Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
07/06/2021
Nhip cầu Giáo lý

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 07/06/2021

KỶ YẾU CAO ĐÀI GIÁO LÝ 2

 

1.      CHÂN DUNG NGƯỜI TÍN HỮUCAO ĐÀI

                                                                                                            Hồng Phúc

 Cách đây hơn 80 năm một sự kiện hi hữu chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại đã xảy ra trên đất nước VN, Đức Thượng Đế giáng trần khai mở một đại cuộc cứu độ trong thời Hạ nguơn mạt pháp, nhằm giúp loài người thoát khỏi những bế tắc trong đời sống nhân sinh, đồng thời nhận ra nguồn cội tâm linh mà quay về cho kịp với tiến trình của vũ trụ.

Sự kiện hi hữu đó đã khởi đầu cho sự hình thành một nền tôn giáo mới với danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay đạo Cao Đài mà Giáo chủ chính là Đấng Tạo Hóa đã khai sinh muôn loài vạn vật, tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Ngài đã chọn đất nước VN  làm điểm xuất phát  để mở cơ tận độ  cùng với sự phò tá của các vị Giáo Tổ và toàn thể chư Phật Tiên Thánh Thần đã từng có mặt trong Nhứt và Nhị Kỳ Phổ Độ.

Từ đó, hình ảnh của người tín đồ Cao Đài trong bộ đạo phục màu trắng cũng là quốc phục truyền thống của người Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện, và ngày nay đã trở nên hết sức quen thuộc không chỉ với người Việt trong nước mà còn ở nhiều quốc gia có người Việt định cư. Và có thể nói rằng, nếu trên thế giới, chiếc áo dài là hình ảnh của người Việt, không lẫn lộn với bất cứ dân tộc nào, thì đạo phục Cao Đài cũng hết sức đặc trưng tiêu biểu cho một  nền tôn giáo dân tộc thuần tuý Việt Nam.

 Điều đáng nói là với đạo Cao Đài, đạo phục không chỉ dành riêng cho giới xuất gia như các tôn giáo khác, mà cho toàn thể tín đồ, có nghĩa là khi đã nhập môn vào đạo, đương nhiên người tín đồ phải có đạo phục là bộ đồ dài trắng, nam cũng như nữ, nam phái có thêm chiếc khăn đống đen hình chữ “nhân” để mặc khi đến chùa thất, và cả khi cúng lạy ở tư gia.  Hình ảnh người tín đồ trong bộ đạo phục trắng, nhất là nam phái, theo nhiều người,  thể hiện nét hiền lành, trang nghiêm, chân chất nhưng đồng thời pha lẫn một chút quê mùa, thủ cựu, thậm chí phảng phất một sự hạn chế về tri thức; nhưng là điểm nổi bật của tôn giáo Cao Đài khi so sánh với tín đồ các tôn giáo khác lúc hành lễ nơi Thánh sở.


                    Đạo Trưởng Huệ Lương

 

80 năm là một thời gian dài đối với một đời người nhưng không thấm vào đâu so với tuổi của một nền tôn giáo. Cho nên cũng không gì đáng ngạc nhiên khi mà tôn giáo Cao Đài vẫn còn là một ẩn số đối vơi đa số nhơn sanh; hơn nữa đây lại là một tôn giáo hết sức đặc biệt: Giáo Chủ là một Đấng vô hình siêu phàm thống trị cả càn khôn thế giới  giáng trần cùng với các vị Giáo Tổ của thời đại mấy ngàn năm  trước tưởng chừng như là truyền thuyết và các Đấng Thiêng Liêng  tưởng chừng như muôn đời chỉ hiện hữu qua kinh sách,... Tất cả lại cùng xuất hiện, qua huyền cơ diệu bút nói chuyện với con người, không chỉ là những câu chuyện đạo lý, dạy làm lành lánh dữ nơi cõi thế gian, mà còn mang đến trao cho con người giữa  thời đại văn minh khoa học rực sáng một sứ mạng trọng đại cao cả chưa từng có trong lịch sử tôn giáo mà lời dạy của Đức Thái Thượng Đạo Tổ, Giáo Tổ của đạo Lão, một tôn giáo theo đường lối Tiên đạo ra đời cách đây mấy ngàn năm mà con người từng biết qua kinh sách, ngày nay lại tiếp tục  “ra tay dẫn độ dày công giúp đời” trong Tam Kỳ Phổ Độ như một sự khẳng định:

“Trong cõi vô thường cuộc đời giả tạm mà lại có các hàng Giáo chủ – Tiên, Phật, Thánh – ra đời để giác ngộ, hầu khải ngộ dẫn dắt quần sanh. Chư môn đồ đang thực hiện sứ mạng để tiếp nối các việc làm của hàng Giáo tổ Thánh nhơn trong hai kỳ trước. Vậy mỗi một tín đồ của Đại Đạo là một Thiên ân. Mỗi một Thiên ân là một sứ mạng phải hoàn thành khi đã được Đấng Chí Tôn Thượng Đế ban trao.”[1]

 

Lời dạy này đã xác định vai trò của người tín đồ Cao Đài hết sức vĩ đại là “tiếp nối các việc làm của hàng Giáo tổ Thánh nhơn trong hai kỳ trước”trong  vị trí “mỗi một tín đồ của Đại Đạo là một Thiên ân” với trách nhiệm vô cùng lớn lao : “Mỗi một Thiên ân là một sứ mạng phải hoàn thành khi đã được Đấng Chí Tôn Thượng Đế ban trao.”

 

Như vậy, rõ ràng  bên trong hình ảnh người tín đồ ĐĐTKPĐ hết sức tầm thường lại có chút gì đó quê mùa  trước mắt mọi người phải chứa đựng cả một giá trị tưởng chừng như không thể có được trong tư duy thời đại. Nhưng đó lại là chân lý, bởi lẽ, dù mang hình thức tôn giáo, nhưng đạo Cao Đài lại do chính Đấng Toàn Tri Toàn Năng khai mở để hướng đến một vận hội mới cho tâm linh nhân loại vượt khỏi chiếc vỏ tôn giáo vươn lên tầm vóc Đại Đạo được thể hiện qua lời dạy của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ:

“Khêu tỏ lý đồng nguyên và qui nguyên, khai sáng tâm linh, đưa con người lên tầm vóc Đại Đạo. Ngước mắt nhìn lên bầu trời to rộng, vượt ra đại dương trời nước bao la, chắp cánh bay bổng khắp 4 phương trời để phục vụ nhân loại, phụng sự Thiên cơ, phụng sự Đại Đạo, làm theo lòng Trời Đất.”

 

Những dòng Thánh ngôn dạy đạo với văn từ trau chuốt, văn phong trang nhã, ý tứ sâu sắc, nội dung hàm chứa ý chí mạnh mẽ nhưng đầy tình thương này đã gợi nhớ đến hình ảnh của nhà thơ Lý Bạch đời Đường năm xưa mà vẫn luôn đọng lại trong tâm tưởng hậu thế với những nét hào hùng thi vị của một bậc nhân tài vẹn toàn nhân trí dũng.

 

Cuộc đời của Ngài cũng bình thường như bao nhiêu con người khác trên thế gian, cũng vẫn là những hạnh phúc mong manh xen lẫn khổ đau của kiếp người; vẫn là chuỗi tiếp nối của sự  hợp tan-tan hợp, vốn là qui luật của cõi tạm trần ai. Tuy nhiên, sống giữa những điều kiện thuận lợi về vật chất trong khung cảnh hưởng thụ của triều đình vương giả, Ngài vẫn tỏ rõ được tính chất "cư trần bất nhiễm trần", không hề bị vật chất lôi cuốn làm mê đắm, ngược lại, Ngài luôn giữ được được điểm Đạo tự hữu, tròn câu nhân đạo, vẹn bước đại thừa để:“Tánh Tiên, muôn kiếp, vẫn chưa tàn.” Ngài không chỉ là một đại thi hào đã để lại trong kho tàng văn chương nhân loại những vần thơ trác tuyệt như người đời đã biết, mà Ngài còn  là một trang kiếm khách luôn hành đạo giúp đời, và vượt lên trên hết, Ngài là một đạo sĩ  luyện đơn đạt đến mức tâm Ngài đã hòa quyện cùng gió, cùng trăng, huyền đồng cùng vũ trụ. Người đời cứ tưởng Ngài say men rượu, nhưng thực ra Ngài đã đạt đến tâm vô phân biệt của người hành giả trên bước đường công phu “Một bầu phong nguyệt, say ngơ ngáo”. Và Ngài đã trở về nơi chốn vĩnh hằng bất biến trở nên Con-Người-Muôn-Thuở-Muôn-Phương. Để  đến Tam Kỳ Phổ Độ, Ngài có mặt trong vai trò Nhứt Trấn Oai Nghiêm, thay mặt Đức Chí Tôn Cao Đài điều hành cơ tận độ, dẫn dắt đàn em nơi chốn hồng trần theo con đường mà Ngài đã từng đi qua trong kiếp làm người.

 

Nhắc lại chuyện xưa trong tinh thần“ôn cố-tri tân”, để qua hình ảnh của nhà thơ Lý Bạch thuở xưa và sự hiện hữu của Đức Thái Bạch Kim Tinh trong Tam Kỳ Phổ Độ có thể thấy được giá trị thực sự  của người môn đệ Cao Đài hết sức to lớn; song le, dường như con người vẫn còn lơ là, chưa thực sự quan tâm tin tưởng đến giá trị đã được Thiêng Liêng ban cho. Bởi vì một người sau khi đã nhập môn, lập lời thệ nguyện trước Thiên bàn thì dù muốn dù không đã được coi là người đạo Cao Đài, nhưng có trở nên người-tín –đồ- Đại Đạo trong ý nghĩa “mỗi tín đồ ĐĐ là một Thiên ân” hay không thì còn tùy thuộc vào giá trị mà người đó tạo được cho mình.

 

Có những người đạo Cao Đài mãi mãi vẫn  đóng khung trong lối mòn tín ngưỡng mua chuộc thần quyền để mong cầu những điều ích lợi riêng tư hoặc một sự chở che vô hình như Thầy đã đề cập ngay từ buổi đầu khai Đạo: “Phần nhiều trong các con chẳng để lòng thờ kính Thầy, tưởng cho đem thờ Thầy vào nhà là chủ ý cầu một việc lợi riêng chi cho gia quyến vậy thôi, chớ chẳng hiểu là một nguồn trong sạch để rửa các lỗi phàm tục của các con. Nhiều đứa lại còn mơ hồ, đã thờ Thầy mà còn chưa chắc ý rằng thờ đặng chi và mở Đạo ra có ích gì?[2]!

           

Cũng có những người đạo Cao Đài theo Đạo do bởi truyền thống gia đình hay vì  thấy đời đau khổ muốn tìm một chỗ dựa cho tâm linh,  nhưng lại an phận trong suy nghĩ hạn hẹp, hoặc do trình độ hạn chế, thiếu người hướng dẫn, cứ tưởng nhập môn rồi, trong nhà thượng tượng thờ Thầy, ăn chay một tháng đủ 10 ngày, 2 ngày sóc vọng tới chùa cúng lạy, đọc kinh là đã đủ bổn phận của người tín đồ. Người đạo Cao Đài loại này vẫn còn là số đông, cũng chưa thực hiện được phận sự của người tín đồ,  Thầy đã than:

“Than ôi! Đã bước chân vào đường đạo hạnh mà chẳng để công tìm kiếm, học hỏi cho rõ ngọn nguồn thì làm phận sự môn đệ như thế có ích chi cho nền Thánh giáo đâu”[3]

 

            Một thành phần khác tiến bộ hơn,  vào đạo rồi có biết đến giới luật căn bản là Ngũ giới cấm, biết điều tội phước, nhưng vẫn chưa thấy được trách nhiệm của mình khi vào đạo, do bởi ít đọc Thánh giáo, không học hỏi đạo lý, không quan tâm đến việc tu sửa  thân tâm, mà tu hành theo chiều mê tín. Đức Giáo Tông đã cảnh báo:

 

“Trong hàng giáo phẩm thiên phong chức sắc cũng như chức việc tín hữu, đừng tưởng rằng mình đã nhập môn rồi với mỗi tháng mấy ngày chay, đi chùa thất cúng bạc hiến tiền là được vào hàng con cưng của Trời Phật, và các đấng Thiêng Liêng sẽ hộ trì cho đến ngày thành Tiên tác Phật; vẫn bị đọa như thường nếu không tìm hiểu được đâu là chánh tín, đâu là mê tín tà niệm. Nếu nhập môn rồi mà không cố gắng  học hỏi đạo lý, hiểu việc nào nên làm, nên nói, nên suy nghĩ và điều nào không nên làm, không nên nói, không nên suy nghĩ, không rèn luyện bản tâm cho thuần chơn, không chế ngự thất tình lục dục để chúng tự do loạn động.

Thượng Đế thương đời, đã đem các giáo lý từ khó đến dễ để kêu gọi thức tỉnh người đời, chớ Thượng Đế không bảo người đời quá chú trọng về mặt hình thức dập đầu cầu Phật. Nếu trong lúc ấy tâm thức chưa được mở mang thì tâm linh vẫn còn lúng túng trong bức màn vô minh, thì dầu có giữ đạo ngàn đời muôn kiếp cũng vẫn mãi còn lên xuống lặn hụp trong bánh xe luân.”[4]

 

Với người đạo Cao Đài đi theo con đường chơn đạo vô vi, lại tưởng mình hết lòng tu luyện bản thân là đủ, không cần quan tâm đến thế sự cuộc đời. Cũng chưa phải là người- tín- đồ- Cao- Đài đúng nghĩa như lời nhắc nhở của Đức Chí Tôn  trong TNHT:

 

“ Trong các con có nhiều đứa lầm tưởng hễ vào đạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện đạo. Thầy nói cho các con biết nếu công quả chưa xong thì không thế nào các con luyện thành  đặng đâu mà mong. Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế này thì tìm cách khác mà làm âm chất thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng thể đạt địa vị tối cao. Các con phải hiểu Thánh ý Thầy mà trau giồi chí lớn.” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q-I)

 

            Tuy nhiên, qua mấy mươi năm đạo Cao Đài xiển dương chánh pháp trên đất nước Rồng Tiên, cũng không ít người đã tự vẽ được chân dung người- tín –đồ- Cao- Đài của mình một cách rực rỡ để thực chứng cho những trãi nghiệm làm niềm tin cho các thế hệ tiếp nối đạo nghiệp. Đó là các bậc Tiền Khai Đại Đạo, những người đệ tử ban sơ của Đức Cao Đài, sau khi trở về nơi chốn vô sanh đã gởi lại đàn em những vần thơ nhắn nhủ xác nhận con người nếu một lòng quyết tâm tu học, giúp đời  thì cũng sẽ tiến hóa lên hàng Tiên Phật:

 

Trần gian  là chốn tiến thân,

Từ thân huyết nhục nên Thần Phật Tiên;

Người xưa nên bậc Thánh hiền,

Người nay sẽ cũng Phật Tiên sắp thành[5]

 

 

            Không chỉ các bậc Tiền Khai công lớn với đạo, mà còn có những người đạo Cao Đài rất bình thường cũng đã tự họa được cho mình bức chân dung người- tín- đồ-Cao- Đài nhờ đức từ bi giúp sức của Ơn Trên, cho người đời thấy được lẽ huyền vi của Trời Đất, để mau tiến bước trên đường sứ mạng tự độ, độ tha như  Chơn Thường Đạo sĩ, lúc sanh tiền là một bác sĩ , may duyên giờ phút cuối cùng tìm về với Đạo. Sau khi về chốn vĩnh hằng, Ngài được ban ơn trở về tâm sự với bạn đồng môn còn ở chốn thế gian:

Một ngàn tám trăm năm về trước, Tệ Sĩ còn là hàng Tiên Tử ở Thiên Cung. Vì đã tu từ muôn kiếp trước trong khi nhị kỳ phổ độ. Tệ Sĩ cũng đồng lãnh sứ mạng đến thế gian, nhưng không hành tròn Thiên lịnh, vì trong khi quyền cao chức trọng, danh lợi dẫn dắt, mãi đến tuổi già mới tỉnh giấc Nam Kha. Vì thế mà phải chuyển lên một lần nữa trên thế gian. Trải bao nhiêu lần như vậy, đến kiếp này cũng là kiếp chót được thừa hưởng sự nhân đức của tiền kiếp đã tu tích , nên kiếp hiện tại được hưởng lộc Trời ban. Tuy không được như các hàng thánh thiện nhưng tâm linh trí tuệ vẫn còn soi rọi ở bức màn vô minh, lại nhờ Kỳ Đại An Xá nên Tệ Sĩ mới được cứu rỗi trong giờ phút giác ngộ tầm đạo tu thân. Nhờ có Đức Vạn Hạnh Thiền Sư tiền căn cùng Tệ Sĩ có tình sư đệ, nên dẫn dắt việc tu chơn luyện đạo để tránh khỏi luân hồi khi thoát xác, nhưng vì thiếu công quả chốn hồng trần nên Tệ Sĩ phải tự nguyện đến trần gian bằng linh điển để góp phần trong Tam Kỳ Phổ Độ lập đức bồi công. Nhờ Đức Chí Tôn Từ Phụ ân phê nên Tệ Sĩ mới được chứng quả Chơn Thường. Nay về đây để trước nhứt độ kỷ độ thân, sau mới độ tha nhân độ thế.”[6]

 

            Ngay tại CQPTGLĐĐ này, cũng có bao nhiêu bức chân dung tự họa của người tín đồ trung kiên với Đạo đã được sơn son thếp vàng nơi cõi thiêng liêng cho người đời sau chiêm ngưỡng:

 

Đó là một Tổng Lý Minh Đạo Huệ Lương Trần Văn Quế, sau khi qui vị được  Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế ân phong như sau:

“Trần Văn Quế là một nguyên căn xin Thầy nguyện xuống Thánh địa Việt Nam lập công hành đạo, phò trì chánh pháp. Trải qua thời gian 54 năm qua, một lòng chung thỉ với đạo, kham nhiệm quyền pháp từ dưới lên trên, làm tròn bổn phận Lễ Sanh, rồi nhờ công hạnh siêng cần, Thầy ban cho Giáo Hữu, thăng phong Giáo Sư, công dày chí lớn nên được vào hàng sứ mạng thọ phong Phối Sư rồi Ngọc Chánh Phối Sư kiêm Chủ Trưởng Truyền Giáo, Tổng Lý Minh Đạo Cơ Quan. Thầy xét công lao đức hạnh, ngày Một tháng Sáu Tân Dậu, tại Thiên Đình được bái mạng thọ phong :

 

SẮC DỤ

 

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Tam Giáo Quy nguyên - Ngũ Chi Phục Nhứt

Năm thứ 56

         -o-

Tiết Quí Hạ

 

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI

SẮC LỊNH

 

            Nghĩ  vì trước ngày Khai Đạo, các hàng đẳng nguyên căn xin Thầy nguyện xuống trần gian lập công hành đạo, thực thi cơ tái tạo, sứ mạng quy nguyên phục nhứt của buổi Tam Kỳ. Thầy vì thương nhơn loại trầm mê, mới trao quyền pháp cho các hàng đẳng Thiên phong để đủ sức kiềm chế nhơn sinh, bảo trì cơ đạo, hoằng dương chánh pháp.

 

            Song đám con ấy, vì kém đức thiếu tu mà lầm kế chước tà quyền, nền đạo chia bảy rẽ ba, tinh thần bên trong rạn nứt. Không lẽ ngồi nhìn đám con nghịch lẫn nhau, Thầy thiết lập "Long Vân Đại Hội", chuyển cơ qui nhứt để hàn gắn tình thương sự sống và quyền pháp tôn chỉ Đạo Thầy.

 

            Công hạnh ấy, tâm đức ấy, Huệ Lương Trần Văn Quế đã hi sinh đóng góp thật nhiệt thành, bôn ba khắp nước, thiết tha với sự hòa hiệp. Chí hướng ấy trọn đời ôm ấp để thực hiện hai chữ "Dung Hòa" Mặc dầu chưa thành công, nhưng ý chí đã thành.

             Thầy phong :

            QUẢNG ĐỨC CHƠN TIÊN, gia ân quyền pháp trở lại Hội Thánh Truyền Giáo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, giữ nguyên vị, vận dụng thần lực điều hành quyền pháp đến khi hai nơi ấy có người đủ tài đức.

             Trong nhiệm vụ vô vi điều hành quyền pháp tại Cơ Quan, Đức Quảng Đức Chơn Tiên đã nhắn nhủ tất cả  những ai còn trên đường sứ mạng hoằng hóa đạo Trời:

                                               

....“Tôn chỉ đạo dung hòa hiện thực,

Thể bao la đồng nhứt quán thông;

Bao la đem đến đại đồng,

Đồng nguyên nhứt lý cộng thông lưu  hành.

Không sự thể giới ranh hạn hẹp,

Thì đạo Trời vui đẹp biết bao,

Cao Đài là cái đài cao,

Vượt lên tất cả đón rào ngăn che.

                                    (...)

Thôi thì thôi chuyến đò buổi chót,

Lòng dặn lòng đắng ngọt chớ nao;

Người xưa để lại người sau,

Gieo mầm sống đạo biết bao vuông  tròn.”[7]

 

            Một bức chân dung người-tín- đồ- Đại- Đạo khác cũng không kém phần sống động là của  Đạo Tỷ Bạch Tuyết, người chị Nữ Chung Hòa Cơ Quan  ngày nào, nay đã về lại quê xưa với quả vị QUÁN PHÁP CHƠN TIÊN, Ngài đã tự khắc  họa hình ảnh của mình ngày nào nơi miền hạ giới:

                                   

Cái cõi trần gian lắm cực hình,

Đền xong nợ thế thoát thai sinh;

Tĩnh tu đạo pháp qui Tam Bửu,

Giác ngộ cơ linh diệt thất tình.

Một kiếp thuần chơn khai trí huệ,

Ba đời tạo phúc niệm tâm kinh;

Giờ đây tự tại Hư Vô cõi,

Thần đọng, Tinh cô, Khí trụ hình

 

Để rồi sau khi rời bỏ xác thân tứ đại, công nghiệp của Ngài đã được Đức Chí Tôn tưởng thưởng xứng đáng nơi cõi hư vô:

Thầy ban ngôi báu chốn Hư Cung,

Triệu ức huyền công phép lạ lùng;

Trùng điệp kỳ quan nhìn bất tận,

Hằng hà vị Thánh đến cùng không.

Nguy nguy Bạch Ngọc Tòa Tam Giáo,

Diệu diệu Huỳnh kim sắc Cửu trùng;

Rực rỡ hào quang soi vạn dặm,

Tường vân tô đậm cõi thiên cung[8].

 

            Tuy rằng vẫn còn rất nhiều bức chân dung sống động khác của người- tín- đồ- Đại Đạo trên đường sứ mạng đã được về phục lịnh Chí Tôn Thượng Phụ, nhưng thật ra có thấm gì so với bao nhiêu triệu tín đồ Cao Đài hiện hữu nói riêng và toàn nhân loại chung. Con đường sứ mạng của ĐĐTKPĐ vẫn còn thăm thẳm phía trước đang chờ người tâm chí đại hùng,  đạo hạnh viên dung. Bức chân dung của người- tín- đồ- Cao- Đài phải do mỗi người tín đồ tự phác hoạ bằng chính tâm hạnh đức tài của mình trên đường tu sửa, rèn luyện bản thân, thực hành sứ mạng.  Thánh giáo dạy:

 “Có tâm mà lại có Tài,

Đức,tâm, tài đủ,Đạo Thầy hoằng dương.”

 

Tâm-Hạnh-Đức-Tài là gì?

                                   

            -TÂM: là tâm chuyên nhứt, không vọng cầu, trọn vẹn niềm tin vào con đường chân lý mà mình đã chọn, cho dù bao nghịch cảnh trái ngang, cho dù bao muộn phiền khảo đảo. Đây là phần quan trọng nhất  đối với người tu học hành đạo, vì có đi trọn con đường  để hoàn thành sứ mạng nhận lãnh trước Thiêng Liêng hay không là do có nhứt  Tâm  hay không?

Đức Mẹ dặn dò: “Các con đừng bao giờ để một vọng niệm thường tình làm áp đảo lòng con bởi những bất mãn,bất bình lặt vặt rồi sanh ra tư tưởng  ngược lại Thiên cơ. Các con phải nhận thấy sứ mạng của mình trong giai  đoạn này trước nhứt. Có như thế thì dòng Thiên ân sứ mạng đối với các con sẽ là một dòng cam lồ len chảy vào tâm thần trí não của các con. Chừng đó Thiên ân sứ mạng mới thật sự  hoàn thành, các con mới lèo lái được thuyền từ qua bến giác và chính con cũng đã đến bờ giác rồi vậy. Muốn được như ý,con phải có một tâm đạo chí thành, một tinh thần bất biến, một ý chí kiên trì, chuyên nhứt, siêng tu, siêng học, dầu đời hay đạo,trong mọi hoàn cảnh nào con cũng không bị bối rối.”

 

-HẠNH: nết na, tư cách, tác phong đạo hạnh, bao gồm những đức tính: nhẫn nhục, khiêm tốn, khoan dung, tha thứ, phục thiện,...như lời Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo nhắc nhở:

“Người đạo luôn luôn phải thể hiện lòng trung thực đức độ khoan dung, lấy tình thương ban bố khắp mọi người, dụng đức khiêm tốn làm phương tiện dìu dẫn người đời vào đường chân thiện mỹ. Một khi đã mang chức vụ vào mình, hãy nhớ đó là một sự phân công trong trách nhiệm, chớ không thể lấy đó làm phương tiện lợi và quyền.

Có khiêm tốn hạ mình độ thế để cảm hóa người đời thì Phật Tiên Thánh Thần sẽ hộ trì nâng đỡ lên hàng thánh thiện. Nếu làm trái lại nguyên tắc đó thì không sớm thì chầy sẽ bị ma vương kéo trì vào hàng đọa lạc.”[9]

-ĐỨC: Là phần âm chất vô hình có được do làm những việc có lợi cho kẻ khác. Trong ĐTCG có dạy: “Đạo Đức phải đi cặp với nhau. Đạo là dương; Đức là âm. Đạo đức là cái khuôn mẫu để cho loài người phải nương đó mà sửa mình đặng mở trí hóa thông minh sáng suốt hoàn toàn tánh cách cho đến chí thiện chí mỹ.”

 

Trong Đạo Đức Kinh, Đức Lão Tử dạy nơi chương 51: ”Đạo sinh chi; Đức súc chi” có nghĩa Đạo sanh; Đức chứa, Như vậy Đức là cái Dụng của đạo.Vì Đạo vốn vô hình, nhưng Đạo có năng lực biến hóa, nuôi dưỡng vạn vật, công năng ấy là cái Dụng của Đạo, gọi là Đức. Tương tự nơi con người,ta hiểu Đức là sự đối đãi giữa người và người theo đúng Đạo, mà Khổng giáo đã hệ thống hóa thành ngũ đức Nhân , Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Từ đó tạo nên lòng bác ái, tinh thần hi sinh, hiến dâng, phụng sự…và sẽ đưa  đến kết quả tốt đẹp như lời Đức Quan Am : “Có đức hi sinh là đã tạo được nhân lành. Càng được nhiều nhân lành quả tốt sẽ khấu trừ mọi nghiệp quả xấu tiền khiên trong khoảng đời quá khứ…”

 

-TÀI: kiến thức, khả năng vượt trội của một người để làm việc gì, đôi khi lại được hiểu là một cái gì đặc biệt bẩm sinh, không phải ai cũng có được, và hầu hết ai cũng cho rằng mình không có tài, mặc dù chưa hẳn đó là ý khiêm tốn, mà nhiều khi đó là cái cớ để tránh né những gì mình không muốn làm.

 

            Tâm và Đức là hai phần cốt lõi: Tâm chuyên nhứt hay sự nhứt tâm có thể làm nên đạo hạnh viên dung. Sự nhứt tâm thực hành sứ mạng sẽ dẫn đến việc cố gắng học hành để tạo cho mình một cái Tài, đồng thời tạo nên cái Đức làm nền  vì Đức: như đã nói,đặt căn bản trên  Nhân, Lễ , Nghĩa, Tín.

            -Nhân:biểu hiện bởi tình thương,sẵn sàng vì người khác mà làm,

            -Lễ và Nghĩa giúp tạo được chữ Hòa trong cuộc sống đời, sống Đạo

            -Tín: lòng thủy chung trước sau như một, không thay đổi, để Nhân Lễ Nghĩa vững bền                 

Trau giồi được “Tâm Hạnh Đức Tài” trong ý nghĩa đó không chỉ hoàn thành được sứ mạng vi nhân mà còn gần tiến được đến bến bờ giải thoát như lời dạy của Đức Vô Cực  Từ Tôn:  

“Muốn giải thoát con phải giải trừ nghiệp chấp.

Muốn huyền đồng con phải vô ngã vô nhân,

Muốn phối thiên con phải gột rửa lòngtrần,

Muốn tịch diệt đủ đầy nhân trí dũng.”

 

Bởi vì:

Nhân là thương khắp muôn loài vạn

chúng,

Không biệt phân nòi giống lạ hay quen;

Cũng không chia cao thấp sang hèn,

Thương kẻ ghét mình mà lo tế độ.

 

            Nhân đây chính là tình thương phát xuất từ Tâm  đối với “khắp muôn loài vạn chúng”và Đức có được nhờ “tế độ kẻ ghét mình”

 

“Trí là biết tri hành mà thoát khổ,

Biết lòng người và biết chỗ thị phi;

Biết những gì phải, trái bỏ đi,

Biết tiến thoái, biết tùy doi nương vịnh.”

            Trí là Biết, biết điều phải trái, thị phi; biết tùy thời tiến thoái cho nên làm việc gì cũng thành công, không khác chi là Tài.

 

“Dũng là dám chế kềm vọng tính,

Dám đoạn trừ bất chính nơi tâm;

Dám hy sinh vì Đạo nghiệp mà làm,

Dám chuyển hóa lòng tham sân si dục.”[10]

            Dũng có được là nhờ Tâm nhiệt thành, mạnh mẽ; để dám hy sinh, tức  thể hiện Hạnh để tạo nên Đức : “dám hi sinh vì đạo nghiệp mà làm.”

 

Như vậy, đối chiếu  Tâm Hạnh Đức Tài  với Nhân Trí Dũng, ta thấy Tài là cái Biết. (Thánh nhân có nói: Khôn cũng chết, dại cũng chết chỉ có Biết là sống. Tài như Hàn Tín cũng bị chết dưới tay Lưu Bang.)Và trong Tâm Hạnh Đức còn bao gồm cả Dũng . Hạnh là sự nhẫn nhục, nhưng không có nghĩa là hèn yếu, để thói hư tật xấu khuất phục, cũng như  phải dám vì đạo nghiệp, dám bảo vệ cơ Đạo mà làm, không vì sợ khảo đảo bản thân mà để danh Đạo ô uế, hay thiệt thòi cho Đạo.

 

Mặt khác, phải trau rèn cái Tài, không phải là tài kinh bang tế thế mà là sự học hỏi để có tri thức, để nâng cao tầm hiểu biết và cập nhật kiến thức thời đại để ứng phó thích nghi với cuộc đời. Bởi vì không ai phủ nhận, Tâm nhiệt thành mà đi kèm với sự ngu dốt sẽ chỉ đem đến sự phá hoại.

 

Làm thế nào để có được Tâm- Hạnh- Đức- Tài?

 

-Để đạt được Tâm: Công phu là phương cách tối ưu để giữ Tâm chuyên nhứt, giữ trọn niềm tin vào Thiêng Liêng, để không bị lung lạc trước mọi cảnh đời, cảnh đạo, vì công phu sẽ đón nhận được những dòng thiên điển như một sự chở che mầu nhiệm nhất như Thầy nói “để các con tìm thấy con trong Thầy và Thầy hằng ngự với đức háo sanh trong vạn vật.”

 

            -Để đạt được Hạnh: phải tập luyện kỷ, dù khó khăn nhưng không phải không làm  được, nhất là khi chúng ta cố dẹp bỏ bớt tánh xấu, cầu nguyện hàng ngày cho sự tập luyện của chinh mình, kiên nhẫn vượt qua mọi phiền não, khảo đảo với sự tự nhủ là phải trả nợ đã vay.  Nhẫn nhục và khiêm tốn là hai đức tính căn bản để đạt được Hạnh.

 

            -Để đạt Đức:cố gắng thực hành công quả trong một tinh thần một cách vô công, vô cầu, vô kỷ, vô danh như Đức Cao Triều đã nhắn nhủ: “Hãy lấy làm niềm vui khi làm cho kẻ khác. Hãy lấy làm hãnh diện khi xả thân cho tha nhân.”

 

            -Để có được Tài: không còn cách nào khác hơn là văn ôn võ luyện. Thiên tài chỉ là kết quả của một quá trình học hỏi và chịu khó. Bởi vì Đức Thượng Đế đã trao cho mỗi TLQ một phần năng lực của Ngài, chỉ cần mỗi người trau giồi để làm thức dậy năng lực đó. Sở dĩ ta cảm thấy thua kém người khác vì do nhiều kiếp lười biếng không chịu học, nên bây giờ phải cố học, cái học nào cũng có ích trên thế gian này. Cái học nào cũng có thể giúp chúng ta hành đạo một cách hữu hiệu, vì tinh thần học hỏi giúp cho con người luôn hoạt động trí não, cộng thêm công phu thiền định sẽ giúp con người có một cái tài của riêng mình trên bước đường sứ mạng độ đời.

             

             Tâm Hạnh Đức Tài là điều kiện tiên quyết ắt có cho người tín đồ Cao Đài thực hành sứ mạng thiêng liêng nhưng vẫn cần thêm những điều kiện đủ hỗ trợ. Đó là:

 

+Lòng thành tín:một khái niệm rât gần gũi quen thuộc với con người, nhưng luôn luôn có giá trị bất biến không chỉ trong đời sống tinh thần mà còn trong đời sống của xã hội nhân sinh.             

-Thành có nghĩa là xuất phát từ đáy lòng, một cách tự nhiên mà hợp đạo lý, như chân thành, thành thực. Nhưng Thành phải là Đức Thành đã được nói đến trong sách Trung Dung của Khổng giáo:

 

“Sự thành thật tự nhiên vốn là Đạo Trời. Còn tự mình tu tập để trở nên thành thật, ấy là Đạo người. (Trong nhơn loại, có một ít bực Thánh nhân sanh ra thì có sẵn cái bổn tánh thành thật thiên nhiên. Còn phần đông cần phải tự mình trau giồi cho tâm ý trở nên ngay thẳng). Bực thành thật tự nhiên chẳng cần gắng sức mà trúng Đạo; chẳng cần lo nghĩ mà được Đạo, thong thả thản nhiên ở mức Trung đạo, đó là bực Thánh nhơn vậy. Con người tự mình tu tập để trở nên thành thật thì chọn điều lành , điều phải và cố sức giữ gìn.Vậy đối với điều lành điều phải, cần phải làm 5 việc nầy: 1-học cho rộng,2-hỏi cho cùng ,3-nghĩ cho kỹ,4-biện cho rành,5-làm cho siêng”

 

“Do nơi tâm thành thật mà được minh mẫn, hiểu rõ đạo lý, kêu là tánh, tức cái tánh thiên nhiên của bực Thánh nhơn. Còn do nơi sự hiểu rõ đạo lý mà trở nên thành thật, đó kêu là giáo, tức là kẻ bình thường cần phải học, hỏi, nghĩ, biện, làm, mới hiểu đạo, rồi nhờ đó mà hóa ra chơn thật. Cho nên hễ ai tâm ý thành thật thì hiểu rõ đạo lý. Còn ai hiểu rõ đạo lý tự nhiên tâm ý trở nên thành thật.

 

Đức Thành có giá trị hết sức lớn lao. Không chỉ phải hình thành từ lòng chân thật tự nhiên mà còn phải đúng theo Thiên lý , bởi vì từ đây sẽ phát triển dẫn dắt con người bước vào ngôi Trung đạo .

 

            -Tín: theo ý nghĩa thông thường là đức tin mà người tu không thể thiếu đối với các Đấng Thiêng Liêng. Tuy nhiên phải hiểu Tín là Đức Tín nằm trong Ngũ đức của Khổng giáo: Nhân, Nghĩa, Lễ ,Trí , Tín. Ngũ đức tương ứng với Ngũ hành:Thủy , Mộc, Hỏa , Kim Thổ, và Tín nằm ở vị trí trung ương Mồ Kỷ Thổ. Thánh giáo Cao Đài dạy rất rõ:

 

“Thổ là nguyên lý của vạn vật, tánh mạng của muôn loài, của con người. Người nhờ có Thổ mà có xác có hồn, mà Thổ là cửa Đạo Nghĩa chi môn. Đạo ở đó mà ra, Nghĩa ở đó mà vào. Đạo là Thần, Nghĩa là Khí. Thần Khí phải tương dung, đạo đời mới tương đắc. Mà Thổ còn có danh là Hoàng cực.

 Thổ là chữ Tín, là, linh hồn cho Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Nếu đánh lạc linh hồn này, thì dầu có nói Nhân, nói Nghĩa, nói Lễ, nói Trí cũng là Nhân giả, Lễ giả, Trí giả, Nghĩa giả mà thôi. Tất cả tư tưởng , ý chí ngôn ngũ, hành động đều có Tín, thì việc đó là chơn. Bằng mất Tín rồi, thì vạn sự ô hô! Đều là mê vọng.”

 

Đức Tín giống như  đức Trinh trong hai quẻ Kiền Khôn, tiêu biểu cho sự bền vững của ngôi Trung đạo. Trong cuộc sống đời thường , chữ Tín được nhắc đến trong nhiều lãnh vực để chỉ hành động, tư tưởng… trước sau đều giống nhau; xã hội loài người hiện tang thương biến đổi, tai họa dập dồn cũng chỉ vì con người đã đánh mất chữ Tín. Đức Tín là hệ quả của đạo lý. Con người có đức Tín mới có thỉ, có chung, có sau có trước, làm việc gì mới không nửa chừng bỏ dở. Thành mà không có Tín thì chỉ là giả dối, nhất thời.

 

Chính vì Đức Tín quan trọng như vậy cho nên người tín đồ Cao Đài khi nhập môn vào đạo phải lập lời minh thệ một lòng giữ đạo, tức là thực hành chữ Tín . Mất chữ Tín là lệch đạo Trung, mà xa Trung đạo , con người sẽ không bao giờ có thể trở về với Đạo, với Thầy.

Điều quan trọng là lòng Thành Tín phải mang tính tích cực thể hiện bằng hành động, trau sửa thân tâm, giữ tròn qui giới, hoàn thiện bản thân , phụng sự cuộc đời tức biến lòng Thành Tín của mình thành sứ mạng , đưa lòng Thành Tín mình vào nhựt nhựt thường hành, góp phần vào việc tái lập một cảnh đời Thượng ngươn Thánh đức.

 

+ Con đường Trung Đạo- Tâm vật bình hành- Tánh mạng song tu

Nếu như Trung Đạo trong Tam giáo được lý luận diễn dịch rất cao sâu, khó hiểu, thì đến TKPĐ,  nguyên lý bất biến đó đã được cụ thể hóa một cách dễ hiểu qua lời dạy về phương cách tu hành được  Đức Chí Tôn dạy trong Đại Thừa Chơn Giáo :

 

“Tu hành giữ mực thường thôi,

Đừng bày  vẽ lắm rồi bôi lem đấy!

Các con biết đặng đạo Thầy.

Đạo Thầy không chịu cho ai biết mình;

Ở ăn như thể thường tình,

Lo tu luyện đạo sửa mình tinh ba.”

 

Trung Đạo cũng là nền tảng cân bằng cuộc sống con người trong hai  phần Đời- Đạo để hai mặt nhân sinh và tâm linh song hành tiến đến một sự giải thoát trọn vẹn trên cả hai phương diện Thế Đạo và Thiên Đạo thể hiện qua chủ trương  “Tâm Vật bình  hành” của Cao Đài giáo trong ý nghĩa TÂM VÀ VẬT chính là hai yếu tố Am –Dương trong Trời Đất. Dương là phần vô hình, còn Am là phần hữu chất. Đối với con người, phần vật chất hữu hình là phần thể xác, và phần vô hình là linh hồn  điều khiển xác thân. Thiếu một trong hai phần, con người khộng hiện hữu. Bởi lẽ đó, đời sống con người cũng phải gồm hai mặt tương ứng là : nhân sinh và tâm linh. Nhân sinh tương ứng phần Vật và  tâm linh tương ứng phần Tâm. Đức Quan Thế Am Bồ Tát dạy:

 

Dầu muốn hay không thì Tâm Vật vẫn song hành, hai phương diện trong một con người. Lìa vật, không có Tâm. Bỏ tâm, không có Vật.”

 

Nếu đời sống con người chỉ biết có phần vật chất mà bỏ qua phần tinh thần, đạo đức thì sẽ dẫn đến chỗ suy đồi, tai họa, diệt vong. Giáo lý Cao Đài khẳng định:

Sự chênh lệch cách xa, một bên trí năng phát minh khoa học và một bên đạo đức lương tri, tạo nên tai họa khủng hoảng mịt mờ không lối thoát.”

 

Ngược lại, nếu con người cực đoan cho rằng việc tu hành chỉ cần chú trọng phần linh hồn mà bỏ bê phần thân xác thì linh hồn không còn nơi trú ngụ để mà tiến hóa như lời của Đức Vạn Hạnh:

“Linh hồn tạm mượn thể xác nơi cõi sắc giới này cũng ví như con ốc mượn hồn, đừng nên chấp cái vỏ ấy rồi làm trở ngại bước đưòng tiến hóa. Sự tu học của người tu hành, mục đích cuối cùng là toàn thiện toàn mỹ để thích hợp với trình độ tiến hóa của các Đấng Trọn Lành nơi cõi hư linh.

Tạm mượn chỗ giả để gầy dựng cái cơn, dừng quan niệm rằng chỉ cực đoan theo cái chơn rồi phế tất cả  cái giả. Nếu vậy là thả mồi bắt bóng.”[11]

 

Suy cho cùng thì tất cả vật chất trong cõi thế gian này đều là của Thượng Đế sẵn dành cho nhân loại sử dụng tạo ra những sản phẩm phục vụ đời sống con người để xây dựng một xã hội loài người tiện nghi tiến bộ. Nhưng phải nhớ,  đó chỉ là phương tiện cho con người trong kiếp sống tạm trần gian chứ không phải là cứu cánh để con người buộc ràng, chiếm hữu. Do vậy, Đức Giáo Tông đã xác nhận:

“Đã là con người, sinh trưởng nơi cõi này, thì phải mượn tất cả những gì nơi cõi này để phục vụ cho cõi này, nhưng trong chiều hướng nghĩa nhân đạo đức và tình thương, đừng xem tất cả những gì nơi cõi này là thiệt, là vĩnh cửu, rồi lo xây dựng nó cho riêng tư, cho ích kỷ, đến nỗi phải tổn thất đức và trái đạo lý.”[12]

 

Chính từ trên nền tảng Tâm Vật bình hành, Đức Thượng Đế Cao Đài đã xây đắp một nền tôn giáo hướng đến mục tiêu vừa phục vụ đời sống nhân sinh vừa phục vụ lãnh vực tâm linh con người, dẫn  nhân loại tìm đến chỗ đại đồng nơi cõi hữu vi, đồng thời mở ra con đường đưa tâm linh con người trở lại cảnh vô vi hằng thường bất biến, tức giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Nói khác đi, cứu cánh Thế Đạo Đại Đồng và Thiên Đạo Giải Thoát là kết quả chứng ngộ con đường Trung Đạo của con người

 

Và để bước được lên nấc thang Trung Đạo,  Tân pháp Cao Đài đã có con đường song tu Tánh Mạng, vừa tu Tánh vừa luyện Mạng để Am Dương điều hòa tức qui Trung phục Nhứt theo lời dạy của Đức Vô Cực Từ Tôn :

“Con hỡi đường nào đạt Đạo cơ

Chỉ đường Trung Nhứt phục nguyên sơ.

Ngàn xưa Giáo Tổ đều do đó,

Chứng quả độ đời tỉnh giấc mơ[13]

 

+Chấp nhận tôn giáo là phương tiện  để làm khuôn khổ cho sự tu sửa thân tâm

Trong tinh thần đó, người đạo Cao Đài quan niệm “ăn cơm có canh, tu hành có bạn”, chấp nhận hình thức tôn giáo là phương tiện tối ưu để con người làm khuôn mẫu cho việc sinh hoạt rèn luyện tu tiến, bởi vì như Ơn Trên dạy:

“Người tu hành, trên mặt hình thức cần phải có một tổ chức từ thượng từng cơ sở chí đến hạ từng cơ sở. Đó tuy là những hình thức giả tướng, nhưng đó cũng là những phương tiện, những khuôn viên mẫu mực để kiềm chế những khi phóng tâm loạn động hoặc bướng bỉnh ngỗ nghịch làm trái tác phong đạo hạnh của người tu.”

(...)

            “...Nơi trường ốc có thầy có bạn, có sách có luật lệ nhà trường, nhờ đó mới thấy nổi bật lên những gì sai lạc nguyên tắc của nền giáo huấn. Còn trong mỗi tôn giáo, có thầy, có bạn, có kinh điển, Thánh giáo Thánh ngôn, nhờ đó mới thấy nổi bật lên những gì sai lạc chân lý đạo đức. Nếu quan niệm rằng tự học mà nên, tự tu mà đắc thì thế gian này, trường ốc và giáo đường đã dẹp từ xưa rồi.[14]

 

            Tôn giáo bao gồm giáo điều, qui luật để người tu noi theo mà khép mình trong đạo lý. Tôn giáo cũng là hình thức lễ bái, chùa thất để người tín đồ lui tới hành đạo, rèn giũa tâm chí, đón nhận những dòng điển lành từ cõi thượng thiên chan rưới xua tan những  phiền não, khổ đau trong kiếp làm người vương nhiều quả nghiệp. Cho nên, đừng ai vì chút tự ái, giận hờn mà bỏ chùa, xa bạn đạo, dần dần sẽ phai lạt tâm thành, và bức chân dung người tín đồ của chính mình sẽ dở dang.

 

+Có một đích nhắm cho cuộc đời:

 

Để có thể vẽ cho mình bức chân dung trọn vẹn, người tín đồ Cao Đài không thể không có một đích nhắm cho cuộc đời mình, vì hơn ai hết, họ đã hiểu mình là ai, từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Và khi đã xác định được mục tiêu, thì họ phải quyết tâm để đi đến cùng. Có như vậy thì sứ mạng làm người nói chung, sứ mạng của người Thiên ân mới hoàn tất. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo đã khẳng định:

Một khi con người sống một đời sống không định hướng, hành động không chủ trương, sinh hoạt không mục đích, đó là con người sống bằng cái sống bấp bênh như bọt bể đầu gành, như mây trên đỉnh núi, mặc dù cho có tụ có tan, bao nhiêu sự sống cũng chẳng đáng kể.

            Bởi thế nên người tu hành học đạo, tức là người tìm lẽ sống chính danh của mình để trở về cùng Thượng Đế. Ngày nay chư hiền đệ hiền muội được kề vai gánh đạo trên quãng đường thiên lý, giữa lúc đời nghiêng ngửa, đạo lu mờ. Đó là chư hiền đệ đã tìm lấy cái sống thực của chư hiền đệ hiền muội rồi đó vậy.[15]

 

Kết luận:

 

            “Tín đồ Cao Đài” là cách gọi theo nghĩa thông thường như cách nói chung của xã hội dành cho người có đạo như tín đồ Phật giáo, tín đồ Thiên Chúa giáo... Nhưng Thánh giáo Cao Đài đã dạy: mỗi một “tín đồ Đại Đạo là một Thiên ân. Mỗi một Thiên ân là một sứ mạng phải hoàn thành khi đã được Đấng Chí Tôn Thượng Đế ban trao.”Như vậy, trong ý nghĩa này, người-tín –đồ-Cao- Đài phải là người mà Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã mô tả:

 

“Đã có một tôn chỉ, một hướng tiến đến  tột đỉnh của lẽ sống miên trường theo Đại Đạo rồi, chư hiền tất nhiên đã, đang và  sẽ sống, sẽ dấn thân trong một thế giới hỗn tạp này để tiến hóa bằng sự tu hành độ tha. Thế thì nhìn ngay vào cuộc sống, chư hiền phải là những người sống với tất cả ý nghĩa mà Thượng Đế phó giao và an bài thị hiện cho mỗi người một quyền  năng, một sở hữu. Tuy khác nhau nhưng cũng đồng tánh  đồng chất như nhau,  làm gương mẫu cho  đời trông vào, từ  những tiểu tiết của sự  ăn uống, xê dịch, sống  còn trong đời vật chất  tầm thường, mặc dầu những phong thái ăn  mặc ngôn ngữ giao tế ấy hoàn toàn  là phần hữu vi vật chất, song phải được thành  hình bởi một động lực tinh thần mà  giáo lý đạo đức đã lên khung.”

 

(...) “Người cầm  đuốc dẫn đường luôn luôn phải  là thông hiểu  rõ đường nào  phải đi, đường nào phải  tránh, không được lẫn lộn  với nhau, cùng lúc phải  giữ gìn ngọn đuốc cho  sáng tỏ mãi mãi  để mình và mọi  kẻ đi mút được  khoảng đường. Sự vinh quang thành công theo lý tưởng là ở đó.”[16]

 

            Do đó, không thể phác họa được một “chân dung người-tín-đồ-Cao-Đài” chung cho tất cả mọi  “tín đồ Cao Đài” theo cách gọi thông thường,  vì mỗi người là một khu vườn khép kín với trình độ căn cơ tiến hóa khác nhau, tâm chí khác nhau. Ai đã quyết tâm tự nguyện làm môn đồ của Đức Cao Đài dù muốn dù không cũng phải tự vẽ nên bức “chân dung người-tín-đồ-Cao-Đài” của riêng mình bằng chính Tâm-Hạnh-Đức-Tài của mình.

 

            Bức chân dung vô hình tự họa đó của mỗi người sẽ được triển lãm trong ngày Đại hội Long Hoa và tất nhiên, phần thưởng xứng đáng sẽ được ban trao cho những bức vẽ đẹp. Cầu mong tất cả môn đồ của Đức Thượng Đế đều trở thành những người họa sĩ có thể vẽ được cho mình bức  “chân dung người-tín-đồ-Cao-Đài” với những gam màu tươi sáng và  những nét vẽ có thần.

 

2.      THẮP ĐUC ĐẠI ĐẠO ĐỂ GIEO NIM TIN SIÊU VIT CAO ĐÀI

Ban Biên Tập

Đức Chí Tôn khai Đạo đã hơn 80 năm, đứng trước thực trạng một tôn giáo Cao Đài với nhiều Hội Thánh song hành, dù ở cương vị nào với tâm tư tình cảm ra sao, người tín hữu Cao Đài đều phải chấp nhận thực tế cơ đạo ngày nay.

Đạo như lúa nuôi sống chúng sanh. Nhũng hạt giống được gieo khắp nơi từ vùng núi đồi đến các đồng bằng gần xa, trên những mảnh ruộng rộng hẹp bất kỳ không để nơi nào đói kém. Lúa tuy có nhiều giống nhưng đều cung cấp gạo làm cơm; chỗ hữu dụng của mọi thứ lúa không có gì khác hơn là thức ăn chủ yếu của nhiều dân tộc trên địa cầu.

Trời vẫn mưa đều để thửa ruộng nào lúa cũng sum suê nặng hạt, thì người nông phu đừng nên tự cao cho rằng chỉ có lúa ruộng mình mới bổ dưỡng. Tuy Nàng Hương rất thơm, gạo Chợ Đào hột dẻo, mà kẻ đói lòng vẫn thấy giống Tài Nguyên


[1] Đức Thái Thượng Lão Quân; Cơ Quan Ph Thông Giáo Lý, Tut thi, 15-02 K Mùi (12-03-1979)

[2]  TNHT- 27-12-1926

[3] TNHT- 27-12-1926

[4] Đưc Giáo Tông- NGỌC MINH ĐÀI Tuất thời Rằm tháng 10 Kỷ Dậu (24/11/69)

 

[5] Vĩnh Nguyên T,  Tut thi mùng 1 tháng 9 Giáp  Dn (15.10.1974)

 

[6] Chơn Thường Đạo sĩ- Cơ Quan Ph Thông Giáo Lý, Tut thi, 1 tháng 10 Tân Hi (18.11.1971)

 

 

[7] Minh Lý Thánh Hi, Tut thi, mùng 7 tháng 6 Tân Du (8.7.1981)

8 Cơ Quan Ph Thông Giáo Lý, 4h sáng,  ngày 8 tháng 12 Đinh Mão (26.1.1988)

 

 

 

[9] Đưc Giáo Tông NGỌC MINH ĐÀI Tuất thời Rằm tháng 10 Kỷ Dậu (24/11/69)

 

 

[10] Đức Mẹ-Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời 13 tháng 8 Kỷ Mùi (3-10-1979)

 

 

[11] ( 8-04 Canh Tut 70)

 

[12] Đưc Giáo Tông NGC MINH ĐÀI Tut thi Rm tháng 10 K Du (24/11/69)

[13] Cơ Quan Ph Thông Giáo Lý, Hi thi, Rm 4 K Mùi (10-5-1979)

 

 

[14] Đưc Giáo Tông NGC MINH ĐÀI Tut thi Rm tháng 10 K Du (24/11/69)

 

 

[15] Đức Giáo Tông Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời 20 tháng Chạp Tân Hợi (4.2.1972)

 

 

 

[16] Vạn Hạnh Thiền Sư -Trúc Lâm Thiền Điện, Tuất thời 30 tháng 8 Tân Hợi (18-10-71)

 

 

Nhip cầu Giáo lý
THẤY TÁNH / Nhip cầu Giáo lý

KỶ YẾU CAO ĐÀI GIÁO LÝ 2 / Nhip cầu Giáo lý

KỶ YẾU CAO ĐÀI GIÁO LÝ 2 / Nhip cầu Giáo lý

Caodaism FAQ / Nhịp Cầu Giáo Lý


Cảm hoài dòng Sử Đạo / Nhịp cầu giáo lý

Quan Âm Tự (Phú Quốc) / Nhịp cầu giáo lý

Suy tư từ World Cup 2006 / Nhịp cầu giáo lý

Sống tự nhiên / Nhịp cầu giáo lý

Lẽ sống thật / Nhịp cầu giáo lý



Chơn truyền là đâu ? / Nhịp cầu giáo lý


Đức tin Cao Đài / Nhịp Cầu Giáo Lý

Tấm lòng của nhân loại / Nhịp cầu giáo lý

Cơ đạo hi hữu / Nhịp cầu giáo lý

Bản thể đại đồng nhân loại / Nhịp cầu giáo lý




Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây