Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
31/10/2007
Thiện Hạnh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 02/01/2010

Đời Đạo Song Tu

1. Đạo đời tương đắc

* Đạo (tôn giáo) là đâu? Đời là đâu?

Như đã trình bày, tôn giáo không chỉ hạn hẹp bên trong phạm vi chùa thất, am tự hay nơi thờ cúng tôn nghiêm và đời cũng không phải diễn ra nơi chốn thị thành ồn ào, náo nhiệt, hỉ nộ, ái ố. Sự nhận thức nầy cũng nhằm phân biệt ranh giới giữa đạo (tôn giáo) và đời một cách đơn giản để dễ hình dung mà thôi.

"Còn đời là đâu? Đạo là đâu? Đạo không phải chỉ nơi chùa, thất, thánh đường, am tự, hoặc nhà thờ, còn đời không phải chỉ ở nơi quan trường, doanh thương sản nghiệp. Hai thứ ấy đều có và cũng tại chính nơi con người."[1]

Nhưng khi xét đến yếu tố con người thì dầu thuộc lãnh vực đời hoặc đạo đều giống nhau, không có gì sai khác dị biệt cả.

"Đạo cứu đời. Đời là gì? Là nhơn sanh, là con người. Đạo là chi? Là nhơn sanh, là đạo tâm, đạo hữu."Đức Giáo Tông Đại Đạo, Thiên Lý Đàn, 09-9 Canh Tuất (08-10-1970)

Suy cho cùng, đời hay đạo cũng đều do tâm con người mà hiển thị, khi giao tiếp với ngoại cảnh thì là đời, còn lúc quay trở vào nội tâm lại là đạo.

"Bần Đạo đến để thuyết qua một thời pháp cho chư hiền sĩ, hiền muội hiểu rõ đời đạo vẫn một không hai, và cõi vô hình hữu hình cũng như thế, mọi việc đều do một cái tâm mà thôi."Đức Quan Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Thiền Điện, 20-10 Quý Sửu (14-11-1973)

* Tương đắc

Đời đạo có thể được xem như hai trạng thái có liên hệ mật thiết với nhau trong một thực thể thống nhất. Đời có thể hình dung như thế giới vật chất hữu hình sinh động bên ngoài, còn đạo lại bao hàm cảnh giới tinh thần vô hình trầm mặc bên trong nội thể con người. Tuy nhiên, dù là vật chất hay tinh thần đều không độc lập tách rời nhau, nhưng lại nhịp nhàng tương hỗ qua lại.

Vật chất hữu hình tại thế gian,

Để làm phương tiện giúp muôn vàn;

Tinh thần lẽ sống trong tim óc,

Đời đạo song song mới vững vàng.Đức Linh Quang Thổ Địa, CQPTGL, 18-01 Tân Hợi (13-02-1971)

Do đó, sự hòa hợp giữa đạo và đời mang ý nghĩa rất quan trọng. Đạo và đời cần song hành với nhau theo một tỷ lệ quân bình cân đối. Nếu cán cân thăng bằng giữa đạo và đời bị chênh lệch, tất yếu sẽ mang đến sự bất trắc không tránh khỏi.

"Đời Đạo nếu không hòa hợp đồng hành thì tránh sao khỏi ba tai tám nạn."Đức Quảng Đức Chơn Tiên, CQPTGL, 15-6 Tân Dậu

2. Đời đạo song tu

Do đời đạo không phải là hai phạm trù riêng biệt, mà nó tương quan, tương hệ với nhau. Nếu xét đến khía cạnh con người thì dầu là đời hay đạo cũng vẫn chính là con người. Nếu xét đến khía cạnh tâm linh thì đạo hay đời cũng không ngoài nội tâm.

Đời là thể xác, đạo linh hồn,

Thể xác tượng hình bậc Thế Tôn;

Đạo ấy là hồn linh bất diệt,

Đạo đời xa cách khó sinh tồn.Đức Diêu Trì Kim Mẫu, thánh thất Bình Hòa, 15-8 Đinh Mùi (18-9-1967)

Chính vì thế, con người có thể thực hành cùng một lúc đời đạo song tu. Lúc nhập thế tích cực để xây dựng cuộc đời, khi xuất thế tinh chuyên để cộng thông cùng Đức Thượng Đế trong tâm nội.

"Nương đời hành đạo là đường lối của thế nhân, đem đạo cứu đời là bổn phận người sanh nơi cõi thế. Đời đạo song song sử dụng mới tìm đến mục đích chánh đạo."Đức Giáo Tông Đại Đạo, Ngọc Minh Đài, 10-6 Ất Tỵ (08-7-1965)

2.1. Sự lập dị của người đạo

Tôn giáo nào cũng đều có những giới luật qui điều nhằm khép người tín hữu vào khuôn khổ mẫu mực để trở nên hiền nhân thánh triết. Do đó, khi sinh hoạt chung với người đời, sự khác biệt sẽ là lẽ tất nhiên. Chính giới luật là nhân tố tạo nên sự khác biệt về hình thức sinh hoạt giữa người đạo và người đời. Có thể đơn cử một ví dụ điển hình như một người ăn chay trong buổi tiệc tạo ra một hình ảnh không giống với mọi người. Đành rằng việc ăn chay hay ăn kiêng cũng được xem như một sở thích cá nhân, nhưng đó cũng là một sự lập dị trong tập thể.

"Sống trong tập thể xã hội nhơn quần dù chư đệ muội không muốn lập dị trước thiên hạ, nhưng hình thức tổ chức, qui ước, giáo điều đã nêu lên điểm lập dị của chư đệ muội. Thế muốn hòa mình cùng chúng sanh để phổ độ chúng sanh thì phải làm sao? Giải quyết vấn đế không phải là khó, chỉ khó là chư đệ muội có thể hiện được Đạo qua hình thức tổ chức giáo pháp, giáo điều nơi mỗi chức vị nhân viên đó thôi."Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 29-02 Mậu Ngọ

Giới luật cũng là tác nhân tạo ra sự khác biệt trong việc đối nhân xử thế giữa người đạo và người đời. Giáo lý tôn giáo dạy người đạo phải trau giồi hằng ngày các đức tính như: lễ, nghĩa, liêm, sỉ, ôn, nhu, khiêm, nhượng; đồng thời kềm chế thất tình lục dục.

"Đã là người học Đạo thì phải tiếp nhân xử thế khác hơn người thế tục, nhất là tác phong đạo hạnh, đó là điểm quan trọng, nếu thiếu nó thì không nên Đạo."Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 01-12 Bính Dần

2.2. Đời đạo song tu

Khi người đời thực hành bổn phận của mình đối với gia đình, xã hội, quốc gia; tưởng chừng như việc làm nầy chỉ là thuần túy công việc của thế gian, không có liên hệ gì với đạo lý cả. Tuy nhiên, những việc làm trong bổn phận làm người nầy lại không ngoài đạo lý. Đó cũng chính là bổn phận không chỉ của người đời mà cả người tín hữu tôn giáo.

"Khi làm mọi việc trong bổn phận đối với gia đình quốc gia xã hội cho trọn vẹn, đó là đạo, là đời người trong cõi đời hiện tại. Ngoài ra còn biết tìm phương chước tạo mọi điều kiện giúp đỡ người đời hiểu được, làm được mọi điều lương thiện trong cõi đời và trong cuộc sống của đời người cho có nhân có nghĩa, có hiếu có đễ, có lễ nghĩa liêm sỉ trung tín, đó là đạo rồi chớ còn gì khác nữa.

"Nói xa hơn nữa là con người sau khi hoàn thành nhiệm vụ nơi cõi đời này cho xứng đáng là con người, linh hồn sẽ sang qua thế giới trọn tốt trọn lành của Thánh Tiên Phật sau khi rời bỏ nhục thể. Hiểu như vậy thì đừng ai nghĩ rằng khi đã vào đạo rồi bỏ phế tất cả việc đời, hoặc khi còn làm ăn sinh sống trong cõi đời, lại nói rằng mình chưa tới thời kỳ phải vào nẻo đạo, để chờ đến khi thu xếp việc thế sự cho an sẽ vào đạo tu trì. Nếu nghĩ như thế là sai ý đạo vậy."Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 30-12 Tân Hợi (14-02-1972)

Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn cũng không dạy khác hơn:

"Khi tâm sáng suốt thì bổn phận nào cũng là bổn phận phải hoàn tất. Nói như vậy có lẽ chư đệ muội nghĩ rằng nếu phải hoàn tất thì giờ còn đâu học đạo tu trì. Đó là đạo, đó là tu trì."Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, Vĩnh Nguyên Tự, 10-6 Bính Thìn

Đời đạo song tu được thể hiện rất sinh động qua các hoạt động của con người từ việc đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của cuộc sống cho đến việc xây dựng gia đình hạnh phúc theo luân thường đạo lý.

"Ai lại không sống, không ăn, không mặc, không ở. Ai lại không có gia đình kế tự. Nhưng sự ăn mặc, ở và xây dựng gia đình theo nếp sống hiền lương đạo đức thanh cao trong sạch. Lúc bấy giờ người đời là đạo, đời đạo đi đôi, chớ nào ai phân tách hai lối hai phương cách biệt."Đức Cao Triều Phát, thánh thất Bình Hòa, 28-8 Đinh Mùi (01-10-1967)

Khi thực hiện được như vậy thì đâu còn phân biệt ranh giới giữa đời và đạo. Đạo lý hòa quyện trong mọi sinh hoạt trần thế, lúc ấy đời cũng chính là đạo. Vì thế, người tín hữu đâu cần phải xuất gia, nhập thất mới tu hành được; khi người đời thực hành đạo lý trong giao tiếp đối nhân xử thế thì cũng không khác với người tu. Đó chính là đời đạo song tu vậy.

Đạo đời, đời đạo có đâu xa,

Ma Phật, Phật ma cũng bởi ta;

Đời đạo song tu theo thánh thiện,

Lựa gì cát ái hoặc ly gia.Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 30-12 Tân Hợi (14-02-1972)

Tạm kết

Trần gian là trường tiến hóa cho vạn linh sanh chúng, vì thế, con người đến cõi hồng trần để thực hiện sứ mạng tiến hóa cho bản thân và có trách nhiệm với đồng loại trong cơ tiến hóa chung.

Do đó, con người có trách nhiệm chu toàn các bổn phận đối với gia đình, xã hội, quốc gia, dân tộc. Tuy đây hoàn toàn là những nghĩa vụ đối với đời, nhưng lại là khuôn khổ của đạo lý. Mặt khác, người tín hữu tôn giáo có trách nhiệm truyền bá giáo lý để ứng dụng vào cuộc đời nhằm xây dựng cõi thiên đàng nơi trần thế. Đó chính là sứ mạng nhân sinh của tôn giáo. Bởi lẽ, suy cho cùng, cứu cánh của tôn giáo không chỉ nhắm vào tâm linh siêu việt, mà trước tiên và gần nhất là nhằm hoá giải những nỗi khổ đau và mưu cầu hạnh phúc đích thực cho con người trong cuộc sống hàng ngày. Đó chính là đời đạo song tu vậy.

"Một đời đạo đức là đời lý tưởng. Một cuộc đời đáng sống khi hướng ngoại thì lo giúp thế độ đời, lúc trở vào tâm nội thì trau giồi đạo hạnh, tu đức, tu công, mưu cầu ích chúng lợi dân, xây dựng nếp sống hiệp hòa trong thiên hạ. Hiền Thánh xưa có chi đâu là lạ, biết dưỡng nuôi ý chí giúp đời, ở ăn cho thuận lòng trời, đối với Đạo người thì không tự hối."Đức Lê Đại Tiên, Ngọc Minh Đài, 01-01 Ất Mão (11-02-1975)
Thiện Hạnh

Thầy dành cho trẻ một mùa xuân,
Đi lại trần gian xóa khổ trần,
Như lý Đạo mầu đang cứu cánh,
Cho đời thuần túy nét thanh tân.

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây