."
(Thánh giáo Cao Đài)

vì con thuyền đã bị con người lèo lái hướng đến danh vọng, quyền lực, lợi ích riêng tư, chính trị,…để cuối cùng tôn giáo chỉ cập bến bờ thù hận, tương tranh, khủng bố, giết chóc…Tôn giáo đã bị thế tục hóa và bị nhận diện qua các hiện tượng: " Tôn giáo luôn gắn liền với chính trị. Các thế lực chính trị- xã hội không ngần ngại lợi dụng sự chuyển biến đầy phức tạp của tôn giáo , phục vụ cho ý đồ riêng tư. Ngược lại, những tổ chức và lực lượng tiến bộ, trong đó có cả những người cộng sản, lại muốn đưa tôn giáo vào những cuộc đấu tranh vì những mục đích lành mạnh: bảo vệ hòa bình, bảo vệ môi trường…, đấu tranh vì tiến bộ, độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc."


Tôn giáo là sự kết hợp giữa "cái thiêng" và "cái phàm" ; giữa" hữu hình" và "vô hình" qua tác động của chiếc cầu nối là "đức tin". Thiếu một trong hai không có tôn giáo. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng niềm tin nơi con người về một hiện thực tâm linh siêu việt ở bên ngoài thế giới hữu hình có nhiều kiểu dáng, cấp độ khác nhau và chính tôn giáo điều chỉnh niềm tin đó theo một chuẩn mực dựa trên cơ sở có lý luận, tách biệt khỏi cái "mê tín" vốn thuộc lĩnh vực "tín ngưỡng".. mặc dù tôn giáo nào cũng khởi đầu bằng những huyền thọai. Nhưng phải hiểu một cách đúng đắn những huyền thoại của tôn giáo vì đó là những câu chuyện hàm chứa ý nghĩa ẩn dụ thuộc phạm trù "Đạo học" , nói lên "lý Đạo" mà con người phải chiêm nghiệm mới có thể thấy được sự tế vi , huyền nhiệm. Thí dụ: Khi nói đến câu chuyện Đức Phật Thích Ca ngồi dưới cội bồ đề, khi sắp đắc đạo, Ngài bị ma quỷ hiện thành những cô gái đẹp ra sức quyến rũ,cám dỗ , thì phải hiểu "ma quỷ" là những ham muốn sinh lý trong bản thân của mỗi người,sẽ thử thách người tu luyện khi chọn con đường "tuyệt dục". Hoặc như chuyện "Tây Du Ký" của tác giả Ngô Thừa An mà đã được tác giả Lê Anh Dũng giải mã một cách hết sức lý thú. Mặt khác, chính những huyền thoại tôn giáo cũng như những "cái linh thiêng " của tôn giáo là những bước đầu cần thiết để tôn giáo tiếp cận với con người, mới có thể quy hướng niềm tin con người vào chỗ cao thượng, ích lợi cho chính con người và xã hội con người.


Nhờ tôn giáo, con người sẽ đóng khung được "tôn giáo tính' của mình và dẫn dắt nó đi theo con đường có định hướng để rồi tự sửa đổi bản thân từ xấu ra tốt, từ ác ra thiện, từ vị kỷ thành vị tha… Bằng nhiều cách nói khác nhau, nhưng tựu trung tôn giáo nào cũng muốn chỉ ra cho con người thấy rằng con người là một chủ thể tự do, có khả năng tiến hóa vô cùng to lớn, vì được đứng trong thế Tam tài "Thiên- Địa- Nhân" tức ngang hàng cùng Trời Đất. Xác thân con người sẽ bị hủy diệt theo thời gian nhưng tâm linh con người vẫn tồn tại và nếu con người biết rèn luyện, phát triển, phần tâm linh sẽ tiến hóa lên hàng siêu xuất thế gian tức là thành thần thánh tiên phật. Chính vì vậy mà Phật giáo nói: "Phật là phật đã thành, chúng sinh là phật sẽ thành" hoặc nói như Cao Đài giáo: "Thầy (Thượng Đế) là các con, các con là Thầy" hay: "Tu là học để làm Trời, chứ đâu kiếp kiếp làm người thế gian"

Mục đích của tôn giáo không phải tập trung ở nghi lễ cúng kính với sự cuồng tín suy tôn mặc dù đối với con người, nghi lễ phải có để bày tỏ lòng tôn kính với các Đấng Thiêng Liêng, nhưng ý nghĩa đích thực của nghi lễ trong đời sống tôn giáo là để con người có những phút giây lắng lòng hòa quyện cùng với cái thiêng mà trở về với sự cao thượng của tâm hồn hầu xa lánh cái tục vốn nặng phần tính toan tranh đấu. Đã đành không có nghi lễ không thể hiện tôn giáo nhưng đừng ngộ nhận có nghi lễ cúng kính, có thờ phượng là có tôn giáo, nếu như những nghi lễ đó không đem lại một lợi ích thiết thực cho sự thăng hoa tâm hồn con người hoặc tệ hơn, chỉ phục vụ cho những ước muốn tầm thường của con người trong cuộc sống thế tục.

Như vậy, tôn giáo nào cũng hướng con người đến sự rèn luyện hoàn hảo nhân cách để đủ điều kiện thực hiện tiếp tục sự tiến hóa trong cõi vô hình phù hợp với công cuộc tiến hóa chung của toàn thể vũ trụ sau khi rời bỏ xác thân. Đó mới chính là cứu cánh đích thực của tôn giáo.Do vậy, tôn giáo phải là ánh sáng dẫn lối con người :"ánh sáng vị tha rọi sáng lòng ích kỷ, ánh sáng bác ái sẽ rọi sáng bóng tối hẹp hòi, ánh sáng tình thương sẽ phá tan màn đâm u tối, ánh sáng từ bi sẽ dẫn lối cứu khổ cuộc đời, ánh sáng công phu sẽ phá tan màn lưới vô minh, ánh sáng công quả sẽ chan hòa tánh hẹp hòi bon chen ích kỷ, ánh sáng phúc đức sẽ tiêu rỗi nghiệp chướng tiền khiên, ánh sáng nhơn hòa sẽ phá tan phái phe kỳ thị…" (Thánh giáo Cao Đài)


Trong ý nghĩa đó, tất cả các tôn giáo đều có chung một bản chất nền tảng là đạo lý , cùng thực hiện một nhiệm vụ là giáo dân vi thiện, nhắm đến cứu cánh giúp cho tâm linh con người tìm đến một sự giải thoát . Mỗi một tôn giáo ra đời tuỳ hoàn cảnh lịch sử, xã hội, địa lý, văn hóa, phong tục , tập quán của mỗi nơi, cho nên có những hình thức khác nhau. Đó là ở góc độ hữu hình; nhưng ở khía cạnh vô hình, mỗi tôn giaó được khai sinh là do thiên cơ với ý nghĩa " đời loạn, đạo khai". Các tôn giáo lần lượt được khai mở phù hợp với những điều kiện thực tế của nhân sanh, để dễ dàng cho con người tiếp cận và đón nhận. Cho nên tại sao một tôn giáo ra đời nơi này mà không phải nơi khác, vào lúc này mà không phải lúc khác?

Nói một cách cụ thể, bởi lẽ con người có bản năng nội tại là tâm thức cá nhân hay tôn giáo tính phát xuất từ hạt nhân thiêng liêng tiềm ẩn, con người cần có tôn giáo như là phương tiện để điều chỉnh, dẫn dắt, giúp con người phát huy hướng đến chỗ hoàn thiện hóa bản thân nhờ vào những giáo điều, qui luật của tôn giáo, để làm tiền đề cho việc góp phần xây dựng một xã hội thái hòa an lạc trong cuộc sống thế gian và tiếp tục những chặng đường tiến hóa tâm linh cao hơn sau khi rủ bỏ xác thân. Nếu con người nhận thức đúng đắn như vậy, con người khi bước vào ngưỡng cửa tôn giáo, giống như người khách bước chân xuống đò để sang sông, và đích điểm là bờ bên kia chớ không phải là con đò. Từ đó, con người sẽ không còn những định kiến so sánh tôn giáo nào lớn, tôn giáo nào nhỏ; hay tôn giáo nào kế thừa tôn giáo nào. Và điều cần hơn hết là không còn sự phân biệt, kỳ thị: " tôn giáo của bạn" và "tôn giáo của tôi", vốn dĩ chính là nguyên nhân đưa đến những cuộc thánh chiến triền miên trong lịch sử nhân loại và lịch sử tôn giáo.


Thay vì biến tôn giáo thành một thứ tư hữu để lăn xả hy sinh bảo vệ một cách cuồng tín, con người chỉ cần hành động ứng xử theo cách mà các vị giáo chủ tôn giáo của mình đã làm hay đi theo con đường mà các Ngài đã đi, để trở thành những Thích Ca, những Khổng tử, những Jésus, những Lão Tử, những Mohamed,… thì thế giới này sẽ ngập tràn ánh sáng của tình thương và nhân loại không phải khổ đau vì chiến tranh, thù hận và tôn giáo cũng nhờ đó mà rạng danh.


Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam, trải qua vô số các cuộc chiến tranh liên tiếp, nhưng tất cả chỉ là những cuộc kháng chiến tranh đấu bảo vệ bờ cõi non sông trước sự xâm lấn của ngoại bang chứ hoàn toàn không có những cuộc xung đột tôn giáo. Phải chăng đó là hệ quả tất yếu của nền văn hóa nông nghiệp với truyền thống thờ Trời, cộng với tâm hồn phóng khoáng, gần gũi, nhưng kính trọng thế giới tự nhiên của người Việt tự ngàn xưa đã làm nên truyền thống bao dung trong tín ngưỡng của dân tộc Việt được thể hiện qua các giòng tín ngưỡng dân gian vô cùng phong phú tồn tại song song với tinh thần tam giáo đồng nguyên được ghi nhận từ rất lâu trong lịch sử nước nhà.


Như vậy, có phải chính nhờ vào cái "gia tài tín ngưỡng" phong phú đa dạng này mà dân tộc Việt trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm với nhiều giai đoạn trong đó có những giai đoạn tự chủ, văn minh tỏa sáng, vẫn chưa có nhu cầu cần thiết có thêm một nền tôn giáo bản địa, mặc dù phần tâm thức cá nhân hay tôn giáo tính của dân tộc rất mạnh mẽ? Hay nói rõ hơn, do chiếc thuyền từ tôn giáo chỉ được thả ra khi giòng đời nghiêng ngửa, nhân tâm ly loạn trong sự xói mòn mất mát những giá trị đạo lý tinh thần vốn tối cần cho con người trong cuộc sống; mà dân tộc Việt Nam dù phải chịu nhiều đau khổ dưới ách thống trị của ngoại bang từ thế hệ này sang thế hệ khác nhưng những giá trị tinh thần truyền thống đậm chất đạo lý của giống giòng Hồng Lạc vẫn không chút lung lay ngược chiều thiên lý, cho nên từ "nhân" đến "Thiên" đều nhất quán không cần có một tôn giáo của VN, để làm nổi bật tinh thần bao dung tín ngưỡng độc đáo của con cháu vua Hùng.

Cho đến khi công cuộc mở đất về phương Nam sắp kết thúc nơi miền cực Tây của tổ quốc, là lúc cả thế giới đều bắt đầu lâm vào tình trạng rối ren của một thời đại nhiễu nhương mới, do bởi con người quá nặng về phần văn minh vật chất với tham vọng bá quyền, những sự tranh đua, giành giựt lên đến đỉnh cao làm tha hóa mọi giá trị đạo đức nhân bản, trong đó VN cũng phải chịu cùng chung số phận bị xâu xé. Và đây mới là thời cơ chín muồi cho sự ra đời của các tôn giáo bản địa.

NGƯỜI VIỆT NAM BỘ VÀ CÁC TÔN GIÁO BẢN ĐỊA

Trong lịch sử Việt Nam, Nam bộ là vùng đất trẻ nhất , chỉ mới hình thành hơn 300 năm; và công cuộc Nam tiến là cả một quá trình gian khổ tiếp nối bởi nhiều thế hệ người Việt đã rời bỏ quê hương, dấn thân vào cuộc tha phương cầu thực vô cùng gay go, hiểm hóc. Dù vùng đất phương Nam phì nhiêu, màu mỡ, với nguồn tài nguyên phong phú, nhưng vẫn còn hoang hóa, xa lạ, cho nên những người đi mở cõi không chỉ phải chống chỏi với thiên nhiên mà còn phải đương đầu với thú dữ, sơn lam chướng khí, bệnh tật và vô vàn những trở ngại khác trên bước đường khai phá những cánh rừng hoang vu, cải tạo những vùng đầm trũng chưa từng có bước chân người.

Tại sao chỉ Nam bộ mới hình thành các tôn giáo bản địa?


Với đặc điểm địa lý- sinh thái vừa thuận lợi vừa khó khăn của miền đất miền Nam, quá trình tranh đấu cho cuộc sống mới đã để lại những dấu ấn riêng trong đời sống văn hóa và tâm linh của những lưu dân người Việt , góp phần tạo nên một bản sắc Nam bộ mà đặc biệt là sự hình thành những tôn giáo bản địa trong thời gian từ gần nửa cuối thế kỷ XIX đến quá đầu thế kỷ XX : Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ An Hiếu Nghĩa, Cao Đài và Hòa Hảo.

Như vậy phải chăng Nam bộ là vùng đất linh hội tụ khí thiêng của Trời Đất, nên mới sản sinh những vị giáo chủ khai sáng tôn giáo giúp cho con người có được chỗ dựa tâm linh? Hay do bởi nhiều yếu tố khách quan tác động mà Nam bộ đã có những điều kiện để hình thành các tôn giáo ?

Thực tế, các tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ An Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo đều khởi phát từ vùng đất An Giang, nơi có nhiều núi non bí hiểm lại giữa vùng châu thổ đồng bằng Cửu Long có nhiều sông ngòi chằng chịt. Riêng đạo Cao Đài chính thức khai mở tại Tây Ninh, cũng là nơi có ngọn núi Bà Đen, trung tâm điểm của vùng văn hóa tín ngưỡng dân gian Nam bộ và được xem là nơi hun đúc khí thiêng của Trời - Đất. Đồng thời, trong quá trình khai đạo Cao Đài có dính líu đến các tỉnh Hà Tiên , Phú Quốc, những địa danh cùng với Châu Đốc và Tây Ninh được xếp vào vùng đất địa linh được tạo nên bởi Cửu Long Giang. (Thất Sơn-An Giang, núi Dương Đông- Phú Quốc, núi Thạch Động -Hà Tiên, núi Điện Bà-Tây Ninh). Như vậy có thể nói trước hết, đặc điểm địa lý-sinh thái của Nam bộ đã tác động đến đời sống tâm linh tín ngưỡng của người Việt nơi đây, làm tiền đề cho sự ra đời cuả các tôn giáo địa phương.

Tiếp theo, về phương diện lịch sử, giữa thế kỷ 19, Nam bộ nằm trong bối cảnh chung của đất nước, nhưng với những hoàn cảnh cụ thể riêng biệt đã tạo nên những điều kiện để chỉ có Nam bộ mới hình thành các tôn giáo Việt.

Từ thế kỷ XVII, người Việt đã bắt đầu công cuộc khai phá và định cư trên vùng đất phương Nam. Cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn ngày càng khốc liệt, cuộc Nam tiến của người Việt ngày càng dồn dập. Phần đông lưu dân là nạn nhân của giai cấp địa chủ phong kiến muốn thoát cảnh đói nghèo cùng cực, hoặc là những thành phần trốn tránh luật lệ hà khắc hay sưu cao thuế nặng của triều đình. Ngoài ra cũng có binh lính nhà Nguyễn di dân theo chính sách dinh điền, mở thêm đất mới để củng cố tiềm lực phía Đàng Trong. Nhưng nhìn chung tất cả đều có chung một hoàn cảnh là phải tranh sống trong một môi trường đầy gian lao, sóng gió, bất ổn nên tạo cho họ một bản chất phóng khoáng, liều lĩnh mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là : "cá tính của nông dân Nam bộ". Đời sống của họ cởi mở, dễ thông cảm với người khác, chính là điều kiện để họ dễ dàng thấm nhập, chịu ảnh hưởng các nền văn hóa khác qua quá trình tiếp xúc giao lưu trên mảnh đất mới có nhiều tộc người.

Thực vậy, khi người Việt vào đất Nam bộ, đã có sự hiện diện của người Khmer, là những cư dân nông nghiệp có nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Phật giáo kết hợp với tín ngưỡng dân gian. Rồi đến sự di cư của người Hoa đến Nam bộ, làm nghề thủ công, buôn bán mang theo tập tục thờ cúng Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu…Đến đầu thế kỷ XIX, có người Chăm theo đạo Hồi từ Campuchia, Thái Lan về định cư ở Châu Đốc và một số tỉnh Nam bộ. Cuộc sống chung giữa các cộng đồng cư dân này với người Việt đã hình thành một sinh hoạt văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc, và chắc chắn có tác động đến việc ra đời của các tôn giáo bản địa.

Về mặt tín ngưỡng, những người đi mở đất, như đã nói, hầu hết là vì tha phương cầu thực, họ không phải là thành phần có điều kiện học hành, cho nên họ không chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Mặt khác, do triều Nguyễn cấm đoán, bài bác đạo Phật nên người dân cũng ít có cơ hội tiếp xúc. Họ chỉ in đậm trong tâm thức giòng tín ngưỡng dân gian được xem là gần gũi với Đạo giáo như tin tưởng bùa chú trị bệnh , trừ tà hay đồng bóng và niềm tin này đã được nuôi dưỡng mạnh mẽ do bởi hoàn cảnh sống luôn phải đương đầu với nhiều sự nguy hiểm, bệnh tật do muỗi mòng, thời tiết , hay sơn lam chướng khí của núi rừng.

Nói một cách cụ thể, người đi khẩn hoang nơi vùng đất mới xa lạ, bí hiểm với nhiều chướng ngại khách quan, tất nhiên phải có nhu cầu rất lớn về tâm linh, tín ngưỡng, mà hành trang tinh thần họ mang theo lại không có một tôn giáo chủ đạo có thể giúp họ an lòng khi gặp phải nguy hiểm, gian truân. Từ năm 1975, đã có giáo sĩ người Pháp đặt chân đến truyền đạo ở Hà Tiên, nhưng do giáo lý Thiên Chúa giáo xa lạ với tập quán, phong tục cổ truyền của Việt Nam nên không mang lại cho người dân Nam bộ niềm tin họ mong muốn.

Thêm vào đó, suốt từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX, luôn xảy ra chiến tranh biên giới giữa nhà Nguyễn với Chân Lạp, Thái Lan, làm cuộc sống người dân luôn trong thế bất ổn. Chẳng những thế, triều đình nhà Nguyễn còn có chính sách di dân lập đồn điền, huy động dân đi đào kênh, khai phá đồng bằng với chế độ khắc nghiệt làm thiệt mạng rất nhiều người trong khi lao động. Từ đó phát sinh những cuộc khởi nghĩa của nông dân chống lại triều đình. Triều đình lại xuống tay đàn áp dã man.Người nông dân lại phải bỏ mảnh đất mới còn thấm đậm mồ hôi và nước mắt của mình để đi lánh nạn.Và nơi họ tìm đến ẩn náu, chính là những nơi hẻo lánh của vùng 7 núi.

Thời gian này lại diễn ra mất mùa, đói kém liên miên. Nạn địa chủ bóc lột tá điền gây cho người nông dân cảnh lầm than điêu đứng khôn cùng. Rồi lại thêm dịch bệnh tràn lan (Riêng năm Tự Đức thứ 2, 1849 riêng tỉnh Vĩnh Long đã có 43.000 người chết vì bệnh dịch)

Tiếp theo đó, Pháp chiếm Nam kỳ (1859) nhân dân Nam bộ đứng lên khởi nghĩa, nhưng gặp nhiều thất bại liên tiếp tạo nên sự khủng hoảng tâm lý nặng nề trong dân chúng. Xã hội Nam bộ vào nửa cuối thế kỷ XIX gần như rối loạn và lâm vào cảnh bế tắc. Tâm lý người dân hoang mang cực độ, họ chỉ còn biết trông chờ một phép lạ mầu nhiệm nào đó giúp họ thoát khỏi mọi đe dọa hiểm nguy.

"Đời loạn, Đạo khai". Đó là tiêu ngữ của tôn giáo. Vì nói theo tôn giáo, "đạo khai là để cứu đời". Đời đang quá nhiều khổ đau, bế tắc vì nhân tâm hụt hẫng, mất phương hướng, thì tôn giáo ra đời để chỉ cho con người lối thoát về mặt tâm linh, giúp con người phục hồi niềm tin và hy vọng hầu tiếp tục cuộc hành trình của kiếp người.

Như vậy, sự xuất hiện lần lượt các tôn giáo trong giai đoạn lịch sử này đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người Việt ở Nam bộ, trong những điều kiện, hoàn cảnh kết hợp chưa từng có trong lịch sử trước đó ở Việt Nam, nhất là những tôn giáo này chứng tỏ được tính thiêng, hay nói dễ hiểu, những người khai sáng tôn giáo đã thể hiện được sự mầu nhiệm làm cơ sở cho người dân tin và theo đạo để tạo điều kiện hình thành tôn giáo.

Có gì khác nhau giữa các tôn giáo bản địa và các tôn giáo đã có trước đó ở Việt Nam? Liệu có phải những tôn giáo bản địa đã sinh ra từ trong lòng những tôn giáo trước đó nhưng lại có gốc rễ cắm sâu trong lịch sử dân tộc và biểu thị tâm lý của dân tộc và tâm lý vùng?

Tìm hiểu các tôn giáo bản địa cũng như so sánh các tôn giáo bản địa với các tôn giáo đã có trước đó ở VN, chúng ta thấy có những điểm tương đồng về nội dung lẫn hình thức, cho nên có ý kiến:"Một tôn giáo ra đời sau dường như bao giờ cũng có sự kế thừa phần nào giáo lý, lễ nghi của tôn giáo ra đời trước. Sự kế thừa mang tính thụ ứng văn hóa đó (acculturation) nhiều ít, như thế nào, phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, học vấn, phong tục tập quán, nếp sống của người khai sáng tôn giáo mới và cư dân trong vùng (tức đối tượng hấp thu, được đáp ứng nhu cầu từ tôn giáo đó)

Thực ra, tất cả các tôn giáo dù ra đời ở thời gian và không gian khác nhau, có những hình thức và cách diễn đạt đường lối, tôn chỉ , mục đích khác nhau nhưng tựu trung cũng có chung một nền tảng đạo lý, nhằm hướng đến sự cởi mở tinh thần con người, làm tiền đề cho sự kiến tạo hạnh phúc đích thực cho con người về mặt nhân sinh, đồng thời cũng chỉ ra đường hướng tiến hóa của tâm linh con người ở thế giới siêu xuất thế gian. Do đó, không thể nói rằng tôn giáo này được sinh ra từ trong lòng tôn giáo khác, mà chỉ có sự phân hóa một tôn giáo thành những hệ phái, chi phái khác nhau; hay nói cách khác, một tôn giáo có thể bị biến thái để phù hợp với yêu cầu của hoàn cảnh xã hội hay trình độ của con người đặt niềm tin vào tôn giáo đó.

Trong 4 tôn giáo bản địa, có tới 3 tôn giáo có cùng một cách lập giáo, do con người sáng lập, cùng phương cách ban đầu là thể hiện tính thiêng qua việc chữa bệnh,đồng thời dùng lời đạo lý thuyết phục con người tin tưởng, từ đó đưa ra đường lối , mục đích trên cơ sở một hệ tư tưởng dẫn dắt con người đến một đức tin. Riêng đạo Cao Đài, cũng ra đời trong cùng một bối cảnh lịch sử và xã hội nhưng cách lập giáo có khác. Giáo chủ đạo Cao Đài không phải là người phàm đã chứng ngộ, mà là một Đấng Vô Hình - Đức Thượng Đế - đã liên lạc với con người qua cơ bút, một hình thức đã từng được sử dụng trong đạo Lão, lại phổ biến ở phương Tây trong thời gian đó. Tính thiêng ban đầu của đạo Cao Đài được thể hiện qua việc cầu cơ. Tất cả đường lối, tôn chỉ, mục đích và giáo lý đạo đều được các Đấng Thiêng Liêng dạy qua cơ bút. Những người đầu tiên tham dự việc cầu cơ đều trở thành đệ tử của Đức Thượng Đế.

Nhìn chung, các tôn giáo bản địa có những điểm chung, nhưng không thể căn cứ trên thời điểm ra đời của mỗi tôn giáo để kết luận có sự kế thừa giữa các tôn giáo này, cũng như với các tôn giáo đã có trước đó. Bởi vì, bản chất đích thực của tôn giáo chỉ là phương tiện để giúp con người tìm đến chỗ duy nhứt của vũ trụ là ĐẠO, được hiểu như là năng lực và qui luật bất biến của vạn hữu, là chỗ xuất phát vạn hữu và cũng là chỗ vạn hữu qui về. Hiểu được như vậy thì mới có thể thấy được rằng nền tảng của tôn giáo chỉ có Một, cho dù ra đời cách đây mấy ngàn năm hay chỉ mới ra đời cách nay một thế kỷ.

Tuy nhiên, ngoài nền tảng chung được coi là chân lý , các tôn giáo đều phản ảnh nét riêng phù hợp nền văn hóa của dân tộc nơi nó khai sinh, biểu thị được tâm lý của dân tộc, mà nói theo tính thiêng của tôn giáo, có sự chọn lựa con người, không gian và thời gian cho mỗi một tôn giáo ra đời.

Chính vì vậy , các tôn giáo được khai sinh trên vùng đất Nam bộ đều đậm chất truyền thống dân tộc: tính khoan dung trong tín ngưỡng, tinh thần Tam giáo đồng nguyên, tinh thần yêu nước, trọng kính tổ tiên, nhớ ơn tiền nhân qua tôn chỉ, được thể hiện trong giáo lý các tôn giáo.

Nét đặc trưng chung của các tôn giáo bản địa là biểu tượng tôn giáo đều mang tính chất vô vi. (Tấm Trần Điều của Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ An Hiếu Nghĩa, Tấm Trần Dà của Phật giáo Hòa Hảo, Thánh tượng Thiên Nhãn của Cao Đài), cũng chính là nói lên tinh thần dung hợp tín ngưỡng truyền thống của người Việt.

Một điểm chung khác được tìm thấy trong các tôn giáo bản địa qua sinh hoạt tôn giáo nơi chùa, thất vào ngày sóc vọng trong tháng cũng như các cuộc lễ trong năm.Đó chính là hình thức sinh hoạt đình làng độc đáo của người Việt mà có lẽ vẫn còn lưu lại trong tâm thức những người Việt tha phương với lòng hoài niệm quê hương xưa cũ.

Một điều không thể không đề cập đến khi nói về các tôn giáo bản địa là đạo phục. Rõ ràng không sao chép hay bắt chước bất kỳ một tôn giáo nào trước đó. Chỉ là loại y phục truyền thống của người Việt với 2 màu đen, trắng. Đây không chỉ nói lên tinh thần dân tộc mà còn thể hiện ý chí bảo tồn văn hóa truyền thống, hàm chứa thái độ phản kháng nền văn hóa phương Tây du nhập lúc bấy giờ, nhất là qua việc để râu, tóc của các tín đồ tôn giáo bản địa.

Có khuynh hướng giữ gìn nền văn hóa dân tộc, nhưng các tôn giáo bản địa không loại trừ việc kết nạp những sự tiến bộ do người phương Tây mang lại được thể hiện qua việc tận dụng chữ quốc ngữ để làm phương tiện truyền đạo đồng thời có sự dung hợp truyền thống qua các thể điệu văn vần để diễn đạt giáo lý hay sấm giảng, một hình thức văn chương bình dân dễ đi vào lòng người, song song với những kinh sách chữ Hán.

Tuy nhiên, điều đáng nói là tất cả các tôn giáo nói chung, các tôn giáo bản địa VN nói riêng dù trên cơ sở nền tảng " vạn giáo đồng nhất lý", nhưng tùy theo trình độ đối tượng nhân sanh mà người lập giáo có thể lý giải những khái niệm tương đồng trong biểu tượng, giáo lý, nghi lễ… một cách khác nhau, nhưng vẫn không rời xa đích điểm cuối cùng là dẫn dắt con người quay trở về với phần thiện lương trong mỗi người để xây dựng nền móng cho việc sửa đổi nhân cách, hoàn thiện bản thân.

Kết luận:

Dù muốn dù không cũng phải nhìn nhận chừng nào con người còn hiện hữu, con người vẫn cần đến tôn giáo trong đời sống vì niềm tin của mỗi người về một hiện thực tâm linh siêu việt bên ngoài đời sống con người không bao giờ chấm dứt, cho dù con người có đạt đến trình độ văn minh đến đâu chăng nữa; do bởi "cái biết" của con người thì có hạn mà "cái không biết" thì vô hạn. Đã đến lúc con người cần nhìn tôn giáo với cái nhìn trung thực không thiên kiến, chủ quan để thấy rõ bản chất "phá chấp" cao quý và thiêng liêng của nó. Nguyên nhân bản chất của tôn giáo không bao giờ có thể tìm thấy được trên những luận cứ của bất cứ quan điểm nào . Ngày nào con người chưa để tôn giáo làm đúng vai trò và nhiệm vụ của nó là " con thuyền đưa khách về bến đỗ là Đạo" thì không chỉ các tôn giáo bản địa Việt Nam mà cả những tôn giáo ra đời cách đây mấy ngàn năm vẫn còn là câu hỏi đối với con người.
Lòng ham muốn của con người vô hạn. Không bao giờ có thể thỏa mãn hết, Đạo khai để cứu đời: ổn định trật tự xã hội khi tâm thức cá nhân con người savào chỗ dục vọng.

-Tôn giáo : phương tiện, công cụ giúp con người đạt đến chỗ chân thiện mỹ: Đạo . Tôn giáo là con thuyền đưa khách . …

-Tạo ra Quan niệm: Tôn giáo này lớn,nhỏ, tôn giáo ra đời sau, trước, kế thừa, bắt chước, …. Thật ra tôn giáo đều có chung một nền tảng chân lý: vạn giáo đồng nhất lý, nhắm đưa con người tìm đến chỗ gọi là Đạo.

-Tùy theo trình độ tiến hóa, văn minh, văn hóa, địa ly, hoàn cảnh lịch sử mà mỗi ton giáo ra đời chỗ này không phải là chỗ kia. Phật giáo< Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Nho giáo… để tái lập ổn định trật tự xã hội, bằng chính sự sửa sai của con người qua giáo lý là khuôn phép đạo đức chuẩn mực.

-Các tôn giáo bản địa VN ra đời trên vùng đất Nam bộ với những yếu tố đặc trưng.
 
Hồng Phúc

Học đạo để nên người thánh thiện,
Tu hành cần rèn luyện thân tâm,
Có thân, thân chớ đọa trầm,
Có tâm, tâm chớ lạc lầm phàm phu.

Đức Đông Phương Lão Tổ, CQPTGL, 04-6 tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây