Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
THÁNH THẤT BÌNH HÒA (Gia Định) Ngọ thời Rằm tháng 8 Đinh Mùi (18-9-1967) THỂ-LIÊN TIÊN-NỮ chào chư Thiên sắc, Chị mừng ...
-
Đại Lễ Khai Minh Đại Đạo đã diễn ra tại Thiền Lâm Tự - Gò Kén Tây Ninh, sau khi ...
-
“Ta có một thang trị về trí ( tánh hiểu biết), một thang trị về hành (làm theo tánh hiểu ...
-
Đức Chí Tôn và các hàng Phật Tiên Thánh Thần đồng giáng thế bằng linh điển, diễn giải những bí ...
-
Những năm gần đây, dư luận thế giới rất sôi nỗi về “Thuyết âm mưu”. Những “thế lực” vận dụng ...
-
Trong một kiếp giáng sanh xuống trần gần đây nhứt tại Bạc Liêu, Cửu Nương có tên là CAO THOẠI ...
-
"Sự tín ngưỡng : Thầy rất mừng các con giờ nầy đến đây, trước vui cùng các con, Thầy ngẫm ...
-
Nói đến nghệ thuật ca hát dân gian cổ truyền Nam Bộ mà chỉ đóng khung trong một số làn ...
-
I. Định nghĩa Nhân văn: Nhân 人 là con người; Văn: 文 là văn vẻ; văn từ; cái dấu vết ...
-
THẮP ĐUỐC ĐẠI ĐẠO ĐỂ GIEO NIỀM TIN SIÊU VIỆT CAO ĐÀI Đức Chí Tôn khai đạo đã hơn 80 năm, ...
-
Trong quá trình phát triển theo thời gian, hầu như không có tôn giáo nào thoát khỏi tệ nạn phân ...
-
"Hòa bình hay hiệp nhứt, Đức Thượng Đế đã ban cho mỗi con từ khi mới đến trần gian. Con ...
Đạt Truyền
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 24/06/2011
Các thánh sở Cao Đài đặc biệt
Nhìn tổng quát, các thánh sở Cao Đài của hệ phái nào thì được cất theo mẫu mã giống Tòa Thánh, Thánh Tòa, Bửu Tòa của hệ phái đó. Hệ phái Tây Ninh, các thánh sở được cất theo kiểu Tòa Thánh Tây Ninh, nơi mặt trước khuôn vách Hiệp Thiên Đài ở giữa có vẽ hình Tam Thánh ký hòa ước, hai bên có hình Ông Thiện Thần và Ông Ác Thần. Hai tháp lầu chuông lầu trống chia làm năm tầng, mỗi tầng có bao lơn. Hệ phái Ban Chỉnh Đạo, các thánh sở được cất theo kiểu Tòa Thánh Bến Tre. Giữa các từng của hai tháp lầu chuông lầu trống, không có bao lơn. Hai tháp có nóc cao và nhọn. Trên nóc có gắn hình chữ Vạn. Hệ phái Tiên Thiên, các thánh sở được cất và đặt tên thánh sở phần lớn theo lời dạy của Ơn Trên, nhưng cũng có hình dáng đa phần giống Tòa Thánh Châu Minh, mặt trước Hiệp Thiên Đài có vẽ hình con rồng xanh phun năm trái châu. Hai bên lầu chuông và lầu trống có chữ Nhựt và Nguyệt bằng chữ Hán. Các thánh sở của các Tòa Thánh, Thánh Tòa, Bửu Tòa khác của các Hội Thánh khác cũng tương tự.
Không kể các thánh sở trong phạm vi nội ô ở các Tòa Thánh, ở mỗi Hội Thánh đều có các thánh sở Cao Đài đặc biệt về hình thức cũng như nội dung. Riêng các thánh sở đơn lập, phần nhiều mỗi thánh sở đều có đặc điểm riêng tùy theo lời dạy của Ơn Trên.
1-Trí Huệ Cung –Thiên Hỷ Động (hình trên)
Trí Huệ Cung –Thiên Hỷ động thuộc Tòa Thánh Tây Ninh, tại ấp Trường Xuân, xã Trường Hòa, Huyện Hòa Thành, cách Tòa Thánh Tây Ninh khoảng 7 Km về phía Đông Nam, dùng làm tịnh thất cho nữ phái. Đức Phạm Hộ Pháp xây dựng Trí Huệ Cung vào cuối năm 1947, hoàn thành vào ngày 15-12 Canh Dần (22-01-1951).Trí Huệ Cung nằm trong khu đất có vòng rào vuông vức rộng lớn bốn bên, mỗi bên có xây một cổng lớn ra vào, trên cổng có tấm bảng đề chữ “THIÊN HỶ ĐỘNG”. Hai cột cổng có gắn một đôi liễn Trí Huệ:
Trí định thiên lương qui nhứt bổn
Huệ thông đạo pháp độ quần sanh
Trí Huệ Cung là một tòa nhà có hình khối lập phương có hình tướng nhiệm mầu với bề cao 12 mét, chia làm ba tầng mỗi tầng 4 mét y như nhau, bốn bên, mỗi mặt có cạnh là 12 mét, vuông vức như cái hộp. Ở giữa trung tâm có một cây cột đội luôn 3 tầng đến nóc, gọi là “Nhứt trụ xang Thiên”. Đứng trước Trí Huệ Cung nhìn vào, thấy chỉ có hai tầng, đó là hai tầng trên, tầng dưới nằm dưới mặt đất. Nơi đây có chỗ để ngồi luyện đạo và cầu nguyện. Tầng trên thờ Đức Chí Tôn, và có trưng bày một số kỷ vật di tích của Đức Phạm Hộ Pháp.
Người muốn vào tu trong Trí Huệ Cung phải có đủ Tam Lập là Lập Công, Lập Đức và Lập Ngôn. Phương tu trong Trí Huệ Cung ngày nay gọi là tu chơn. Người tu ở Trí Huệ Cung không có chức sắc, phẩm tước, tất cả đều là đồng tu như nhau.
Mỗi ngày Trí Huệ Cung cúng tứ thời đủ các bài kinh nhưng không đèn không nhang. Người ở Trí Huệ Cung, bất cứ đứng ngồi nơi đâu, khi nghe lịnh đổ kiểng (giựt chuông) liền đứng dậy, tay bắt ấn Tý, day mặt hướng về Trí Huệ Cung tưởng niệm.
Sau ngày làm lễ trấn thần và khánh thành, ngay ngày hôm sau, 16 tháng giêng Tân Mão 1951, Đức Phạm Hộ Pháp là người đầu tiên nhập tịnh ở Trí Huệ Cung, đồng thời để cầu nguyện cho bá tánh trong ba tháng mới xuất tịnh.
2-Trí Giác Cung – Địa Linh Động (hình dưới)
Trí Giác Cung – Địa Linh Động thuộc Tòa Thánh Tây Ninh ở ấp Trường Thiện, xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành, cách Tòa Thánh Tây Ninh khoảng 3 km về hướng Đông Nam, dùng làm tịnh thất cho cả nam và nữ phái. Bảng hiệu trước cổng vào đền thờ Đức Mẹ bên tả và hữu có đề chữ “Đạo Pháp Vô Biên”. Chính giữa hai cổng ấy là Tòa Trí Giác Cung. Trí Giác Cung là một tầng hình vuông biệt lập với đền thờ Phật Mẫu, có khuôn viên riêng biệt nhưng cùng chung một vòng rào bao bọc với đền thờ Phật Mẫu. Trên chính diện Trí Giác Cung có đôi liễn:
Trí linh quán thế Thiên cơ đạt,
Giác huệ siêu phàm Đạo pháp thông.
Nơi đây trước kia là cơ sở của trường Qui Thiện, do Ông Giáo Thiện Đinh Công Trứ qui tụ các bạn đạo Minh Thiện Đàn ở Phú Mỹ (Mỹ Tho) về Tòa Thánh sáng lập vào ngày 26 tháng 9 Quí Mùi (24-10-1943), có các cơ sở Phước thiện như Nhà Minh Thiện, Khách Thiện đường, Học đường, Y tế, Bảo sanh, Dưỡng đường, cơ sở nông tang, công nghệ, thương mãi. Đặc biệt có đền thờ Phật Mẫu, thờ Đức Phật Mẫu, Cửu vị Tiên nương, và Bạch Vân Động chư Thánh. Ngày 14 tháng 8 năm Bính Tuất (9-9-1946), Đức Phạm Hộ Pháp tổ chức rước Long vị Đức Phật Mẫu cùng lư hương và đất thiêng tại đền thờ Phật Mẫu ở Qui Thiện Đường về thờ nơi Báo Ân Từ trong nội ô Tòa Thánh. Nghi thức lễ tiếp rước diễn ra thật long trọng, có bàn hương án, long mã, dùng hai dàn nhạc, hai bộ lễ, có đủ Lôi Âm Cổ và Bạch Ngọc Chung, chức sắc Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài đủ ba phái, Phước thiện Hội Thánh. Đền thờ Phật Mẫu tuy bằng cây lợp lá nhưng đây là đền thờ Phật Mẫu đầu tiên của đạo Cao Đài Tây Ninh sau 21 năm khai đạo. Ngày mùng 01 tháng 02 năm 1947 (Đinh Hợi), Đại lễ cúng Đức Phật Mẫu đầu tiên được tổ chức tại Báo Ân Từ, sau khi quả Càn Khôn được đưa về thờ tại Tòa Thánh. Ở Qui Thiện, đền thờ Phật Mẫu được khánh thành vào ngày 16&17 tháng 7 Mậu Tý (20&21-8-1948). Một tháng sau cuộc lễ khánh thành Đền Phật Mẫu, do sự cho phép của Đức Hộ Pháp, lễ Hội Yến Diêu Trì Cung được tổ chức lần đầu tiên sau 22 khai đạo. Kể từ lúc ấy, lễ Hội Yến Diêu Trì Cung cũng được tổ chức hàng năm tại đền thờ Phật Mẫu trong trường Qui Thiện vào đêm 14 tháng 8, sau khi cúng Đại Lễ Đức Phật Mẫu xong. Còn nơi Báo Ân Từ trong Tòa Thánh thì cúng Hội Yến Diêu Trì Cung vào đêm Rằm tháng 8 và khởi lễ lúc 10 giờ khuya.
Sau khi Ông Đinh Công Trứ mất, qua bốn đời cai quản, vào ngày 5 tháng Chạp năm Giáp Ngọ (29-12-1954), do huấn lệnh số 285/VP-HP, Đức Phạm Hộ Pháp chánh thức chuyển đổi Trường Qui Thiện thành một cơ sở Tịnh thất gọi là Trí Giác Cung - Địa Linh động để qui tụ có cả nữ phái vào tu tịnh, gìn giữ nguyên bổn chơn truyền với phương tu Chơn. Người tu không nhận lãnh tước phẩm theo như Thánh lịnh ban hành ngày 16-01 Kỷ Sửu (13-02-1949) quy định: “Chư vị hảo tâm hiến công quả tại trường Qui Thiện không nhận lãnh tước phẩm chi hết. Cả thảy công quả nam phụ lão ấu chỉ giữ bổn phận tín đồ, tùng lịnh Hội Thánh mà thi hành chủ nghĩa cao khiết cho tới ngày về thiêng liêng vị mà thôi.”
Sau đó, lần lượt Hộ Pháp Đường được tôn tạo, Trí Giác Cung được xây dựng theo kiểu độc điện mặt hướng ra lộ Trung Hòa, không có hậu điện. Mặt sau đâu hậu với đền thờ Phật Mẫu. Trí Giác Cung có tầng ngầm như Trí Huệ Cung, có vòng rào biệt lập nhỏ bé chỉ vừa với khung cảnh tòa nhà Trí Giác Cung. Đến nay, Trí Giác Cung chưa được khánh thành. Đức Hộ Pháp đã định vị Thời Quân Khai Pháp Trần Duy Nghĩa đến trấn nhậm tại Trí Giác Cung – Địa Linh Động. Sau khi vị Thời Quân Khai Pháp qui thiên, lập vị thờ tại tòa nhà Trí Giác Cung nầy.
Về sau, trong ba năm ròng rã, ở Trí Giác Cung, đền thờ Phật Mẫu được xây dựng kiên cố theo kiểu Thánh thất có hai tầng, có lầu Chuông, lầu Trống, lễ an vị tổ chức ngày 19-12 Bính Ngọ (29-01-1967). Tầng trên thờ Đức Chí Tôn là để tượng trưng, không cúng đàn vía. Tầng dưới thờ Đức Phật Mẫu, ở hai bên thờ Cửu vị Nữ Phật, Bạch Vân Động chư Thánh. Chỉ có ở Trí Giác Cung và Tòa Thánh Tây Ninh mới có đền thờ Phật Mẫu, và ở địa phương, bên cạnh các Thánh thất Tây Ninh thường có điện thờ Phật Mẫu. Ở các Hội Thánh của các hệ phái khác, cạnh Tòa Thánh là Diêu Trì Bửu Điện là nơi thờ Đức Mẹ; ở địa phương, cạnh Thánh thất không có cất Diêu Trì Bửu Điện. Đức Khai Pháp Trần Duy Nghĩa là người đầu tiên vào nhập tịnh trong Trí Giác Cung.
3-Cực Lạc Cảnh (hình dưới)
Cực lạc Cảnh thuộc ấp Hiệp Long, xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành, thuộc phận đạo đệ tứ cũ, là ngôi chùa Cao Đài nằm gần với “Điện thờ Phật Mẫu đệ tứ” trong khu đất do Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh mua vào năm 1926. Trong chùa nầy có nhiều cốt tượng Phật và đặc biệt là có cả cốt các vị Giáo chủ Tam Giáo như Thích Ca, Thái Thượng, Khổng Tử, Tam Trấn Oai Nghiêm: Đức Quan Âm, Đức Lý Thái Bạch, Đức Quan Thánh Đế Quân, Chúa Giêsu và Khương Thái Công. Các tượng cốt nầy trước đây thờ trong Tòa Thánh Tây Ninh, trước nữa là thờ ở Thánh thất Gò Kén trong dịp lễ Khai Minh Đại Đạo vào ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần. Sau khi xây cất Đền Thánh Tây Ninh xong, Các đấng được thờ bằng bài vị, vả lại trên bao lam đã có tượng hình của Tam Giáo, Ngũ Chi, cho nên các cốt tượng nầy được đem vào thờ trong chùa Cực Lạc. Chùa nầy đã được trùng tu lại khang trang, hằng năm được cúng đầy dủ nghi thức với hương bông trà tửu. Tòa Thánh Cao Đài Bến Tre và các Thánh thất Cao Đài Ban Chỉnh Đạo đều thờ cốt tượng y như lúc mới khai đạo Cao Đài.
4-Đàn Khai Nguyên- Cao Đài Hội Thánh (hình dưới)
Đàn Khai Nguyên-Cao Đài Hội Thánh thuộc hệ phái Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, người địa phương gọi là Chùa Cao, được xây trên đỉnh đồi cao ở tại thị trấn Dương đông Phú Quốc, Kiên Giang, là di tích đầu tiên của đạo Cao Đài.
Để kỷ niệm nơi Đức Ngô Minh Chiêu, người được Đức Cao Đài Thượng Đế nhận làm đệ tử đầu tiên, năm 1961, một số đệ tử Chiếu Minh ở đàn Long Hoa Sài Gòn gồm quý ông: Nguyễn Văn Truyện, Bùi Thiện Hùng, Trần Minh Trí, đến Phú Quốc, xây cất Đàn Khai Nguyên-Cao Đài Hội Thánh trên nền cũ của Quan Âm Tự bị bỏ phế. Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy: “Chí Tôn đã dùng một di tích đầu tiên nơi Dương Đông Phú Quốc và đã truyền giao cho Ngô Văn Chiêu nhận lãnh dấu hiệu Thiên Nhãn để làm biểu tượng thờ phượng trong đạo Cao Đài từ ấy đến nay.” Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 20-02 Quý Sửu (24-3-1973).
Ngày 26-10-1920, ra làm Chủ quận hải đảo Phú Quốc, Ngài Ngô Minh Chiêu thường lập đàn cầu cơ thỉnh Tiên ở chùa Quan Âm, sau đó ở Sùng Hưng Tự cùng với quý ông: hương hào Trương Văn Khâu, thầy giáo Nguyễn Văn Mẫn, hội đồng Đinh Văn Phanh, bà Phủ Phẩm, bà Đinh Thị Lang cùng nhiều vị khác trong đó có đồng tử Lê Văn Ngưng. Kể từ mồng một Tết Tân Dậu (08-02-1921) Ngài Ngô Văn Chiêu vâng lệnh dạy của Đức Cao Đài Tiên Ông trường trai ba năm và trở thành người học trò đầu tiên thọ giáo Đức Cao Đài Thượng Đế và được lập những đàn cơ riêng biệt do đồng tử Lê Văn Ngưng phò ngọc cơ, chỉ một mình Ngài dự hầu để học đạo lý và đạo pháp. Đến ngày 13 tháng 3 năm Tân Dậu (20-4-1921), Ngài Ngô Văn Chiêu tiếp nhận Thiên Nhãn tại dinh Quận, nơi gần Đàn Khai Nguyên - Cao Đài Hội Thánh.
5- Vĩnh Nguyên Tự (hình dưới)
Vĩnh Nguyên Tự là di tích lịch sử thứ hai của đạo Cao Đài. Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy như sau: “Di tích thứ hai là Vĩnh Nguyên Tự. Chí Tôn đã dùng nơi nầy thâu nhận những sứ đồ trung kiên làm nòng cốt, ban phong Thiên sắc để nhận lãnh công việc khai đạo truyền bá giáo lý trong Tam kỳ Phổ độ. Nơi đây đã là nơi Chí Tôn lập các kinh điển luật pháp đạo trong buổi sơ khai.” Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 20-02 Quý Sửu (24-3-1973). Vĩnh Nguyên Tự, nơi chuyển từ Cựu pháp sang Tân pháp trong Tam kỳ Phổ độ, Đức Chí Tôn vận chuyển cho các Ngài Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc đến để luận bàn hoạch định cùng nhận lãnh thi hành sứ mạng Khai Minh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và sắc phong hai vị đầu sư và Hộ Pháp đầu tiên của đạo Cao Đài.
Vĩnh Nguyên Tự được xây dựng năm 1908 tại xã Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, nay là tỉnh Long An, do Ngài Lê Văn Tiểng, đạo hiệu là Lê Đạo Long, truyền thừa mối đạo Minh Đường từ năm 1876. Ngài tu luyện đến phẩm Thái Lão Sư, chứng quả Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, là thân sinh của Ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt. Lúc sanh tiền, Ngài Lê Đạo Long có tiên tri rằng: “Nơi đây Thập nhị Khai Thiên của Đại ĐạoTam Kỳ Phổ Độ hoằng khai chánh pháp chơn truyền sau nầy.” Tiếp nối đạo nghiệp của thân phụ, Ngài Lê Văn Lịch (1890-1947) trụ trì Vĩnh Nguyên Tự. Ngày 04-3-1926, chư Tiền khai Đại Đạo đến lập đàn cơ tại Vĩnh Nguyên Tự, được Ngài Lê Đạo Long lâm đàn nhắc lại lời tiên tri khi xưa và khuyên bổn đạo tại Vĩnh Nguyên Tự quy nhập Cao Đài. Tuân lời dạy trên, trưởng đồ của Ngài Lê Đạo Long là Thái Lão Sư Trần Đạo Minh (1857-1927) thọ thiên phong Ngọc Chưởng Pháp và Ngài Lê Văn Lịch thọ thiên phong Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt. Từ đây, Vĩnh Nguyên Tự thờ Thánh tượng Thiên Nhãn đạo Cao Đài để chuẩn bị cho công cuộc khai minh Đại Đạo.
Từ đó, Ơn Trên dạy Ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt chọn kinh nhựt tụng cho đạo Cao Đài như Ngọc Hoàng Kinh, ba bài kinh Tam Giáo Đạo Tổ, dạy pháp môn tu thiền cho quý Ngài Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Nguyễn Ngọc Thơ.., soạn thảo Tân Luật. Cũng nơi đây, Ơn Trên thiên phong một số chức sắc Tiền Khai và ban tịch đạo Nam phái.
Năm 1973, Vĩnh Nguyên Tự làm lễ khánh thành tái thiết với sự giúp sức của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo. Tái thiết Vĩnh Nguyên Tự trước nhứt là tái thiết một di tích lịch sử khai Đạo, để kiện toàn Thánh thể Đức Chí Tôn và cũng tạo điều kiện làm sáng tỏ danh Đạo. Vĩnh Nguyên Tự nguyên là chùa Phật nên hình dáng bên ngoài vẫn giữ y như chùa Phật, danh xưng vẫn giữ y nguyên như xưa, nhưng nghi thức thờ phượng và pháp môn tu hành thì theo Tân pháp Cao Đài. Vĩnh Nguyên Tự là một trong mười tịnh trường tu theo pháp môn Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, tham gia mở khóa tu tịnh bốn mùa Xuân phân, Hạ chí, Thu phân và Đông chí hàng năm. Hiện nay, Vĩnh Nguyên Tự đang có kế hoạch xây dựng mở rộng trường tịnh để chuẩn bị cho các đợt tịnh sắp đến.
(còn tiếp kỳ sau…)