Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
17/03/2010
Thiện Hạnh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 06/06/2010

Khái quát về cơ bút Đạo Cao Đài

● Vài nét về cơ bút buổi sơ khai

Hình bên: Đại ngọc cơ

Từ năm 1902 đến năm 1919, Ngài Ngô Văn Chiêu đã vài lần đến hầu đàn Tiên tại Thủ Dầu Một, Tân An, Cần Thơ để cầu Ơn Trên ban thuốc chữa bệnh cho thân mẫu. Trong những dịp nầy, Ngài Ngô đã được các Đấng thiêng liêng nơi cõi vô hình kê toa thuốc và khuyến tu. Có thể nói, Ngài Ngô có nhiều nhân duyên với đàn cơ thỉnh Tiên.

Đầu năm 1920, Ngài Ngô được lệnh Ơn Trên sắp xếp việc cầu cơ và tập dượt đồng tử. Lúc ấy, có một vị Bề Trên giáng cơ xưng danh lần đầu tiên với Ngài là Cao Đài Tiên Ông. Cũng trong năm nầy, Ngài nghe hồng danh Cao Đài lần thứ hai. Tháng 3/1920, Ngài Ngô ra trấn nhậm tại Hà Tiên, Ngài thường lên núi Thạch Động để cầu Tiên. Sau gần 8 tháng tại đây, Ngài được thuyên chuyển làm Chủ quận Phú Quốc. Trong thời gian tùng sự tại Phú Quốc từ tháng 10/1920 đến tháng 7/1924, Ngài Ngô hầu đàn cơ tại Quan Âm Tự được vài tháng, rồi chuyển đến Sùng Hưng Tự. Ngài bắt đầu trường trai và học đạo kể từ mùng một Tết năm Tân Dậu (08-02-1921). Vào năm 1921, Đức Thượng Đế đã hai lần cho Ngài thấy Thiên nhãn để làm biểu tượng thờ phượng và xưng hồng danh đầy đủ là “Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát”. Như vậy, kể từ ngày này, Ngài Ngô Văn Chiêu chính thức trở thành đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài. Cuối tháng 7/1921, Ngài Ngô trở về Sài Gòn ẩn tu cho đến tháng 2/1926 Ngài được lệnh Đức Thượng Đế khởi sự truyền đạo. Trong thời gian ở Sài Gòn, Ngài Ngô vẫn sử dụng cơ bút để học đạo với Đức Cao Đài.

Khác với hình thức cầu cơ mà Đức Ngô đã tham dự và thông công từ những năm đầu của thế kỷ 20, phong trào xây bàn đã phát triển tại Sài Gòn. Xây bàn là cầu chơn linh nơi cõi vô hình, dùng phương tiện một cái bàn có ba chân. Tiếng gõ của chân bàn nầy được ráp thành mẫu tự, sau đó ráp lại thành một từ, rồi thành câu văn.

Năm 1924, quý Ngài Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang có quen biết với Đại Úy Paul Monet là hội viên Hội Thần Linh Học của Pháp, giúp quý Ngài liên lạc với thế giới vô hình qua phương tiện xây bàn. Đêm mùng 5 tháng 6 năm Ất Sửu (25-7-1925), quý Ngài khởi sự xây bàn tại nhà Ngài Cao Hoài Sang ở phố Hàng Dừa, gần chợ Thái Bình (Sài Gòn) ngày nay. Quý vị đã đối đáp thơ phú với các chơn linh nơi thế giới vô hình rất tương đắc. Tuy nhiên, việc xây bàn khá bất tiện vì việc ráp thành chữ, thành câu mất khá nhiều thời gian.

Đêm mùng 5 tháng 8 năm Ất Sửu (22-9-1925), một vị Thiêng Liêng xưng danh là Thất Nương hướng dẫn quý Ngài cầu Đức Cửu Thiên Nương Nương (Đức Diêu Trì Kim Mẫu) bằng Ngọc cơ vào dịp trung thu. Thất Nương mô tả Ngọc cơ giống như hình chùm sao Bắc Đẩu. Rất may là sau đó quí Ngài mượn được Ngọc cơ của ông Phán Tý. Đây là cái giỏ bằng trúc, xuyên qua miệng giỏ là một cây trúc dài, ở đầu cây trúc có gắn một cái trục như cây viết. Giỏ được bọc vải màu vàng. Ông Phán Tý tập cho quý Ngài Cư và Tắc làm đồng tử để sử dụng Ngọc cơ. Đêm rằm tháng 8 Ất Sửu (02-10-1925), quý Ngài bắt đầu sử dụng Ngọc cơ để cầu Đức Cửu Thiên Nương Nương và Cửu Vị Tiên Nương nơi Diêu Trì Cung. Ngày 30-10 năm Ất Sửu (15-12-1925), tam vị được Đức Thượng Đế dạy lập bàn hương án ngoài đường để vọng thiên cầu đạo vào ngày mùng 1 tháng 11 năm Ất Sửu.

Như vậy, Ngài Ngô Văn Chiêu bắt đầu sử dụng Ngọc cơ học đạo với Đức Thượng Đế từ đầu năm 1920 và trở thành môn đệ Cao Đài đầu tiên vào ngày mùng một Tết năm Tân Dậu (08-02-1921). Mãi hơn năm năm sau, vào đêm trung thu năm 1925, quý Ngài Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang mới bắt đầu sử dụng Ngọc cơ cầu Đức Diêu Trì Kim Mẫu. Sau đó, tam vị được dạy vọng thiên cầu đạo để trở thành môn đệ Cao Đài vào ngày mùng 1 tháng 11 năm Ất Sửu (16-12-1925). Trung tuần tháng 12 năm Ất Sửu, nhóm phổ độ công truyền được lệnh hiệp cùng Ngài Ngô để chung lo khai mở đạo Cao Đài. Ngày 13 tháng 3 năm Bính Dần (24-4-1926), Ngài Ngô từ tạ phẩm vị Giáo Tông để chuyên tâm thực hành thiền định và truyền dạy cho các đệ tử lập thành Chiếu Minh đàn (cơ vô vi). Từ tam vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang ban đầu, Đức Thượng Đế sử dụng cơ bút thâu nhận thêm tín đồ lập thành cơ phổ độ.

● Các hình thức cơ bút

Đạo Cao Đài sử dụng hai hình thức cơ bút là cầu cơ (chấp cơ) và chấp bút để giao tiếp, thông công với các Đấng thiêng liêng nơi cõi vô hình. Đối với hình thức cầu cơ, một hoặc hai người đồng tử sử dụng Ngọc cơ viết chữ lên mặt bàn. Đồng tử có thể xuất khẩu trong khi viết chữ hoặc chỉ viết chữ cho độc giả đọc; còn chấp bút thì chỉ có một người đồng tử cầm viết chì viết chữ trên giấy mà thôi.

Ngoài ra, còn có vài hình thức cơ bút khác như: huyền cơ tại Minh Lý Thánh Hội, cầu cơ đặc biệt tại Tam giáo điện Minh Tân, v.v. Trong phạm vi bài nầy, chỉ xin nêu lên hình thức huyền cơ được ngài Nguyễn Minh Thiện thuật lại rất chi tiết. Đây là một hình thức cơ bút khá đặc biệt là không có đồng tử. Vị pháp đàn lúc bấy giờ là ngài Âu Minh Chánh đặt một bao thư dán hai lá bùa có tờ giấy trắng bên trong, rồi treo lên xà nhà. Mỗi người hầu đàn nghĩ trong đầu một câu hỏi xin Ơn Trên giải đáp. Khoảng chừng 15 phút, vị pháp đàn lấy bao thơ xuống và mở bao thơ ra thấy rằng trên tờ giấy đầy chữ viết (màu xám giống như viết bằng than hoặc bút chì) gồm câu hỏi và trả lời của từng vị hầu đàn. Huyền cơ chỉ thực hiện được ba lần, sau đó Ơn Trên không cho sử dụng nữa vì không an toàn cho vị pháp đàn khi lên lấy bao thơ trong khi Ơn Trên viết chưa hoàn tất. Khi ấy, điển lực rất mạnh của Ơn Trên gây nguy hiểm cho vị pháp đàn.

● Cách thức lập đàn cơ

Đàn cơ lập tại Bửu điện thờ Đức Chí Tôn. Lễ phẩm được sắp đặt tinh khiết trên Thiên bàn gồm: hoa tươi, quả tử, trà, rượu, nhang, đèn, lư trầm xông hương để khử trược. Sau khi nhập đàn, chức sắc Hiệp Thiên Đài thực hiện nghi lễ trước Thiên bàn. Vị chức sắc cao cấp Hiệp Thiên Đài trấn thần đàn cơ để ngăn ngừa các luồng tà điển xâm nhập, hai đồng tử cầm Ngọc cơ ngồi đối diện nhau trước Thiên bàn (trường hợp có một đồng tử sẽ ngồi đối diện Thiên bàn), độc giả quỳ hoặc đứng cạnh đồng tử để đọc chữ do đồng tử viết trên mặt bàn (trường hợp đồng tử xuất khẩu thì không cần độc giả), điển ký ghi lại nội dung buổi cầu cơ. Buổi đàn cơ phải thanh tịnh, thành kỉnh, nghi lễ đầy đủ. Trước tiên, đồng nhi hoặc quí vị hầu đàn đọc một trong hai bài Kinh Cầu Tiên. Bài cầu Tiên thứ nhứt còn gọi tắt là bài “Trời còn”.

Bài cầu Tiên (1)

Trời còn sông biển đều còn,
Khắp xem cõi dưới núi non đượm nhuần.
Thanh minh trong tiết vườn Xuân,
Phụng chầu hạc múa gà rừng gáy reo.
Đường đi trên núi dưới đèo,
Lặng tìm cao thấp ải trèo chông gai.
Phận làm con thảo há nài,
Biết phương Tiên Phật Bồng Lai mà tìm.
Xem qua xét lại cổ kim,
Một bầu Trời Đất thanh liêm chín mười.
Vàng trau ngọc chuốt càng tươi,
Bền lòng theo Phật cho người xét suy.
Thần Tiên vốn chẳng xa chi,
Có lòng chiêm ngưỡng tức thì giáng linh.

Bài cầu Tiên (2)

Kìa là chốn bồng lai thanh tịnh,
Cảnh thiên nhiên ca vịnh phú thi,
Định thần hồn xuất vân phi,
Vững lòng đừng tưởng lo chi cuộc trần.
Vậy mới gọi chơn thần xuất hết,
Vậy mới rằng hồn biết nghe lời,
Thành tâm tiếp điển cõi trời,
Vâng theo câu kệ khuyến đời thành tâm.
Hương tốc đốt khói trầm thanh khiết,
Cho hồn linh thẳng riết cung Tiên,
Nghe kêu khá trở về liền,
Cõi trần chưa mãn dạ thiền lo tu.
Họa Tam Thiên linh phù tiếp điển,
Xin Tiên đồng mau chuyển thần cơ,
Đêm thanh rành rạnh như tờ,
Khâm thừa ngọc sắc kịp giờ lai cơ.

Khi có Đấng Thiêng Liêng giáng, cơ chuyển động quay nhịp nhàng trên không trung, quí vị hầu đàn đọc bài Mừng Tiên (còn gọi tắt là bài “Mừng thay”).

Bài mừng Tiên

Mừng thay chi xiết nỗi mừng,
Hào quang chiếu diệu ngàn từng không trung.
Hạc reo bay khắp dạo cùng,
Càn khôn thế giới cũng chung một bầu.
Môn sanh thành kỉnh chực hầu,
Tửu trà hoa quả mừng cầu Tiên Ông.
Nhang thơm tốc đốt nực nồng,
Đèn lòa ngọn lửa tợ rồng phun châu.

Kết thúc buổi đàn cơ, quí vị hầu đàn đảnh lễ tạ ơn các Đấng Thiêng Liêng. Trước khi bãi đàn, điển ký đọc lại thánh giáo cho quí vị hầu đàn cùng nghe lại.

● Tiêu chuẩn đồng tử

Trong các buổi cầu cơ hay lập đàn cơ, người đồng tử giữ vai trò rất quan trọng. Bởi lẽ, đồng tử là trung gian liên lạc giữa cõi hữu hình và cõi vô sắc giới hay có thể ví đồng tử như một điện đài thu nhận điển lực từ các Đấng Thiêng Liêng. Vai trò của đồng tử giống như radio hoặc tivi nhận tín hiệu từ đài phát thanh hoặc đài truyền hình. Nếu thiết bị không được bảo dưỡng thường xuyên, không hoạt động tốt, không bắt đúng tần số, thì không thể nhận được tín hiệu tốt được. Đồng tử cũng vậy, phải hội đủ các tiêu chuẩn nhất định như: cái vía đặc biệt, thân thể tinh khiết (ẩm thực, y phục, vệ sinh), đức hạnh thuần hậu, chỗ ở thanh tịnh, không khí trong lành, mục đích thông công, v.v. thì mới có thể tiếp nhận được Thiên điển.
“Đồng tử, một khi tiếp được trọn điển với cõi chí linh thượng thiên bởi nhờ nhiều yếu tố.
Yếu tố thứ nhứt là cái vía của đồng tử, mà người đời thường nói hạp bóng vía, không phải mỗi người đều có được cái vía đặc biệt ấy để Thiêng Liêng mượn đến.
Yếu tố thứ hai là thân thể phải được tinh khiết do sự nuôi dưỡng y phục ẩm thực với những thực chất tinh khiết.
Yếu tố thứ ba: phải được tập tành giáo dục đức hạnh cho được thuần hậu.
Yếu tố thứ tư: chỗ ở phải được thanh tịnh, không khí trong lành, xa cách với mọi nếp sinh hoạt phức tạp của thế nhân.
Yếu tố sau cùng là do một tổ chức hoặc một hội thiện sử dụng người đồng tử ấy trong việc thông công. Nếu mục đích đường lối tôn chỉ cùng lập trường của tổ chức ấy xu hướng về lẽ nào thì phản ảnh của sự thông công ấy sẽ đưa đến cho ý hướng đó.
Ngày nay, đồng tử trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nói chung, chưa đủ những yếu tố vừa kể trên, thế nên đã và đang nảy sanh ra dư luận hoặc những lời phê phán rằng đồng tử minh, đồng tử không minh, cơ bút thiệt, cơ bút giả, v.v…
Đừng ai bao giờ có ý nghĩ rằng đồng tử như cái máy thâu thanh, bất cứ bỏ vào cái góc, cái xó nào đó cũng được, hễ đến khi muốn cần dùng đến thì cứ việc xách ra vặn nút là bắt được âm thanh.
Rất đỗi cái máy thâu thanh hoặc máy thâu hình, nếu thiếu điện, thiếu pin hoặc bắt không trúng siêu từng số, hoặc trúng đài thì cũng không đem lại sự mong muốn cho người sử dụng.
Đó là bộ máy hữu chất còn tinh vi như vậy, huống chi bộ máy thông công với cõi vô hình còn phải đòi hỏi biết bao điều kiện tinh vi về tinh thần và tâm linh.”( Ni Sư Diệu Lộc, Chơn Lý Đàn, 14-11 Canh Tuất (12-12-1970).)

Đồng tử có vai trò rất quan trọng vì là bộ máy thông công, giao tiếp với các Đấng Thiêng Liêng. Đồng tử cũng là một con người bình thường như mọi người, lẽ tất nhiên sẽ bị chi phối không nhiều thì ít bởi tâm tư tình cảm, bởi thất tình lục dục. Mà muốn khắc phục thất tình lục dục để an định nội tâm, đồng tử cần tịnh dưỡng liên tục hàng ngày.

“Vì khi tiếp điển, nguơn thần đã được Thiêng Liêng đem ra khỏi xác thân, chỉ còn lại thức thần do sự điều khiển của Thiêng Liêng mà viết ra. Nếu không tịnh dưỡng, để hằng ngày có sự buồn vui lấn át, thì không đủ năng lực chịu đựng khi hành sự.” (Đức Trần Hưng Đạo Đại Vương, Thiên Lý Đàn, 15-7 Ất Tỵ (11-8-1965).

Ngoài ra, trước khi đồng tử thủ cơ hay chấp bút cũng cần chú ý thực hiện: y phục sạch sẽ, thân thể tinh khiết, tư tưởng thanh cao, xông trầm khử trược, v.v. bởi lẽ, vai trò của đồng tử rất quan trọng, được xem như là “tướng soái” của Đức Chí Tôn trong việc truyền đạo và giáo đạo.

“Trước khi thủ cơ hay là chấp bút, thì phải thay y phục cho sạch sẽ, trang hoàng tắm gội cho tinh khiết rồi mới đặng đến trước Bửu Ðiện mà hành sự, chớ nên thiếu sót mà thất lễ. Nếu chấp cơ thì phải để ý thanh bạch không đặng tưởng đến việc phàm. Tay chấp cơ cũng phải xông hương khử trược, tịnh tâm một lát, rồi phải để tinh thần tinh tấn mà xuất ngoại xác đến hầu dạy việc. Phải có một chơn linh tinh tấn mới mầu nhiệm huyền diệu; phải trường trai mới đặng linh hồn tinh tấn; phải tập tành chí Thánh, Tiên, Phật, mới phò cơ dạy Đạo cả chúng sanh. Kẻ phò cơ chấp bút cũng như Tướng soái của Thầy để truyền Ðạo cho thiên hạ. Các con đừng tưởng việc bút cơ là việc tầm thường.” (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.1, đàn cơ ngày 19-11 Ất Sửu (03-01-1926).)

● Cách thức tiếp điển

Thượng Đế đã phú bẩm cho con người điểm Tiểu linh quang phát xuất từ khối Đại linh quang, do đó, con người và Thượng Đế có cùng một bản thể, có thể giao cảm với nhau. Con người cũng có thể giao cảm với các Đấng Thiêng Liêng nơi cõi vô hình. Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư đã minh giải rất chi tiết phương thức tiếp điển của đồng tử. Con người ai cũng có điển (dòng điện) âm và dương trong cơ thể. Tuy nhiên, khi hai đồng tử chấp cơ xuất chơn thần hay nhị xác thân, một đồng tử sẽ xuất điển dương hoặc âm, tự khắc sẽ tiếp nhận được dòng điển ngược lại từ đồng tử kia. Khi dòng điển thuần dương của Ơn Trên giáng (tạo thành dòng điển ba dây) khiến cho hai dòng điển âm và dương của đồng tử tạo ra lực hút và lực đẩy làm cho cơ bút chuyển động.

“Nói về nhơn điển thì trong mỗi người đều có điển âm và điển dương, tiếng Pháp gọi rằng Courant internatif. Do đó mà người đụng dây đèn cùng một thứ điện ấy thì chỉ bị giựt té mà thôi, nhưng tùy theo chơn thần mà điển đó mạnh hay yếu.(…)
Hai người lúc nhơn điển xuất ra, hễ bên nầy âm thì bên kia dương, bên nầy dương thì bên kia âm, hai luồng điển ấy xô đẩy hút kéo nhau mà cây cơ được vận chuyển.
Lúc điển vô hình chưa giáng thì hai luồng điển ấy không ăn với nhau, vì cớ mà cây cơ không chuyển động. Chừng lúc nào người tiếp điển đã xuất chơn thần tiếp rước điển thiêng liêng, thì điển vô hình làm cho hai luồng nhơn điển đụng chạm nhau mà xây chuyển cây cơ. Còn cây cơ có chuyển mà viết không được, vì một phần do hai luồng nhơn điển không điều hòa cùng nhau, nó chạm nhau mà không làm một âm hay một dương, vì đó mà cây cơ không chỉ theo chỗ, hay không chuyển động được, hoặc do thần không tịnh, hoặc do thần của người tiếp điển lộn xộn bất định, nên điển thiêng liêng bị đứt, chơn thần của kẻ phò loan làm cho loạn điển. Điển vô hình là thứ điển thuần dương mà thôi, kêu rằng Courant continu positif. Do đó mà khi điển thiêng liêng giáng hiệp với hai luồng điển của cặp phò loan mà thành luồng điển ba dây, kêu rằng: Courant triphasé. Sự huy động của cây cơ là do luồng điển hợp thành ấy.” (Đức Cao Thượng Phẩm, Thánh giáo sưu tập Q.3 (bài số 53), Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, đàn cơ ngày 04-11 Canh Dần (12-12-1950).)

Sau khi chơn thần xuất ra khỏi xác thân của đồng tử, dòng thiên điển và nhơn điển giao tiếp nhau, chơn thần của đồng tử theo sự truyền dạy của Ơn Trên điều khiển xác thân viết thành chữ.

“Như chấp cơ mà mê, thì chơn thần ra trọn vẹn khỏi xác. Thầy mới dạy nó viết chữ chi đó, nó đồ theo; Thầy nói tên chữ, xác nó cầm cơ viết ra; người đọc trật chữ, nó nghe đặng, không chịu: Thầy buộc viết lại và rầy kẻ đọc trật ấy.” (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.1, đàn cơ ngày 19-11 Ất Sửu (03-01-1926).

Trong trường hợp chấp bút, đồng tử xuất cùng lúc hai dòng điển âm và dương để hiệp với dòng điển thuần dương của Ơn Trên qua cây bút chì (tạo thành dòng điển ba dây) để đồng tử viết chữ ra giấy.

“Còn điển của việc chấp bút cũng do luồng điển ba dây hợp thành mà làm chuyển động bàn tay cầm bút, nhưng cái khó là người chấp bút một lần phải xuất ra hai thứ điển: âm và dương đặng vận chuyển cây bút. Nhưng cây bút phải là cây bút chì, đặng điển thiêng liêng chạy vòng trong cây bút mà không đụng đến tay người chấp bút thì mới viết dễ dàng được.” (Đức Cao Thượng Phẩm, Thánh giáo sưu tập Q.3 (bài số 53), Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, đàn cơ ngày 04-11 Canh Dần (12-12-1950).)

Tháng 6 năm Bính Dần, Đức Chí Tôn dạy Ngài Thái Thơ Thanh tập sự chấp bút sao cho thanh tịnh để chơn thần xuất ra khỏi xác thân hầu Thầy có thể dạy viết ra thành chữ.

“Thơ, con rán tập chấp bút, Thầy chỉ vẽ cho. Thơ nghe: Khi con ngồi tập thì thần con cho tịnh, chẳng nhớ chi hết. Khi Thầy giáng thì làm cho con khó chịu một chút, rồi Thầy dạy con viết, mường tượng như con đặt ra vậy, mà không phải con đặt đâu. Thầy đưa thần con theo Thầy lên không đặng Thầy dạy nó viết chữ chi thì nó cứ viết theo, chớ nó không biết gì hết. Khi ấy con có hơi khó chịu, như điển dính tay con vậy. Ấy là Thầy giáng, song con đừng có lòng sợ thì Thầy mới dễ giáng.
Đãi! Con lấy 9 cây nhang đặng Thầy làm phép trấn thần cho nó.” (Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, Khảo luận xây bàn & Cơ bút trong đạo Cao Đài, 2005, đàn cơ 26-6 Bính Dần (4-8-1926).)

Cầu cơ hay chấp bút trong đạo Cao Đài có đặc tính thiên nhơn hiệp nhất. Trong việc cầu cơ, dòng thiên điển của Ơn Trên và nhơn điển của đồng tử hòa nhập với nhau dưới sự điều khiển của Ơn Trên khiến xác thân đồng tử viết thành chữ hoặc xuất khẩu. Còn khi chấp bút, chơn thần của đồng tử xuất ra khỏi xác thân chịu sự điều khiển của Ơn Trên viết thành chữ trên giấy. Chính đặc tính thiên nhân hiệp nhất nầy của việc cầu cơ hay chấp bút đã tạo ra một sự mầu nhiệm trong cơ cứu độ kỳ Ba.

“Còn chấp bút, khi Thầy đến thì làm cho thần con bất định một lát, cho thần xuất ra nghe Thầy dạy, còn tay con tuân theo mà viết, ấy là một phần của con, một phần của Thầy hiệp nhứt, mới thấu đáo Càn-Khôn, tinh thông vạn vật đặng.” (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.1, đàn cơ ngày 19-11 Ất Sửu (03-01-1926).)

● Phân biệt chánh tà trong cơ bút

Cơ bút không có chánh, có tà. Khi mục đích của con người sử dụng cơ bút để phụng sự cho đạo lý với đức tin sáng chói, chí thành, chí kỉnh thì sẽ tiếp nhận được trọn vẹn lý huyền nhiệm từ các Đấng Thiêng Liêng theo luật cảm ứng. Đây chính là chánh tín, chánh đạo. Còn ngược lại, nếu con người sử dụng cơ bút cho tư tâm tư dục, tất yếu sẽ nhận được cảm ứng từ hạ đẳng thiêng liêng để đưa con người vào chỗ mê tín, tà đạo.

“Vì thế nên mới có câu: Hữu thành tắc hữu thần. Có đức tin vững vàng, có thấy cái ta trong Thượng Đế mới đạt được lý diệu mầu của cơ bút cũng như đạo pháp. Ví bằng các hàng tín hữu không trọn vẹn đức tin để thành kỉnh tìm một lối tiến cho mình thì cũng có thể nói: Vị thành tắc vô thần. Và hậu quả đưa đến bằng cái nhơn dục tự trị của cá nhân tín hữu đó là tự mình trói buộc mình vào chỗ không lối thoát. Cuối cùng cũng phải thiên về bàng môn, tả đạo rồi phiền trách chi ai!
Bần Đạo đã từng nói với tất cả toàn đạo rằng cơ bút là để truyền đạo, hoằng đạo, giáo đạo. Đồng tử là tướng soái để thông công. Sự kiến nghiệp to tát bao nhiêu cũng có thể làm cho cơ đạo tiêu trầm tan tác bấy nhiêu. Nên chi tu để mà thức tỉnh, để mà giác ngộ. Thức tỉnh giác ngộ để rồi khỏi lầm lạc trong cái vọng thức riêng tư. Nếu không còn vọng thức riêng tư tức thị là thánh nhân tại thế.” (Đức Đông Phương Chưởng Quản, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 26-2 Nhâm Tý (09-4-1972).)

Con người nơi cõi thế gian sử dụng cơ bút để giao tiếp với các Đấng Thiêng Liêng nơi cõi vô hình. Tuy nhiên, ngoài các Đấng thượng đẳng Thiêng Liêng như Thần, Thánh, Tiên, Phật giáng cơ dạy đạo; còn có hạ đẳng thiêng liêng thừa cơ hội mạo danh Tiên Phật giáng cơ bày trò phỉnh gạt chúng sanh theo đường tà đạo.

“Buổi Bạch Ngọc Kinh và Lôi Âm Tự lập pháp Tam kỳ Phổ độ, Quỉ Vương đã khởi phá khuấy Chơn đạo. Đến danh Ta nó còn mượn, duy ngai Ta nó chẳng dám ngồi mà thôi.
Lại còn hiểu rõ rằng Ta đến với huyền diệu nầy, mượn cơ mầu nhiệm, hiệp Tam thập lục động đổi gọi Tam thập lục thiên. Các tên chư Thần, Thánh, Tiên, Phật bị mạo nhận mà lập nên Tả đạo.” (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.1, đàn cơ ngày 15-7 Bính Dần (22-8-1926).)

Đức Giáo Tông Đại Đạo đã từng cảnh giác các hạ đẳng thiêng liêng luôn thừa dịp nhập vào cơ bút.

“Chư đạo hữu biết ngày nay là ngày Đại hội Bạch Ngọc Kinh, chư Thần Thánh Tiên Phật đều về mà còn cầu (…) Nếu chẳng phải Hộ Pháp và Thượng Phẩm phò loan thì quỉ đã nhập rồi.”
( Hương Hiếu, Đạo sử Xây bàn Q.2, tr. 248, Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, 23-12 Bính Dần (26-01-1927).)

Vậy nên, các bài Thánh ngôn Thánh giáo cần phải được chức sắc Hiệp Thiên Đài kiểm duyệt trước khi ban hành. Nội dung bài Thánh ngôn phải phù hợp với đạo lý; mang tính bác ái, vị tha; ý tứ thanh cao; không giúp con người tư danh tư lợi; không nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ, dục vọng của con người, v.v.

“Cũng là cơ bút, mà các em nên thận trọng cho lắm. Bởi vì giữa thời buổi loạn ly, biết bao nhiêu là sự nhiễu nhương, tà thần ma quái cũng có thể mượn danh Chí Tôn và Thánh Thần Tiên Phật để phụng sự riêng cho mục đích tăm tối. Các em chịu khó suy xét phân biệt thì thấy ngay nẻo chánh đường tà. Những lời do cơ bút ban ra, nếu đi ngược với tôn chỉ Đại Đạo, thiếu tinh thần phục vụ nhân sanh, thì các em hãy thận trọng mà chấp nhận ban hành.” (Đức Thiện Pháp Nguyễn Bửu Tài, Liên Hoa Cửu Cung, 04-01 Bính Ngọ (24-01-1966).)

● Ngưng cơ bút phổ độ

Ngày mùng 1 tháng 9 Bính Dần (07-10-1926), quí vị Tiền Khai Đại Đạo gửi Tờ khai đạo cho chính quyền Pháp tại Sài Gòn. Ngay sau đó, quí Ngài được lệnh của Đức Chí Tôn chia làm ba nhóm đi phổ độ, lập đàn cơ thâu nhận tín đồ tại Lục tỉnh. Nhóm một gồm quý Ngài Lê Văn Trung, Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Đạo Quang và phò loan gồm quý Ngài Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc. Nhóm hai gồm quý Ngài Lê Văn Lịch, Nguyễn Ngọc Tương, Yết Ma Luật và phò loan gồm quý Ngài Nguyễn Trung Hậu và Trương Hữu Đức. Nhóm ba gồm quý Ngài Lê Bá Trang, Vương Quang Kỳ, Yết Ma Nhung và phò loan gồm quý Ngài Cao Quỳnh Diêu và Cao Hoài Sang. Đến ngày mùng 10 tháng 10 Bính Dần, quý Ngài tạm ngưng các đàn cơ phổ độ để trở về lo đại lễ Khai minh Đại Đạo vào ngày rằm tháng 10 Bính Dần. Sau khi Đức Chí Tôn giáng cơ ban Pháp Chánh Truyền vào đêm 16 tháng 10 năm Bính Dần, Thầy bắt đầu dạy đạo, thiên phong chức sắc và thâu nhận tín đồ và xây dựng Hội thánh. Trong thời gian nầy, tín đồ muốn nhập môn phải thượng sớ cầu đạo lên Đức Chí Tôn và từng vị sẽ nhận được một bài thơ và xác nhận sự đồng ý hoặc từ chối của Thầy. Trong thời điểm nầy, Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo cũng thay mặt Thầy thâu nhận các sớ cầu đạo. Đây là một đặc ân rất hi hữu đối với quí vị xin nhập môn cầu đạo trong buổi ban đầu. Tuy nhiên, đặc ân nầy cũng không kéo dài vô hạn định và thời điểm kết thúc cơ bút truyền đạo hay phổ độ kết thúc vào cuối tháng 6 năm Đinh Mão (1927).

“Còn tới cuối kỳ tháng 6 nầy (1927) thì Thầy phải ngưng hết cơ bút truyền Ðạo, các con sẽ lấy hết chí-thành đã un đúc bấy lâu mà lần-hồi lập cho hoàn toàn mối Ðạo.” (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.2, đàn cơ ngày 02-5 Đinh Mão (01-6-1927).)

Tuy nhiên, việc ngưng cơ bút truyền đạo gây một số ngộ nhận là những cơ bút sau thời điểm cuối tháng 6 năm Đinh Mão (1927) đều không phù hợp với Thánh lệnh của Đức Chí Tôn tại đàn cơ ngày mùng 2 tháng 5 năm Đinh Mão (01-06-1927). Điều nầy đã được Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc minh giải tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý tại đàn cơ ngày mùng 1 tháng 10 năm Tân Hợi (18-11-1971).
“Ngày xưa, Đức Chí Tôn dạy bế cơ bút phổ độ, tức là đi truyền giáo từ tư gia, cho đến khi các chi phái đã nảy nở, cơ bút vẫn được lập nhiều nơi. Đó không phải là sai lời Chí Tôn đâu. Bởi từ giai đoạn, từ trường hợp để sắp xếp lại quyền pháp đạo. Tòa Thánh Tây Ninh phải củng cố nội bộ trong Thập Nhị Khai Thiên ngõ hầu nắm giữ quyền pháp không cho sai lạc, và ý Chí Tôn cũng ngừa phòng cái loạn cơ bút do thức thần nhơn tâm khuấy động làm cơ đạo phải chịu mấy lúc chinh nghiêng.” (Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 01-10 Tân Hợi (18-11-1971).)

Như vậy là đã rõ, Ơn Trên vẫn tiếp tục giáng cơ để sắp xếp, kiện toàn hành chánh đạo; quyết định cầu phong, cầu thăng chức sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài. Đức Thượng Đế giáng trần khai mở đạo Cao Đài sử dụng phương tiện cơ bút. Tín đồ Cao Đài tiếp nhận kinh điển, lời dạy của Ơn Trên qua huyền diệu cơ bút. Vậy nên, cơ bút là một phương tiện thông công gắn liền với người môn đệ Cao Đài. Chính vì thế, Chư Tiền Khai Đại Đạo đưa ra một nhận xét vô cùng sâu sắc về tầm quan trọng của cơ bút: “nếu thiếu cơ bút, chư hiền đệ hiền muội dường như thiếu tất cả”. Song, nếu con người lệ thuộc quá nhiều về cơ bút, tất yếu sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại, cầu an, thiếu sáng tạo và năng động để phát huy sáng kiến trên con đường tu học của bản thân và phụng sự thiên cơ.

“Đức Chí Tôn đã có ý cho tất cả Hiệp Thiên Đài được nghỉ một thời gian rất dài để thanh lọc lại trên việc tín ngưỡng của nhơn sanh, nhưng một nỗi là chư hiền đệ hiền muội từ xưa nay sống trong thế gian bằng thể xác, sống trong điển quang Thiêng Liêng bằng linh hồn, nếu thiếu cơ bút, chư hiền đệ hiền muội thấy dường như thiếu tất cả. Tuy nhiên, chư hiền đệ muội cũng cần phải tự thực dụng thần trí sáng suốt của mình trước các công việc đang diễn tiến trong đời cũng như tiền đồ Đại Đạo. Có lẽ đến một ngày nào đây, cơ bút cũng sẽ thu hẹp lại, để chư hiền đệ hiền muội tập được thói quen tự tín, tự tồn, tự tu, tự lập, mới đủ quyền năng ứng phó với mọi hoàn cảnh bên ngoài. Mặc dù cơ bút rất ít, nhưng quyền năng hộ trợ vẫn luôn luôn đầy đủ và sẽ xuất hiện từ trong tâm linh của chư hiền đệ muội. Đó gọi là Thiên nhân hiệp nhứt.” (Tiền Khai Đại Đạo, Vĩnh Nguyên Tự, 22-3 Tân Hợi (17-4-1971).)

● Nhiều cơ bút khác nhau

Trong thời Hạ nguơn mạt kiếp, Đức Thượng Đế sử dụng cơ bút khai mở nền Đại Đạo cứu độ nhân loại nơi quả địa cầu 68 nầy. Các đẳng chơn linh nơi cõi vô hình cũng đồng thời sử dụng cơ bút để lập công quả nơi thế gian. Do đó, không chỉ cơ bút xuất hiện trong đạo Cao Đài mà đã hiện hữu khắp mọi nơi. Lẽ tất nhiên, nếu cơ bút phụng sự cho chơn lý, tình thương, hòa ái, đại đồng, v.v. thì đây chính là chánh tín, chánh đạo. Còn ngược lại, nếu cơ bút nhắm đến chia rẽ, hận thù, bản ngã, độc tôn, v.v. trường hợp nầy lại là mê tín, tà đạo.

“Có câu: “Đạo khai ma khởi, Đạo phát ma sanh”. Rồi đây trên khắp cùng thế giới sẽ có rất nhiều cơ bút tùy theo cao thấp của chơn linh mà lập công độ thế. Tuy nhiên, chánh pháp Đại Đạo vẫn có một. Một đó là Thượng Đế, là Đạo, là chánh tín vô sai biệt.” (Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-4 Tân Dậu (18-5-1981).)

Chính vì có nhiều cơ bút, chơn giả khác nhau, cho nên cơ bút là một vấn đề rất cẩn trọng do hệ lụy của nó. Cơ bút có thể xem như một con dao hai lưỡi. Nếu biết sử dụng, cơ bút sẽ mang đến lợi ích to lớn trong cơ cứu độ; còn nếu không biết sử dụng, cơ bút sẽ mang tai họa khôn lường cho chúng sanh.

“Nội tình cơ Đạo hiện nay, Đức Chí Tôn đã căn dặn từ lúc mới khai Đạo, Thầy đã nói: “Quỷ Vương nó cũng dám lợi dụng danh Thầy, mạo danh Phật, Tiên, Thánh, Thần để dìu dắt nhơn sanh theo tà đạo”. Vì vậy cơ bút là một vấn đề tối ư hệ trọng.” (Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, Ngọc Minh Đài, 04-3 Quý Mão (28-3-1963).)


Chúng sanh căn trí vô lượng, cơ bút có nhiều trình độ cao thấp khác nhau. Mặt khác, con người thường có tâm lý là không thoả mãn những gì mình đang có, mặc cảm tự ti điều mình đang sở hữu là thấp kém, tầm thường. Cho nên, muốn tìm kiếm cơ bút nơi khác để thỏa tính hiếu kỳ, khám phá. Có điều là cơ bút cũng có chánh và tà tùy theo các Đấng thượng đẳng hoặc hạ đẳng thiêng liêng giáng cơ. Mà việc phân biệt chánh tín và mê tín trong cơ bút lại cần có một trình độ tu học nhất định. Do đó, trong khi chưa có Hội thánh thống nhất Đại Đạo, người tín hữu Cao Đài cần chọn cho mình một pháp môn tu phù hợp tại một tịnh thất nào đó, theo sự hướng dẫn của Thánh ngôn hiện hữu tại địa phương. Đây chính là giải pháp an toàn nhứt để bản thân có thể yên tâm tu học hành đạo, không phải bận tâm thắc mắc về sự khác biệt giữa lời dạy các Đấng Thiêng Liêng tại nơi nầy hoặc nơi khác.

“Các em cũng đừng băn khoăn về việc nhiều cơ bút khác nhau. Điều đó các Đấng Thiêng Liêng đã dạy trước rồi, tùy theo căn cơ của mỗi người. Nếu các em thấy tự tin tự túc thì chớ tìm đến, bằng nếu thấy thiếu chi ngoài đạo lý thì tùy duyên phận của mỗi người, dầu Nam Tào, Bắc Đẩu cũng không ngăn được.” (Đức Vân Hương Thánh Mẫu, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 13-8 Kỷ Mùi (03-10-1979).)

● Mỗi người đều có một đài Hiệp Thiên


Con người là tiểu thiên địa hay tạo hóa trong Tạo Hóa, nên có quyền năng vô hạn, có thể quyết định con đường tiến hóa cho chính mình. Mặt khác, con người còn có đài Hiệp Thiên nên có thể thông công trực tiếp với Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng mà không cần qua trung gian của đồng tử. Vấn đề là làm thế nào mở cửa đài Hiệp Thiên để thông công với Ơn Trên nơi cõi vô hình? Điều nầy cũng giống như mỗi người được ví như một radio hay ti-vi có thể nhận tín hiệu từ đài phát thanh hoặc đài truyền hình. Chắc chắn rằng đài phát thanh hay đài truyền hình phát tín hiệu liên tục không bao giờ ngừng nghỉ, nhưng vấn đề là radio hay ti-vi có nhận được tín hiệu đó hay không?

“Trước kia Thầy có dạy: “Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài còn”. Quả thật vậy! Sáu mươi năm Khai đạo có biết bao nhiêu Thánh giáo, Thánh ngôn, lời Tiên, tiếng Phật. Đến ngày nay các con vẫn còn học hỏi với Thầy qua sự trung gian của đồng tử. Nếu chỉ có bao nhiêu sự việc thì chưa hết ý của Thầy muốn nói gì với các con. Đến một ngày nào Thầy không dùng đồng tử thì Đạo bế sao con! Mà phải hiểu mỗi con đều có một đài Hiệp Thiên. Nếu con mở được cửa thì thông công được với Thầy khỏi qua trung gian của đồng tử, vì trước khi Thầy đã dạy, đã trao chìa khóa cho các con từ buổi sơ khai Đại Đạo. Nhưng mấy ai giữ được thanh tịnh vô trần trực nhận chân tâm đại ngã. Bởi vì các con làm chưa được nên Thầy phải cần dùng đồng tử dạy dỗ các con.” (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 18-02 nhuần Ất Sửu (07-4-1985).)

Hồng ân của Thượng Đế luôn tuôn tràn đến cõi thế gian không bao giờ gián đoạn, nhưng con người không phải lúc nào cũng thọ nhận được ơn phước của Đức Chí Tôn. Chỉ khi nào con người điều chỉnh tần số của bộ máy tiểu thiên địa cho phù hợp với tần số của Đại thiên địa, tự khắc sẽ tiếp nhận được hồng ân của Thượng Đế. Tần số mà con người có thể giao cảm được cùng Thượng Đế chính là tâm thanh tịnh, vô dục, vô niệm. Điều nầy rất khó thực hiện, bởi lẽ con người đang sống trong cõi dục giới với biết bao nhiêu phiền trược chi phối, thất tình lục dục bủa vây, bức màn vô minh che phủ. Tuy nhiên, giữ được tâm thanh tịnh đã khó, duy trì tâm thanh tịnh được lâu bền, thường trụ lại còn khó hơn gấp bội phần.

“Khi tâm linh được mẫn tuệ huệ khai thì người và Trời hòa đồng như một, vẫn nghe được tiếng nói không lời, vẫn thấy được hình ảnh không sắc tướng.

Chư hiền nói riêng, trong các tôn giáo dùng cơ bút nói chung, sở dĩ còn dùng cơ bút để Tiên Phật nương nơi đó viết thành văn, đọc thành lời là bởi vì chư hiền cũng như các giới khác chưa khêu tỏ trọn vẹn ngọn đèn từ huệ (transitor). Khi mỗi người khêu tỏ được ngọn đèn từ huệ rồi thì tự mình nghe được tiếng nói không lời, thấy được những hình ảnh không sắc tướng của các Đấng nơi cảnh giới khác.” (Đức Đông Phương Chưởng Quản, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-02 Quý Sửu (18-3-1973).)

Công phu thiền định giúp cho con người điều hòa được thần khí, an định được nội tâm. Khi ấy con người không những giao cảm cộng thông được với Trời, mà còn có thể hòa hợp tương liên với đại chúng. Chính cái lặng lẽ trống không, tịnh khiết như nhiên của tâm mới giúp cho con người hòa đồng cùng đại thể bao la, để có thể tiếp nhận được ơn thiên khải, nghe được tiếng nói vô thinh, thấy được hình ảnh vô sắc tướng nơi cõi vô hình. Đó cũng chính là kết quả của việc tự thắp đuốc mà đi vậy.

“Một ngày nào đây, nếu các con nam nữ của Mẹ phải tự thắp đuốc mà đi, không còn ỷ lại nơi lời Thánh ngôn Thánh giáo trong những đàn cơ sẽ có thì các con cũng nên nhớ rằng Thiêng Liêng tạm mượn thông công giữa Trời và người để các con an lòng hành đạo, tu thân, đó là phương tiện đặc biệt, nhưng dầu đặc biệt cũng chỉ là phương tiện. Giá trị hơn hết là tâm con có minh linh sáng suốt để cảm ứng với Thiêng Liêng nơi cõi vô hình. Đó là giá trị bất biến có thể giúp con đạt đạo chứng quả được.” (Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-10 Ất Mão (17-11-1975).)

Tạm kết

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay đạo Cao Đài tổ chức tam đài gồm: Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài và Bát Quái Đài. Cửu Trùng Đài là nơi chư chức sắc Thiên phong thay mặt Đức Chí Tôn phổ độ chúng sanh, thuộc về hữu hình, là phần xác của Đạo. Hiệp Thiên Đài là trung gian giữa Cửu Trùng Đài và Bát Quái Đài, trung gian giữa Trời và Người, thuộc về bán hữu hình, là chơn thần của Đạo. Bái Quái Đài là nơi triều ngự của Đức Chí Tôn và chư Thần Thánh Tiên Phật, thuộc về vô hình, là linh hồn của Đạo.

Hiệp Thiên Đài giữ vai trò rất quan trọng. Bởi vì, “Hễ Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài vẫn còn” (Pháp Chánh Truyền về Hiệp Thiên Đài.)
Chức sắc Hiệp Thiên Đài sử dụng cơ bút để thông công với các Đấng Thiêng Liêng nơi cõi vô hình. Thật vậy, bằng huyền diệu cơ bút, Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng đến thế gian khai đạo, độ dẫn tín đồ, thiên phong chức sắc, xây dựng hội thánh, ban hành kinh điển đạo luật nhằm cứu độ chúng sanh trong thời Hạ nguơn mạt kiếp. Đức Chí Tôn và chư Phật Tiên Thánh Thần đã ban truyền thiên kinh vạn điển, Thánh ngôn Thánh giáo thật đầy đủ từ phẩm hạ thừa, trung thừa, cho đến thượng thừa để con người có đủ phương tiện tu học hành đạo, vừa xây dựng thế đạo đại đồng, vừa thực hành thiên đạo giải thoát.

“Thánh ý đã ban cho con từ lâu trong mười mấy năm qua đủ cả tu nội tâm và bình ngoại cảnh. Các con do đó mà tu, mà hành. Lẽ tất yếu hành công tu chứng của các con là phản tỉnh nội cầu, khắc phục cho đến khi nào con thấy được thuần chơn vô ngã thì kết quả sẽ đến với các con.” (Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 01-01 Giáp Tý (02-02-1984).)

Thật là một duyên phước vô cùng lớn lao khi con người được tham dự vào buổi đàn cơ, được diện kiến với các Đấng Thiêng Liêng ngay tại trần gian nầy. Cái thâm tình thiêng liêng vô cùng sâu đậm giữa kẻ Tiên người tục không thể nào dùng văn tự mà diễn tả cho cùng tận được. Song, khi người môn đệ Cao Đài đọc lại những Thánh ngôn Thánh giáo, chúng ta có thể tin chắc rằng Ơn Trên đang hiện hữu giống như trong khung cảnh của buổi đàn cơ trước đây trong quá khứ. Vậy nên, Thánh ngôn Thánh giáo là một kho tàng giáo lý thật sự mầu nhiệm mà Ơn Trên đã ban cho con người trong cơ tận độ thời mạt kiếp nầy.

Con người khi nhìn ra vũ trụ thiên không bên ngoài thì thật là nhỏ bé, nhưng khi soi vào nội thể bên trong thì địa vị không hề hèn mọn, thuộc hàng Tam tài đồng đẳng (thiên-địa-nhơn), có thể sánh cùng Trời đất. Mặt khác, con người có thể cộng thông cùng Thượng Đế, bởi vì mỗi người đều có một đài Hiệp Thiên, nên không cần phải thông qua trung gian của đồng tử. Chính giờ phút công phu thiền định lắng đọng tâm tư, thanh tịnh vô niệm, khai mở trí huệ, con người tiếp nhận được hồng quang thiên điển, nghe được tiếng nói vô thinh từ Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng.
“Các con nên nhớ vào giờ công phu thiền định khai mở cõi lòng tịnh khiết để tiếp nhận luồng hồng quang Thiên điển. Nhiếp thâu được nhiều hay ít là do ở lòng của con. Hồng quang Thiên điển luôn luôn bủa trùm để cứu độ sanh linh. Các con hãy giác ngộ, hãy ý thức với nhau để cùng tu hành hạnh hưởng.” (Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-8 Bính Thìn (07-9-1976).

Vâng, hễ tâm có định thì trí huệ bát nhã phát sinh. Mỗi người sẽ là đồng tử có thể trực tiếp thông công cùng Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng để thực hiện sứ mạng tự độ và độ tha trong trường tiến hóa nầy.

28-01-2010
Thiện Hạnh

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây