Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
19/10/2015
Phó Giáo Sư TS. Nguyễn Thanh Xuân

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 20/10/2015

ĐẠO CAO ĐÀI VỚI DÂN TỘC

ĐẠO CAO ĐÀI VỚI DÂN TỘC PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân 

Đạo Cao Đài ra đời ở Nam Bộ vào đầu thế kỷ XX, đến nay là một trong những tôn giáo lớn ở Việt Nam với khoảng 2,5 triệu tín đồ, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, nhất là các tỉnh Nam Bộ. Đạo Cao Đài ra đời như một hiện tượng tôn giáo độc đáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX với nhiều nét đặc trưng riêng khác. Một trong những đặc trưng tiêu biểu của Cao Đài là quá trình gắn bó với dân tộc.

1. Đạo Cao Đài ra đời như một phong trào giải phóng dân tộc Nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân Nam Bộ nói riêng có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Từ khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng năm 1858, các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta không ngớt nổ ra với những hình thức và xu hướng khác nhau, càng về sau càng sôi nổi, quyết liệt. Chỉ một năm sau khi tấn công Đà Nẵng, năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Bộ là Gia Định, Định Tường và Biên Hòa. Sau đó, năm 1867, thực dân Pháp chiếm luôn cả ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Mặc dù nhà Nguyễn chống cự một cách yếu ớt rồi đầu hàng, nhưng nhân dân Nam Bộ quyết không chịu khuất phục đã liên tiếp đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.
 Đầu tiên phải kể đến cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Nguyễn Trung Trực (tức Nguyễn Văn Lịch) nổ ra ở Tân An nam 1861 sau lan rộng khắp vùng Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc cho đến khi ông bị giặc bắt năm 1868. Cùng với Nguyễn Trung Trục là cuộc khởi nghĩa của Trương Định năm 1862-1867 ở vùng Gò Công Tân An. Trong thời gian này, ở Nam Bộ còn có nhiều cuộc khởi nghĩa khác nổ ra ở các tỉnh miền Đông sau đó lan rộng dần đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ, như khởi nghĩa của nhân dân Gia Định do cử nhân Phan Văn Đạt và Lê Cao Dũng lãnh đạo năm 1861; khởi nghĩa của nhân dân Mỹ Tho, Tân An, Tháp Mười do các ông Nguyễn Hữu Huân (Thủ khoa Huân), Âu Dương Lân, Phan Công Tòng lãnh đạo năm 1862; khởi nghĩa của nhân dân vùng Tháp Mười, Vĩnh Long do Võ Duy Dương (Thiên hộ Dương), phối hợp với Trương Quyền lãnh đạo năm 1866; khởi nghĩa của nhân dân Trà Vinh do Lê Đình Đường lãnh đạo năm 1867; khởi nghĩa của nhân dân Bến Tre do Phan Tam và Phan Ngũ lãnh đạo năm 1867; khởi nghĩa của nhân dân Vĩnh Long do Lê Văn Quân, Đề đốc Triều, Đốc binh Say lãnh đạo năm 1868; khởi nghĩa của nhân dân Mỹ Tho, Vĩnh Long do chánh Đề đốc Nguyễn Hữu Vi lãnh đạo năm 1883,...

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nếu như ở miền Trung và miền Bắc nổi lên phong trào Cần Vương chống Pháp, thì ở Nam Bộ lại xuất hiện hình thức hoạt động hội kín với những tên gọi khác nhau như Nghĩa Hòa hội, Thái Bình hội, Phục Hưng hội, Ái Quốc hội,... và nhất là Thiên Địa hội do Phan Xích Long (Phan Phát Sanh) lãnh đạo nam 1913-1916. Đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam, xuất hiện phong trào Duy Tân do hai ông Phan Bội Châu (1867-1940) và Phan Châu Trinh (1872-1926) đề xướng và lãnh đạo hướng về Nhật Bản để Duy Tân chống Pháp với các tổ chức ra đời như như Duy Tân hội, Minh Tân hội. Ở Nam Bộ, phong trào Duy Tân tuy không diễn ra mạnh như ở miền Trung và miền Bắc nhưng nó có tác động tinh thần rất lớn đến nhân dân Nam Bộ, để sau này năm 1925, 1926, bùng lên cuộc đấu tranh mang nội dung dân tộc, dân chủ ở Sài Gòn, Gia Định xung quanh việc tổ chức đám tang Phan Châu Trinh, đòi thả Phan Bội Châu và Nguyễn An Ninh.
Tiếp nối phong trào Duy Tân theo khuynh hướng tư sản do các sỹ phu tiến bộ khởi xướng và lãnh đạo, đầu thế kỷ XX, nhất là những năm sau chiến tranh thế giới lần thứ I, ở Nam Bộ còn có phong trào vận động giải phóng dân tộc theo khuynh hướng tư sản, trực tiếp do tầng lớp tư sản, tiểu tư sản tiến hành. Cùng với các hoạt động đấu tranh bằng kinh tế, giai cấp tư sản ở Nam Bộ còn liên minh với địa chủ, tiểu tư sản thành lập các đảng phái để tiến hành đấu tranh chính trị. Năm 1923, Bùi Quang Chiêu cùng với Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Phan Long,... lập ra đảng Lập hiến; năm 1926, Nguyễn Trọng Hy, Trần Huy Liệu cùng một số tư sản, tiểu tư sản trí thức tại Sài Gòn lập ra đảng Thanh niên. Cũng năm 1926, Nguyễn An Ninh - một tri thức Tây học, chịu ảnh hưởng Cách mạng tư sản dân quyền Pháp cùng với Phan Văn Trường lập đảng Thanh niên Cao vọng,... Như vậy, từ khi Pháp xâm lược cho đến khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhân dân Nam Bộ đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp.

Tuy nhiên, do hạn chế của lịch sử, nhất là do hạn chế về lực lượng lãnh đạo và đường lối lãnh đạo, nên các cuộc nổi dậy của nhân dân Nam Bộ chống Pháp xâm lược, cũng như ở miền Bắc và miền Trung, đều bị thất bại. Bị áp bức bóc lột, bị đói khổ, bần cùng, lại bị thất bại bế tắc trong cuộc đấu tranh chống Pháp, một bộ phận nhân dân Nam Bộ đã tìm đến với tôn giáo, tìm đến với đạo Cao Đài. Tìm đến với đạo Cao Đài vì đạo Cao Đài do tầng lớp trên - công chức, trí thức, địa chủ, tư sản - những người có tinh thần yêu nước, bất bình với Pháp, sáng lập. Đặc biệt thời kỳ đầu, đạo Cao Đài còn quan tâm đến vấn đề chính trị xã hội đương đại, còn bàn đến việc “chống Pháp”, do đó đã thu hút người dân tin theo. Quần chúng theo đạo Cao Đài đáp ứng được cả hai nhu cầu: đời sống tâm linh tôn giáo và thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc. Đây là điều mà ông Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá đạo Cao Đài ra đời như là một Phong trào dân tộc đầu thế kỷ XX.

 2. Đạo Cao Đài gắn bó với cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Thời kỳ đầu sau khi ra đời, đạo Cao Đài tập trung vào các hoạt động tôn giáo mở rộng lực lượng, hoàn chỉnh hệ thống giáo lý, luật lệ lễ nghi, cách thức hành đạo, củng cố tổ chức,... Những nỗ lực này gặp được môi trường xã hội thuận lợi nên đã nhanh chóng đưa đạo Cao Đài trở thành một lực lượng xã hội quan trọng ở Nam Bộ. Đặc biệt vào những năm 1940, 1950 khi tình hình chính trị xã hội ở Nam Bộ diễn biến sôi động và phức tạp, đạo Cao Đài thành một đối trọng chính trị ở Nam Bộ. Trong bối cảnh đó, trước năm 1975, trừ một bộ phận chức sắc bị các thế lực đế quốc lợi dụng, lún sâu vào các hoạt động chính trị, còn tuyệt đại đa số tín đồ và số đông chức sắc đi với cách mạng, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trước hết phải kể đến các hoạt động ủng hộ, tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám của tín đồ, chức sắc các phái Cao Đài Minh Chơn Đạo, Ban Chỉnh Đạo, Tiên Thiên,… ở các địa phương như Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Vĩnh Long,… Các chức sắc nổi bật trong thời kỳ này là các ông Cao Triều Phát (Cao Đài Minh Chơn Đạo), Phan Văn Tòng, Nguyễn Văn Ngợi,… (Cao Đài Tiên Thiên), Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Nhật, Phạm Hồng Tiên, Nguyễn Chánh Nhì,… (Cao Đài Ban Chỉnh Đạo), Đặng Trung Chữ, Trần Văn Xương (Cao Đài Tây Ninh),…
Đặc biệt lịch sử đạo Cao Đài còn ghi đậm dấu son “Mặt trận Giồng Bốm” của các chiến sỹ Áo trắng của Cao Đài Minh Chơn Đạo, dưới sự chỉ huy của ông Cao Triều Phát - mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của nhân dân ta. Trong chín năm kháng chiến chống, tín đồ, chức sắc Cao Đài tham gia một cách chủ động và tích cực. Đặc biệt là đạo Cao Đài tham gia kháng chiến với tư cách tổ chức với việc hình thành tổ chức “Cao Đài Cứu quốc Mười hai phái Thống nhất”. Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện chủ trương mở rộng các đoàn thể cứu quốc của Xứ ủy Nam Bộ và Kỳ Bộ Việt Minh, tổ chức Cao Đài Cứu quốc được hình thành vào tháng 6 năm 1947, tồn tại hoạt động cho đến năm 1954, dưới sự dẫn dắt của các ông Cao Triều Phát, Nguyễn Ngọc Nhựt, Trần Minh Nhựt, Lê Ngọc Cự, Nguyễn Văn Khảm, Phạm Hồng Tiên,…
Điều mà các tổ chức tôn giáo khác không làm được là trong quá trình hoạt động Cao Đài Cứu quốc Mười hai phái Thống nhất đã hình thành tổ chức từ cấp trung ương xuống các cấp tỉnh, huyện, xã và các Họ đạo Cao Đài thu hút đông đảo chức sắc, tín đồ các phái Cao Đài ở 18 tỉnh Nam Bộ tham gia. Đánh giá và nghi nhận thành tích của Cao Đài Cứu quốc Mười hai phái Thống nhất, Nhà nước đã tặng Huân chương Kháng chiến hạng hai. Riêng ông Cao Triều Phát được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huân chương Độc lập hạng hai. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, mặc dù Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường kiểm soát, theo dõi gắt gao các hoạt động của đạo Cao Đài, nhưng bằng sự thông minh và linh hoạt, các hệ phái Cao Đài vẫn có những hoạt động yêu nước phù hợp với hoàn cảnh. Đó là phong trào đấu tranh hợp pháp đòi thi hành Mỹ và chính quyền Sài Gòn thi hành Hiếp định Giơ-ne-vơ vào cuối nhưng năm 1950 dẫn đến việc ra đời Liên giao I vào năm 1955, “đấu tranh hòa bình” vào đầu những năm 1970 để dẫn đến ra đời Liên giao II vào năm 1972. Ở đây ngoài những yếu tố yêu nước vốn có trong đạo Cao Đài còn có vai trò của những người lãnh đạo các hệ phái như ông Nguyễn Ngọc Tương - Giáo tông Cao Đài Ban Chỉnh Đạo, ông Phan Văn Tòng - Giáo tông Cao Đài Tiên Thiên, ông Nguyễn Văn Ca - Chưởng pháp Cao Đài Minh Chơn Lý,...

Đặc biệt là ông Cao Triều Phát - Chưởng pháp Cao Đài Minh Chơn Đạo - một chí sĩ Nam Bộ có đủ uy tín và ảnh hưởng để tập hợp lực lượng tín đồ, chức sắc tạo ra phong trào yêu nước của đạo Cao Đài trong kháng chiến chống Pháp. Cũng phải kể đến chính sách đối với tôn giáo nói chung, đối với đạo Cao Đài nói riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cách mạng dân tộc dân chủ đã thu hút đông đảo tín đồ, chức sắc đạo Cao Đài tham gia cách mạng. Trong khi chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ để có một thống kê đầy đủ về thành tích của tín đồ, chức sắc đạo Cao Đài với cách mạng nói chung, nhưng qua một số báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ (2006), xin nêu số liệu ban đầu về những đóng góp của một số chi phái Cao Đài trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cụ thể như sau: - Cao Đài Bạch Y có 1.250 tín đồ, chức sắc trực tiếp tham gia cách mạng, trong đó có 46 liệt sỹ, 10 thương binh, 130 gia đình có công với cách mạng, 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng, được thưởng 61 huân huy chương. Riêng Hội thánh Bạch Y được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tặng hai Huân chương giải phóng.

- Cao Đài Ban Chỉnh Đạo có 50.376 tín đồ, chức sắc trực tiếp tham gia cách mạng, trong đó có 2.995 liệt sỹ (kháng chiến chống Pháp có 478 liệt sỹ, kháng chiến chống Mỹ có 2.408 liệt sỹ), 456 thương binh, 4.399 gia đình có công với cách mạng, 158 bà mẹ Việt Nam anh hùng, được tặng thưởng 7.021 huân huy chương. Riêng Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo được tặng thưởng Huân chương hạng nhì, gia đình Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương được tặng thưởng Huân chương hạng nhất.
 - Cao Đài Cầu Kho Tam Quan có 67 chức sắc, 2.154 tín đồ trực tiếp tham gia cách mạng, trong đó có 55 liệt sỹ, 61 thương binh, 62 gia đình có công với cách mạng, 14 bà mẹ Việt Nam anh hùng, được thưởng 140 huân huy chương, 262 bằng khen, giấy khen.
 - Cao Đài Chơn Lý có 80 chức sắc, 1.336 tín đồ trực tiếp tham gia cách mạng, trong đó có 56 liệt sỹ, 29 thương binh, 42 gia đình có công với cách mạng, 11 bà mẹ Việt Nam anh hùng, được tặng thưởng 26 huân huy chương.
 - Cao Đài Chiếu Minh Long Châu có gần 1.000 tín đồ, chức sắc trực tiếp tham gia cách mạng, trong đó có 16 người là Đảng viên Đảng Cộng sản, 23 chức sắc tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng các cấp, 21 liệt sỹ, được tặng thưởng 23 huân huy chương.
 - Cao Đài Minh Chơn Đạo có 19.000 tín đồ, chức sắc trực tiếp tham gia cách mạng, trong đó có 1.494 liệt sỹ; 26 gia đình có 03 liệt sỹ trở lên, 50 gia đình 02 liệt sỹ; có 114 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 04 anh hùng lực lượng vũ trang, được tặng thơởng 7.804 huân huy chương, trong đó riêng cho Hội thánh Minh Chơn Đạo hai Huân chương hạng nhất (tặng năm 1969 và 1975) cho Toà thánh Ngọc Sắc hai Huân chương hạng nhì (01 huân chương tặng ba trăm ngày đấu tranh chống khủng bố, 01 huân chương tặng ngày 30 tháng 4 năm 1975).
 - Cao Đài Tây Ninh có 47 chức sắc, 568 tín đồ trực tiếp tham gia cách mạng, 52 thương binh, 24 bà mẹ Việt Nam anh hùng, được tặng thưởng 316 huân huy chương, 202 bằng khen, giấy khen.
 - Cao Đài Tiên Thiên có 263 chức sắc, 1.433 tín đồ chức sắc trực tiếp tham gia cách mạng, trong đó có 119 liệt sỹ, 136 thương binh, 34 bà mẹ Việt Nam anh hùng, được tặng thưởng 441 huân huy chương, 316 bằng khen, giấy khen,...
Những thành tích nói trên của đồng bào theo đạo Cao Đài đã góp phần cùng với các tầng lớp nhân dân làm nên thắng lợi to lớn của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đồng thời là tiền đề vững chắc cho đạo Cao Đài tiếp nối đường hướng "Nước vinh, Đạo sáng" trong thời kỳ đổi mới của đất nước.

3. Đạo Cao Đài là tôn giáo lưu giữ văn hóa dân tộc Đạo Cao đài được coi là tôn giáo nội sinh, một tôn giáo không chỉ có quán trình gắn bó với dân tộc mà còn là tôn giáo truyền thừa và lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc. Phật - Lão - Nho có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, có lúc hung thịnh, có lúc suy vi, nhưng đã góp phần tạo ra tâm lý lối sống phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong quá trình tồn tại đã hình thành tư tưởng “Tam giáo đồng tôn”, “Tam giáo đồng nguyên” khá sâu sắc trong nhân gian. Tuy nhiên đến đầu thế kỷ XX, từng tôn giáo cụ thể Phật, Lão, Nho bị sa sút, và tư tưởng Tam giáo cũng bị mai một bởi sự thâm nhập của tôn giáo tín ngưỡng khác, của sự biến đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong bối cảnh đó, đạo Cao Đài ra đời đã lấy tư tưởng Tam giáo cùng với văn hóa tín nguỡng truyền thống làm hạt nhân của giáo lý và xây dựng luật lệ, lễ nghi, cách thức hành đạo. Trong lịch sử tư tưởng nói chung, lịch sử tôn giáo nói riêng, các học thuyết tư tưởng, các giáo thuyết ra đời sau đều kế thừa tiếp nối những giáo thuyết và tư tưởng trươớc đó. Đạo Phật ra đời đã kế thừa giáo thuyết Bà-la-môn và các học thuyết triết học của Ấn Độ cổ đại; Ki-tô giáo ra đời đã kế thừa giáo thuyết Do Thái giáo và tư tưởng duy tâm của triết học Hi Lạp và La Mã cổ đại; đạo Hồi ra đời đã kế thừa giáo thuyết Do Thái giáo và Ki-tô giáo,...
 Việc hình thành giáo lý, luật lệ lễ nghi, cách thức hành đạo của đạo Cao Đài cũng mang tính kế thừa những tư tưởng tôn giáo trước đó, nhất là tư tưởng Tam giáo và những nét văn hóa tín ngưỡng Nam Bộ. Do đó, có thể coi đạo Cao Đài là sản phẩm điển hình và trực tiếp của tư tưởng Tam giáo, hay nói cách khác đạo Cao Đài ra đời là một trong những nỗ lực phục hồi và duy trì tư tưởng Tam giáo ở Việt Nam. Sự xâm lược và thống trị của thực dân Pháp, lẽ tất nhiên kéo theo sự thâm nhập của văn hóa tín ngưỡng phương Tây vào Việt Nam, nhất là vùng đất Nam Bộ, nơi Pháp duy trì chế độ trực trị. Trong bối cảnh đó đạo Cao Đài ra đời tiếp nối tư tưởng Tam giáo nên được coi là hiện tượng trở về nguồn góp phần lưu giữ và bảo vệ văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Tuy nhiên, sự thâm nhập của văn hóa tín ngưỡng và lối sống phương Tây không chỉ là những điều tiêu cực mà còn chứa đựng những nội dung tiến bộ, tích cực. Ở một mức độ nhất định, đạo Cao Đài đã có sự tiếp thu văn hóa tín ngưỡng phương Tây. Trên bàn thờ của đạo Cao Đài ngoài những nhân vật thờ phụng quen thuộc như: Phật Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử, Quan Thế Âm,... còn có Chúa Giê-su,...

Trong hệ thống chức sắc có cả nam phái và nữ phái cùng phẩm cấp, quyền lực như nhau thể hiện tư tưởng nam nữ bình đẳng. Đặc biệt trong sinh hoạt về tổ chức thể hiện tinh thần dân chủ theo cơ chế “tam đầu chế” (tam viện): lập pháp - hành pháp - tư pháp. Do đó, có thể nói đạo Cao Đài ra đời xét về khía cạnh tư tưởng văn hóa, và ở một chừng mực nhất định, còn là giải pháp văn hóa vừa góp phần bảo vệ văn hóa tín ngưỡng truyền thống, vừa tiếp thu văn hóa phương Tây trong quá trình tiếp biến văn hóa ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Nói một cách khác, đạo Cao Đài đã bảo vệ văn hóa dân tộc trong điều kiện thâm nhập của văn minh phương Tây.

 4. Đạo Cao Đài trong thời kỳ đổi mới Luồng gió đổi mới vào giữa những năm 1980 đã đưa đến cái nhìn mới của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực kinh tế văn hóa, xã hội, trong đó có vấn đề tôn giáo. Trên cơ sở đánh giá thực trạng tình hình tôn giáo ở Việt Nam, dựa vào quan điểm Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, Đảng và Nhà nước đã nhìn lại và đổi mới trong việc nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo. Với phương pháp khoa học, tôn trọng khách quan, quy luật, không chủ quan duy ý chí, Đảng và Nhà nước có nhận thức và quan điểm đổi mới rất căn bản về tôn giáo, trong đó xác định tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực về văn hóa, đạo đức của các tôn giáo; đồng thời thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đổi mới về tôn giáo đã đưa đến đánh giá khách quan và đúng đắn về đạo Cao Đài, trong đó có nhận thức đạo Cao Đài ra đời là một sản phẩm xã hội tất yếu ở Nam Bộ giai đoạn từ sau chiến tranh thế giới lần thứ I đến truớc Cách mạng Tháng Tám, không phải kết quả của một toan tính chính trị hoặc chịu sự chi phối của lực lượng chính trị nào, đạo Cao Đài không phải là “tổ chức chính trị dưới dạng tôn giáo” như¬ một số người quan niệm.
Không những thế, đạo Cao Đài ra đời như một phong trào yêu nước, phong trào dân tộc, quá trình phát triển của đạo Cao đài là quá trình đi với cách mạng và gắn với dân tộc. Đạo Cao Đài là một tôn giáo, một thực thể tồn tại trong xã hội, phải đối xử với đạo Cao Đài là một tôn giáo như những tôn giáo khác ở Việt Nam, đồng thời phải ghi nhận, nâng đỡ và phát huy mặt tích cực về tôn giáo, văn hóa đối với dân tộc, với đất nước. Với cách nhìn nhận, đánh giá như nói trên, công tác đối với đạo Cao Đài thời kỳ đổi mới là việc bình thường hóa các hoạt động, nhất là hoạt động về tổ chức của đạo Cao Đài. Do đặc điểm đạo Cao đài có nhiều chi phái nên việc công nhận tổ chức được thực hiện theo từng hệ phái. Trong khoảng thời gian từ 1995 đến năm 2000 lần lượt các hệ phái Cao Đài được công nhận tư cách pháp nhân về tổ chức và mọi sinh hoạt tôn giáo và hoạt động của chức sắc và tổ chức giáo hội đều bình thường theo quy định của pháp luật. Điều đặc biệt quan tâm, cùng với việc công nhận tư các pháp nhân về tổ chức và bình thường hóa các hoạt động tôn giáo, các hệ phái Cao Đài đều nỗ lực xây dựng đường hướng hoạt động trong thời kỳ mới theo xu hướng tiến bộ, thể hiện trên ba khía cạnh: một là hoạt động tôn giáo thuần túy theo đúng giáo lý, luật lệ, lễ nghi truyền thống; hai là hoạt động tôn giáo gắn với bó với dân tộc, đất nước, thực hiện mục tiêu “Nước vinh, Đạo sáng”; ba là hoạt động tôn giáo tuân thủ quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước. Việc hình thành đường hướng tiến bộ của các Hội thánh Cao Đài dựa trên truyền thống yêu nước và đoàn kết dân tộc của người Việt Nam, dựa trên truyền thống và những thành tích hoạt động yêu nước của đạo Cao Đài; đồng thời phản ánh sự kết hợp hài hòa giữa tôn giáo và xã hội, sự tương đồng giữa tôn giáo và cách mạng. Thay lời kết luận - Đạo Cao Đài là một trong số ít tôn giáo được sinh ra tại Việt Nam, là một tôn giáo lớn ở Việt Nam. Trong quá trình ra đời và phát triển, tự bản thân đạo Cao Đài, cùng những tác động của các yếu tố chính trị, xã hội, đạo Cao Đài đã hình thành truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc. - Điểm nổi bật của nội dung dân tộc, hay nói chính xác hơn quá trình gắn bó với dân tộc của đạo Cao Đài là đi với cách mạng, gắn bó với đất nước. Đây là trục chính của mối quan hệ của đạo Cao Đài với dân tộc trong quá trình ra đời và phát triển của đạo Cao Đài. - Có thể nói, từ khi đất nước đổi mới đến nay, tín đồ, chức sắc các Hội thánh Cao Đài ngập tràn niềm vui của sự chấn hưng nền Đạo theo đúng chính pháp, của sự tôn trọng và hỗ trợ của Nhà nước và sự đảm bảo của pháp luật. Đạo Cao Đài thật sự khẳng định được vị trí của mình trong lòng dân tộc Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo: 1. Lữ Minh Châu, Lễ nhạc của Cao Đài góp phần vào đa dạng văn hóa Việt Nam, Hội thảo quốc tế Ban Tôn giáo Chính phủ với Liên minh châu Âu- EU, 2013. 2. Cao Bạch Liên, Giồng Bốn xưa & nay, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2014. 3. Phan Văn Hoàng, Cao Triều Phát, Nghĩa khí Nam Bộ, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh 2001. 4. Nguyễn Văn Trạch, Đạo Cao Đài góp phần xây dựng xã hội đạo đức truyền thống Việt Nam- Hội thảo quốc tế Ban Tôn giáo Chính phủ với Liên minh châu Âu- EU, 2014. 5. Nguyễn Thanh Xuân, Đạo Cao Đài- Hai khía cạnh lịch sử và tôn giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2013.
Phó Giáo Sư TS. Nguyễn Thanh Xuân
ĐẠO CAO ĐÀI VỚI DÂN TỘC / Phó Giáo Sư TS. Nguyễn Thanh Xuân

Cõi trần thế bể dâu lắm lúc,
Vòng trái oan câu thúc bao lần,
Sắc tài danh lợi ái ân,
Trăm năm ràng buộc tấm thân đọa đày.
Sớm giác ngộ con quày bước lại,
Phá vô minh đoạn máy luân hồi,
Đạo là lẽ sống con ôi,
Trong con thì Đạo, đất trời là tâm.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 14-8 Nhâm Tuất

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây